Phileas Fogg khi rời Luân Đôn, hẳn không ngờ rằng cuộc ra đi của ông lại gây nên một tiếng vang ầm ĩ đến thế. Cái tin về vụ đánh cuộc trước hết truyền đi trong Câu lạc bộ Cải cách và gây một xúc động thật sự trong các hội viên của Câu lạc bộ đáng kính này. Rồi, từ Câu lạc bộ, mối xúc động ấy truyền sang giới báo chí bằng con đường những phóng viên, và qua báo chí truyền đến công chúng ở Luân Đôn và khắp Vương quốc Liên hiệp.
“Câu chuyện đi vòng quanh thế giới” ấy được bình luận, tranh cãi, mổ xẻ cũng say mê và sôi nổi như đó là một vụ Alabama mới27. Người này đứng về phía Phileas Fogg, người kia chống lại ông và chẳng bao lâu phe phản đối chiếm đa số áp đảo. Cuộc đi vòng quanh thế giới ấy phải tiến hành khác với trên lý thuyết và trên giấy, trong khoảng thời gian tối thiểu ấy với những phương tiện giao thông hiện có, đấy không chỉ là chuyện không thể thực hiện, đấy là sự điên rồ!
Những tờ Thời báo, Ngọn cờ, Ngôi sao Buổi tối, Thời sự Buổi sáng, và hai mươi tờ báo đông độc giả khác tuyên bố chống lại ông Fogg. Duy có tờ Điện báo Hằng ngày là ủng hộ ông trong một chừng mực nào đó. Phileas Fogg thường bị xem là kẻ cuồng si, một thằng điên, và các bạn đồng sự của ông ở Câu lạc bộ Cải cách thì bị trách cứ vì đã tiếp nhận vụ đánh cuộc này, nó chứng tỏ cái người đề xướng ra nó là một kẻ thần kinh suy nhược.
Trên vấn đề này, xuất hiện những bài báo hết sức sôi nổi mà biện luận chặt chẽ. Ta biết cái hứng thú đặc biệt của người Anh đối với tất cả những gì liên quan đến khoa học địa lý. Cho nên không một độc giả dù thuộc tầng lớp nào lại không đọc nghiến ngấu những cột báo viết về sự kiện Phileas Fogg.
Những ngày đầu, một vài đầu óc táo bạo – chủ yếu là các bà ủng hộ Phileas Fogg, nhất là khi tờ Báo ảnh Tin Luân Đôn đăng chân dung ông theo bức ảnh của ông để ở phòng lưu trữ Câu lạc bộ Cải cách. Một số nhà quý phái còn dám nói: “Ề! Ề! xét cho cùng sao lại không thể? Ta đã thấy khối chuyện còn lạ hơn thế nữa kia mà!” Phần lớn đó là những độc giả của tờ Điện báo Hằng ngày. Nhưng chăng bao lâu người ta cảm thấy chính tờ báo này cũng bắt đầu yếu thế.
Thật vậy, một bài báo dài đã xuất hiện ngày mồng 7 tháng mười trên tờ Tạp chí Hội địa lý hoàng gia. Bài báo nghiên cứu vấn đề trên tất cả mọi phương diện và ehứng minh rõ ràng tính chất điên rồ của việc này. Theo bài báo ấy, tất cả đều chống lại nhà du lịch, nào là trở ngại của con người, nào là trở ngại của thiên nhiên. Muốn đạt được kế hoạch ấy phải có một sự phù hợp thần kỳ giữa các giờ đi và giờ đến, sự phù hợp này không có và không thể có. Cùng lắm, và chỉ ở Châu Âu, mà ở đây quãng đường đi lại tương đối ngắn, người ta có thể trông cậy vào giờ đến cố định của những chuyến xe lửa: nhưng khi những xe lửa phải để mất ba ngày qua Ấn Độ, bảy ngày qua Hoa Kỳ thì liệu người ta có thể dựa trên sự chính xác của chúng để lập nên những phần tử của một bài toán như vậy được không? Rồi còn máy móc trục trặc, những vụ trật bánh trên đường ray, xe cộ đâm nhau, thời tiết xấu, tuyết phủ dày chẳng phải là tất cả đều chống lại Phileas Fogg đấy ư? Đi tàu bể về mùa đông, chẳng phải là ông bị phó mặc cho gió dữ và sương mù đó sao? Thiếu gì những nhà du hành cự phách trên các tuyến đường vượt đại đương còn bị những vụ chậm trễ vài ba ngày? Thế mà chỉ cần một lần chậm trễ, một lần thôi, cũng đủ cho cả chuỗi dây chuyền giao thông bị phá vỡ không cứu vãn nổi. Nếu Phileas Fogg bị lỡ một chuyến tàu bể dù chỉ vài giờ, ông bắt buộc phải đợi chuyến sau, và chính vì thế cuộc viễn du của ông chắc chắn bị nguy hại không gỡ được.
Bài báo đã chấn động dư luận. Hầu hết các báo hàng ngày đều đăng lại, và thanh danh Phileas Fogg bị sút kém ghê gớm.
Những ngày đầu sau buổi lên đường của nhà quý phái. Nhiều vụ kinh doanh quan trọng được tổ chức quanh “sự may rủi” của cuộc viễn du của ông. Ai cũng biết giới đánh cuộc ở nước Anh là thế nào, một giới thông minh hơn, cao quý hơn giới đánh bạc. Đánh cá là nằm trong tính khí người Anh. Vậy nên không chỉ nhiều hội viên Câu lạc bộ Cải cách tổ chức những vụ đánh cá lớn tán thành hoặc chống lại Phileas Fogg mà cả quần chúng đông đảo cũng gia nhập phong trào. Tên của Phileas Fogg được ghi như một con ngựa đua, trong một thứ sổ lý lịch ngựa. Người ta cũng biến ông thành một thứ chứng khoán được lập tức định giá trên quảng trường Luân Đôn. Người ta hỏi, người ta rao chứng khoán “Phileas Fogg” với giá nhất định hoặc có thưởng, và những vụ kinh doanh khổng lồ đã hình thành. Nhưng năm ngày sau khi ông ra đi, sau bài báo của Tạp chí Hội địa lý, người ta bắt đầu đổ xô đi rao chứng khoán Phileas Fogg. Chứng khoán Phileas Fogg bị sạt giá. Người ta rao bán từng bó. Mới đầu người ta bằng lòng nhận mua với giá một ăn năm, rồi một ăn mười, sau đó người ta chỉ nhận mua với giá một ăn hai muơi, một ăn năm mươi, một ăn một trăm!
Còn lại một người duy nhất ủng hộ Phileas Fogg. Đó là ông già bại liệt, nghị sĩ Albermale. Nhà quý phái đáng kính, bị chôn chân vào chiếc ghế bành, hẳn sẵn sàng đổi cả tài sản của mình lấy một chuyến đi vòng quanh thế giới, dù phải mất mười năm! Và ông đánh cuộc năm nghìn livrơ (100.000 phật lăng) về phía ủng hộ Phileas Fogg. Và khi người ta chứng minh cho ông thấy cái ý đồ ấy không những rồ dại mà còn chẳng được ích lợi gì, ông chỉ trả lời: “Nếu như việc này làm được, mà cái người đầu tiên thực hiện nó lại là người Anh thì càng hay chứ sao!”.
Thế nhưng vào lúc này, những người hưởng ứng Phileas Fogg ngày càng hiếm: tất cả mọi người, và không phải không lý do, đều chống lại ông ta: người ta chỉ nhận mua chứng khoán Phileas Fogg với giá một ăn một trăm năm mươi, một ăn hai trăm, cho đến khi bảy ngày sau khi ông ra đi, một sự kiện hoàn toàn bất ngờ khiến không còn ai mua chứng khoán ấy nữa.
Thật vậy, ngày hôm đó lúc chín giờ tối, ông giám đốc sở cảnh sát chính quốc nhận được một bức điện báo như sau:
“Suez gởi Luân Đôn.
Rowan, giám đốc sở cảnh sát, cơ quan trung ương, quảng trường Scotland.
Tôi đang theo hút tên kẻ trộm Ngân hàng, Phileas Fogg. Gửi ngay lệnh bắt đến Bombay (Ấn Độ thuộc Anh)
Fix, thám tử”
Hiệu quả bức điện báo thấy ngay tức khắc. Nhà quý phái đáng kính không còn nữa thay vào đó là tên kẻ trộm Ngân hàng. Tấm ảnh hắn ta để ở Câu lạc bộ Cải cách cùng với ảnh các bạn đồng sự được đem ra tra xét. Nó phản ánh đúng từng nét con người mà một điều tra đã cho biết hình dạng. Người ta nhớ lại những gì bí ẩn trong cuộc đời Phileas Fogg, lối sống cô độc của ông, cuộc ra đi đột ngột của ông và rõ ràng con người này mượn cớ một cuộc du lịch vòng quanh thế giới và dựa trên một chuyện đánh cuộc vô nghĩa lý không có mục đích nào khác là đánh lạc hướng các viên chức sở cảnh sát Anh.
……………….
[←27]
Trong thời nội chiến ở Mỹ giữa các bang Bắc và Nam (1861- 1865) một chiếc tuần dương hạm của phe miền Nam ở Bang Alabama (một bang miền Nam của Hoa Kỳ, thủ đô Montgomery) đã gây một thiệt hại nặng nề cho ngành thương mại trên biển của nước Anh. Vụ kiện đòi bồi thường những thiệt hại đó (vụ án “Alabama”) đã kéo dài nhiều năm.