Phần X – Vạn Năng rất đỗi sung sướng chịu mất đôi giày để được thoát nạn như thế nào

Phần X – Vạn Năng rất đỗi sung sướng chịu mất đôi giày để được thoát nạn như thế nào

Ai cũng biết là nước Ấn Độ – cái hình tam giác khổng lồ lộn ngược có đáy ở phía bắc và đỉnh ở phía Nam ấy – có diện tích một triệu bốn mươi vạn dặm vuông30 trên đó được phân bố không đều một dân số là một trăm tám mươi triệu người. Chính phủ Anh đã thiết lập được quyền thống trị thực sự trên một phần đất nước mênh mông này. Một quan toàn quyền đặt ở Calcutta, những quan thống đốc ở Madras, Bombay, Bengale, và một trung tướng-thống đốc ở Agra.

Nhưng Ấn Độ thuộc Anh thực thụ chỉ chiếm một diện tích bảy mươi vạn dặm vuông với một dân số từ một trăm đến một trăm mười triệu người. Như thế cũng đủ nói rằng một phần quan trọng lãnh thổ còn lọt ra ngoài quyền lực của nữ hoàng và quả thật tại những miền ở sâu bên trong của một số vương hầu dữ tợn và đáng sợ, quyền độc lập của Ấn còn là tuyệt đối.

Từ 1756 – thời kỳ được thiết lập thuộc địa Anh đầu tiên trên địa phận ngày nay là thành phố Madras – cho đến năm nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn của binh lính Ấn Độ31. Công ty Ấn Độ nổi tiếng này nắm hết mọi quyền hành. Nó thôn tính dần dần nhiều tỉnh khác nhau bằng cách mua của các vương hầu Ấn Độ theo lối trả lợi nhuận hàng năm mà nó trả ít hoặc không trả gì hết, nó bổ nhiệm quan toàn quyền và tất cả các viên chức dân sự hoặc quân sự nhưng bây giờ nó không còn tồn tại nữa và những thuộc địa Anh ở Ấn Độ trực tiếp thuộc nữ hoàng.

Vì vậy quang cảnh, phong tục, những khu vực nhân chủng có khuynh hướng ngày một thay đổi. Xưa kia, người ta đi lại ở đây bằng đủ mọi phương tiện giao thông cổ sơ, đi bộ, cưỡi ngựa, xe bò, xe cút kít, ngồi kiệu, người cõng, xe ngựa, v.v… Ngày nay các tàu thủy phóng hết tốc lực trên sông Indus, sông Hằng Hà32 và một con đường sắt xuyên suốt bề ngang Ấn Độ, dọc đường có phân nhánh, nối liền Bombay với Calcutta chỉ mất có ba ngày.

Lối đi của con đường sắt ấy không xuyên qua Ấn Độ theo đường thẳng. Khoảng cách theo đường chim bay chỉ từ một nghìn mốt dặm thôi và nếu theo khoảng cách đấy thì những đoàn tàu chỉ cần với tốc độ trung bình cũng không đi mất đến ba ngày, nhưng khảng cách ấy tăng thêm ít nhất một phần ba bởi đường dây cung do con đường sắt tạo ra khi phải lên cao đến tận Allahabad ở phía bắc bán đảo.

Dưới đây trình bày vắn tắt lối đi của “Đường sắt bán đảo Đại Ấn” trên những điểm lớn. Rời đảo Bombay, nó xuyên qua Salcette nhảy vào lục địa ở trước mặt Tannah, vượt qua dãy núi Ghâtes, chạy lên đông bắc đến Burhampour, đi qua nội địa hạt gần như độc lập Bundelkund, lên cao đến tận Allahabad, uốn cong về phương đông, gặp sông Hằng ở Bénarès, khẽ tách khỏi khỏi sông Hằng một chút, rồi lại đi xuống đông nam qua Burdivan và thành phố Pháp Chandernagor và chấm dứt ở ga đầu cùng Calcutta.

Bốn giờ rưỡi chiều hành khách tàu Mongolia đã lên đến Bombay và đúng tám giờ thì xe lửa sẽ khởi hành đi Calcutta.

Vậy là ông Fogg cáo từ các bạn chơi bài, rời khỏi tàu, bảo ban người hầu về chi tiết vài đồ vật cần mua, căn dặn anh rành rẽ là phải có mặt ở nhà ga trước tám giờ, rồi với bước chân đều đều điểm từng giây như quả lắc một đồng hồ thiên văn ông đi đến phòng thị thực hộ chiếu.

Thế là không tưởng gì đến chuyện đi xem các kỳ quan của Bombay, kể cả tòa thị chính, thư viện tráng lệ, các pháo đài, các bến tàu, chợ bông, các cửa hàng tạp hoá, cả các giáo đường Hồi giáo, các nhà thờ Do thái, các nhà thờ ácmên, cả ngôi chùa Malebar-Hill lộng lẫy được trang điểm hai ngọn tháp hình đa giác. Ông không đến chiêm ngưỡng cả các kiệt tác ở đảo Éléphanta lẫn những hầm mộ bí hiểm của nó ẩn mình trong lòng đất phía đông nam vùng biên, cả những hang động Kanhérie ở đảo Salcette là những di tích kỳ diệu của nền kiến trúc phật giáo!

Không! Ông không xem gì hết. Rời phòng thị thực hộ chiếu, Phileas Fogg thản nhiên đi ra ga và ở đây ông gọi bữa ăn tối. Ngoài các món khác ra, người chủ khách sạn tự thấy phải mời ông xơi món thịt thỏ nấu xốt vang của thứ “thỏ địa phương” mà anh ta hết lời ca tụng với ông.

Phileas Fogg nhận lời và tận tình thưởng thức món thỏ xốt vang nhưng mặc dầu thứ nước đầy gia vị ông vẫn thấy nó ngán phè.

Ông bấm chuông gọi người chủ khách sạn.

– Này anh. – Ông vừa nói vừa nhìn hắn chòng chọc, – thịt thỏ đấy à?

– Vâng, thưa quý ông, – tên vô lại trơ tráo trả lời, – thịt thỏ rừng ạ.

– Vậy cái con thỏ ấy có kêu meo meo khi người làm thịt nó không?

– Kêu meo meo ư! Ồ! Thưa quý ông! Nó là một con thỏ! Tôi xin thề với quý ông.

– Ông chủ khách sạn này, – ông Fogg lạnh lùng nói tiếp. – Ông đừng thề và xin nhớ điều này: xưa kia ở Ấn Độ những con mèo đã từng được coi là những con vật thiêng liêng. Thời hoàng kim ấy.

– Thời hoàng kim của những con mèo ấy ư, thưa quý ông.

– Và của cả những hành khách nữa chứ!

Nhận xét xong ông Fogg thản nhiên ăn tiếp.

Mấy phút sau khi ông Fogg đi, viên mật thám Fix cũng rời khỏi tàu Mongolia và chạy đến gặp ông Giám đốc sở cảnh sát Bombay. Ông tự giới thiệu tư cách nhà thám tử của ông, nhiệm vụ ông được giao, tình thế của ông đối với kẻ được coi là thủ phạm vụ trộm. Ở đây đã nhận được trát bắt của Luân Đôn chưa?… Thế ra chưa có gì cả. Và quả thật, cái lệnh bắt ấy lên đường sau Fogg, chưa thể nào đã tới được.

Fix hết sức bối rối. Ông muốn ngài giám đốc ra lệnh bắt tên Fogg. Ngài giám đốc chối từ. Việc này liên quan đến nhà cảnh sát chính quốc và chỉ cơ quan này mới có quyền xuất lệnh bắt một cách hợp pháp. Tính nguyên tắc chặt chẽ ấy, sự tuân thủ nghiêm ngặt đối với pháp luật ấy là hoàn toàn dễ hiểu theo phong tục của người Anh vốn không chấp nhận một sự độc đoán nào trên phạm vi tự do cá nhân.

Fix không nài nữa và hiểu rằng đành phải chờ lệnh bắt. Nhưng ông quyết định sẽ không rời mắt khỏi tên vô lại khó hiểu này trong suốt thời gian hắn đi Bombay. Ông tin rằng Phileas Fogg sẽ lưu lại ở Bombay – vì như ta biết, cả Vạn Năng cũng đinh ninh như thế – do đó mà lệnh bắt sẽ có thời gian tới kịp.

Nhưng từ lúc nhận được những mệnh lệnh cuối cùng của ông chủ mình khi rời khỏi tàu Mongolia. Vạn Năng đã hiểu rõ ràng ở Bombay cũng như ở Suez và Paris vậy thôi, cuộc viễn du sẽ không chấm dứt tại đây, nó sẽ tiếp tục ít nhất đến tận Calcutta, và có thể còn xa hơn nữa. Và anh bắt đầu tự hỏi biết đâu chuyện đánh cuộc ấy của ông Fogg lại chẳng hoàn toàn nghiêm chỉnh và biết đâu số mệnh lại chả lôi cuốn anh, con người chỉ muốn sống yên thân vào một cuộc hành trình vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày!

Trong thời gian đợi tàu và sau khi đã mua được vài chiếc áo sơ mi và đôi bít tất, anh dạo chơi các phố Bombay. Anh thấy dân chúng tụ tập rất đông và giữa những người Châu Âu đủ mọi quốc tịch là những người Ba Tư đội mũ trùm chóp nhọn, người Bunhyas vấn khăn tròn, người Sindes đội mũ vuông, người Arménie bận áo chùng, người Parsi đội mũ đen. Đây chính là một ngày hội của dân Parsi hoặc Guèbre, con cháu trực hệ của những tín đồ Zoroastre33. họ là những người Ấn Độ khéo léo nhất, văn minh nhất, thông minh nhất, khắc khổ nhất, cái chủng tộc sinh ra những thương gia bản xứ giàu có ở Bombay hiện nay. Ngày hôm ấy họ cử hành một thứ hội hóa trang tôn giáo, có rước, và các trò vui giải trí trong đó những vũ nữ Ấn Độ mặc áo the hồng dát vàng bạc theo tiếng đàn thất huyền và tiếng trống nhảy múa đẹp tuyệt trần, mà vẫn thật là lịch sự.

Nếu Vạn Năng có ngắm nhìn những đám lễ kỳ lạ ấy, nếu những con mắt và lỗ tai anh có mở banh ra để nhìn và nghe, nếu vẻ người nét mặt anh có đúng hệt một “anh thộn” ngốc nghếch nhất mà ta có thể hình dung được thì ta cũng chẳng cần phải nói dài ở đây làm gì.

Khốn thay cho anh và cho ông chủ anh mà cuộc hành trình suýt nữa thì bị anh làm rắc rối to, thói tò mò đã lôi cuốn anh đi quá xa.

Thật vậy, sau khi đã dạo qua đám hội hóa trang Parsi ấy, Vạn Năng đi ra ga nhưng khi qua ngôi chùa Malebar-Hill tuyệt đẹp, anh nảy ra cái ý định tai hại là rẽ vào vãn cảnh chùa.

Anh không biết đến hai điều: trước hết việc vào một số ngôi chùa Ấn Độ nào đó là cấm ngặt đối với những người Gia-tô giáo và sau nữa chính các tín đồ cũng phải để dép lại ngoài cổng rồi mới được vào. Ở đây cần chú ý rằng, vì lý do chính trị chính đáng, chính phủ Anh tôn trọng và bắt phải tôn trọng tín ngưỡng địa phương đến cả những chi tiết vô nghĩa nhất của nó và trừng trị nghiêm khắc người nào vi phạm những tục lệ tín ngưỡng ấy.

Vạn Năng đã vào chùa với tất cả tấm lòng thành như một khách vãn cảnh bình thường, say mê ngắm nghía vẻ hào nhoáng, chói lọi của nghệ thuật trang trí Bà-la-môn bên trong chùa Malebar-Hill thì bất thình lình anh bị vật ngã xuống thềm gạch thánh. Ba giáo sĩ mắt nảy lửa lao vào anh giật tung giày và bít tất của anh và vừa nện anh tới tấp, vừa ré lên những tiếng kêu man dại.

Anh chàng Pháp đã mạnh lại nhanh bật ngay dậy bằng một cú đấm và một cú đá anh quật ngã hai địch thủ lóng ngóng trong bộ áo chùng của họ và ba chân bốn cẳng phi ra ngoài chùa, chẳng mấy chốc bỏ xa người Ấn Độ thứ ba người này vừa đuổi theo vừa hô hoán dân chúng.

Tám giờ kém năm, chi vài phút trước giờ tàu chạy, đầu trần chân đất, gói đồ sắm sửa đã mất hết trong vụ xô xát. Vạn Năng ra đến ga.

Fix đang ở đây, trên sân ga. Đi theo tên Fogg tới nhà ga, ông ta đã hiểu rằng tên vô lại này sắp rời Bombay. Lập tức ông quyết định bám theo nó đến Calcutta và xa hơn nữa nếu cần. Vạn Năng không nhìn thấy Fix đứng trong bóng tối, nhưng Fix nghe được cái chuyện rắc rối của anh qua vài câu vắn tắt Vạn Năng kể lại với chủ mình.

“Tôi mong rằng anh sẽ không mắc vào những chuyện như thế nữa”. Phileas Fogg bình thản đáp lại và ngồi vào chỗ trong toa tàu.

Anh hầu khốn khổ, chân không giày và hết sức sượng sùng theo sau ông chủ mình không nói không rằng.

Fix đã sắp lên một toa tàu khác thì một ý nghĩ ngăn ông lại và làm thay đổi đột ngột kế hoạch ra đi của ông.

“Không, ta trở lại. – ông nghĩ bụng. – Một vụ phạm pháp trên đất Ấn Độ… Nó chết với mình rồi”.

Lúc ấy đầu máy xe lửa rú lên một hồi còi xé tai và đoàn tàu biến vào trong đêm tối.

…………………

[←30]
Dặm Anh bằng 1609m. Như vậy một dặm vuông = 2 688 881m2, và 1 triệu 10 dặm vuông vào khoảng trên 3 triệu kilômét vuông.
[←31]
Cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân Ấn Độ chống ách nô dịch của người Anh trong những năm 1857-1859.
[←32]
Indus: con sông lớn ở Ấn Độ và Pakistan, dài 3040km chảy vào biển Oman. Gange: con sông lớn của Ấn Độ, dài 2.700 km bắt nguồn từ Hi mã lạp sơn, chảy vào vịnh Bengale.
[←33]
Zoroastre, một nhà cải cách tôn giáo hăng cổ vào thế kỷ VII hoặc VIII trước công nguyên.

80 ngày vòng quanh thế giới

80 ngày vòng quanh thế giới

Status: Completed Author:

Tên tiếng Pháp: Le Tour du monde en quatre-vingts jours
Tên tiếng Anh: Around the World in 80 Days

80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Juyn Vecnơ. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Viễn tưởng ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Juyn Vecnơ, với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thủy... có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày. Tuy nhiên đó mới chỉ là một thời gian lý thuyết, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp ngã phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển. v.v... Thế nhưng Philíat Phốc - nhân vật chính của tác phẩm - dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset