Kế hoạch của họ thật là táo bạo, đầy dẫy khó khăn, không thể thực hiện được cũng nên. Ông Fogg có thể phải hy sinh tính mạng hoặc ít nhất là tự do và do đó hy sinh cả thành công của cuộc viễn du, nhưng ông không do dự. Vả lại ông thấy ở ngài Francis Cromarty một người cộng sự rất quan tâm.
Còn với Vạn Năng, anh sẵn sàng, người ta cứ việc sử dụng anh. Ý kiến ông chủ làm anh hào hứng. Anh cảm thấy một trái tim, một tâm hồn dưới cái vỏ ngoài băng giá ấy. Anh bắt đầu thấy yêu mến Phileas Fogg.
Còn lại người dẫn đường. Anh ta sẽ định thế nào trong việc này? Liệu anh có đứng về phía những người Ấn Độ không? Nếu không tranh thủ được sự hợp tác của anh, ít ra cũng phải nắm chắc là trung lập.
Ngài Francis Cromarty đặt thẳng vấn đề với anh.
– Thưa ngài sĩ quan. – Người dẫn đường đáp. – Tôi là người Parsi, và người đàn bà kia là người Parsi. Tôi sẵn sàng theo các ngài.
– Tốt lắm, anh bạn dẫn đường ạ. – ông Fogg đáp.
– Tuy nhiên, xin ngài biết cho rằng – anh Parsi lại nói. – chúng ta không chỉ liều mạng mà thôi đâu, mà còn có thể bị những cực hình khủng khiếp, nếu ta bị bắt. Vậy đó các ngài thử xét xem.
– Xét rồi, – ông Fogg đáp. – Theo tôi thì chúng ta phải đợi đến đêm mới hành động được.
– Tôi cũng nghĩ như vậy, – người dẫn đường trả lời.
Anh bạn Ấn Độ tốt bụng ấy bèn cho biết vài chi tiết về nạn nhân. Đó là một phụ nữ Ấn Độ đẹp nổi tiếng, người Parsi, con một gia đình thương gia giàu có ở Bombay. Cô ta đã thu nhận được ở thành phố này một nền giáo dục hoàn toàn Anh và căn cứ vào phong thái của cô, vào học thức của cô, người ta có thể nhầm tưởng là một phụ nữ Châu Âu. Cô ta tên là Aouda.
Mồ côi cha mẹ, cô bị ép gả cho lão vương hầu già xứ Bundelkund. Ba tháng sau, cô trở thành một bà góa. Biết rõ số phận đang đợi mình, cô chạy trốn, rồi bị bắt lại ngay, và những họ hàng thân thuộc của vương hầu vẫn muốn cho cô chết, biết cô phải chịu cực hình này, mà xem ra cô sẽ không tài nào thoát khỏi.
Câu chuyện ấy chỉ khiến ông Fogg và các bạn ông càng thêm quyết tâm trong ý định cao thượng của họ.
Họ quyết định cho người dẫn đường đánh voi đến gần chùa Pillaji, càng gần càng tốt.
Nửa giờ sau, họ dừng lại trong một cánh rừng cách chùa năm trăm bước: từ đây không nhìn thấy chùa, nhưng tiếng gào rú của đám dân cuồng tín nghe vẫn rõ.
Bây giờ họ bàn cách làm sao tới được chỗ nạn nhân. Người dẫn đường biết ngôi chùa Pillaji này, anh quả quyết là người thiếu phụ bị giam trong đó. Liệu có thể lọt vào trong ấy qua một cửa nào đó khi cả bầy đã chìm đắm trong giấc ngủ mê mệt, hay là phải đào một lỗ chui qua tường? Đó là điều chỉ có thể quyết định khi lâm sự và ngay tại chỗ. Nhưng điều chắc chắn là cuộc đánh tháo cho người thiếu phụ phải tiến hành ngay đêm nay, chứ không đợi trời sáng, khi nạn nhân đã bị đem ra hành hình. Vào lúc ấy, không một sự can thiệp nào của con người có thể cứu cô được nữa.
Ông Fogg và các bạn đợi đến đêm. Khi trời vừa tối vào khoảng sáu giờ chiều, họ tiến hành trinh sát quanh ngôi chùa. Những tiếng kêu thét cuối cùng của các đạo sĩ khổ hạnh lúc này đã im bặt. Theo tục lệ của họ, những người Ấn Độ ấy hẳn đã chìm đắm trong cơn say mê mệt vì nước “hang”, một thứ nước thuốc phiện pha với nước cây gai nấu, và biết đâu ta chẳng có thể luồn lách qua đám người ấy vào đến tận điện thờ.
Anh Parsi dẫn ông Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng tiến lên không tiếng động xuyên qua rừng. Sau mười phút bò trườn dưới những cành bụi rậm rạp, họ đến bên bờ một con sông nhỏ, và tại đây, dưới ánh sáng yếu ớt của những cây thuốc sắt cháy bằng nhựa cây ở đầu ngọn đuốc, họ trông thấy một đống gỗ xếp cao lên. Đó là giàn hỏa thiêu, bằng bạch đàn quý và đã được tẩm một thứ dầu thơm. Trên cùng giàn hỏa thiêu đặt nằm cái thây ướp hương vị của vương hầu, cái thây này rồi sẽ được thiêu cùng với người vợ góa của ông ta. Cách giàn hỏa thiêu một trăm bước nổi lên ngôi chùa, với những ngọn tháp cao xuyên qua vòm cây trong bóng tối.
“Lại đây” Người dẫn đường khẽ nói.
Và càng thận trọng hơn, anh lặng lẽ luồn qua cỏ rậm, các bạn đồng đội bám theo sau. Cảnh tịch mịch chỉ còn bị khuấy động bởi tiếng gió rì rào trong cành lá.
Chẳng bao lâu người dẫn đường dừng lại ở đầu một quãng rừng thưa. Vài ngọn đuốc nhựa cây chiếu sáng nơi này. Mặt đất la liệt những tốp người ngủ mê mệt trong cơn say. Người ta tưởng như một bãi chiến trường ngổn ngang xác chết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con tất cả nằm hỗn độn. Đây đó một vài người say rượu còn rên hừ hừ.
Ở phía sau, giữa đám cây rậm rạp, ngôi đền Pillaji đứng mờ mờ. Nhưng người dẫn đường vô cùng thất vọng vì các vệ sĩ của vương hầu, dưới ánh sáng những cây đuốc mù khói, đứng gác các cửa ra vào và đi đi lại lại, kiếm tuốt trần. Người ta có thể phỏng đoán rằng bên trong đền các giáo sĩ cũng thức.
Anh Parsi không tiến xa hơn nữa. Anh đã nhận thấy không thể xông liều vào đền và anh lại dẫn các bạn quay ra.
Phileas Fogg và ngài Francis Cromarty cũng đã hiểu như anh là họ không thể hy vọng gì ở phía này.
Họ dừng lại và thì thầm trao đổi với nhau.
– Đợi đã; – viên thiếu tướng nói. – mới có tám giờ và có khả năng là những lính gác kia buồn ngủ rũ ra cũng sẽ lăn quay ra ngủ.
– Phải đấy, có thể lắm, – anh Parsi đáp lại.
Thế là Phileas Fogg và các bạn nằm dài dưới một gốc cây và đợi. Họ thấy thời gian sao mà lâu thế. Người dẫn đường thỉnh thoảng để họ nằm đấy bỏ ra quan sát bìa rừng. Các vệ sĩ của vương hầu vẫn đứng gác dưới ánh đuốc bập bùng, và một ánh sáng lờ mờ lọt qua các cửa sổ của ngôi chùa.
Họ đợi như vậy đến nửa đêm, tình hình không có gì thay đổi. Phía ngoài vẫn bị canh gác như vậy. Rõ ràng là không thể trông đợi bọn lính gác ngủ thiếp đi. Chắc hẳn bọn này không được uống nước “hang” nên không say. Vậy thì phải hành động theo cách khác và khoét ngạch mà lọt vào chùa. Còn lại vấn đề phải biết xem các giáo sĩ canh gác nạn nhân có cẩn thận như bọn lính gác cổng đền hay không.
Sau một lần bàn bạc cuối cùng, người dẫn đường cho rằng đã đến lúc đi được rồi. Ông Fogg, ngài Francis và Vạn Năng theo sau anh. Họ phải đi vòng vèo khá lâu để đến được sau lưng ngôi chùa.
Vào khoảng mười hai giờ rưỡi đêm, họ đến chân tường mà không gặp một ai. Phía này không đặt trạm gác nào, nhưng cũng có thể nói rất đúng là hoàn toàn không có cửa sổ và cửa ra vào.
Đến tối mịt. Mặt trăng hạ tuần vừa khuất phía chân trời chồng chất những đám mây lớn. Rừng cây cao càng làm bóng tối thêm dày đặc.
Nhưng đến được chân tường chưa phải đã xong việc, còn phải khoét một lỗ qua tường. Để làm việc này. Phileas Fogg và các bạn ông hoàn toàn chỉ có loại dao con bỏ túi. Rất may làm sao, tường vách ngôi đền bằng gạch lẫn với gỗ, cho nên chọc thủng cũng không khó lắm. Viên gạch đầu tiên đã rỡ ra được, thì những viên khác cũng dễ dàng rỡ theo.
Họ bắt tay vào việc, cố gắng gây càng ít tiếng động càng hay. Anh Parsi và Vạn Năng mỗi người một đầu hì hục nậy gạch để khoét cho được một lỗ rộng trên sáu mươi phân39.
Công việc đang tiến triển thì một tiếng kêu ré lên trong đền và hầu như ngay tức khắc những tiếng kêu khác đáp lại ở bên ngoài.
Vạn Năng và người dẫn đường ngừng tay đào. Họ đã bị bắt chộp rồi chăng? Báo động chăng? Sự thận trọng sơ đẳng nhất cũng buộc họ phải rút lui và cả Phileas Fogg với ngài Francis Cromarty cũng rút theo. Họ lại thu mình ẩn trong rừng rậm đợi cho hết báo động, nếu quả là báo động, và sẵn sàng đến lúc ấy trở lại công việc của họ.
Nhưng – một trắc trở tai hại – lính gác xuất hiện sau lưng ngôi chùa và chốt ngay tại đó khiến không ai có thể tiến gần được nữa.
Không bút nào tả xiết nỗi thất vọng của bốn người này bị chặn đứng trong công việc của họ. Giờ đây họ không thể lọt vào chỗ nạn nhân nữa, thì làm sao mà cứu được bà ta? Ngài Francis Cromarty hậm hực, Vạn Năng tức điên lên và người dẫn đường phải khó khăn mới ghìm giữ được anh. Ông Fogg lạnh như tiền chờ đợi, không biểu lộ một tình cảm nào ra ngoài mặt.
– Tẩu vi thượng sách thôi chứ? – vị thiếu tướng khẽ nói.
– Đi thôi, – người dẫn đường đáp.
– Khoan đã, – Fogg nói. – Chỉ cần làm sao ngày mai tôi có mặt ở Allahabad trước mười hai giờ trưa.
– Nhưng ông còn hy vọng cái gì? – ngài Francis Cromarty đáp. – Vài giờ nữa thì trời sáng và…
– Cơ hội đã lỡ có thể lại xuất hiện vào phút chót.
Vị thiếu tướng hẳn là muốn đọc được trong đôi mắt của Phileas Fogg.
Vậy thì cái ông người Anh lạnh lùng này trông mong ở cái gì? Hay là ông ta muốn vào giữa lúc hành hình, xông đến bên người thiếu phụ và công khai cướp bà khỏi tay lũ đao phủ?
Đó quả là một sự điên rồ và làm sao tin được con người này lại điên đến mức ấy? Dẫu vậy ngài Francis Cromarty cũng bằng lòng chờ đợi cho đến khi kết thúc màn kịch khủng khiếp này. Nhưng người dẫn đường không để các bạn anh ẩn nấp tại đây và anh lại dẫn họ quay về phía trước quãng rừng thưa. Ở nơi này, nấp trong một bụi cây, họ có thể quan sát những tốp người đang ngủ.
Trong khi ấy thì Vạn Năng, vắt vẻo trên những cành cây cao nhất, nghiền ngẫm một ý nghĩ thoạt đầu vụt qua óc anh như một tia chớp, để rồi cuối cùng khắc sâu vào tâm trí.
Thoại đầu anh tự nhủ: “Điên à!” nhưng bây giờ thì anh nhắc đi nhắc lại: “Nói cho cùng sao lại không nhỉ? Đây là một cơ hội, có lẽ là duy nhất đối với những bọn ngu muội như thế này!…”
Dẫu sao thì Vạn Năng cũng không dãi bầy ý tưởng của mình theo cách nào khác, nhưng không chậm trễ, và mềm mại như một con rắn anh trườn xuống những cành cây thấp mà đầu cành trĩu xuống mặt đất.
Thời gian trôi qua, và chẳng bao lâu bầu trời tối đen có pha đôi sắc nhạt báo hiệu bình minh sắp đến. Tuy vậy bóng tối vẫn còn dày đặc.
Già hành hình đã đến. Như có một cuộc hồi sinh trong cái đám đông đang ngủ mê mệt ấy… Tốp này tốp khác náo nhiệt lên. Chiêng trống inh ỏi. Những tiếng hát và tiếng hò la ầm ĩ. Sắp đến giờ người đàn bà xấu số phải lìa đời.
Thật vậy, các cửa chùa đã mở. Một luồng ánh sáng chói hơn từ bên ngoài ùa ra. Ông Fogg và ngài Francis Cromarty có thể trông thấy nạn nhân được chiếu sáng rực, do hai giáo sĩ lôi ra ngoài. Họ còn thấy hình như người đàn bà khốn khổ do một bản năng tự vệ tối cao đánh thức dậy qua cơn say tê mê, cố vùng vẫy thoát khỏi tay bọn đao phủ. Trái tim ngài Francis Cromarty tưởng muốn nảy ra khỏi lồng ngực, và bàn tay ngài co quắp nắm lấy bàn tay của Phileas Fogg, cảm thấy bàn tay ấy đang cầm một con dao mở lưỡi.
Lúc này đám đông rung rung chuyển động. Người thiếu phụ lại rơi vào tình trạng hôn mê do khí cây gai gây ra. Cô ta đi giữa những đạo sĩ khổ hạnh, họ vừa áp giải cô vừa la thét những lời thần chú.
Phileas Fogg và các bạn trà trộn vào những hàng cuối của đám đông theo cô ta.
Ba phút sau, họ đến bờ sông và dừng lại cách giàn hỏa thiêu chưa đầy năm mươi bước, trên đó đang đặt cái nằm cái thây vị vương hầu. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, họ trông thấy kẻ bị nạn hoàn toàn bất động nằm bên thây chồng mình.
Rồi một cây duốc dí vào, và giàn gỗ tẩm dầu lập tức cháy bùng lên.
Ngài Francis Cromarty và người dẫn đường phải ghìm ngay Phileas Fogg lại khi ông lao về phía giàn lửa thiêu trong một phút điên cuồng cao cả…
Nhưng Phileas Fogg vừa ẩy đươc họ ra, thì đột nhiên cảnh tượng đã thay đổi. Một tiếng kêu khiếp đảm rú lên. Tất cả đám đông ấy nằm phục xuống đất, bàng hoàng kinh hãi.
Vị vương hầu già vậy là không chết, người ta trông thấy ông bất thình lình đứng dậy, như một bóng ma, bế người thiếu phụ đứng lên trong tay mình, bước xuống giàn hỏa thiêu giữa những cuộn khói mịt mù khiến ông mang một hình hài quái đản.
Các đạo sĩ khổ hạnh, các vệ binh, các giáo sĩ bị một cơn khủng khiếp bất thần, cứ phủ phục chết dí tại chỗ, không dám ngước mắt lên nhìn một điều kỳ diệu đến thế!
Nữ nạn nhân nằm bất động trong những cánh tay lực lưỡng mang cô ta, nom nhẹ như lông hồng. Ông Fogg và ngài Francis Cromarty vẫn đứng nhìn. Anh Parsi cúi đầu, và Vạn Năng chắc hẳn cũng không kém phần kinh ngạc!…
Con người hồi sinh ấy cứ đi như thế đến gần chỗ ông Fogg và ngài Francis Cromarty, và tới đây, ông ta buông một lời cụt lủn:
“Chuồn thôi!…”
Đó chính là Vạn Năng đã lén đến giàn hỏa thiêu giữa làn khói dày đặc! Đó là Vạn Năng lợi dụng lúc trời còn tối đen đã cướp người thiếu phụ khỏi tay thần chết! Đó là Vạn Năng, đóng vai kịch của mình thật táo tợn và may mắn, đã bước đi giữa nỗi kinh hoàng của tất cả mọi người!
Một lúc sau, cả bốn người biến vào rừng, và con voi phóng nhanh nước kiệu mang họ đi. Nhưng những tiếng la hét và cả một viên đạn xuyên thủng mũ Phileas Fogg cho họ thấy là mưu cơ đã lộ.
Thật vậy, trên giàn hỏa thiêu đang bốc cháy, lúc này nổi bật lên cái thây vị vương hầu già. Các giáo sĩ, sực tỉnh qua cơn khiếp đảm của họ, đã hiểu ra là vừa có một vụ cướp người.
Lập tức họ lao vào rừng. Các vệ binh bám theo sau. Một loạt đạn nổ, nhưng những người đánh tháo trốn chạy thục mạng, và một lát sau đã ở ngoài tầm tên đạn.
……………..
[←39]
Nguyên văn: “rộng hai piê”. Một piê (pied) là một đơn vị đo lường cũ bằng 0,3248m.