Phần XIV – Phileas Fogg đi qua tất cả lưu vực kỳ lạ của sông Hằng mà không thèm ngắm cảnh như thế nào

Phần XIV – Phileas Fogg đi qua tất cả lưu vực kỳ lạ của sông Hằng mà không thèm ngắm cảnh như thế nào

Cuộc cướp người táo bạo đã thành công. Một giờ sau, Vạn Năng còn cười mãi về thắng lợi của mình. Ngài Francis Cromarty bắt tay chàng trai dũng mãnh. Ông chủ anh nói với anh: “Tốt”, ở miệng nhà quý phái như thế là một lời đánh giá cao. Đáp lại các cử chỉ đó, Vạn Năng chỉ trả lời rằng tất cả vinh dự của việc này thuộc về ông chủ của anh. Về phần anh, anh chỉ có một sáng kiến “ngồ ngộ” và anh buồn cười khi nghĩ rằng trong vài phút, anh, Vạn Năng, người giáo viên thể dục cũ, cựu đội trưởng cứu hỏa, đã là ông chồng của người đàn bà đẹp, là một vị vương hầu già được ướp hương!

Còn việc người thiếu phụ Ấn Độ thì không hay biết gì về mọi việc xảy ra. Cuộn tròn trong những tấm chăn đi đường, bà nằm nghỉ trong một ghế tựa.

Trong khi ấy thì con voi, được anh Parsi điều khiển với một bàn tay rất vững, chạy quanh trong khu rừng còn tối. Một giờ sau khi rời khỏi chùa Pillaji, nó lao mình qua một đồng bằng rộng mênh mông. Đến bây giờ thì họ nghỉ chân. Người thiếu phụ đang trong tình trạng kiệt sức. Người dẫn đường cho bà uống vài ngụm nước và rượu mạnh, nhưng tác dụng chất gây mê đã ngấm sâu vào cơ thể bà còn phải kéo dài một thời gian nữa.

Ngài Francis Cromarty, đã biết những hiệu quả của cơn say do hít khói cây gai, thấy không có gì phải lo lắng về bà cả.

Nhưng nếu sự hồi phục sức khỏe của người thiếu phụ Ấn Độ này không đáng kể ngài thiếu tướng phải lo nghĩ, thì ông lại tỏ ra không yên tâm về tương lai của bà. Ông nói thẳng với Phileas Fogg rằng nếu bà Aouda còn ở Ấn Độ bà sẽ không tránh khỏi lại rơi vào tay những tên đao phủ. Những bọn hóa dại ấy có mặt trên khắp bán đảo, và chắc chắn rằng, bất chấp sở cảnh sát Anh, chúng sẽ có cách bắt lại nạn nhân của chúng, dù cho ở Madras, Bombay, hay Calcutta. Và để chứng thực cho những lời ấy của mình, ngài Francis Cromarty kể lại một sự kiện tương tự vừa mới xảy ra. Theo ý ông, người thiếu phụ chỉ thực sự an toàn khi đã rời khỏi Ấn Độ.

Phileas Fogg đáp lại rằng ông sẽ chú ý đến những nhận xét đó và sẽ nghĩ cách giải quyết.

Vào khoảng mười giờ, người dẫn đường báo là đã đến ga Allahabad. Ở đấy, con đường sắt bị đứt quãng lại tiếp tục, và đoàn tàu đi chưa đầy một ngày và một đêm quãng đường từ Allahabad đến Calcutta.

Vậy là Phileas Fogg sẽ đến kịp chuyến tàu bể chỉ ngày hôm sau, 25 tháng mười, vào mười hai giờ trưa, mới khởi hành đi Hồng Kông.

Người thiếu phụ được đặt nghỉ trong một căn phòng nhà ga. Vạn Năng được giao đi sắm sửa cho bà các đồ trang phục áo dài, khăn choàng cổ, áo da thú, v.v… có gì mua nấy. Ông chủ anh đã xuất cho anh một ít kinh phí không hạn chế.

Vạn Năng đi ngay lập tức và chạy khắp thành phố. Allahabad, đó là đô thị của thượng đế, một trong những đô thị được sùng kính nhất của Ấn Độ, do nó được xây dựng ở nơi lưu hợp hai con sông thần thánh, sông Hằng và sông Jumna, những dòng nước ấy đã thu hút về đây khách hành hương của tất cả bán đảo. Ta cũng biết rằng theo những truyền thuyết Ramayana thì sông Hằng bắt nguồn từ trên trời, ở đó nhà Bà-la-môn mà nó chảy xuống trần gian.

Vừa đi sắm sửa, Vạn Năng vừa xem thành phố. Xưa kia được bảo vệ bởi một pháo đài tráng lệ, pháo đài ấy nay đã thành một nhà tù quốc gia. Không có thương mại, không có công nghệ gì nữa trong cái thành phố xưa kia vốn là một đô thị thương mại công nghệ. Vạn Năng uổng công đi tìm cửa hàng bách hóa như những cửa hàng anh vẫn thấy ở phố Regent cách hang Farmer và Công ty vài bước chân, anh chỉ tìm được những vật anh cần tại một con buôn, một lão già Do thái khó tính: đó là một áo dài bằng vải Scotland, một măng tô rộng, và một áo lót bông tuyết đẹp bằng da rái cá mà anh không ngần ngại trả ngay bảy mươi lăm livrơ (1875 phật lăng). Rồi dương dương tự đắc, anh trở về nhà ga.

Bà Aouda đã bắt đầu hồi tỉnh. Bà đã dần dần ra hết cơn mê do các giáo sĩ chùa Pillaji gây ra, và đôi mắt đẹp của bà đã lấy lại tất cả vẻ dịu hiền Ấn Độ của chúng.

Khi nhà vua cũng là nhà thơ Uçaf Uddaul ca ngợi vẻ đẹp của hoàng hậu Ahméhnagara, ngài viết như sau:

“Bộ tóc mượt của nàng, được rẽ ra đều đặn, làm hai phần, ôm lấy những đường nét hài hòa của đôi má mịn màng trắng trẻo, với làn da ánh lên sự tươi trẻ. Đôi lông mày đen nhánh của nàng có đường cong và sức mạnh như cây cung của Kama, vị thần ái tình, và dưới hàng mi dài mượt, trong lòng đồng tử đen của đôi mắt to trong suốt của nàng, những ánh phản quang trong sáng nhất của bầu trời như bơi lội trong những hồ thiêng của Hy mã lạp sơn. Răng nàng nhỏ, đều và trắng, chói lọi giữa làn môi tươi cười, như những giọt sương giữa đài hoa hé nở của một bông hoa lựu. Đôi tai xinh xắn có những đường cong cân xứng của nàng, đôi tay son của nàng, đôi chân nhỏ đầy đặn và mềm mại như những búp sen của nàng ánh lên vẻ rực rỡ của những hạt ngọc đẹp nhất của Ceylan, những viên kim cương đẹp nhất của Golconde. Tấm thân mảnh dẻ và mềm mại của nàng, mà một bàn tay cũng đủ ôm chặt, tôn thêm đường cong duyên dáng của đáy lưng ong và vẻ tráng lệ của bộ phận bán thân, ở đó tuổi thanh xuân đang độ tươi đẹp phô bày những bảo vật mỹ lệ nhất của nó, và dưới những nếp gấp mượt mà của chiếc áo dài của nàng, nàng dường như được đúc bằng bạc nguyên chất bởi bàn tay thần thánh của Vicvacarma, người thợ tạc tượng bất diệt”.

Nhưng chẳng phải nhờ đến tất cả mọi thứ ngôn ngữ khoa trương đầy chất thơ ấy, ta chỉ cần nói rằng bà Aouda, bà vợ góa của vương hầu xứ Bundelkund, là một người đàn bà xinh đẹp trong tất cả ý nghĩa Âu Châu của từ này. Bà nói tiếng Anh rất chuẩn, và người dẫn đường không hề nói ngoa khi khẳng định rằng người thiếu phụ Parsi này đã được biến đổi do nền giáo dục.

Trong khi đó thì đoàn tàu sắp rời ga Allahabad. Anh Parsi chờ đợi. Ông Fogg thanh toán tiền công cho anh theo giá thỏa thuận, không thêm một xu nhỏ. Điều này làm Vạn Năng hơi ngạc nhiên, anh đã biết chủ anh phải chịu ơn người dẫn đường tận tụy này như thế nào. Thật vậy, anh Parsi đã sẵn sàng liều cả thân mình trong vụ Pillaji, và nếu sau này bọn Ấn Độ phát hiện ra, anh hẳn khó mà thoát được sư trả thù của chúng.

Còn lại vấn đề con Kiouni nữa. Giải quyết thế nào đây với một con voi mua quá đắt như vậy.

Nhưng Phileas Fogg đã có quyết định về việc ấy.

“Anh bạn Parsi này, – ông nói với người dẫn đường, – anh thật tốt bụng và tận tụy. Tôi mới trả công cho việc làm của anh, chứ chưa phải cho tấm lòng tận tụy của anh. Anh có thích con voi này không? Nó của anh đấy”.

Đôi mắt người dẫn đường long lanh lên.

– Thế là cả một tài sản Đức ông ban cho tôi đó! – anh ta kêu lên.

– Nhận lấy đi, anh bạn dẫn đường ạ, – ông Fogg đáp, – và như thế là anh lại làm ơn cho tôi lần nữa đấy.

– Hay lắm! – Vạn Năng kêu lên. – Nhận đi, anh bạn! Kiouni là một con vật trung thành và dũng cảm!

Và, đến bên con vật, anh chìa cho nó vài miếng đường nói:

“Ăn đi này, Kiouni, ăn đi, ăn đi!”

Con voi thốt lên vài tiếng kêu ư ử khoái trí. Rồi, đưa vòi cuốn ngang lưng Vạn Năng, nó nhấc bổng anh lên cao ngang đầu nó. Vạn Năng chẳng chút hãi hùng, âu yếm vuốt ve con vật, nó lại nhẹ nhàng đặt anh xuống đất, và để đáp lại cái bắt tay bằng vòi của con voi Kiouni trung thực, chàng trai trung thực cũng tặng lại nó một cái bắt tay thật chặt.

Một lúc sau, Phileas Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng đã ngồi lên một toa tàu đầy đủ tiện nghi, trong đó chỗ tốt nhất dành cho bà Aouda, và con tàu phóng hết tốc lực đi Bénarès.

Đoạn đường từ Allahabad đến thành phố này nhiều nhất là tám mươi dặm, và phải đi mất hai giờ.

Dọc đường, người thiếu phụ đã hoàn toàn hồi tỉnh, hơi men gây mê của nước “hang” đã tan hết.

Bà ta kinh ngạc xiết bao khi thấy mình đang ngồi trong một ngăn toa xe lửa, khoác áo choàng Âu, giữa những hành khách không hề quen biết!

Việc đầu tiên của các bạn bà là chăm sóc chu đáo và cho bà uống vài giọt rượu mạnh cho ấm người lên; rồi vị thiếu tướng kể lại câu chuyện mạo hiểm giải quyết được nhờ bộ óc sáng kiến táo bạo của Vạn Năng.

Ông Fogg ngồi nghe không nói một lời, Vạn Năng xấu hổ quá cứ nhắc đi nhắc lại: “Cái đó có gì đáng kể!”.

Bà Aouda hết lòng cảm tạ các vị cứu tinh của mình, bằng những giọt lệ của bà hơn là bằng lời nói. Đôi mắt đẹp của bà bày tỏ lòng biết ơn ấy rõ hơn cả miệng bà nói. Rồi tâm trí bà trở về với những cảnh tượng của vụ “xátti”, con mắt bà nhìn lại mảnh đất Ấn Độ này trên đó bao nỗi hiểm nguy còn đang đợi bà, và bà bỗng rùng mình kinh hãi.

Phileas Fogg hiểu những ý nghĩ trong đầu bà Aouda, và để bà được yên lòng, ông đề nghị, vả lại cũng với thái độ rất lạnh lùng, được đưa bà đến Hồng Kông, để bà ở đó cho đến khi nào việc này đã xẹp đi.

Bà Aouda nhận lời mời với tất cả tấm lòng biết ơn. Vừa đúng tại Hồng Kông bà có một người bà con cũng dân Parsi như bà, và là một trong những thương gia lớn của thành phố này, thành phố hoàn toàn Anh mặc dầu đóng tại một điểm trên bờ biển Trung Hoa.

Mười hai giờ rưỡi trưa, đoàn tàu dừng tại ga Bénarès. Các truyền thuyết Bà-la-môn khẳng định rằng thành phố này đặt tại địa điểm thành phố Casi cũ, một đô thị ngày xưa được treo lơ lửng trên không trung, giữa điểm đỉnh trời và điểm dưới chân, như ngôi mộ của Mahomet vậy. Nhưng vào thời đại thực tế hơn này, Bénarès, Athènes của Ấn Độ theo lời những nhà phương đông học, được xây dựng một cách hoàn toàn phàm tục trên mặt đất, và Vạn Năng có thể trong chốc lát nhìn thoáng thấy những ngôi nhà gạch, những túp lều có rào giậu đem lại cho nó một cảnh tượng hết sức tiêu điều, không có chút màu sắc địa phương nào.

Chính là tại đây ngài Francis Cromarty phải xuống đơn vị của ngài đóng ở phía bắc thành phố cách vài dặm. Thế là vị thiếu tướng chia tay với Phileas Fogg, chúc ông vạn sự may mắn, và tỏ lòng mong muốn ông tiếp tục cuộc viễn này một cách đỡ kỳ quoặc hơn, mà có lợi hơn. Ông Fogg khẽ xiết mấy ngón tay ông bạn. Những lời chúc tụng của bà Aouda đằm thắm hơn. Không bao giờ bà có thể quên ơn ngài Francis Cromarty. Còn Vạn Năng thì được vinh dự nhận một cái bắt tay thành thực của thiếu tướng. Vô cùng cảm động, anh tự hỏi đến dịp nào và bao giờ mới có thể đem hết sức mình phục vụ ngài. Rồi họ chia tay nhau.

Bắt đầu từ Bénarès, con đường sắt có đoạn chạy theo lưu vực sông Hằng. Qua cửa kính toa tàu, vào một ngày khá đẹp, hiện lên phong cảnh nhiều vẻ của xứ Béhar, rồi đến những ngọn núi xanh rờn, những cánh đồng lúa mạch, ngô, lúa mì, những con sông nhỏ và những ao thả những con cá sấu xanh ngà, những xóm làng đẹp mắt, những cánh rừng xanh. Vài con voi, những con bò bướu có bướu to đến tắm trong làn nước của con sông thiêng liêng, và, mặc dầu trời đã cuối thu và tiết trời đã lạnh, có cả những đoàn người Ấn Độ nam và nữ cùng đến tắm gội nước thánh với tất cả tấm lòng sùng kính. Những thiện nam tín nữ ấy, kẻ thù quyết liệt của đạo Phật, là những tín đồ nhiệt thành của đạo Bà-la-môn, hiện thân trong ba vị thần sau đây: Whisnou, thần mặt trời. Shiva, thần của sức mạnh thiên nhiên và Bà-la-môn, thần tối thượng của những giáo sĩ và những nhà làm luật. Những Bà-la-môn: Shiva và Whisnou sẽ phải xem xét bằng con mắt như thế nào cái nước Ấn Độ bây giờ đã “Anh hóa” này, khi một tàu thủy nào đó sùng sục chạy qua làm đục ngầu làn nước thiêng liêng của sông Hằng, làm kinh hãi những con hải âu đang bay lượn trên mặt sông, và những kẻ sùng đạo nằm dài dọc bãi sông!

Tất cả bức tranh toàn cảnh ấy diễu qua như một tia chớp, và một làn khói trắng thường che phủ những chi tiết của nó. Các hành khách chỉ có thể nhìn thoáng qua một chút pháo đài Chunar ở cách Bénarès hai mươi dặm phía đông nam, một pháo đài cổ của các vương hầu xứ Béhar, thành phố Ghazepour với những xưởng chế tạo nước hoa hồng quan trọng của nó, ngôi mộ Đức ông Cornwallis dựng trên tả ngạn sông Hằng, thành phố Buxar có pháo đài thành quách. Patna đô thị công nghiệp và thương mại lớn, thị trường thuốc phiện chủ yếu của Ấn Độ, Monghir, thành phố mang đậm tính chất Châu Âu, tính chất Anh như Manchester hoặc Birmingham, nổi tiếng về những lò đúc sắt, những xưởng chế tạo dao kéo hay gươm giáo, với những ống khói cao nhả khói đen làm bẩn bầu trời của Bà-la-môn, – một đòn trắng trợn đánh vào xứ sở của thơ mộng!

Rồi đêm đến, và giữa tiếng gào rống của những con hổ, báo, chó sói trốn chạy trước cái đầu xe lửa, con tàu phóng hết tốc lực và người ta không còn nhìn thấy gì nữa về những kỳ quan của xứ Bengale, không thấy cả thành phố Golgonde lẫn thành phố Gour hoang phế, cả Mourshedabad xưa là kinh đô lẫn Burdwan, Hougly, lẫn Chandernagor, mảnh đất Pháp trên lãnh thổ Ấn Độ tại đây Vạn Năng tự hào được thấy phấp phới lá cờ tổ quốc anh!

Cuối cùng, bảy giờ sáng, tàu đến Calcutta. Chuyến tàu bể đi Hồng Kông mười hai giờ trưa mới nhổ neo. Vậy là Phileas Fogg còn rảnh được năm tiếng đồng hồ nữa.

Theo hành trình của ông, nhà quý phái này phải đến thủ đô Ấn Độ ngày 25 tháng mười tức là hai mươi ba ngày sau khi rời Luân Đôn, và ông đã đến đúng ngày ấn định. Như vậy ông không đến muộn cũng không đến sớm. Điều không may là hai ngày được lợi giữa Luân Đôn và Bombay đã bị mất đi, ta biết tại sao rồi, trên chặng đường qua đảo Ấn Độ, nhưng ta có thể đoán được rằng Phileas Fogg cũng chẳng tiếc nó chút nào.

80 ngày vòng quanh thế giới

80 ngày vòng quanh thế giới

Status: Completed Author:

Tên tiếng Pháp: Le Tour du monde en quatre-vingts jours
Tên tiếng Anh: Around the World in 80 Days

80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Juyn Vecnơ. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Viễn tưởng ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Juyn Vecnơ, với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thủy... có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày. Tuy nhiên đó mới chỉ là một thời gian lý thuyết, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp ngã phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển. v.v... Thế nhưng Philíat Phốc - nhân vật chính của tác phẩm - dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset