Trong những ngày cuối cùng của chuyến đi, tiết trời khá xấu. Gió nổi lên rất mạnh. Gió thổi cố định từ hướng tây bắc, cản đường tàu chạy. Chiếc Rangoon không đầm tàu lắc ghê gớm, và các hành khách tha hồ nguyền rủa những đợt sóng dài khó chịu mà gió đánh cuộn lên tự ngoài khơi.
Trong những ngày mồng 3 và mồng 4 tháng mười một, trời như có bão. Cơn gió mạnh đánh dữ dội vào mặt biển. Tàu Rangoon phải cuộn buồm trong nửa ngày, chỉ chạy với tốc độ mười vòng chân vịt, để có thể lượn khúc giữa các làn sóng biển. Tất cả các lá buồm đã được cuộn chặt lại, mà chúng cứ rít lên giữa những cơn gió giật.
Dễ hiểu là tốc độ của con tàu phải giảm đi nhiều, và người ta có thể ước tính nó sẽ đến Hồng Kông chận hai mươi tiếng đồng hồ so với qui định, và còn chậm nữa nếu bão không dứt.
Phileas Fogg chứng kiến cảnh tượng một cái biển điên khùng dường như trực tiếp chống lại ông, mà vẫn giữ vẻ lạnh như tiền quen thuộc của ông. Vầng trán ông không một giây sầm xuống, vậy mà một sự chậm trễ hai mươi tiếng đồng hồ có thể gây tác hại cho cuộc hành trình khiến ông phải lỡ chuyến tàu bể đi Yokohama. Nhưng con người không có thần kinh này không hề cảm thấy nóng ruột hay bực dọc. Cứ như là trận bão ấy đã ghi vào trong chương trình của ông, đã được dự kiến trước. Bà Aouda, khi nói chuyện với bạn mình về sự trắc trở này, thấy ông vẫn bình tĩnh như thường.
Còn Fix thì không nhìn sự việc với con mắt ấy. Hoàn cảnh ngược lại. Trận bão này hợp ý ông ta quá. Thậm chí ông ta còn cảm thấy một niềm vui thích không bờ bến nếu tàu Rangoon bắt buộc phải ẩn trốn cơn giông tố. Tất cả những sự chậm trễ ấy có lợi cho ông ta, vì nó sẽ buộc tên Fogg phải lưu lại vài ngày ở Hồng Kông. Tóm lại, tiết trời này, với những cơn cuồng phong này, cùng ăn cánh với ông. Quả thật ông có hơi mệt một chút, nhưng hề gì! Ông ta không đếm từng cơn nôn mửa, và khi cơ thể quằn quại vì say sóng, thì đầu óc ông lại hoan hỉ một niềm khoái trá vô bờ.
Về phía Vạn Năng, ta có thể đoán được anh trải qua cuộc thử thách này với một cơn giận dữ không che đậy như thế nào. Cho đến nay, tất cả diễn ra tốt đẹp biết bao! Dường như cả đất và nước đều một lòng một dạ với ông chủ anh. Tàu thủy và xe lửa đã phục tùng ông. Gió và hơi nước đã hợp sức lại để cuộc du hành của ông được thuận lợi. Phải chăng cuối cùng giờ thất vọng đã điểm? Vạn Năng như một cái xác không hồn, cứ như hai vạn livrơ đánh cuộc là tiền túi anh bỏ ra. Trận bão này làm anh điên tiết, cơn gió mạnh này khiến anh nổi khùng lên, và anh hẳn sẵn sàng đánh đòn cái biển không biết vâng lời này! Tội nghiệp anh chàng! Fix giấu kỹ không để anh biết sự khoái trí của ông, và ông ta làm thế là đúng, vì giả thử Vạn Năng đoán ra sự hài lòng thầm kín của Fix, thì Fix hẳn sẽ khốn khổ với anh rồi.
Trong suốt thời gian gió bão, Vạn Năng có mặt trên boong tàu Rangoon. Anh không thể ở lại bên dưới; anh trèo lên các cột buồm; anh khiến các thủy thủ trên tàu phải ngạc nhiên, và góp một tay vào đủ việc với cái tài khéo léo của một con vượn. Anh căn vặn hàng trăm lần ông thuyền trưởng, các sỹ quan, các thủy thủ, và họ không thể nín cười thấy một anh chàng bối rối đến thế. Vạn Năng muốn biết dứt khoát trận bão còn kéo dài bao lâu nữa. Người ta bèn đưa anh đến xem phong vũ biểu, nó cứ nhất định không chịu chỉ cao lên. Vạn Năng lắc lắc cái phong vũ biểu, nhưng cả những cái lắc mạnh, cả những lời nguyền rủa của anh trút lên đầu cái dụng cụ vô tội cũng đều vô tác dụng.
Cuối cùng cơn bão cũng dịu đi. Tình trạng biển có sự thay đổi trong ngày mồng 4 tháng mười một. Gió đột ngột đổi chiều ngược lại một trăm tám mươi độ và lại thành gió thuận.
Vạn Năng tươi tỉnh lại cùng với thời tiết. Những buồm cao và buồm thấp lại có thể giương lên, và tàu Rangoon lại tiếp tục chặng đường của nó với một tốc độ kỳ diệu.
Nhưng người ta không thể gỡ lại tất cả thời gian đã mất. Việc đã vậy đành phải vậy, và chỉ đến năm giờ sáng ngày mồng 6 tàu mới thấy đất liền. Theo hành trình đã định của Phileas Fogg thì ngày đến con tàu là mồng 5. Nhưng ngày mồng 6 nó mới đến. Vậy là chậm mất hai mươi bốn giờ, và chắc hẳn chuyến tàu đi Yokohama đã lỡ.
Đến 6 giờ, người hoa tiêu lên tàu Rangoon và đứng ở cầu tàu điều khiển con tàu đi qua các eo lạch cho đến cảng Hồng Kông.
Vạn Năng bồn chồn, khao khát muốn thăm dò con người này, muốn hỏi anh ta xem chuyến tàu bể đi Yokohama đã rời Hồng Kông chưa. Nhưng anh không dám, để thà còn được chút hy vọng đến tận phút cuối cùng. Anh thổ lộ những nỗi lo lắng của mình với Fix, ông ta – cái con cáo già ấy – cố an ủi anh, nói với anh rằng ông Fogg chỉ việc đi chuyến tàu sau là xong thôi. Vạn Năng nghe mà giận tím mặt lại.
Nhưng nếu Vạn Năng không dám hỏi ông Fogg, sau khi đã tra cứu cuốn Bradshaw, thản nhiên hỏi người hoa tiêu xem anh có biết bao giờ có chuyến tàu bể từ Hồng Kông đi Yokohama.
– Ngày mai, lúc thủy triều buổi sáng, – người hoa tiêu đáp.
– A! – Ông Fogg nói, không biểu lộ một chút ngạc nhiên nào.
Vạn Năng, cũng có mặt tại đó, hẳn muốn ôm chầm lấy người hoa tiêu, còn Fix thì có lẽ muốn vặn cổ anh ta.
– Tàu nào đấy nhỉ? – Ông Fogg hỏi.
– Tàu Carnatic, – người hoa tiêu đáp.
– Có phải đáng lẽ nó đi từ hôm qua rồi không?
– Thưa vâng, nhưng nó có một nồi súp de phải chữa, và giờ khởi hành của nó hoãn đến mai.
– Cám ơn anh! – Ông Fogg đáp, và bước chân tự động của ông lại đi xuống phòng khách tàu Rangoon.
Còn Vạn Năng thì nắm lấy bàn tay người hoa tiêu, siết mạnh và nói:
“Anh bạn hoa tiêu, anh thật là một con người tốt bụng!”
Người hoa tiêu chắc hẳn không bao giờ biết được do đâu mà những câu trả lời của anh lại được đón nhận với một tình thân đến thế. Một tiếng còi tàu rúc lên, anh lại trèo lên cầu tàu và điều khiển con tàu đi giữa một rừng thuyền thoi, tàu chở xăng dầu, tàu đánh cá, tàu thuyền đủ loại, ngổn ngang trên các eo lạch của Hồng Kông.
Một giờ trưa, tàu Rangoon cập bến, và các hành khách lên bờ.
Trong trường hợp này, ta phải thừa nhận là sự ngẫu nhiên đã giúp đỡ một cách kỳ lạ cho Phileas Fogg. Nếu không phải chữa nồi súp-de, tàu Carnatic đã đi từ ngày 5 tháng mười một, và hành khách muốn đi Nhật sẽ phải đợi tám ngày mới đến chuyến tàu sau. Quả thật ông Fogg có bị chậm hai mươi bốn giờ, nhưng sự chậm trễ này không thể gây hậu quả tai hại gì cho phần còn lại cuộc hành trình.
Thật vậy, chiếc tàu bể từ Yokohama đi San Francisco qua Thái Bình Dương có liên lạc trực tiếp với tàu bể Hồng Kông, và nó không thể đi khi tàu bể Hồng Kông này chưa đến. Tất nhiên sẽ có hai mươi bốn giờ chậm trễ tại Yokohama, nhưng trong hai mươi ngày vượt biển trên Thái Bình Dương cũng dễ gỡ lại. Vậy là, ba mươi lăm ngày sau khi rời khỏi Luân Đôn, Phileas Fogg vẫn đang bám sát chương trình của ông, với sự chênh lệch trên dưới hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Tàu Carnatic đến năm giờ sáng hôm sau mới khởi hành, ông Fogg có mười sáu giờ để giải quyết công việc của ông, tức là công việc liên quan đến bà Aouda. Ở tàu lên, ông đưa tay dìu người thiếu phụ và dẫn bà đi thuê một cái kiệu. Ông hỏi thăm các phu kiệu tìm một khách sạn, họ chỉ cho ông khách sạn Câu lạc bộ. Cái kiệu lên đường, Vạn Năng đi theo, và hai mươi phút sau họ đến nơi.
Một căn phòng được dành riêng cho thiếu phụ, và Phileas Fogg chú ý để bà không thiếu một thứ gì. Rồi ông nói với bà Aouda là ông đi tìm ngay người họ hàng để gửi bà lại Hồng Kông cho người ấy trông nom. Đồng thời ông dặn Vạn Năng cứ ở khách sạn cho đến khi ông về, để người thiếu phụ không phải ở lại một mình.
Nhà quý phái tìm đến Sở giao dịch chứng khoán. Ở đây chắc chắn người ta phải biết một nhân vật như ngài Jejeeh đáng kính, con người được kể vào hàng những thương gia giàu có nhất của thành phố.
Người mối lái mà ông Fogg hỏi đến quả có biết nhà thương gia Parsi. Nhưng từ hai năm nay, ông này không ở Trung Quốc nữa. Sau khi đã làm giàu, ông sang lập nghiệp bên Châu Âu, – người ta cho là ở Hà Lan, – do nhiều quan hệ sẵn có với nước này trong cuộc đời buôn bán của ông.
Phileas Fogg trở về khách sạn Câu lạc bộ. Ngay lập tức ông xin phép bà Aouda được tiếp kiến bà, và, không cần phi lộ, ông cho bà biết là ngài Jejeeh đáng kính không còn ở Hồng Kông nữa và có lẽ ngài đang ở Hà lan.
Bà Aouda nghe xong, thoạt tiên không nói gì. Bà đặt bàn tay lên trán, và suy nghĩ một lúc. Rồi, với giọng hiền dịu của mình, bà hỏi:
– Tôi phải làm gì bây giờ, thưa ông Fogg?
– Rất đơn giản, – nhà quý phái đáp, – về Châu Âu.
– Nhưng tôi, không thể lạm dụng…
– Bà không lạm dụng và sự có mặt của bà không trở ngại gì cho chương trình của tôi. Vạn Năng đâu?
– Thưa ông gọi ạ. – Vạn Năng đáp.
– Đến tàu Carnatic, và đặt trước ba buồng.
Vạn Năng, vô cùng sung sướng vì được tiếp tục cuộc hành trình bên người thiếu phụ rất ân cần với anh, lập tức rời khách sạn Câu lạc bộ.