Những gì xảy ra ở gần Thượng Hải, ta đã hiểu. Tín hiệu xin cấp cứu của tàu Tankadère được chiếc tàu bể đi Yokohama trông thấy. Viên thuyền trưởng khi nhìn thấy một lá cờ rủ, đã cho tàu tiến lại cái tàu nhỏ. Vài phút sau, Phileas Fogg trả tiền thuyền theo giá thỏa thuận, đặt vào túi ông chủ tàu John Bunsby năm trăm năm mươi livrơ (13,750 phật lăng). Rồi nhà quý phái đáng kính, bà Aouda và Fix sang tàu lên đường, ngay đi Nagasaki và Yokohama.
Đến Yokohama ngay sáng ngày 14 tháng mười một đúng giờ đã định. Phileas Fogg để mặc Fix chạy công việc của ông ta, đi đến tàu Carnatic, và ở đấy ông được biết, trong niềm vui vô hạn của bà Aouda, – và có lẽ của cả ông nữa, nhưng ít ra ông không để lộ gì ra mặt – rằng anh chàng người Pháp quả đã đến Yokohama ngay hôm trước.
Vì phải đi San Francisco ngay chiều hôm ấy; Phileas Fogg lập tức bắt tay vào tìm kiếm người hầu của mình. Ông tới hỏi các lãnh sự Pháp và Anh không được kết quả gì, và sau khi đã mất công vô ích đi khắp các phố Yokohama, ông hết hy vọng tìm lại được Vạn Năng, thì sự ngẫu nhiên, hoặc có lẽ là một thứ linh tính xui khiến ông bước vào lều rạp ngài Batulcar đáng kính. Tất nhiên ông không thể nhận ra người hầu của mình trong bộ quần áo nhố nhăng của vị sứ giả thần linh ấy, nhưng anh chàng này, trong tư thế năm ngửa, lại nhìn thấy ông chủ của mình ở hàng ghế lan can. Anh không thể ghìm được một cử động của cái mũi anh. Do đó mà thăng bằng bị phá vỡ, và những hậu quả xảy tiếp.
Thế là Vạn Năng được biết, từ chính cái miệng bà Aouda kể lại với anh, cuộc vượt biển từ Hồng Kông đi Yokohama đã điễn ra như thế nào, có cả một ông Fix nào đó cùng đi, trên chiếc tàu nhỏ hai cột buồm Tankadère.
Nghe đến tên Fix, Vạn Năng không đổi sắc mặt. Anh cho rằng chưa đến lúc nói với ông chủ mình những chuyện xảy ra giữa viên thanh tra cảnh sát với anh. Cho nên, trong câu chuyện Vạn Năng kể lại về những cuộc phiêu lưu của mình, anh chỉ tự kết tội và xin lỗi vì đã bị một cơn say thuốc phiện đột ngột trong tiệm hút ở Hồng Kông.
Ông Fogg nghe chuyện với thái độ lãnh đạm, không đáp lại nửa lời; rồi ông cho người hầu của mình một khoản tiền để anh có thể mua trên tàu những quần áo tử tế hơn. Vậy là thật, chưa đầy một giờ sau, anh đầy tớ ngay thật, sau khi đã cắt mũi và xén cánh đi, không còn gì trên mình có thể gợi nhớ đến vị tín đồ của thần Tingou nữa.
Chiếc tàu biển từ Yokohama đi San Francisco thuộc công ty “Tàu biển Bưu điện Thái Bình Dương”, và tên gọi là Đại tướng Grant. Đó là tàu biển lớn có bánh xe, trọng tải hai nghìn năm trăm tấn, được tổ chức khoa học và có tốc độ lớn. Một quả lắc khổng lồ lần lượt nhấc lên và hạ xuống trên boong tàu; ở một đầu quả lắc có lắp cái trục píttông, và ở đầu kia cái cầu một then chuyền để đổi chuyển động theo đường thẳng thành chuyển động vòng tròn, then chuyền này trực tiếp áp vào trục các bánh xe. Tàu Đại tướng Grant dựng ba cột buồm, và diện tích những cánh buồm của nó trợ lực mạnh mẽ cho hơi nước. Với tốc độ mười hai hải lý một giờ, nó vượt Thái Bình Dương không quá hai mươi mốt ngày. Cho nên Phileas Fogg có cơ sở để tin rằng, đến San Francisco ngày 2 tháng chạp, ông sẽ ở Nữu Ước ngày 11 và ở Luân Đôn ngày 20, như thế về trước vài giờ trong cái ngày 21 tháng chạp đã được số phận quyết định ấy.
Hành khách trên tàu khá đông, gồm những người Anh, nhiều người Mỹ, một cuộc di cư thật sự những culi sang Châu Mỹ, và một số sĩ quan quân đội Ấn Độ tranh thủ kỳ nghỉ phép của mình đi chơi vòng quanh thế giới.
Trong cuộc vượt biển này không xảy ra sự cố nào. Chiếc tàu biển được đỡ trên những bánh xe rộng, được tựa vào bộ buồm to lớn, cho nên ít chòng chành. Thái Bình Dương chứng thực khá đúng tên gọi của nó. Ông Fogg cũng vẫn bình tĩnh, vẫn ít cởi mở, như thường lệ. Bà bạn trẻ của ông càng ngày càng gắn bó với con người này bởi nhiều mối dây khác nữa ngoài lòng biết ơn. Cái bản tính lặng lẽ mà rất cao thượng ấy đã xúc động bà nhiều hơn bà tưởng, và gần như không tự biết, bà đã buông thả tình cảm của mình mà vẫn không có vẻ gì động được đến trái tim ông Fogg bí hiểm này.
Mặt khác, bà Aouda hết sức quan tâm đến những kế hoạch của nhà quý phái. Bà lo ngại những trở lực có thể làm cuộc viễn du phải thất bại. Bà thường hay nói chuyện với Vạn Năng, và anh không phải không đọc được những điều thầm kín trong lòng bà Aouda. Anh đầy tớ trung hậu này giờ đây mang một ít lòng tin thật hồn nhiên đối với chủ của anh; anh hết lời ca ngợi tấm lòng ngay thẳng, cao thượng, hy sinh của Phileas Fogg; rồi anh nói cho bà Aouda yên tâm về kết quả cuộc viễn du, nhắc đi nhắc lại rằng cái điều khó nhất đã xong; rằng họ đã ra khỏi những nước Trung Quốc hay Nhật Bản kỳ quái ấy, rằng họ đang trở về xứ sở văn minh, và cuối cùng một chuyến xe lửa từ San Francisco đi Nữu Ước và một chuyến tàu bể xuyên Đại Tây Dương từ Nữu Ước đi Luân Đôn chắc hẳn cũng đủ để hoàn thành các chuyến đi vòng quanh thế giới vô cùng khó khăn này trong những thời hạn đã định.
Chín ngày sau khi rời khỏi Yokohama, Phileas Fogg đã đi được đúng một nửa vòng quả địa cầu.
Thật vậy, ngày 23 tháng mười một, tàu Đại tướng Grant đi qua kinh tuyến một trăm tám mươi, kinh tuyến có điểm đối chân của Luân Đôn ở nam bán cầu. Trong số tám mươi ngày được sử dụng, quả thật, ông Fogg đã dùng hết năm mươi hai, và chỉ còn hai mươi tám ngày nữa thôi. Nhưng ta phải để ý rằng nếu nhà quý phái chỉ mới đi được nửa đường về mặt “hiệu số kinh tuyến”, thì trên thực tế ông đã hiện được trên hai phần ba toàn bộ cuộc hành trình. Thật vậy, ông đã phải qua biết bao chặng đường quanh co để đi từ Luân Đôn đến Aden, từ Aden đến Bombay, từ Calcutta đến Singapore, từ Singapore đến Yokohama! Nếu cứ đi theo vĩ tuyến năm mươi, là vĩ tuyến của Luân Đôn, quãng đường chỉ vào khoảng một vạn hai nghìn hải lý, nhưng do những rắc rối của phương tiện giao thông, Phileas Fogg bắt buộc phải vượt hai vạn sáu nghìn hải lý, và đến ngày 23 tháng mười một này ông đã đi được khoảng một vạn bảy nghìn năm trăm. Nhưng từ đây đã là đường thẳng, và Fix cũng không còn đó để chồng chất thêm những trở ngại nữa!
Cũng vào ngày 23 tháng mười một ấy, Vạn Năng cảm thấy một niềm vui lớn. Ta hãy nhớ lại anh chàng ngoan cố cứ khăng khăng giữ cái đồng hồ gia truyền trứ danh của mình theo giờ Luân Đôn xem tất cả những giờ ở các nước anh đi qua là sai tuốt. Nhưng vào ngày hôm ấy, mặc dầu anh không bao giờ vặn giờ lên hoặc vặn xuống, đồng hồ của anh lại thấy phù hợp với những đồng hồ thật đúng trên tàu.
Nếu Vạn Năng có đắc chí, đó cũng là điều dễ hiểu. Anh rất muốn biết Fix có thể nói điều gì, nếu hắn ta có mặt lúc này,
“Cái thằng xỏ lá ấy nó kể lể với ta hàng đống chuyện về những kinh tuyến, về mặt trời, về mặt trăng! – Vạn Năng nói đi nói lại. – Chà! Cái bọn ấy! Nếu nghe theo chúng, người ta sẽ làm ra những đồng hồ chỉ đáng vứt vào xọt rác hết! Ta đã tin chắc đến ngày nào đó mặt trời cũng phải tự điều chỉnh theo đồng hồ của ta! …”.
Vạn Năng không biết đến điều này; nếu mặt đồng hồ của anh chia làm hai mươi bốn giờ như các đồng hồ Ý, anh sẽ không có lý do gì để đắc chí cả, bởi vì vào chín giờ sáng trên tàu, kim đồng hồ của anh sẽ chỉ chín giờ tối; nghĩa là giờ thứ hai mươi mốt kể từ nửa đêm; – một sự khác biệt giữa Luân Đôn và kinh tuyến một trăm tám mươi.
Nhưng nếu Fix có thể giải thích cái hiệu quả hoàn toàn vật lý ấy, thì Vạn Năng chắc hẳn đến ngay việc thừa nhận nó cũng không đủ khả năng, còn nói gì đến hiểu nó. Và dẫu sao mặc lòng, nếu thử đặt một giả thiết không thể có là viên thanh tra cảnh sát bất thần xuất hiện trên tàu lúc này, thì chắc hẳn, Vạn Năng, vẫn ôm một mối hận thù chính đáng, sẽ giải quyết với ông ta một vấn đề khác hẳn và theo một cách khác hẳn.
Vậy Fix lúc này đang ở đâu?…
Fix chính là đang ở trên tàu Đại tướng Grant.
Thật vậy, vừa tới Yokohama, viên thanh tra đã bỏ mặc ông Fogg mà ông ta dự tính sẽ gặp lại trong ngày và đến ngay lãnh sự quán Anh. Tại đây, rốt cuộc ông ta đã thấy lệnh bắt, nó chạy theo sau ông ta từ Bombay, và đến nay đã được bốn mươi ngày, lệnh ấy gửi cho ông từ Hồng Kông bằng chính tàu Carnatic, vì người ta vẫn tưởng ông ta đáp tàu đó. Ta thử hình dung sự thất vọng của viên thám tử! Các lệnh bắt đã thành vô dụng! Tên Fogg đã ra khỏi các thuộc địa Anh. Bây giờ thì phải có một công văn dẫn độ mới bắt được hắn.
“Được – Fix nghĩ bụng, sau phút giận dữ ban đầu, – cái lệnh bắt của ta không được việc gì ở đây, nó sẽ được việc ở Anh. Tên vô lại này hoàn toàn có vẻ muốn trở về Tổ quốc, hắn tưởng đã đánh lạc hướng sở cảnh sát. Được. Ta sẽ theo hắn về đến đó. Còn số tiền, cầu trời cho nó vẫn còn! Nhưng với các khoản chi phí đi đường, tiền treo thưởng, kiện tụng, nộp phạt, mua voi, và đủ mọi thứ chi tiêu khác, tên trộm của ta đã rắc dọc đường trên năm nghìn livrơ. Dẫu sao thì Ngân hàng vẫn cứ giàu!”.
Kế hoạch đã định, ông ta xuống ngay tàu Đại tướng Grant. Ông ta đang ở trên tàu thì ông Fogg và bà Aouda đến. Ông ta vô cùng kinh ngạc khi nhận ra Vạn Năng trong bộ quần áo vị sứ giả thần linh của anh. Ông ta vội trốn về buồng, để tránh một sự đôi co có thể làm hỏng hết mọi việc, và, nhờ tàu đông, ông ta hy vọng có thể không bị kẻ thù trông thấy, thì đúng ngay hôm ấy ông lại chạm trán với anh ta ở mũi tàu.
Vạn Năng không lôi thôi gì cả xông vào túm lấy cổ Fix, và trước sự khoái trá của một số người Mỹ lúc ấy đã đánh cuộc là anh được, anh giáng cho viên thanh tra khốn khổ một cú đấm bay người thật đẹp mắt, nó chứng minh sự hơn hẳn của môn quyền Pháp đôi với môn quyền Anh.
Đấm xong, Vạn Năng thấy trong lòng yên tĩnh hơn và như đã trút đi được một gánh nặng. Fix lồm cồm bò dậy khá thảm hại, và nhìn đối thủ của mình, ông ta lạnh lùng nói:
– Xong chưa?
– Hiện nay thì tạm xong.
– Thế thì lại đây nói chuyện với tôi.
– Tao mà…
– Vì lợi ích của ông chủ anh.
Vạn Năng như bị chinh phục bởi sự bình tĩnh đó, đi theo viên thanh tra cảnh sát, và hai người ngồi ở đằng mũi tàu.
– Anh đã nện tôi, – Fix nói, – Được. Bây giờ thì anh hãy nghe tôi nói. Cho đến nay tôi đã là địch thủ của ông Fogg, nhưng bây giờ tôi ủng hộ công việc của ông ta.
– Thế chứ! – Vạn Năng kêu lên, – anh đã thấy ông ấy là người tử tế rồi hả?
– Không, – Fix lạnh lùng đáp lại. – Tôi cho rằng hắn là một tên vô lại… Yên! Anh cứ ngồi yên để tôi nói. Chừng nào ông Fogg còn ở trên các thuộc địa Anh, lợi ích của tôi là giữ chân ông ta lại để đợi lệnh bắt. Tôi đã làm tất cả vì việc đó. Tôi đã đẩy bọn giáo sĩ ở Bombay ra chống lai ông ta; tôi đã chuốc cho anh say ở Hồng Kông, tôi đã chia lìa anh với ông chủ của anh, tôi đã làm ông ta phải nhỡ chuyến tàu biển đi Yokohama…
Vạn Năng nghe, hai bàn tay nắm chặt lại.
“Bây giờ, – Fix lại nói, – ông Fogg có vẻ như đang trở về nước Anh? Được, tôi sẽ theo ông ta. Nhưng, từ nay trở đi, tôi sẽ gạt bỏ mọi trở ngại trên đường đi của ông, cũng với tất cả sự quan tâm và tích cực như trước kia tôi đã chồng chất những trở ngại ấy. Anh thấy đấy, nước cờ của tôi đã thay đổi, và nó thay đổi vì lợi ích của tôi đòi hỏi như thế. Tôi nói thêm rằng lợi ích của anh cũng giống của tôi, bởi vì chỉ ở nước Anh thôi anh mới biết được anh làm việc cho một tên tội phạm hay một người lương thiện!”
Vạn Năng rất chăm chú nghe Fix, và anh tin chắc rằng Fix hoàn toàn nói thật lòng.
– Chúng ta là bạn với nhau chăng? – Fix hỏi.
– Bạn à, không, – Vạn Năng đáp. – Đồng minh, được, nhưng cũng còn phải xét kỹ xem đã, vì chỉ cần một chút dấu hiệu phản bội là tôi sẽ vặn cổ anh ngay.
– Đồng ý, – viên thanh tra cảnh sát điềm tĩnh nói.
Mười một ngày sau, ngày 3 tháng chạp, tàu Đại tướng Grant tiến vào vịnh Cửa Vàng và đến San Francisco.
Ông Fogg vẫn còn chưa được lợi hoặc bị thiệt một ngày nào.