Phần XXV – Cái nhìn thoáng qua về San Francisco trong một ngày mít tinh

Phần XXV – Cái nhìn thoáng qua về San Francisco trong một ngày mít tinh

Lúc ấy là bảy giờ sáng, khi Phileas Fogg, bà Aouda, và Vạn Năng đặt chân lên lục địa Châu Mỹ, nếu người ta vẫn có thể dùng tên ấy để gọi cái bến nổi họ bước từ dưới tàu lên. Những cái bến này, dâng lên và hạ xuống theo nước thủy triều, giúp cho việc bốc hàng và dỡ hàng của tàu bể được dễ dàng hơn. Tại đây, cập bến những tàu buồm đủ mọi cỡ, những tàu biển đủ mọi quốc tịch, và những tàu thủy nhiều tầng phục vụ trên sông Sacramento và các chi lưu của nó. Tại đây, cũng chất đầy những sản vật của một nền thương mại mở rộng đến tận Mexique, Pérou, Chili, Brésil, Châu Âu, Châu Á và tất cả các hòn đảo của Thái Bình Dương.

Trong niềm vui vì cuối cùng cũng đã được đặt chân lên đất Mỹ, Vạn Năng tự thấy phải thực hiện cuộc đổ bộ của mình bằng một cái nhảy lộn tùng phèo theo kiểu đẹp mắt nhất. Nhưng khi rơi xuống cái bến mà sàn gỗ đã mọt, anh suýt nữa bị thụt. Mắc cỡ về cái cách “đặt chân” lên tân-đại-lục, chàng trai ngay thật kêu lên một tiếng ghê gớm làm bay vù cả một bầy đông nhung nhúc chim cốc và chim bồ nông, những vị khách quen thuộc của các bến di động.

Ông Fogg vừa lên bờ đã hỏi ngay giờ khởi hành của chuyến xe lửa đầu tiên đi Nữu Ước. Đó là sáu giờ chiều. Như vậy ông Fogg có cả một ngày trọn vẹn ở thủ đô bang Californie. Ông gọi một cái xe cho bà Aouda và cho ông, Vạn Năng trèo lên ghế đằng trước, và cái xe, với giá thuê ba đôla một chuyến, tiến về khách sạn Quốc Tế.

Từ chỗ ngồi cao của mình, Vạn Năng tò mò quan sát cái thành phố lớn nước Mỹ; những phố rộng, nhưng ngôi nhà thấp thẳng hàng tăm tắp, những nhà thờ và đền dài kiểu gô tích “Anglê – Xaxông”48 những bến tàu rộng bao la, những nhà kho như những lâu đài này bằng gỗ, cái kia bằng gạch; trong các phố xe cộ đông đúc, nào ô tô chở khách, nào tàu điện, và trên các vỉa hè thì chen chúc không chỉ người Mỹ và người Châu Âu mà cả người Trung Quốc và Ấn Độ, tóm lại tất cả những gì để tạo nên một dân số trên hai mươi vạn người.

Vạn Năng khá ngạc nhiên trước những điều mắt thấy. Anh vẫn còn vương vấn hình ảnh một thành phố truyền thuyết của năm 1894, một thành phố của những tên tướng cướp, những tên đốt nhà và giết người lao vào cuộc chiếm đoạt những thỏi vàng sống, một nơi mênh mông chứa tất cả những kẻ lang bạt kỳ hồ, ở đó người ta đánh bạc bằng vàng bột, khẩu súng lục tay này và con dao tay kia. Nhưng “cái thời hoàng kim” ấy đã qua rồi. San Francisco mang cảnh tượng một thành phố thương mại lớn. Cái tháp cao của tòa thị chính, trên đó những lính cảnh vệ đứng canh gác, vượt lên tất cả các phố xá và đại lộ chạy ngang dọc theo đường vuông góc, ở giữa các góc ấy xanh rờn những công viên, rồi một thành phố Trung Quốc hình như đã được nhập cảng từ vương quốc Thiên triều về đây trong hộp đồ chơi trẻ con. Không còn những mũ rộng vành, không còn những sơ mi đỏ theo mốt của những kẻ đi săn tìm mỏ vàng, không còn những người dân da đỏ cắm lông trên đầu, mà là những mũ lụa và áo quần đen của nhiều nhà quý phái luôn sôi lên một hoạt động háo hức. Một vài phố, trong đó có phố Montgommery, cũng như phố Regent ở Luân Đôn, đại lộ những người Ý ở Paris, đường Quảng Lộ ở Nữu Ước, có những cửa hàng lộng lẫy bày trên quầy hàng những sản vật của toàn thế giới.

Đến khách sạn Quốc Tế, Vạn Năng thấy như mình vẫn đang ở nước Anh.

Tầng dưới của khách sạn dành cho một quán rượu rộng mênh mông, một thứ quán ăn không mất tiền mở ra cho mọi khách qua lại. Thịt khô, xúp trai, bánh bích-quy và pho-mát được dùng ở đây không phải trả tiền. Khách ăn chỉ trả tiền uống rượu, rượu bia Anh, rượu vang Bồ Đào Nha, rượu vang hảo hạng Tây Ban Nha, nếu anh ta cao hứng lên muốn uống. Điều này Vạn Năng thấy có vẻ “rất Mỹ”.

Nhà ăn của khách sạn khá sang trọng, ông Fogg và bà Aouda ngồi vào bàn ăn, món ăn ê hề bày trong những đĩa nhỏ xinh được phục vụ bởi người da đen có màu da đen nhánh.

Ăn sáng xong, ông Phileas Fogg với bà Aouda cùng đi, rời khách sạn để đến lãnh sự quán Anh xin thị thực vào giấy hộ chiếu. Vừa ra đến hè đường ông gặp người hầu của ông, anh hỏi ông trước khi đi lên xe lửa tuyến đường sắt Thái Bình Dương, có nên cẩn thận mua lấy vài tá súng cácbin Enfield hoặc súng lục Colt không. Vạn Năng đã nghe nói đến chuyện những người Sioux và Pawnee chặn cướp các đoàn tàu như những kẻ cắp Tây Ban Nha bình thường. Ông Fogg trả lời đó là một sự phòng bị vô ích, nhưng ông để anh tự do hành động như anh muốn. Rồi ông đến lãnh sự quán.

Phileas Fogg chưa đi được hai trăm bước thì, “do một sự tình cờ kỳ lạ nhất trên đời”, ông gặp Fix, viên thanh tra tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc. Ô hay! Ông Fogg và ông đã đi cùng với nhau một chuyến vượt biển Thái Bình Dương mà sao không gặp nhau trên tàu! Dẫu sao thì Fix chỉ có thể lấy làm vinh dự được gặp lại nhà quý phái mà ông đội ơn biết bao nhiêu, và, do công việc gọi về Châu Âu, ông sẽ vô cùng sung sướng được tiếp tục cuộc hành trình với một người bạn đồng hành dễ thương đến thế.

Ông Fogg đáp lại chính ông là người được vinh dự, thế là Fix – vốn không muốn mất hút ông ta – xin phép được cùng đi với ông thăm thành phố San Francisco kỳ lạ. Phileas Fogg nhận lời.

Vậy là bà Aouda, Phileas Fogg và Fix dạo chơi các phố. Chẳng mấy chốc họ đến phố Montgommery, theo làn sóng khổng lồ của quần chúng đổ xô đến phố này. Trên hè, giữa đường, trên đường tàu điện, xe ngựa và ô tô chở khách vẫn qua lại không ngừng, nhưng ở bậc các cửa hàng, ở cửa sổ tất cả mọi ngôi nhà, và thậm chí trên cả các mái nhà, người đông vô kể. Những người đeo biển quảng cáo đi đi lại lại giữa các tốp người tụ họp. Cờ và băng phấp phới trước gió. Những tiếng hô vang khắp nơi.

– Hoan hô Kamerfield!

– Hoan hô Mandiboy!

Một cuộc mít tinh. Ít ra đó là ý nghĩ của Fix, ông trao đổi ý nghĩ ấy với ông Fogg và nói thêm:

– Thưa ông có lẽ chúng ta không nên dính dáng đến cái đám nhốn nháo này. Kẻo không lại tai bay vạ gió.

– Đúng thế. – Phileas Fogg đáp, – và những quả đấm, dù làm chính trị, vẫn cứ là những quả đấm!

Fix tự thấy cũng nên mỉm cười khi nghe lời nhận xét đó, và để xem được mà không bị lôi cuốn vào đám đông hỗn độn, Bà Aouda, Phileas Fogg và ông trèo lên bậc trên cùng của một thềm tam cấp đi lên một bãi đất cao ở đầu phố Montgommery. Trước mắt họ, bên kia đường phố, giữa cái sân của một nhà buôn than và cửa hàng một nhà buôn dầu hỏa dựng lên một văn phòng bề thế ngay giữa trời, những dòng người từ các hướng khác nhau hình như đổ dồn cả về đây.

Tại sao có cuộc mít tinh này? Nó được tổ chức nhân dịp nào? Phileas Fogg hoàn toàn không biết. Có phải nhân sự bổ dụng một công chức cao cấp quân sự, một thống đốc bang hoặc một nghị sĩ Quốc hội? Có thể như vậy lắm, cho nên mới thấy cảnh náo nhiệt khác thường đang sôi sục trong thành phố như thế.

Lúc này đám đông rùng rùng chuyển động. Mọi cánh tay đều giơ lên trời. Một vài bàn tay nắm chặt, hình như vung lên hạ xuống thật nhanh giữa những tiếng hò hét – đây hẳn là một cách kiến nghị để biểu quyết. Đám đông xô đẩy nhau như nước xoáy, cuốn lên rồi lùi xuống. Những lá cờ ngả nghiêng, biến đi một lúc rồi lại hiện ra rách tơi tả. Làn sóng người tràn ra đến tận bậc tam cấp, trong khi tất cả mọi cái đầu cùng nhấp nhô như một mặt biển đột nhiên cuộn lên trong cơn giông tố. Con số những mũ đen giảm đi trông thấy, và phần lớn hình như không còn giữ được chiều cao bình thường của chúng.

“Đây hẳn là một cuộc mít tinh. – Fix nói – và vấn đề của nó chắc phải hết sức thú vị. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đây vẫn còn là chuyện Alabama. mặc dầu vụ nầy đã giải quyết xong rồi.

– Có thể, – Ông Fogg bình thản nói.

– Dẫu sao đi nữa. – Fix lại nói, ở đây cũng có hai tuyển thủ đối mặt nhau, ngài Kamerfield đáng kính và ngài Mandiboy đáng kính.”

Bà Aouda, bám vào cánh tay Phileas Fogg, kinh ngạc nhìn cảnh tượng hỗn loạn ấy, và Fix sắp hỏi một người đứng canh vì sao lòng dân sôi sục như thế, thì cuộc xô xát lại diễn ra kịch liệt hơn nữa. Tiếng hoan hô lẫn tiếng chửi rủa tăng lên gấp bội. Cán cờ biến thành vũ khí tấn công. Không còn những bàn tay, mà khắp nơi là nắm đấm. Từ trên nóc những xe vận tải và ô tô chở khách đang chạy bị chặn lại giữa đường, người ta đấm đá nhau dữ dội. Cái gì cũng dùng làm đạn được. Những chiếc giầy ống và giầy ngắn cổ vẽ trên không những đường đạn rất căng, và hình như có cả vài khẩu súng lục hòa giọng vào những lời gào thét của đám đông.

Đám người hỗn loạn tràn đến gần bậc tam cấp và dồn tới nhũng bậc đầu tiên. Rõ ràng một trong hai phe đã bị đẩy lùi, nhưng các khán giả bình thường vẫn chưa thể nhận ra phần thắng về phía Mandiboy hay Kamerfield.

“Tôi thấy ta nên cẩn thận rút lui là hơn. – Fix nói, không muốn để “người của ông” bị đòn đau hoặc dính vào một chuyện chẳng lành. – Nếu cây là một vấn đề về nước Anh và họ lại nhận ra chúng ta là người Anh, ta sẽ bị lôi thôi to trong cái vụ hỗn độn này!

– Một công dân Anh…” Phileas Fogg đáp.

Nhưng nhà quý phái chưa kịp nói hết câu. Phía sau ông từ cái sân bãi liền ngay bậc tam cấp vang lên những tiếng la thét khủng khiếp. Người ta gào lên: “Hoan hô! Híp! Híp! Mandiboy!” Đó là một tốp cử tri đến tiếp viện, đánh ngang sườn phe Kamerfield.

Ông Fogg, bà Aouda, Fix bị kẹp giữa hai làn đạn. Muốn thoát ra cũng muộn quá rồi. Cái thác người ấy, vũ trang bằng những gậy bịt chì và chùy, không có sức gì cản nổi. Để bảo vệ người thiếu phụ, bị xô đẩy ghê gớm. Ông Fogg. vẫn lạnh như tiền chẳng kém gì thường lệ, muốn chống đỡ bằng những vũ khí tự nhiên được trời đặt vào đầu cánh tay mọi người Anh, nhưng vô hiệu. Một anh chàng hộ pháp có chòm râu cằm đỏ, nước da hồng hào, vai rộng, hình như là tay đầu đảng, giơ cao nắm đấm khủng khiếp của anh ta giáng xuống đầu ông Fogg, và anh ta hẳn đã làm nhà quý phái khốn to nếu Fix không hy sinh nhận lấy cú đấm thay ông. Một cái bướu to tướng lập tức sưng vù lên dưới mũ viên thám tử, và cái mũ đã biến thành thứ mũ không vành như của các vị quan tòa và trạng sư vẫn đội.

– Đồ Yankee!49 – ông Fogg nói, ném vào mặt địch thủ của ông một cái nhìn khinh bỉ.

– Thằng Anh Cát Lợi! – người kia đáp lại.

– Ta sẽ còn gặp nhau!

– Khi nào anh muốn. Tên anh?

– Phileas Fogg. Còn anh?

– Đại tá Stamp W. Proctor.

Vừa nói xong, thì biển người tràn qua. Fix bị xô ngã rồi lại chồm dậy, quần áo rách nhưng không có thương tích nào nặng nề. Chiếc áo bành tô đi đường của ông bị xé toạc làm hai mảnh không đều, và quần ông giống như thứ quần của một số người da đỏ – “mốt” của họ – chỉ mặc sau khi đã khoét đũng quần đi. Nhưng rốt cuộc thì Bà Aouda vẫn yên lành, và duy chỉ có Fix là đã xơi ngon quả đấm.

“Cám ơn ông, – ông Fogg nói với viên thanh tra, sau khi họ đã ra khỏi đám đông.

– Có gì đâu. – Fix đáp, – nhưng ông đi với tôi.

– Đi đâu bây giờ?

– Đến một cửa hàng may mặc.”

Thật vậy, đến đó là phải. Áo quần Phileas Fogg và Fix rách tả tơi. cứ như hai nhà quý phái này đã chiến đấu cho các vị Kamerfield và Mandiboy đáng kính vậy.

Một giờ sau, họ đã quần áo mũ mãng chỉnh tề. Rồi trở về Khách sạn Quốc tế.

Tại đây. Vạn Năng đang đợi ông chủ anh, anh đã sắm được nửa tá súng lục có lắp dao găm, bắn sáu phát và phát hỏa ở giữa. Khi thấy Fix cùng đi với ông Fogg, anh sầm mặt lại. Nhưng Bà Aouda kể vắn tắt câu chuyện vừa xảy ra. Vạn Năng lại tươi tỉnh lên. Rõ ràng Fix không phải là kẻ thù nữa, mà là bạn đồng minh. Ông ta đã giữ đúng lời hứa.

Ăn tối xong, một xe ngựa đến chở các hành khách cùng hành lý ra ga. Lúc lên xe, ông Fogg nói với Fix:

– Ông không gặp lại tên đại tá Proctor đó ư?

– Không. – Fix đáp.

– Tôi sẽ quay lại Châu Mỹ tìm hắn, – Phileas Fogg lạnh lùng nói. – Một công dân Anh không thể để người ta đối xử với mình như thế được.

Viên thanh tra mỉm cười không đáp lại. Nhưng, như ta thấy, ông Fogg thuộc loại những người Anh không dung thứ chuyện quyết đấu trong nước họ, nhưng lại quyết đấu ở nước ngoài khi cần phải bảo vệ danh dự của mình.

Sáu giờ kém mười lăm, các hành khách tới ga và tàu đã sẵn sàng chuyển bánh.

Lúc sắp lên tàu, ông Fogg tiến theo một viên chức hỏi:

– Ông bạn này, hôm nay có vụ biến loạn gì ở San Francisco thế?

– Thưa, đó là một cuộc mít tinh, – người viên chức đáp.

– Thế mà phố xá cứ nhốn nháo thế nào ấy.

– Cũng chỉ là một cuộc mít tinh vận động bầu cử thôi ạ.

– Chắc là bầu một vị đại tướng tổng tư lệnh? – Ông Fogg hỏi.

– Thưa không ạ, một quan tòa hòa giải.

Nghe xong câu trả lời. Phileas Fogg lên tàu, và đoàn tàu băng mình hết tốc lực.

…………….

[←48]
Anglo-Saxon: Những dân tộc dòng giống Nhật nhĩ man xâm nhập nước Anh vào thế kỷ V.
[←49]
Người dân dòng Anglo-Saxon sang ở Hoa Kỳ.

80 ngày vòng quanh thế giới

80 ngày vòng quanh thế giới

Status: Completed Author:

Tên tiếng Pháp: Le Tour du monde en quatre-vingts jours
Tên tiếng Anh: Around the World in 80 Days

80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Juyn Vecnơ. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Viễn tưởng ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Juyn Vecnơ, với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thủy... có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày. Tuy nhiên đó mới chỉ là một thời gian lý thuyết, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp ngã phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển. v.v... Thế nhưng Philíat Phốc - nhân vật chính của tác phẩm - dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset