Phần XXXIII – Phileas Fogg có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh như thế nào

Phần XXXIII – Phileas Fogg có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh như thế nào

Một giờ sau, tàu Henrietta đi qua cái phao đèn đánh dấu cửa sông Hudson, vòng qua mũi bãi cát cong và ra biển. Ban ngày hôm ấy nó chạy ra ven bờ Đảo Dài, ở ngoài khơi ngọn đèn pha của hòn Đảo Lửa và phóng nhanh về phương đông.

Ngày hôm sau, 12 tháng chạp, lúc giữa trưa, một người trèo lên sân tàu đằng trước ống khói để xác định vị trí con tàu trên biển. Tất nhiên, ai cũng phải cho rằng người đó là thuyền trưởng Speedy! Hoàn toàn không thế. Đó là Tôn ông Phileas Fogg.

Còn viên thuyền trưởng Speedy thì đã bị nhốt trong căn buồng khoá trái của ông ta, và ra sức gào thét, biểu lộ một cơn giận dữ đến cực độ, một cơn giận thật ra cũng đáng thông cảm.

Chuyện xảy ra rất đơn giản. Phileas Fogg muốn đi Liverpool, viên thuyền trưởng không muốn chở ông đến đó. Phileas Fogg bèn nhận lời đi Bordeaux, và trong suốt ba mươi tiếng đồng hồ trên tàu, ông đã vận dụng tờ giấy bạc tài tình đến nỗi toàn đội thuỷ thủ, kể cả thợ đốt lò, một đội ngũ hơi ham tiền và khá ác cảm với viên thuyền trưởng, cuối cùng thuộc về ông. Và đó là lí do tại sao Phileas Fogg đứng vào vị trí chỉ huy của thuyền trưởng Speedy, tại sao viên thuyền trưởng bị nhốt trong căn buồng của ông ta, và cuối cùng tại sao tàu Henrietta lại tiến về Liverpool. Nhưng cứ xem ông Fogg thao tác thì thấy rõ ông đã từng là thuỷ thủ.

Câu chuyện rồi kết thúc thế nào, hạ hồi phân giải. Tuy vậy, bà Aouda chẳng khỏi lo ngại, lo để bụng mà không nói. Fix thì thoạt đầu choáng váng cả người. Còn Vạn Năng, anh chỉ hoàn toàn thấy việc làm rất đáng yêu.

“Giữa mười một và mười hai hải lý”, thuyền trường Speedy đã nói như vậy và quả thật tàu Henrietta luôn giữ được tốc độ trung bình ấy.

Vậy nếu như, còn biết bao nhiêu “nếu như” nữa! Nếu như biển không trở nên quá dữ, nếu như gió không đổi chiều từ hướng đông thổi lại, nếu tàu không bị hư hỏng, máy không sự cố, thì tàu Henrietta trong chín ngày kể từ ngày 12 tháng chạp đến 21, có thể vượt qua ba nghìn hải lý ngăn cách Nữu Ước với Liverpool. Tất nhiên khi đã về đến đích, vụ tàu Henrietta bồi thêm vào vụ Ngân hàng có thể dẫn nhà quý phái đi hơi xa hơn ông mong muốn.

Những ngày đầu, cuộc vượt biển được thực hiện trong những điều kiện tuyệt diệu. Biển không dữ lắm; gió như định hướng thổi về đông bắc; buồm giương lên, và dưới những cánh buồm của nó, tàu Henrietta chạy như một con tàu xuyên Đại Tây Dương thực thụ.

Vạn Năng sướng rơn. Chiến công cuối cùng của ông chủ anh, mà anh chẳng muốn nhìn thấy hậu quả, làm anh hào hứng. Chưa bao giờ đội thuỷ thủ của tàu lại thấy một chàng tai vui tính lanh lợi đến thế. Anh chầm vập hỏi han các thủy thủ và làm họ ngạc nhiên với những trò leo dây tài giỏi của mình. Anh tặng họ không tiếc những tên gọi tốt đẹp nhất và những thứ rượu hấp dẫn nhất. Dưới mắt anh, họ thao tác như những bậc hào hoa phong nhã, và các thợ đốt lò thì đốt lửa như những anh hùng. Cái vẻ vui tươi rất dễ truyền lan của anh thấm sang tất cả mọi người. Anh đã quên những ngày qua, những nỗi buồn phiền, những cảnh hiểm nguy. Anh chỉ nghĩ đến cái đích kia, cái đích đã ở tầm tay với, và đôi khi anh sùng sục nóng ruột, dường như anh đã được cái lò của tàu Henrietta đun sôi lên. Chàng trai đứng đắn nhiều khi cũng quanh quẩn bên Fix: anh nhìn ông ta bằng một con mắt “ẩn ý sâu xa”, nhưng anh không nói gì với ông, bởi vì giữa hai người bạn cũ không còn thân tình nào nữa.

Vả lại, cũng phải nói rằng Fix không còn hiểu ra sao cả! Việc chiếm đoạt tàu Henrietta, việc mua chuộc các nhân viên trên tàu, thằng cha Fogg thao tác như một thuỷ thủ lành nghề, tất cả mọi chuyện ấy làm ông choáng váng. Ông không còn biết nên nghĩ thế nào nữa! Nhưng, xét cho cùng, một nhà quý phái đã bắt đầu bằng việc ăn trộm năm mươi nghìn livrơ thì cũng có thể kết thúc bằng vụ ăn cướp một tàu bể. Và cái lô gích rất tự nhiên của Fix là tin rằng tàu Henrietta do Fogg điều khiển chẳng hề đi Liverpool, mà đến một địa điểm nào đó trên trái đất, tại đây tên kẻ trộm, trở thành tướng cướp, sẽ đàng hoàng sống yên ổn! Cái giả thiết ấy ta phải chịu là nó có lí không gì bằng, và nhà thám tử thật sự hối tiếc đã để mình lao vào việc này.

Còn viên thuyền trưởng Speedy thì cứ tiếp tục gào thét trong buồng mình, và Vạn Năng, chịu trách nhiệm mang đồ ăn thức uống lại cho ông, phải làm việc ấy với sự phòng bị chu đáo nhất dù anh có khoẻ đến mấy. Ông Fogg, về phía ông, thậm chí có vẻ đã quên đứt đi rằng đang có một viên thuyền trưởng trên tàu.

Ngày 13, tàu đi qua đầu mỏm bãi Đất Mới. Đây là đoạn đường khó đi. Nhất là về mùa đông, ở đây hay có sương mù và những trận gió giật đáng sợ. Từ hôm qua phong vũ biểu đã hạ đột ngột. Thật vậy, ban đêm nhiệt độ thay đổi, lạnh hơn, và đồng thời gió đổi chiều thổi từ hướng đông nam lại.

Một trắc trở, ông Fogg, để khỏi đi chệch đường, phải cuốn buồm và tăng hơi. Thế nhưng tàu chạy chậm lại, do mặt biển có những làn sóng dài xô mạnh vào mũi tàu. Con tàu bập bềnh ghê gớm, làm tốc độ giảm đi. Gió dần chuyển thành bão, và người ta dự đoán tàu Henrietta không thể đứng vững được trước sóng biển. Nhưng nếu có cái gì cần tránh, thì đó là cái chưa biết với tất cả những sự rủi ro của nó.

Khuôn mặt Vạn Năng tối sầm lại cùng với bầu trời, và trong hai ngày, chàng trai hiền lành sống những nỗi lo khô gan héo ruột. Nhưng Phileas Fogg là một thuỷ thủ táo bạo biết đương đầu với biển cả, và ông vẫn luôn luôn thẳng tiến. Khi tàu Henrietta không thể vọt cao bằng con sóng thì nó xuyên qua, và tất cả boong tàu bị nước quét mạnh, nhưng nó vẫn đi qua. Cũng có lần chân vịt bềnh lên, dập chới với trong không khí bằng những cánh điên cuồng của nó, trong khi một khối nước như trái núi nhấc bổng đít tàu khỏi mặt biển, nhưng con tàu vẫn cứ tiến.

Tuy nhiên gió không thổi mỗi lúc một mạnh như người ta có thể lo ngại. Đây không phải là một trận bão với tốc độ chín mươi bảy hải lí một giờ. Gió vẫn thế thôi, nhưng khốn thay nó cứ thổi mãi từ một hướng đông nam và không cho phép giương buồm. Ấy thế mà, như ta sẽ thấy, tình hình đã đến lúc rất cần phải trợ lực cho hơi nước!

Ngày 16 tháng chạp, đó là ngày thứ bảy mươi lăm kể từ khi khởi hành ở Luân Đôn. Tóm lại, tàu Henrietta vẫn chưa bị chậm trễ nào đáng ngại. Nó đã đi được chừng nửa chặng đường, và những đoạn khó nhất đã vượt qua. Vào màu hè, thành công đã có thể xem là chắc chắn. Mùa đông, người ta phải phụ thuộc vào thời tiết xấu. Vạn Năng không tỏ ý kiến gì. Trong thâm tâm anh vẫn nuôi hi vọng, và nếu không được gió thuận thì ít ra cũng còn trông cậy ở sức hơi nước.

Thế nhưng, ngày hôm ấy, bác thợ máy lên boong gặp ông Fogg và bàn luận với ông khá sôi nổi.

Không biết tại sao, chắc hẳn do linh tính, Vạn Năng cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ. Anh sẵn sàng cắt bỏ ngay một tai để nghe bằng tai kia những chuyện gì trao đổi trên ấy. Tuy vậy, anh cũng nghe lỏm được vài câu trong đó, có những câu sau đây do ông chủ anh thốt lên:

– Bác dám chắc về những điều bác nói đấy chứ?

– Thưa ngài, chắc, – bác thợ máy đáp. – Xin ngài nhớ cho rằng, từ lúc khởi hành, chúng ta đã đốt tất cả các lò cùng cháy với tốc độ chậm từ Nữu Ước đi Bordeaux thì lại không đủ để chạy hết tốc lực từ Nữu Ước đi Liverpool!

– Tôi sẽ lo liệu, – ông Fogg đáp.

Vạn Năng hiểu. Anh lo muốn chết nửa con người. Than sắp hết!

“Chà! Nếu ông chủ ta mà chống đỡ được đòn này, – anh nghĩ, – thì quả là một ông thánh sống!”

Và khi gặp Fix, anh không thể không nói cho ông biết tình hình ấy.

– Vậy ra, – viên thanh tra nghiến răng đáp lại, anh tưởng chúng ta đi Liverpool đấy à!

– Hẳn chứ!

– Ngốc! – viên thanh tra đáp và nhún vai bước đi.

Vạn Năng đã định cho ông ta một bài học đến nơi đến chốn về cái hình dung từ ấy, mà vả chăng anh cũng không thể hiểu được ý nghĩa thật sự của nó, nhưng anh ta tự nghĩ con người xấu số Fix kia hẳn phải thất vọng lắm, phải nhục nhã lắm với lòng tự trọng của mình, sau khi đã theo dõi vòng quanh thế giới vụng về đến thế một tung tích lầm lẫn, và anh bỏ qua cho cái tội của ông.

Con bây giờ thì Phileas Fogg sẽ định sao đây? Điều ấy thật khó mà hình dung được. Tuy vậy, hình như nhà quý phái lạnh như tiền đã hạ một quyết định. Bởi vì ngay chiều hôm ấy ông gọi cho bác thợ máy đến và nói với bác:

“Bác quạt lửa mạnh lên và chạy cho kì hết chất đốt”.

Một lúc sau, ống khói tàu Henrietta nhả ra từng cuộn khói ngùn ngụt.

Vậy là con tàu lại tiếp tục mở hết tốc lực; nhưng đúng như đã báo trước, hai ngày sau, ngày 18, bác thợ máy cho biết là nội nhật ngày hôm ấy than sẽ hết.

“Không hạ lửa, – ông Fogg đáp. – Ngược lại. Đốt mạnh lên cho các nắp hơi luôn ứ đầy hơi”.

Ngày hôm ấy, vào khoảng giữa trưa, sau khi tính toán vị trí con tàu. Phileas Fogg cho gọi Vạn Năng và ra lệnh cho anh đi mời viên thuyền trưởng Speedy tới. Thật chẳng khác gì người ta sai chàng trai trung hậu này đi tháo cũi cho một con hổ, và anh bước xuống phòng cuối tàu, nghĩ bụng:

“Nhất định hắn sẽ phát điên lên!”

Thật thế, vài phút sau, một quả bom rơi xuống phòng cuối tàu giữa tiếng kêu gào chửi bới. Quả bom ấy là thuyền trưởng Speedy. Rõ ràng là nó sắp nổ:

“Chúng ta đang ở đâu vậy?” đó là những lời đầu tiên ông thốt lên trong cơn giận dữ đến nghẹt thở, và chắc chắn nếu con người tử tế này bị bệnh uất máu thì dù nhẹ đến đâu ông cũng đi đứt.

– Chúng ta đang ở đâu đây? – ông ta nhắc lại, mặt đỏ phừng phừng.

– Ở cách Liverpool bảy trăm bảy mươi hải lí. (300 dặm biển57) – Ông Fogg đáp lại với một vẻ điềm tĩnh không nao núng.

– Tên kẻ cướp! – Andrew Speedy kêu lên.

– Tôi mời ông đến đây, thưa ông…

– Quân giặc biển!

– …thưa ông, – Phileas Fogg nói tiếp, – để xin ông bán cho cái tàu của ông.

– Không! Ngàn lần không!

– Đó là vì tôi sắp phải đốt nó đi.

– Đốt tàu ta?

– Phải. Ít ra ở những phần trên mặt, bởi vì chúng ta thiếu chất đốt.

– Đốt tàu ta! – viên thuyền trưởng Speedy kêu lên lưỡi ríu lại không nói lên lời. – Một cái tàu trị giá năm vạn đô la (250.000 phật lăng!).

– Đây sáu vạn (300.000 phật lăng)! – Phileas Fogg đáp, đưa cho viên thuyền trưởng một tập giấy bạc.

Cái đó tạo nên một hiệu quả kỳ diệu ở Andrew Speedy. Người ta sẽ không phải là người Mỹ nếu việc nhìn thấy sáu vạn đô la lại không gây cho người ta một xúc động nào đó. Trong một phút viên thuyền trưởng quên hết cả giận dữ, quên cả cảnh giam cầm của ông, cả những nỗi bất bình của ông đối với người hành khách kia. Con tàu của ông đã chạy hai mươi năm. Vụ này kiếm bẫm đây!… Quả bom không nổ được nữa. Ông Fogg đã tháo ngòi của nó.

– Còn cái vỏ sắt thuộc về tôi. – Ông ta nói với giọng dịu đi kỳ lạ.

– Cái vỏ sắt và cỗ máy, thưa ông. Xong chưa?

– Xong.

Và Andrew Speedy vồ lấy tập giấy bạc, đếm và đút biến vào trong túi. Trong khi diễn ra cảnh tượng ấy. Vạn Năng đứng trắng bệch. Fix thì suýt chút nữa bị một cú choáng. Đã cho mất hai vạn livrơ, tên Fogg này còn bỏ lại cái vỏ tàu và cỗ máy cho người bán, nghĩa là gần như giá trị toàn bộ con tàu. Đích thực số tiền mất cắp của nhà ngân hàng lên đến năm vạn rưỡi livrơ!

Khi Andrew Speedy đã bỏ tiền vào túi, ông Fogg nói:

“Thưa ông, xin ông đừng ngạc nhiên về tất cả những chuyện này. Ông biết cho rằng tôi sẽ mất hai vạn livrơ, nếu tôi không về đến Luân Đôn ngày 21 tháng chạp, lúc tám giờ bốn mươi lăm tối. Vậy mà tôi lỡ tàu ở Nữu Ước, và vì ông từ chối không chịu chở tôi đến Liverpool…

– Và tôi đã từ chối như thế là phải, xin thề có trời đất quỷ thần, – Andrew Speedy kêu lên, – bởi vì tôi đã kiếm được ở đây ít nhất bốn vạn đô la”.

Rồi, ung dung hơn, ông nói tiếp:

– Ngài có biết một điều này không, thưa ngài thuyền trưởng…?

– Fogg.

– Ngài thuyền trưởng Fogg, vâng, ở ngài có tố chất Yankee đấy.

Và sau khi nói đã nói với hành khách cái điều mà ông tưởng là một lời khen ngợi, ông ta bước đi, thì Phileas Fogg lại nói với ông:

– Bây giờ tàu này thuộc về tôi?

Tất nhiên, từ sống tàu đến đỉnh cột buồm, nhưng phải hiểu là tất cả cái gì bằng “gỗ” thôi!

– Được. Cho phá các thiết bị bên trong và lấy những mảnh phá ấy chất lò.

Ta thử tưởng tượng xem muốn giữ được hơi nước có áp lực đầy đủ, phải ngốn biết bao nhiêu cái thứ củi không này. Ngày hôm ấy phòng cuối tàu, nóc tàu, các căn buồng, các nơi ở, boong dưới, tất cả đều chui vào lò hết.

Ngày hôm sau, 19 tháng chạp, người ta đốt bộ cột buồm, các dây buồm, các trục buồm. Người ta hạ các cột buồm xuống, lấy rìu chẻ ra. Các thuỷ thủ làm việc này hăng hái lạ thường. Vạn Năng đẽo, chặt, cưa. Làm công việc của mười người. Quả là một cuộc phá huỷ điên cuồng.

Ngày hôm sau, 20, các bao lơn, gỗ cạp mạn tàu, các phần tàu bên trên mặt nước, phần lớn boong tàu đều bị ngốn sạch. Tàu Henrietta bị phá nhẵn nhụi trơ ra như một cái cầu phao.

Nhưng ngày hôm ấy, người ta đã nhìn thấy bờ biển Ai Len và ngọn đèn pha Fastenet.

Tuy nhiên, đến mười giờ đêm, con tàu mới chỉ đi ngang qua Queenstown. Phileas Fogg chỉ còn hai mươi bốn giờ nữa đến tới Luân Đôn! Vậy mà đó là thời gian cần thiết cho tàu Henrietta để tới Liverpool – dù phóng hết tốc lực. Và cuối cùng thì chất đốt cũng sắp sửa không còn đủ cho nhà quý phái táo bạo nữa!

– Thưa ngài, – viên thuyền trưởng Speedy lúc này đã quan tâm đến những kế hoạch của Phileas Fogg bèn nói với ông, – tôi thật sự ái ngại cho ngài. Tất cả đều chống lại ngài! Chúng ta mới chỉ đang ở trước mặt Queenstown thôi.

– À! – ông Fogg nói, – cái thành phố mà chúng ta đang nhìn thấy ánh đèn kia là Queenstown đấy ư?

– Vâng.

– Ta có thể vào cảng được chứ?

– Phải đợi ba giờ nữa. Nước lên mới vào được.

– Thì đợi vậy! – Phileas Fogg thản nhiên đáp, không thể để lộ trên mặt một vẻ gì cho thấy rằng ông sắp cố thử chiến thắng số phận rủi ro một lần nữa.

Thật thế, Queenstown là một hải cảng của bờ biển Ai Len, tại đây những chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương từ Hoa Kỳ đi qua vứt bọc bưu kiện lại. Các bọc bưu kiện ấy được trở đến Dublin bằng những chuyến xe lửa tốc hành luôn sẵn sàng chạy. Từ Dublin, những bưu kiện ấy được tàu thuỷ tốc hàng chuyển đến Liverpool – như thế sớm được mười hai giờ trước cả tàu bể chạy nhanh nhất của các công ty hàng hải.

Con số mười hai giờ mà bưu cục châu Mỹ tranh thủ được như thế, Phileas Fogg cũng muốn tranh thủ. Theo tàu Henrietta thế phải tối hôm sau mới tới Liverpool, đằng này ông sẽ đến vào giữa trưa, và do đó có thể về kịp Luân Đông trước tám giờ bốn mươi lăm phút tối.

Vào khoảng một giờ sáng, tàu Henrietta theo nước lên vào cảng Queenstown, và Phileas Fogg, sau khi nhận được một cái bắt tay thật chặt của thuyền trưởng Speedy, để ông ta lại trên cái xác tàu đã phá trụi của ông, nó vẫn còn giá trị bằng nửa con tàu ông ta đã bán đi!

Các hành khách lên bờ ngay tức khắc. Fix lúc này có một nỗi thèm khát dữ tợn muốn bắt giữ tên Fogg. Thế nhưng ông ta không làm việc đó! Sao thế? Một cuộc đấu tranh gì đang diễn ra trong con người ông vậy? Ông ta đã thay đổi ý kiến về ông Fogg rồi chăng? Tuy nhiên, Fix vẫn không rời ông Fogg. Cùng với ông Fogg, với bà Aouda, với Vạn Năng lúc này không còn thời gian để thở nữa, ông lên xe lửa ở Queenstown lúc một giờ rưỡi đêm, đến Dublin khi trời rạng sáng, và liền sau đó bước xuống một trong những cái tàu thuỷ ấy – những con thoi bằng thép thật sự, toàn bộ là máy là máy – chúng không thèm cất mình lên theo con sóng. Mà chỉ một mực phóng xuyên qua.

Cuối cùng, mười hai giờ kém hai mươi trưa ngày 21 tháng chạp, Phileas Fogg lên bộ ở cảng Liverpool, ông chỉ cần sáu tiếng đồng hồ nữa là đến Luân Đôn.

Nhưng đúng vào lúc đó, Fix tiến lại, đặt tay lên vai ông, và chìa lệnh bắt ra, nói:

– Ông có thật là đúng là ông Phileas Fogg?

– Vâng, thưa ông.

– Thay mặt nữ hoàng, tôi bắt giữ ông!

………….

[←57]
Vào khoảng 1.500km.

80 ngày vòng quanh thế giới

80 ngày vòng quanh thế giới

Status: Completed Author:

Tên tiếng Pháp: Le Tour du monde en quatre-vingts jours
Tên tiếng Anh: Around the World in 80 Days

80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Juyn Vecnơ. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Viễn tưởng ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Juyn Vecnơ, với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thủy... có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày. Tuy nhiên đó mới chỉ là một thời gian lý thuyết, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp ngã phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển. v.v... Thế nhưng Philíat Phốc - nhân vật chính của tác phẩm - dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset