Hồi 16: Tử Nha đốt quỉ hóa Tỳ Bà

Tử Nha đốt quỉ hóa Tỳ Bà

Tử Nha theo Dị Nhơn ra dạo vườn hoa xem thấy phong cảnh rất đẹp. Tường cao vòi vọi, vườn rộng thênh thênh, bên tả một khóm dương xanh, tỏa tản mát rượi, bên hữu có mấy cụm tòng lá xanh dờn. Chính giữa có lầu ngoạn cảnh, trồng đủ màu hoa lạ, phía trước là một cái ao sen, cá lội lăn tăng. Tử Nha xem một hồi thấy, cách khung nhà hóng gió và ao cá còn một khoảng đất trống, liền nói:

– Chỗ nầy rất tốt, sao anh không xây cất một ngôi lầu?

Dị Nhân hỏi:

– Cất lầu làm gì?

Tử Nha nói:

– Theo địa lý thì nơi đây có khí tụ rất nhiều, Nếu cất năm căn nhà lớn thì sẽ có ba mươi sáu người làm quan. Tôi có biết về địa lý nên tỏ bày với anh để đền ơn.

Dị Nhân hỏi:

– Hiền đệ thạo về địa lý thì đó cũng là một nghề sinh sống đấy. Nhưng tôi không giấu gì hiền đệ, chỗ nầy đã nhiều lần tôi dựng lên gian nhà, và sau đó bị cháy liền. Tôi chắc đó là lửa ma, không thể nào làm được, nên tôi đành bỏ qua, chừa đất trống vậy.

Tử Nha nói:

– Ðể tôi chọn ngày tốt cho anh xây cất. Anh cứ lo tiệc để đãi đằng thợ thầy, còn phần lửa ma để mặc em ếm cho. Nhất định nó không làm gì nổi.

Dị Nhân nói:

– Hiền đệ cũng biết khoa ếm tà trừ ma nữa à?

Tử Nha nói:

– Việc đó tôi rành lắm, anh đừng ngại.

Dị Nhân vui vẻ nói:

– Nếu vậy tôi cho thợ thầy làm ngay. Ý tôi muốn đã lâu nhưng không sao thực hiện được.

Mấy hôm sau, Dị Nhân đi kêu thợ, trong nhà sẵn cây cối nên dựng lên chẳng mấy chốc.

Tử Nha núp trong nhà mát để theo dõi sự tình.

Nửa đêm hôm ấy bỗng nghe gió thổi ào ào, cát bụi bay mịt mù, trong hơi gió có hiện ra năm con yêu mặt xanh, mặt trắng, mặt đỏ, mặt vàng, mặt đen.

Tử Nha vội bỏ tóc xõa cầm gươm chỉ mặt hét lớn:

– Năm con yêu không sa xuống còn đợi chừng nào?

Nói vừa dứt, Tử Nha bắt ấn, tức thì một tiếng sấm vang lên, năm con yêu sa xuống một lúc, quỳ trước mặt Tử Nha năn nỉ:

– Chúng tôi không ngờ có tiên ông đến đây, xin lấy lượng khoan hồng tha cho chúng tôi khỏi chết.

Tử Nha nói:

– Bây quen thói hành hung, đốt nhà người ta mấy lượt. Nay có ta đến đây để chúng bay sống làm chi?

Nói rồi cầm gươm đến chém. Năm con yêu thất kinh khóc than:

– Chúng tôi ra công tu luyện nên mới được như ngày nay, tiên ông nỡ nào dứt bỏ cho đành, chúng tôi nguyện từ nay về sau chẳng dám làm càn.

Tử Nha nói:

– Thôi, ta cũng tha cho chúng bây một lần làm phước. Chúng bay không được ở đây nữa phải đi núi Kỳ Sơn tạm trú, chờ lúc chiến chinh ra cho ta sai khiến, ta sẽ phong Thần.

Năm yêu cúi lạy rồi hóa gió bay mất.

Bấy giờ Mã thị và Tôn thị đang rình xem Tử Nha trừ yêu, ếm quỉ, nhưng không thấy yêu quỉ đâu cả, chỉ thấy Tử Nha đứng xõa tóc, cầm gươm một mình như một người điên.

Mã thị nói với Tôn thị:

– Chị coi ông lão điên kìa. Một mình đứng láp nháp mãi.

Nói rồi, xốc tới nắm áo Tử Nha kéo lại, hỏi:

– Ông làm gì vậy?

Tử Nha đáp:

– Ðàn bà mà biết gì? Tôi đang trừ ma ếm quỉ.

Mã thị cười lớn:

– Khéo kiếm chuyện lừa phỉnh. Làm những chuyện tầm thường chưa nên, lại còn muốn làm thầy thiên hạ.

Tử Nha nói:

– Coi bói, coi quẻ, trừ ma ếm quỉ là sở trường của tôi.

Mã thị nói:

– Sao không lấy đó làm nghề sinh nhai?

Tử Nha nói:

– Nếu tôi có một căn phố tại chợ thì có thể lập ra một phòng xem bói, xem tướng được.

Mã thị không tin:

– Tôi chỉ sợ ông nói bậy không đúng, người ta nhổ răng, đập đồ nghề, xé sách thì xấu.

Vợ chồng đang tranh luận thì Dị Nhân bước ra hỏi:

– Mấy lần trước hễ gió lớn như vậy tức thì nhà bị cháy, nhưng lần nầy lửa ma không thấy phá phách nữa.

Tử Nha nói:

– Năm con yêu nổi gió đến đốt phá, chúng gặp tôi không dám hung hăng. Tôi bắt chúng rời khỏi vùng đất nầy, từ nay không được phá phách nữa.

Di Nhân mừng rỡ nói:

– Nhờ phép của hiền đệ, từ nay tôi có thể dựng căn lầu lên được. Hiền đệ có tài như vậy thật không uổng công tu luyện hơn bốn mươi năm.

Tôn thị nói với chồng:

– Hiền thúc vừa than không có một căn phố tại chợ để mở phòng coi bói. Vậy nhà mình có phố nhiều, cũng nên nhường cho hiền thúc một căn.

Dị Nhân nói:

– Muốn việc ấy thì chẳng khó gì. Nhà tôi có bảy tám mươi căn phố tại chợ Triều Ca. Tôi cho hiền đệ một căn muốn dùng làm việc gì cũng được.

Dứt lời sai gia đinh đến chợ Triều ca dọn dẹp một căn phố chỗ đông người nhất, giao cho Tứ Nha sử dụng.

Tử Nha mừng rỡ, chọn ngày tốt mở phòng coi bói. Ngày đêm ở luôn nơi chỗ làm việc.

Từ hôm ấy, người qua đường đều thấy một phòng coi bói bày biện rất lịch sự. Trước cửa dẫn một đôi liễn đỏ chót, đề rằng.

Ðã thông cao thấp trăm điều thiệt

Chẳng nói tầm thường nửa tiếng sai

Ðôi liễn kế bên trong viết rằng:

Miệng nói như ghi, biết khắp nhân gian lành dữ

Mắt xem tợ kiếng, soi cùng thiên hạ thạnh suy

Dựa nơi bàn ngồi lại có đôi liễn đề rằng:

Tay áo đựng càn khôn

Cái bầu thâu nhật nguyệt

Tuy vậy ngót ba tháng trời, không một người khách nào vào hàng xem quẻ cả.

Tử Nha ngồi buồn, ngày nào cũng ngáp dài ngủ gật.

Mã thị cằn nhằn:

– Bỡi ông xem bói không hay nên người ta không đến!

– Chưa có một người nào vào xem thì làm sao biết thầy hay hay dỡ? Chẳng qua thời vận tôi chưa đến, nên khiến làm ăn không xong.

Mã thị lườm chồng:

– Mấy người bất tài đều đổ thừa thời vận. Tôi chẳng biết ông đến bao nhiêu tuổi nữa mới tới thời. Trên đầu tóc đã bạc phơ mà chẳng làm gì nên hình cả.

Tử Nha đành nhịn vợ, không biết phải giải thích làm sao hơn.

Ngày kia, có một ông tiều đi ngang qua, tên Lưu Càng, để gánh củi ngoài sân, bước vào vỗ bàn nói lớn:

– Chào thầy.

Tử Nha đang gục mặt trên bàn ngủ, bỗng giật mình mở mắt, thấy một người cao lớn phi thường, hai con mắt lồ lộ, tướng mạo hung hăng.

Tử Nha hỏi:

– Anh đi bói quẻ hay xem số?

Lưu Càng không đáp hỏi lại:

– Thầy tên họ là gì?

Tử Nha nói:

– Tôi họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha biệt hiệu Phi Hùng.

Lưu Càng hỏi:

– Ðôi liễn thầy viết trên cột đây có ý gì xin thầy cắt nghĩa cho tôi nghe thử?

Tử Nha hỏi:

– Ba câu liễn của tôi ông muốn hỏi câu liễn nào?

Lưu Càng chỉ tay vào câu liễn gần nhất, hỏi:

– Tay áo đựng càn khôn, cái bầu thâu nhật nguyệt là nghĩa gì vậy?

Tử Nha giải thích:

– Tay áo đựng càn khôn là biết cả những việc đã qua và sắp tới. Cái bầu thâu nhật nguyệt là biết phép tiên, sống hoài không chết.

Lưu Càng nói:

– Thầy khoe biết cả những việc đã qua và chưa tới, vậy tôi xin bói một quẻ, hễ trúng thì tôi thưởng thầy hai chục đồng tiền, còn trật thì tôi sẽ tặng thầy vài đấm, bảo dọn đồ về xứ, không cho ở chợ Triều Ca nầy lừa phỉnh thiên hạ.

Tử Nha thở dài nghĩ thầm:

– Mấy tháng trời không gặp một khách hàng nay lại có thằng tướng dữ nầy vào phá đám, nếu coi không trúng chắc nguy với nó chớ chẳng chơi.

Nghĩ rồi, Tử Nha hỏi Lưu Càng:

– Ông muốn xem việc gì cứ nói.

Lưu Càng nói:

– Tôi là người tiều phu đi bán củi. Vậy ông chỉ cho tôi nên đi ngả nào, bán củi được bao nhiêu tiền.

Tử Nha gieo quẻ xong, viết bốn câu như vầy:

Ði qua bên phía Nam

Gặp ông già cội liễu

Bán được một trăm hai chục đồng

Bốn bánh lót lòng vài chén rượu

Lưu Càng cãi lại:

– Thầy bói quẻ nầy chắc không trúng rồi. Tôi đi bán củi đã mấy mươi năm, không ai cho uống rượu bao giờ.

Tử Nha nói:

– Cớ đi thử rồi sẽ biết.

Lưu Càng nghe theo lời, gánh củi nhắm phía Nam đi thẳng.

Ði một lúc xa xa, bỗng gặp một ông già đang đứng dưới một gốc dương liễu gọi lại, bảo:

– Hãy đem củi đây ta mua.

Lưu Càng khen thầm:

– Quẻ linh thật.

Ông già hỏi:

– Gánh củi ông bán chắc giá bao nhiêu?

Lưu Càng cố ý thử quẻ, liền nói:

– Nhất định một trăm đồng, không đòi lên xuống gì cả.

Ông già nói

– Gánh củi nặng và khô tốt lắm. Tôi không trả thiếu làm gì, hãy gánh vào nhà tôi đưa tiền cho.

Lưu Càng mừng thầm, gánh củi vào nhà ông lão.

Tánh Lưu Càng lại thích sạch sẽ, nên trước khi chất củi vào nhà chứa, quét dọn rất tươm tất.

Ông lão bước ra thấy sạch sẽ, khen:

– Hôm nay lũ trẻ ở nhà quét dọn vừa mắt lắm.

Lưu Càng nói:

– Thưa ông, ông lầm rồi, chính tôi mới quét dọn giùm cho ông đó.

Ông già rất hài lòng, khen:

– Bữa nay là ngày cưới vợ cho con trai tôi. Tôi mua được củi tốt lại gặp người tử tế như ông thật ít có.

Nói rồi ông lão vào nhà trong sai một tên gia đinh đem ra cho Lưu Càng một dĩa bánh và một chai rượu nhỏ, nói:

– Viên ngoại bảo ông ăn bánh lót lòng rồi sẽ về.

Lưu Càng khen:

– Ông thầy bói họ Khương quả thần thánh. Ðể ta rót rượu xem có y như vậy không?

Quả nhiên, ve rượu chỉ rót vừa hai chén thì cạn.

Lưu Càng ăn uống xong, thấy ông lão buớc ra, liền nói:

– Tôi cảm ơn viên ngoại nhiều lắm.

Ông lão liền trao cho Lưu Càng hai gói tiền, một gói lớn, một gói nhỏ, và nói:

– Ðây là một trăm tiền củi. Còn đây là hai mươi đồng tiền thưởng riêng, vì hôm nay gặp ngày hỉ sự, ông cầm lấy uống rượu cho vui.

Lưu Càng mừng rỡ, vội từ tạ ra về, vừa đi vừa nghĩ:

– Nay đất Triều Ca có thần tiên ra mặt, chẳng biết thế gian có gì đổi mới chăng?

Nghĩ rồi xăm xăm trở lại chợ, để trả tiền coi bói.

Trong lúc đó, từ sáng sớm, nhiều người thấy Lưu Càng hăm đánh Tử Nha, sợ Tử Nha sẽ mang họa với con người cộc cằn ấy

Vì vậy, khi Lưu Càng đi rồi, có nhiều người vào nói với Tử Nha:

– Lưu Càng là quân hoang, khét tiếng ở chợ Triều Ca nầy, không nên đánh cuộc với nó. Liệu bề quẻ không linh thì trốn mất cho xong.

Tử Nha nói:

– Tôi làm thầy có sách vở đâu phải chuyện phỉnh phờ. Cứ chờ xem thì biết.

Mọi người thấy Tử Nha già cả cũng thương, đợi Lưu Càng trở về nếu có xảy ra bề nào sẽ can gián giùm.

Ðược một lúc thấy Lưu Càng từ đầu phố chạy bon bon về, vào thẳng cửa hàng Tử Nha.

Tử Nha hỏi:

– Sao? Quẻ có linh không?

Lưu Càng nói lớn:

– Tôi phục thầy là ông Thánh sống rồi. Quẻ đúng y ngay, không sai một chút nào. Thầy về ở chợ Triều Ca nầy thì thiên hạ rất may mắn, lánh dữ, tìm lành.

Tử Nha nói:

– Quẻ đúng thì phải trao tiền cho tôi chứ.

Lưu Càng nói:

– Tôi hứa thưởng ông hai chục đồng tiền, trong túi tôi có sẵn, tôi không gạt ông đâu. Nhưng chậm rãi, để tôi làm việc nầy đã.

Lưu Càng đứng trước thềm, giây phút thấy một người mặc áo vải mang đai da, chạy như tên bắn.

Lưu Càng liền đuổi theo níu lại.

Người ấy trợn mắt nói:

– Anh kéo tôi làm gì?

Lưu Càng nói:

– Phố nầy có ông thầy coi bói rất thần tình. Mời anh ghé vào xem một quẻ, bỏ qua uổng lắm.

Người kia trố mắt nhìn Lưu Càng lấy làm lạ, nói:

– Coi bói hay không mặc tôi, tại sao anh bắt buộc tôi?

Lưu Càng nói:

– Chỉ thầy bói giỏi, mách thuốc hay là việc làm ơn, tôi đâu phải ác ý với anh mà anh phàn nàn.

Người kia lắc đầu:

– Nhưng tôi không muốn xem.

Lưu Càng giật mạnh vạt áo:

– Tại sao lại không xem. Thầy bói nầy hay lắm.

Người kia mở to đôi mắt nhìn Lưu Càng, thấy Lưu Càng tợn mạnh khỏe lòng cũng sợ, nhưng ỷ mình là công sai của triều đình, nên lên tiếng gắt:

– Tôi không xem thì anh làm gì tôi chớ?

Lưu Càng nghiến răng nói:

– Nếu anh không coi, tôi nhận nước anh rồi tôi cùng chết luôn.

Vừa nói, Lưu Càng vừa lôi người công sai ra bể nước.

Mọi người biết Lưu Càng tuy là gã tiều phu, nhưng có tánh bướng bỉnh, hễ nói là làm, nên xúm nhau khuyên người công sai.

Người công sai cằn nhằn:

– Tôi không có chuyện gì, coi bói làm sao được?

Lưu Càng nói coi đi. Hễ không đúng tôi trả tiền cho, còn quẻ đúng anh phải mua rượu cho tôi uống.

Người công sai thấy Lưu Càng ngang ngạnh quá, túng phải theo vào phòng coi bói.

Người công sai nói với Tử Nha:

– Tôi là công sai của triều đình, đi ngang đây không có việc gì để xin quẻ, bởi anh em ép nên phải vào nhờ thầy một chút.

Tử Nha hỏi:

– Anh muốn nhờ việc chi?

Người công sai nói:

– Tôi nhờ thầy bói một quẻ xem tôi đi thâu tiền được bao nhiêu?

Tử Nha gieo quẻ rồi viết ra bốn câu như vầy:

Quẻ Cấn, thâu không vẹn

Tiền lương chúng còn hẹn

Nếu chẳng đợi chờ lâu

Một trăm lẻ ba nén

Người công sai hỏi:

– Tiền quẻ bao nhiêu?

Lưu Càng không đợi Tử Nha nói, xen vào:

– Quẻ nầy linh lắm không phải giá thường. Cứ mỗi quẻ phải trả năm chỉ bạc.

Người công sai lườm mắt ngó Lưu Càng nói:

– Anh không phải làm thầy sao lại ra giá?

Lưu Càng nói:

– Anh đừng lo đắt. Nếu quẻ không đúng tôi trả bạc lại cho.

Người công sai sợ ở lâu trễ việc quan, liền móc túi lấy năm chỉ bạc trao rồi lật đật dời gót.

Lưu Càng cũng từ giã ra đi, Tử Nha nói:

– Cám ơn anh rất lớn.

Lưu Càng nhe răng cười:

– Có gì đâu. Tôi đền ơn thầy đó.

Nói rồi quảy đòn gánh lên vai, bôn bả vào núi,

Dân chúng thấy Lưu Càng níu kéo viên công sai xúm nhau xem đông nghẹt. Chừng rõ được câu chuyện, ai nấy thấp thỏm đợi người công sai trở về xem quẻ bói có linh không.

Chẳng bao lâu, người công sai trở về, ghé vào phố Tử Nha khen:

– Tuy tốn năm chỉ bạc, nhưng quẻ linh đáng giá ngàn vàng. Thầy quả thật là tiên. Tôi thu đúng một trăm lẻ ba nén.

Từ ấy Tử Nha nổi tiếng, nội Triều Ca kéo đến xem bói rất đông, cứ mỗi lần xem năm chỉ bạc.

Mã thị thấy chồng làm được nhiều tiền, trọng chồng quá sức.

Phòng xem bói Tử Nha đông nườm nượp, được nửa năm thì các khách xa cũng tìm đến.

Bây giờ, nói về ngoài cửa Nam, tại mã Huỳnh Ðế, có con Ngọc Thạch Tỳ bà, trước kia là bạn với Ðắt Kỷ, lâu ngày xa cách, nên tìm đến Triều Ca thăm Ðắt Kỷ.

Ðắt Kỷ mừng lắm, tiếp đón rất ân cần ngày đêm ở trong cung vui đùa không ngớt. Tuy vậy, Ngọc Thạch Tỳ bà vốn là loài yêu quái tánh ăn thịt người đã quen, không thể nhịn lâu được. Cứ mỗi đêm, Ngọc Thạch Tỳ bà lại hiện nguyên hình yêu, bắt bọn cung nữ trong cung ăn thịt, bỏ xương tại mé Thái Hồ cả đống.

Hôm nọ, Ngọc Thạch Tỳ bà từ giã Ðắt Kỷ tàng hình trở về động. Khi băng ngang đến trước phố Tử Nha, thấy thiên hạ vào ra rất đông, cười nói xôn xao, ai cũng đồn thầy xem bói tài tình lắm.

Tỳ bà nghĩ thầm:

– Khéo kiếm chuyện lừa gạt dân gian. Bói quẻ có gì mà linh như vậy. Ðể ta giả hình người vào coi thử xem cho biết.

Nghĩ rồi liền hóa ra một thiếu nữ, mặc tang phục, bước vào gọi Tử Nha nói:

– Xin thầy làm ơn bói giùm tôi một quẻ.

Mọi người nhìn lại thấy một thiếu nữ sang trọng và xinh đẹp phi thường, liền tránh ra chừa lối cho nàng vào.

Tử Nha thoáng thấy khí yêu hiện trên nét mặt người đàn bà, mỉm cười thầm nhủ:

– Loài yêu nghiệt, dám đến trước mặt ta mà chọc tức. Nếu ta gặp yêu mà không trừ đi thì đâu phải kẻ có bản lãnh cao cường?

Nghĩ rồi liền nói với khách hàng mình:

– Xin các ngài tránh ra để tôi xem cho người đàn bà nầy trước, kẻo nam nữ đứng gần nhau lâu bất tiện.

Khách hàng nghe theo lời, chừa chỗ cho Tỳ bà tiến đến trước bàn.

Tử Nha nói với Tỳ bà tinh:

– Cô đưa bàn tay tôi xem thử.

Tỳ bà tinh hỏi:

– Thầy chuyên coi bói mà cũng biết xem tướng nữa sao?

Tử Nha nói:

– Nghề gì tôi cũng biết. Trường hợp của cô đặc biệt hơn, nên phải coi tướng trước rồi coi bói sau nói mới đúng được.

Tỳ bà tinh không ngờ Tử Nha đã rõ chân tướng mình liền mỉm cười xòe bàn tay ra đưa trước mặt.

Tử Nha nắm lấy cổ tay ấn vào bộ mạch, dùng phép âm không cho yêu quái biến hình. Tỳ bà tinh vẫn không hiểu, tưởng Tử Nha muốn chọc ghẹo mình, vội nói:

– Thầy xem không nói gì lại nắm cườm tay tôi mãi như vậy?

Khách hàng ngồi xung quanh thấy Tử Nha có cử chỉ bất lịch sự ấy, liền la lớn:

– Ông thầy đã già mà còn hiện quỉ, nắm tay con gái làm chuyện trêu đàm. Nếu có một quan chức đi ngang đây trông thấy thì tội không nhỏ.

Tử Nha thấy mọi người nhao nhao, liền thanh minh:

– Nó không phải đàn bà con gái đâu. Nó là giống yêu tinh giả hình vào quấy rối.

Không ai tin lời nói của Tử Nha, người nầy nhìn mặt người kia với vẻ bất bình.

Tử Nha không để ý đến cử chỉ phản đối của mọi người cứ nắm chặt lấy cổ tay của Tỳ bà tinh, không cho biến xác. Qua một lúc, Tử Nha thấy không có vật gì có thể giết được yêu quái trừ nghiên mực để trên bàn, liền thò tay lấy nghiên mực đập mạnh vào đầu Tỳ bà tinh.

Tỳ bà tinh ré lên một tiếng, máu chảy đỏ ối. Tuy vậy, Tỳ bà tinh vẫn còn mạnh, giãy dụa lung tung, mà không sao biến đi được.

Thiên hạ trông thấy Tử Nha đánh người đàn bà đổ máu, đều ra mặt phẫn nộ.

– Lão thầy bói quái gở, đã chọc ghẹo đàn bà con gái lại còn giở trò hung hăng. Chúng ta đi báo với quan địa phương.

Một số người nắm giữ Tử Nha lại, còn một số đi trình quan.

Tử Nha vẫn nắm chặt tay Tỳ bà tinh không thả.

Vừa lúc ấy có Tỉ Can cỡi ngựa đi qua đấy, thấy dân chúng xôn xao liền hỏi:

– Thiên hạ làm gì đông vậy?

Mọi người đồng hô lớn:

– Kéo cổ Tử Nha ra đây cho quan Thừa Tưởng xử.

Tỉ Can không rõ việc gì, hỏi:

– Chuyện gì vậy?

Dân chúng thưa:

– Có lão thầy bói tên Tử Nha làm chuyện phạm pháp, lợi dụng nghề coi bói nắm tay con gái đàn bà. Cô ả không chịu, lão thầy bói lại làm ngang, lấy nghiên mực đánh nàng đổ máu.

Tỉ Cang nghe nói nổi xung, truyền bắt Tử Nha dẫn đến.

Tử Nha bị lôi ra trước mặt Tỉ Cang, nhưng ông ta vẫn không chịu thả tay Tỳ bà tinh ra.

Tỉ Can trông thấy tận mắt, lớn tiếng mắng Tử Nha:

– Trên đầu ngươi đã hai thứ tóc, sao lại không biết xét mình, làm chi chuyện xấu xa như vậy?

Tử Nha quỳ thưa:

– Tôi là người có học, lẽ đâu không biết phép vua? Dẫu có lì lợm đến đâu cũng không thể đối xử với đàn bà như vậy. Quả thật người nầy là yêu quái trá hình. Tôi thấy tại Triều Ca khí yêu quá lộng, e không trừ thì sớm tối nước nhà không yên. Tôi dẫu là dân, đã ăn ngọn rau tấc đất của Thánh Hoàng chẳng lẽ bỏ qua, không trừ quỷ dữ. Xin Thừa Tướng xét lại.

Tỉ Cang nhìn người đàn bà đang nằm mê man như chết, hỏi:

– Người đàn bà ấy bị ngươi đánh đã chí tử, ngươi còn tiếc gì còn nắm tay?

Tử Nha thưa:

– Không, nó làm bộ yếu đó. Nếu tôi thả tay nó biến mất còn đâu bằng cớ? Thừa Tướng dầu không xét, chém đầu tôi, tôi cũng không dám thả tay ra.

Tỉ Cang suy nghĩ hồi lâu nói:

– Việc nầy ta không thể nào xét xử được. Ðể ta vào Triều tâu với Thiên tử đã.

Nói rồi liền khiến quan sở tại dẫn Tử Nha đến trước đền, còn mình cỡi ngựa về thẳng hoàng cung, vào ra mắt Trụ vương tâu mọi việc.

Trụ vương ngỡ ngàng, không hiễu cớ sự ra sao, Ðắt Kỷ đã rõ ngọn ngành, nghiến răng thầm trách:

– Khổ quá. Em đi về sao lại không về cho đến nơi, ghé vào xem bói làm gì cho chúng đánh. Việc này chị phải báo thù cho em mới được.

Nghĩ rồi liền tâu với Trụ vương:

– Việc ấy nghe mơ hồ quá. Xin Bệ hạ truyền Tử Nha vào bệ kiến mới rõ được.

Trụ vương nghe lời liền truyền dẫn Tử Nha vào.

Tử Nha kéo thây Tì bà cùng với mình vào quì trước bệ.

Trụ vương hỏi:

– Nhà ngươi là ai đó?

Tử Nha tâu:

– Tôi là Khương Thượng, quê ở Hứa Châu, trước đây có học phép thần tiên nên rõ được yêu quái. Nay tôi đang xem bói, gặp con yêu nay giả hình vào quấy rối, nên tôi bắt nó để đền ơn Bệ hạ.

Trụ vương nói:

– Nó là người đàn bà rõ ràng, sao ngươi bảo là yêu quái.

Tử Nha nói:

– Con mắt người thường không thể phân biệt được. Nếu Bệ hạ muốn thấy tận mắt xin cho phép tôi dùng lửa đốt nó. Nó sẽ hiện nguyên hình cho bệ hạ xem.

Trụ vương y tấu, truyền quân đem củi lửa đến chất lên nghi ngút trước sân chầu.

Tử Nha liền họa bùa trên xoáy Tỳ bà tinh, lôi quăng nó vào lửa.

Lạ thay, lửa đốt đến hai giờ đồng hồ mà xác con yêu vẫn còn nguyên không hề bị cháy. Quân sĩ lấy làm lạ, triều thần ngơ ngác.

Vua Trụ nói với Tỉ Cang:

– Ðốt không cháy thì nó quả thật là yêu quái rồi?

Tỉ Cang tâu:

– Ðúng vậy. Song không biết nó là giống gì thành yêu.

Trụ vương phán:

– Ngươi xuống dưới sân chầu hỏi Khương Thượng xem yêu nầy là giống gì vậy?

Tỉ Cang vâng lệnh đến hỏi Tử Nha.

Tử Nha nói:

– Nếu muốn bắt nó hiện nguyên hình cũng chẳng khó gì.

Phong Thần Diễn Nghĩa

Phong Thần Diễn Nghĩa

Status: Completed Author:

“Phong Thần Diễn Nghĩa” thuộc thể loại truyện tiên hiệp là bộ tiểu thuyết lịch sử được siêu nhiên hóa màu sắc của Đạo Giáo (Xiển giáo và Triệt giáo).

Lấy cuộc chiến tranh phạt Trụ của Châu Võ Vương làm nền cho bối cảnh cốt truyện, nhưng những sự việc, tình tiết hoàn toàn là dã tưởng hoang đường. Truyện không những kích thích trí tưởng tượng của độc giả mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi đến người đọc theo phương pháp "ý tại ngôn ngoại"

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset