Chương 17

Chương 17

Can đảm lên, hăng hái lên, hỡi bà con!

Tay nắm tay xông vào công sở.

Trọng huyện trưởng không phải sao trên trời,

Nông dân ta cũng không phải loài chó lợn!

Trích đoạn Khấu mù hát động viên quần chúng xông vào trụ sở huyện. Đây là thời điểm ngồng tỏi khê đọng đã bảy ngày, chất đống ngoài đường, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Cao Dương nằm ngửa trên giường ngủ thiếp, không kịp đắp chăn. Anh mơ lung tung, thoạt tiên là một con chó cứ gặm gót chân anh, gặm từng tí, liếm từng tí, hình như định hút hết xương tủy anh. Anh muốn đạp nó mà chân không giơ lên được; muốn đấm nó mà tay không cất nổi. Sau đó, anh mơ thấy mình bị giam ở một cái phòng bỏ không của Đại đội bộ, nguyên do là anh không đưa thi thể mẹ anh lên hỏa táng tại đài hoá thân của huyện, mà anh trực tiếp đem chôn. Mẹ đầu tròn như cái gáo dừa, tóc không một sợi, răng rụng hết, miệng đầy máu. Hai người thuộc thành phần xấu khênh mẹ về đến nhà thì đã mười giờ đêm. Anh thắp ngọn đèn dầu, hỏi hai người chuyện gì đã xảy ra, hai người cứ đứng đực ra nhìn anh, nhìn một lúc, người nọ nấp sau người kia, chuồn thẳng. Anh cõng mẹ lên giường, vừa kêu gào vừa gọi mẹ. Mẹ anh mở mắt rồi nhắm lại ngay, miệng mấp máy như muốn nói gì đó, cuối cùng chẳng nói gì cả, ngoẹo đầu tắt thở. Anh ôm mẹ mà khóc thảm thiết…

Một bàn tay hộ pháp bịt miệng anh. Anh hất đầu, miệng phun bọt phì phì, bàn tay kia bỏ ra.

– Chú mày có chuyện gì mà kêu la thế? – Dưới hai ánh mắt như đốm lửa lân tinh, cái miệng hỏi anh bằng một giọng trầm.

Anh tỉnh dậy, hiểu hết. Ánh đèn trên bốt gác gọi xuống hành lang, lính gác đi lại, bồn chồn không yên.

Anh nức nở: “Tui mơ thấy mẹ tui.”

Phía dưới mắt lân tinh phát ra tiếng cười khùng khục: “Mơ thấy mẹ không bằng mơ thấy vợ. Hãy mơ thấy vợ đi!”

Ánh mắt lân tinh vụt tắt, phòng giam tối om, anh không ngủ được, nghe thấy lão phạm già thở phì phò, tiếng nhai nhóp nhép ngon lành của phạm trẻ và tiếng thở nặng nề của phạm đứng tuổi quái dị như một hồn ma.

Muỗi chừng như đã hút no máu, đậu trên tường nghỉ ngơi. Nửa đêm về sáng, không còn tiếng vo ve nữa. Anh mở chăn đắp lên người, lập tức có vô số con bọ bò lên người anh, cả cái chăn như rùng rùng chuyển động. Anh khiếp hãi vội hất chăn ra, khí lạnh ùa tới, anh lại đành phải đắp lên. Anh nghe thấy tiếng cười khanh khách của phạm đứng tuổi.

Mẹ ngoẹo đầu chết luôn, không dặn dò nửa câu. Khi ấy là tháng Bảy, rất nóng, đêm mưa to, sân biến thành ao, ếch nhái kêu ộp oạp ở góc sân. Nhà dột, mưa tạnh đã lâu mà những chỗ dột nước cứ rớt mãi. Lúc trời sáng, anh lấy chiếc chăn rách bó mẹ lại. Anh không dám chôn mẹ ở nghĩa trang công cộng, ở đó chôn bần nông và trung nông lớp dưới. Anh không có tiền đưa mẹ lên huyện hỏa táng, lại không dám và cũng không muốn chôn mẹ cùng với bần nông và trung nông lớp dưới, sợ linh hồn mẹ bị họ quản chế.

Anh vác mẹ đi rất xa, nơi giáp giới giữa huyện Thiên Đường và huyện Thương Mã. Ở đây có mảnh đất vô chủ mọc đầy cỏ rậm, ít người qua lại. Con sông Thuận khê nước chảy ào, anh vác mẹ qua sông, nước chấm cằm anh. Nước xiết, anh loạng choạng mấy lần suýt ngã.

Sang sông rồi, anh dặt mẹ xuống. Đầu mẹ tuột ra khỏi chăn, mưa phùn rơi trên khuôn mặt sưng vù, đọng lại thành giọt rớt xuống cỏ. Chân mẹ cũng tụt khỏi chăn, giầy mất đâu một chiếc, một chân trần, một chân có giầy, bàn chân trần da trắng bợt, hình dáng như nụ sừng nghé, lấm đầy cát. Anh quì xuống gào khan hai tiếng, lòng như dao cắt mà không một giọt nước mắt!

Anh đi vòng quanh mảnh đất vô chủ, chọn chỗ cao ráo rồi đào huyệt. Anh cẩn thận xúc những vỡ cỏ còn nguyên cả đất để ra một chỗ cách mộ khá xa rồi đào sâu. Đào sâu bằng nửa thân người lớn thì có nước mạch chảy ra.

Anh vác mẹ xuống đặt bên mép huyệt, quì lạy ba lạy, nói rất to: “Mẹ, trời mưa to, đào sâu nữa gặp nước, con không tiền mua áo quan, một chăn rách quấn quanh thân mẹ, mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con…”

Anh cẩn thận đặt mẹ xuống huyệt, ra chỗ rất xa kiếm ít cỏ non về phủ lên mặt mẹ. Sau đó anh bắt đầu lấp đất. Anh sợ hiện tượng đất nở, nên lấp được một lượt, anh lại lèn bằng chân một lần, dẫm lên người mẹ, anh rớt nước mắt, trong tai có tiếng ong ong. Cuối cùng, anh đem những vỡ cỏ trồng lại bằng phẳng trên mặt đất. Ngẩng nhìn trời, mây đen vần vũ, chớp chạy ngoằn ngoèo trong mây như những con rắn lửa, gió lạnh lùa trên cánh đồng, lá ngô và lá cao lương vẫy rối rít, đồng ruộng ồn ào. Đứng bên mộ mẹ, anh nhìn tứ phía: Bắc có sông lớn, đông có kênh to, tây là đồng bằng mênh mông, nam là núi Chu Bé lãng đãng sương mù. Anh thấy lòng thanh thản, quì xuống, lại lạy mẹ ba lạy, nói khẽ: Mẹ, huyệt này tốt, mẹ ạ.

Anh đứng dậy, trong lòng không buồn nữa, nhưng đau nhói từng cơn. Anh xách xẻng, lại lội qua con sông nhỏ, nước sông chấm cằm anh…

Phạm trẻ dò dẫm đến dưới cửa sổ kéo cánh cửa nhỏ, đái vào thùng. Mùi xú uế lan ra khắp buồng, may mà kính cửa sổ đã vỡ sạch, chân cửa sắt có lỗ để lấy cơm, trên trần còn có một cái quạt bé tí xíu, do vậy gió đêm vẫn lọt vào, không khí trong buồng không đến nỗi quá bẩn.

Anh gạt bỏ những ý nghĩ vẩn vơ, tiếp tục nhớ lại chuyện cũ. Anh vừa lội qua sông thì trời mưa to, đất trời trắng xoá, nước lũ chảy ào ào trên đồng. Về đến nhà, anh cởi hết quần áo vắt nước đem phơi. Trong nhà chỗ nào cũng dột, nhất là chỗ tiếp giáp giữa mái với đầu tường. Nước mưa chảy ào ào theo tường xuống đất thành vũng. Lúc đầu anh còn lấy nồi chậu chai lọ để hứng, sau đành bó gối mà nhìn, mặc kệ dột đâu thì dột.

Anh nằm thẳng cẳng trên giường, qua chấn song sắt cửa sổ nhìn mẩu trời đêm u ám, anh nghĩ, đó là giai đoạn rủi ro nhất trong cuộc đời mình: Bố chết, mẹ chết, nhà dột! Nhìn nước bẩn đùn từ xà nhà xuống, nhìn con chuột bị nước xua đuổi, nhảy tót lên bệ bếp ngồi chồm hỗm, anh rất muốn treo cổ tự vẫn, nhưng mãi không quyết được.

Mưa tạnh, một tia nắng rọi vào, anh mặc quần áo ẩm rồi chạy ra sân nhìn nóc nhà bị dột thủng lỗ chỗ mà lòng tê tái. Chủ nhiệm an ninh Cao Cảnh Long dẫn bảy dân quân xách súng trường kiểu 38 xông vào nhà, tất cả đi ủng cao su ống cao, mặc áo mưa tráng nhựa, đội nón bện bằng cây cao lương chóp nhọn, đứng thành một hàng dọc, như một bức tường đáng sợ.

– Cao Dương! – Chủ nhiệm Cao nói – Bí thư Hoàng bảo tôi đến hỏi cậu, cậu chôn giấu con mụ địa chủ là mẹ cậu ở chỗ nào?

Cao Dương ngạc nhiên quá đỗi, anh không ngờ tin tức lan nhanh đến thế, không ngờ đại đội quan tâm đến như thế đối với người chết. Anh nói: “Mưa to quá, không chôn ngay thì thối… Mưa thế này thì chở lên huyện thế nào được?”

Chủ nhiệm an ninh nói: “Tôi không nhiều lời với cậu, muốn cãi lý, đi gặp bí thư Hoàng mà cãi!”

– Bác ơi – Cao Dương chắp tay cúi đầu lạy – Mong bác giơ cao đánh khẽ…!

– Đi, biết điều thì không bị thiệt –Chủ nhiệm Cao Cảnh Long nói.

Một dân quân cao lớn đi tới, dộng một báng súng vào mông Cao Dương, nói: “Đi mau!”

Cao Dương ngoái lại, nói: “An Bình, anh em chúng mình…”

An Bình lại dộng một báng súng nữa: “Đi mau, dâu hư tránh mặt bố chồng sao được?”

Ở đại đội bộ kê một chiếc bàn, Bí thư Hoàng ngồi sau bàn hút thuốc. Bốn bên tường đỏ chói, khiến Cao Dương sợ mất mật. Đứng trước Bí thư Hoàng, anh run cầm cập.

Bí thư Hoàng mỉm cười thân mật: “Cao Dương, anh to gan đấy!”

– Thưa ông lớn… cháu… – Cao Dương quì mọp dưới đất.

Bí thư Hoàng nói: “Đứng dậy, đứng dậy! Ai là ông lớn ở đây?”

Chủ nhiệm an ninh đá anh một đá, nói: “Dậy, dậy!”

Anh đứng dậy.

– Anh có biết qui định của huyện không? Người chết là phải hỏa táng – Bí thư Hoàng hỏi.

– Dạ biết.

– Đã biết sao cố tình vi phạm?

– Thưa ông Bí thư… – Cao Dương nói – Mưa to quá… mà huyện thì lại xa, cháu lại không có tiền nộp hỏa táng phí… cũng không có tiền mua hộp đựng tro… Cháu nghĩ, dù có hỏa táng thì cũng phải có chỗ đất để chôn, vẫn là chiếm đất…

– Giỏi lý lẽ đấy! – Bí thư Hoàng nói – Hình như đảng Cộng sản không giỏi bằng anh?

– Thưa ông Bí thư… cháu không có ý ấy… cháu nói là…

– Anh không được nói gì nữa – Bí thư Hoàng vỗ bàn đứng dậy – Khai quật mẹ anh đưa đi hỏa táng trên huyện!

– Thưa ông Bí thư, xin ông tha cho làm phúc! … Cao Dương lại quì xuống, van xin – Mẹ cháu bị hành hạ cả một đời, chết được đâu có dễ! Đã chôn rồi, đừng hành hạ mẹ cháu nữa…

– Cao Dương, anh nghĩ sai rồi – Bí thư Hoàng nói – Mẹ anh trước giải phóng sống bằng bóc lột, tận hưởng phú quí vinh hoa. Sau giải phóng phải chịu quản thúc, lao động cải tạo là đúng, chết phải hỏa táng cũng đúng, tôi chết cũng hỏa táng mà!
– Thưa ông Bí thư,… cháu nghe mẹ nói trước giải phóng mẹ cháu một bữa sủi cảo cũng không dám ăn, nửa đêm đi nằm canh năm đã dậy, tích cóp được ít tiền mua ruộng…

– Anh định lật án phỏng? – Bí thư Hoàng nổi giận – Anh bảo Cải cách ruộng đất của đảng Cộng sản là sai phải không?

Cao Dương bị nện một báng súng sau ót, mắt tối sầm, anh ngã sấp, răng bập phải gạch lát nhà. Dân quân túm tóc anh lôi dậy, Chủ nhiệm anh ninh cầm đôi bàn vả vả vào miệng anh bôm bốp.

Bí thư Hoàng nói: “Giam nó vào buồng Tây! Đới Tử Kim loa gọi các Chi ủy viên đến Đại đội họp.”

Cao Dương bị gia trong một căn buồng bỏ không của Đại đội bộ. Hai dân quân ôm súng ngồi gác rtên ghế băng. Sấm động ầm ầm, mưa như trút nước, những hạt mưa dày đặc đập trên lá ngô đồng trong sân Đại đội bộ, trên những viên ngói đỏ nóc nhà, lanh canh rào rào lúc mau lúc thưa.

Loa cao tần ậm oẹ một hồi rồi tiếng nói của Đới Kim Tử cất lên. Cao Dương không lạ gì những tên gọi trong loa.

Một dân quân nói: “Cao Dương, anh gặp đại họa rồi!”

Cao Dương nói: “Tui không chôn mẹ tui trên đất của Đại đội ta!”

– Thiêu hay không thiêu xác mẹ anh không còn là vấn đề lớn nữa.

Cao Dương sợ thất thần, hỏi: “Chuyện gì mới là lớn?”

– Chẳng phải anh lật án cho mẹ anh đấy sao?

– Những điều tui nói đều là sự thực, trong thôn ai cũng biết. Bố tui nổi tiếng keo kiệt, có đồng nào là mua đất, mẹ tui mua củ cải non để ăn, còn bị bố tui đánh cho một trận.

– Anh nói với tui phỏng có ích gì! – Anh dân quân ngán ngẩm.

Tối hôm đó họp toàn thể xã viên, Cao Dương không nhớ được tình hình cuộc họp, anh chỉ nhớ mỗi tiếng mưa hòa với tiếng hô khẩu hiệu từ chập tối đên nửa đêm.

Sáng hôm sau, anh bị mấy dân quân trói trên chiếc ghế băng, cổ đeo bốn viên gạch nối với nhau bằng sợi dây đay mảnh. Anh cảm thấy sợi đay như lưỡi dao sắc cứa trên cổ, có thể lìa đầu bất cứ lúc nào. Buổi chiều, Chủ Nhiệm an ninh dùng dây thép trói hai ngón tay cái treo lên xà nhà thép, vậy mà anh không cảm thấy đau, chỉ lúc thân thể rời mặt đất, mồ hôi anh túa ra ướt đẫm.

Anh lắc đầu. Trong đầu anh lại hiện ra mảnh đất vô chủ và dông sông chảy xiết, những vỡ cỏ trồng lại được nước mưa hàn kín mép, dấu chân anh cũng được nước mưa rửa sạch, chỉ cần anh không khai ra là mẹ anh ngủ yên. Anh thề rằng, dù có bị đánh chết, anh giữ kín bí mật này.

Nhưng quyết tâm của anh không phải không có lúc lung lay. Khi chủ nhiệm an ninh thọc que củi có gai cứng vào hậu môn sâu khỏang hai gang tay, anh rú lên: “ Ông ơi… Cháu chết mất… Cháu đưa các ông đi đào…”

Chủ nhiệm an ninh rút que củi ra, hỏi: “Chôn ở đâu?”

Anh nhìn bộ mặt đen xì của ông Chủ nhiệm an ninh, cúi nhìn thân thể mình, ngó ra cửa sổ nhìn bầu trời u ám, nói: “Mẹ,hôm nay con đi theo mẹ!” Anh lao thật mạnh đầu vào tường, hai dân quân giữ lại được.

Cơn giận không đúng lúc trào lên dữ dội, anh gào lên, lạc cả giọng: “Này các anh em, này các ông! Cao Dương tôi không hề làm điều gì xấu, tui với các người không oán không thù, vậy vì lẽ gì các người hành hạ tui?”

Chủ nhiện an ninh có vẽ thương hại anh đôi chút, nhưng vẫn kiên quyết: “Đây là đấu tranh giai

cấp!”

Chủ nhiệm an ninh không đánh anh nữa, dân quân không đánh anh nữa.

Đêm đến, anh tiếp tục bị giam trong phòng bỏ trống. Hai dân quân khênh đến hai cái bàn, nằm lên. Bảo rằng luân phiên, nhưng đến nửa đêm cả hai ngủ như đánh đồng thiếp.

Buồng giam có cửa sổ khung gỗ, định trốn chỉ cần một đạp là vọt ra sân. Anh không dám chạy trốn, cũng không còn sức đá tung cửa. Que củi gai của Chủ nhiệm an ninh chọc rách trực tràng, bụng anh chướng lên nhưng không thoát hơi được, trực tràng sưng rồi, anh vô cùng đau khổ. Xà nhà treo một đèn bão, bóng đèn đen sì vì muội, ánh đèn vàng vọt, in bóng trên nền nhà bằng cái cối xay bột. Anh áy náy khi thấy hai dân quân ôm súng mà ngủ, họ khổ không kém gì mình. Có lúc anh nghĩ, chỉ cần xông tới cướp lấy một khẩu súng khống chế hai dân quân, dùng báng súng đập vỡ cửa sổ là có thể thoát ra vườn. Anh chỉ nghĩ vậy thôi. Tự đáy lòng anh thấy rằng, những hình phạt mà anh hứng chịu là cái giá phải trả cho việc anh thoát khỏi cảnh cháy thành tro. Cắn răng lại, anh chịu đựng được tất.

Hai dân quân ngủ ngon lành, riêng anh không buồn ngủ. Cũng như đêm nay các phạm đều ngủ ngon, anh không buồn ngủ. Ngoài trời, sao nhấp nháy. Trời lại mưa lá ngô đồng và ngói lợp mái nhà vang lên rào rào. Ngoài tiếng mưa rơi, anh còn nghe thấy tiếng ầm ì đầy sức mạnh. Anh biết nước lũ đã về trên sông Thuận Khê và sông Sa. Anh lo cho hoa màu ngoài đồng, đê mà vỡ, đồng ruộng trở thành biển cả, cây cao còn cầm cự vài ngày, cây thấp chìm nghỉm.

Anh ngồi bó gối ở xó nhà, lưng tựa vào tường ẩm ướt. Có bóng người lướt qua cửa sổ, một gói giấy rơi trước mặt anh. Anh cầm cái gói lên mở ra, một mùi thơm xộc vào mũi, thì ra đó là chiếc bánh tráng. Người nóng bừng, anh cố kìm mới không khóc lên thành tiến. Anh ăn từng mảnh nhỏ, cẩn thận nhai kỹ rồi mới nuốt, chỉ sợ đánh động hai quân dân. Lần đầu tiên anh nhận thấy cắn, nhai, nuốt mà lại gây ra tiếng động to đến thế! Đúng là trời thương, hai quân dân không biết.

Chuyện xẩy ra sáng tinh mơ hôm đó có phần nàogiống chuyện xẩy ra tối qua. Sau khi ăn hết miếng bánh của người tốt bụng nào đó, anh cảm thấy mình có thể tiếp tục sống. Anh ngủ khỏang hai tiếng, tỉnh dậy vì mót đái. Hai dân quân vẫn ngủ ngon lành, anh không dám đánh thức, lẳng lặng đi tìm hang chuột. Các phòng ở Đại đội bộ đều lát gạch, nói gì hang chuột, ngay kẽ gạch rộng rộng một tí cũng không. Nhưng bất ngờ anh nhặt được một vỏ chai rượu vang. Anh đái vào chai. Nước rót vào một chai rỗng chẳn khác ném đá trong thung lũng, tiếng dội rất to. Anh cố khống chế, đái nhè nhẹ để khỏi đánh động hai dân quân. Khi chai sắp đầy, bọt sùi lên trước, anh kiên nhẫ đợi bọt rút xuống rồi mới đáy tiếp, ba lần như thế. Anh để cái chai vào xó nhà, dưới ánh trăng dìu dịu của ban mai, anh trông thấy cái thương hiệu rất bắt mắt ở trên chai. Để dân quân nhìn thấy ngay lập tức, anh chuyển cái chai ra góc khác, nó vẫn bắt mắt như thế. Anh đặt nó lên bậu cửa sổ, nó càng bắt mắt hơn.

Dân quân đã dậy. Dân quân hỏi: “Mẹ kiếp, đang làm gì đấy?”

Anh đỏ mặt cảm thấy ngượng.

– Không phải rượu, mà là…

Dân quân cười ồ: “Cái thằng!”

Chủ nhiệm an ninh đẩy cửa vào. Dân quân chỉ vào cái chai báo cáo tình hình.

Chủ nhiệm an ninh cũng cười.

– Mày uống đi!-Chủ nhiệm an ninh bảo.

– Thưa Chủ nhiệm… cháu không dám đánh thức các ông dân quân mới làm như thế… để cháu đi đổ… – Cao Dương luốn cuốn giải thích.

– Theo ta không cần giải thích, nuớc đái đàn ông thanh nhiệt giải độc, uống đi!-Chủ nhiệm an ninh cười vui vẻ.

Một tình cảm kỳ lạ bộc phát khiến anh ta nói: “Thưa ông, đây là rượu vang cao cấp!”

Chủ nhiện an ninh và hai dân quân sáu mắt nhìn nhau, cuời mỉm. Chủ nhiệm nói: “Đù mẹ, uống mau lên!”

Anh cầm chai nước tiểu lên, ngửa cổ uống một ngụm, nước tiểu còn ấm, hơi mặn, ngoài ra không có mùi gì khác. Anh uống tiếp một hơi hết nửa chai. Anh giơ tay chùi miệng, mắt khóe nhưng nét mặt thì cười, miệng nói: “Cao Dương, thằng khốn!Mi nói xem từ đâu mi có được diễm phúc này? Ăn bánh tráng hành hoa, uống rượu vang cao cấp, nói xem nào vì đâu mi có được diễm phúc này?”

Anh uống nốt chỗ “Rượu vang cao cấp” còn lại, rồi nằm sắp xuống nền nhà, khóc rất to.

Bí thư Hoàng tới, nói rằng sông Sa lũ lớn, giao thông ách tắc, đào xác lên bây giờ cũng không còn cách nào đưa lên huyện hỏa táng, vì vậy phạt anh hai trăm đồng, thả anh về.

Anh lội bùn về nhà,sáng sớm tinh mơ đã mưa rào một trận, nước mưa gõ vào đầu, anh cảm thấy dễ chịu, bụng nghĩ: “Mẹ ơi, lúc sinh thời con không báo hiếu được gì cho mẹ. Sau khi mẹ mất, nhập thổ yên lành, tránh được lửa dữ, được đãi ngộ cao hơn cả bần nông và trung nông lớp dưới, con dù có ăn cứt uống đáy trong lòng vẫn vui!”

Vừa về đến sân thì căn nhà ba gian của anh từ từ đổ sụp, tiếp theo là nước dềnh lên, bùn bắn tung tóe. Sau một tiếng “rầm”, cây hòe sau nhà và nước lũ mênh mông phía xa, hiện ra trước mắt anh.

Lúc rạng sáng hình như anh ngủ được một lúc, tỉnh dậy toàn thân đau nhức, mũi, miệng như phun lửa, hơi nóng đốt cháy môi và cánh mũi. Anh run bần bật, đến nỗi giường kêu cót két. Người ta sao lại run nhỉ? Vì sao mà run? Một bầy bé gái chạy nhảy. Reo hò ầm ĩ trên trần. Người chúng mảnh như tờ giấy, gió thổi khiến eo lưng chúng lật đi lật lại. Trong đám trẻ có một đứa cởi trần, tay cầm cây gậy trúc, đứng bơ vơ một mình. Anh ngạc nhiên, hỏi: “Hạnh phải không? Xuống ngay kẻo ngã chết!”

Con Hạnh nói: “Bố ơi, con không xuống được.”

Nó khóc, những giọt nước trong suốt lăn dài theo mớ tóc xõa, lơ lững trên không, mãi không chịu rơi.

Cây Tỏi Nổi Giận

Cây Tỏi Nổi Giận

Score 7
Status: Completed Author:

Độc giả Việt Nam đã biết đến một số tác phẩm của nhà văn Trung Quốc hiện đại Mạc Ngôn như: Đàn hương hình, Báu vật của đời... thông qua bản dịch của dịch giả Trần Đình Hiến, một chuyên gia nghiên cứu văn hoá Trung Quốc. Và để hiểu rõ hơn về nhà văn này, bạn không thể không đọc qua Cây Tỏi Nổi Giận.

Cây Tỏi Nổi Giận, vốn tên sách là Bài ca Củ Tỏi Thiên Đuờng, nhưng căn cứ vào cốt truyện, Trần Đình Hiến đổi thành Cây Tỏi Nổi Giận, vì người nông dân hiền lành như hạt lúa củ khoai, như cây gừng cây tỏi, vì bệnh quan liêu mà nổi giận, như trong chuyện đã kể.

Nguồn: truyen.mutvn.com

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset