Đến với anh vì vụ lợi, thái độ của Vãn Hướng Khuê từ xưa tơi snay đới với Tô Tử Lâm là biết ơn xen lẫn thận trọng, tính toán và dựa dẫm. Cô biết ơn anh vì đã cứu lấy KD; vì anh đã mua nhà, mua xe, chuẩn bị chu toàn cho đám cưới; vì anh luôn chấp nhận, thấu hiểu cô. Tất cả tóm gọn lại đều xoay quanh những việc anh làm cho cô và món nợ khổng lồ cô thiếu anh.
Chính vì thế, Vãn Hướng Khuê sợ: nếu lún quá sâu vào mối quan hệ này, cô sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào anh. Thật không sai khi nói rằng, cô đang sợ tình yêu có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Cô không có đủ can đảm để đối mặt với tình cảm lứa đôi hay chịu đựng nguy cơ một ngày nào đó cô sẽ phải ký tên lên tờ giấy ly hôn với người đàn ông mình yêu – việc mà cả ba mẹ cô lẫn ba mẹ chồng đều trải qua.
Một đời này nếu thuận lợi cô nhất định sẽ sống cuộc sống của một kẻ độc thân hoàng kim, tự do tự tại. Thế nhưng, đời không phải lúc nào cũng diễn ra như những gì ta muốn: cuối cùng, cô vẫn kết hôn như bao người phụ nữa khác. Vãn Hướng Khuê nơm nớp trong lòng, tự hỏi liệu cô và anh sẽ đi được bao xa và đi đến đâu trên con đường hôn nhân không có nền móng tình cảm này.
Tiếng nhạc du dương trong đêm vũ hội vô thức phát lại trong đầu cô. Một năm trước, cô đã mạo danh nàng Lọ Lem, bước vào điệu nhảy không đoán trước bắt đầu bởi cánh tay chìa ra đại diện cho lời mời lịch sự của một chàng hoàng tử xa lạ giàu nứt đố đổ vách. Vẫn biết rằng cánh cửa hào môn quá cao sang, tình yêu hoàn hảo quá vô thực nhưng cô buộc phải cứu lấy mình, nắm lấy bàn tay anh, đi theo tiếng gọi của đồng tiền, đẩy bản thân vào một vòng xoáy luẩn quẩn không tên.
Không đùa dai với Tô Tử Lâm nữa, cô hi hi ha ha giải thích:
– Triển Chiêu đại nhân Hà Gia Kính đấy, anh học tập người ta đi!
Theo địa chỉ trên giấy, hai người chẳng bao lâu đã có mặt trước cổng nhà Đại tá.
Tô Tử Lâm vẫn bất mãn về việc Vãn Hướng Khuê lấy anh ra làm trò đùa ban nãy, vẻ mặt xa cách và lạnh lùng, xách theo túi lớn túi nhỏ mà cô chỉ đạo anh dừng lại ở vô số cửa hàng để mua với lý do: quà ra mắt. Được rồi, anh thừa nhận: mặc dù “người tình trong mộng” của cô rốt cục là một ông chú ngoại quốc 5x nhưng anh không tránh khỏi có chút phẫn nộ.
Vãn Hướng Khuê nhấn chuông, gọi vào mic bên dưới sau đó cố ý bám vào cánh tay Tô Tử Lâm chờ người mở cửa:
– Đại tá! Vãn Hướng Khuê và “phu quân” tới thăm ngài!
Có thể nói, những căn nhà nội khu phố này đều là của những lão thành quân đội quân hàm cao, từng hô mưa gọi gió. Hết thời, bọn họ trở về an dưỡng tuổi già, giản giản dị dị ở một nơi có vẻ hết sức bình thường thật khiến người đời mở rộng tầm mắt.
Vi Hữu Đức từ chức đã chục năm rồi nhưng sự quan tâm của ông dành cho lớp trẻ nối tiếp truyền thống đặc chủng vẫn còn vẹn nguyên như tấm lòng trung trinh với Tổ quốc. Liên tiếp mất đi những mầm non quý giá của đơn vị đặc công trẻ năm đó đã giáng lên cơ thể đang đứng trên bờ dốc bên kia của cuộc đời của ông một đòn mạnh, khiến ông dứt khoát từ bỏ quyền lực và địa vị.
Thú vui điền viên là một trong những cách để ông quên đi sự tiếc thương, hoài niệm về một thời vàng son. Ở đây có hoa thơm, chim hót, có dàn thiên lý rợp mát một khoảng trời, có đôi chó mới sinh bầy con đông lúc nhúc và ồn ào.
Một chục năm trôi qua, khi tiếng gọi của Vãn Hướng Khuê vang trên chiếc loa nhỏ cạnh bàn trà báo nhà có khách, Vi Hữu Đức tưởng như ông lại nghe được những tiếng xôn xao trên thao trường – nơi có hàng ngàn thiếu niên khỏe mạnh, tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết đang chờ ngày được phục vụ quê hương. Trái tim già cỗi đang hao mòn vì lo lắng của ông đột nhiên bừng lên một cái gì đó mới và quen thuộc, có lẽ, đây chính là hi vọng.
Ông đặt bình tưới nước vội vàng xuống đất, nó vì mặt đất mấp mô mà đổ chổng kềnh ngay ra được, làm một nửa luống hạt mới gieo ướt sũng. Vi Hữu Đức tặc lưỡi, mầm cây có mọc nhưng mầm người chẳng có thì cả mống ấy có ích gì.
– Tới đây! Tới đây! _ Ông chạy, trên chân mang ủng, đôi tay lấm đất, áo ba lỗ, quần đùi xuề xòa; bỏ quy tắc và chuẩn mực để đuổi ra cửa, chỉ sợ Vãn Hướng Khuê về mất.
Bàn tay chai sạn sần lên gân guốc run rẩy kéo then cài, dùng lực kéo cánh cửa sắt mở toang.
Ánh sáng ban trưa có chút chói, sững lại một lúc lâu, Vi Hữu Đức mới nhìn rõ khuôn mặt cô gái trẻ. Vãn Hướng Khuê thấp hơn Tô Tử Lâm một cái đầu, thân mật đứng cạnh anh rất hạnh phúc.
– Đại tá, con mang “phu quân” của con đến cho ngài dạy này! Không phải ngài dặn con nhất định phải mang đối tượng đến để mục sở thị sao?
Ông mơ hồ nhìn vào cánh tay của cô gái trẻ rồi thẳng mắt nhìn tới người đàn ông kia, khóe môi nhếch lên một nụ cười vô thần. Vi Hữu Đức lui ra sau, mở đường, chỉ vào trong gian phòng khách rộng rãi:
– Vào trong đi hai đứa!
Rồi ông lại nhìn xuống đồ đạc lỉnh kỉnh mà Tô Tử Lâm mang theo:
– Làm gì mà mang vác nhiều thế này? Vào kia ngồi nghỉ ngơi đi!
Vãn Hướng Khuê huých cùi trỏ vào hông anh, nhắc nhở:
– Ngoan ngoãn nghe lời đi!
Anh hừ lạnh, mang đồ đặt lên bàn rồi vòng ra sau cửa bật công tắc đèn trong nhà. Chính cô mới là kẻ đến làm khách ấy!
Thời điểm Vi Hữu Đức và Vãn Hướng Khuê rôm rả tiến vào, Tô Tử Lâm đã thành thục pha xong một ấm trà mới. Ông hớn hở nhận lấy chén trà từ tay anh, giơ ngón cái biểu dương:
– Tay nghề vẫn khá như vậy!
Vãn Hướng Khuê bấy giờ mới để ý đến sự kỳ lạ của Tô Tử Lâm và Đại tá, ngơ ngác hỏi:
– Hai người… rất quen thuộc?
Ông nghiêng đầu hỏi lại:
– Vậy không phải là thằng bé dẫn con đến đây à?
Cô nhún vai lắc đầu, sau đó lại gật đầu:
– Là con nói địa chỉ cho anh ấy biết, anh ấy lái xe tới đây.
Vi Hữu Đức trả chén trà cho Tô Tử Lâm, ngồi xuống ghế cười khà khà, rất yêu thương mà chỉ trích anh:
– Lần sau không được bắt nạt IQ của vợ con như thế đâu đấy!
Ba người an vị, bấy giờ, cô bắt đầu hiểu ra dây mơ rễ má trong mối quan hệ này.
Thì ra, cô bé Vi Đông Đông kia là em gái một người bạn thân thiết của Tô Tử Lâm, đồng thời cũng là cháu ngoại của Đại tá Vi. Vãn Hướng Khuê dè dặt hỏi nhỏ vào tai anh:
– Này, có phải ông ấy cũng biết chuyện em ở dạ hội rất đanh đá không?
Anh đáp lại có như không có:
– Cái này em phải hỏi Đại tá mến yêu của em ấy. Ông ấy phạt Vi Đông Đông mà còn không tra rõ sự tình thì hơi bất thường, đúng không?
Cô lăn tăn suy nghĩ, cảm thấy rất đúng nhưng vẫn còn một vấn đề khác:
– Thế tại sao ngày đám cưới của chúng ta ông ấy không đến?
– Em đi mà hỏi! Anh vô can!
Vãn Hướng Khuê bĩu môi, người đàn ông này thù thật dai.
– Đại tá, ngài vì sao không đến đám cưới của chúng con? _ Giọng cô có chút giận dỗi.
Ngược lại, Vi Hữu Đức tiếc rẻ thanh minh:
– Ta nào có biết đấy là đám cưới chung của hai đứa. Thiệp mời đám cưới tiểu tử này đến, tin báo con lên xe hoa cũng đến, ta không thể bên trọng bên khinh được.
– Ngài… vẫn luôn nghe tin tức của con sao? _ Cô trầm giọng hỏi, cảm xúc dao động.
– Không bỏ sót một chút nào. _ Ông bổ sung.
Cô bé Vãn Hướng Khuê năm đó đấu tranh kiến cường và bền bỉ biết bao, mặc dù đến cuối cùng con đường của cô rẽ sang một hướng khác – cũng đứa trẻ kia, thì ông sẽ luôn coi họ là những người học trò, là con cháu trong nhà mà sẵn sàng dang tay chào đón, nâng đỡ.