Chương 16: Quỷ nước

Quỷ nước

Đến khi nghĩ lại, tôi mới thấy cuộc đời mình đã trải qua biết bao nhiêu chuyện, có những lúc nguy hiểm đến tính mạng, không ít lần đối diện với chín phần chết một phần sống, thế nhưng, những chuyện khiến tôi sợ hãi đến tận hôm nay, ám ảnh sâu trong tâm trí tôi có lẽ chỉ có vài lần.

Sở dĩ nó khiến tôi bị ám ảnh có lẽ vì hồi đó tôi còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm đối đầu với chuyện sinh tử.

Gương mặt ghê sợ đó cụ thể thế nào, thực ra lúc ấy tôi cũng không nhìn rõ, vẻ “hung ác” đó chỉ là một ấn tượng chớp nhoáng ban đầu, dưới dòng nước đen như mực, đằng sau ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn pin, ngay sát bên tôi bỗng hiện ra một khuôn mặt lạ hoắc, bất luận là gì, chỉ điều này cũng khiến người ta sợ chết khiếp rồi; đằng này, tôi lại không có cơ hội để nhìn cho kĩ nó là gì. Sau cú giật mình đó, tôi vội giật người về phía sau, bị uống nguyên một ngụm nước lạnh, tôi sặc nước và ho rũ rượi, rồi không giữ được bình tĩnh nữa, tôi lấy hết sức bình sinh vẫy đạp để nổi lên trên, cuối cùng tôi được đồng đội túm tay, kéo lên.

Tôi bị uống rất nhiều nước, ho mãi, nói không ra lời, hai mắt không nhìn thấy gì, được mọi người dìu rồi chạy đi luôn, sau đó lại lội xuống nước, rồi lên đến bờ mới hoàn hồn.

Lúc đó trông ai cũng nhếch nhác, thảm hại, người nào người nấy ướt như chuột lội, chúng tôi vội vàng tìm chỗ khô để đốt lửa hong quần áo. Mọi người đều cởi hết, tất cả trần như nhộng, ngồi túm với nhau lại một chỗ.

Vương Tứ Xuyên có mang theo rượu, cậu ta đưa cho chúng tôi uống mỗi người một ngụm, sau đó mọi người mới dần ấm lại. Lúc đó Vương Tứ Xuyên mới bắt đầu hỏi tại sao đột nhiên tôi lại bị sặc nước, đã có chuyện gì xảy ra ở dưới đó.

Tôi kể lại toàn bộ những gì mình thấy cho mọi người nghe, có mấy người tỏ ra nghi ngờ. Bùi Thanh đoán là có xác người chìm dưới nước, bị cậu ta đạp chân loạn xạ nên xác đó mới nổi lên, hoặc chắc là do tôi bị tác động tâm lý nên mới nhìn nhầm.

Tôi cũng không biết trả lời thế nào, tất cả những gì vừa trải qua đối với tôi chỉ là một ấn tượng mơ hồ, kì thực, bây giờ nghĩ lại, những gì Bùi Thanh nói cũng khá hợp lý, thế nhưng trong màn đêm tối mò bên dưới, hình thù bất động đột ngột xuất hiện ngay cạnh tôi lúc đó đã thực sự khiến tôi hốt hoảng.

Giây phút kinh hoàng và bất ngờ đó khiến tôi nhớ mãi. Điều ấy thậm chí còn ảnh hưởng đến cả cuộc sống sau đó của chúng tôi. Mỗi khi nhìn thấy màn đêm đen kịt xung quanh, trong tôi lại dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ, rằng không biết màn đen kia đang chứa đựng những bí mật gì.

Đương nhiên đây chỉ là những lời thuật lại, còn hồi đó, sau khi nghe tôi kể, mặc dù nói không tin, nhưng mọi người vẫn không tránh khỏi nghi ngại, lo lắng khi nhìn vùng nước ấy. Những nỗi lo không thể tránh được. Tôi nghĩ lúc quay trở về, bắt buộc phải đi qua chỗ đó, chỉ nghĩ đến tóc gáy đã dựng lên rồi.

Quần áo đã khô, chúng tôi lại mặc vào, bộ quần áo được hong khô và ấm áp khiến tôi bỗng nhớ đến ánh nắng mặt trời ngoài kia. Bùi Thanh giục mọi người không được lãng phí thời gian nữa, vậy là sau khi thu dọn quân trang, chúng tôi vội vã tiến lên phía trước.

Thời gian khảo sát lúc này đã vượt quá một phần ba kế hoạch chúng tôi đã lên trước đó, chúng tôi bảo nhau nếu trước mặt tiếp tục gặp phải những thác nước thế này thì nên quay về, không nên cố gắng vượt qua nữa, nếu không sẽ chỉ lãng phí thời gian.

Thế nhưng đi tiếp một đoạn, trong động bỗng nhiên có ánh sáng, hai bên mép dòng nước đã rộng hơn khá nhiều, khắp nơi đều có dấu tích của người Nhật để lại, càng đi càng nhiều. Dọc đường, hai bên vách có nhiều biển chỉ dẫn viết bằng tiếng Nhật, trong những khe đá, có rất nhiều những chiếc rương gỗ màu xanh đã mục ruỗng, bên trong chứa đầy ruột bông màu đen, đội phó lấy khẩu súng gẩy gẩy thì thấy chúng đều sũng nước.

Chúng tôi cứ thế đi sâu vào bên trong, hành trình rất thuận lợi, đường đi cũng không khó. Khoảng hai tiếng sau, chúng tôi mới gặp thêm một tình huống. Tình huống này trước nay chúng tôi chưa từng nghĩ tới, nó khiến cả hội đều ngớ người ra.

Hóa ra, sau khi đã đi qua một đoạn vừa dài vừa hẹp, chúng tôi leo lên một tảng đá rất lớn, từ đó nhìn ra phía sau, trong cái hang rộng lớn này, không phải là một mảng đen tối ngòm, mà là một vách đá cực lớn.

Phải mất khá lâu chúng tôi mới hiểu ra, hóa ra, cái động này, đến đây là kết thúc.

Cả mấy chiếc đèn đều tập trung chiếu vào bức vách, đó là một bức vách đá đen bóng to lớn, xuất hiện đột ngột, chắc do vách đá hai bên lâu ngày bị nước chảy đọng lại rồi tạo thành phiến đá lớn này, đường đi đến đây đột ngột kết thúc, đích thực đây đã là đáy động.

Nhớ lại đoạn đường chúng tôi đi vào cũng chỉ tầm bốn năm cây số là đến đây, so với chiều dài của các dòng sông ngầm thì động này thuộc loại nhỏ, chúng tôi vẫn thường gặp những trường hợp sông ngầm dài từ mười tới mười hai cây số. Nếu so với những phán đoán ban đầu từ chỗ gặp dòng sông ngầm thì chúng tôi không nghĩ rằng mình lại đến điểm cuối của cái hang nhanh như vậy.

Mấy cậu lính không có ý kiến gì, chỉ lắng nghe hội có kinh nghiệm khảo sát chúng tôi tranh luận, nghe xong bọn họ đều cảm thấy bất ngờ. Theo những gì đọc trong sách vở và dựa trên kinh nghiệm của mình, chúng tôi đoán có lẽ dòng sông ngầm còn dài nữa, nếu đây là điểm cuối, thì chắc phải có cái hồ chứa lượng nước chảy từ ngoài vào đây.

Thế nhưng vấn đề là khi chúng tôi leo tới chỗ bằng phẳng của tảng đá nhìn xuống thì thấy dòng nước chảy xuống các khe rất mạnh, sâu tới mức không thấy đáy, cho thấy lượng nước phía dưới tảng đá này không thể ít hơn những gì chúng tôi nhìn thấy lúc vừa mới vào động. Đến đây, dòng nước vẫn giữ tốc độ chảy xuống y như cũ, điều đó cho thấy chắc chắn vẫn còn đường đi.

Vậy mà chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy có đường để đi.

Chúng tôi đều không biết phải xử lý thế nào, đành ngồi cả xuống nghỉ ngơi, đồng thời xem xét, phân tích tình hình.

Trong số chúng tôi, xem ra Bùi Thanh vẫn là người có kinh nghiệm khảo sát phong phú nhất, cậu ta từng đi qua Vân Nam, nơi đó có rất nhiều động nước, cậu ta bảo thường thì tình trạng này cho thấy trước đây đã có một trận lở đá lớn. Có lẽ do lực nước chảy mạng và lâu nên kết cấu đá trên trần bị xói mòn dần rồi đổ sập xuống, bịt kín nơi này, chắc chắn phía dưới tảng đá chân chúng tôi đang giẫm chính là con đường vào tiếp bên trong.

Tôi và Vương Tứ Xuyên đều không đồng ý với cậu ta, nếu thực sự như thế thì hồi đó người Nhật làm sao vào được trong này. Vương Tứ Xuyên đoán chắc chúng tôi đã đi nhầm đường, đội kia mới là đội đi đúng đường, thôi thế cũng tốt, chúng tôi càng có cớ để quay về sớm.

Tôi xua tay, cách giải thích này cũng không đúng, đừng nói chúng tôi đã tìm thấy những dấu tích của người Nhật để lại, chỉ cần nói chuyện Viên Hỷ Lạc tự nhiên xuất hiện tại đây cũng cho thấy chắc chắn nơi này vẫn còn đường đi tiếp.

Vương Tứ Xuyên nhượng bộ, bảo chúng tôi đừng tranh luận nữa, nghe thử xem, nếu như bên dưới có kẽ đá ngầm nào đó thì tiếng nước sẽ khác.

Chúng tôi thấy chẳng còn cách nào khác, vậy là tất cả tản ra, nín thở, áp sát vào mặt đá lắng nghe thật kĩ xem có sự khác biệt nào của tiếng nước không.

Nói thật, làm sao có thể nghe ra sự khác biệt của dòng nước lúc này, tất cả các âm thanh lớn nhỏ bạn cảm thấy giống hệt như trong môi trường yên tĩnh, dù đứng gần hay đứng xa, tiếng nước róc rách bốn bề trong động vẫn ảnh hưởng đến phán đoán của bạn.

Tôi vô cùng cẩn thận, cố lắng nghe cả những âm thanh cách đó mười mấy mét nhưng vẫn thấy không ổn, hoàn toàn không có kết quả gì, tôi thở dài vẫy tay ra hiệu cho mấy người khác phủ quyết biện pháp Vương Tứ Xuyên đề xuất. Bỗng một cậu lính đứng lên xua tay ra hiệu chúng tôi đừng làm ồn nữa.

Chúng tôi đều tỉnh hẳn người, bụng nghĩ lẽ nào lại nghe thấy gì? Vậy là cả nhóm rón rén đi đến bên cậu ta, rồi áp sát người vào đó để nghe.

Âm thanh ở nơi này khiến chúng tôi đều cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, hóa ra bên dưới mặt đá vọng lên không phải là tiếng nước chảy mà là một âm thanh rất quen thuộc, giống như tiếng móng tay người gõ vào mặt đá.

Mọi người đều nín thở tập trung nghe hồi lâu, nhưng cuối cùng vẫn không nghe ra đó là tiếng gì, chỉ cảm thấy tiếng rào rào đó nghe thật buồn bã, giống như tiếng móng tay cào trên da bụng, cảm giác như da bị ngứa sắp điên lên nên cào sồn sột cho đã vậy.

Tôi không nhớ rõ ai là người cào những hòn đá bên trên mặt tảng đá ra trước, chỉ nhớ sau đó, tất cả chúng tôi đều dùng cả hai tay để cào đá ra, đá to thì bê đi trước, rồi đến lớp đá nhỏ.

Chuyển đá đi một lúc tôi mới phát hiện ra có điều khác thường, đó là đá nơi này rất dễ rời ra, đống đá vụn ở xung quanh có to có nhỏ, những hòn đá to tường người tưởng chừng không thể dào lên mà không ngờ chúng tôi lại có thể đào lên dễ dàng.

Tất cả đá từ to đến nhỏ, chúng tôi đều có thể tách ra khiêng được, việc này nói lên điều gì?

Bất giác tôi đẩy nhanh tốc độ, mọi người thấy vậy, cũng như được truyền năng lượng, ai nấy đều đẩy nhanh tốc độ đào.

“Keng”, tay tôi chạm phải một vật gì đó.

Tất cả mọi người bất giác dừng lại, nhìn sang phía tôi. Bên dưới hòn đá tôi vừa đào lên lộ ra một cánh cửa sắt hoen gỉ, loang lổ.

Mọi người nhìn chằm chằm, ai cũng ngạc nhiên không hiểu điều gì đang xảy ra, họ đều túm tụm lại quanh chỗ tôi, rồi lại tiếp tục đào bới ở chỗ vừa lộ ra cánh cửa sắt.

Chỉ một lúc sau, cánh cửa sắt được chôn giấu dưới đống đá đã lộ ra trước mắt chúng tôi, cánh cửa khổng lồ dài hơn năm mét, bên ngoài được sơn màu xanh lòe loẹt, có thể nhìn thấy loáng thoáng mấy chữ bằng tiếng Nhật màu trắng, trong đó chỉ có thể hiểu được con số 53, một chữ là kế hoạch, những chữ còn lại không thể hiểu được đó là gì.

Khi cánh cửa lộ ra gần hết, chúng tôi bắt đầu im lặng lắng nghe xem phía sau cánh cửa có âm thanh gì. Lúc đó, ngoài tiếng ùng oàng vang động không cụ thể là âm thanh gì ra, chúng tôi không nghe thêm được bất cứ tiếng gì nữa.

Đại Mạc Thương Lang

Đại Mạc Thương Lang

Score 7
Status: Completed Author:

Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nhân vật “tôi” cùng các thành viên ưu tú trong ngành thăm dò địa chất của khắp Trung Quốc bất ngờ bị điều vào đại đội công trình địa chất bí mật.

Với tờ mật lệnh trong tay, họ không hề biết đích đến, không hề biết địa điểm cũng như nguyên nhân, họ bắt đầu bước chân vào cánh rừng rậm nguyên sinh ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ, nơi ngay cả những kĩ sư địa chất dày dạn kinh nghiệm nhất cũng chưa từng biết đến.

Cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình quái dị và rùng rợn vào chiếc hộp thời gian nơi đáy vực sâu. Và chiếc máy bay mà họ phát hiện, sau đó dùng để bay xuống vực sâu cũng chính là chiếc máy bay mà mấy chục năm trước quân Nhật đã từng dùng để bay xuống đó… Chiếc máy bay không ngừng lặp đi lặp lại nhiệm vụ đưa những con người tham vọng và tò mò đi gặp tử thần…

Vậy “tôi” có thể tác động được diễn tiến của quá trình và kết thúc tấn bi kịch này không hay anh càng gỡ càng rối, càng sa chân vào mớ bòng bong vô cùng vô tận của thời gian?

Sau bao nỗi lo lắng khi ngồi trong thùng xe tải kín mít đến nơi tập kết, họ được xem “thước phim số 0” tuyệt mật do lãnh đạo trung ương cung cấp. Cảnh tượng diễn ra trên màn hình khiến tất cả các thành viên đều không thể tin vào mắt mình: một chiếc máy bay ném bom hạng nặng của không quân Nhật xuất hiện trong lớp vỏ đá cách mặt đất 1.200 mét!

Đây là một âm mưu hay hiện tượng siêu tự nhiên? Nếu không phải không gian bị bóp méo thì sức mạnh điên rồ nào đã đưa chiếc máy bay xuống nơi đó?! Hay trước khi chiến bại, quân Nhật đã tiến hanh những hành động với mục đích vô cùng đen tối?

Trong thế giới con chữ đầy cạm bẫy nhưng rất mực mê hoặc, mỗi độc giả chạm tay vào tiểu thuyết của Nam Phái Tam Thúc đều sa chân vào những ngờ vực và ẩn số được bố trí khắp tiểu thuyết mà không thể tự thoát ra nổi!

Bộ tiểu thuyết Đại Mạc Thương Lang của tác giả Nam Phái Tham Thúc gồm hai tập là Thám hiểm cực địa và Chuyến bay tuyệt mệnh. Nam Phái Tam Thúc đã miệt mài suốt 3 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Nội dung của bộ truyện nói về chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm dưới hang động cách mặt đất 1.200 mét của các thành viên đội thám trắc địa chất đầu tiên Trung Quốc từ những năm 60 thuộc thế kỷ 20. Cả câu chuyện được diễn ra trong không gian đóng kín, tối tăm, đầy lo lắng, nghi hoặc, sợ hãi và cả ngộp thở. Đó là cuộc hành trình mà nhân vật chính suốt đời không thể nào quên, từng tầng bí mật nơi lòng đất sâu thẳm được hé lộ khiến người ta ngộp thở, nó thử thách lý trí của độc giả đến cực hạn.

Điều hấp dẫn nhất trong Đại Mạc Thương Lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí.

Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Tam giác quỷ” (Triangle). Trong đó, chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim là đống thi thể của nữ vật chính được chất đầy trên một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”...

Nam Phái Tam Thúc là cao thủ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Mất tích” (Lost). Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có trí ý tưởng và tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng...

Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà nó trở nên thu hút hơn.

Hơn nữa, Nam Phái Tam Thúc lại sử dụng ngôi thứ nhất để kể truyện, khiến tôi có cảm giác như mình phải mò mẫm tư duy của một bệnh nhân tâm thần...

Tác giả

Nam Phái Tam Thúc

Nam Phái Tam Thúc có tên thật là Từ Lỗi, hiện sống ở Hàng Châu. Anh là người sáng lập ra trường phái tiểu thuyết Nam Phái và được mệnh danh là tiểu thuyết gia viết truyện giàu kịch tính, giàu trí tưởng tượng nhất Trung Quốc.

Nam Phái không chỉ là biệt danh của tác giả mà còn là tên của một trường phái tiểu thuyết đang thịnh hành ở Trung Quốc. Đó là trường phái mở ra một quan niệm hoàn toàn mới: "Hãy để trí tưởng tượng đạt tới cực hạn!", trường phái này sáng tạo nên một mô thức viết truyện theo lối tự do, với mô thức ấy các tác giả có thể thỏa sức viết ra những điều mình khát vọng nhất, viết ra những chuyện kỳ bí, phi thực tế nhất...

Anh đến với văn học mạng một cách tình cờ vào năm 2006 nhưng không ngờ đây lại là một duyên may, bởi nó đưa anh lên ngôi vị “Nhà văn giàu nhất Trung Quốc” vào năm 2011 với số thuế nộp cho nhà nước là 1580 vạn Nhân dân tệ (tương đương 55 tỷ 300 triệu VND). Từ đó trong con mắt của rất nhiều người, tiểu thuyết Trung Quốc chỉ còn tồn tại hai trường phái đó là Nam Phái và phi Nam Phái.

Đại Mạc Thương Lang là tác phẩm của cá nhân Nam Phái Tam Thúc nhưng thuộc quyền sở hữu của Nam Phái tiểu thuyết đường hội. Bộ tiểu thuyết hai tập này được xuất bản vào tháng 3 năm 2010 và trở thành màn chào hỏi thuyết phục nhất của Nam Phái đường hội. Tiểu thuyết của Nam Phái khiến độc giả hiểu thế nào là một tiểu thuyết dũng mãnh và thế nào là một tác giả cá tính!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset