Chương 44: Anh Miêu

Anh Miêu

Tôi ngẩn người ra một lúc rồi mới sực hiểu. Những người khác cũng giống tôi, Vương Tứ Xuyên hỏi lại: “Anh đã từng vào đây?”

Anh Miêu rút thuốc lá ra, châm thuốc rồi chậm rãi gật đầu.

Chúng tôi đều hoang mang, ai cũng tái mặt, lặng lẽ nhìn nhau.

Đầu tôi mông lung một lúc, sau đó tôi đột nhiên thấy buồn cười, tôi phát hiện thực ra mọi tình huống đều khá hợp lí, ngay từ đầu đã có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó rồi.

Đầu tiên, trước khi xuống đây, anh Miêu biết trước nhóm của đại tá đã tìm ra hang động này. Lúc ấy, tôi ngỡ anh đoán đúng bởi anh quen thuộc với cách làm việc của tổ chức, bây giờ nghĩ lại mới thấy, anh ấy đã từng đến đây, đương nhiên phải biết trước chuyện này.

Sau đó, nước dâng cao, anh bỗng xuất hiện rất kịp thời, lại còn biết cứ đi về phía trước sẽ tới đỉnh hang động. Ban đầu tôi cứ tưởng do anh ấy có kinh nghiệm phong phú, lúc này nghĩ lại thì rõ là anh ấy đã từng trải qua việc này rồi.

Sự việc hiển nhiên như bày ra trước mắt, nhưng có lẽ chúng tôi đều là những người đầu óc quá đơn giản nên chẳng ai đoán được tình huống này.

Một lúc sau, Bùi Thanh lên tiếng phá sự yên lặng, cậu ta lạnh lùng nói: “Mao Ngũ Nguyệt, tôi sớm biết anh có vấn đề, nhưng thật không ngờ anh lại liên can sâu đến như vậy, chuyện này rốt cuộc như thế nào, anh phải kể cho rõ ràng, không đừng trách chúng tôi không nể tình giai cấp!”

Anh Miêu bình chân như vại, lắc đầu đáp: “Lúc nãy đã nói rồi, tôi chỉ kể được tới đây, cấp trên cũng có những cân nhắc riêng. Hơn nữa, tôi không kể ra cũng vì muốn tốt cho mọi người thôi.”

“Con bà nó, anh còn làm ra vẻ cán bộ mẹ gì nữa?” Vương Tứ Xuyên tức tối, cậu ta bỗng chốc nổi giận đùng đùng, chồm dậy, định lao vào đánh anh Miêu. Vừa mới định xông ra, thì anh Đường ngồi cạnh vội lao tới, ôm lấy Vương Tứ Xuyên, hai người quấn vào nhau. Anh Đường vốn là một tay chuyên nghiệp nên ra tay rất nhanh, Vương Tứ Xuyên to xác nhưng bị đốn ngã chỉ trong chốc lát. Có điều, Vương Tứ Xuyên cũng không phải tay vừa, vừa ngã xuống, cậu ta đã thò chân ra ngáng, khiến anh Đường cũng ngã lăn ra đất, vậy là hai người lại tiếp tục lao vào nhau.

Tôi vốn không muốn làm to chuyện, bỗng nhìn thấy Bùi Thanh cũng xông tới liền giật mình, cứ tưởng sắp đánh nhau to đến nơi, nhưng không phải, cậu ta chỉ muốn xông vào để can hai người, rồi lôi họ ra. Anh Đường chỉ vào mặt Vương Tứ Xuyên mắng: “Cậu có còn là lính nữa không hả? Định giở trò gì nào? Anh Miêu không nói, là do phải tuân thủ kỉ luật tổ chức, các cậu chỉ là lính quèn, chúng tôi phải nghe cậu hay nghe cấp trên hả?”

Những lời nói đó xem ra không hiệu quả lắm, thực ra, ý của anh Đường có hai điểm như sau: Thứ nhất, không phải anh Miêu không muốn nói mà là không được phép nói, thứ hai đó là do mệnh lệnh của trung đoàn ban xuống. Ý anh Đường muốn bảo chúng tôi đừng nhiều lời nữa.

Tất cả anh em lính tráng đều đổ xô lại, tôi biết có đánh chết anh Miêu cũng sẽ không nói, còn Vương Tứ Xuyên lại là người hễ máu nóng bốc lên thì dám đánh chết người. Tôi chỉ sợ cậu ta lại nói lung tung, bị người ta chụp mũ cho cái tội phản cách mạng thì nguy to, thế là tôi vội vàng ngăn cái miệng cậu ta lại, bảo mỗi bên nhường nhau một tí. Mã Tại Hải đứng bên thấy không khí căng thẳng, cũng vội chen vào nói mấy lời can ngăn: “Các lãnh đạo khoan hãy bàn vấn đề này, có một điểm tôi thấy rất đáng ngờ, nếu anh Miêu là người may mắn sống sót, vậy thì trong động chỉ còn một người thôi, liệu đó có phải là người đã đánh lén anh Ngô lúc nãy không?”

Mã Tại Hải nhắc đến chuyện này, làm mọi người không khỏi ngỡ ngàng. Vừa nghe nói có người định giết tôi, anh Miêu bỗng cảm thấy có gì bất ổn, liền hỏi chuyện ám sát cụ thể như thế nào? Tôi liền đem chuyện lúc trước suýt nữa bị người ta chôn sống dưới hố băng kể lại cho mọi người nghe.

Anh Miêu nghe xong, chau mày suy nghĩ. Anh Đường hỏi có nên cử người đi kiểm tra không, anh Miêu vội xua tay bảo: “Không cần, tôi thấy chuyện này rất bất thường!”

Tôi hỏi có vấn đề gì, anh Miêu trả lời: Căn cứ vào những thông tin anh nắm được lúc trước thì đội khảo sát bí mật vào trước chúng tôi có tất cả chín người, trong có đó ba người là nữ. Căn cứ vào số xác chết, thì hiện tại chúng tôi mới tìm được bảy người, thêm anh Miêu là tám, vậy vẫn còn một người nữa chưa tìm được và người đó ắt phải là một phụ nữ. Nhưng theo những gì tôi mô tả về người mặc quân phục lính Nhật lén tấn công lúc nãy, thì đó lại là một người đàn ông.

Vương Tứ Xuyên hỏi lại tôi có chắc đã nhìn thấy rõ kẻ đó là nam hay nữ không?

Tôi nhớ lại, rồi kiên quyết khẳng định đó là đàn ông, bởi dáng người hắn ta cao lớn, hơn nữa hồi nhỏ còn ở quê tôi cũng hay tham gia các vụ đánh lộn nên có thể phân biệt rõ ràng đánh nhau với con trai khác đánh nhau với con gái như thế nào.

Chuyện này đúng là có gì đó rất bất thường, nếu người đánh lén tôi là một gã đàn ông, trong khi người chưa tìm được của đội khảo sát tốp trước lại là một người phụ nữ, vậy có nghĩa là người đánh lén tôi không thuộc đội khảo sát đó, vậy người đó là ai? Nếu không phải người của đội khảo sát thì hắn ở dưới này làm gì?

Lẽ nào nơi đây thực sự còn tồn tại lính Nhật?

Mọi người bàn tán ồn ào, nhưng bàn đi tính lại vẫn không lý giải nổi sự việc đó. Cuối cùng, Bùi Thanh hỏi: “Hay kẻ đó là Trần Lạc Hộ? Ở đây chỉ thiếu mỗi anh ta.”

Vương Tứ Xuyên lắc đầu bảo không thể xảy ra khả năng đó, Trần Lạc Hộ lấy đâu ra gan đánh người.

Bùi Thanh đáp: “Cậu đừng ngộ nhận, khó mà đoán được lòng dạ thật của con người, biết đâu anh ta ngụy trang, tôi thì thấy sự nhát gan của anh ta giả dối thế nào ấy.”

Tôi bắt đầu thấy mọi chuyện rối tung cả lên. Anh Đường vội xua tay bảo mọi người yên lặng, anh bảo rằng tôi và đội phó đều bị thương, lại vừa trải qua một chặng đường gian nan mới tới được đây, giờ chắc cũng mệt rồi, cần phải nghỉ ngơi, bây giờ không nói chuyện này nữa, anh sẽ cử người đi tìm kiếm xung quanh xem sao, đợi đến lúc chúng tôi khỏe lại thì sẽ tính tiếp nên làm gì.

Cơ thể chúng tôi đúng là cũng chịu hết nổi, nghe anh Đường nói vậy, mọi người cũng yên lặng trở lại. Anh Đường nói đúng, lúc đó chúng tôi có bàn tiếp cũng chẳng thu được gì mới, vậy là mọi người tản ra, nhờ vậy không khí cũng loãng ra được một chút.

Mọi người nấu nước và lương khô ăn cho ấm bụng, mấy cậu lính múc cho tôi một bát. Anh Đường thấy tôi có vẻ lạnh liền cho thêm một ít tương ớt mà anh mang theo vào bát của tôi, tôi ăn xong mồ hôi vã ra đầy người.

Ăn thì cố mà ăn vậy, chứ tôi cảm thấy mí mắt của mình sắp sụp xuống đến nơi, chỉ muốn lăn ra ngủ.

Hồi trước, có người kể với tôi rằng người chiến sĩ trên sa trường có thể ngồi ngủ trên lưng ngựa, tất cả những loài thú nuôi bốn chân, trừ chó ra, tôi đều đã cưỡi, nhưng chưa lần nào ngủ được trên lưng chúng, cho nên tôi vẫn không tin lời người xưa kể. Nhưng đến hôm nay thì tôi tin, tôi rất buồn ngủ, lúc này trong đầu tôi chỉ tồn tại một cảm giác duy nhất là chẳng gì trên đời còn quan trọng nữa cả, cứ để nó trôi đi, thậm chí thích giết thì cứ giết, mình cứ ngủ cái đã.

Có điều, đúng lúc cảm thấy buồn ngủ nhất, tôi lại không thể ngủ được, bởi tôi nhìn thấy hội anh Miêu trải một tấm bản đồ ra bên cạnh đống lửa và đang chuẩn bị kiểm tra cái gì đó.

Tôi biết ngay đó là tấm bản đồ vẽ địa hình ở dưới này, vậy là tôi cố chống lại cơn buồn ngủ, ngồi dậy và mò sang bên đó, bảo anh Miêu cho xem cùng. Anh Đường muốn tôi nghỉ ngơi nên bảo tôi không cần qua. Nhưng tôi vẫn cứng đầu muốn xem rốt cuộc hang động này cấu tạo như thế nào, cuối cùng anh Miêu đành đưa cho tôi.

Tấm bản đồ khá cũ kĩ, cầm trong tay, tôi có thể cảm nhận mặt giấy đã rất mềm. Tôi trải tấm bản đồ xuống đất, lúc đó Vương Tứ Xuyên cũng xúm vào xem, rõ ràng cậu ta có hứng thú với thứ này. Xem ra tinh thần của cậu ấy rất tốt, sức lực của dân du mục chảy trong người khiến cậu ta ăn uống tốt hơn tôi rất nhiều. Tôi tập trung nhìn và nhận ra toàn bộ bình điện của hệ thống sông ngầm, một lát sau, tôi đã nhìn thấy kí hiệu “Nhánh số 0” ở chỗ con đập, nơi chúng tôi từng đến.

Quân Nhật làm bản đồ tỉ mỉ đến mức khiến tôi phải kinh ngạc, những điểm đầu nguồn to nhỏ của con sông ngầm được vẽ rõ ràng trên tấm bản đồ, cửa hang nơi chúng tôi đi vào được tô rất đậm; các cửa hang khác cũng được tô đậm tương tự như vậy. Tất cả có bốn cửa hang, có điều chúng nằm trên những dòng chảy khác.

Toàn bộ hệ thống hang động rất lớn, những kiến thức trên sách vở có lẽ chẳng có tác dụng gì với hiện thực ở nơi đây, lúc này chúng tôi phải phát huy năng lực quan sát của bản thân mà phán đoán. Mọi người dần dần xúm lại quanh tấm bản đồ, rồi cùng nhau quan sát và phân tích nó.

Dòng sông ngầm có tất cả bảy nhánh, trong đó các nhánh số 3, số 4, số 5, số 6 đều là những nhánh rẽ của nhánh sông số 2. Cửa hang chúng tôi đi xuống chính là nhánh sông số 2, có thể thấy rõ cửa hang được đánh dấu trên bản đồ, bốn nhánh sông nhỏ bắt nguồn từ nhánh này dần dần chảy vào các khe đá và chấm dứt tại đó, trên thực tế chúng không phải một nhánh sông ngầm thật sự, hơn nữa điểm cuối cùng cũng không có hồ chứa nước. Ngoài điểm cuối của nhánh số 6 được quân Nhật lựa chọn làm trung tâm ra, điểm đầu của ba nhánh còn lại đều không hề thấy dấu hiệu của quân Nhật.

Đó là một hệ thống độc lập, nó giống như một cây lắm cành nhiều chạc mà nhánh sông số 2 là thân cây, các nhánh sông số 3, số 4, số 5, số 6 là bốn nhánh chính của thân cây đó.

Hai nhánh sông khác lại là hai hệ thống độc lập, nhánh số 1 và nhánh số 7 hội tụ phía trên thượng lưu, tạo thành bãi bồi số 0, nơi xây con đập.

Một điều khiến chúng tôi rất kinh ngạc nữa là những nhánh sông này không hẳn hoàn toàn độc lập, có thể thấy chúng được kết nối bởi rất nhiều các khe suối. Quân Nhật đã vẽ chúng rất chi tiết trên tấm bản đồ. Thông qua hệ thống sông ngòi khe rạch giống như mê cung này, quân Nhật có thể đi lại dễ dàng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Ngoài ra, trên bản đồ còn đánh dấu những biểu thị của tổ hợp máy phát điện tạm thời giống như loại máy phát điện cỡ nhỏ mà chúng tôi gặp ở chỗ hố sụt, trong đó có mấy kí hiệu chúng tôi không thể đọc ra được, không hiểu đó là kí hiệu cho loại thiết bị gì.

Nhìn mãi, tôi chợt nảy ra một vấn đề, liền quay sang hỏi anh Miêu: “Bây giờ các anh định thế nào? Có phải các anh không muốn quay trở về mà sẽ tiếp tục chui xuống dưới dựa vào tấm bản đồ này? Các anh làm vậy vì mục đích gì? Lẽ nào để cứu một người còn thất lạc kia?”

Anh Miêu lắc đầu, chỉ vào một điểm trên tấm bản đồ, rồi nói: “Chính vì cái này!”

Tôi nhìn theo chỗ tay anh chỉ, ngón tay dừng lại phía trên kí hiệu đập nước. Ban đầu tôi tưởng anh định chỉ chiếc máy bay Shinzan, nhưng sau đó mới phát hiện chỗ anh chỉ là một bên của con đập, chỗ khoảng không sâu hút dưới lòng động.

Tôi ngạc nhiên không hiểu. Khi nhìn bên ngoài thực tế, khoảng trống thăm thẳm không biên giới đó khiến tôi có cảm giác vô cùng sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng trên tấm bản đồ này, nó chỉ là một khoảng trắng trống trơn, không biết anh Miêu có ý gì với không gian này?

Tôi đem những thắc mắc của mình hỏi anh, nhưng anh Miêu chỉ hút thuốc mà không trả lời, anh Đường đứng cạnh trề môi chỉ vào những đường kẻ dài ngắn cắt nhau trên bản đồ, rồi làm một động tác ra dấu, sau đó thầm thì: “Cậu không phải là dân công trình, nên không lý giải được vấn đề, cậu xem kĩ cái đường này đi, rồi tôi giải thích cho cậu nghe!”

Tôi gật đầu, anh tiếp tục giải thích: “Những kí hiệu của quân Nhật khác với chúng ta, tuy nhiên, thông qua tần số suất hiện các tuyến đường trên tấm bản đồ này, chúng ta có thể phát hiện ra đó là đường gì. Cậu xem này, những đường kẻ này chính là đường dây cáp điện, chúng xuất hiện rất nhiều trên bản đồ, chỗ nào cũng có, giống như mạng nhện ấy, những đường kẻ đó đều xuất phát từ chỗ máy phát điện, cho nên rất dễ nhận ra. Nhưng cậu xem chỗ đường kẻ mờ hơn này, đầu những đường này đều là kí hiệu hình điện thoại, số lượng đường kẻ kiểu này cũng không nhiều, chứng tỏ nó là dây điện thoại. Trên bản đồ còn có một đường nét đứt, nó đập ngay vào mắt tôi vì trên cả tấm bản đồ chỉ có một đoạn đường kẻ kiểu này. Tôi không thể giải thích được, tôi đang nghĩ đoạn đường kẻ ngắn này thể hiện cái gì ở đây?”

Nói rồi anh di chuyển ngón tay dọc theo đường kẻ đó, cuối cùng chỉ đến một nơi: “Sau khi kiểm tra kĩ hai đầu của đường kẻ này, tôi chợt hiểu ra vấn đề, cậu có biết đây là đâu không?”

Tôi nhìn theo ngón tay chỉ dẫn của anh, một đầu của đường kẻ chính là điểm tận cùng của nhánh sông số 6 – phòng điện báo. Tôi lộ rõ vẻ kinh ngạc. Vương Tứ Xuyên đứng bên cũng thốt lên: “Phòng điện báo chính là điểm cuối của con đường này sao?”

“Đúng vậy, con đường này tượng trưng cho ăng ten thu nhận sóng của máy điện báo đặt trong phòng điện báo. Ban đầu, chúng ta đều ngỡ rằng ăng ten dẫn xuống mặt đất và dùng để liên lạc với các cứ điểm khác của nó, thế nhưng xem lại cẩn thận, tôi thấy không phải vậy, đầu còn lại của ăng ten không chạy trên mặt đất, mà chạy xuống chỗ này!” Anh chỉ tay ra bên ngoài con đập, một đầu của đường kẻ đó chạy đến đây thì chấm dứt, nó biến thành một dấu hoa thị “*”, vừa nhìn đã biết đó là một cột thu phát tín hiệu khổng lồ.

Đột nhiên tôi cảm giác người nổi đầy gai ốc, mồ hôi vã ra đầm đìa.

Cha mẹ ơi! Bỗng chốc tôi đã hiểu ý của anh Đường.

Kí hiệu cho thấy hệ thống thu phát của máy phát điện báo nằm phía trên con đập, chĩa ra ngoài khoảng không hư vô!

Họ đã nhận được một bức điện mật theo quy cách viết code năm 1942 của Nhật từ máy phát điện báo?

Tín hiệu không thể đến từ mặt đất!

Vậy những tín hiệu điện báo chúng tôi nhận được đến từ đâu? Tôi nhìn biểu tượng hoa thị trên tấm bản đồ và biết rằng chỉ có duy nhất một đáp án cho câu hỏi ấy.

Tín hiệu đó đến từ không gian đen tối vô cùng vô tận dưới kia.

Hai mươi năm trước, quân Nhật đã xuống nơi này và phát ra tín hiệu đó.

Đại Mạc Thương Lang

Đại Mạc Thương Lang

Score 7
Status: Completed Author:

Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nhân vật “tôi” cùng các thành viên ưu tú trong ngành thăm dò địa chất của khắp Trung Quốc bất ngờ bị điều vào đại đội công trình địa chất bí mật.

Với tờ mật lệnh trong tay, họ không hề biết đích đến, không hề biết địa điểm cũng như nguyên nhân, họ bắt đầu bước chân vào cánh rừng rậm nguyên sinh ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ, nơi ngay cả những kĩ sư địa chất dày dạn kinh nghiệm nhất cũng chưa từng biết đến.

Cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình quái dị và rùng rợn vào chiếc hộp thời gian nơi đáy vực sâu. Và chiếc máy bay mà họ phát hiện, sau đó dùng để bay xuống vực sâu cũng chính là chiếc máy bay mà mấy chục năm trước quân Nhật đã từng dùng để bay xuống đó… Chiếc máy bay không ngừng lặp đi lặp lại nhiệm vụ đưa những con người tham vọng và tò mò đi gặp tử thần…

Vậy “tôi” có thể tác động được diễn tiến của quá trình và kết thúc tấn bi kịch này không hay anh càng gỡ càng rối, càng sa chân vào mớ bòng bong vô cùng vô tận của thời gian?

Sau bao nỗi lo lắng khi ngồi trong thùng xe tải kín mít đến nơi tập kết, họ được xem “thước phim số 0” tuyệt mật do lãnh đạo trung ương cung cấp. Cảnh tượng diễn ra trên màn hình khiến tất cả các thành viên đều không thể tin vào mắt mình: một chiếc máy bay ném bom hạng nặng của không quân Nhật xuất hiện trong lớp vỏ đá cách mặt đất 1.200 mét!

Đây là một âm mưu hay hiện tượng siêu tự nhiên? Nếu không phải không gian bị bóp méo thì sức mạnh điên rồ nào đã đưa chiếc máy bay xuống nơi đó?! Hay trước khi chiến bại, quân Nhật đã tiến hanh những hành động với mục đích vô cùng đen tối?

Trong thế giới con chữ đầy cạm bẫy nhưng rất mực mê hoặc, mỗi độc giả chạm tay vào tiểu thuyết của Nam Phái Tam Thúc đều sa chân vào những ngờ vực và ẩn số được bố trí khắp tiểu thuyết mà không thể tự thoát ra nổi!

Bộ tiểu thuyết Đại Mạc Thương Lang của tác giả Nam Phái Tham Thúc gồm hai tập là Thám hiểm cực địa và Chuyến bay tuyệt mệnh. Nam Phái Tam Thúc đã miệt mài suốt 3 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Nội dung của bộ truyện nói về chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm dưới hang động cách mặt đất 1.200 mét của các thành viên đội thám trắc địa chất đầu tiên Trung Quốc từ những năm 60 thuộc thế kỷ 20. Cả câu chuyện được diễn ra trong không gian đóng kín, tối tăm, đầy lo lắng, nghi hoặc, sợ hãi và cả ngộp thở. Đó là cuộc hành trình mà nhân vật chính suốt đời không thể nào quên, từng tầng bí mật nơi lòng đất sâu thẳm được hé lộ khiến người ta ngộp thở, nó thử thách lý trí của độc giả đến cực hạn.

Điều hấp dẫn nhất trong Đại Mạc Thương Lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí.

Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Tam giác quỷ” (Triangle). Trong đó, chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim là đống thi thể của nữ vật chính được chất đầy trên một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”...

Nam Phái Tam Thúc là cao thủ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Mất tích” (Lost). Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có trí ý tưởng và tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng...

Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà nó trở nên thu hút hơn.

Hơn nữa, Nam Phái Tam Thúc lại sử dụng ngôi thứ nhất để kể truyện, khiến tôi có cảm giác như mình phải mò mẫm tư duy của một bệnh nhân tâm thần...

Tác giả

Nam Phái Tam Thúc

Nam Phái Tam Thúc có tên thật là Từ Lỗi, hiện sống ở Hàng Châu. Anh là người sáng lập ra trường phái tiểu thuyết Nam Phái và được mệnh danh là tiểu thuyết gia viết truyện giàu kịch tính, giàu trí tưởng tượng nhất Trung Quốc.

Nam Phái không chỉ là biệt danh của tác giả mà còn là tên của một trường phái tiểu thuyết đang thịnh hành ở Trung Quốc. Đó là trường phái mở ra một quan niệm hoàn toàn mới: "Hãy để trí tưởng tượng đạt tới cực hạn!", trường phái này sáng tạo nên một mô thức viết truyện theo lối tự do, với mô thức ấy các tác giả có thể thỏa sức viết ra những điều mình khát vọng nhất, viết ra những chuyện kỳ bí, phi thực tế nhất...

Anh đến với văn học mạng một cách tình cờ vào năm 2006 nhưng không ngờ đây lại là một duyên may, bởi nó đưa anh lên ngôi vị “Nhà văn giàu nhất Trung Quốc” vào năm 2011 với số thuế nộp cho nhà nước là 1580 vạn Nhân dân tệ (tương đương 55 tỷ 300 triệu VND). Từ đó trong con mắt của rất nhiều người, tiểu thuyết Trung Quốc chỉ còn tồn tại hai trường phái đó là Nam Phái và phi Nam Phái.

Đại Mạc Thương Lang là tác phẩm của cá nhân Nam Phái Tam Thúc nhưng thuộc quyền sở hữu của Nam Phái tiểu thuyết đường hội. Bộ tiểu thuyết hai tập này được xuất bản vào tháng 3 năm 2010 và trở thành màn chào hỏi thuyết phục nhất của Nam Phái đường hội. Tiểu thuyết của Nam Phái khiến độc giả hiểu thế nào là một tiểu thuyết dũng mãnh và thế nào là một tác giả cá tính!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset