Những cái cây có hình thù rùng rợn cong oằn trước bầu trời bao la. Chuyến tàu đã dừng lại ngoài lịch trình, không lời giải thích, trên một bãi đất hoang trời đánh thánh vật, trong bao lâu tôi không còn nhớ nữa. Đồng hồ của tôi đã dừng lại từ giữa đêm hôm qua. (Tôi nhớ chiếc đồng hồ hiệu Ingersoll của mình, thậm chí đến tận hôm nay.) Hình hài những hành khách đi cùng tôi tan thành những hình thù nửa quen nửa lạ: một người môi giới địa ốc sau lưng tôi, luyên thuyên nói chuyện trên điện thoại, tôi dám thề hắn là đội trưởng khúc côn cầu học cùng lớp cuối cấp trung học với tôi; người đàn bà đau buồn ngồi trước hai ghế, đọc A Moveable Feast, chẳng phải bà ta chính là mụ phù thủy ở sở thuế từng nướng chín tôi vài năm trước đó sao?
Cuối cùng các đầu nối cũng kêu lên rền rĩ và đoàn tàu chậm chạp bò đến một ga thôn quê khác với tấm biển hiệu tróc sơn nham nhở đề chữ “Adlestrop”. Giọng nói của một người bị cảm nặng cất lên: “Đường sắt Centrallo rất tiếc phải thông báo do hệ thống phanh không hoạt động, đoàn tàu này sẽ dừng một chút tại…” hắt hơi “… ga này”. Hành khách được hướng dẫn xuống ở đây… và đợi tàu thay thế.” Các hành khách đi cùng với tôi há hốc miệng, than thở, chửi thề, lắc đầu. “Đường sắt Centrallo xin lỗi vì bất kỳ…” hắt hơi “… sự bất tiện nào do chuyện này gây ra, và đảm bảo với quý vị rằng chúng tôi đang nỗ lực hết sức để phục hồi chất lượng xuất sắc như thường lệ của…” hắt hơi rõ to “… dịch vụ. Cho tôi cái khăn giấy nào, John.”
Sự thật là: những phương tiện di chuyển trong thành phố này được lắp ráp ở Hamburg hoặc nơi nào đó, và khi các kỹ sư người Đức chạy thử kiểm tra trước khi bàn giao cho Anh, họ dùng những đường ray tư hữu tệ hại của chúng ta vì những đường ray được bảo trì tử tế của châu Âu không đảm bảo điều kiện kiểm tra chính xác. Ai thực sự đã thắng trong cuộc chiến chết toi ấy? Lẽ ra tôi đã nên trốn bọn Hoggins bằng cách cỡi gậy pogo nhảy theo đường Great North cho rồi.
Tôi chen lấn tìm đường vào một quán cà phê bẩn thỉu, mua chiếc bánh có vị như xi đánh giày và một ấm trà có vụn nút bấc nổi lều phều trong đó, rồi nghe lén cuộc nói chuyện của hai người nuôi ngựa giống Shetland. Sự chán nản khiến con người ta thèm muốn những cuộc đời họ chưa từng có. Tại sao mày lại trao cả cuộc đời cho sách vậy hả TC? Ngốc, ngốc, ngốc! Mấy quyển hồi ký đã đủ dở tệ rồi, lại còn đèo bòng tiểu thuyết! Anh hùng phiêu bạt giang hồ, người lạ đến thị trấn, một người nào đó theo đuổi một cái gì đó, họ có được nó hoặc không, ý chí bị đọ sức với ý chí. “Ngưỡng mộ ta đi, vì ta là một ẩn dụ.”
Tôi mò mẫm lần đến nhà vệ sinh nam bốc mùi khai, một kẻ thích đùa đã trộm mất bóng đèn. Tôi vừa mở dây kéo ra thì đã nghe một giọng nói cất lên trong bóng tối. “Này, ông, có phật lửa hay gì phông?” Trấn tĩnh cơn đau tim của mình xong, tôi sờ soạng tìm bật lửa. Ngọn lửa làm hiện lên một gã Rastafari[47] trong ánh tàn tranh Holbein[48], chỉ cách tôi vài centimet, đôi môi dày đang ngậm một điếu xì gà. “Cám ơn,” gã đa đen thì thầm, nghiêng đầu về phía tôi để châm đầu xì gà vào lửa.
“Ừm, không có chi,” tôi đáp.
Cái mũi to bè của hắn khụt khịt. “Vậy, ông đang đi đâu đấy?”
Tôi đưa tay kiểm tra xem ví còn trong túi không. “Hull…” Một câu chuyện bịa đặt ngu ngốc tuôn trào. “Để trả lại một quyển tiểu thuyết. Cho một thủ thư làm việc ở đấy. Một nhà thơ rất nổi tiếng. Ở trường đại học[49]. Nó nằm trong túi tôi đây này. Có tiêu đề là Những chu kỳ bán rã.” Điếu xì gà của gã Rastafari có mùi phân trộn. Tôi không tài nào đoán nổi họ đang thực sự nghĩ gì. Không phải tôi chưa từng quen biết người Rastafari nào. Tôi không phân biệt chủng tộc, nhưng tôi thực lòng tin rằng những nguyên liệu trong cái gọi là “nồi hòa tan”[50] ấy phải mất nhiều thế hệ mới tan hòa được. “Ông này,” gã Rastafari nói, “ông cần…” và tôi lưỡng lự “… làm một hơi.” Tôi làm theo lời đề nghị và rít điếu xì gà dày cui của hắn.
Quỷ tha ma bắt! “Cái này là gì vậy?”
Hắn phát ra tiếng rít như tiếng đàn ống. “Thuốc ấy không mọc ở xứ sở Malboro đâu.” Đầu tôi nở to lên gấp hàng trăm lần, như Alice ăn phải bánh xứ thần tiên, và trở thành một bãi đỗ xe nhiều tầng chứa một nghìn lẻ một chiếc Citroën phát nhạc opera. “Chắc rồi, dám cá là thế,” Người Từng Được Biết Đến Với Tên Tim Cavendish mấp máy môi.
Điều tiếp theo tôi còn nhớ là tôi lại ở trên tàu, tự hỏi ai đã xây những viên gạch bám đầy rêu phong bọc lấy toa của tôi. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho ông rồi, thưa ông Cavendish,” một con chim sâm cầm hói đầu, đeo kính, nói với tôi. Không có ai ở đó, hay ở bất kỳ đâu. Chỉ có một người lao công đang lau dọn trên đoàn tàu vắng vẻ, cho rác vào một cái bao. Tôi nằm xuống sàn. Hơi lạnh cắm răng nanh vào chiếc cổ trần trụi của tôi rồi nhảy nhót trên những thớ thịt không được che chắn. Trở lại King’s Cross chăng? Không, đây là Gdansk[51] lạnh cóng. Tôi hốt hoảng nhận ra mình không còn giữ túi xách và ô nữa. Tôi leo lên tàu rồi lấy chúng xuống từ giá để hành lý. Các cơ bắp dường như đã teo đi trong lúc ngủ. Bên ngoài, một chiếc xe đẩy hành lý đi ngang, do một gã Modigliani[52] cầm lái. Đây là chốn quái quỷ nào thế này?
“Yurrin Hulpal,” gã Modigliani đáp.
Tiếng Ả Rập? Não tôi đưa ra giả thuyết sau: một chuyến tàu Eurostar đã dừng lại ở Adlestrop, tôi đã lên tàu và ngủ quên suốt đường đến ga Istanbul Central. Não tôi rối như canh hẹ. Tôi cần một biển hiệu rõ ràng, viết bằng tiếng Anh.
CHÀO MỪNG ĐẾN HULL.
Lạy trời, hành trình của tôi sắp kết thúc rồi. Lần cuối cùng tôi đến điểm cực bắc này là khi nào nhỉ? Là chưa bao giờ. Tôi hớp không khí lạnh buốt để nén lại cảm giác buồn nôn đột ngột, đúng rồi đấy, Tim, nuốt xuống đi. Chiếc dạ dày khó chịu đưa ra những hình ảnh giải thích nguyên nhân sự khó chịu này, và điếu xì gà của gã Rastafari hiện ra trước mắt tôi. Nhà ga sơn một màu đen tuyền. Tôi rẽ vào một góc và tìm thấy hai mặt đồng hồ dạ quang treo trên lối ra, nhưng đồng hồ mà mỗi chiếc chỉ một giờ thì còn tệ hơn là chẳng có chiếc nào. Không có người soát vé nào ở cổng buồn xem chiếc vé đắt cắt cổ của tôi, và tôi cảm thấy mình bị lừa. Ở bên ngoài, một chiếc xe chạy chầm chậm sát vỉa hè, một khung cửa sổ chớp đèn, tiếng nhạc lúc vang lúc nghẹt vọng ra từ một quán rượu bên kia con đường tránh. “Có tiền lẻ không?” một người hỏi, không, van xin, không, buộc tội, một con chó xác xơ rúc trong chăn. Mũi, lông mày và môi của chủ nó xỏ đầy khuyên sắt đến nỗi một chiếc nam châm điện mạnh rê qua hẳn có thể xé toạc khuôn mặt hắn. Những người này làm sao qua được máy dò kim loại ở sân bay nhỉ? “Có tiền lẻ không?” Tôi thấy bản thân mình như hắn thấy tôi, một lão già ốm yếu trong một thành phố trễ nải kém thân thiện. Con chó ngồi dậy, ngửi thấy mùi dễ bắt nạt. Một người bảo vệ vô hình nắm lấy cùi chỏ tôi rồi dẫn tôi đến một dãy taxi.
Chiếc taxi có vẻ như cứ đi quanh vòng xoay trong một lát cắt bất tận. Một ca sĩ gào thét trên radio rên rỉ bài gì đó về việc mọi thứ chết đi rồi sẽ quay về vào một ngày nào đó. (Thiên đường xa lánh – nhớ đến truyện ngắn Bàn chân khỉ!) Đầu của người tài xế to quá cỡ so với đôi vai, chắc anh ta mắc bệnh Người Voi rồi, nhưng khi anh ta quay lại, tôi mới nhìn ra chiếc khăn quấn đầu kiểu Ấn Độ. Anh ta đang kể lể về khách đi xe của mình, “Người ta lúc nào cũng nói, ‘Dám cá là quê hương anh bạn không lạnh thế này đâu, phải không?’ và tôi luôn đáp, ‘Trật lất rồi, anh bạn à. Rõ ràng là anh chưa đến Manchester vào tháng Hai bao giờ mà.’”
“Anh biết đường đến Aurora House, đúng không?” tôi hỏi, và anh chàng người Sikh đáp, “Nhìn xem, đến nơi rồi đây này.” Lối rẽ vào dừng lại ở một tòa nhà phong cách thời đại Edward sừng sững khó mà lượng rõ tầm vóc. “Mai Sao Đông Chan.”
“Tôi không quen ai tên đó cả.”
Anh ta bối rối nhìn tôi, rồi nhắc lại, “Mười sáu đồng chẵn.”
“Ồ, vâng.” Ví của tôi không nằm trong túi quần, hoặc túi áo khoác. Hoặc túi áo sơ mi. Cũng không xuất hiện trở lại trong túi quần. Sự thật khủng khiếp đập vào mặt tôi. “Tôi đã bị cướp một cách trắng trợn!”
“Tôi không hài lòng với kiểu nói bóng gió đó. Taxi của tôi có đồng hồ tính cước của thành phố mà.”
“Không, anh không hiểu, ví của tôi bị trộm rồi.”
“Ồ, vậy thì tôi hiểu.” Tốt, anh ta hiểu. “Tôi hiểu rất rõ!” Cơn thịnh nộ của tiểu lục địa cuồn cuộn nổi lên trong bóng tối. “Ông đang nghĩ, “Gã ăn cà ri này biết cảnh sát sẽ đứng về phía ai.””
“Vô lý!” tôi phản đối. “Nhìn đây, tôi có tiền xu, tiền lẻ, vâng, một túi đầy tiền lẻ… đây… vâng, tạ ơn Chúa! Vâng, tôi nghĩ tôi có mà…”
Anh ta đếm những đồng tiền: “Tiền boa đâu?”
“Lấy đi…” tôi trút hết những đồng tiền xu vào tay anh ta rồi luống cuống xuống xe, trúng ngay vào mương nước. Từ ánh mắt của nạn nhân bất đắc dĩ tôi thấy chiếc taxi tăng tốc lao đi và nhớ lại hình ảnh quá khứ khó chịu về vụ trấn lột ở Greenwich. Không phải là chiếc đồng hồ hay những vết bầm hay cơn chấn động đã hằn thành vết sẹo trong lòng tôi. Vấn đề là tôi là từng hạ gục bộ tứ Ả Rập đầu đường xó chợ ở Aden, nhưng trong mắt các cô gái tôi… già nua, đơn giản là quá già. Không hành xử theo kiểu mà một ông già nên làm – vô hình, im lặng và sợ hãi – bản thân việc đó đã là một sự khiêu khích hữu hiệu rồi.
Tôi lê bước lên dốc, đến những cánh cửa kính lừng lững. Khu vực tiếp tân tỏa ánh sáng vàng chóe. Tôi gõ cửa, một phụ nữ rất thích hợp đóng trong nhạc kịch Florence Nightingale mỉm cười với tôi. Tôi cảm thấy như có ai đó đã vẫy chiếc đũa thần và nói, “Cavendish à, mọi phiền phức của ông đã tan biến rồi!”
Florence mở cửa cho tôi. “Chào mừng đến Aurora House, ông Cavendish!”
“Ôi, cám ơn, cám ơn. Hôm nay thật là một ngày tồi tệ kinh khủng.”
Một thiên thần bằng xương bằng thịt. “Điều cốt yếu là ông đã đến đây an toàn rồi.”
“Nghe này, có một chuyện đáng ngại nhỏ liên quan đến tiền nong mà tôi nên nhắc luôn bây giờ. Bà thấy đấy, trên đường đến đây…”
“Tất cả những gì ông cần lo lúc này là làm sao ngủ một giấc thật ngon. Mọi việc đã được lo liệu. Chỉ cần ký tên vào đây rồi tôi sẽ đưa ông đến phòng của ông. Đó là một phòng rất đẹp và yên tĩnh, nhìn ra vườn. Ông sẽ thích cho mà xem.”
Mắt nhòe nước vì biết ơn, tôi đi theo bà ta đến phòng nghỉ dưỡng của mình. Khách sạn này rất hiện đại, sạch bong, ánh sáng rất dịu ở những hành lang ngái ngủ. Tôi nhận ra những hương thơm từ thuở ấu thơ, nhưng không thể xác định được rõ ràng. Ngược lên ngọn đồi xanh tươi đến Bedfordshire. Phòng của tôi rất đơn giản, ga giường mới tinh tươm và sạch sẽ, có khăn tắm để sẵn trên thanh treo được sưởi ấm. “Ông thấy ổn thỏa cả chưa, ông Cavendish?”
“Tuyệt vời, bà bạn ơi.”
“Vậy thì chúc ông có những giấc mơ đẹp nhé.”
Tôi biết những giấc mơ của mình sẽ ngọt ngào lắm. Tôi tắm, mặc đồ ngủ, rồi chải răng. Giường khá cứng nhưng thoải mái như bãi biển ở Tahiti. Nỗi khiếp đảm mang tên Hoggins đã nằm về phía đông của Mũi Hảo Vọng, tôi đã là Người tự do, và Denny, Denholme vô cùng yêu dấu, đã trang trải nợ nần cho tôi. Anh em giúp nhau lúc hoạn nạn mới đúng thực là anh em. Tiếng còi hụ vang lên trong những chiếc gối êm như kẹo dẻo. Vào sáng mai cuộc đời sẽ bắt đầu lại tươi mới, thật tươi mới. Lần này tôi sẽ làm lại từ đầu.
“Vào sáng mai.” Vận mệnh rất thích đặt bẫy ba chữ nhỏ bé đó. Tôi thức dậy và phát hiện một người phụ nữ không-còn-trẻ-lắm với kiểu tóc bum bê đang lục lọi đồ đạc của tôi như săn hàng giảm giá. “Mụ đang làm cái quái quỷ gì trong phòng tôi thế này, mụ lợn nái ăn cắp vặt ghê tởm?” Tôi nửa gào, nửa khò khè.
Người đàn bà đặt chiếc áo khoác của tôi xuống đầy trơ tráo. “Vì ông là người mới nên tôi sẽ không cho ông ăn bột xà phòng. Lần này thôi đấy. Tôi đã cảnh báo rồi nhé. Tôi không chấp nhận lời lẽ xúc phạm ở Aurora House. Từ bất kỳ ai. Và tôi chưa bao giờ dọa suông cả, ông Cavendish ạ. Chưa bao giờ.”
Một tên cướp lên lớp nạn nhân vì dùng lời lẽ khiếm nhã! “Ta thích nói chuyện với nhà mi thế đ. nào thì ta cứ nói, quân trộm cắp bẩn thỉu mất dạy! Cho ta ăn bột xà phòng hử? Ta cũng muốn xem mi làm thế nào đấy! Gọi An ninh khách sạn đến đây! Gọi cảnh sát đến đây! Mi cứ hỏi về lời lẽ xúc phạm, còn ta sẽ hỏi về chuyện đột nhập, xâm phạm và trộm cắp!”
Mụ ta đi đến giường tôi rồi giáng cho tôi một cái tát tai tóe lửa.
Tôi quá sốc đến độ ngã phịch xuống gối.
“Một khởi đầu đáng thất vọng. Tôi là bà Noakes. Ông không muốn chọc giận tôi đâu.”
Đây có phải là kiểu khách sạn bạo dâm & khổ dâm quái dị không nhỉ? Hay một bà điên đã đột nhập vào phòng tôi sau khi tìm thấy tên tôi trong sổ đăng ký của khách sạn?
“Ở đây không khuyến khích hút thuốc. Tôi sẽ phải tịch thu mấy điếu xì gà này. Bật lửa nguy hiểm lắm, có phải đồ cho ông giỡn chơi. Trời ơi, còn đây là cái gì?” Mụ ta đung đưa chùm chìa khóa của tôi.
“Chìa khóa. Mụ tưởng nó là gì?”
“Chìa khóa ồn ào lắm! Chúng ta sẽ đưa cho bà Judd để giữ hộ nhé, được không?”
“Chẳng đưa cho ai cả, đồ điên! Mụ đánh tôi! Mụ cướp của tôi! Cái kiểu khách sạn trời đánh gì lại đi thuê quân trộm cắp làm phục vụ buồng thế này?”
Sinh vật ấy nhét chiến lợi phẩm vào một chiếc túi nhỏ. “Không còn đồ quý giá gì cần được bảo quản phải không?”
“Trả những món ấy lại đây! Ngay bây giờ! Nếu không tôi không tha cho mụ đâu, tôi thề đấy!”
“Tôi xem như đó là câu trả lời ‘không’ nhé. Ăn sáng lúc tám giờ đúng. Hôm nay có trứng luộc với bánh mì que nướng. Đến trễ là hết phần.”
Mụ ta vừa đi khỏi, tôi vội mặc quần áo rồi tìm điện thoại. Không có. Sau khi rửa mặt nhanh chóng – phòng tắm của tôi được thiết kế cho người khuyết tật, tất cả các góc cạnh đều tròn và lắp tay vịn – tôi vội vàng đến quầy tiếp tân, quyết tâm làm cho ra lẽ. Chân tôi đi cà nhắc nhưng tôi không rõ tại sao. Tôi bị lạc. Nhạc baroque dặt dìu ở những hành lang giống hệt nhau như lối đi giữa hai hàng ghế. Một chú lùn ghẻ lở nắm cổ tay tôi rồi cho tôi xem một lọ bơ hạt dẻ. “Nếu ông muốn đem cái này về nhà thì tôi sẽ vui vẻ cho ông biết tại sao tôi không đem.”
“Ông nhầm tôi với ai rồi.” Tôi hất tay sinh vật ấy ra khỏi người, rồi băng qua một khu phòng ăn nơi khách đang ngồi thành hàng còn phục vụ đang đem ra các bát thức ăn từ nhà bếp.
Có gì quá bất thường?
Những người khách trẻ nhất cũng xấp xỉ bảy mươi. Những người già nhất như hơn ba trăm tuổi. Đây có phải là tuần lễ sau khi nhập học không?
Tôi hiểu rồi. Bạn có lẽ đã nhận ra nó từ những trang trước, thưa Độc giả thân mến. Aurora House là viện dưỡng lão cho người già. Người anh khốn nạn của tôi! Đây là trò đùa của anh ta đây mà! Bà Judd với Nụ cười Olay trơn tuột đang đứng ở quầy tiếp tân.
“Xin chào, ông Cavendish. Sáng nay ông cảm thấy tuyệt vời chứ?”
“Vâng. Không. Một sự hiểu lầm phi lý vừa xảy ra.”
“Thật thế à?”
“Chắc chắn là thật. Tôi đã đăng ký vào ở tối hôm qua khi cứ đinh ninh rằng Aurora House là một khách sạn. Anh trai tôi đã đặt phòng, bà thấy đấy. Nhưng… à, ông ấy cứ nghĩ đây là một chuyện đùa cho vui ấy mà. Nhưng chẳng vui tí tẹo nào cả. Âm mưu đê tiện của ông ấy chỉ ‘hiệu quả’ vì một gã Rastafari cho tôi hút một hơi xì gà chết người ở Adlestrop, thêm nữa, những kẻ sinh ra từ cùng tế bào gốc chết toi bán vé cho tôi đến đây, chúng moi sạch tiền của tôi rồi. Nhưng nghe đây. Bà gặp rắc rối lớn hơn trong nội bộ đấy – một mụ đàn bà mất trí nào đấy tên là Noakes đang đi lung tung trong này rồi đóng giả làm người dọn buồng. Mụ ta chắc là mắc chứng Alzheimer nhưng trời đất quỷ thần ơi, mụ ta thật là đanh đá quá thể. Mụ ta ăn cắp chìa khóa của tôi! Chuyện này nếu xảy ra ở một quán bar vui vẻ ở Phukhet thì còn chấp nhận được, nhưng trong một nhà dưỡng lão dành cho mấy ông già bà cả ở Hull sao? Tôi mà là thanh tra thì chỗ này bị đóng cửa từ lâu rồi đấy, bà biết chứ?”
Nụ cười của bà Judd giờ đây đã trở nên chua loét như axít pin.
“Tôi muốn lấy lại chìa khóa,” bà ta buộc tôi phải lên tiếng. “Ngay bây giờ.”
“Aurora House bây giờ là nhà của ông rồi, ông Cavendish ạ. Chữ ký của ông đã ủy quyền cho chúng tôi áp dụng những điều ông chấp thuận. Và tôi sẽ không khách sáo nếu ông nhắc đến chị tôi bằng giọng điệu như thế.”
“Chấp thuận? Chữ ký? Chị gái nào ? ”
“Biên bản trông giữ mà ông ký tối hôm qua. Giấy tờ nhập hộ khẩu của ông.”
“Không, không, không. Đó là giấy đăng ký khách sạn mà! Thôi đi, toàn là thủ tục lý thuyết suông. Tôi sẽ quay lại sau khi ăn sáng. Mà hãy giải quyết xong chuyện này trước bữa ăn sáng, tôi nghe mùi bất bình thường rồi! Chà chà, đây sẽ là một câu chuyện kể hấp dẫn ở những bữa tiệc tối đây mà. Sau khi tôi siết cổ anh trai tôi xong. Mà nhân tiện, gửi hóa đơn đến cho lão ấy đi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là trả lại chìa khóa cho tôi thôi. Và tốt nhất là gọi một chiếc taxi cho tôi luôn.”
“Đa số khách ở đây đều bấn loạn trong buổi sáng đầu tiên.”
“Tôi chả có gì mà bấn loạn cả, nhưng tôi chưa nói rõ ý của mình. Nếu bà không…”
“Ông Cavendish, sao ông không ăn sáng trước rồi…”
“Chìa khóa!”
“Chúng tôi đã có sự cho phép bằng văn bản của ông để giữ những món đồ giá trị trong két sắt văn phòng.”
“Vậy thì tôi phải nói chuyện với ban quản lý.”
“Chính là chị tôi, Y tá Noakes.”
“Noakes? Quản lý?”
“Y tá Noakes.”
“Vậy thì tôi phải nói chuyện với ban quản trị, hoặc người làm chủ ở đây.”
“Chính là tôi đây.”
“Nghe này.” Gulliver và những Kẻ tí hon. “Bà đang vi phạm… Đạo luật chống giam giữ, hay là cái gì đại loại thế.”
“Ông sẽ thấy là làm trận làm thượng sẽ chẳng có ích gì cho ông ở Aurora House cả.”
“Điện thoại của bà, làm ơn. Tôi muốn gọi cho cảnh sát.”
“Trú nhân không được phép…”
“Tôi đ. phải là trú nhân! Và bởi vì bà không chịu trả chìa khóa cho tôi, tôi sẽ quay lại vào sáng hôm nay với một nhân viên luật pháp nổi khùng đấy.”
Tôi đẩy cánh cửa chính nhưng nó bật lại mạnh hơn. Một loại khóa an ninh chó chết gì đấy. Tôi thử ra bằng cửa thoát hiểm ở bên kia sảnh. Bị khóa. Chống lại sự phản đối của bà Judd, tôi dùng cây búa nhỏ đập vỡ một ổ khóa, cánh cửa mở ra, và tôi là người tự do. Chết tiệt, không khí lạnh phang thẳng vào mặt tôi! Giờ thì tôi biết tại sao người miền bắc lại để râu quai nón, vẽ mặt và tích trữ mỡ rồi. Tôi đi xuống con đường mòn uốn cong, băng qua những cây đỗ quyên lúc nhúc sâu, kiềm chế cảm giác thôi thúc mãnh liệt muốn bỏ chạy. Tôi đã không chạy kể từ giữa thập niên 1970 rồi. Khi đi ngang cái máy cắt cỏ, một gã khổng lồ râu ria bờm xờm mặc bộ áo liền quần của nhân viên trông coi sân bãi trồi lên từ mặt đất như Hiệp sĩ Xanh. Hắn đang gỡ bỏ những gì còn sót lại của một hàng rào cây bụi khỏi lưỡi máy cắt bằng đôi tay tàn sát. “Đi đâu à?”
“Còn phải hỏi! Đến miền đất của người sống.” Tôi sải bước. Lá cây biến thành đất mục dưới chân tôi. Cuộc đời là thế, cây cối tự ăn mình. Tôi đã mất phương hướng nên không nhận ra lối đi dẫn ngược trở về khu nhà ăn. Tôi đã rẽ nhầm đường. Những Kẻ Chưa Chết của Aurora House dõi theo tôi qua lớp tường kính. “Khẩu phần ăn làm từ thịt người đấy!” tôi giễu ánh nhìn trống rỗng của họ, “Khẩu phần ăn làm từ thịt người đấy!” Trông họ hoang mang – Lạy Chúa, tôi là Người cuối cùng của Bộ lạc. Một người nhăn nheo gõ lên cửa sổ rồi chỉ về phía sau tôi. Tôi quay lại vừa kịp lúc gã quái vật vác tôi lên vai hắn. Hơi thở tôi bị vắt kiệt sau từng bước chân của hắn. Hắn bốc mùi phân bón. “Tôi còn nhiều chuyện hay ho hơn để làm…”
“Vậy thì đi mà làm đi!” tôi vùng vẫy tuyệt vọng để kẹp cổ hắn, nhưng tôi nghĩ hắn thậm chí còn chẳng nhận ra. Thế là tôi dùng đến sức mạnh ngôn từ siêu đẳng để trói chân tên thủ ác: “Quân chó chết trời đánh thánh đâm! Thế này là GBH[53]! Thế này là giam giữ trái phép!”
Hắn ôm siết tôi chặt thêm nữa để tôi im miệng, và tôi e rằng mình đã cắn tai hắn. Một sai lầm chiến lược. Chỉ với một cú giật mạnh, quần tôi đã bị tuột khỏi thắt lưng – hắn định hiếp tôi hay sao? Điều hắn làm thậm chí còn kém dễ chịu hơn cả thế. Hắn vắt tôi lên cái máy cắt cỏ, dùng một tay ấn tôi xuống, rồi đánh tôi bằng một cây tre cầm ở tay kia. Đau đớn xé toạc cặp chân khẳng khiu của tôi, một nhát, hai nhát, lần nữa, lần nữa, lần nữa!
Chúa ơi, đau đớn khôn tả!
Tôi la hét, rồi khóc lóc, rồi rên rỉ xin hắn dừng tay. Chát! Chát! Chát! Y tá Noakes cuối cùng cũng ra lệnh cho tên khổng lồ ngừng lại. Cặp mông tôi sưng vều như bị ong đốt! Giọng của mụ đàn bà rít lên trong tai tôi: “Thế giới bên ngoài không có chỗ cho ông đâu. Aurora House giờ là nơi ông sống rồi. Ông thấm thía thực tế chưa? Hay tôi phải nhờ ông Withers đây giải thích lại một lần nữa?”
“Bảo mụ ta đi chết đi,” tinh thần tôi cảnh báo, “nếu không sau này mi sẽ hối hận đấy.”
“Nói với mụ ta những gì mụ muốn nghe đi,” hệ thần kinh của tôi ré lên, “nếu không mi sẽ hối hận ngay lúc này.”
Tinh thần rất quyết tâm nhưng thịt da thì yếu đuối.
Tôi bị tống về phòng, không được ăn sáng. Tôi lập mưu báo thù, kiện tụng và tra tấn. Tôi kiểm tra phòng giam của mình. Cửa, khóa từ bên ngoài, không có lỗ khóa. Cửa sổ chỉ mở ra được mười lăm centimet. Ga giường nặng chịch làm từ xơ lót vỉ đựng trứng với tấm trải ở dưới bằng nhựa. Ghế bành, tấm lót ghế tháo giặt được. Thảm lau được. Giấy dán tường “dễ lau chùi”. Phòng tắm “trong phòng”: xà phòng, dầu gội, vải mỏng, khăn cũ, không cửa sổ. Ảnh một ngôi nhà đồng quê với chú thích: Xây Nhà bằng Tay, xây Tổ ấm bằng Tim. Viễn cảnh trốn thoát: ảm đạm.
Dẫu sao, tôi vẫn tin rằng sự giam cầm này sẽ không kéo dài đến trưa. Một trong những lối thoát phải mở ra. Ban quản lý sẽ nhận ra sai lầm của họ, xin lỗi rối rít, sa thải mụ Noakes khiếm nhã và năn nỉ tôi nhận tiền bồi thường bằng tiền mặt. Hoặc là, Denholme sẽ nhận ra trò đùa của lão đã phản tác dụng và yêu cầu thả tôi ra. Hoặc, kế toán sẽ nhận ra không có ai thanh toán hóa đơn cho tôi và sẽ tống cổ tôi đi. Hoặc, bà Latham sẽ báo cáo tôi mất tích, sự biến mất của tôi sẽ được đăng lên Crimewatch UK và cảnh sát sẽ truy tìm tung tích của tôi.
Khoảng mười một giờ, cửa được mở khóa. Tôi sẵn sàng để khước từ những lời xin lỗi và chuẩn bị công kích lại. Một bà già trông vẻ cũng một thời lừng lẫy bước vào. Bảy mươi tuổi, tám mươi, tám lăm, ai mà biết khi họ đã già chừng ấy? Một lão già còi cọc có khuôn mặt như chó săn, mặc áo khoác tay ngắn, đi theo bà ta. “Chào buổi sáng,” bà già lên tiếng. Tôi đứng dậy, không mời các vị khách của mình ngồi.
“Không dám.”
“Tôi tên là Gwendolin Bendincks.”
“Đừng trách tôi.”
Bối rối, bà ta ngồi xuống ghế bành. “Đây…” bà ta chỉ vào lão chó săn “… là Gordon Warlock-Williams. Sao ông không ngồi đi? Chúng tôi là tổ trưởng Tổ Dân cư.”
“Rất tốt cho bà, nhưng vì tôi không phải là một…”
“Tôi đã định tự giới thiệu tại buổi ăn sáng, nhưng chuyện không hay của buổi sáng xảy ra trước khi chúng tôi kịp đứng ra bảo vệ ông.”
“Chuyện cũng đã qua rồi, Cavendish ạ,” Gordon Warlock-Williams nói cộc lốc. “Sẽ không có ai nhắc đến chuyện đó nữa đâu, ông bạn à, yên tâm đi nhẩy.”
Xứ Wales, đúng vậy, ông ta hẳn phải là người xứ Wales. Bà Bendincks chồm tới. “Nhưng hãy hiểu điều này, ông Cavendish: những kẻ khuấy động ao bèo không được chào đón ở đây.”
“Vậy thì hãy trục xuất tôi đi! Tôi van các người đấy!”
“Aurora House không trục xuất,” tiếng bò rống dạy đời, “nhưng ông sẽ bị đánh thuốc mê, nếu hành vi của ông đến mức đó, để bảo vệ chính ông.”
Thật đáng ngại, phải không? Tôi đã xem Bay qua tổ chim cúc cu với một nhà thơ nữ cực kỳ bất tài nhưng giàu có và góa chồng, tôi có nhiệm vụ chú thích cho tuyển tập của bà ta, nhan đề Những vần thơ Ngang tàng & Hoang dại, nhưng bà ta hóa ra không góa bụa như thừa nhận lúc đầu. “Nghe này, tôi chắc chắn bà là một người biết phải quấy.” Câu bình luận vận dụng phép nghịch hợp ấy không được đáp. “Vì vậy hãy nghe cho kỹ đây. Đúng ra tôi không ở đây. Tôi đăng ký vào Aurora House vì tin rằng đây là một khách sạn.”
“A, nhưng chúng tôi có hiểu mà, ông Cavendish!” Gwendolin Bendincks gật đầu.
“Không, các người không hiểu!”
“Lúc đầu ai cũng sẽ được Gia đình U buồn đến thăm, nhưng rồi ông sẽ sớm vui lên khi nhận ra người thân của ông đã hành động vì lợi ích tốt nhất cho ông.”
“Tất cả ‘người thân’ của tôi đều đã chết hoặc loạn óc hoặc ở BBC, ngoại trừ ông anh trai đểu giả của tôi!” Quý vị có thể thấy mà, phải không Độc giả thân mến? Tôi đang ở một nhà thương điên trong phim kinh dị hạng B. Càng lải nhải và phẫn nộ, tôi càng chứng tỏ mình đang ở đúng nơi cần ở.
“Đây là khách sạn tốt nhất mà ông từng ở đấy, ông bạn ơi!” Răng của lão ta có màu bánh quy. Nếu lão có là con ngựa thì bạn cũng không nhìn thấu gã được. “Nhìn đi, khách sạn năm sao chứ đùa. Ăn có người phục vụ, quần áo có người giặt. Vui chơi giải trí có sẵn, từ đan rổ đến đấu bóng vồ. Không có đống hóa đơn khó hiểu, không có bọn trẻ ranh cuỗm xe của ông chạy chơi. Aurora House là cả một trời vui! Chỉ cần tuân theo quy định và đừng chọc giận Y tá Noakes nữa. Bà ta không phải người tàn nhẫn.”
“‘Quyền lực không giới hạn trong tay những người đầy hạn chế luôn dẫn đến sự tàn nhẫn.’” Warlock-Williams nhìn tôi như thể tôi đang nói nhăng nói cuội. “Solzhenitsyn.”
“Trước đây Betws-y-coed[54] đã là nơi quá tốt đối với Marjorie và tôi rồi. Nhưng nghe này! Tôi cũng cảm thấy hệt như ông trong tuần đầu tiên ở đây. Hầu như chẳng mở miệng nói chuyện với ai, bà Bendincks nhẩy, như bị mất sổ gạo ấy nhẩy?”
“Như mất cả tạ gạo ấy chứ, ông Warlock-Williams!”
“Nhưng bây giờ thì tôi vui như trúng số rồi! Nhẩy?” Bà Bendincks mỉm cười, đó là một hình ảnh rùng rợn. “Chúng tôi đến đây để giúp ông định hướng lại. Bây giờ, tôi hiểu là ông từng làm trong ngành xuất bản. Tiếc là,” bà ta gõ vào đầu, “bà Birkin bây giờ chẳng còn khả năng ghi biên bản họp Tổ Dân cư như xưa nữa rồi. Một cơ hội tốt để ông có thể tham gia đấy!”
“Tôi vẫn đang làm xuất bản! Trông tôi có giống như kẻ đáng phải ở đây không?” Sự im lặng thật không thể chịu nổi. “Ôi, cút đi!”
“Thật thất vọng!” Bà ta liếc nhìn bãi cỏ lá rơi đầy, lấm tấm những ụn đất. “Giờ đây Aurora House là cuộc đời ông rồi, ông Cavendish ạ.” Đầu tôi bị đóng nút bấc và đồ khui nút bấc là Gwendolin Bendincks. “Đúng, ông đang ở trong Nhà dưỡng lão. Ngày đó đã đến. Ông ở đây có thể khốn khổ hoặc dễ chịu. Nhưng sự ở lại này là vĩnh viễn. Suy nghĩ đi, ông Cavendish.” Bà ta gõ cửa. Những thế lực vô hình để cho những kẻ tra tấn tôi đi ra rồi đóng sầm cửa trước mặt tôi.
Tôi nhận ra trong suốt cuộc gặp, tôi đã không đóng dây kéo quần.
Hãy nắm giữ tương lai, hỡi Cavendish thời trẻ. Mi không đăng ký làm thành viên, nhưng bộ lạc ông già bà lão sẽ túm lấy mi. Hiện tại của mi sẽ không bắt kịp với hiện tại của thế giới. Cú trượt chân này sẽ kéo giãn da của mi, làm xệ bộ xương của mi, ăn mòn tóc và trí nhớ của mi, làm cho da của mi trở nên trong mờ để cho những cơ quan nội tạng xoắn vẹo và những mạch máu màu phô mai xanh của mi trở nên nửa mờ nửa tỏ. Mi sẽ chỉ dám mạo hiểm ra ngoài vào ban ngày, tránh dịp cuối tuần và ngày nghỉ lễ ở trường. Ngôn ngữ cũng sẽ bỏ mi lại phía sau, ngăn mi hòa nhập mỗi khi mi mở miệng nói. Trên thang cuốn, trên xa lộ, trong lối đi siêu thị, người sống sẽ không ngừng vượt qua mi. Những cô gái yêu kiều sẽ không nhìn thấy mi. Những máy soi cửa hàng sẽ không nhìn thấy mi. Những người bán hàng sẽ không nhìn thấy mi, trừ phi họ bán cầu thang nâng hoặc hợp đồng bảo hiểm giả. Chỉ có con nít, lũ mèo và những kẻ nghiện ngập nhận thấy sự tồn tại của mi. Vì thế đừng phung phí thời giờ của mình. Trước khi mi kịp sợ hãi, mi đã đứng trước một tấm gương trong nhà dưỡng lão, nhìn thân thể mình, và nghĩ đến người ngoài hành tinh ET, bị nhốt trong một chiếc tủ búp phê chết tiệt cả đêm.
Một người máy phi giới tính đem bữa trưa đựng trên khay đến. Tôi không có ý định xúc phạm, nhưng tôi thật tình không biết cô ta hay anh ta là nam hay nữ. Nó có một hàng ria mép mỏng nhưng cũng có ngực dù nhỏ. Tôi đã tính đến chuyện đánh nó bất tỉnh rồi làm một cú lao ra giải thoát theo kiểu Steve McQueen, nhưng tôi chẳng có vũ khí gì ngoại trừ một bánh xà phòng và chẳng có gì để buộc nó lại trừ dây thắt lưng.
Bữa trưa là món thịt cừu nhạt nhẽo. Khoai tây giống như lựu đạn bằng bột. Cà rốt đóng hộp vị phát tởm vì bản chất của chúng là thế. “Nghe này,” tôi năn nỉ người máy, “ít ra cũng đem cho tôi mù tạt Dijon chứ.” Nó chẳng tỏ ra dấu hiệu gì là hiểu. “Loại xay còn hạt, hoặc xay vừa. Tôi không bắt bẻ đâu.” Cô ả quay lưng. “Đợi đã! Cô có nói tiếng Anh không?” Cô ả đi mất rồi.
Bữa tối thắng tôi trong cuộc thi ai nhìn lâu hơn. Chiến thuật của tôi đã sai lầm ngay từ bước đầu tiên. Tôi đã cố gắng la hét để phản đối sự phi lý này, nhưng kẻ bị tống vào viện không thể làm điều này. Những tên chủ nô sẵn lòng tiếp chiêu kẻ nổi loạn nào lên tiếng phản kháng trước những người khác. Trong tất cả những tác phẩm văn học về nhà tù mà tôi đã đọc, từ Quần đảo ngục tù đến Bắt cóc con tinđến Đấm Vỡ Mồm, quyền lợi phải được mặc cả và tích lũy bằng sự khôn ngoan. Sự phản kháng của tù binh chỉ càng chứng tỏ sự cầm tù tàn nhẫn này là đúng đắn trong tâm thức của những kẻ cầm tù mà thôi. Bây giờ là mùa lẩn tránh. Tôi nên ghi chép đầy đủ để hạ hồi dùng đến trong thỏa thuận bồi thường. Tôi nên tri ân mụ Noakes Đen. Nhưng khi tôi dùng nĩa nhựa cắm xuống những hạt đậu lạnh ngắt, một tràng pháo bỗng phát nổ trong đầu tôi và thế giới bất thình lình dừng lại.
===== =====
[47] Rastafari là một phong trào diễn ra chính ở châu Phi, xuất phát từ Jamaica vào thập niên 1930, đôi khi được mô tả như một tôn giáo, nhưng nhiều thành viên thích gọi phong trào này là một “cách sống”. Họ tôn thờ Haile Selassie Đệ nhất, nhà vua trị vì Ethiopia từ 1930 đến 1947. Thành viên phong trào này được gọi là người Rastas hoặc người Rastafari.
[48] Hans Holbein (1497 – 1543): danh họa người Đức, là một trong những họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc nhất của thế kỷ 16.
[49] Liên tưởng đến nhà thơ Philip Larkin (1922 – 1985), người đã quản lý thư viện của trường Đại học Hull trong ba mươi năm.
[50] Melting pot – nồi hòa tan: nghĩa đen là một chiếc nồi có nhiều nguyên liệu hòa tan với nhau khi nấu, nghĩa bóng là một đất nước nơi đang diễn ra sự hòa trộn về văn hóa, chủng tộc hoặc dân tộc.
[51] Gdansk: một thành phố ở Ba Lan.
[52]Amedeo Clemente Modigliani (1884 – 1920): họa sĩ và nhà điêu khắc người Ý có phần lớn thời gian làm việc ở Pháp. Ông nổi tiếng với những tác phẩm theo trường phái hiện đại, các nhân vật trong tranh thường có khuôn mặt như mặt nạ và người bị kéo dài.
[53] Grevious Bodily Harm (GBH): tội gây hại nghiêm trọng đến thân thể người khác, theo luật hình sự của Vương quốc Anh.
[54] Betws-y-coed: một ngôi làng nằm trong thung lũng Conwy ở xứ Wales.