Khách sạn Royal, Bruges.
Gần ngày cuối cùng – xi – 1931.
Sixsmith,
Thức trắng nhiều đêm cho bản Lục tấu Vân đồ đến khi kiệt sức, về nghĩa đen, không còn cách nào khác để rời ra đi ngủ. Đầu tôi là một Ngọn nến La Mã của sáng tạo. Âm nhạc của cuộc đời, tất cả kéo đến cùng một lúc. Những biên giới giữa tiếng động và âm thanh đều là quy ước, bây giờ tôi mới nhận ra. Mọi biên giới đều là quy ước, kể cả biên giới quốc gia. Con người có thể vượt qua bất kỳ quy ước nào, nếu trước tiên ta có thể nhận thức mình làm điều đó. Ví dụ như hòn đảo này, nằm giữa âm sắc và giai điệu, không có trong bất kỳ quyển sách lý thuyết nào, nhưng nó ở đây! Nghe các nhạc cụ trong đầu, rõ hoàn hảo, bất cứ thứ gì tôi muốn. Khi tác phẩm hoàn thành, trong tôi sẽ chẳng còn gì nữa, tôi biết, nhưng đồng tiền tòng quân tôi nắm trong bàn tay ướt mồ hôi của mình chính là hòn đá phù thủy! Một người như Ayrs dành ra phần đời của lão cho những điều tẻ nhạt chán ngắt trong một đời người lê thê. Tôi thì không. Không nghe gì từ V.A. hay bà vợ ngoại tình, dai nhách, nhạt nhẽo của lão. Cho rằng họ nghĩ tôi đã bỏ về nhà ở nước Anh. Tối hôm qua nằm mơ thấy tôi ngã xuống từ khách sạn Imperial Western, bám chặt ống thoát nước. Nốt nhạc violin, lạc nhịp, khủng khiếp – đó là nốt cuối cùng trong bản lục tấu của tôi.
Tôi khá ổn. Ước gì tôi có thể cho anh thấy được sự tươi sáng này. Những nhà tiên tri trở nên mù lòa nếu họ nhìn thấy Jehovah. Không phải điếc, mà là mù, anh biết điểm mấu chốt mà. Vẫn có thể nghe thấy ông ta. Tôi độc thoại suốt ngày. Lúc đầu không nhận ra, tiếng người xoa dịu tôi quá đỗi, nhưng đến lúc này thì phải nỗ lực hết sức mới dừng lại được, nên tôi cứ kệ nó tuôn ra không ngừng. Đi dạo những khi không sáng tác. Có thể viết một quyển sách Michelin hướng dẫn du lịch về Bruges được rồi, nếu tôi có đủ không gian, và thời gian. Đi qua khu nghèo hơn, chứ không chỉ những khu giàu. Sau một khung cửa sổ bẩn thỉu, một người bà đang cắm hoa St Paulia trong một cái bát. Gõ lên khung cửa để hỏi bà có chịu yêu tôi không. Bà bặm môi, không nghĩ bà biết tiếng Pháp, nhưng tôi vẫn hỏi lại. Một người có cái đầu tròn như đạn đại bác và hoàn toàn không có cằm xuất hiện ở cửa sổ, khạc ra những câu chửi rất khắm lên tôi và nhà tôi.
Eva. Ngày nào tôi cũng vừa leo lên tháp chuông vừa đọc một câu thần chú mỗi từ một nhịp, “Hôm – nay – hôm – nay – cho – nàng – ở – đây – hôm – nay.” Chưa đến, dù tôi đợi đến khi trời tối. Những ngày vàng, những ngày đồng, những ngày sắt, những ngày ướt, những ngày sương mù. Hoàng hôn kẹo gôm. Bóng đêm kéo đến, phủ tê buốt lên không khí. Eva được canh gác trong một phòng học dưới mặt đất, cắn đầu bút chì, mơ đến lúc được ở cùng tôi, tôi biết mà, tôi, nhìn xuống từ giữa những tông đồ thay lá, mơ đến lúc được ở cùng nàng. Hai kẻ sinh thành khốn nạn của nàng hẳn đã tìm thấy lời nhắn để trên bàn trang điểm. Ước gì tôi hành động khôn ngoan hơn. Ước gì tôi bắn tên giả tạo đáng chết ấy khi có cơ hội. Arys sẽ không bao giờ tìm được người thay thế cho Frobisher –Eternal Recurrencesẽ chết cùng với lão. Những người nhà van de Velde đó hẳn đã giữ lại lá thư thứ hai tôi gửi cho Eva ở Bruges. Cố tìm cách lẻn vào trường nàng nhưng bị hai con lợn khó tính đuổi ra với còi và gậy. Theo E. về từ trường, nhưng bức màn ban ngày còn hé quá ngắn ngủi, lạnh và tăm tối khi nàng rời trường, co ro trong chiếc áo choàng nâu, vây xung quanh là người nhà v.d.V., những bà bảo mẫu và bạn học. Nhìn ra từ mũ và khăn choàng cổ, chờ đợi con tim nàng cảm nhận được sự hiện diện của tôi. Không vui chút nào.
Hôm nay tôi chạm nhẹ áo choàng của Eva khi đi lướt qua nàng trong mưa phùn, trong đám đông. E. không nhận ra tôi. Khi tôi ở gần nàng một âm chủ trỗi lên to dần, từ háng, dừng lại ở lồng ngực, lên phía sau hai mắt.
Sao lại hồi hộp thế này? Có lẽ là ngày mai, phải, ngày mai, chắc chắn rồi. Không có gì phải sợ cả. Nàng đã nói với tôi rằng nàng yêu tôi. Sắp rồi, sắp rồi.
Thân ái,
R.F.