Chương 26

Chương 26

– Trời ơi, thật độc đáo quá – Clarice thốt lên. Cô đang run như tàu lá. – Không thể nào tài hoa hơn thế được.
– Cái gì? Về chuyện “Chiến Tranh Các Vì Sao” hả? – Ardelia hỏi – Nếu người ngoài hành tinh đang cố kiểm soát những ý nghĩ của Buffalo Bill từ hành tinh xa xôi của chúng, ngài Martin có thể che chở cho hắn ta sao, đó là lời bịp bợm của bà ta sao?
Clarice gật đầu xác nhận.
– Những người tâm thần phân liệt kiểu hoang tưởng có loại ảo giác đó: họ nghĩ cái thế giới này bị đám người ngoài hành tinh kiểm soát. Nếu đó là kiểu suy nghĩ của Buffalo Bill, có thể điều này sẽ làm cho hắn chui ra khỏi hang. Bà ta phi thường quá phải không? Cho là điều tệ hại nhất đi nữa, hắn cũng cho Catherine được vài ngày an toàn. Cả luôn cảnh sát. Mà có thể không. Crawford nghĩ hắn sẽ giữ họ trong một thời gian ngày càng ngắn hơn. Nhưng người ta có thể thử điều này và cả nhiều việc khác nữa.
– “Tôi sẽ thử mọi cách, nếu nó liên quan đến con gái tôi”. Tại sao bà ta cứ lặp đi lặp lại tên “Catherine” vậy? Tại sao cứ nhắc mãi tên cô ta?
– Bà ta đang cố làm cho hắn thấy Catherine là một con người. Người ta nghĩ chắc hắn phải cố làm mất tính cách con người, phải xem các nạn nhân như những đồ vật để có thể mổ xẻ họ. Những tên giết người hàng loạt, ít ra một số trong bọn chúng được tra hỏi trong trại giam, đã nói như thế. Chúng có cảm tưởng như làm điều đó đối với một con búp bê vậy.
– Thế mày có nghĩ ai là tác giả của bài phát biểu của bà thượng nghị sĩ không?
– Có thể lắm, chắc là bác sĩ Bloom. – Người ta chiếu trên màn hình cuộc phỏng vấn bác sĩ Alan Bloom của trường Đại học Chicago, về những tên giết người hàng loạt vài tuần trước đây.
Ông từ chối so sánh Buffalo Bill với Francis Dolarhyde hoặc với Garrett Hobbs, hoặc với đám tội phạm khác cùng loại. Ông ta không dùng từ “Buffalo Bill”. Nói chung, ông ta không nói thêm gì mới, nhưng ông là một chuyên gia giỏi nhất về vấn đề đó, và đài truyền hình muốn cho thấy khuôn mặt ông ta.
Bài phóng sự kết thúc bằng vài câu sau cùng:
– Chúng ta không thể hăm he hắn với một cái gì đó tồi tệ hơn những gì hắn phải đương đầu hàng ngày. Nhưng những gì chúng ta có thể làm được, đó là kêu gọi hắn đến với chúng ta. Bằng tất cả lòng thành thật, chúng ta có thể hứa với hắn một phương pháp chữa trị thoải mái và một sự yên lòng hoàn toàn.
– Ai trong chúng ta mà không cần đến yên lòng chứ? – Ardelia bảo – Tao là người trước tiên. Một chút thiếu hụt êm dịu của sự sáng suốt của tao và vài việc tầm phào hời hợt, tao thích thế lắm. Ông ta không có nói gì với họ hết, nhưng chắc ông ta cũng không làm cho Buffalo Bill phải bực mình.
– Tao không thể không nghĩ đến con bé ở Virginie được; trong một lúc, cứ cho là trong ba mươi phút đi, và rồi sau đó cổ tao lại bị nghẹn. Màu sơn móng tay của cô ta, hãy giúp tao đừng nghiền ngẫm việc đó nữa.
Trong bữa ăn tối, Ardelia, nổi hứng vô tận bất ngờ của mình, đã làm cho Clarice quên đi nỗi sầu muộn của cô bằng cách làm mê hoặc những lỗ tai tò mò với sự so sánh các vần chéo của Stevie Wonder và Emilie Dickinson.
Khi về phòng mình. Clarice thấy một tin nhắn trong thùng thư: Hãy gọi điện cho Albert Roden và một số điện thoại.
– Đây là bằng chứng lý thuyết của tao đúng – cô nói với Ardelia trong khi họ lên giường ngủ với một quyển sách.
– Lý thuyết gì?
– Mày làm quen với hai anh chàng, và không phải anh chàng tốt gọi điện cho mày.
– Tao biết điều đó.
Điện thoại reo. ..
Mapp hất cây bút chì để ngay trước mũi cô ta.
– Nếu là Hot Bobby Lowrance, nói tao đang ở tại thư viện và tao sẽ gọi lại vào sáng mai.
Là Crawford gọi từ trên máy bay.
– Starling, hãy lấy những gì cần thiết cho hai đêm và đến gặp tôi ngay lập tức. À không cần đến túi dụng cụ đâu, chỉ cần quần áo thôi.
– Tôi sẽ gặp ông ở đâu?
– Tại Viện Smithsonian. – Và ông ta tiếp tục nói chuyên với một ai khác trước khi gác máy.
– Là Jack Crawford – Clarice nói khi đặt túi đi du lịch lên giường.
Mapp đưa đầu lên khỏi quyển Luật tố tụng tội phạm Liên Bang. Cô nhìn Clarice soạn túi xách, một trong hai con mắt to của cô nhắm lại.
– Tao không muốn xía vào chuyện của người khác – cô nói.
– Tao không nghi ngờ gì về điều đó – Clarice biết chuyện gì đang chờ mình.
Ardelia đã bảo đảm việc xuất bản tờ Tạp Chí Luật tại trường đại học Maryland bằng cách làm ban đêm. Cô ta đứng nhì trong lớp và ngốn gần hết các sách giáo khoa.
– Theo lý thuyết, mày có một kỳ thi về Luật Hình sự vào ngày mai và một kỳ kiểm tra thể dục trong hai ngày sắp tới. Ông Crawford phải biết mày có nguy cơ ở lại lớp. Nếu ông ta nói rằng – Làm công việc tốt đấy, sinh viên Starling – thì mày không được trả lời – Thật là vinh hạnh cho tôi – Mày phải nhìn thẳng vào bộ mặt tượng đá Phục Sinh của ông ta mà nói – Tôi mong rằng, chính ông phải làm sao cho tôi không phải bị đào tạo lại vì vắng mặt vài tiết học. Mày có nghe tao nói không?
– Tao có thể dự kỳ thi mà – Clarice đáp lại trong khi mở cây kẹp tóc bằng răng.
– Tốt thôi, nhưng nếu mày thi trượt là vì mày không có thời giờ học, thế mày có nghĩ họ sẽ không cho mày theo một khóa đào tạo lại hay sao? Mày xem thường tao quá phải không? Con ngốc kia, bọn chúng sẽ quăng mày vào trong phân như một con gà chết vậy! Sự biết ơn có mạng sống ngắn lắm, Clarice ơi!
Trên đường xa lộ bốn làn xe, Clarice lái chiếc Pinto cũ kỹ của mình với tốc độ mà các bánh dẫn không còn bám trên mặt đường. Mùi dầu nóng và ẩm mốc, tiếng lẻng kẻng của sắt vụn, tiếng cọt kẹt của thanh truyền động, làm cô nhớ lại những kỷ niệm xưa về chiếc pick-up của cha cô: cô chen vào sát người ông trong khi các anh chị mặc sức hò hét.
Ngay lúc này đây, khi cô đang lái xe trong đêm tối và các đường vạch trắng lướt nhanh dưới xe cô. Cô có dư thời giờ để suy nghĩ. Các nỗi sợ đang bao lấy cổ của cô, còn các kỷ niệm mới hơn thì chen vào cạnh cô được.
Clarice lo sợ người ta đã phát giác ra xác của Catherine Baker Martin. Khi khám phá ra lý lịch của cô ta, có thể Bill đã hốt hoảng. Có thể hắn đã giết chết cô và nhét một con côn trùng trong cuống họng cô ta.
Có thể Crawford đem con côn trùng đó về cho người ta nhận dạng. Nếu không, tại sao lại hẹn tại Viện Smithsonian? Nhưng bất cứ người nào cũng có thể mang con vật đó đến viện bảo tàng mà, một nhân viên đưa thư của FBI chẳng hạn. Và ông ta lại còn bảo chuẩn bị đồ ngủ cho hai đêm.
Cô hiểu việc Crawford không thể nói rõ trên một đường dây không an toàn, nhưng nó vẫn làm cho cô bực mình.
Cô bắt một làn sóng điện dành cho tin tức và gặp ngay lúc thông báo thời tiết. Không có thông tin mới. Chỉ là sự lặp lại nhàm chán của của chương trình truyền hình lúc bảy giờ tối. Con gái của thượng nghị sị Martin đã mất tích. Người ta tìm được cái áo cánh của cô bị cắt đôi phía sau lưng, theo kiểu của Buffalo Bill. Không có nhân chứng. Nạn nhân tại Virginie vẫn chưa được nhận diện.
Bang Virginie. Trong những kỷ niệm của cô về nhà tang lễ ở Potter. Có một điều đáng nhớ nhất. Một cái gì đó bền vững sáng chói giữa các lời tiết lộ mà cô có thể giữ chặt nó như một lá bùa hộ mệnh. Tại nơi bồn rửa kia, cô đã có được sức mạnh khi nhớ về kỷ niệm của mẹ cô. Clarice đã lớn lên giữa những người anh và có được kinh nghiệm nhờ các đặc ân đến từ người cha quá cố; cô rất ngạc nhiên, xúc động vì cái kho tàng mà chính cô phải tự khám phá ra.
Cô đậu chiếc Pinto ở sau tòa nhà J. Edgar Hoover. Hai toán nhân viên truyền hình đang cắm chốt trên lề; trước ánh sáng của các đèn chiếu, đám phóng viên có vẻ quá chỉnh tề. Họ thực hiện các phóng sự của họ trước hình nền của Bộ chỉ huy FBI. Clarice tránh vùng sáng đó và đi bộ trong khoảng cách vài trăm mét ngăn cách Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian.
Vài cửa sổ còn bật đèn sáng trên cái tòa nhà cũ kỹ đó. Một xe tải con của cảnh sát quận Baltimore đang đậu trên lối đi hình vòng cung. Sau cô, Jeff, người tài xế của Crawford đang chờ trên một chiếc xe tải con dùng trong việc theo dõi. Khi anh ta thấy Clarice đến, anh ta nói cái gì đó trên bộ đàm.

Sự Im Lặng Của Bầy Cừu

Sự Im Lặng Của Bầy Cừu

Status: Completed Author:

Những cuộc phỏng vấn ở xà lim với kẻ ăn thịt người ham thích trò đùa trí tuệ, những tiết lộ nửa chừng hắn chỉ dành cho kẻ nào thông minh, những cái nhìn xuyên thấu thân phận và suy tư của cô mà đôi khi cô muốn lảng tránh... Clarice Starling đã dấn thân vào cuộc điều tra án giết người lột da hàng loạt như thế, để rồi trong tiếng bức bối của chiếc đồng hồ đếm ngược về cái chết, cô phải vật lộn để chấm dứt tiếng kêu bao lâu nay vẫn đeo đẳng giấc mơ mình: tiếng kêu của bầy cừu sắp bị đem đi giết thịt.

Sự im lặng của bầy cừu hội tụ đầy đủ những yếu tố làm nên một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị xuất sắc nhất: không một dấu vết lúng túng trong những chi tiết thuộc lĩnh vực chuyên môn, với các tình tiết giật gân, cái chết luôn lơ lửng, với cuộc so găng của những bộ óc lớn mà không có chỗ cho kẻ ngu ngốc để cuộc chơi trí tuệ trở nên dễ dàng. Bồi đắp vào cốt truyện lôi cuốn đó là cơ hội được trải nghiệm trong trí não của cả kẻ gây tội lẫn kẻ thi hành công lý, khi mỗi bên phải vật vã trong ngục tù của đau đớn để tìm kiếm, khẩn thiết và liên tục, một sự lắng dịu cho tâm hồn.

***

Thomas Harris (11/4/1940): là nhà viết kịch bản và nhà văn Mỹ, ông được biết đến với series về nhân vật Hannibal Lecter. Các tác phẩm của ông đều được dựng thành phim trong đó có Sự Im Lặng Của Bầy Cừu ( The Silence Of The Lambs ) đã đoạt 5 giải Oscar quan trọng nhất.

Các tác phẩm trong series Hannibal Lecter:
Rồng Đỏ (1981)
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu (1988)
Hannibal (1999)
Hannibal Trả Thù (2006)

***

Nhận định:

“... xây dựng tình tiết đẹp với lối viết thông tuệ. Không tác phẩm kinh dị nào vượt được cuốn này.” - Clive Barker

“Một cuốn sách giáo khoa đúng nghĩa về nghệ thuật viết truyện kinh dị, một kiệt tác chứa xung lực đưa nó lao vụt lên đỉnh cao không một khiếm khuyết... Harris đơn giản chính là tiểu thuyết gia kinh dị xuất sắc nhất thời nay.” - The Washington Post

“Tiết điệu dồn dập... đánh thức sự tò mò... lôi cuốn.” - Chicago Tribune

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset