Chương 69

Chương 69

GIỮA KINH CHIỀU VÀ KINH TỐI

Tác giả: Umberto Eco

Kể tóm tắt những giờ dài hoang mang

Tôi thật khó tường thuật lại những gì đã xảy ra trong những giờ tiếp theo, giữa Kinh Chiều và Kinh tối.

Thầy William vắng mặt. Tôi lang thang quanh dãy chuồng ngựa, nhưng chẳng thấy có gì bất thường. Các người giữ ngựa dẫn thú về chuồng, trời gió làm chúng bồn chồn. Ngoài ra, tất cả đều tĩnh lặng.

Tôi bước vào nhà thờ. Mọi người đều đã vào chỗ, nhưng Tu viện trưởng để ý thấy Jorge vắng mặt. Cha khoát tay ra hiệu hoãn buổi lễ. Cha gọi Benno, phái Huynh đi tìm già Jorge, nhưng Benno không có mặt. Có người lên tiếng bảo: có lẽ Benno đang dọn dẹp phòng thư tịch để đóng cửa buổi tối. Tu viện trưởng giận dữ bảo Cha đã quyết định: Benno sẽ không đóng cửa nào cả, vì Huynh ấy không biết cách. Aymaro đứng dậy nói: – Nếu Đức Cha đồng ý, con sẽ đi gọi Huynh ấy…

– Không ai yêu cầu Huynh làm điều gì cả. – Tu viện trưởng cộc lốc gắt lên, Aymaro ngồi xuống chỗ của mình, không quên ném cho Pacificus một cái nhìn khó hiểu. Tu viện trưởng cho gọi Nicholas, lúc ấy không có mặt. Có người nhắc Cha rằng, Nicholas đang sửa soạn bữa tối, Cha lộ cử chỉ giận lắm, tựa như không thích để mọi người thấy Cha đang bồn chồn lo lắng. Cha hét:

– Ta muốn Jorge có mặt ở đây. Tìm Huynh ấy! Con đi ngay! – Cha ra lệnh cho thầy của các tu sinh.

Một người khác báo cáo Cha rằng Alinardo cũng vắng mặt. Cha bảo: – Cha biết, Huynh ấy không được khỏe.

Tôi ngồi gần Peter và nghe Huynh ấy nói với Gunzo xứ Nola ngồi bên cạnh, bằng một thứ thổ ngữ miền Trung Ý mà tôi hiểu được phần nào:

– Tôi cũng nghĩ vậy. Hôm nay, sau cuộc hội đàm, tu sĩ già đáng thương quẫn trí cả lên. Cha Bề trên cư xử như con điếm ở Avignon!

Các tu sinh đều hoang mang. Tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của họ cảm thấy một điều căng thẳng bao trùm khu hát kinh, như tôi đang cảm thấy vậy. Tiếp sau đó là im lặng và bối rối kéo dài. Tu viện trưởng ra lệnh đọc vài bài vịnh, và Cha chọn ba bài mà giáo luật không qui định cho đọc trong Kinh Chiều. Mọi người nhìn nhau, rồi bắt đầu cầu nguyện bằng giọng trầm trầm. Thầy của các tu sinh trở lại, theo sau là Benno. Huynh về chỗ, đầu cúi gầm, Jorge không có trong phòng thư tịch, cũng không ở phòng mình. Tu viện trưởng ra lệnh bắt đầu buổi lễ.

Khi tan lễ, trước khi mọi người đi dùng buổi tối, tôi chạy đến gọi thầy William. Thầy ăn mặc chỉnh tề, đang nằm dài bất động trên giường. Thầy bảo không ngờ đã tối như vậy. Tôi kể tóm tắt những gì đã xảy ra. Thầy lắc đầu.

Ở cửa nhà ăn, chúng tôi trông thấy Nicholas, người mấy giờ trước đây đã cùng đi với Jorge. Thầy William hỏi Huynh, già Jorge ban nãy có vào gặp Tu viện trưởng ngay không. Nicholas bảo Jorge phải đợi một lúc lâu ở ngoài cửa, vì Alinardo và Aymaro đang ở trong phòng. Sau khi Jorge được mời vào, già ở bên trong một lúc, trong khi Nicholas đợi bên ngoài. Rồi Jorge đi ra và bảo Nicholas đi theo đến nhà thờ, lúc ấy đã vắng ngắt, khoảng một giờ trước Kinh Chiều.

Tu viện trưởng thấy chúng tôi nói chuyện với quản hầm bèn khiển trách: – Sư huynh William, con vẫn còn điều tra à? – Cha bảo thầy William đến bàn cùng ăn như thường lệ. Đối với dòng Benedict, sự hiếu khách là điều thiêng liêng.

Bữa tối yên lặng hơn mọi ngày, và rất buồn. Tu viện trưởng ăn uống thờ ơ, đầu óc ám ảnh bởi những suy nghĩ nặng nề. Đến cuối bữa, Cha hối các tu sĩ đi dự Kinh Tối.

Alinardo và Jorge vẫn vắng mặt. Các tu sĩ chỉ vào chỗ trống của tu sĩ mù và xì xào với nhau. Khi tan lễ, Tu viện trưởng yêu cầu mọi người đọc một bài kinh đặc biệt vì sức khỏe của Jorge xứ Burgos. Không rõ Cha muốn nói sức khỏe thể chất hay sức khỏe vĩnh cửu. Mọi người đều hiểu một tai họa mới sắp đổ xuống đầu cộng đồng. Đoạn Tu viện trưởng lệnh cho mỗi tu sĩ phải về nhanh phòng mình sớm hơn lệ thường. Cha ra lệnh, không một ai, Cha nhấn mạnh những từ “không một ai”, được đi lại bên ngoài khu nhà nghỉ. Các tu sinh hoảng sợ là những người đầu tiên rời gót, họ sụp mũ xuống mặt, đầu cúi thấp, không dám nói chuyện trao đổi, huých hó, cười đùa, hay giỡn ngầm với nhau như thường bữa.

Khi các tu sĩ nối nhau đi ra, tôi nhẹ nhàng nhập vào hàng, đằng sau nhóm mà bây giờ tôi đặc tả là “nhóm tu sĩ Ý”. Pacificus thầm thì với Aymaro: – Huynh có tin thực là Cha Bề trên không biết Jorge ở đâu không? – Aymaro đáp: – Cha có thể biết, và hiểu rằng từ nơi lão Jorge đang có mặt hiện nay, lão sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa. Có lẽ lão già đòi hỏi quá nhiều, và Cha Bề trên không cần lão nữa…

Khi thầy trò tôi giả vờ đi về khu hành hương, chúng tôi thoáng thấy Tu viện trưởng quay lại Đại Dinh, qua cánh cửa nhà ăn, lúc ấy còn đang mở ngỏ. Thầy William bảo nên đợi một lát, khi toàn khu vực đã vắng bóng người, thầy bảo tôi bám theo Cha. Chúng tôi vội băng qua khoảng trống và đi vào giáo đường.

Tên Của Đóa Hồng

Tên Của Đóa Hồng

Status: Completed Author:

Tên của đóa hồng kể về tu sĩ William, người đã làm sáng tỏ một loạt những vụ án mạng xảy ra tại tu viện, bên trong những bức tường kiên cố vốn có một vẻ ngoài bình lặng nhưng thật ra lại đang chao đảo từ tận sâu bên trong bởi những bí mật tăm tối nhất.

Truyện lấy bối cảnh nước Ý trong thời kỳ đụng độ giữa Giáo hoàng và triều đình, giữa Giáo hội và các tập đoàn dị giáo. Cả nước đều chịu ảnh hưởng của những cuộc đụng độ kéo dài này, và ngay cả chốn tâm linh như tu viện cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng.

Với tài kể chuyện siêu việt, Umberto Eco sẽ mang đến cho bạn một cuộc phiêu lưu sống động nhảy múa trên từng trang sách, một câu chuyện về những tội ác khủng khiếp và ám ảnh diễn ra trong bóng tối nhà thờ với những toan tính, những mưu đồ quỷ dữ của một thế giới mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, giữa công lý và lạm quyền, giữa sự thật và những dối lừa man rợ.

Được mệnh danh là một triết gia mỹ học hàn lâm, đồng thời là một nhà bác học, một nhà lý luận lừng danh thế giới, có lẽ chính vì thế mà tác phẩm của Umberto Eco còn hơn cả một cuốn sách thông thường.

Có thể nói, Tên của đóa hồng chứa đựng một lượng lớn thông tin và kiến thức về rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ những kiến thức liên quan đến văn hóa, triết học, nghệ thuật và tôn giáo được khắc họa lại dưới một hệ thống ẩn dụ tuyệt vời của các biểu tượng và ký hiệu: từ nhan đề truyện đến các vụ án, những bản Thánh ca, những biểu tượng huyền bí trong nhà thờ…

Tuy nhiên, không vì thế mà tác phẩm của Umberto Eco mang nặng tính hàn lâm và rời xa tầng lớp người đọc bình dân thông thường. Là một trong hai nhà tiểu thuyết kiêm nhà lý luận lớn nhất châu Âu hiện nay, nếu như Milan Kundera là người đưa thuyết đối âm vào thể loại tiểu thuyết – âm nhạc, thì Umberto Eco đã đưa lý thuyết ký hiệu học - biểu tượng vào thể loại tiểu thuyết trinh thám lịch sử.

Mặc dù thế, với cách viết điềm tĩnh và giản dị, tác phẩm của Umberto dù chứa đựng một cốt truyện hoàn hảo của những nút thắt “siêu logic” và trí tuệ, nhưng vẫn hấp dẫn hàng triệu người đọc bình dân vì cách diễn đạt gần gũi thần kỳ của ông.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset