Cái thú khi sông có âu thuyền – Trước ống kính của tay phó nháy – Cú ngã cứu ngu y- Tôi và Jord chụp ảnh – Đảo và sông ruột lợn.
Mới bảnh mắt chúng tôi đã rời Xờ-trit-li, chèo cho đến Ka-lem, đưa thuyền vào khu nước nông, căng bạt che rồi bỏ mặc sự đời bên ngoài mi mắt đã khép chặt.
Dòng sông đoạn giữa Xờ-trit-li và Uôn-ling-pho-đơ không có gì đặc biệt, có một đoạn dài đến hơn sáu hải lí là lạch sâu không có một chiếc âu thuyền nào, câu lạc bộ chèo thuyền Oc-xơ-pho-đơ thường tổ chức những cuộc đua truyền thống theo kiểu thắt hình số tám ở đoạn sông này. Tuy nhiên nó chỉ được những tay đua thuyền ưng ý còn khách đi du ngoạn thường hay tỏ ra rầu rĩ khi không gặp chíêc âu thuyền nào.
Như tôi chẳng hạn, rất khoái âu thuyền. Nó làm cho cuộc dạo chơi trên sông không bị đơn điệu. Tôi thích thú ngồi trên con thuyền trong lúc nó đang ở dưới vùng nước thấp lạnh lẽo, được từ từ nâng lên cao tới một chân trời mới với những phong cảnh mới, hoặc ngược lại từ từ tụt sâu xuống rồi được giải phóng khỏi âu để đón gặp dòng sông quanh co diễm lệ với những hàng cây liễu xanh, đang vẫy những cánh tay mềm mại đón chào du khách.
Nhìn chúng thật là khoái – những chiếc âu thuyền trên sông Thêm! Quả là thú vị khi trao đổi dăm ba câu với ông bạn luống tuổi to béo – khách tham quan âu thuyền cùng với bà vợ tính tình vui vẻ và đứa bé gái mắt sáng như sao. Ở đây luôn luôn có thể gặp các con thuyền khác để trao đổi những câu chuyện ngồi lê mách lẻo khi người ta thích, thiếu những chiếc âu thuyền sặc sỡ này chắc hẳn sông Thêm mất đứt đi vẻ đẹp lạ lùng của nó.
Chuyện trò về những chiếc âu thuyền làm tôi nhớ lại một thảm hoạ tí nữa đã xảy ra với tôi và Jord vào một buổi sáng mùa hè tuyệt vời ở Hem-ton-Kooc-tơ. Ngày hôm đó thật là hết ý, thuyền bè lèn chặt trong âu và như thường thấy ở sông Thêm, một tay phó nháy nào đó sẽ bám theo các vị để chụp hình vào thời điểm âu thuyền bắt đầu đông đúc.
Thoạt kì thuỷ tôi chả biết gì hết nên gần như đã há mồm ngạc nhiên khi thấy chàng Jord hăm hở vuốt xuôi vuốt ngược chiếc quần hắn ta đang mặc, ra sức đàn áp chỏm tóc bất trị cứ ngóc lên trời như cụm măng tre sau cơn mưa, rồi hất chiếc mũ vải ra sau gáy. Sau đó hắn còn cố tạo vẻ hài hoà cho bộ mặt thộn trông rất ngố, sang sửa thế ngồi và định giấu cặp giò dài ngoằng đi đâu đó.
Đầu tiên tôi nghĩ anh chàng nhìn thấy cô bạn gái nào đó nên cứ ngoáy cần cổ để xem đâu là Nàng. Chợt tôi thấy mọi người xung quanh tự dưng hoá đá, bàn dân thiên hạ đứng hoặc ngồi trong những tư thế rất thiếu tự nhiên, như ta thấy được trong những hình vẽ trang trí trên những chiếc quạt giấy của người Nhật Bổn. Các bà các cô đều mang bộ mặt cười, trông họ thật khoái con mắt! Còn bộ mặt các chàng thì thuôn thuỗn ra vẻ nghiêm nghị nhưng rất tạo dáng. Đến lúc đó tôi mới hiểu ra tình thế và đâm ra hốt hoảng vì không còn thời gian để mà chuẩn bị. Con thuyền của chúng tôi đang tiến lên mà tôi thấy sẽ rất bất nhã nếu như làm hỏng pô ảnh cuả người ta.
Tôi quay phắt lại phía máy ảnh và chuyển sang tư thế đang chèo mũi, tựa rất nghệ lên chiếc câu liêm, cố tạo dáng để toàn thân như toát ra sức mạnh thể thao và khéo léo. Tôi vuốt tóc, quăng một dẻ ra trước trán, mặt giữ vẻ trầm tư trơ tráo (bọn chúng vẫn thường bảo tư thế này rất hợp với tôi.!)
Trong khi cả bọn đang nghệt mặt như ngỗng ị để chờ đợi phút giây hành động của tay phó nháy thì từ đằng sau có ai đó la lên:
– Ê, các vị, hãy nhìn vào mũi mình ấy!
Tôi không muốn quay lại để xem thằng cha nào nói chuyện gì, chỉ khẽ liếc nhìn sang mũi tay Jord. Mũi vẫn là mũi, chả thấy có gì đáng phải sang sửa ở hắn cả, thế là tôi cố vẹo mắt để liếc vào mũi của mình nhưng xem chừng cũng không có sự cố gì.
– Nhìn vào mũi mình đi kìa, bọn lừa ạ! – Giọng nói đó lại vang lên nhưng to hơn nhiều.
Sau đó có người khác kêu tiếp theo:
– Chỉnh mũi ngay đi. Ê, hai anh chàng với con chó kia!
Cả tôi với Jord đều không muốn quay đầu lại vì tay phó nháy đã mở nắp kính và chuẩn bị giật giây để thu hình. Tại sao họ lại rống cò ke lên thế? Chỉnh đi đâu và để làm gì?
Nhưng ngay đó hầu như cả âu thuyền đều gào lên, một cái cổ bò tót rống lên át tất cả:
– Nhìn ngay vào mũi thuyền đi, các vị kia! Vị đội chiếc mũ vải đen-đỏ kia kìa! Ngọ ngoạy đi không thì ảnh sẽ chụp được thây của các ngài thôi đấy!
Tôi quay phắt lại và thấy rằng mũi thuyền mình đang hướng vào giữa hai cây xà dầm bê tông của âu thuyền, nước đang đẩy con thuyền chui vào đó khá nhanh, chỉ vài giây nữa là chúng tôi sẽ bị gạt lăn xuống nước. Nhanh như chớp chảo tôi chộp lấy mái chèo dùng hết sức thục mạnh vào tường âu. Con thuyền thoát được ra ngoài nhưng cả tôi và Jord cùng lộn tùng phèo.
Chúng tôi đã không tô điểm được cho bức hình khổ rộng – cả tôi lẫn tên Jord – vì lẽ đúng vào thời điểm đó thì tay phó nháy hậu đậu bấm hình – lúc mà hai thánh nhân nằm chỏng gọng tênh hênh ở đáy thuyền, chân tay ngó ngáy loạn xị và mặt mũi thì chắc là rất ấn tượng.
Hoá ra tám cẳng bốn tay của bọn tôi che gần hết khuôn hình, đặc biệt là chiếc du thuyền mà người chủ đặt hàng chính sẽ rửa nhiều ảnh nhất chỉ còn lờ mờ vài đường nét, vậy nên chẳng có thuyền nào chịu trả tiền mua ảnh. Tay phó nháy yêu cầu chúng tôi phải nhận một nửa số ảnh để bù lỗ cho hắn, nhưng cả tôi và Jord đều không chấp nhận thương vụ với lí do là xưa nay chưa có ai chụp ảnh ở tư thế như vậy cả!
Vực sâu cạnh đập chắn nước Xen-pho-đơ, ngay sau âu thuyền là một vị trí cực lì lý tưởng cho bất kì ai đang muốn tìm một chỗ để giã từ cuộc sống trên bờ. Vực này có một dòng nước ngầm mạnh kinh khủng, bạn chỉ cần rớt xuống là lập tức dính đến chuyện gậy tre mũ rơm ngay. Người ta dựng ở đấy cột bia đánh dấu vị trí hai tay bơi bất hạnh đã một đi không trở lại, để làm nguội bầu máu nóng của các tay bơi liều lĩnh.
Tôi chưa thấy ở đâu có khu luồng lạch rắc rối khó khăn như phần sông dài cỡ một dặm ở giữa I-pho-li và Oc-xơ-pho-đơ. Để có thể định hướng bơi thuyền một cách không nhầm nhọt sang trồng trọt ở khu vực này, bạn phải là thổ dân với núm rốn được bà mụ chôn quanh quẩn đâu đây! Tôi đã vượt qua đoạn sông này vô khối lần nhưng không sao nhớ được.
Đầu tiên dòng chảy đưa thuyền bạn tấp sang bờ phải, sau đó quẹo sang bờ trái, rồi đẩy cho trôi ở giữa sông, bắt con thuyền cuộn mấy vòng rộng gần như khép kín quanh những gò đảo để cuối cùng cố sức mời bạn tông vào mạn một chiếc xà lan nào đó cho con thuyền thành hình chiếc bánh xèo.
Đó là nguyên nhân của việc trong dặm sông này, thỉnh thoảng thuyền chúng tôi cắt chéo qua mũi thuyền người ta và ngược lại thuyền của họ quật lái vào thuyền của bọn này. Kết quả dễ đoán là những câu chửi thề và văng nọ văng kia được thiên hạ đem ra sử dụng khá thoải mái.
Tôi nhận thấy ở trên sông đôi khi người ta dễ sinh cáu bẳn hơn là ở trên bờ. Đi qua đoạn sông này việc cỏn con cũng dễ làm bạn nổi điên, chẳng hạn khi hai tên Jord và Hari có bày những trò ngố ở trên bờ, tôi chỉ mỉm cười rất đỗi khoan dung. Nhưng khi bọn chúng ba hoa những điều ngu ngốc ở đây, tôi phải cố kìm hết mức để không nhấc bơi chèo, vạng cho bọn chúng què giò.