Béo, mít ướt, thợ cày, phản bạn, ẽo ợt, đó là những hình ảnh của tôi trong mắt các bạn. Chắc hẳn các bạn nghĩ về tôi như một đứa bé không chịu lớn, một thần đồng bất diệt chỉ muốn khoe sổ liên lạc chói sáng cho bố mẹ hết năm này qua năm khác. Các bạn có quyền phán xét tôi thoải mái, phán xét thói ca cẩm vì điểm số của tôi, việc tôi bỏ nhóm, việc tôi ngần ngại không muốn cắt đứt sợi dây rốn chăng ngang cả Dhli, nối suốt từ Rohini Colony tới khuôn viên IIT, gắn kết tôi với mẹ tôi.
Nhưng xin các bạn cho tôi cơ hội được nói vài lời theo cách của tôi, vâng, vì tôi là Alok Gupta, và Hoàng thượng Hari đã đồng ý để dành một khoảng tí hon này cho tôi được bày tỏ nỗi lòng. Nhưng trước khi bày tỏ, tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện.
Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé sống trong một gia đình dưới mức trung lưu ở ngoại ô Delhi. Ta hãy gọi cậu bé này là Kém Tắm – để cho dễ theo dõi – người có cả bố mẹ làm giáo viên, bố dạy vẽ còn mẹ dạy sinh vật. Kém Tắm lớn lên trong một ngôi nhà giản dị tràn ngập sách vở và vải vẽ, và được học vẽ trước khi học buộc dây giày. Kém Tắm học khá được (nhờ có hai bậc giáo viên kèm cặp tại gia), nhưng niềm đam mê lớn nhất của cậu lại là hội họa. Kém Tắm tham gia tất cả những cuộc thi vẽ ở lứa tuổi của mình, và hầu như lần nào cũng giật giải. Các giải thưởng liên tục được gặt hái – và sau khi đã dùng hàng tá bộ bút và màu vẽ, các bộ thư pháp và phiếu giảm giá đồ vẽ, có thể thấy rõ Kém Tắm có năng khiếu hội họa trên trung bình. Cậu bé muốn trở thành họa sĩ, và tất nhiên, đây là một giấc mơ ngốc nghếch. Bởi ở Ấn Độ, chỉ có đủ cơ hội sống sót cho một hai họa sĩ đã ngấp nghé ngưỡng chín chục tuổi đời (hoặc hơn thế, đã yên nghỉ vĩnh hằng). Nhưng Kém Tắm chẳng quan tâm, cậu đinh ninh mình sẽ đạt được mục tiêu và sẽ không gì có thể cản trở được cậu.
Nhưng đúng những lúc như thế thì y như rằng cuộc sống sẽ giở trò với bạn. Đúng cái lúc bạn cảm thấy mình đã vạch hết đường đi nước bước được cho mình. Bố của Kém Tắm kiếm được một việc làm xịn chuyên sơn tranh tường, công việc đầu tiên được trả lương thỏa đáng. Công việc yêu cầu ông phải sơn trần hàng lang của một tòa nhà giáo dục. Tranh tường bao giờ cũng khó sơn, và sơn trần là một việc cực kỳ gian khó. Người ta xây những giàn giáo bằng tre để người nghệ sĩ nằm ngửa lên mà làm việc, hy vọng sẽ kiến tạo được một tuyệt phẩm để đời sẽ khiến cả thế giới phải ngửa cổ lên mà chăm chú ngắm nhìn.
Nhưng lần duy nhất người ta ngửa cổ lên nhìn bố Kém Tắm là khi ông sắp ngã xuống từ giàn giáo, mười mét cách sàn, và ai nấy đều nháo nhào chạy để khỏi bị ông ngã vào người.
Liệt nửa người bên phải, bác sĩ phán. Một nửa người bố Kém Tắm coi như mất, nhưng quan trọng hơn, toàn bộ lương bổng của ông cũng đi tong bởi bàn tay phải để hành nghề vẽ đã liệt, và thế là giấc mơ của Kém Tắm cũng đi tong luôn.
Bố Kém Tắm ra viện, nằm trên giường nhà suốt mười năm ròng. Bên mắt còn tốt thỉnh thoảng lại ứa lệ, và niềm tủi hận không bao giờ được vẽ nữa đã mang tới hết cơn nhiễm trùng này tới cơn nhiễm trùng khác.
Chẳng bao lâu sau, những lọ sơn vẽ trong nhà được thay thế bằng những lọ thuốc. Vì chẳng có tiền thuê hộ lý tư, nên Kém Tắm được giao nhiệm vụ đó khi mới học lớp bảy. Từ đó trở đi, cứ tan học là ngày nào cậu cũng về ngồi bên giường bố.
Cậu tiếp tục vẽ trong một quãng thời gian nữa, nhưng sau đó cậu nhận ra ngay rằng gia đình mình cần tiền hơn là cần tranh phong cảnh. IIT, trường đại học danh tiếng nhất nước có thể giống như đảm bảo được một tương lai tươi sáng, đã lọt vào mắt xanh cậu bé. Vâng, trở thành kỹ sư là cách duy nhất để kéo gia đình ra khỏi đói nghèo.
Mẹ Kém Tắm vẫn thường khóc mỗi đêm. Nhưng bà không thể bỏ cuộc. Bà phải tiếp tục đi dạy về hệ thống tiêu hóa, nội tiết và sinh sản năm này qua năm khác để trang trải cho gia đình.
“Sẽ có một ngày gia đình mình thoát nghèo,” Kém Tắm tự thề với bản thân mình khi cậu giúp bố trở mình giữa đêm khuya khi thức ôn bài về ròng rọc, từ trường và vi tích phân để luyện thi vào IIT. Trong hai năm liền, Kém Tắm không bước ra khỏi nhà trừ phi để tới lớp, nên cậu tăng mười lăm cân và có thói quen lẩm nhẩm tính toán mỗi khi lau vết thương cho bố.
Và rồi một ngày nọ cậu đã làm nên chuyện. Cậu đã đỗ IIT. Khỏi phải nói mẹ cậu và một-nửa-bố cậu đã vui sướng thế nào. Vâng, chỉ thêm bốn năm rèn luyện nữa thôi là cậu có thể giải phóng cả nhà. Đó là khi cậu gặp Ryan và Hari. Và rồi, để duy trì tình bạn với họ, cậu đã đánh rớt điểm số của mình xuống hàng thấp nhất khóa.
Ryan, chàng trai luôn sống trong hiện tại, có ai là không muốn được như cậu ấy? Nhà giàu, bảnh trai, đủ thông minh để đỗ IIT, đủ cường tráng để chơi thể thao tốt, và đủ vui tính để luôn thu hút bạn bè. Ryan là một căn bệnh truyền nhiễm, và Hari là một nạn nhân điển hình của căn bệnh ấy. Nếu Ryan muốn thứ gì, Hari sẽ đưa cho cậu ấy thứ đó. Thế nên, nếu Ryan không muốn học, Hari sẽ gập sách lại. Nếu Ryan nghĩ GPA chẳng quan trọng, Hari sẽ không bận tâm tới điểm số nữa. Ryan là người thổi sáo thành Hamelin…
Tôi còn nhớ có lần tới nhà tôi, cậu ấy đã giúp khiêng bố tôi lên để đưa ra cáng cấp cứu. Chính cậu ấy là người đã tranh luận với nhân viên bệnh viện để lấy cho bố tôi giường tốt; rồi ở đó tới tận ba giờ sáng. Vâng, Ryan là người tốt, cậu ấy rất, rất tốt. Chứ có ai không tốt mà lại đi đập chai Coke để bảo vệ bạn đồng khóa? Hay chẳng sợ làm hỏng xe máy của mình khi chất lên đó tận ba người, mà trong đó có hai đứa mông to?
Nhưng Ryan không chỉ có vậy. Chẳng hạn, bạn có biết rằng bố mẹ cậu ấy gửi thư cho cậu ấy hai tuần một lần? Bạn có biết cậu ấy không bao giờ phúc đáp một lá nào? Vâng, cậu ấy sẽ kể với bạn rằng cậu ấy không yêu họ này nọ. Nhưng sự thật là, cậu ấy cẩn thận giữ từng lá thư một trong một tập hồ sơ. Khi cậu ấy ở trong phòng một mình buổi đêm, cậu ấy thường mở thư ra đọc đi đọc lại. Ý tôi là, nếu cậu ấy là một kẻ hay ho, thì ít nhất sao không trả lời thư vài lần? Và sao cậu ấy cứ phải đọc đi đọc lại những bức thư ấy? Tôi luôn biết chắc Ryan có vấn đề, nhưng Hari là một kẻ mù quáng.
Bạn thấy chưa, mặc dù tôi nghĩ tôi đã phần nào hiểu được con người của Ryan, nhưng với Hari thì tôi chả thể hiểu thế quái nào được. Ý tôi là, đúng theo nghĩa đen thì cậu ấy giống hệt tôi – bình thường, chẳng có gì đáng thu hút, béo ú, và đần. Nhưng cậu ấy muốn trở thành một con người khác – một người chịu chơi, khôn ngoan, và sắc sảo như Ryan. Nhưng sâu thẳm bên trong, cậu ấy luôn biết điều đó là không thể. Cậu ấy sẽ vĩnh viễn là đứa trẻ thiếu tự tin, kẻ hóa đá mỗi khi bị vấn đáp. Những kẻ không sành điệu sẽ không bao giờ trở nên sành điệu. Nếu như cậu ấy chịu chấp nhận điều đó, cậu ấy sẽ có thể suy nghĩ một cách sáng suốt. Nhưng cậu ấy chẳng chịu chấp nhận sự thật, thế nên cậu ấy mới tham gia Chiến dịch Quả lắc.
Khi mới tách nhóm, tôi còn hoài nghi không biết mình đã quyết định đúng chưa. Nhưng sau Chiến dịch Quả lắc thì tôi lại nghĩ chưa chắc việc mình quay lại nhóm đã là điều tốt. Mà cuộc sống là vậy. Cứ đúng khi bạn cảm thấy mình đã vạch hết đường đi nước bước được cho mình, thì y như rằng cuộc sống sẽ giở trò với bạn.