BẢY

BẢY

“Em làm xong mấy bài anh giao chưa?”

Vidya gật đầu. Tôi không thể thấy mặt em vì chúng tôi ngồi cạnh nhau, nhưng tôi biết em đã khóc khi em đưa tay lên lau mắt.

Tôi mở cuốn vở ra. Tôi là gia sư, không phải người an ủi.

“Em làm hết chưa?”

Em lắc đầu.

“Em làm được mấy bài?”

Em giơ bảy ngón tay. Được rồi, bảy trên mười bài cũng không tệ đâu. Nhưng sao em không nói gì thế nhỉ.

“Có chuyện gì nào?” tôi nói, nhằm mục đích trò chuyện hơn là vì thấy cảnh em nước mắt lưng tròng.

“Không sao đâu,” em nói, giọng thổn thức.

Cái ‘không sao đâu’ của một cô bé nghĩa là ‘rất nhiều’. Thực ra, thế nghĩa là ‘rất nhiều và đừng bắt em phải nói.’ Tôi nghĩ đến một câu trả lời phù hợp cho cái ‘không sao đâu’ giả tạo này.

“Em muốn đi rửa mặt không?” tôi nói.

“Em ổn mà. Chúng ta bắt đầu đi.”

Tôi nhìn vào mắt em. Hàng mi em ướt đẫm. Đôi mắt em giống y mắt của anh trai em. Tuy nhiên, màu nâu trông nổi bật hơn trên khuôn mặt sáng của em.

“Bài thứ hai em làm cũng đúng rồi,” tôi nói, và đánh dấu vào vở. Theo thói quen, suýt nữa tôi viết chữ “tốt”. Thường khi dạy trẻ con, chúng rất thích khi tôi nhận xét “tốt”, “giỏi lắm”, hay vẽ hình sao lên câu trả lời. Nhưng Vidya đâu phải trẻ con.

“Em làm khá lắm,” tôi nói khi kiểm tra lại bài làm của em.

“Xin lỗi anh,” em nói và chạy vào nhà vệ sinh. Có lẽ em lại vỡ òa nước mắt. Em quay lại, lần này lớp kẻ lông mi đã phai và cả khuôn mặt ướt đẫm.

“Chúng ta không thể học hiệu quả nếu em cứ lo âu thế này. Hôm nay chúng ta học nhiều bài khó hơn và…”

“Nhưng em không lo lắng. Chỉ là chuyện Garima và… mà thôi quên đi.”

“Garima à?”

“Đúng, chị họ của em và cũng là người bạn thân ở Bombay. Lần trước em kể rồi.”

“Anh không nhớ,” tôi nói.

“Tối qua chị ấy bảo sáng nay sẽ nhắn tin cho em. Bây giờ đến chiều rồi, thế mà không thấy gì cả. Chị ấy bao giờ cũng vậy.”

“Sao em không nhắn tin trước?”

“Em không làm thế đâu. Chị ấy bảo sẽ nhắn. Thế thì chị ấy nên nhắn, đúng không?”

Tôi ngây ra nhìn em, không biết đáp lời thế nào.

“Chị ấy đang làm cái việc PR gì quan trọng lắm, nên chị ấy bận rộn quá không nhắn nổi một dòng sao?”

Tôi ước gì cái cô kia nhắn tin ngay cho em đi, để chúng tôi có thể bắt đầu buổi học.

“Lần sau em sẽ bảo chị ấy là em có việc thực sự quan trọng và sau đó hai ngày liền không gọi điện,” em nói.

Một số, tôi nhắc lại là chỉ một số, các cô gái đo đếm sự sâu đậm của tình bạn bằng mức độ của các trò chơi thao túng cảm xúc mà họ có thể áp dụng với nhau.

“Chúng ta bắt đầu nhé?”

“Vâng, em thấy ổn hơn rồi. Cảm ơn anh đã lắng nghe.”

“Không sao. Vậy bài số tám làm sao thế?” tôi nói.

Trong nửa giờ tiếp theo, chúng tôi chìm đắm vào xác suất. Khi dồn hết tâm trí, thì em không dốt môn toán như cái ấn tượng ban đầu đâu. Nhưng hiếm khi nào em tập trung được quá năm phút. Có lúc em phải thay bút. Sau đó thì em phải tháo kẹp tóc ra và kẹp lại. Mười lăm phút sau, em cần cái gối dựa lưng. Sau đó, mẹ em mang trà và bánh quy vào phòng, vậy là cứ sau ba mươi giây em lại phải nhấm nháp. Ấy thế nhưng, chúng tôi vẫn miệt mài cày cuốc. Sau bốn mươi phút, em đẩy ghế ra.

“Đầu em như búa bổ. Cả đời em chưa bao giờ làm toán nhiều mà liên tục thế này. Chúng ta nghỉ một lát nhé?”

“Vidya, chúng ta chỉ còn hai mươi phút thôi,” tôi nói.

Em đứng thẳng người, mắt chớp chớp. “Chúng ta có thể nghỉ năm phút giữa giờ được không? Không nên học toán lâu như thế. Không tốt cho anh đâu.”

Em bỏ bút sang một bên và buông tóc ra. Một lọn tóc xõa lên cánh tay tôi. Tôi rút tay lại.

“Em ôn thi các môn khác đến đâu rồi? Em không ghét môn khoa học chứ?” tôi nói. Tôi muốn giờ giải lao phải bổ ích.

“Em thích khoa học. Nhưng cách người ta dạy môn này, chán lắm.” Vidya nói.

“Như thế nào?”

“Như cái tài liệu hướng dẫn ôn thi vào trường y ấy, người ta có hàng ngàn câu hỏi trắc nghiệm. Anh trả lời cho hết thì anh mới đủ khả năng làm bác sĩ. Đấy không phải là cách em nghĩ về khoa học.”

“À, chúng ta đâu được lựa chọn. Trường tốt thì ít mà cạnh tranh lại khắc nghiệt.”

“Em biết. Nhưng mấy người ra đề thi ấy, em tự hỏi người ta có tò mò về môn hóa học nữa không. Hay họ chỉ nhồi nhét các phản ứng? Hay họ có bị nó làm mê hoặc không? Có bao giờ họ nhìn bức tượng đá và tự hỏi trông có vẻ tĩnh vậy thôi, nhưng bên trong bức tượng là rất nhiều proton đang lắc lư, và các electron thì quay điên đảo xung quanh.”

Tôi nhìn vào đôi mắt sáng của em. Tôi ước chúng sẽ sáng như vậy khi tôi dạy em môn xác suất.

“Thật kỳ diệu, phải không?” tôi nói.

“Hay về môn sinh học. Nghĩ mà xem,” em nói và chạm cánh tay tôi. “Cái gì đây?”

“Gì cơ?” tôi nói, rụt tay lại khi tiếp xúc với em.

“Đây là da của anh. Anh có biết có một cộng đồng vi khuẩn sống ở đây không? Có hàng triệu cá thể sống – đang ăn, đang sinh sản, đang chết ngay trên người chúng ta. Thế mà chúng ta không bao giờ băn khoăn. Tại vì sao? Chúng ta chỉ quan tâm nhồi nhét vào đầu một lớp biểu bì, vì ở kỳ thi hàng năm người ta hỏi thứ đó.”

Tôi không biết nói gì với cô bé này. Có lẽ tôi chỉ nên dạy những đứa bảy tuổi.

“Có một số sách tham khảo bổ ích ngoài sách giáo khoa đấy,” tôi bảo em.

“Vậy ư?”

“Đúng, em có thể mua ở chợ sách Law Garden. Chúng đi thẳng vào những khái niệm. Anh có thể tìm giúp nếu em muốn. Hỏi bố mẹ em có chịu chi tiền không.”

“Dĩ nhiên, bố mẹ em sẽ cho mà. Nếu vì việc học hành, họ sẽ chi điên cuồng. Nhưng em đi cùng anh được không?”

“Không, em không phải đi đâu. Anh sẽ lấy hóa đơn về.”

“Gì cơ?”

“Nhỡ đâu em quan tâm anh mua sách hết bao nhiêu.”

“Anh ngớ ngẩn hay sao thế? Đó sẽ là khoảng thư giãn thú vị. Chúng ta sẽ đi cùng nhau.”

“Tốt thôi. Hãy làm các bài tập còn lại. Chúng ta nghỉ mất mười lăm phút rồi.”

Tôi kết thúc một loạt bài, và giao cho em mười bài tập khác. Điện thoại của em kêu bíp khi tôi đứng dậy ra về. Em hối hả vồ lấy. “Garima đấy,” em nói và đóng sập cửa sau lưng tôi.

Tôi đang bước ra thì Ish về nhà.

“Này, buổi học thế nào? Con bé này ngốc lắm, chắc là khó nhỉ,” Ish nói, người nó đầy mồ hôi sau giờ tập.

“Không tồi, nó tiếp thu nhanh lắm,” tôi nói. Tôi không biết tại sao, nhưng nhìn Ish ngay lúc ấy làm tim tôi đập loạn xạ. Tôi băn khoăn có nên kể cho nó nghe về dự định đi cùng Vidya đến Law Garden mua sách không. Nhưng như thế thật ngốc, tôi nghĩ. Tôi không phải giải thích mọi chuyện với nó.

“Tao tìm ra cách chế ngự Ali rồi,” Ish nói.

“Làm thế nào?”

“Lúc đầu cứ để nó đánh bóng ghi bốn điểm sáu. Rồi nó như chúng ta thôi.”

Tôi gật.

“Nhưng những đứa khác sẽ thấy bực mình. Chúng nghĩ tao ưu ái cho trò này.” Ish nói thêm.

“Chúng là trẻ con mà. Đừng lo,” tôi nói và tự hỏi mình còn tiếp chuyện nó bao lâu nữa, và thế quái nào mà tôi thấy tội lỗi thế nhỉ?

“Ừ. Một số học trò thật đặc biệt, đúng không?” Ish cười khúc khích. Trong một phần tích tắc, tôi cảm giác như nó đang chọc tức tôi. Không, đây là chuyện Ali thôi. Tôi không có học sinh đặc biệt nào cả.

“Ừ. Mà này, tao phải đi đây. Mẹ tao cần giúp làm một đơn hàng tiệc cưới lớn.”

Nói xong, tôi sải bước nhanh, thoát khỏi tầm mắt của nó. Đầu tôi lắc lư như những electron trong bức tượng đá tại đền thờ nhà Omi.

***

Hôm chúng tôi đi Law Garden, em mặc áo chikan salwar kameez màu trắng. Trên vạt váy màu cam và dải khăn màu đỏ có những quả chuông đồng bé xíu. Chúng phát thành tiếng mỗi khi tay em động đậy. Có biểu hiện trang điểm hơi đậm. Môi em sáng bóng, và tôi không cưỡng lại nổi, cứ nhìn chằm vào.

“Son bóng đấy. Có đậm lắm không?” em nói e dè, đưa ngón tay xoa lên môi. Sát phía môi trên của em, ở bên phải, là một nốt ruồi rất mờ. Tôi quay mắt đi và nhìn những chiếc ô tô trên đường. Đừng bao giờ, đừng bao giờ nhìn vào mắt em, tôi trách mắng bản thân.

“Hiệu sách kia rồi,” tôi nói khi chúng tôi đến nơi.

Hiệu sách Đại học ở Navrangpura là thánh đường cho những con mọt sách trong thành phố. Gần như mọi khách hàng là những sinh viên thiếu ngủ, những kẻ nhiệt tình thái quá luôn thấy bao nhiêu vật lý lượng tử hay giải tích cũng đều là không đủ. Không có số liệu thống kê, nhưng tôi dám chắc bất cứ ai qua được kỳ thi đầu vào trường kỹ thuật hoặc trường y ở thành phố đều đã từng ghé qua hiệu sách này.

Bán hàng là một người trung niên, ông ta nhìn Vidya qua cặp kính mắt. Em có lẽ là người hấp dẫn nhất từng đến đây trong tháng này. Những học sinh ôn thi vào trường y không tô son màu bóng như vậy.

“A hèm, xin lỗi,” tôi nói khi người bán hàng lướt nhìn Vidya từ đầu đến chân.

“Govind beta, thật vui được gặp cháu,” ông nói. Có một cách hữu hiệu để đám người già tránh bị quy là phóng đãng, ấy là coi bạn như con cái họ. Ông ta biết tên tôi từ khi tôi được một trăm điểm ở kỳ thi tốt nghiệp. Trong bài phỏng vấn trên báo chí, tôi đã giới thiệu hiệu sách của ông ta. Ông ta cắt tờ báo ra rồi treo lên đến tận hai năm sau. Mỗi lần mua sách tôi vẫn được giảm hai lăm phần trăm.

“Chú có cuốn hóa học hữu cơ của L. G. Wade không?” tôi nói. Lẽ ra tôi sẽ nói vài câu chuyện vãn, nhưng tôi muốn tránh nói về Vidya. Quả thật, tôi còn không muốn ông ta nhìn Vidya.

“À, có,” người bán hàng nói, bất ngờ trước vẻ lạnh nhạt của tôi.

“Sách hóa học, bìa có những quả cầu đỏ và trắng,” ông hét lên với một nhân viên.

“Cuốn này hay lắm,” tôi nói và vỗ vào bìa, rồi đưa cho Vidya. “Những cuốn hóa học khác phải ghi nhớ quá nhiều. Cuốn này chỉ giải thích nguyên tắc thôi.”

Vidya cầm cuốn sách trên tay. Móng tay sơn đỏ của em cùng màu với các nguyên tử trên bìa.

“Thử giở xem em có thích không,” tôi nói.

Em lật qua vài trang. Người bán hàng nhíu mày. Ông ta đang hỏi tôi về cô bé. Đây là lý do tại sao người ta nghĩ Ahmedabad là một thị trấn nhỏ dù có nhiều tòa nhà cao tầng. Đó là bởi tâm lý con người.

“Học trò, cháu làm gia sư,” tôi thầm thì để thỏa mãn sự tò mò, cho ông ta khỏi phải mất ngủ suốt phần đời còn lại. Ông ta gật đầu chấp nhận. Tại sao mấy người già này cứ chõ mũi vào việc của chúng tôi nhỉ? Thử nghĩ mà xem, nếu ông ta cặp kè với ba bà già thì có ai quan tâm đâu?

“Nếu anh bảo cuốn này hay, thì em sẽ chọn,” em nói, thôi không xem thêm nữa.

“Tốt lắm, còn môn vật lý, em đã đọc Resnick và Halliday chưa?”

“Ồ, có lần em thấy cuốn đó ở nhà bạn. Nhưng mục lục sách làm em nản quá. Nó quá hi-fi với em.”

“‘Hi-fi’ nghĩa là sao? Nó nằm trong chương trình học của em đấy, em phải học cuốn này,” tôi nói, giọng nghiêm khắc.

“Họ có hướng dẫn hay gì đó không?” em nói, hoàn toàn phớt lờ nhận xét của tôi.

“Hướng dẫn là một thứ đường tắt thôi. Chúng có thể giải một số bài nhất định. Nhưng em cần hiểu các khái niệm.”

Người bán hàng mang ra cuốn sách Resnick và Halliday, bìa màu cam và đen. Đúng, cái bìa quả có đáng sợ và lại tẻ nhạt nữa, vốn là thứ chỉ có ở những cuốn sách vật lý.

“Em sẽ không hiểu đâu. Nhưng nếu anh muốn, thì cứ mua đi,” Vidya thuận lòng.

“Dĩ nhiên là em sẽ hiểu. Chú ơi, chú có sách M. L. Khanna về môn toán không?”

Tôi có thể thấy vẻ bất mãn của ông ta khi bị tôi gọi là chú, nhưng phải có người nhắc nhở ông ta về tuổi tác chứ.

“Sách toán của Khanna,” người bán hàng quát lên. Nhân viên của ông ta lôi ra cuốn sách màu vàng và đen. Nếu Resnick và Halliday đáng sợ, thì M. L. Khanna đúng là Thầy phù thủy. Trên đời này tôi chưa thấy cuốn sách nào dày hơn, và mỗi một trang đầy những bài toán khó nhất quả đất. Thật thú vị khi một người có cái tên thân thiện như M. L. Khanna lại có thể làm vậy với học sinh của đất nước này.

“Cái gì đây?” Vidya nói và cố dùng tay trái nâng cuốn sách lên. Em không làm được. Em dùng cả hai tay và cuối cùng cũng nâng được cuốn sách dày mười lăm phân lên. “Em hỏi thật đấy, cái gì đây? Vũ khí hành hung à?”

“Nó đề cập hết mọi chủ đề,” tôi nói, dùng các ngón tay phải đo độ dày cuốn sách, bốn ngón tay không đủ.

Em kê bàn tay em vào để hỗ trợ.

“Sáu, dày sáu ngón tay,” em nói nhẹ nhàng.

Tôi rút tay ra, sợ ông chú kia lại nhíu mày, hay tệ hơn ông ta cũng bỏ tay lên tay chúng tôi để đo độ dày cuốn sách.

“Đừng lo, để thi vào trường y em chỉ cần học vài chủ đề thôi,” tôi cam đoan với em.

Chúng tôi trả tiền sách, và bước ra cửa hiệu.

Chúng tôi tản bộ trên phố chính Navrangpura. Cửa hàng mới của tôi chỉ cách hai trăm mét. Tôi nóng lòng muốn đến xem.

“Giờ thì sao đây?” em nói.

“Chẳng sao cả, về nhà thôi,” tôi nói và tìm một cái xe buýt.

“Anh lúc nào cũng chán chết thế à?” em nói.

“Em bảo gì cơ?” tôi nói.

“Dairy Den ở góc đằng kia. Em đang đói,” em nói.

“Em đang đói. Nói thật, em đói muốn chết đây này,” em đưa một tay ôm bụng. Em đeo ba chiếc nhẫn, mỗi chiếc một kiểu dáng khác nhau, và có nhiều hạt kim sa đa sắc.

Tôi tìm chỗ khuất nhất trong Dairy Den. Chắc chắn không ai trong cái khu phố ưa buôn chuyện của chúng tôi đến cái quán thời thượng xì tin này, nhưng cẩn trọng cũng không thừa. Nếu một nhà cung cấp thấy tôi ở Dairy Den, tôi sẽ bị đánh đồng với mọi thằng cu sành điệu ở Ahmedabad. Tôi sẽ không bao giờ có được giá tốt khi mua bóng cricket.

Tôi cũng thấy đói. Nhưng không thể so được với cô nàng nữ hoàng kịch nghệ trước mặt. Em gọi bánh pizza đặc biệt của nhà hàng, món này luôn sẵn có trong mọi quán Dairy Den. Tất cả món ăn đều là đồ chay, như người dân Ahmedabad ưa thích.

“Những cuốn sách này thực sự là cao cấp đấy,” em nói, chỉ vào cái túi bóng.

“Chúng là sách kinh điển về khoa học đấy,” tôi nói.

Em nhíu mày. “Có ai giải thích cho em tại sao ở xứ này 17 tuổi phải đọc sách kinh điển về khoa học không?”

Tôi nhún vai. Tôi không có câu trả lời cho những học trò lười nhác.

Pizza đã mang ra. Chúng tôi yên lặng và bắt đầu ăn. Tôi nhìn em. Em buộc tóc, để tóc khỏi vương vào bánh pizza hay pho mát. Em lấy dải khăn trên bàn bỏ lên ghế. Điều tuyệt vời ở các cô gái ấy là cả trong lúc ngưng cuộc trò chuyện, bạn có thể nhìn họ mà không biết chán.

Em quay ngang khi nhận ra có hai thằng nhóc phía xa đang nhìn em. Cũng chẳng ngạc nhiên, vì em là cô gái xinh nhất, nổi bật hơn hẳn trong quán Dairy Den này. Tại sao lại có ít cô gái xinh vậy nhỉ? Tại sao sự tiến hóa không nhận ra rằng đàn ông thích phụ nữ xinh đẹp và rồi sinh ra hết thảy phụ nữ đều đẹp đi nhỉ?

Em mở điện thoại xem có tin nhắn mới không. Thực ra cũng chẳng cần phải làm thế vì em đặt chuông còn to hơn cả chuông báo cháy. Em xắn ống tay áo lên rồi lấy một miếng pizza. Em dùng ngón tay để vớt dải pho mát rơi ra, quết vào lát bánh. Cuối cùng em cắn một miếng.

“Ừm, sao nào?” em phá vỡ sự yên lặng. “Chúng ta có được phép nói gì ngoài chủ đề khoa học không?”

“Dĩ nhiên,” tôi nói. Tôi trừng mắt nhìn mấy thằng nhóc ở bàn bên kia. Chúng không để ý tới tôi.

“Tuổi tác chúng ta không cách biệt quá đâu. Chúng ta có thể là bạn, anh biết đấy,” em nói.

“Ừ,” tôi nói, “cũng khó nhỉ?”

“Khó à? Anh thử cho một lý do xem nào?”

“Anh sẽ cho bốn lý do: Một anh là thầy giáo em; hai em là em gái bạn thân của anh; ba, em trẻ hơn anh, và bốn, em là con gái.”

Tôi thấy thật ngốc khi trình bày lý do mà đánh số như thế. Lũ mọt sách không gây ấn tượng được với bọn gái cũng là có lý cả. Bọn họ không biết cách nói chuyện.

Em bật cười, vì nhạo tôi hơn là hùa theo.

“Xin lỗi vì liệt kê thế nhé. Đầu óc anh không thoát khỏi những con số được,” tôi nói.

Em vẫn cười. “Điều đó cũng cho em thấy một điều: Anh đã nghĩ kỹ về chuyện này rồi. Nghĩa là, anh đã tính đến một tình bạn tiềm năng.”

Tôi giữ yên lặng.

“Em đùa thôi,” em nói và vỗ vỗ vào bàn tay tôi. Em có thói quen an ủi người khác bằng cách chạm vào họ. Với người bình thường thì như vậy chả sao, nhưng với kẻ bệnh hoạn như tôi, phụ nữ chạm vào khiến tôi phấn khích chứ không phải được an ủi. Tôi cảm thấy thôi thúc muốn nhìn vào mặt em. Nhưng thay vì thế tôi nhất quyết nhìn vào chiếc bánh pizza.

“Nói thật nhé, anh nên có một người bạn dự phòng,” em nói.

“Cái gì dự phòng cơ?”

“Anh, Ish và Omi thân nhau quá. Như thể các anh đã biết nhau từ khi còn là tinh trùng.”

Miệng tôi há hốc vì từ cuối của em. Vidya đáng ra phải là cô em gái nhỏ suốt ngày chơi búp bê của Ish chứ. Em học cái kiểu nói ấy ở đâu nhỉ?

“Xin lỗi nhé, ý em là Ish và Omi là bạn thân của anh. Nhưng nếu họ khiến anh thấy ngứa mông… ối, muốn kêu ca, thì anh sẽ chia sẻ với ai đây?”

“Anh không cần kêu ca về bạn bè mình,” tôi nói.

“Thôi nào, họ hoàn hảo thế à?”

“Không ai hoàn hảo cả.”

“Như Garima và em cũng thân. Chúng em nói chuyện một ngày hai lần. Nhưng đôi khi chị ấy cũng phớt lờ em đi, hay nói chuyện với em như kiểu em là con bé tỉnh lẻ. Em ghét như vậy, nhưng chị ấy vẫn là bạn thân của em.”

“Và?” tôi nói. Bọn con gái cứ thích nói vòng vo. Cũng như một bài đại số, phải mất vài bước mới vào điểm chính được.

“Và, kể cho anh nghe chuyện đó, xả bớt, như thế này, làm em thấy dễ chịu hơn. Và em có thể tha thứ cho chị ấy. Nên, dù chị ấy là bạn thân hơn, thì anh vẫn là bạn dự phòng của em.”

Nếu em cũng áp dụng trí óc vào môn toán nhiều như thế, thì sẽ chẳng ai ngăn được em thành nhà phẫu thuật cả. Nhưng Vidya, người có thể phân tích vi mô hàng giờ liền về các mối quan hệ, sẽ không chịu mở cuốn M.L. Khanna ra để cứu đời mình đâu.

“Thôi nào, anh có gì phải kêu ca về bạn thân của anh không?”

“Bạn anh cũng đồng thời là đối tác làm ăn của anh. Phức tạp lắm,” tôi ngừng lại. “Đôi khi anh không nghĩ họ hiểu việc làm ăn. Hay có lẽ họ hiểu, nhưng họ không hiểu niềm đam mê kinh doanh của anh.”

Em gật đầu. Tôi yêu cái gật đầu đó. Lần đầu tiên có người gật đầu trước điều mà tôi cảm nhận sâu sắc.

“Là thế nào?” em khích lệ tôi nói tiếp.

Trong vòng mấy mẩu pizza còn lại, tôi kể hết cho em nghe. Tôi kể về cửa hàng của chúng tôi, và cách tôi quản lý mọi thứ. Làm thế nào tôi mở rộng kinh doanh sang cả gia sư và huấn luyện thể thao. Tôi kể em nghe về thói quen khó chịu của Ish là giảm giá cho bọn trẻ và sự ngờ nghệch của Omi trong bất cứ điều gì có liên hệ xa xôi tới những con số. Và cuối cùng, tôi kể em về giấc mơ của tôi – thoát khỏi thành phố cũ này và có một cửa hàng mới trong khu mua sắm gắn điều hòa nhiệt độ.

“Navrangpura,” em nói, “gần đây phải không?”

“Ừ,” tôi nói, khi ngực tôi phình ra cả chục phần.

Em thấy tia lấp lánh trong mắt tôi, vì tôi có thể thấy nó phản chiếu trong mắt em.

“Thật tốt là anh đã không vào trường kỹ thuật. Dù em chắc anh sẽ thi đỗ,” em nói.

“Anh không tưởng tượng nổi mình sẽ làm việc trong văn phòng. Phải xa mẹ, bỏ mặc bà làm lụng một mình cũng không phải một lựa chọn.”

Tôi đã mở lòng với em hơn với bất kỳ ai khác trước đây.

Chuyện này không ổn, tôi trách móc bản thân. Tôi nhẩm lại trong đầu bốn lý do rồi chỉ tay vào chồng sách.

“Em cần làm bạn với những cuốn sách này hơn là làm bạn với anh,” tôi nói và gọi tính tiền.

***

“Mời vào,” một cô gái trả lời khi Ishaan nhấn chuông cửa một nhà cung cấp. Chúng tôi đến mua gậy mới và sửa các gậy cũ.

Ra mở cửa là Saira, cô con gái mười tám tuổi của nhà cung cấp Pandit-ji.

“Bố em đang thay đồ, các anh có thể đợi trong ga ra,” cô nói, và đưa cho chúng tôi chìa khóa kho của Pandit-ji. Chúng tôi vào ga ra và ngồi trên ghế gỗ. Ish quẳng đống gậy cần sửa lên sàn nhà.

Cơ sở cung cấp hàng thể thao Pandit nằm ở Ellisbridge. Chủ cơ sở này, ông Girijai Pandit, có phòng riêng ngay cạnh. Năm năm trước đây ông ta có một nhà máy lớn ở Kashmir chuyên sản xuất gậy. Đó là trước thời điểm ông ta bị phiến quân tống ra khỏi thành phố quê nhà, bọn họ cho ông ta lựa chọn hoặc là giữ mạng sống hoặc giữ lại nhà máy. Ngày nay, ông cảm thấy may mắn khi là một nhà cung cấp nhỏ ở Ahmedabad và gia đình vẫn còn sống.

“Người Kashmir có nước da sáng thật,” tôi nói cho có chuyện.

“Mày thích con bé đấy,” Ish nhe răng.

“Mày điên à?”

“Nước da sáng hả?” Ish bắt đầu cười.

“Người anh em Govind, khách hàng tuyệt nhất của tôi,” Pandit-ji nói khi ông bước vào kho, người còn thơm tho sau khi tắm. Ông mời chúng tôi quả hạnh xanh. Trong kinh doanh, làm người mua thật tuyệt. Người ta luôn chào đón bạn.

“Bọn cháu cần sáu gậy, những cái này cần sửa,” tôi nói.

“Lấy mười hai cái đi người anh em Govind,” ông nói và mở ra một cái hòm gỗ, “sắp tới là trận đấu Ấn Độ – Úc, nhu cầu sẽ cao lắm.”

“Ở thành phố cũ thì không đâu,” tôi nói.

Ông mở hòm gỗ và lấy một cái gậy bọc trong ni lông. Ông mở lớp bọc ra. Nó có mùi cây liễu còn tươi. Đôi khi người làm gậy dùng hương liệu nhân tạo để các gậy mới có mùi thơm hơn, nhưng Pandit-ji dùng cây liễu thật.

Ish kiểm tra gậy. Nó đến hộp và kiểm tra những cái khác xem có vết rạn và sứt mẻ gì không.

“Cái gậy tốt nhất trong lô hàng là dành cho cậu đấy, người anh em Govind,” Pandit-ji mỉm cười nồng hậu.

“Giá bao nhiêu,” tôi nói.

“Ba trăm.”

“Chú đùa à?”

“Không bao giờ,” ông thề thốt.

“Hai trăm năm mươi,” tôi nói, “giá cuối cùng.”

“Người anh em Govind, thời điểm này khó khăn lắm. Gia đình em họ tôi mới từ Kashmir đến, họ đã mất tất cả. Tôi có thêm năm miệng ăn nữa phải nuôi, cho tới khi em họ tôi tìm được việc làm và chỗ ở.”

“Tất cả đều sống trong phòng đó à?” Ish tò mò.

“Làm sao được? Chú ấy từng có một căn nhà cấp bốn ở Srinagar và một cơ sở kinh doanh quả hạnh đã năm mươi năm. Giờ hãy xem cái thời đại nào đây, chú ta bị đuổi ra khỏi chính nhà mình,” Pandit-ji thở dài và lấy những cái gậy cần sửa ra khỏi túi cói.

Tôi ghét làm ăn mà cần thông cảm. Chúng tôi ngã giá là hai trăm bảy mươi sau mấy lượt đôi co mặc cả nữa. “Xong ” tôi nói và lấy tiền ra. Lúc này tôi đã buôn bán cả nghìn đồng, nhưng tưởng tượng rằng giao dịch cả trăm nghìn hay chục triệu cũng không khác lắm đâu.

Pandit-ji nhận tiền, xoa xoa tiền lên cái bàn thờ nhỏ, rồi mới cho vào túi. Vị Thần của ông đã bắt ông trả một cái giá đắt trong đời, nhưng ông vẫn cảm thấy biết ơn vị thần ấy. Tôi không bao giờ hiểu nổi niềm tin tuyệt đối của các tín đồ. Có lẽ làm người vô thần, tôi đã để lỡ mất thứ gì đó.

Ba sai lầm của đời tôi

Ba sai lầm của đời tôi

Status: Completed Author:

Tên tiếng Anh: The 3 mistakes of my life

Govind, một chàng trai trẻ tại một thành phố nhỏ của Ấn Độ mơ giấc mơ làm giàu. Ish, gã bạn thân, lại có một giấc mơ khác về sự nghiệp thể thao. Và họ cùng nhau mở một cửa hàng bán đồ cricket trên đất của Omi, cậu bạn thứ ba. Nhưng chẳng có gì dễ dàng tại một thành phố hỗn loạn đang phát triển. Lọt thỏm giữa những mâu thuẫn tôn giáo, những xung đột chính trị, những thảm họa tự nhiên, những tình yêu sai thời điểm, những va chạm trong lý tưởng của chính họ liệu những giấc mơ cá nhân có thể chiến thắng cơn ác mộng của thực tế? Và những sai lầm của đời họ có cản bước họ đi?

Ra đời sau thành công vang dội của Ba chàng ngốc, Ba sai lầm của đời tôi lại là một bestseller nữa của Chetan Bhagat, người hùng trong văn chương dành cho người trẻ Ấn Độ. Một câu chuyện nữa vừa hài hước vừa xúc động về tuổi trẻ khinh suất nhưng đầy khát khao, bồng bột nhưng kiên định.

“Nhiều nhà văn đã thành công trong việc diễn đạt những gì trong trái tim họ hoặc nói, lưu loát một quan điểm nào đó của họ. Những cuốn sách của Chetan Bhagat làm được cả hai, và hơn thế.”
• Tạp chí Time

Review:
https://i.imgur.com/L2QTqN6.jpg

"Nếu Ba chàng ngốc là một câu chuyện đầy xúc cảm về ba người bạn thân thì Ba sai lầm của đời tôi cũng lấy mô típ về một bộ ba có những quan niệm sống, đam mê và mục tiêu khác nhau. Qua khả năng ngôn ngữ biến hóa, giọng văn đầy hóm hỉnh đậm chất Ấn của mình, Chetan xây dựng nên các nhân vật vô cùng chân thực, sống động. Một Govind (nhân vật xưng tôi trong truyện) mê toán và nuôi mộng làm doanh nhân, bất kỳ điều gì cũng được quy thành… thuật toán, tiền và cơ hội bán buôn. Một Ishaan yêu thể thao hơn tính mạng, bất chấp tất cả để trốn lính về nhà, có thể làm bất kỳ điều gì vì sự phát triển của đội tuyển cricket Ấn Độ và ra sức đào tạo, bảo vệ, tìm cơ hội cho những tài năng mới. Một Omi được thừa hưởng một ngồi đền Hindu của cha mẹ nhưng không muốn làm thầy tế, vốn khù khờ về đầu óc, nhưng lại rất nhiệt thành và thủy chung với bạn bè. Cả ba trở thành bạn nối khố từ cái thuở là những đứa bé cùng chơi chung một khoảng sân, trở thành bộ tam không thể tách rời, và rồi thành đối tác làm ăn, mở ra một tiệm bán hàng thể thao, vừa giúp Govind kiếm được tiền, giúp Ishaan được gắn bó với thể thao và giúp Omi làm vừa lòng cha mẹ khi quanh quẩn gần… ngôi đền gia truyền. Truyện còn thêm vào hương vị ngọt ngào của tình yêu nổi loạn từ một cô gái thừa thông minh và tự tin dám gạt bỏ mọi rào cản giữa cô trò nhỏ và thầy gia sư, khiến một chàng trai nguyên tắc dám bất chấp cả nguyên tắc không yêu em gái của bạn thân.

https://i.imgur.com/YwfaudL.jpg

Không những vậy, qua ngòi bút tự nhiên và đầy chuyện nghiệp của Chetan, một đất nước Ấn Độ sống động như dựng lên trước mắt. Mỗi một câu chữ như có mùi vị của Alamabad, của những người Ấn Độ đột những mẹt bánh rao hàng ngoài đường phố, những đứa bé hăng say luyện cricket, những cô gái sặc sỡ váy áo, những tiếng rì rầm cúng tế… Tất cả hệt như một bộ phim đầy ắp sắc màu, tươi vui, nhộn nhịp, rất Á Đông, rất Ấn Độ.

https://i.imgur.com/4MO9d48.jpg

Mọi thứ có vẻ rất hoàn hảo, rất tươi đẹp song với một chữ NẾU to đùng rằng, NẾU câu chuyện này không đặt trong một không gian đặc biệt mà chỉ trong tác phẩm của Chetan mới tạo ra được: ẤN ĐỘ.

Ấn Độ quả thật là một đất nước kỳ lạ. Mình vốn có nhiều hứng thú với đất nước này, từ nhỏ đã mê say truyện cổ Ấn Độ, thích đọc về nền văn hóa sâu sắc, bề dày lịch sử của nó. Shameer – một trong những người bạn thân nhất của mình cũng là một người Ấn, nên phần nào mình hiểu tính cách của họ. Cần cù, chịu khó, thông minh nhưng cũng quá tin vào tôn giáo đến mù quáng, sự phân chia cấp bậc rõ rệt trong xã hội. Và điều này lại được minh chứng rất rõ ràng trong cuốn sách. Đôi lúc, tôn giáo không làm con người ta tốt hơn mà lại làm chúng ta xâu xé lẫn nhau, để nợ máu phải được trả bằng máu dẫu là anh em, bạn bè, người thân. Nơi đây còn là đất nước của những cuộc đua tranh khốc liệt, không chỉ trong môi trường học tập, công danh sự nghiệp (như trong Ba chàng ngốc) mà còn phơi bày mặt trái kinh khủng hơn của Ấn Độ: mẫu thuẫn tôn giáo, chính trị. Xã hội mạnh được yếu thua không bát cần phép tắc, luật pháp.

Và chính vì thế, xuyên suốt câu chuyện, cùng với những nỗ lực và cố gắng của cả bọn là những sai lầm phải trả giá bằng nước mắt, bằng nỗi đau, bằng máu. Những tình bạn, tình yêu bị thử thách trong những cuộc thăng trầm của đất nước đầy rẫy xung đột về chính trị, mâu thuẫn sâu sắc về tôn giáo, thảm họa tự nhiên và hơn hết là những sai lầm của tuổi trẻ có thể sẽ chẳng bao giờ sửa sai được và thậm chí phải trả giá bằng chính tính mạng.

'Ấn Độ không phải là nơi cho những giấc mơ. Nhất là khi bạn đã một lần thất bại. Cuối cùng tôi thấy cảm giác cố hữu trong triết lý của đạo Hindu là thỏa mãn với những gì ta có, hơn là kiếm nhiều thêm.. Cái triết lý ấy, do các bậc hiền triết xa xưa nghĩa ra, không phải là thứ hay ho, nhưng là câu thần chú giúp sinh tồn ở một đất nước nơi mà những khát khao thường bị đè nát…'. Nhân vật chính trong truyện đã cay đắng nghĩ như thế bằng tất cả những trải nghiệm tuổi trẻ đau đớn của bản thân anh.

Thế nhưng, những trải nghiệm của các nhân vật trong truyện không hề vô nghĩa. Ba sai lầm nối tiếp nhau, sai lầm của những sự đặt cược sai chỗ, của tình yêu không đúng lúc và của sự tính toán ích kỷ- tất thảy đều là những sai lầm mà tuổi trẻ ai cũng có, đã không thể hạ gục những người trẻ như Godvin, Ishaan, Omi, Ali… chúng giúp họ đứng lên và đi tiếp theo cách của mình. Từ đó, họ học được nhiều bài học quý giá để thỏa hiệp với chính cuộc đời mình như:

'Trên đời này không có doanh nhân nào mà không bị mất tiền cả. Chẳng ai tập xe đạp mà không vài lần ngã. Không có ai yêu mà không bị tổn thương. Cuộc đời là vậy đấy.'

Hay: ' Giải bài toán cuộc đời còn quan trọng hơn… Em là ai, lựa chọn giữa điều em muốn làm và điều mọi người trông chờ ở em. Và làm sao giữ được điều em muốn mà không để người khác quá bực mình. Cuộc đời là một bài toán tối ưu hóa, có hàng ngàn biến số và những ràng buộc….Chúng ta chỉ có thể tối ưu hóa cuộc đời, không bao giờ giải quyết được,…'

Ba sai lầm của đời tôi là một cuốn sách ý nghĩa về tình bạn, hơn thế nữa, nó ca ngợi những người trẻ nông nổi, bồng bột nhưng kiên định, đầy đam mê. Hài hước vừa xúc động về tuổi trẻ khinh suất nhưng đầy khát khao.

Ấy thế nhưng, gấp sách lại, mà mắt vẫn con ướt. Cuốn sách không đơn thuần mang lại cảm giác thanh thản vui tươi về ý nghĩa của tình yêu, tình bạn như Ba chàng ngốc mà còn chứa nhiều tầng nghĩa xâu sa hơn, khiến mình cảm thấy buồn lắm.

Ngoài tình bạn, cuốn sách còn nêu lên một tư tưởng lớn của Chetan Bhagat đó là cơ chế hòa giải cho những bất đồng của xã hội không riêng gì ở Ấn Độ. Từ mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc, chính trị, đến dân tộc, chủ quyền… thì cái con người thiếu nhất chính là một cơ chế hòa giải. Như loài tinh tinh, dù chúng có đánh nhau dữ dội để giành bạn tình thì sau đó chúng lại hôn nhau như một cách hòa giải, hòa hợp. Tại sao chúng ta không thể chỉ sống với nhau một cách hòa bình, và làm làm như cách những con tinh tinh hôn nhau? Một câu hỏi lớn thật khó và quá khó.

Không cứ gì những xung đột ngàn năm nay của Ấn Độ, ngay cả khi nhìn lại đất nước mình, mang tiếng là hòa bình rồi, nhưng những sự phân biệt Bắc- Trung- Nam, vùng miền, chế độ mới- cũ vẫn còn dai dẳng chẳng dễ gì hóa giải nổi. Đó cũng là điều con người chúng ta cần học ngược lại thiên nhiên, sau những cuộc bạo động quá khích để đừng thành ra những cuộc chiến tranh nướng người vô nghĩa.

Đặc biệt, ngay trong cuốn sách, Chetan đã đưa ra một cơ chế hoài giải ý nghĩa nhất đó chính là thể thao. Như cricket, như bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào đề cao tinh thần thượng võ và đó cũng là một cơ chế hòa giải tuyệt vời khiến cuốn sách thấm đẫm tinh thần nhân văn...

Ba sai lầm của đời tôi là một cuốn sách, một bộ phim dành cho những người trẻ, vẫn còn mắc những sai lầm thay đổi tiến trình cuộc đời mình nhưng vẫn kiên định theo đuổi những đam mê. Liệu rằng những giấc mơ cá nhân có thể chiến thắng cơn ác mộng của thực tế? Và những sai lầm của đời họ có cản bước họ đi?

Tự mình bước qua tuổi trẻ đầy sứt sẹo rồi thì chính chúng ta sẽ có câu trả lời cho những sai lầm của đời mình!"

https://i.imgur.com/4dRyrjh.jpg
Hãy cứ sống với tình bạn, tình yêu nồng nhiệt và điên rồ của tuổi trẻ!^^

SG, 7/2014
- Yun -

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset