Chúng tôi đến tư gia của Parekh-ji, tầm tám giờ tối. Hai người bảo vệ có vũ trang trước cửa cho chúng tôi vào sau khi đã hỏi tên. Lối vào nhà có bức tranh bột rất công phu, cùng hàng chục cái đèn và hoa tươi.
“Ô kìa, cuộc họp mặt mới tuyệt làm sao,” Bittoo Mama đón chúng tôi tại cửa. “Ăn tối đi đã trước khi buổi nói chuyện bắt đầu.” Từ cái đĩa làm lễ aarti, ông ấy chấm lên trán mỗi đứa chúng tôi một vết son. Ông bảo sau bữa ăn tối Parekh-ji sẽ có bài phát biểu.
Chúng tôi đến chỗ bàn ăn tập thể. Một bữa tiệc kiểu Gujarat, gồm tất tật các loại bánh chay mà loài người biết đến. Không có rượu, nhưng có đủ loại nước trái cây mà người ta có thể tưởng tượng ra. Tại các bữa tiệc như thế này, bạn sẽ lấy làm tiếc vì mình chỉ có mỗi một cái dạ dày. Tôi lấy một miếng bánh pizza Jain và nhìn quanh gian phòng khách rộng lớn. Có chừng năm mươi khách mặc đồ màu trắng hoặc màu vàng nghệ. Parekh-ji mặc quần dhoti màu nghệ và áo trắng, một kiểu phối màu hoàn hảo khi ở đám đông. Ish trông thật lạc lõng với chiếc áo phông đen, có chữ Metallica và hình đầu lâu xương chéo. Ngoài chúng tôi ra thì mọi người ở đây đếu tóc hoa râm hoặc không tóc. Trông như thể một bữa tiệc cưới mà chỉ có thầy tế được mời. Hầu hết họ đều mang đồ nghề phụ kiện, người thì cầm đinh ba, người mang tràng hạt, lại có người cầm cuốn kinh.
Ish và tôi nhìn nhau theo cái kiểu chúng-ta-đang-làm-gì-ở-đây.
Omi đến bên một nhóm gồm hai người áo trắng, đầu hói, một người mặc áo màu nghệ, tóc hoa râm, một người đầu hói, áo màu nghệ. Nó chạm chân họ và mọi người cầu phúc cho nó. Cứ xét đến việc Omi đã thường xuyên gặp những người này, thì nó là người có tỉ lệ được ban phước cao nhất Ấn Độ.
“Đồ ăn có tuyệt không?” Omi quay lại. Đồ ăn ở Gujarat bao giờ cũng ngon. Nhưng người ta vẫn cứ hỏi câu đó mãi. Ish đưa món dimsum chay[8] cho Omi.
[8] Dimsum, chỉ các món điểm tâm kiểu Trung Hoa.
“Những người này là ai?” tôi lơ đễnh hỏi.
“Khá là đơn giản,” Omi nói. “Những người mặc áo màu nghệ là thầy tế hoặc chức sắc tôn giáo trong thành phố. Còn mặc đồ trắng là người của đảng phái chính trị. Tại sao mày không ăn dimsum?”
“Tao không thích đồ ăn Tàu,” Ish nói. “Thế Parekh-ji là ai?”
“À, ông ấy là người dẫn đường,” Omi nói. “Ông ấy nói như vậy cho khiêm tốn. Còn thực ra, ông ấy đứng đầu ban quản lý một ngôi đền lớn. Ông ấy còn rất quen biết các chính trị gia.”
“Vậy ông ta là giống lai, một thầy tu kiêm chính trị gia,” tôi suy luận.
“Mày tỏ ra tôn trọng hơn được không? Và cái áo phông này là sao hả Ish?”
Mọi người yên lặng khi Parekh-ji đến giữa phòng. Ông ta mang theo cái gối nhung màu đỏ, trông khá thoải mái. Ông ra hiệu cho mọi người ngồi xuống thảm. Như một đàn cá, những người mặc áo màu nghệ tách khỏi những người áo trắng, ngồi thành hai khu vực ngay ngắn.
“Chúng ta ngồi chỗ quái nào đây?” Ish nói khi quay sang nhìn tôi. Tôi mặc chiếc áo phông màu xanh và không tìm được chỗ nào cho hợp. Bittoo Mama níu khuỷu tay Omi và bảo chúng tôi vào ngồi cùng nhóm áo vàng nghệ. Chúng tôi ngồi đó, trông như những nhân vật chính trong truyện chú vịt xấu xí với thứ trang phục lệch lạc này. Bittoo Mama mang đến cho chúng tôi ba tấm khăn màu vàng nghệ.
“Gì đây? Tao không…” tôi phản đối Omi.
“Suỵt… cứ quàng đi,” Omi nói và chỉ cho tôi cách quàng quanh cổ.
Parekh-ji ngồi trên chiếc gối thần kỳ diệu của ông ta. Gian phòng lặng ngắt. Ish bẻ khớp ngón tay. Omi cau có nhìn nó. Mọi người nhắm mắt, trừ tôi. Tôi nhìn quanh trong khi mọi người tụng kinh bằng tiếng Sanskrit. Một phút sau họ tụng xong, và Parekh-ji bắt đầu bài diễn thuyết.
“Xin chào đón những người mộ đạo, chào mừng đến với ngôi nhà khiêm nhường của tôi. Tôi đặc biệt chào đón nhóm người phía bên phải đây, họ đến từ đền Sindhipur. Họ mới trở về sau đợt làm công ích ở Ayodhya trong vòng hơn một tháng. Chúng ta hãy nghiêng mình cúi chào họ và mong được ban phước lành.”
Mọi người cúi đầu chào nhóm sáu người mặc đồ vàng nghệ, tay cầm đinh ba.
Parekh-ji tiếp tục, “Hôm nay cũng có một nhóm người trẻ tuổi. Chúng ta rất cần họ. Cảm ơn Bittoo Mama, người đã mang họ đến. Bittoo đang cần mẫn làm việc cho đảng. Ông ấy sẽ hỗ trợ ứng cử viên Hasmukh-ji ở cuộc bầu cứ năm sau.”
Mọi người nhìn chúng tôi, gật đầu mỉm cười. Chúng tôi gật đầu đáp lại.
“Hỡi các tín đồ, đạo Hindu dạy chúng ta biết chịu đựng. Và chúng ta đã chịu đựng rất nhiều. Nên chủ đề thảo luận hôm nay là ‘Chịu đựng bao nhiêu là đủ? Người Hindu nên chịu nỗi đau đến mức nào?’”
Mọi người gật đầu. Đầu gối tôi đau đến tê dại do ngồi khoanh chân. Tôi băn khoăn không biết có nên lập tức chấm dứt chịu đựng cơn đau bằng cách duỗi chân ra.
“Kinh sách dạy bảo chúng ta không được làm tổn thương người khác,” Parekh-ji nói. “Sách dạy chúng ta chấp nhận mọi niềm tin, dù cho những niềm tin đó không chấp nhận chúng ta. Sách dạy chúng ta kiên nhẫn. Hàng ngàn năm trước, các bậc thông thái đã nghĩ đến những giá trị tuyệt vời đó, những giá trị vẫn còn phù hợp với ngày nay. Và hôm nay, các quý vị, những con người vĩ đại sẽ truyền bá những giá trị này cho xã hội,” Parekh-ji nói, chỉ về phía những thầy tế. Các thầy tế gật đầu.
“Cùng lúc ấy, các kinh sách cũng dạy chúng ta rằng không nên chịu đựng sự bất công. Kinh Gita kêu gọi Arjun tranh đấu với cuộc chiến đức hạnh. Nên đến một thời điểm nào đó, chúng ta buộc phải phản kháng. Thời điểm đó là bao giờ, ấy mới là điều phải suy nghĩ.”
Những cái gật đầu sôi nổi làm nhộn nhạo cả đám đông. Dù tôi thấy cả cuộc tụ tập này và cái gối đỏ thẫm kia có phần thái quá, quả thật lý lẽ của Parekh-ji vẫn không có lấy một chút sơ hở.
“Lúc này đây, tôi lại thấy sự bất công. Người ta yêu cầu những người Hindu phải thỏa hiệp, phải chấp nhận, phải chịu đựng. Những người Hindu đề nghị dựng lại một ngôi đền. Không phải ngôi đền ngẫu nhiên nào đó, mà là ngôi đền nơi sinh ra những vị thần được sùng kính nhất. Vậy mà họ không chịu nhường chúng ta. Chúng ta nói chúng ta sẽ kính cẩn mà nhanh chóng di chuyển nhà thờ Hồi giáo. Nhưng không, điều đó được xem là không hợp lý. Chúng ta đã cố đưa ra bằng chứng, nhưng việc đó bị đàn áp. Đấy có phải công bằng không? Chúng ta có nên tiếp tục chịu đựng không? Tôi chỉ là một ông già, tôi không có câu trả lời.”
Ish thì thầm vào tai tôi, “Là chính trị đấy mày ạ. Chỉ đơn thuần là chính trị.”
Parekh-ji tiếp tục: “Tôi thậm chí không muốn bàn đến việc đất nước này thuộc về ai. Bởi vì những người Hindu nghèo khổ đã quen với chuyện bị người khác cai trị – 700 năm chịu dưới ách người Hồi giáo, 250 năm dưới cai trị của nước Anh. Giờ chúng ta đã độc lập, nhưng người Hindu không bảo vệ được chính mình. Nhưng điều làm tôi buồn là chúng ta không được đối xử bình đẳng. Bọn họ tự coi mình là thế tục, thế mà họ ưu tiên cho người Hồi giáo sao? Chúng ta đấu tranh đòi đối xử bình đẳng, thế mà lại bị gọi là nhóm tôn giáo đối lập sao? Những kẻ khủng bố thô bạo nhất là người Hồi giáo, nhưng chúng bảo chúng ta là tôn giáo bảo thủ. Trẻ Hindu đi ngủ với cái bụng đói nhiều hơn trẻ Hồi giáo, nhưng chúng lại bảo người Hồi giáo bị chà đạp.”
Parekh-ji dừng lại để uống nước. “Người ta bảo tôi, Parekh-ji, tại sao ông quen biết nhiều chính trị gia thế? Tôi nói, tôi là người phụng sự đấng Tối cao. Tôi không muốn dính vào chính trị. Nhưng là một người Hindu muốn sự công bằng, tôi cần tham gia vào việc điều hành đất nước này. Và còn cách nào khác đây ngoài việc tham gia chính trị? Vì thế, tôi đây một nửa là người của tôn giáo, một nửa là người của chính trị – sẵn sàng phục vụ quý vị.”
Khán giả dành một tràng pháo tay ngắn, có cả Omi. Ish và tôi ăn no quá, không phản ứng được gì.
“Nhưng còn đấy hy vọng. Các vị biết hy vọng từ đâu mà ra – Gujarat. Bang chúng ta đây là của các doanh nhân. Hẳn quý vị sẽ cho rằng doanh nhân có hàng trăm điều không tốt đẹp, nhưng các vị không thể chối được rằng doanh nhân có cái nhìn thực tế. Họ biết kết hợp những phần đơn lẻ, và họ hiểu thế giới này vận hành ra sao. Chúng ta không chịu được thói đạo đức giả và sự bất công. Đó là lý do chúng ta không bầu cho những đảng thế tục giả hiệu. Chúng ta không phải là phe tôn giáo bảo thủ, chúng ta trung thực. Và nếu chúng ta phản ứng, ấy là bởi chúng ta đã chịu đựng nỗi đau từ rất lâu rồi.”
Khán giả vỗ tay liên hồi. Tôi lợi dụng lúc này để lẻn ra khu vườn trước nhà Parekh-ji và ngồi trên chiếc đu chạm trổ tinh xảo. Ở trong nhà, Parekh-ji diễn thuyết chừng mười phút nữa, tôi không nghe thấy gì. Tôi ngước nhìn những vì sao trên trời và nghĩ về người đàn ông ngồi trên gối nhung. Thật lạ, tôi như bị hút vào đồng thời bị đẩy ra xa khỏi ông ta. Ông vừa có sức lôi cuốn lại có vẻ điên rồ.
Sau bài diễn thuyết là mấy bài khấn nguyện, tiếp theo đó là hai bài kinh bhajan của các thầy tế từ Bhuj. Ish bước ra. “Mày ở đây à?”
“Chúng ta về được chưa?” tôi hỏi.
***
Tôi đến nhà Ishaan lúc bảy giờ tối thứ Ba. Em ngồi trước bàn học. Phòng của em mang vẻ nữ tính điển hình – sạch trên mức bình thường, dễ thương trên mức bình thường, và hồng hồng trên mức bình thường. Những con thú nhồi bông, những tấm áp phích với các dòng chữ rất màu mè kiểu như “Ta là sếp” treo trên tường. Tôi ngồi vào ghế. Đôi mắt nâu của em dành hết tập trung để nhìn tôi. Tôi không thể nào không nhận ra rằng khuôn mặt trẻ thơ kia đang ở giai đoạn biến đổi thành khuôn mặt một phụ nữ xinh đẹp.
“Vậy em giỏi loại toán nào?”
“Chả loại nào cả,” em nói.
“Đại số?”
“Không.”
“Lượng giác thì sao?”
“Cũng thế.”
“Còn giải tích?”
Em nhíu lông mày như thể tôi vừa nhắc tới phim kinh dị.
“Thật sao?” tôi nói, lo lắng trước sự thờ ơ đến vậy đối với môn học yêu thích của tôi.
“Thực ra, em không thích môn toán.”
“Hừm,” tôi nói, cố tỏ vẻ là một thầy giáo sâu sắc. “Em không thích toán hay em không hiểu vài thứ nên em chưa thích? Toán học cũng thú vị đấy chứ.”
“Thú vị ấy ạ?” em nói vẻ ghê tởm.
“Ừ.”
Em ngồi thẳng lên và lắc đầu. “Để em nói rõ nhé. Em ghét cay ghét đắng môn toán. Với em, nó chiếm một vị trí ngay trên kia, cùng với mấy con gián và thạch sùng đấy. Em thấy kinh tởm, buồn nôn, và mệt mỏi với môn toán. Nếu cho chọn bị điện giật và một kỳ thi toán, em sẽ chọn điện giật. Em nghe nói ở Rajasthan người ta phải đi bộ hai dặm mới lấy được nước. Em thà đi bộ như vậy còn hơn là giải các bài toán. Toán học là thứ tồi tệ nhất mà loài người phát minh ra. Họ đang nghĩ gì chứ? Ngôn ngữ dễ quá, nên hãy tạo ra những ký hiệu sởn gai ốc rồi biến hóa chúng để mà dọa dẫm hàng thế hệ trẻ em. Ai quan tâm sin khác với cos chứ? Ai thèm quan tâm tổng hai lập phương triển khai thế nào?”
“Èo, phản ứng kinh nhỉ,” tôi nói, miệng vẫn há hốc.
“Còn thú vị à? Nếu toán học mà thú vị thì nhổ răng cũng thú vị lắm. Nhiễm vi rút cũng thú vị đấy. Tiêm vắc xin bệnh dại cũng thú vị đấy.”
“Anh nghĩ do em tiếp cận môn toán sai cách thôi.”
“Ô hô hô, đừng có nói thế. Em không chỉ tiếp cận thôi đâu. Em đã sống, đã thỏa hiệp, đã đánh vật với nó. Một mối quan hệ khó khăn trong nhiều năm qua, giữa em với môn toán. Suốt từ lớp một đến lớp mười hai, sao nó không biến đi. Người ta thì gặp ác mộng vì những con quái thú. Còn em gặp ác mộng vì những bài kiểm tra toán đột xuất. Em biết anh được một trăm điểm môn toán, và anh yêu nó. Nhưng nhớ nhé, trên phần lớn thế giới này toán học chỉ có một ý nghĩa duy nhất đối với học sinh thôi.”
Em dừng lại để thở. Tôi bị thôi thúc muốn đứng lên mà chạy trốn. Làm sao tôi có thể thuần hóa một con thú hoang như thế này?
“Là gì?”
“Nổi hết cả da gà. Xem em nổi rồi đây này,” em nói, kéo tay áo kameez lên. Tôi nghĩ những chấm nhỏ màu hồng trên da em là do cơn bùng phát cảm xúc hơn là vì môn toán.
Tôi cũng chú ý tới cánh tay mảnh mai của em. Nó trắng đến mức có thể nhìn thấy ba đường ven chạy chéo qua nhau.
Bàn tay em có những đường chỉ tay thật sâu, đường sinh đạo dài khác thường. Ngón tay em dài, thon nhỏ. Em sơn màu trắng bạc óng ánh chỉ ở đầu móng tay. Sao phụ nữ lại nghĩ ra trò này nhỉ?
“Sao thế?” em nói khi tôi nhìn cánh tay em lâu quá.
Tôi mở ngay sách ra.
“Không sao. Việc của anh là dạy toán cho em, chứ không phải là để em thích môn này. Anh nghe nói em muốn thành bác sĩ.”
“Em muốn vào đại học ở Mumbai.”
“Sao cơ?”
“Em muốn đi khỏi Ahmedabad. Nhưng bố mẹ em không cho đâu. Trừ phi, tất nhiên, là em đi học ở nơi có uy tín, như trường y hoặc kỹ thuật. Kỹ thuật có môn toán, mà toán nghĩa là buồn nôn, nên em loại ngay. Y khoa là một lựa chọn khác và là lối thoát cho em. Nhưng người ta bắt thi đầu vào và…
Tôi nhận ra bên trong Vidya không có nốt tạm ngừng. Và vì tôi chỉ có một tiếng và vụ gia sư này chẳng khác đi chân đất mà leo núi Everest, nên tôi muốn vào thẳng vấn đề.
“Vậy em thích bắt đầu từ đâu?”
“Bất cứ cái gì không có phương trình.”
“Anh đã xem khóa học ôn thi đầu vào trường y. Có vẻ như có vài lĩnh vực dễ ăn điểm đấy.”
Tôi mở tài liệu hướng dẫn ôn thi vào trường y, chuyển cho em xem.
“Xem đây này, xác suất,” tôi nói. “Cái này và phép hoán vị sẽ chiếm hai mươi lăm phần trăm số điểm. Thống kê mười phần trăm nữa. Ở đây không có giải phương trình, nên chúng ta có thể bắt đầu từ chỗ này?”
“Hẳn rồi,” em nói và mở cuốn sách bài tập mới cứng. Em đặt hai chiếc bút song song với cuốn vở. Em giở trang đầu tiên của chương xác suất, như thể mình là học sinh cần cù nhất Ấn Độ. Tối dạ nhất, có lẽ vậy.
“Xác suất,” tôi nói, “dễ là phần thú vị nhất. Anh nói thế là bởi vì em có thể dùng những khái niệm trong xác suất để giải quyết những bài toán thường ngày?”
“Như cái gì?”
“Như cái gì là gì?”
“Bài toán thường ngày cần giải quyết?” em vân vê một lọn tóc rồi vuốt sang một bên.
“Ha, em đi hơi nhanh đấy, nhưng hãy xem nhé.” Tôi nhìn quanh để tìm một ví dụ dễ hiểu. Tôi để ý căn phòng được dọn ngăn nắp đến hoàn hảo của em, đến cả cái nếp gấp trên tấm ga trải giường màu hồng. Bức tường đối diện treo ảnh Westlife, Backstreet Boys, Hrithik Roshan. Cạnh đó là bức tường đầy những thiệp mừng. “Có thấy những tấm thiệp kia không?”
“Đó là thiệp mừng do bạn học của em tặng. Sinh nhật em mới hai tháng trước.”
Tôi lờ đi các thông tin được nạp thừa thãi. “Giả sử có hai mươi tấm thiệp. Hầu hết là trắng. Một số có màu khác. Có bao nhiêu cái màu khác?”
“Năm cái,” em nói, lướt quanh những tấm thiệp, mắt như muốn hỏi “thế thì sao?”
“Được lắm, năm. Giờ, giả sử anh lấy hết số thiệp cho vào một cái túi. Rồi anh lấy ra một tấm, thì xác suất thiệp màu là bao nhiêu?”
“Tại sao anh lại bỏ chúng vào túi?” em hỏi.
“Giả sử thôi mà. Xác suất là bao nhiêu?”
“Em không biết.”
“OK, vậy hãy dùng ví dụ này để bắt đầu khái niệm căn bản về xác suất. Xác suất có thể định nghĩa là,” tôi vừa nói vừa viết dòng sau:
Xác suất = Số lần ta muốn một sự việc xảy ra/số lần sự việc đó có thể xảy ra.
“Sao lại không có ký hiệu nào được nhỉ?” em hỏi.
“Em thấy đấy, anh đã bảo xác suất thú vị lắm mà. Nhìn vào mẫu thức nhé. Có bao nhiêu tấm thiệp khác nhau nếu anh rút một trong hai mươi tấm?”
“Ờ… hai mươi?”
“Đúng, dĩ nhiên. Tốt lắm.”
“Vớ vẩn!” em nói.
Tôi kìm nén cơn tức giận. Tôi đang giúp em làm cho vấn đề đơn giản hơn, thế mà em bảo tôi vớ vẩn. Ghét cái thái độ.
“Bây giờ là tử thức. Anh muốn một thiệp màu. Có thể rút được bao nhiêu cái thiệp màu?”
“Năm à?”
“Ừa. Vậy chúng ta hãy áp dụng công thức bằng chữ kia,” tôi nói và viết ra.
Xác suất = Số lần ta muốn một sự việc xảy ra (5)/số lần sự việc đó cổ thể xảy ra (20). Vậy, xác suất là = 5/20 = 0,25
“Được rồi nhé. Xác suất là 0,25, hay hai lăm phần trăm.” Tôi nói và đặt bút đen lên bàn. Em mất một lúc đọc lại điều tôi viết.
“Cái này thì đơn giản. Nhưng bài thi khó hơn nhiều,” cuối cùng em nói.
“Chúng ta sẽ học những bài khó kia. Nhưng trước hết cần hiểu khái niệm cơ bản đã. Và em không bị nôn nhỉ.”
Tôi bị cắt ngang vì tiếng bíp của điện thoại di động. Em vội vã lao sang bàn bên cạnh để cầm máy lên. Em ngồi lên giường và đọc tin nhắn. “Bạn ở lớp. Con này ngốc thật,” em cười thích thú với cái điện thoại.
Tôi vẫn yên lặng chờ cho em quay lại. “Được rồi, làm một bài khác nhé,” tôi nói. “Giả sử chúng ta có cái bình bốn viên bi đỏ, sáu viên xanh.”
Trong nửa giờ tiếp theo, tôi giảng thêm được ba bài nữa. “Em thấy chưa, nếu em tập trung thì không khó đâu. Tốt lắm!” tôi khen ngợi khi em giải xong một bài.
“Anh muốn uống trà không?” em nói, không quan tâm đến lời khen của tôi.
“Không, cảm ơn em. Anh không thích uống trà nhiều quá.”
“Em cũng vậy. Em thích cà phê. Anh uống cà phê không?”
“Anh thích xác suất và em cũng nên vậy đi. Chúng ta có thể làm bài tiếp theo không?”
Điện thoại của em lại kêu bíp. Em thả bút và ngó sang điện thoại.
“Bỏ máy xuống. Không nhắn tin trong giờ học,” tôi nói.
“Chỉ là…,” em nói và ngừng tay giữa chừng.
“Nếu em không tập trung thì anh sẽ về đấy. Anh đã từ chối nhiều học sinh vì lớp học này.”
Em chịu khuất phục trước thái độ cương quyết của tôi. Nhưng tôi đâu phải Ngài Tốt bụng, và tôi ghét những người không chú tâm. Đặc biệt người ấy lại ghét toán.
“Xin lỗi anh,” em nói.
“Chúng ta chỉ có một giờ thôi. Những việc vui thú của em thì để sau làm đi.”
“Em đã bảo xin lỗi rồi mà.” Em lại cầm bút lên và mở nắp, thái độ phẫn uất.