“Nhiều nhà văn đã thành công trong việc diễn đạt những gì trong trái tim họ hoặc nói, lưu loát một quan điểm nào đó của họ. Những cuốn sách của Chetan Bhagat làm được cả hai, và hơn thế.”
• Tạp chí Time
______________________________
______________________________
Không phải là chuyện thường ngày khi bạn ngồi trước máy tính vào một sáng thứ Bảy và nhận được một email như thế này:
Người gửi: Ahd_businessman@gmail.com
Lúc: 12/28/2005 11.40 p.m.
Gửi đến: info@chetanbhagat.com
Tiêu đề: Thư tuyệt mệnh
Kính gửi anh Chetan,
Email này vừa là thư tuyệt mệnh vừa là thư thú nhận. Tôi đã làm mọi người thất vọng và không có lý do để sống nữa. Anh không biết tôi. Tôi là một kẻ bình thường ở Ahmedabad đã đọc các cuốn sách của anh. Và chẳng hiểu sao sau khi đọc tôi cảm thấy có thể viết cho anh. Thực tình tôi không thể kể cho ai khác điều tôi đang tự làm với mình – nghĩa là khi viết xong một câu tôi lại uống một viên thuốc ngủ – nên tôi nghĩ sẽ kể cho anh.
Tôi bỏ ly cà phê xuống và đếm. Đã năm dấu chấm câu.
Tôi đã phạm ba sai lầm; tôi không muốn nói chi tiết. Tôi tự tử không phải vì một quyết định cảm tính. Như nhiều người quanh tôi đều biết, tôi là một doanh nhân giỏi, vì tôi có ít cảm xúc. Đây không phải là hành động phản ứng nhất thời. Tôi đã chờ đợi ba năm, hằng ngày quan sát vẻ mặt yên lặng của Ish. Nhưng sau khi cậu ta từ chối lời đề nghị của tôi ngày hôm qua, tôi không còn lựa chọn nào nữa.
Tôi không có gì luyến tiếc. Có lẽ tôi muốn nói chuyện với Vidya một lần nữa – nhưng lúc này đây dường như không phải ý hay.
Xin lỗi đã làm phiền anh vì chuyện này. Nhưng tôi cảm thấy mình phải nói chuyện với ai đó. Là nhà văn, anh có nhiều cách để giải tỏa được, thực sự anh đã viết những cuốn sách rất hay. Chúc anh cuối tuần vui vẻ.
Trân trọng.
Doanh nhân.
17, 18, 19. Đâu đó ở Ahmedabad, một anh chàng “bình thường” đã nuốt mười chín viên thuốc ngủ trong khi đang đánh máy gửi thư cho tôi. Vậy mà cậu ta mong tôi có kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ. Tôi không tài nào nuốt nổi cà phê. Tôi vã mồ hôi lạnh toát.
“Thứ nhất, anh dậy muộn. Thứ hai, vừa dậy xong là anh ngồi lì trước máy tính. Anh có biết là mình còn gia đình không?” Anusha nói.
Phòng trường hợp bạn không hiểu cái giọng cửa quyền ấy, thì Anusha là vợ tôi.
Tôi đã hứa sẽ cùng nàng đi mua đồ nội thất – một lời hứa từ cách đây hơn hai tháng.
Nàng gạt ly cà phê của tôi rồi lúc lắc lưng chiếc ghế tôi đang ngồi. “Chúng ta cần bộ bàn ghế ăn mới. Này, trông anh lo lắng thế?” nàng nói.
Tôi chỉ vào màn hình.
“Doanh nhân à?” nàng nói khi đọc xong thư. Nàng có vẻ cũng hơi rùng mình.
“Và thư này gửi từ Ahmedabad,” tôi nói, “chúng ta chỉ biết có vậy.”
“Anh chắc chuyện này có thật không?” nàng nói, giọng run run.
“Đây không phải thư rác,” tôi nói. “Và nó được gửi cho anh.”
Vợ tôi kéo ghế, ngồi xuống. Tôi nghĩ đúng là chúng tôi cần thêm ghế ở bàn viết thật.
“Nghĩ xem nào,” nàng nói. “Chúng ta phải báo cho ai đó. Có lẽ bố mẹ cậu ta.”
“Làm cách nào? Anh còn không biết nó từ đâu ra,” tôi nói. Và ở Ahmedabad chúng ta có quen biết ai không?”
“Chúng ta gặp nhau ở Ahmedabad, anh còn nhớ không?” Anusha nói.
Một câu vô nghĩa, tôi nghĩ, ừ đúng, chúng tôi là bạn học ở Học viện Quản lý Kinh doanh Ấn Độ (IIM) một năm trước. “Vậy thì sao?”
“Gọi cho học viện. Giáo sư Basant hay ai đó,” nàng khịt mũi ngửi và rời phòng. “Ôi không, cháo đậu bị cháy rồi.”
Có vợ thông minh hơn mình cũng có nhiều lợi thế lắm. Tôi không bao giờ làm thám tử được.
Tôi vào mạng internet tìm số điện thoại của học viện và gọi cho họ. Nhân viên tổng đài nối máy cho tôi đến nhà riêng của Giáo sư Basant. Tôi xem đồng hồ, 10 giờ sáng ở Singapore, 7 giờ 30 sáng ở Ấn Độ. Quấy rầy giáo sư ngay lúc sáng sớm thật chẳng hay ho gì.
“A lô?” một giọng ngái ngủ trả lời. Chắc là giáo sư.
“Thầy Basant ạ, em chào thầy. Em là Chetan Bhagat. Học sinh cũ của thầy, thầy còn nhớ không ạ?”
“Ai nhỉ?” ông nói, không hề tỏ chút tò mò. Khởi đầu không thuận lợi.
Tôi kể khóa học mà ông dạy chúng tôi, và chúng tôi đã bầu ông là giáo sư thân thiện nhất trong trường. Nịnh bợ cũng chẳng giúp gì nhiều.
“Ồ, là Chetan Bhagat đấy à,” ông nói, như thể ông biết cả triệu người tên như thế. “Giờ cậu là nhà văn hả?”
“Vâng ạ,” tôi nói. “Đúng em đấy.”
“Vậy tại sao cậu lại đi viết sách?”
“Thầy hỏi khó quá,” tôi nói lảng.
“Ok, hỏi đơn giản này. Sao cậu gọi tôi lúc sáng sớm thế?”
Tôi trình bày lý do, và chuyển bức thư cho ông.
“Không có tên à?” ông nói khi đọc email.
“Cậu ta có lẽ đang ở bệnh viện nào đó tại Ahmedabad. Cậu ta có lẽ mới nhập viện. Có lẽ cậu ta đã chết. Hoặc có lẽ cậu ta đang ở nhà và đấy chỉ là một trò đùa,” tôi nói.
Tôi cứ huyên thuyên. Tôi muốn giúp – cho cả anh chàng kia và cả cho tôi. Giáo sư hỏi một câu chí lý. Tại sao tôi lại viết sách – để dính vào chuyện này à?
“Chúng ta có thể kiểm tra các bệnh viện ,” giáo sư nói. “Tôi có thể hỏi vài sinh viên. Nhưng phải có tên mới được. Này đợi đã, cậu ta có tài khoản gmail mà, có thể cậu ta dùng cả Orkut nữa.”
“Or… gì cơ ạ?” Cuộc sống thật khó khăn khi bạn luôn phải trò chuyện với người thông minh hơn mình.
“Cậu lạc hậu quá, Chetan. Orkut là một trang mạng xã hội. Người dùng gmail đăng ký vào đó. Nếu cậu ta là thành viên của mạng này, và nếu may mắn thì chúng ta có thể xem thông tin cậu ta.”
Tôi ngồi trước máy tính nghe ông gõ bàn phím. Tôi vừa truy cập vào trang Orkut thì Giáo sư Basant reo lên, “A ha, Doanh nhân Ahmedabad. Có chút thông tin ở đây. Tên chỉ ghi mỗi G. Patel. Sở thích là cricket, kinh doanh, toán học và bạn bè. Có vẻ như cậu ta không hay dùng Orkut.”
“Thầy đang nói gì đấy ạ? Em ngủ dậy thì thấy một bức thư tuyệt mệnh được gửi riêng cho em. Thế mà thầy lại nói cho em về sở thích cậu ta. Thầy có giúp em không hay là…”
Một khoảng lặng, rồi sau đó. “Tôi sẽ nhờ vài sinh viên. Chúng tôi sẽ tìm một bệnh nhân còn trẻ, tên G. Patel, bị nghi uống thuốc ngủ quá liều. Chúng tôi sẽ gọi cho cậu khi có tin gì mới, được chưa?”
“Vâng ạ,” tôi nói, thở lại bình thường sau một hồi lâu.
“Còn Anusha thế nào? Cô cậu cúp lớp của tôi để đi hẹn hò rồi quên tôi luôn à.”
“Cô ấy khỏe ạ.”
“Tốt lắm. Tôi luôn nghĩ cô ấy thông minh hơn cậu. Mà thôi, đi tìm anh chàng kia đi,” giáo sư nói và ngắt máy.
Ngoài chuyện đi mua đồ nội thất, tôi còn phải hoàn tất nốt bản thuyết trình. Sếp của tôi, sếp của Michel, ở New York sắp sang. Với hy vọng gây ấn tượng với ông ta, Michel đã đề nghị tôi làm một bản thuyết trình về tập đoàn, với năm mươi biểu đồ. Trong suốt ba đêm liền tuần vừa rồi, tôi đã phải làm việc đến 1 giờ sáng, nhưng cũng chỉ mới làm được một nửa.
“Đây là một gợi ý. Đừng đi sai đường. Nhưng phải đi tắm đã,” vợ tôi nói.
Tôi nhìn nàng.
“Chỉ là một lựa chọn thôi,” nàng nói.
Tôi nghĩ đôi khi nàng thận trọng quá mức. Tôi không phản bác lại.
“Rồi rồi, anh sẽ tắm,” tôi nói và bắt đầu quay sang máy tính.
Những ý nghĩ cứ vụt ra trong đầu. Tôi có nên gọi đến vài bệnh viện không? Nhỡ giáo sư Basant lại đi ngủ thì sao? Nhỡ ông ấy không thể huy động sinh viên thì sao? Nếu G. Patel đã chết thì sao? Tại sao tôi lại dính líu vào chuyện này?
Tôi miễn cưỡng đi tắm. Tôi mở tài liệu thuyết trình, nhưng chẳng viết được chữ nào cả.
Tôi không chịu ăn sáng, nhưng vài phút sau đã thấy tiếc – vì cơn đói và sự lo lắng không đi cùng với nhau được.
Điện thoại đổ chuông lúc 1 giờ 33 chiều.
“A lô,” giọng giáo sư Basant không lẫn vào đâu được. “Chúng ta có một nhân vật phù hợp ở Bệnh viện Dân sự. Tên cậu ta là Govind Patel, hai lăm tuổi. Một sinh viên năm hai của tôi đã tìm thấy cậu ta.”
“Rồi sao ạ?”
“Cậu ta còn sống. Nhưng không chịu nói chuyện. Dù là nói chuyện với người nhà. Chắc đang sốc.”
“Bác sĩ bảo sao?” tôi nói.
“Không sao. Đó là một bệnh viện nhà nước. Cậu còn mong gì? Dù sao, họ sẽ rửa dạ dày cậu ta và cho về nhà. Lúc này tôi không phải lo nhiều nữa. Tôi sẽ bảo một sinh viên tối quay lại kiểm tra xem sao.”
“Nhưng có chuyện gì với cậu ta thế? Chuyện gì xảy ra?”
“Tôi chỉ biết thế thôi. Nghe này, đừng dính sâu vào. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn. Chuyện này xảy ra suốt ấy mà. Cứ xen vào càng nhiều thì cậu càng dễ bị cảnh sát làm phiền.”
Sau đó, tôi gọi đến Bệnh viện Dân sự. Nhưng nhân viên trực tổng đài không biết gì chuyện này, và cũng không có phương tiện để chuyển cuộc gọi đến phòng bệnh nhân.
Cả Anusha cũng thấy nhẹ lòng vì cậu ta được an toàn. Rồi nàng thông báo kế hoạch ngày hôm ấy – đi săn lùng bộ bàn ăn. Bắt đầu là ở hàng lkea trên phố Alexandra.
Chúng tôi đến Ikea tầm ba giờ, xem lướt bộ bàn ghế tiết kiệm không gian. Một chiếc bàn ăn có thể gập làm tư và chuyển thành bàn uống trà – khá gọn gàng.
“Anh muốn biết chuyện gì xảy ra với cậu doanh nhân hai lăm tuổi này,” tôi lẩm bẩm.
“Rồi anh cũng biết thôi. Để cậu ta phục hồi đã. Chắc vì một trong các lý do điên rồ của thanh niên – bị thất tình, điểm kém hoặc là ma túy thôi mà.” Tôi không nói gì.
“Thôi nào, cậu ta chỉ gửi mail cho anh thôi. Địa chỉ của anh ở trên bia sách. Anh đâu cần dính vào làm gì. Chúng ta lấy loại sáu hay tám đây?” nàng chuyển đến bộ bàn ghế bằng gỗ sồi.
Tôi phản đối rằng chúng tôi hiếm khi có nhiều khách đến chơi nhà. Sáu ghế là đủ.
“Hiệu suất sử dụng biên của hai chiếc ghế sẽ nhỏ hơn mười phần trăm?” tôi nói.
“Đàn ông các anh chẳng được tích sự gì cả?” nàng đáp trả rồi chọn loại sáu ghế.
Đầu óc tôi cứ lan man nghĩ về anh chàng doanh nhân.
Đúng, mọi người nói đúng. Tôi không nên dính líu vào. Nhưng thế giới có bao nhiêu người, thế mà cậu ta lại gửi lời trăng trối cho tôi. Tôi còn làm gì được ngoài phải dính líu vào.
Chúng tôi ăn trưa ở một quán cạnh Ikea.
“Anh phải đi,” tôi bảo với vợ trong lúc tay không ngừng chọc ngoáy món cơm rang.
“Đi đâu? Đến văn phòng à. Ok, giờ anh là người tự do. Em mua xong rồi,” vợ tôi nói.
“Không. Anh muốn đến Ahmedabad. Anh muốn gặp Govind Patel.” Tôi không nhìn vào mắt nàng. Có lẽ tôi hơi điên rồ.
“Đầu óc anh cứ luẩn quẩn mãi,” tôi nói.
“Còn bài thuyết trình của anh thì sao? Michel sẽ giết anh mất.”
“Anh biết. Anh ta sẽ không được thăng chức trừ phi gây được ấn tượng với sếp.”
Vợ tôi nhìn tôi. Khuôn mặt tôi cũng đủ nói rõ luận điểm rồi. Nàng biết tôi sẽ không tỉnh táo chừng nào tôi còn chưa gặp được anh chàng kia.
“Được rồi, chuyến bay thẳng duy nhất là 6 giờ chiều nay. Anh có thể đặt mua vé.”
Nàng gọi điện cho hãng hàng không Singapore và đưa điện thoại cho tôi.
***
Các y tá dẫn tôi vào một phòng bệnh. Sự im lặng kỳ quái và bóng tối khiến bước chân tôi nghe rõ to. Mười thiết bị khác nhau phát tiếng kêu và những bóng đèn LED sáng rồi tắt theo nhịp đều đặn. Dây cáp nối từ thiết bị biến mất vào người mà tôi đã đi hàng ngàn dặm đến để gặp – Govind Patel.
Tôi nhận ra mái tóc xoăn trước tiên. Cậu ta có nước da màu bánh mật và lông mày rậm. Đôi môi mỏng đã khô vì dùng thuốc.
“Xin chào, Chetan Bhagat… nhà văn mà cậu đã viết thư,” tôi nói, không chắc cậu ta có nhận ra.
“Ô… làm thế nào… anh tìm thấy tôi?” cậu ta nói, rất khó khăn.
“Định mệnh, tôi đoán vậy? tôi nói.
Tôi bắt tay và ngồi xuống. Mẹ cậu ta đã vào phòng. Trông bà có vẻ thiếu ngủ, đáng ra bà mới là người nên dùng thuốc ngủ. Tôi chào bà khi bà ra ngoài lấy trà.
Tôi nhìn người thanh niên. Tôi có hai việc muốn làm ngay – thứ nhất, hỏi xem chuyện gì đã xảy ra, và thứ hai, tát cho cậu ta một cái.
“Đừng nhìn tôi như thế,” cậu ta nói khi trở mình trên giường, “hẳn là anh bực mình. Xin lỗi anh, lẽ ra tôi không nên viết thư.”
“Quên cái thư đi. Cậu không nên làm điều cậu đã làm.”
Cậu ta thở dài. Cậu ta cứ nhìn chằm chằm tôi rồi quay mặt đi.
“Tôi không có gì phải tiếc,” cậu ta nói.
“Thôi im đi. Hành động như thế chả anh hùng gì đâu. Chỉ có kẻ yếu đuổi mới uống thuốc tự tử!”
“Nếu anh ở hoàn cảnh của tôi, anh cũng làm vậy thôi.”
“Tại sao? Chuyện gì đã xảy ra với cậu?”
“Không quan trọng!”
Chúng tôi yên lặng khi mẹ cậu ta quay lại mang theo trà. Một y tá bước vào bảo bà nên về nhà, nhưng bà không chịu nhúc nhích. Cuối cùng bác sĩ phải can thiệp.
Bà ra về lúc 11 giờ 30 tối. Tôi ở lại trong phòng, hứa với bác sĩ sẽ về ngay.
“Kể cho tôi nghe chuyện của cậu đi,” tôi nói khi chỉ còn lại hai chúng tôi.
“Tại sao? Anh có thể làm gì nào? Anh không thể thay đổi chuyện đã xảy ra,” cậu ta nói mệt mỏi.
“Không cứ gì cứ phải thay đổi quá khứ được thì mới lắng nghe. Đôi khi, điều quan trọng là phải biết chuyện xảy ra.”
“Tôi là doanh nhân. Với tôi, người ta làm gì cũng vì lợi ích cá nhân cả. Vậy thì anh được lợi gì ở đây? Và tại sao tôi phải lãng phí thời gian của mình để kể cho anh?”
Tôi nhìn khuôn mặt da mềm mại, nhưng ẩn giấu bên trong sự cứng rắn như thế. “Bởi vì tôi muốn kể cho những người khác,” tôi nói. Đấy là động cơ của tôi.
“Nhưng tại sao lại có ai đó quan tâm? Câu chuyện của tôi không phải thời thượng hay hấp dẫn như chuyện của các sinh viên IIT hay chuyện trên tổng đài tư vấn.”
Tôi gỡ tấm chăn che ngực cậu ta. Máy sưởi và cuộc trò chuyện của chúng tôi giữ ấm căn phòng.
“Tôi nghĩ họ sẽ quan tâm,” tôi nói, “một thanh niên cố tự tử. Điều đó dường như không ổn.”
“Có ai quan tâm chó gì đến tôi đâu.”
Tôi đã cố, nhưng thật khó mà kiên nhẫn được. Tôi lại tính đến việc tát cậu ta.
“Nghe này,” tôi nói, lên giọng hết mức được phép ở trong bệnh viện. “Cậu đã lựa chọn viết thư cuối đời cho tôi. Nghĩa là ở mức độ nhất định, cậu tin tôi. Tôi tìm ra cậu và bay đến đây sau mấy tiếng kể từ khi cậu gửi thư. Vậy mà cậu hỏi tôi có quan tâm không à? Và cái thái độ vênh váo này, ngạo mạn này là sao? Cậu có thể nói chuyện với tôi như một người bạn được không? Cậu có biết bạn là gì không?”
Một y tá nhìn vào phòng khi nghe giọng to tiếng của tôi. Chúng tôi lại yên lặng. Đồng hồ báo nửa đêm.
Cậu ta ngồi đó sững sờ. Hôm nay mọi người cư xử tử tế với cậu ta. Tôi đứng dậy, quay lưng.
“Tôi biết bạn bè là thế nào,” cậu ta nói.
Tôi ngồi xuống cạnh cậu ta.
“Tôi thực sự biết bạn bè là thế nào. Vì tôi có hai người bạn, hai người bạn tốt nhất trên đời.”