“Chỗ này có mấy thứ đồ bỏ đi. Nhưng sẽ là cái kho tuyệt vời cho cửa hàng các cháu đấy,” Mama nói, mở cửa nhà kho cũ nát.
Ánh nắng tỏa vào căn phòng lần đầu tiên trong nhiều năm. Hai con chuột líu ríu chạy ngang. Chúng tôi mò tìm đường đi giữa đống bao đay rỗng, những chồng gạch và đống vữa bỏ đi.
“Phải mất hàng tuần để sắp xếp nơi này. Omi, chúng ta cần sáu bóng đèn trần,” tôi nói.
“Phòng này dài bốn mét rưỡi, rộng bốn mét rưỡi. Kích thước ổn đấy,” Mama nói.
“Mama, cậu muốn cho thuê chỗ này bao nhiêu?” tôi nói.
Tôi đã quyết định chuyển sang bán buôn. Tôi chắc chắn giải cricket vừa xong sẽ khiến nhu cầu tăng đáng kể. Miễn là tôi có thể mua hàng chịu, tôi sẽ kiếm được tiền.
“Vớ vẩn. Một ông bố chẳng bao giờ lấy tiền thuê nhà của con trai mình cả,” Mama nói.
Tôi ghét cái cái kiểu nhân đức ấy. Tôi đã ước tính tiền thuê kho này bằng nửa tiền thuê cửa hàng. Nó không có mặt tiền, nên không dùng làm bán lẻ được.
“Mà nói chuyện con trai, hôm nay ta muốn các cháu gặp con trai ta,” Mama nói và kêu, “Dhiraj! Dhiraj!”
Dhiraj, thằng con mười bốn tuổi của Mama, từ sân đến chạy tới. Cái áo phông có hình người nhện và quần jean tương phản với cái đĩa đựng son và bột nghệ mà nó cầm trên tay.
“A bố đây rồi. Để con bôi vết son cho nào,” Dhiraj nói.
Dhiraj chấm vết son lên trán Mama.
“Chào các anh con đi,” Mama nói. “Govind, Ishaan và, dĩ nhiên, Omi.”
“Chào em,” tôi nói.
“Chủ cửa hàng cricket. Em yêu cricket,” thằng bé nói, giọng mới vỡ ở tuổi dậy thì.
“Nó còn trẻ lắm, nhưng ngoài giờ học, nó đã biết giúp cậu trong chiến dịch tranh cử,” Mama nói đầy tự hào. “Đã đi hai chuyến đến Ayodhya. Vẽ vết son cho các anh con đi, con trai.
Dhiraj chấm dấu son lên trán cho cả chúng tôi. “Con phải làm xong lễ puja. Anh Ish này, hôm nào anh phải chỉ cho em về cricket đấy.”
“Hẳn rồi, thôi chạy mau đi,” Mama nói.
Chúng tôi ra khỏi kho. Mama chốt cửa lại.
“Mọi việc thế nào rồi Mama? Cậu có cần cháu không?” Omi nói.
“Chỉ còn sáu tháng nữa là bầu cử. Trong vài tháng tới, các liên minh sẽ bắt đầu. Ta phải cho Parekh-ji thấy ta có thể làm việc tài ba thế nào.”
Tôi lấy ra mười tờ một trăm rupi và đặt vào tay Mama.
“Tiền thuê kho, Mama,” tôi nói.
“Không lấy tiền,” ông nói.
“Đừng từ chối, Mama. Cháu đã sẵn sàng nghe lời cậu rồi. Công việc đang khá lên. Chúng cháu sẽ sớm trả khoản tiền vay nữa,” tôi nói.
***
“Xin chào, Pandit-ji ạ? Chú nghe được không?” tôi nói. Tôi nhận được cuộc gọi của Pandit-ji một tháng sau khi tôi thuê kho. Cuộc điện thoại rất khó nghe vì tiếng chuông đền, và tôi phải căng tai lên mới nghe giọng của ông ta qua đường điện thoại tồi tệ này.
“Tôi chán lắm rồi, Govind ạ. Tôi muốn gả quách mấy đứa con gái đi, rồi quay về Kashmir của tôi.”
“Cháu hiểu, Pandit-ji,” tôi nói. Ông ta kể cho tôi chuyện này cả chục lần rồi.
“Đúng, nhưng tuần trước có một gia đình tử tế đến nhà chúng tôi. Họ có hai thằng con trai, cả hai đều ở London. Họ sẽ nhận hai đứa con gái nhà tôi. Muốn làm càng sớm càng tốt.”
“Chung một lễ à?”
“Đúng, tưởng tượng xem khoản tiền tiết kiệm được. Nhưng nếu là một lễ, họ muốn phải cho đàng hoàng. Tôi đã bán cái kho, nhưng tôi cần người mua hàng.”
“Hàng trị giá bao nhiêu?”
“Giá bán là hai trăm ngàn. Trong đó, người bán lẻ như các cậu giữ mười phần trăm lợi nhuận, tôi chỉ lời mười phần trăm thôi. Giá thực của nó là chừng một trăm bốn mươi ngàn.”
“Một trăm ngàn thì cháu sẽ lấy,” tôi nói trong cơn bốc đồng. Ish và Omi nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi đang mưu tính điên rồ gì đây?
“Chi phí cũng đến một trăm bốn mươi ngàn rồi, giờ cậu muốn tôi chịu lỗ sao?”
“Cháu đang mua toàn bộ cơ mà.”
“Chuyển tiền cho tôi tháng sau, cậu có thể lấy với giá một trăm mười ngàn,” Pandit-ji nói.
“Cháu đã bảo một trăm ngàn. Không hơn,” tôi nói, giọng quả quyết.
“Bao giờ cậu có thể lấy hàng? Người mua kho cần lấy ngay,” Pandit-ji nói.
“Hôm nay,” tôi nói.
Về sau, khi tôi kể cho Ish và Omi nghe thương vụ này, những nếp nhăn lo lắng cứ chằng chịt trên trán chúng. Tôi thấy vụ này như một mỏ vàng. Ấn Độ đã thi đấu tuyệt vời trong những giải gần đây. Mùa nghỉ hè sẽ bắt đầu vài tuần nữa. Nếu bán hết, tôi có thể nâng gấp đôi khoản tiết kiệm.
“Mày biết mày đang làm gì chứ?” Ish ngờ vực.
Tôi nhìn nó. Những rủi ro trước đây của tôi đã làm nó thất vọng. Nhưng mà, bạn không thể làm ăn mà không chấp nhận đánh cược.
“Có, tao biết. Mày có tin tao không?”
“Dĩ nhiên,” nó nói. “Nhưng con gái ông ta đi rồi.”
“Gì cơ?” tôi nói, bối rối.
“Mày quan tâm đến con bé,” Ish nhắc nhở tôi.
“Ồ,” tôi nói và quay đi. Mày không biết ai quan tâm đến ai đầu, thằng bạn ạ, tôi nghĩ.
***
Việc kinh doanh bùng nổ trong ba tháng tiếp theo. Mọi đứa trẻ Ấn Độ đều chơi cricket trong tháng Năm và Sáu. Các chuyên gia gọi loạt trận đấu giữa Ấn Độ và Úc là lịch sử. Những trận đấu chính thức đều trùng với thời điểm thi cử. Tình trạng không được chơi cricket, bị bó buộc dồn nén như vậy chỉ có dịp bung ra đúng vào kỳ nghỉ.
“Đây là cách Harbhajan cầm bóng phải không?” một thằng bé bảy tuổi cố nắm quả bóng cricket trong bàn tay nhỏ xíu.
“Cách đánh của Laxman và của tao giống y hệt,” một thằng bé khác ở công viên nói.
Lượng khách đến cửa hàng trong đền tăng gấp ba lần. Công việc bán buôn của chúng tôi còn tốt hơn rất nhiều. Các nhà bán lẻ không ngừng gọi điện.
“Gì cơ? Pandit-ji sẽ quay về Kashmir ư? Mà này, cho hai hộp bóng đến cửa hàng thể thao ở City Mali nhé?” một người nói.
“Tôi đã tiếp quản việc kinh doanh của Pandit-ji. Cứ gọi cho chúng tôi nhé, chúng tôi sẽ giao hàng trong hai giờ,” tôi nói với một cửa hàng lớn khác ở Satellite.
“Không, thanh toán bằng tiền mặt thôi. Ahmedabad không bán chịu. Ông muốn lấy ngay phải trả tiền luôn,” tôi nói với một người muốn mua chịu.
Tôi quản lý tiền, Omi đi giao hàng, trong khi Ish trông cửa hàng. Khi các trường học mở cửa trở lại, nó còn kiêm luôn việc cung ứng hàng tháng cho họ. Giờ chúng tôi cung cấp cho bốn trường học. Chỉ có ngày quốc khánh 15 tháng Tám chúng tôi mới có được một ngày yên bình ở cửa hàng.
“Chúng ta nên thả diều. Nhìn bầu trời mà xem, kiếm tiền dễ quá,” tôi vừa nói vừa đếm tiền.
“Đếm nhanh lên,” Omi nói. “Mama muốn chúng ta đến lúc bốn giờ.”
Mama đã tổ chức buổi mít tinh vào ngày quốc khánh Ấn Độ, trùng với ngày bố Ali dự kiến có bài diễn thuyết cho ứng cử viên đảng của ông. Hơn thế, cả hai cuộc mít tinh này diễn ra cùng một địa điểm, ở hai đầu công viên Nana.
“Chúng ta sẽ tới đó lúc bốn giờ. Nhưng đoán xem lợi nhuận bốn tháng qua là bao nhiêu,” tôi nhìn hai đứa kia.
Cả hai nhún vai.
“Bảy mươi ngàn,” tôi nói.
“Bảy mươi gì cơ?” Ish nói.
“Đúng thế. Trong đó bốn mươi ngàn để trả khoản tiền vay. Phần ba mươi ngàn còn lại là của chúng ta,” tôi nói và đưa cho mỗi đứa một cọc tiền.
“Ai quyết định chia số tiền này?” Ish nói.
“Tao, có vấn đề gì không?” tôi nói và nhận ra mình vượt quá giới hạn bằng cái giọng quá quyết đoán.
“Không. Vậy thì chúng ta còn nợ bao nhiêu?”
“Chỉ còn hai mươi ngàn nữa, nếu tính cả lãi suất. Chúng ta sẽ trả hết vào cuối năm nay,” tôi nói và khóa két. Tôi bỏ chìa khóa vào túi áo. Tôi đứng lên định vào kiểm kho.
“Này, Govind,” Ish vừa nói vừa níu tay kéo tôi xuống.
“Gì đấy?”
“Nước Úc,” nó nói.
“Thôi nào, chúng ta đã bàn rồi. Đúng, gặp được Fred thật tốt, và Ali cũng giỏi. Mỗi tội chỉ tiền làm visa thôi đã mất ba ngàn mỗi người.”
“Fred chịu tiền vé rồi,” Ish nói.
“Nhưng chúng ta vẫn phải chi nhiều. Tao tính mỗi người ít nhất phải mười ngàn, cả bốn là bốn mươi ngàn,” tôi nói. Tôi cũng muốn đi lắm, nhưng không chịu nổi chi quá nhiều cho một cuộc chơi bời tốn kém.
“Đây là mười ngàn của tao,” Ish nói và dúi cọc tiền cho tôi. “Phần tao đóng góp vào quỹ đi Úc.”
Tôi nhìn Ish và Omi. Bọn này điên mất rồi. Điên nặng.
“Cầm lấy tiền này về mà dúi cho bố mày ấy. Mày cần làm như vậy.”
“Bố tao sẽ tìm ra lý do khác để chửi tao thôi,” Ish nói.
“Tiền của tao đây.” Omi cũng dúi cọc tiền của nó.
“Nào Omi,” tôi nói.
“Tao không làm vì tiền. Tao được làm cùng bọn mày, và tao không phải làm thầy tế. Với tao vậy là đủ rồi.”
“Vậy thì giữ lại làm ăn và…” Tôi bị cắt lời ngay.
“Không, tiền này chỉ dành đi Úc thôi.”
“Đúng lúc việc làm ăn đang thuận lợi chứ! Ồ, được thôi,” tôi nói và ném cọc tiền của mình vào.
“Đúng rồi đấy,” Ish nói, “chúng ta đã có ba mươi ngàn. Giờ chỉ cần lần này mày không trả tiền vay.”
“Không đời nào, Ish. Tiền vay phải trả.”
“Chúng ta sẽ trả – sau này,” Ish nói.
“Ish, mày chả chịu nghe gì cả. Nếu các chi phí khác đội lên thì sao?”
“Chúng ta sẽ chi tiêu càng ít càng tốt. Chúng ta sẽ mang đủ bánh theplas và bánh khakras để ăn trong thời gian ở đấy. Fred sẽ thu xếp chỗ ở. Mày thử nghĩ mà xem, đội tuyển cricket Úc,” Ish nói.
Tôi ngồi xuống thở dài. Đối tác kèm nhèm về tài chính nhìn tôi như trẻ con chờ kẹo.
“Được rồi. Thế cái đại lý du lịch khỉ gió ấy là ai, để tao thương lượng với hắn,” tôi nói.
“Đúng rồi đấy, tiến hành thôi,” Ish vừa nói vừa quay số người đại lý.
“Một tuần, tao không thể bỏ công việc lâu hơn được, và mỗi ngày ở đó sẽ rất đắt,” tôi nói khi cầm điện thoại.
Omi ngắt máy.
“Để sau đi, chúng ta phải đến công viên Nana ngay,” Omi nói.
***
“Đến hai lần. Người ta đã đào Ayodhya hai lần.” Mama giơ hai ngón tay.
Tiếng ông vọng lại, vì chất lượng kém của mấy cái loa hơn là ảnh hưởng từ những lời của ông. Ish và tôi ngồi phía ngoài cùng hàng đầu. Omi đứng trên sân khấu. Nó cảm thấy mình là người quan trọng khi đeo phù hiệu của đảng, dù vị trí của nó chỉ là thằng chạy việc vặt. Trách nhiệm của nó là mang nước cho mọi người đang ngồi trên sân khấu.
Mama đã quảng bá rất tốt. Hai trăm người đã có mặt, không tồi cho một cuộc hội họp ở trong khu dân cư. Ứng cử viên, Hasmukh-ji ngồi giữa sân khấu, ông là cựu chính trị gia của bang, và là phụ tá lâu dài của Parekh-ji. Mama đang tận hưởng năm phút cầm micro của mình trước bài phát biểu của Hasmukh-ji.
“Vào năm 1978, ASI, một cơ quan của chính phủ, đã tìm thấy bằng chứng về ngôi đền. Nhưng chính phủ phe thế tục đã che giấu việc này. Rồi đến năm 1992, những tình nguyện viên thân mến của chúng ta đã bị đẩy đến nước phải phá vỡ công trình ấy. Và họ phát hiện ra một thứ.”
Ish bắt đầu bẻ đốt tay, để khỏi phải nghe lời Mama.
“Họ tìm thấy một bản kinh Hari-Vishnu viết chắc chắn rằng trong quá khứ ở đó có một ngôi đền. Nhưng đảng thế tục đã chôn vùi tin tức đó. Người ta chuyển sang chú tâm vào những người tình nguyện, coi họ là những kẻ phá hoại. Nhưng còn bằng chứng thì sao? Liệu một người Hindu ở Ấn Độ có thể đòi hỏi công lý hay không? Chúng ta nên đi đâu? Đến nước Mỹ ư?”
Mọi người vỗ tay khi Mama rời sân khấu. Mama có tiềm năng làm ứng cử viên, tôi nghĩ.
Hasmukh-ji đến chỗ micro. Ông ta đề nghị mọi người nhắm mắt và nói Gaytri Mantra ba lần. Điều đó luôn có tác dụng. Đám đông hưởng ứng. Họ thích Hasmukh-ji ngay cả khi ông ta chưa cất lời.
Omi rời sân khấu, và đến chỗ tôi. “Govind, Mama muốn mày do thám cuộc mít tinh của bố Ali. Và Ish, mày ra sau cánh gà được không, cần phải mang bánh đi phát.”
“Nhưng tại sao?” tôi bối rối.
“Mày đã hứa giúp Mama, nhớ không?” Omi nói, tấm phù hiệu bằng lụa bay phất phơ trong gió.
Tôi bước đến đầu kia công viên, đến cuộc tụ tập kia. Ở đây trang trí dùng ít màu vàng hơn, và nhiều màu trắng hơn.
“Gujarat là nơi có những người trí tuệ,” bố Ali đang nói, “những người biết rằng chính trị tách bạch với tôn giáo.”
Tôi tìm một ghế ở hàng cuối và quan sát đám đông. Không như chỗ Mama với một trăm phần trăm là người Hindu, ở đây người hỗn tạp hơn. Nếu đảng thế tục là đảng thân Hồi giáo như Mama đã nói, sao lại có nhiều người Hindu ngồi đây?
“Các vị thần mà chúng ta cầu nguyện, từ thời của họ họ đã đứng tách xa khỏi chính trị. Nếu chúng ta thực sự muốn đi theo các vị thần, chúng ta phải tách bạch tôn giáo với chính trị. Tôn giáo là việc riêng tư, chính trị là việc chung,” bố Ali nói.
“Cậu có phải đảng viên không?” ai đó hỏi tôi. Tôi lắc đầu. Tôi đoán anh ta là người Hindu.
“Còn anh?” tôi nói.
“Có, cả mấy thế hệ,” anh ta nói.
Bố Ali mời ứng cử viên chính, Ghulam Zian, lên sân khấu.
Khi cái ông ngoài thất thập kia bắt đầu nói, thì các micro ngưng bặt và những chiếc quạt cây tắt ngấm. Những tiếng rì rầm lan khắp giữa đám đông. Bị mất điện ư? Không, vì sự kiện này có sẵn máy nổ.
“Phá hoại. Đảng Hindu làm đấy,” một người trong đám đông nói. Sự căng thẳng lan tràn trong không khí. Mọi người đang bàn chuyện tấn công cuộc tụ tập của người Hindu.
“Hãy cho lũ kia một bài học,” một kẻ lực lưỡng dẫn đầu một nhóm người và nhấc ghế lên. Tôi băn khoăn không biết có nên quay về cảnh báo Mama không.
“Có điện rồi. Thưa quý vị, xin mời ngồi xuống. Đã có điện rồi,” bố Ali lên sân khấu, hai tay khoanh lại. Quạt lại quay.
Tôi nhớ chuyện những con tinh tinh hôn nhau và cơ chế hòa giải. Nhưng ngay lúc này, không có nụ hôn nào cả. Chỉ có những chiếc ghế có thể bị quăng khắp nơi khi mất điện.
Tôi bước ra ngoài. Tôi gọi cho đại lý du lịch. “Chúng tôi muốn làm bốn hộ chiếu, và xin visa đi Úc. Và đừng cho tôi cái giá điên rồ.”
Tôi quay lại nghe bài diễn thuyết của Ghulam Zian. Bố Ali nhận ra tôi và bước đến. “Ôi kìa, cậu Govind. Điều gì khiến cậu đến đây? Chào mừng, chào mừng.”
“Bác nói hay lắm. Bác biết Ish có dự định đưa Ali sang Úc chưa?” tôi nói.
“Nó kể rồi, thánh Alla muốn như vậy, nên các cháu sẽ đi. Mỗi ngày Ali nhắc tên Ishaan ít nhất cả chục lần. Đôi khi tôi cảm giác cậu Ish là cha nó chứ không phải tôi. Goa, Úc, tôi chưa bao giờ từ chối nó. Sao cậu ta không ở đây?”
“À, cậu ấy và Omi đang…”
“Ở cuộc mít tinh kia hả, phải không? Đừng lo, tôi hiểu mà. Lựa chọn của các cậu.”
“Cháu là doanh nhân. Cháu không quan tâm đến chính trị,” tôi nói. “Thực ra, cháu phải đi đây.”
Ông ta bước theo tôi. “Tôi sẽ đến chào cậu Ishaan.”
Tôi muốn bảo ông ấy rằng đến chỗ cuộc mít tinh của Mama là ý tưởng thật khủng khiếp. Với ông ấy, chính trị có thể là trò tiêu khiển, nhưng với Mama đó là chuyện sống còn. Tôi không nói gì khi chúng tôi quay lại cuộc mít tinh của Mama. Hasmukh-ji vẫn đang nói, với rất nhiều cử chỉ bằng tay. “Các bạn hãy đặt tay lên tim mình. Bạn không cảm thấy bất công vì là người Hindu sao? Nếu chúng ta từng có nền văn hóa và chính quyền tốt nhất từ cách nay hàng ngàn năm trước, tại sao giờ lại không?”
Từ trên sân khấu, Mama nhìn thấy chúng tôi, ông chỉ ngón tay. Một vài người trong đám đông nhìn tôi và bố Ali.
“Này, ai kia?” một người nói.
Đám đông la ó chúng tôi. Bộ râu của bố Ali trông hoàn toàn không phù hợp với nơi này.
“Biến đi, đồ phản bội,” một người trong đám đông nói.
“Cho hắn một bài học,” người khác nói.
Hasmukh-ji ngừng nói. Thật may, ông ta giữ yên lặng.
Bố Ali giơ tay vẫy Mama và Hasmukh-ji.
“Bố Ali, bác đi đi,” tôi lẩm bẩm, không nhìn vào ông.
Omi chạy đến níu tay tôi. “Mày làm quái gì thế? Tao bảo mày đến do thám, mày lại mang kẻ do thám khác lại đây à?”
Bố Ali nghe Omi nói, ông nhìn tôi. Tôi lắc đầu. Ông mỉm cười với tôi, nụ cười thấu hiểu, và quay lưng bước.
“Cháu quan tâm quái gì vụ này,” tôi hét trả. Tôi không tin ông nghe thấy tôi.