Vidya. Vidya. Vidya – tên em như chuông báo ngân lên trong đầu tôi. Tôi chạy qua những người bán cà chua và những đứa trẻ đang chơi bi để đến nhà em đúng giờ.
Tôi có hàng tấn công việc. Những nhà cung cấp đang đợi, hàng hóa tồn đọng, những đơn hàng còn bị bỏ bê. Tuy nhiên, ý nghĩ về Vidya lấn át tất cả. Một phần trong tôi, cái phần lý trí, mách bảo rằng ý tưởng này không hay đâu. Doanh nhân không nên lãng phí thì giờ vào những chuyện vô bổ như là đàn bà. Nhưng cái phần phi lý trí trong tôi lại thích như vậy. Và cái phần này lại đang kiểm soát tôi. Vidya đâu rồi? Tôi nhìn lên cửa sổ phòng em khi tôi nhấn chuông dưới nhà.
“Govind,” bố Vidya mở cửa. Tôi lạnh cả người. Tại sao đàn ông trong nhà cô gái mà ta quan tâm lại làm ta sợ hãi cả hồn vía vậy?
“Chào chú, Vidya… buổi gia sư,” tôi nói.
“Con bé trên nhà, trên sân thượng ấy,” ông nói và để tôi vào nhà. Ông cầm tờ báo trên bàn. Tại sao người già thích đọc báo thế nhỉ? Họ thích đọc tin tức, nhưng đọc tin để làm gì? Tôi đến cầu thang trong nhà để lên sân thượng.
Ông lại nói khi tôi leo bậc thang. “Con bé thế nào? Liệu có thi được vào trường y không?”
“Cô bé sáng dạ lắm,” tôi nói, giọng lí nhí.
“Không như thằng anh vô dụng của nó,” ông nói. Ông lại đắm mình trong tờ báo, và bỏ rơi tôi.
Tôi leo lên sân thượng. Vidya đứng đó với nụ cười của một tiếp viên hàng không. “Chào mừng đến với lớp gia sư ngoài trời của em.”
Em bước đến ngồi trên cái ghế nhựa màu trắng, có bàn và có thêm một chiếc ghế. “Em có quá nhiều mối nghi ngờ,” em nói, lật giở trang sổ tay.
Khói từ dưới bàn bốc lên.
“Này, cái gì đây?” tôi nói.
“Hương muỗi,” em nói.
Tôi cúi xuống bàn, thấy một vòng hương màu xanh đang âm ỉ cháy. Tôi cũng thấy đôi chân trần của em. Thương hiệu của em là tô màu trắng ngọc trai trên đầu móng chân. “Hương chả ích gì đâu,” tôi nói khi ngước lên, “anh thấy mozzie đang mở tiệc trên đầu em kìa,”
“Mozzie á?”
“Ở Úc người ta gọi muỗi thế đấy,” tôi nói.
“Ồ, vừa đi nước ngoài về đấy. Ở Úc thế nào?”
“Tuyệt lắm,” tôi nhìn em. Tôi cố tỏ ra bình thường. Nhưng nào đâu có được, sau cú điện thoại ấy. Tôi đã lật lá bài của mình rồi. Dù cho tôi có giấu bài sát vào ngực thế nào đi nữa, em cũng đã thấy rồi.
Tôi để ý đến váy của em. Hôm nay, em mặc chiếc váy salwar kameez màu tím và trắng. Vòng cổ của em treo một giọt lệ màu tím, rất hợp với đôi hoa tai. Em mới tắm xong. Tóc em thoang thoảng mùi xà phòng Dettol và mùi của em. Mọi cô gái khi mới tắm xong đều có mùi tuyệt vời. Tôi nghĩ người ta nên đóng chai và đem bán cái mùi ấy.
“Anh có mang quà cho em chứ,” em nói để phá tan sự ngưng đọng, hay đúng hơn là lấp đầy sự yên lặng trong khi tôi đang ngắm nhìn em.
“Ừ,” tôi nói.
Tôi đứng lên, lấy hộp diêm từ trong túi quần jean.
“Blue Orange Café, tuyệt quá,” em nói. Em cầm bao diêm và dùng ngón tay thon nhỏ đẩy mở nắp.
“Ôi, cả bãi biển nước Úc trong tay em,” em nói. Em nâng niu với niềm hãnh diện, như thể tôi đã tặng những viên kim cương bị đánh cắp của nữ hoàng.
“Anh thật ngốc. Lẽ ra anh nên mang gì đó giá trị,” tôi nói.
“Không, thế này là hoàn hảo rồi. Xem này, bên trong có những vỏ sò li ti,” em ra hiệu cho tôi cúi sát lại. Đầu chúng tôi khẽ chạm vào khi chúng tôi nhìn vào trong hộp diêm.
Ngón chân em chạm ngón chân tôi, khi chúng tôi nhích sát hơn.
“Úi,” em nói và rụt chân lại.
“Gì thế?” tôi nói.
“Không sao, hương muỗi,” em nói, “Em chạm vào đầu hương cháy.”
Tôi ngồi thẳng lại. Nước nhỏ giọt từ tóc em sang tóc tôi. Nửa số muỗi bay trên đầu em đã chuyển sang đầu tôi nốt.
“Sao anh lại tằn tiện thế chứ?” tôi nói.
“Không sao mà. Chắc là cuộc gọi tốn lắm.”
“Ừ, năm đô la và sáu mươi xu,” tôi nói, và ngay giây sau thấy hối tiếc vì đã nói như một tay kế toán.
“Đây mới là anh này. Dù sao, món quà tốt nhất của cuộc sống là món quà miễn phí,” em nói và dùng dải dây chun buộc tóc lại.
Tôi gật đầu. Được, đủ rồi đấy, Ngài Lý trí trong tôi mách bảo. Đến giờ học rồi.
Tôi mở sách. Em hỏi một câu làm tôi kinh hãi.
“Tại sao anh lại gọi?”
“Anh bảo rồi,” tôi lúng búng.
“Anh thực sự nhớ em à?” em nói và đặt tay em lên tay tôi.
Tôi rút tay lại theo phản xạ. Em tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Anh xin lỗi, Vidya. Anh không nên. Anh phải tập trung vào công việc, và như thế này chẳng giống anh chút nào, nhưng…” tôi nói và quay đi. Tôi không thể nói khi nhìn thẳng vào em. Hay đúng hơn, tôi không thể nói khi em nhìn tôi.
“Không sao, anh không phải xin lỗi đâu,” em nói.
“Không ổn đâu. Anh không có thì giờ cho tình cảm,” tôi nói, giọng kiên quyết, “và ở đây không phải chỗ phù hợp. Em gái bạn thân của anh ư? Thế chó nào mà… Ôi, anh xin lỗi.”
Em cười khúc khích.
“Nghiêm túc nào, Vidya. Chuyện này không đúng. Anh là gia sư của em, anh trai em tin anh vì anh là bạn, anh có những trách nhiệm – các khoản nợ, việc làm ăn, và cả mẹ anh. Em còn chưa đến mười tám.”
“Hai tháng nữa,” em ngọ nguậy hai ngón tay. “Hai tháng nữa và em sẽ bước sang tuổi mười tám. Là thời gian để mua cho em một món quà đẹp nữa đấy. Mà, anh nói tiếp đi.”
“Ừ, sao cũng được. Vấn đề là có những lý do quan trọng không cho phép anh sa đà vào những cảm xúc vô lý trí. Và anh muốn…”
Em đứng dậy đến bên cạnh tôi. Em ngồi trên cái tay ghế mỏng manh của chiếc ghế nhựa tôi đang ngồi.
Em đặt ngón tay lên miệng tôi. Hai bàn tay em ôm lấy mặt tôi.
“Anh không thường xuyên cạo râu nhỉ? Èo,” em nói. Em khẽ suỵt nhổ vào không khí.
“Gì thế?” tôi nói và nhìn em.
“Em nghĩ một con muỗi hôn em,” em nói và lại nhổ tiếp, “còn trong miệng em không?”
Em há miệng ra và đưa lại gần. Môi em cách môi tôi tám mi li mét.
Khoảng cách nhanh chóng giảm xuống bằng không. Tôi không biết là tôi tiến sát tới em hay em tiến sát vào. Khoảng cách nhỏ quá, nên rất khó khẳng định ai là người khơi mào. Tôi cảm thấy ấm áp trên môi mình, và nhận ra rằng chúng tôi đã tiến đến nhau quá gần, hay có lẽ quá xa.
Chúng tôi lại hôn. Những con muỗi trên đầu mỗi chúng tôi đã quay trở lại.
Tôi muốn nói rằng trong nụ hôn đầu tiên của mình, tôi thấy những vì sao và nghe thấy điệu nhạc ngọt ngào. Nhưng những âm thanh nền lấn át là (a) tiếng nồi áp suất của mẹ Vidya ở trong bếp dưới nhà, (b) tiếng loa vận động tranh cử từ những chiếc ô tô của các đảng phái cho cuộc bầu cử sắp tới và (c) tiếng vo ve không ngớt của đàn muỗi. Nhưng khi bạn đang hôn, mọi âm thanh và cảnh vật đều tắt hết. Tôi nhìn xem sân thượng mấy nhà xung quanh có người không. Rồi tôi nhắm mắt.
“Vidya, mình đang làm gì thế này,” tôi nói, không buông em ra. Tôi không thể dừng được. Xác suất, đại số, lượng giác và vi phân – niềm đam mê bị kìm nén trong những giờ học trước giờ bùng nổ ra.
“Không sao, không sao đâu,” em cứ trấn an và hôn tôi.
Chúng tôi tách nhau ra vì đến người đam mê cũng cần phải thở. Em nhìn tôi và cười thật lớn.
Tôi thu dọn sách bút. Tối nay không học toán.
“Tại sao anh không nhìn vào mắt?” em nhận xét, vẻ ranh mãnh trong giọng nói.
Tôi không nói gì.
“Anh lớn hơn em và giỏi toán hơn em gấp trăm lần. Nhưng, ở khía cạnh nào đó, em trưởng thành hơn anh.”
“Ồ, vậy ư?” tôi yếu ớt thách thức, trong khi thu gom sách lại.
Em nâng cằm tôi lên.
“Em sắp sang mười tám. Em có thể làm bất cứ điều gì mình muốn,” em nói. Tiếng loa tranh cử vẫn tiếp tục. “Em có thể đi bỏ phiếu cuộc bầu cử đó,” em nói tiếp, “em có thể mở tài khoản ngân hàng, em có thể kết hôn, em có thể…”
“Học thôi. Em cũng có thể cố thi vào một trường tốt,” tôi ngắt lời em.
Em cười. Chúng tôi đứng lên và bước về phía bể nước trên sân thượng. Chúng tôi dựa vào bể nước và thấy ánh hoàng hôn. Chúng tôi nói về mọi thứ ngoài môn toán. Tôi kể em nghe về học viện thể thao, về bữa ăn tối cùng Fred, về bầu trời xanh nước Úc và làn nước sủi bọt trên bờ biển Bondi.
Em lắng nghe trong niềm phấn khích. Em nói em ước có thể có một ngôi nhà bên bờ biển, và sẽ sơn tường bên trong màu hồng và vàng. Thật kinh ngạc vì các cô gái có thể vẽ ra kịch bản giả thiết cụ thể đến như vậy.
“Anh uống cà phê không?”
“Em sẽ phải xuống nhà sao?” tôi nói, cầm lấy tay em theo bản năng. Một giọng nói vẫn phản đối trong tôi, nhưng giờ đây giọng nói ấy không còn âm lượng nữa.
“Không, em có một bí mật dưới bể nước này. Đến đây,” em nói và kéo tay tôi.
Bể nước xi măng, cao mét rưỡi, được xây cách mặt nền trên các cột chống bê tông chịu lực. Giữa bể nước và mặt sàn, có một khoang hở cao chừng mét hai. Chúng tôi có thể ngồi ngay dưới bể nước.
“Đây là nơi em yêu thích từ hồi còn nhỏ,” em nói.
Tôi quỳ gối và luồn vào trong theo em. Em kéo ra một cái giỏ. Trong giỏ có một bình giữ nhiệt, mấy chiếc cốc nhựa màu đỏ và bánh quy Marie.
“Chào mừng đến với tiệm cà phê trên mái nhà của Vidya,” em nói và đưa cốc cho tôi.
Tôi nhìn em. Em xinh đẹp quá như thế thì học toán làm gì. Toán chỉ dành cho kẻ thất bại như tôi thôi.
Tôi nhấp một ngụm. Môi tôi vẫn còn cảm giác của đôi môi em. Tôi chống khuỷu tay, nhưng sàn bê tông đau quá.
“Lần sau em sẽ mang gối lên,” em nói.
“Không sao đâu,” tôi nói.
Chúng tôi uống xong cà phê rồi chui ra. Chúng tôi bật bóng đèn sân thượng. Tôi lật giở sách để quên những nụ hôn và cà phê. Lần đầu tiên trong đời tôi, những ký hiệu tích phân trông thật tẻ nhạt.
“Cảm ơn em,” tôi nói.
”Vì cái gì?” em nói.
“Vì cà phê và… em biết mà.”
Em rướn người và hôn lên má tôi. “Cảm ơn anh vì món quà, món quà của tình bạn thân thật sự.”
Tình-bạn-thân-thật-sự, một dấu nối khác. Thế nghĩa là tiến triển.
“Đâu lại có cậu bé tốt và trách nhiệm thế chứ. Ish chả học được gì từ thằng bé cả,” bố Vidya nói với vợ ông khi tôi đóng cửa.
***
Lẽ ra tôi có thể làm sổ sách nhanh hơn nếu không phải vừa làm vừa nhắn tin điện thoại. Điện thoại của tôi đã kêu bíp lần thứ năm.
“Ai đang nhắn tin thế?” Omi đứng ở quầy hỏi.
Sáu giờ tối, gần đến giờ đóng cửa hàng. Ish đã đến một trong các trường công và Omi phải về sớm dự lễ aarti buổi tối. Hơn hai chục hóa đơn, sổ sách, bút và một cái máy tính bao vây tôi.
“Không sao, tao đang thỏa thuận với một nhà cung cấp,” tôi nói. Tôi chuyển điện thoại sang chế độ yên lặng.
“Gọi cho ông ta đi,” Omi nói.
“Như vậy sẽ tỏ ra mình đang đuối. Tao thích để ông ta gọi hơn.”
“Vậy làm sổ trước đi đã, Govind. Có nhiều đơn hàng chưa thanh toán, nguyên cả một đống rối tung,” Omi nói, lấy kẹo hất vào miệng. Tôi bỏ qua. Bất cứ thứ gì để đầu óc nó khỏi bận tâm chuyện nhắn tin.
Điện thoại của tôi lại sáng.
Sinh nhat e.
To chúc theo y e.
A co mua banh ko??
Trong điện thoại, tôi đã lưu số của em dưới cái tên “Nhà cung cấp Vidyanath”, phòng khi ai đó cầm máy tôi. Ngoài ra, tôi cũng xóa hết tin nhắn ngay khi đọc xong.
“Tao hy vọng mày đã tránh xa em gái Ish?” Omi nói. Tay tôi khựng lại khi đang nhắn tin. Tôi tự nhủ, chỉ là ngẫu nhiên thôi. Omi không biết mình nhắn tin cho ai. Thoải mái đi.
Tôi trả lời tin nhắn:
O, em thang rui. Se mua 1 cai, nho thui.
Anh lv day. Em cg hoc di. A
Tôi bỏ điện thoại sang một bên. Những hình mặt cười đã xuất hiện trong đời tôi.
“Tao dạy con bé, Omi ạ. Chỉ vài tháng trước kỳ thi thôi,” tôi nói. Tôi vùi đầu vào công việc sổ sách.
“Con bé có…” Omi bắt đầu.
“Tao làm sổ sách được không, hay chúng ta bàn tán về học sinh của tao?” Tôi lườm Omi.
Mama chạy đến cửa hàng chúng tôi. “Bật ti vi lên nhanh.”
“Hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York,” phát thanh viên kênh tin tức BBC nói. Hình ảnh trực tiếp ấy thật khó tin, dù là theo tiêu chuẩn phim khoa học giả tưởng. Tòa tháp đôi cao hàng trăm tầng có những vết đâm sâu ở giữa, như ai đó đã cắt những ổ bánh mì.
“Liên tiếp hai máy bay, chứng tỏ rằng cuộc tấn công khủng bố là có dự tính trước,” một chuyên gia tình báo quân sự nói trên truyền hình. “Thế giới sẽ không bao giờ như xưa được nữa,” thủ tướng Israel nói.
Chúng tôi kéo cửa khép hờ. Mọi người trong đền tập trung quanh ti vi, ở đó chiếu đi chiếu lại cảnh tòa tháp đôi đổ sập xuống. Khói, muội đen, bụi bê tông ngập khắp đường phố New York. Các bản tin cho biết có hàng ngàn người chết.
“Cái…” Ish nói khi nó quay về cửa hàng.
“Bọn khủng bố Hồi giáo, ta đảm bảo đấy,” Mama nói khi điện thoại của ông đổ chuông. Ông nhìn số và chăm chú đứng lên.
“Parekh-ji ạ?” Mama nói, giọng ông khúm núm.
Tôi không nghe thấy Parekh-ji nói gì.
“Tôi đang xem,” Mama nói. “Bọn chúng đang biến thành mối đe dọa. Vâng, vâng, thưa ngài Parekh-ji, chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử, vâng,” Mama nói, lau mồ hôi trên ngực, “Belrampur không thành vấn đề… vâng, các khu vực khác thì cần làm thêm, nhưng ngài biết Hasmukh-ji rồi đấy. Ông ấy không dành nhiều thời gian…”
Bittoo Mama bước xa khỏi chúng tôi. Parekh-ji cho ông lời khuyên về cuộc bầu cử tuần sau.
Vào đêm muộn, những hình ảnh đầu tiên về các nghi can được phát đi. Bốn thanh niên Hồi giáo đã tham gia học lái máy bay vài tháng trước. Chúng đã dùng loại dao cắt giấy trong văn phòng để cướp máy bay, và gây ra một trong những thảm họa nhân tạo kinh hoàng nhất thế giới. Một lão già gầy đét tên là Bin Laden đã phát đi một video quay nghiệp dư, tự nhận đó là ý tưởng của ông ta.
“Có chuyện gì thế?” Omi hỏi Mama khi ông nghe xong điện thoại.
“Hasmukh-ji nghĩ mọi chuyện là đương nhiên. Ông ta không đến các phố thuộc khu vực cử tri của mình.”
“Parekh-ji không vui sao?” Omi nói.
“Ông ấy không bực cậu. Ông ấy cũng không lo lắng quá. Cuộc bầu cử bổ sung này chỉ có hai ghế ở Gujarat. Cuộc bầu cử thực sự là sang năm kìa.”
“Mama, vậy là sang năm,” Omi nói và vỗ vào lưng Mama, “họ tộc ta sẽ có một ông Nghị.”
Chuông đền thờ vang lên, báo hiệu tới giờ làm lễ aarti cuối ngày. Omi và Mama đứng dậy bước ra.
“Ta phải cho Parekh-ji thấy ta xứng đáng. Giành được ghế này sẽ có ích,” Mama nói.
“Cậu cần giúp gì nữa không?” Omi nói. “Cháu đã làm quá nhiều rồi,” Mama nói và hôn Omi, “nhưng chúng ta phải nỗ lực thêm nữa vào tuần tới. Parekh-ji nói những cuộc tấn công này có thể có lợi cho chúng ta. Chúng ta ra làm lễ aarti và nói với mọi người thôi.” Họ rời cửa hàng đi vào trong đền.
“Điện thoại mày lại sáng kìa. Chế độ yên lặng à?” Ish nói. Nó gom hết các hóa đơn vung vãi trên sàn. Chúng tôi đóng cửa hàng.
“Ồ, chắc là nhầm thôi,” tôi nói và cầm máy, “một nhà cung cấp gửi tin nhắn.”
Tôi mở tin nhắn của nhà cung cấp Vidyanath.
Khi dang hoc, e nghi den nhung nu hon
A va chi a thoi, nho lam
Tôi cho điện thoại vào túi.
“Gì thế? Định bán gì cho mày à?” Ish nói.
“Ừ, đang nài tỉ tao, căng phết,” tôi nói khi khóa ngăn đựng tiền.
***
“Ta biết mà, ông già kia chẳng chịu nghe,” Mama nói.
Ông hết tỏ ra phẫn uất lại chảy nước mắt. Khó có thể làm một người chín chắn và cứng cỏi như ông khóc. Tuy nhiên, vất vả nhiều tháng để rồi thua trong cuộc bầu cử còn khó chấp nhận hơn. Chúng tôi đứng ngoài các phòng đếm phiếu. Các quan chức bầu cử vẫn đang kiểm những lá phiếu cuối cùng, dù đảng thế tục đã giăng cờ mở hội ngoài kia.
“Xem phiếu ở Belrampur,” Mama chỉ về các thùng phiếu. “Đảng Hindu chiến thắng dễ dàng. Đó là khu vực của ta. Hai khu vực khác giao cho ta phụ trách, chúng ta cũng thẳng đa số ở đó.”
Nhóm ủng hộ ông, khoảng đâu chừng hơn hai trăm người, họ cúi đầu xuống.
“Và hãy xem chuyện xảy ra ở các khu vực khác. Tay giáo sư người Hồi kia thì được rồi. Ông ta thậm chí còn đi gặp các bà già. Nhưng còn Hasmukh-ji thì sao? Hử, suốt ngày vênh vang mình là người ở đẳng cấp trên. Ông ta không chịu đi bộ vào ngõ phố mà cứ tưởng mình có thể thắng cử bằng cách ngồi trên xe hơi vẫy vẫy tay. Và nhìn xem, trước giờ đếm phiếu hai tiếng ông ta đã chạy trốn.”
Mama đưa tay lau nước mắt rồi nói tiếp. “Chẳng phải ta cũng xuất thân từ một gia đình thầy tế sao? Nhưng chẳng lẽ ta không đi vào những con phố ngập mùi cống rãnh trong khu vực của người Hồi giáo? Chẳng lẽ ở đó không có các cử tri Hindu? Tại sao ông ta không đến đó?”
Những người làm việc cho đảng thế tục chế nhạo nhóm của Mama. Bầu không khí trở nên gay gắt khi vài người trong nhóm của Mama chặn một kẻ đánh trống.
“Ở đây sẽ gay go đấy,” tôi nói vào tai Omi, “chúng ta đi thôi.”
“Tao không đi được. Mama cần tao,” Omi nói.
Một chiếc Mercedes trắng chạy đến trước điểm kiểm phiếu. Một chiếc xe jeep chở vệ sĩ chạy bên cạnh. Các vệ sĩ bao vây khu vực khi cửa xe Mercedes mở. Parekh-ji bước ra.
Mama chạy đến Parekh-ji. Ông nằm rạp xuống đất và chạm vào chân Parekh-ji.
“Tôi là người có lỗi. Hãy trừng phạt tôi đi,” Mama nói, giọng ông nặng nề.
Parekh-ji đặt hai tay lên đầu Mama. “Đứng lên đi, Bittoo.”
“Không, không. Tôi muốn chết ở đây. Tôi đã làm cho người vĩ đại nhất thất vọng,” Mama tiếp tục kêu khóc.
Parekh-ji liếc nhìn về những gã thanh niên, vẻ cương nghị. Mọi người lùi lại. Parekh-ji đỡ vai Mama đứng lên, “Nào, hãy đến Vishala ăn tối. Chúng ta cần nói chuyện.”
Mama bước về phía xe của Parekh-ji, đầu ông vẫn cúi.
“Đến đây nào chàng trai,” Parekh-ji nói với Omi. Ish và tôi nhìn nhau. Có lẽ đến lúc Ish và tôi nên chuồn.
“Ish và Govind đi cùng được không? Tụi nó đã đến Gandhinagar,” Omi nói. Tôi đoán nó muốn chúng tôi đến ăn tiệc ở Vishala, là nơi mà bình thường chúng tôi không đủ tiền vào.
Parekh-ji nhìn chúng tôi và cố nhớ xem. Tôi không biết ông ta có nhớ được không.
“Vào xe đi,” ông nói.
***
Nhà hàng Làng Vishala và Bảo tàng Utensils nằm ở ngoại ô Ahmedabad, trong làng Sarkhej. Cùng với bảo tàng nghề thủ công và những sân làng, ở đây còn có một nhà hàng dân tộc phục vụ các món ăn đúng chất Gujarat.
Chúng tôi vào một phòng nhỏ, ngồi bệt trên sàn đất sét. Nhân viên an ninh của Parekh-ji ngồi bên ngoài, gần chỗ diễn múa rối dành cho trẻ em. Súng của họ làm những người phục vụ biết tầm quan trọng của vị khách, và đảm bảo chúng tôi được phục vụ tốt. Trong vài phút, chúng tôi đã có vài chục món ăn trước mặt.
“Ăn đi, và trong chính trị thì không được ủy mị. Những bài diễn thuyết đầy cảm xúc là tốt, nhưng trong đầu ta luôn phải suy nghĩ rạch ròi,” Parekh-ji giảng giải cho Mama.
Chúng tôi đã tống vào bụng nào là bánh xốp dhokla, nào bánh cuộn khandvi, bánh gối ghugra, bánh viên gota, bánh dalwada, và nhiều món bánh Gujarat khác. Trước khi món ăn chính được đưa ra tôi đã thấy no căng bụng.
“Bây giờ, nghe này,” Parekh-ji nói khi ông uống hết cốc nước bạc hà, “mọi thứ không dễ dàng như bề ngoài đâu. Đằng sau thất bại của Hasmukh-ji còn cả một câu chuyện. Chúng ta đã dự liệu trước.”
“Sao cơ?” Mama nói trong khi Omi, Ish và tôi hăng hái xông vào đồ ăn.
“Giới cấp cao trong đảng đã dành cho ông ta một suất. Nhưng ông ta lại thuộc nhóm tư tưởng cũ. Cùng với tư tưởng của vị thủ hiến bang hiện nay. Lãnh đạo tối cao ở Dethi không hài lòng với họ.”
“Họ không ư?” Mama ngờ nghệch lặp lại.
“Không. Có thể chúng ta là đảng Hindu, nhưng thế không có nghĩa chúng ta suốt ngày rao giảng tôn giáo mà không làm việc. Dân ở Gujarat chăm lo làm ăn, đấy không phải chỗ của người lười biếng. Lãnh đạo tối cao không thích cách chính quyền giải quyết hậu quả trận động đất. Người dân mất mát rất nhiều trong đó. Ta biết các cậu bé đây cũng vậy,” ông quay sang chúng tôi.
Chúng tôi gật đầu. Việc nhắc đến trận động đất vẫn còn gây đau nhức.
“Cuộc bầu cử bổ sung cho mấy ghế này chỉ là sự ban ơn thôi. Phe tư tưởng cũ đã đưa ra ứng cử viên của họ. Chúng ta biết họ yếu. Dĩ nhiên, những người làm việc chăm chỉ như Bittoo đã cố gắng hết sức. Nhưng, một ứng cử viên bù nhìn vẫn là một ứng cử viên bù nhìn. Nên chúng ta mất cả hai ghế. Với cuộc bầu cử trong mười hai tháng nữa, cả bộ máy của đảng sẽ bị lung lay. Và cuối cùng, lãnh đạo tối cao có cơ hội tạo thay đổi.”
“Thay đổi nào?” Mama nói.
“Họ đang thay thế vị thủ hiến bang hiện nay.”
“Sao cơ? Vì mất hai ghế ư?” Mama nói, “tổng số ghế là…”
“Một trăm tám mươi,” Parekh-ji nói khi ông bẻ chiếc bánh bajra roti, “nhưng như ta đã nói, nó tạo cớ để thay đổi. Và Gujarat là nơi sống còn với đảng chúng ta. Chúng ta không thể để mất được.”
“Ai sẽ là thủ hiến bang mới?” Mama nói.
“Họ sẽ thông báo trong vài ngày nữa. Ông ấy là bạn cũ của ta. Ông ấy là người rắn rỏi, cương quyết và thành thật. Với ông ấy, ta cảm thấy tự tin bước vào cuộc bầu cử sang năm.”
“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết thưa Parekh- ji. Cuộc đời tôi là của ngài,” Mama nói khi phục vụ lấy thêm cháo đậu và xúp kadhi lần thứ ba.
“Tôi quý ông, Bittoo ạ,” Parekh-ji nói, nhìn chúng tôi.
“Parekh-ji, tôi có thể được một suất cho cuộc bầu cử năm sau không? Ngài biết sự tận tâm của tôi đấy,” Mama nói.
Khuôn mặt Parekh-ji đanh lại.
“Tôi xin lỗi vì quá nóng vội,” Mama nói.
Parekh-ji bật cười. “Không, chúng ta cần những người tham vọng như ông. Nhưng Bittoo này, số suất thì có ít. Và chúng ta có mười ngàn người. Ông là người tốt, tận tâm, và tôi muốn giúp ông. Nhưng…”
“Nhưng sao, thưa ngài Parekh-ji? Hãy chỉ đường cho tôi.”
“Để lọt vào tốp đầu, ông không những phải làm việc thôi, mà còn phải gây được chú ý. Ông hiểu không?”
Mama chầm chậm gật đầu.
“Tôi không chỉ trích ông. Tôi đang cho ông lời khuyên để lọt vào cấp tiếp theo, vì ông có tiềm năng. Đừng chờ chỉ dẫn, mà hãy chủ động. Thế mới là lãnh đạo, đúng không?”
“Hàng tháng, tôi sẽ tổ chức đưa những người trẻ đến Ayodhya. Chúng tôi sẽ định hướng cho họ về di sản của chúng ta và gia tăng sự ủng hộ cho chúng ta.”
“Tốt lắm, cứ làm như vậy. Hãy đi cùng tôi để gặp lãnh đạo tối cao khi ông làm được nhiều việc hơn. Còn tôi sẽ hỗ trợ ông thêm. Thỏa thuận thế nhé?”
Parekh-ji chìa tay ra để bắt tay. Mama đưa tay của mình xuống thẳng bàn chân Parekh-ji, là phần cơ thể nên chạm vào khi tiếp xúc với người có vị thế chính trị cao hơn.
“Ở đây không có món tráng miệng sao?” Parekh-ji nói vì sự chậm trễ sau khi món ăn chính đã dọn vào.
“Ai sẽ đi lấy món sinh tố cho quý ngài đây hả?” Mama hét lên với mấy người phục vụ.