“Goa, oa! Ai mà tốt số nhỉ,” Vidya nói, ngậm chiếc ghim trong miệng. Em đứng trên ghế trong phòng, đang đính poster Aamir Khan trong phim Dil Chahta Hai lên tường. Tôi, gia sư của em, cầm giúp em cái khay đựng ghim. Thế là quá nhiều cho vị trí thẩm quyền như tôi.
“Goa là ý tưởng của anh trai em đấy. Thực sự anh không cần kỳ nghỉ thế này,” tôi nói.
“Dĩ nhiên anh cần chứ,” em nói khi bước xuống. “Nó sẽ giúp anh quên đi trận động đất.”
“Thứ sẽ giúp anh vượt qua trận động đất ấy là công việc, và số tiền kiếm được để trả những khoản vay kia. Chuyến đi này ngốn hết của bọn anh ba ngàn.” Tôi quay lại bàn của em.
Em ngồi vào ghế, mở sách ra và dập từng trang khi em lật giở.
“Em có thể tỏ ra hứng thú hơn không?”
“Em đâu phải diễn viên giỏi,” em nói.
“Thú vị lắm. Vậy em có học chương vi phân trong thời gian gọi là tự học của em không.”
“Em tự học trong khi anh không có thời gian cho em,” em nói. “Dù sao, em cũng không hiểu thứ này. Như mọi khi, em dốt đặc. Cái ‘dx dt’ này là gì đây, tại sao lại có nhiều ký hiệu đáng sợ thế?”
“Vidya này, em đang sắp vào trường y. Em đừng có nói như…” tôi bỏ lửng giữa chừng. Tôi mở chương vi phân ra. Trẻ hư đốn phải được mớm cho những điều cơ bản.
“Đừng có nói như gì cơ?”
“Như một cô ngốc thế. Giờ thì tập trung vào.”
“Em không ngốc. Anh cứ đi Goa đi, cứ lo làm ăn đi, kiếm tiền đi, cứ xúc phạm người không ham hố môn toán và không có thời gian cho bạn bè nữa đi. Em có thể thu xếp ổn thỏa.”
Cái từ cuối cùng “ổn thỏa” được em nói to nhất.
“Xin lỗi nhé. Có vấn đề gì không?” tôi nói sau một lát.
“Có, vấn đề vi phân. Chúng ta bắt đầu được chứ?”
Tôi mất một tiếng để giảng cho em về vi phân. “Thử làm bài này xem. Đọc chương tiếp theo chờ khi anh quay về nhé,” tôi nói vào cuối buổi học.
Em vẫn yên lặng.
“Vidya, sao đôi khi khiến cho em nói chuyện lại khó như nhổ răng vậy.”
“Em chỉ thích như thế này thôi, có sao không? Chỉ anh mới có quyền phớt lờ người khác thôi chắc?” em phản đòn. Mắt em ngấn ướt và những ngón tay dài run rẩy. Trước khi làn ngấn ướt kia hóa thành mưa, tôi phải té ngay.
“Bốn ngày nữa anh sẽ về,” tôi nói khi lao ra cửa.
“Ai quan tâm chứ?” em nói sau lưng tôi.
***
“Nhớ ăn đúng giờ và đừng thức khuya nhé,” bố Ali nói khi tàu bắt đầu chạy.
Ali quá phấn khích nên không quan tâm lời bố dặn dò. Nó chiếm ngay cái giường tầng trên rồi leo lên. Omi nói lời cầu nguyện trước chuyến đi.
“Mẹ kế của Ali không quan tâm. Nó là một phần trái tim tôi,” bố Ali nói và mắt ông ngấn ướt. “Đôi khi tôi ước mình không tái hôn.”
Chúng tôi cho tiền và vé vào túi bóng rồi nhét vào trong tất của tôi. Đi cùng một cậu bé mười hai tuổi, và hai đứa trẻ to đầu khác, thì trách nhiệm này phải đổ lên tôi.
“Không sao đâu, thưa bác. Giờ bác có thể tham gia cuộc mít tinh bầu cử ở Baroda rồi,” tôi nói.
“Đúng vậy. Tôi không thể để Ali cùng với mẹ kế nó suốt bốn ngày được.”
“Năm nay bác có dành được một suất không,” tôi nói khi tôi tuồn va li xuống dưới giường.
Tàu bắt đầu chuyển bánh.
“Không, không. Tôi không phải nhân vật cao cấp trong đảng. Nhưng tôi sẽ giúp ứng cử viên ở Belrampur. Ali này, đừng có nhảy nhót ở giữa như thế, Ali…” giọng của ông xa dần khi tàu tăng tốc.
Ish cầm tay Ali và kéo nó vào lòng. “Chào cho tử tế đi nào,” Ish nói.
“Khuada Hafiz, abba,” Ali gọi với ra khi tàu chạy đến miền nhiều nắng hơn.
***
“Ban tổ chức. Chúng tôi phải gặp ban tổ chức. Để chúng tôi vào,” tôi nói. Một gã tay đầy lông lá ngăn tôi lại. Cánh tay đấy là của một nhân viên an ninh phụ trách ngoài khu vực khán đài VIP.
“Ba mươi ngàn người ở đây muốn vào trong đó. Cậu là ai? Đi săn chữ ký à?”
“Nói đi,” Ish nói với tôi, giọng thì thầm.
“Gọi cấp trên của anh đi. Tôi cần nói chuyện với ông ấy.”
“Tại sao?” gã lông lá nói.
Tôi chìa danh thiếp ra. Trên đó viết “Zuben Singh, chủ tịch, Wilson Sport”. Pandit-ji có lần gặp chủ tịch của công ty thể thao lớn nhất Ấn Độ. Tôi đã mượn tấm thiếp này trong thùng hàng của ông.
“Tôi sở hữu Wilson Sport. Chúng tôi muốn bàn chuyện tài trợ. Giờ thì anh có chịu hợp tác không hay…”
Gã nhân viên an ninh toát hết mồ hôi và gọi cấp trên. Tôi nhắc lại câu chuyện cho anh này. Anh ta gọi cho nhân viên an ninh cao cấp nhất, người này đến trong bộ áo vét. Tôi giả bấm máy gọi điện, vờ như để trao đổi về những đơn hàng trị giá hàng trăm triệu rupi. Anh ta vẫn hoài nghi. Tôi kết thúc cuộc gọi khác bằng tiếng Gujarat và khuôn mặt anh ta mềm lại.
“Người Gujarat à?” anh ta nói.
Tôi nhìn chằm anh ta, cố giải mã để tìm câu trả lời hay nhất. Ở Ấn Độ bạn không biết ai đó sẽ thích hay ghét bạn chỉ vì bạn đến từ một nơi nào đấy.
“Đúng,” tôi thận trọng nói.
“Ồ, xin chào?” anh ta nói tiếng Gujarat. Cảm ơn Thượng đế vì Ấn Độ là đất nước nhiều vùng miền.
“Tôi vừa từ Ahmedabad đến đây,” tôi nói.
“Tại sao anh đến mà không có hẹn?” anh ta nói.
“Tôi đến xem trận đấu. Tôi đã thấy đội Úc chơi, và nghĩ có lẽ chúng tôi có thể tìm một đại sứ thương hiệu.”
“Tại sao lại đội Úc? Tại sao anh không chọn Ấn Độ?”
Một câu hỏi hoàn toàn chẳng liên quan, nhưng nó cho thấy anh ta dần tin chúng tôi. “Không đủ tiền trả cho đội Ấn Độ. Những cầu thủ giỏi quá đắt. Những cầu thủ tồi thì, ờ anh nói thử xem, anh có định mua cây gậy được Ajit Agarkar xác thực không?”
Tay nhân viên an ninh gật đầu. Anh ta nói vào mic treo ở tai và quay sang chúng tôi.
“Một người các anh ở lại với chúng tôi,” trưởng nhóm an ninh nói.
“Cậu ta,” tôi nói và chỉ về Omi.
“Một nhân viên an ninh sẽ hộ tống các anh. Còn cậu bé này? Cậu ta có cần đi không?”
“Ồ có chứ, cậu ta nằm trong chiến dịch này đấy. Anh biết đấy, chúng tôi đang thực hiện chương trình huấn luyện viên và học trò.”
Cổng mở ra. Đám nhân viên an ninh khám xét chúng tôi đến phát phiền. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được khu khán đài riêng. Chúng tôi bước qua những hàng ghế sang trọng, màu đỏ, bọc vải sợi thủy tinh, rồi ngồi xuống một hàng ghế trống. Chúng tôi ngồi ở khu vực có tầm nhìn tốt nhất trên sân. Chúng tôi đến sau khi lượt đánh bóng của Ấn Độ đã kết thúc. Giờ đến lượt đội Úc đánh bóng. Ngoài những cầu thủ đang ở vạch đánh bóng, đội của họ sẽ nhanh chóng vào vị trí.
“Omi sẽ ổn chứ?” Ish thì thầm.
Tôi gật đầu.
“Chúng tôi sẽ đợi cho đội Úc ra, được chứ?” tôi nói với tay nhân viên an ninh phòng khi anh ta lại nghi ngờ nữa. Anh ta gật đầu.
“Anh cũng là người Gujarat?” Ish hỏi anh ta.
“Không,” tay nhân viên an ninh nói. Anh ta trông có vẻ thất vọng, như thể một cô gái Gujarat làm trái tim anh ta tan vỡ.
“Này, nhìn thật chậm ra năm hàng đằng sau đi,” Ish nói.
Tôi quay lại. Có một anh chàng người Sikh đội khăn xếp màu huyết dụ, mặc áo của đội tuyển Ấn Độ.
“Shanandeep Singh, cầu thủ dự bị. Cậu ta sẽ vào đội tuyển thôi. Tao có nên đến bắt tay không nhỉ?”
“Đừng ngốc thế. Khi nghi mày là kẻ đeo bám người nổi tiếng, thì bọn họ sẽ tống chúng ta khỏi đây,” tôi nói.
“Em uống được không?” Ali nói khi những người phục vụ mặc đồng phục trắng mang đồ uống nhẹ đi qua.
“Cứ giả vờ như em sở hữu một công ty hai tỉ rupi. Cứ uống đi, Ali,” tôi nói.
Chẳng bao lâu, chúng tôi đều uống nước Fanta trong những chiếc cốc cao. Cảm ơn Thượng đế vì các nhà tài trợ.
Tiếng rầm rì nổi lên trong khu vực khán đài chúng tôi. Mọi người quay lại nhìn những người mặc áo vàng bước ra từ phòng thay đổ. Ish siết chặt tay tôi khi nó thấy các cầu thủ đội tuyển Úc. Họ đến ngồi trước chúng tôi hai hàng ghế.
“Kia là Steve Wangh, đội trưởng tuyển Úc,” Ish thì thầm vào tai tôi. Qua miệng nó, tôi có thể nghe nhịp tim nó đập.
Tôi gật đầu và hít thật sâu. Vâng, mọi người đã ở đó – Bevan, Lehman, Symonds và thậm chí cả McGrath. Nhưng chúng tôi không đến đây để gặp đội Úc như thể một đám fan cuồng. Chúng tôi ở đây là có mục đích.
“Anh Ish, có cả Ponting, đang đeo tấm lót. Anh ấy ở hàng dưới,” tiếng gào hét của Ali phá hết nỗ lực ứng xử điềm đạm của chúng tôi.
Vài người chú ý, nhưng lại quay đi vì Ali chỉ là đứa trẻ.
Những khách VIP thực thụ chẳng bao giờ gào lên vì các ngôi sao, dù họ thích giao du với những người đó.
Một thanh niên da trắng, tôi không nhận ra là ai, bước đến ngồi xuống hàng ghế trước chúng tôi. Anh ta mặc áo đội tuyển Úc, nhưng lại mặc quần soóc kaki bình thường. Mái tóc xoăn, đôi mắt xanh biển thẫm, anh ta chắc chưa quá hai mươi.
Các khách VIP vỗ tay khi Adam Gilchrist ghi sáu điểm. Ở khu vực khán đài chung, có sự yên lặng đau đớn. Ish muốn chửi thề tay ném bóng kia, nhưng ý thức thắng thế và nó giữ trật tự.
Đội tuyển Úc đập tay ăn mừng vì điểm sáu ghi được. Gã thanh niên tóc xoăn trước chúng tôi giơ nắm tay lên.
Ali uống hết cốc Fanta thứ ba.
“Đến nói chuyện đi. Việc của tao xong rồi,” tôi thúc Ish.
“Đợi vài lượt ném bóng nữa, để trận đấu định đoạt rồi đã,” Ish nói.
Đội Úc mất người đầu tiên là Hayden, ở điểm số bảy mươi và có một tràng pháo tay trang nghiêm ở khu vực khán đài VIP. Đồng đội đến chúc mừng Ponting khi anh ta bước ra vạch đánh bóng. Srinath loại Ponting ở ba lượt bóng sau đó.
Ish không thể kìm mình lâu hơn được nữa. “Đúng rồi, Srinath cố lên,” Ish khoái trá, làm tôi phải ngăn để nó khỏi đứng lên ghế. Vài người nhếch mép vì thời buổi này người hạ đẳng cũng vào được khán đài VIP. Bevan, đã đeo tấm bảo vệ chân, ra sân đánh bóng. Anh chàng tóc xoăn quay sang nhìn Ish.
“Tiến lên, Ấn Độ tiến lên. Chúng ta có thể làm được. Chiến thắng chung cuộc, 2-2 rồi,” Ish tự nói với mình.
Anh chàng kia nhìn chằm chúng tôi. Ish có ý thức hơn.
“Không sao đâu anh bạn, chúc mừng,” anh ta nói.
“Xin lỗi, chúng tôi…,” tôi nói.
“Nếu đó là đội của tôi, tôi cũng làm vậy thôi,” anh ta nói.
Đây là cơ hội để nói chuyện. Có lẽ anh ta là em trai của một cầu thủ hoặc gì đó.
Tôi thúc cùi chỏ vào Ish.
“Xin chào,” Ish nói. “Tôi là Ishaan, chúng tôi từ Ahmedabad ở Gujarat. Và anh ta là Zubin, anh ta sở hữu hãng thể thao Wilson. Và đây là Ali.”
“Rất vui được gặp anh. Tôi là Fred. Fred Li.”
“Anh chơi trong đội à?” tôi hỏi Fred.
“Lúc này thì không, chấn thương ở lưng. Nhưng đúng, tôi bắt đầu chơi cho đội Úc từ một năm trước.”
“Đánh bóng?”
“Ném bóng, sở trường tốc độ,” Fred trả lời.
“Fred này, chúng ta cần nói chuyện. Về cậu bé này. Chúng ta thực sự cần nói chuyện,” Ish nói, nó thở dốc vì phấn khích.
“Cũng được thôi, để tôi lại chỗ anh.” Fred nói và nhảy qua ghế, ngồi xuống cạnh Ish.
Nhân viên an ninh thở phào khi anh ta thấy chúng tôi ngồi với người da trắng. Hẳn chúng tôi cũng khá quan trọng.
Ish kết thúc câu chuyện của nó sau một tiếng đồng hồ.
“Anh muốn tôi kiểm tra nó à? Anh bạn này, anh nên đưa nó đến gặp nhà tuyển mộ nước anh hoặc gì đó.”
“Tin tôi đi, nếu nhà tuyển mộ Ấn Độ mà biết làm việc của mình thì chúng tôi sẽ không thua nhiều trận như vậy trước một đất nước mà dân số chỉ bằng một phần năm mươi dân chúng tôi. Không có ý xúc phạm đâu.”
“Đội chúng tôi rất khó đánh bại. Có vài lý do,” Fred nói từ tốn.
“À, đó là lý do tôi muốn anh kiểm tra nó. Tôi đã bồi dưỡng gần một năm, và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi đi hết hai tư tiếng đồng hồ để gặp ai đó trong đội của anh, vì tôi tin các anh.”
“Và điều đó sẽ giúp gì? Nếu tôi nói nó tốt thì sao?”
“Nếu anh bảo thằng bé này có tiềm năng tầm cỡ thế giới, tôi sẽ dành cả đời mình để mang nó đến thế giới, tôi thề đấy. Làm ơn đi, chỉ cần ném bóng cho nó vài lần thôi.”
“Anh bạn à, nếu ai đi qua tôi cũng làm như vậy…”
“Tôi van anh đấy, Fred. Lời cầu xin của một cầu thủ với một cầu thủ. Hay đúng hơn, một cầu thủ vô danh với một cầu thủ lớn.”
Fred nhìn chằm Ish, cặp mắt xanh không hề chớp.
“Tôi đã chơi cho quận của tôi. Chưa bao giờ được dìu dắt để tiến xa hơn,” Ish tiếp tục. “Tôi đã bỏ phí việc học hành, đã tranh đấu với cha mẹ tôi, đã vứt bỏ sự nghiệp của mình vì môn thể thao này. Môn thể thao này là tất cả với tôi. Không phải ai anh gặp cũng như vậy đâu.”
Fred mỉm cười trước lời đó. “Anh bạn à, người Ấn các anh đúng là giỏi làm người khác xúc động. Tin tôi đi, tôi cũng từ bỏ nhiều thứ vì trò chơi này.”
“Vậy là anh đồng ý à?”
“Bốn lần bóng thôi nhé, không hơn. Sau trận đấu. Cứ ở gần đây,” Fred nói và quay về ghế của mình. “Và tốt hơn anh nên hy vọng đội Úc sẽ thắng, để tôi còn có tâm trí giữ lời hứa.”
Nụ cười của Ish đóng băng lại. “Tôi không làm thế được. Tôi không thể cầu mong Ấn Độ thua được.”
“Đùa thôi anh bạn. Các anh giỏi làm người khác xúc động. Nhưng chúng tôi giỏi làm người khác bực mình,” Fred nheo mắt.
Một nửa số từ tiếng Anh kiểu Úc Fred nói ra tôi không hiểu, nhưng dù sao chúng tôi vẫn cười.
“Gọi bạn tôi đi, chúng tôi cần anh ta,” tôi nói với tay nhân viên an ninh, giọng kiên quyết.
Hai phút sau, Omi đến ngồi cùng chúng tôi. Lúc vào, nó khát đến nỗi vồ ngay cốc nước của Ali.
“Bọn mày đã làm quái gì thế? Tao đợi cả hai giờ liền?”
“Kết bạn,” tôi nói, mỉm cười đáp trả Fred khi đội Úc ghi được bốn điểm.
Úc thắng trận, nhưng Ish không có thời gian mà xót xa. Nó phải đeo tấm bảo vệ cho Ali. Chúng tôi xuống sân khoảng nửa tiếng sau lễ bế mạc trận cuối.
“Anh ta ném bóng nhanh đấy.” Ish quay sang Ali, “Em có muốn đội mũ bảo hiểm không?”
Ali lắc đầu.
“Đội vào đi.” Ish đội mũ bảo hiểm lên đầu Ali.
“Sẵn sàng chưa, anh bạn?” Fred gọi từ phía ném bóng.
Ali gật. Ish vào vị trí giữ cọc gôn. Fred chạy đà mười bước, vẻ mặt dữ tợn. Quả bóng bay vù qua Ali. Ish bước lui lại để chụp lấy.
“Tài năng ư?” Fred nói với tôi khi anh ta chuẩn bị chạy đà tiếp.
“Này, có chuyện gì thế Ali?” Ish nói.
“Em không thấy được. Quả bóng màu trắng. Mà người nước ngoài làm mặt sợ quá.”
“Lờ khuôn mặt đi. Nhìn quả bóng ấy,” Ish nói khi nó tháo mũ bảo hiểm ra. Omi chạy đến để điều chỉnh màn hình đen ở ngoài biên.
Fred thực hiện cú ném bóng thứ hai hoàn hảo. Lần này Ali đánh trúng bóng. Cây gậy làm bóng chuyển hướng bốn mươi lăm độ. Bóng bay thấp nhưng không chạm xuống đất, mãi cho tới khi vượt qua biên. Sáu điểm.
“Vãi thật! Từ đâu ra thế?” Fred nói.
“Hai lần ném bóng nữa,” tôi nói. Tôi hiểu điều gì đang xảy ra trong đầu Fred. Cái cảm giác bị nghiền nát, bị xé thành nhiều mảnh, bị chế ngự bởi một thằng bé, cảm giác ấy chỉ mới khởi đầu thôi.
Quả bóng thứ ba, bốn điểm, và quả bóng cuối cùng là sáu điểm. Khuôn mặt anh ta trông như bị làm nhục hơn là sợ hãi. Và dù anh ta có dùng cụm từ “anh bạn” đến bao nhiêu lần, thì giọng vẫn chuyển từ điềm tĩnh sang lo lắng. Trông anh ta như kẻ bị lung lay hết mọi niềm tin về cricket.
“Sao nó làm thế được,” Fred thốt lên, vò mái tóc xoăn.
Chúng tôi nhìn Ali. Nó ngồi xuống sàn và ôm đầu.
“Em có sao không?” Ish nói. Sức ép đã xâm chiếm Ali.
“Có chuyện gì thế?” Fred nói.
“Tập trung cao độ khiến nó mất nhiều sức. Cứ sau vài cú đánh mạnh thì nó cần hồi sức. Ở khu phố của tôi, tôi đã dạy nó chơi hết trọn một lượt đánh bóng, nhưng hôm nay…”
“Áp lực đấy, anh bạn ạ, di chuyển một quãng đường xa như thế, rồi anh tống một gã da trắng đáng sợ đến trước mặt nó,” Fred nói.
“Nó phải đối mặt với chuyện này,” Ish nói. Nó cúi xuống tháo tấm bảo vệ cho Ali.
“Đúng, cần sức chịu đựng và luyện tập, nhưng sẽ có triển vọng đấy,” Fred nói.
“Anh nghĩ thế à?”
“Đó là phán quyết của Fred.”
“Này các anh chờ được không, tôi cần gọi điện.” Fred nói và bước đi để bấm điện thoại di động. Tôi không nghe được Fred nói gì, nhưng anh ta nói chuyện hăng say hết mười phút rồi mới quay lại với chúng tôi.
“Cảm ơn Fred,” Ish nói. Tôi có thể thấy niềm hãnh diện trên mặt Ish.
“Các anh may đấy. Sao các anh không mang cậu bé đến Úc một chuyến? Vừa đi chơi và tập luyện trong học viện chúng tôi,” Fred mời như thể đi Úc là chuyện bình thường như thể bắt ô tô đi Navrangpura.
“Thật ư?” Ish nói.
Đúng đấy, tôi nghĩ. Chúng tôi đã tích góp tiền mới mua được vé hạng hai đi Goa. Chúng tôi ra về ngay trong đêm để tiết kiệm tiền. Ấy vậy mà, Ish muốn đi Úc.
“Chúng tôi không thể đâu, Fred,” tôi xen vào.
“Tại sao?” Fred hỏi.
“Chúng tôi không đủ tiền. Tôi không sở hữu một doanh nghiệp cricket.”
“Gì cơ?”
“Tôi quản lý một cửa hàng cricket nhỏ thôi. Vì chuyện này mà chúng tôi đã nói dối để vào được khu vực khán đài chỗ các anh.”
Không khí trở nên căng thẳng.
“Bố tiên sư,” Fred cười. “Các anh bạo gan thật. Dù sao, tôi cũng không giàu có gì, cũng như cầu thủ Ấn Độ các anh thôi. Nên tôi cũng thấy chẳng việc gì. Nhưng các anh có thể gặp rắc rối nếu bị phát hiện.”
“Tôi phải đảm bảo là Ali được người tốt nhất kiểm tra,” Ish nói.
“Vậy cho nó sang Úc đi. Ngày mai tôi rời Ấn Độ. Cửa hàng các anh lớn chừng nào.”
“Nhỏ lắm,” Ish nói. “Và vé thì rất đắt.”
“À, bạn gái cũ của tôi làm việc với Qantas. Để tôi xem có thể làm được gì,” Fred nói khi chúng tôi quay bước. “Chỉ có Ish và Ali thôi nhé?”
“Không sao,” tôi nói liền.
“Không, chúng tôi là đối tác, Fred ạ. Hoặc là đi cả hoặc không. Chúng tôi cần bốn vé,” Ish nói.
“Chờ đã nhé,” Fred nói khi anh ta bước đi để gọi điện tiếp.
“Được rồi,” Fred nói khi quay lại. “Tôi có thể mua bốn vé.”
“Oa,” Ish thốt lên, “này Ali, chuyện này là nhờ em đấy.” Ali mỉm cười.
“Nhưng tốt hơn nên để tháng Bảy,” Fred nói, “Lúc đó là mùa đông ở Úc và vé sẽ rẻ hơn.”
“Tháng Bảy cũng được,” tôi nói. “Chúng tôi không thể đi vào mùa nghỉ hè, đó là cao điểm bán hàng.”
Tôi tính toán, ngoài tiền vé ra, phải chi tiền hộ chiếu, visa và chi phí sinh hoạt cho chuyến đi này. Tôi cần thời gian để tiết kiệm đủ số tiền đó. Tôi không nhất thiết phải làm chuyện này, nhưng đâu phải ngày nào bạn cũng có cơ hội đi nước ngoài.