NĂM

NĂM

“Anh. Phải. Đến. Ngay.” Thằng bé thở hổn hển sau từng lời. Ali. Đang…”

“Bình tĩnh nào Paras,” Ish bảo thằng bé đang thở dốc. Nó đã chạy đến từ trường Đô thị Belrampur và một mực đòi chúng tôi đi cùng nó.

“Bây giờ à? Mới chỉ bốn giờ mà, làm sao anh đóng cửa hàng được?” tôi nói.

“Nó thường không hay chơi cricket đâu. Nó toàn chơi bi thôi. Anh đến hôm nay đi, anh Ish.”

“Đi nào. Dù sao hôm nay cũng vắng khách,” Ish vừa nói vừa xỏ dép.

Omi đã bước ra ngoài rồi. Tôi khóa hòm thu ngân, và bảo chủ hàng hoa bên cạnh trông giúp.

Chúng tôi đến khoảng sân thân quen của trường. Hai mươi thằng bé đang vây quanh Ali.

“Lúc này tớ không muốn chơi,” một giọng nói cất lên giữa đám đông. Một thằng bé ốm yếu, suy dinh dưỡng ngồi bệt trên sân, hai tay ôm mặt.

“Không, anh Ish phải xem cậu chơi,” Paras len vào đám đông và nài nỉ, rồi níu tay Ali.

“Tớ không thích cricket. Nó làm tớ đau đầu,” Ali nói, hai tay vẫn ôm mặt.

“Anh đã nghe nói rất nhiều về em,” Ish nói, cúi xuống ngang với Ali.

Ali xòe ngón tay ra và nhìn Ish. Mắt nó xanh đến ngây người.

“Chào em, anh là Ish. Anh đã học trường này mười ba năm trước. Và anh cũng dạy cricket,” Ish nói và chìa tay ra bắt tay Ali.

Ali dò xét khuôn mặt Ish. Thằng bé đưa tay ra, dè dặt.

Mái tóc dài của Ali rẽ gọn gàng. Cơ thể mong manh và non trẻ của nó như cơ thể một bé gái. Trông nó giống một thần đồng mỹ thuật hay âm nhạc, chứ không phải là cầu thủ cricket.

“Bạn ấy bao tuổi rồi?” tôi hỏi một thằng bé đeo kính trong đám đông.

“Cậu ấy ở lớp 7C,” thằng bé sụt sịt vì cảm lạnh.

Tôi tính toán, nó không quá mười hai tuổi.

“Bạn ấy mới vào trường à? Từ đâu đến?” tôi nói.

“Cậu ấy trước ở Shahpur Madrasa. Bố cậu ấy chuyển đến đây. Kể từ đó, bọn ném bóng mất hết tự tin,” thằng bé hắt hơi. Tôi thoát được dòng chất nhầy trong gang tấc.

Ish và Omi khoanh chân ngồi bệt cùng Ali.

“Em không chơi lâu được. Em bị đau đầu,” Ali nói.

“Em không muốn chơi thì cũng không sao,” Ish nói. “Ta đi thôi, Omi.”

Ish và Omi đứng dậy, phủi bụi trên quần.

“Em có thể chơi một vòng, nếu anh ném bóng,” Ali nói khi chúng tôi quay đầu ra về.

“Hẳn rồi,” Ish nói hững hờ. Một đứa bé khác ném một quả bóng vào tay nó.

Đám đông dãn ra. Vài đứa trẻ tình nguyện làm người chặn bóng. Omi làm người giữ cọc gôn. Tôi đứng gần phía người ném bóng, vị trí dành cho trọng tài. Đám đông vỗ tay khi Ish chạy đà một đoạn ngắn. Tôi không hiểu được cái nháo nhác khi thấy thằng bé mắt bồ câu, người mảnh khảnh này chơi bóng. Cái gậy ước chừng phải bằng hai phần ba chiều cao của nó.

Ish chạy đà chỉ là giả thôi, vì nó đứng gần tôi mà. Thật chẳng đâu vào đâu khi một người trưởng thành ném bóng cho một thằng bé mười hai tuổi. Ish nhìn thằng bé và ném một cú dễ như ăn kẹo.

Quả bóng bay đến giữa đường đã đạt tốc độ tối đa, rồi từ từ giảm tốc đến vạch đánh bóng. Vụt, Ali di chuyển cây gậy theo một động tác mềm mại và liền mạch. Quả bóng bay vút lên, tôi và Ish nhìn theo, nó bay trên không chừng ba giây – sáu điểm!

Ish nhìn Ali và gật đầu tán thưởng. Ali lại về vị trí và nhăn mặt mím môi, một phần do nắng nhưng cũng vì tức giận do không nhận được một cú giao bóng thật sự.

Pha bóng tiếp theo, Ish chạy lấy đà tám bước. Thằng bé có thể chơi tốt, đừng để tâm đến cái dáng vẻ con gái kia! Quả bóng bay với tốc độ trung bình, nảy xuống đất rồi bật cao lên và vụt! Sáu điểm nữa.

Ish cười nụ. Không phải gậy của Ali đã đánh bóng, mà niềm kiêu hãnh của nó. Đám đông tán thưởng.

Ish chạy đà mười một bước để ném pha bóng tiếp theo. Nó gằn tiếng khi bóng rời khỏi tay. Quả bóng hướng vào vai Ali. Ali xoay một chân như thể trong một vũ điệu và đánh trúng bóng – sáu điểm!

Ba lần bóng, ba điểm sáu – Ish trông như bị quấy rầy. Omi há hốc miệng nhưng nó tập trung trông cọc gôn. Tôi nghĩ nó đang vì Ish mà cố kiểm soát phản ứng của mình.

“Đúng là quái vật. Ali là đứa quái vật, Ali quái vật,” một đứa chơi chặn bóng ở trung tuyến hét lên làm Ali phân tán.

“Cứ chơi đi,” Ish nói với Ali và trừng mắt nhìn thằng bé chặn bóng kia.

Ish lau bóng lên quần ba lần. Nó thay đổi độ siết nắm tay và hơi vặn thân trên. Nó lấy bước chạy đà dài nhất và dốc toàn lực chạy lên. Quả bóng bay nhanh, và còn là một pha ném bóng toàn lực. Bóng đi nhanh, không dập xuống đất. Sự bực bội của Ish thể hiện ra trong pha ném bóng này. Nó đáng bị trừng phạt. Ali tiến lên hai bước và vụt! Quả bóng bay cao và ra ngoài khoảng sân, suýt lao vào cửa sổ một phòng học.

Tôi bật cười. Tôi biết mình không nên thế, nhưng tôi đã cười. Chứng kiến nhà vô địch trường cùng trang lứa với mình bị chọc tức ngay giữa nơi công cộng bởi một thằng oắt con mới mười hai tuổi quả là quá buồn cười. Ít nhất là với tôi. Thực ra, chỉ có tôi thôi.

“Gì mà cười?” Ish căm phẫn hỏi.

“Chẳng sao,” tôi nói.

“Quả bóng khốn kiếp đâu rồi?”

“Bọn chúng đang cố tìm. Huấn luyện viên có mua một quả ở cửa hàng tôi không?” tôi nhẹ nhàng giễu cợt.

“Thôi đi,” Ish rít lên khi bóng lăn về phía nó.

Ish chuẩn bị chạy đà thì Ali ngồi phịch xuống vạch ném bóng.

“Chuyện gì thế?” Omi là người đầu tiên đến cạnh nó.

“Em đã bảo rồi. Em bị đau đầu. Em về nhà được không?” Ali nói, cái giọng trẻ con gần như sắp bật khóc.

Omi nhìn Ish và tôi. Tôi nhún vai.

“Chẳng phải em đã bảo rồi sao? Quái vật đấy!” Paras chạy đến chúng tôi.

Ali đứng lên. “Em đi được chưa?”

Chúng tôi gật đầu. Từ trong túi quần, Ali lấy ra mấy viên bi trông giống như mắt nó. Nó lăn qua lăn lại chúng trong tay, rồi rời sân chơi.

***

“Tao không tin nổi,” Ish tuyên bố khi nó hoàn thành năm mươi cái chống đẩy hằng sáng. Nó đến ngồi cạnh tôi ở sân sau ngân hàng.

Omi chống nốt lượt một trăm cái của mình.

“Trà này,” tôi thông báo và đưa cốc cho Ish. Ngày hôm qua, bạn thân nhất của tôi đã gặp phải chấn thương tinh thần nghiêm trọng. Tôi không thể làm gì nhiều ngoài việc vào bếp ngân hàng pha cốc trà gừng ngon nhất.

“Việc đó không thể nào chỉ dựa vào may mắn được, đúng không? Không đời nào,” Ish tự trả lời câu hỏi.

Tôi hất đầu về phía đĩa bánh quy, nhưng nó lờ đi. Tôi tự hỏi liệu đòn tấn công của Ali có gây tổn thương vĩnh viễn đến cảm giác ăn uống của Ish không. Ish tiếp tục lẩm bẩm một mình, còn tôi thì lẩn đi. Omi chuyển sang gập bụng. Nó vừa tập vừa tụng bốn mươi câu kinh Hanuman-ji. Tôi yêu phút nghỉ ngơi ngắn ngủi thế này – khoảng thời gian sau khi học trò ra về và trước lúc mở cửa hàng. Nó cho tôi có thời gian suy nghĩ. Và dạo này tôi chỉ nghĩ về cửa hàng mới. “Đã tiết kiệm được hai mươi lăm ngàn rupi, và đến tháng Mười hai sẽ có mười lăm ngàn nữa,” tôi lẩm bẩm. “Nếu bên cho thuê chấp nhận bốn mươi ngàn làm tiền đặt cọc, tao có thể đảm bảo thuê một chỗ ở Navrangpura cuối năm nay.”

Tôi rót cho mình một cốc trà nữa. “Đây là khóa cửa hàng, Mama. Chúng cháu sẽ chuyển đến cửa hàng ở Navrangpura, trong khu mua sắm có máy điều hòa,” tôi lặp lại trong đầu lời thoại mơ ước của mình lần thứ một trăm. Ba tháng nữa thôi, tôi tự trấn an.

“Bọn mày ăn hết bánh rồi à?” Omi đến khi nó tập xong.

“Xin lỗi nhé, uống trà không?” tôi đề nghị.

Omi lắc đầu. Nó bóc một túi sữa và dốc vào miệng. Cũng như tôi, nó không uống nhiều trà. Nhưng caffein thì chạy trong huyết quản gia đình Ish. Tôi nhớ Vidya đã mời tôi trà. Con bé ngốc nghếch, dám chế nhạo mình.

“Vẫn nghĩ về Ali à?” Omi nói với Ish, vừa nói vừa lau sữa dính trên mép.

“Thằng bé thật tuyệt. Tao chưa ném cú bóng hiểm nhất, nhưng cú đó cũng không phải quá tệ. Nhưng nó… nó…” Ish không tìm được lời diễn tả.

“Ghi bốn điểm sáu liền. Thật khó tin!” Omi nói. “Chẳng trách chúng gọi nó là quái vật.”

“Không biết nó có phải quái vật không. Nhưng nó giỏi,” Ish nói.

“Bọn trẻ Hồi giáo này. Mày không bao giờ biết…” Omi nói và húp phần sữa còn lại.

“Im đi. Nó chỉ là đứa giỏi thôi. Tao chưa thấy ai chơi như thế. Tao muốn huấn luyện nó.”

“Hẳn rồi, miễn là nó chịu chơi. Nó không thể chơi quá bốn lần ném bóng. Mày có thể giúp nó,” tôi bảo Ish.

“Sao cơ? Mày sẽ dạy thằng bé Hồi đó à?” Mặt Omi lộ vẻ lo lắng.

“Tao sẽ dạy cho cầu thủ giỏi nhất ở Belrampur. Thằng bé đó có tiềm năng lớn. Mày biết đấy…”

“Đội tuyển Ấn Độ?” tôi gợi ý.

“Shh, đừng có khiêu khích số mệnh, nhưng đúng đấy. Tao muốn dạy cho nó. Người ta sẽ hủy hoại nó trong cái trường đấy mất. Bọn họ chỉ biết dạy nó các môn học mà quên thể thao.”

“Chúng ta không thể dạy một thằng bé Hồi được,” Omi phủ quyết. “Bittoo Mama sẽ giết tao mất.”

“Đừng phản ứng thái quá. Ông ấy không biết đâu. Chúng ta sẽ dạy nó ở ngân hàng,” Ish nói.

Suốt phần còn lại cuộc tranh cãi, Ish và Omi chỉ lườm mắt nhau. Cuối cùng, như mọi khi, Omi phải nhường bước Ish.

“Lựa chọn của mày đấy. Đảm bảo là không để nó tới gần ngôi đền. Nếu Bittoo Mama phát hiện ra, ông ấy sẽ tống chúng ta khỏi cửa hàng.”

“Omi đúng đấy. Chúng ta cần cửa hàng trong vài tháng nữa,” tôi nói.

“Chúng ta cũng cần đến bác sĩ,” Ish nói.

“Bác sĩ à?” tôi nói.

“Đầu nó bị đau sau bốn lần bóng. Tao muốn bác sĩ kiểm tra cho nó trước khi tập luyện.”

“Mày sẽ phải nói chuyện với bố mẹ nó nếu mày muốn nó trả tiền,” tôi nói.

“Tao sẽ dạy nó miễn phí,” Ish nói.

“Nhưng mà, đối với các bậc phụ huynh Ấn Độ, cricket cũng như hoài phí thì giờ.”

“Vậy chúng ta sẽ đến nhà nó,” Ish nói.

“Tao sẽ không đến nhà người Hồi,” Omi nói, gần như lên cơn. “Tao sẽ không đi.”

“Mở cửa hàng đã. Đến giờ làm việc rồi,” tôi nói.

***

“Không cricket, em thích chơi bi,” Ali phản đối lần thứ năm. Ish lấy bốn thanh sôcôla (mua bằng tiền cửa hàng, thằng dốt này) cho nó, một phần thưởng mỗi lần ghi được sáu điểm. Ali nhận sôcôla, nhưng vẫn nói không với cricket, và giãy đành đạch không chịu đi gặp bác sĩ.

“Cửa hàng anh có bi đấy,” tôi dụ dỗ. “Những viên bi màu xanh đặc biệt, nhập ở Jaipur. Hàng chục viên bi cho em nếu em chịu đi gặp bác sĩ. Ông ấy ở bên kia đường thôi.”

Ali nhìn tôi bằng hai con mắt xanh như bi.

“Hai chục viên nếu em đến lớp dạy cricket vào buổi sáng,” tôi nói.

“Bác sĩ thì không sao. Nhưng còn việc đi tập, phải hỏi bố đã.”

“Cho anh tên và địa chỉ của bố em,” tôi nói.

“Naseer Alam, tổ số 7, nhà số ba, tầng trệt.”

“Em bảo tên gì cơ?” Omi nói.

“Naseer Alam,” Ali nhắc lại.

“Tao đã nghe cái tên này đâu đó. Nhưng tao không nhớ nổi…” Omi lẩm nhẩm, nhưng Ish lờ nó đi.

“Phòng khám của bác sĩ Verma ở khu bên cạnh. Chúng ta đi thôi,” Ish nói.

***

“Chào các cháu, thật vui vì có những người trẻ tuổi đến phòng khám này, một sự thay đổi.” Bác sĩ Verma tháo kính ra.

Ông dụi dụi cặp mắt năm mươi tuổi của mình. Những nếp nhăn đã nhiều gấp bội, kể từ khi tôi gặp ông lần trước cách nay đã ba năm. Mái tóc đen trước kia đã ngả bạc. Tuổi già thật khủng khiếp.

“Và chú hổ con này là ai? Cháu há miệng nào, baba,” bác sĩ Verma nói và bật đèn theo thói quen. “Có chuyện gì nào?”

“Chẳng có gì đâu ạ. Bọn cháu muốn hỏi mấy điều,” Ish nói.

Bác sĩ buông đèn soi xuống. “Hỏi ư?”

“Cậu bé này có năng khiếu chơi cricket. Cháu muốn biết sao nó làm được như vậy,” Ish nói.

“Làm gì cơ?” bác sĩ Verma nói. “Một số người có tài năng vậy thôi.”

“Cháu ném bốn lần bóng cho nó. Nó ghi sáu điểm cả bốn lần,” Ish nói.

“Gì cơ?” bác sĩ Verma nói. Ông biết Ish là một trong những cầu thủ giỏi nhất trong khu này.

“Thật khó tin, nhưng đúng đấy,” tôi hòa vào. “Ngoài ra, nó ngồi phịch xuống sau lần bóng thứ tư. Nó bảo bị đau đầu.”

Bác sĩ Verma quay sang Ali. “Cháu thích chơi cricket chứ, cậu bé?”

“Không ạ,” Ali nói.

“Chuyện này còn phức tạp hơn sốt vi rút thông thường. Chuyện gì xảy ra sau bốn lần bóng hả cậu bé?”

“Mỗi khi tập trung chơi, đầu cháu lại đau,” Ali nói. Nó thò tay vào túi. Tôi nghe tiếng bi kêu lạo xạo.

“Cho bác xem mắt nào,” bác sĩ Verma nói và đứng dậy vào phòng kiểm tra.

“Thị giác trên cả tuyệt vời,” bác sĩ Verma nói khi quay lại. “Bác khuyên các cháu đến gặp bạn bác, là bác sĩ Multani ở bệnh viện thành phố. Ông ấy là bác sĩ chuyên khoa mắt, và từng là bác sĩ cho một đội tuyển bóng chày ở Mỹ. Thực ra, cả năm nay bác chưa gặp ông ấy. Ngày mai bác dẫn đi, nếu các cháu muốn.”

Chúng tôi gật đầu. Tôi lấy ví. Bác sĩ Verma nhìn tôi nghiêm nghị như tỏ ý bảo dừng lại.

***

“Trên cả tuyệt vời,” bác sĩ Multani chỉ nói vậy khi ông cầm hình chụp cộng hưởng từ. Ông ấy kiểm tra Ali hết hai tiếng. Ông làm mọi xét nghiệm có thể nghĩ ra – kiểm tra thể lực, thử máu, chụp võng mạc, dùng máy tính kiểm tra phối hợp giữa mắt và tay. Chụp cộng hưởng từ Matrix, theo đó Ali nằm sấp đầu chui vào một cái khoang, cách này tỏ ra hiệu quả nhất.

“Tôi nhớ thời còn làm bác sĩ thể thao quá Verma ạ. Tình yêu dành cho Ambavad đã khiến tôi từ bỏ rất nhiều thứ,” bác sĩ Multani nói. Ông ấy gọi trà và bánh cho tất cả chúng tôi.

“Chúng ta xong chưa ạ?” Ali nói và ngáp.

“Sắp xong rồi. Nếu cháu muốn thì cứ ra vườn chơi bi,” bác sĩ Multani nói. Ông vẫn yên lặng cho tới khi Ali đã đi ra.

“Multani, đấy là các xét nghiệm để tìm hiểu cơn đau đầu,” bác sĩ Verma nói.

“Không chỉ đau đầu thôi đâu,” bác sĩ Multani nói và nhai bánh khakra. “Ish nói đúng, cậu bé này đúng là tài năng đặc biệt.”

“Sao cơ?” tôi buột ra. Điều gì trong những xét nghiệm đó nói rằng Ali có thể nghiền nát bất cứ cầu thủ ném bóng nào ra từng mảnh chứ.

“Cậu bé này có siêu phản xạ. Nói tắt trong ngôn ngữ y khoa là thế, nó cho thấy tài năng ở môn cricket.”

“Siêu gì cơ?” Omi nhắc theo.

“Siêu phản xạ,” bác sĩ Multani nhấc cái chặn giấy, hình tròn làm bằng thủy tinh, lên khỏi bàn và giả vờ đánh Omi. Omi cúi xuống. “Khi bác ném thứ này vào cháu, cháu sẽ làm gì? Theo phản xạ, cố ngăn sự tấn công đó. Bác không cảnh báo cháu trước, và mọi thứ diễn ra chỉ trong một phần tích tắc. Do đó, cháu không suy nghĩ theo lý tính để cúi xuống, mà nó chỉ xảy ra vậy thôi.”

Bác sĩ Multani dừng lại một lát để uống nước, rồi tiếp tục, “Trong đời sống hàng ngày thì chẳng quan trọng lắm, trừ phi chúng ta chạm vào thứ gì đó quá nóng hoặc quá lạnh. Tuy nhiên, trong thể thao nó lại có tầm quan trọng đặc biệt”. Bác sĩ Multani dừng lại để giở một vài báo cáo, và cầm một chiếc bánh khakra khác.

Tôi nhìn ra cửa sổ, về phía Ali bên ngoài. Nó đang dùng súng cao su bắn một viên bi vào viên bi khác.

“Vậy là Ali có phản xạ tốt. Phải vậy không?” Ish nói.

“Phản xạ của cậu bé tốt hơn chúng ta ít nhất mười lần. Nhưng còn hơn thế. Ngoài hành động phản xạ ra, não người ra quyết định theo hai cách khác. Một cách là phân tích thật lâu – vấn đề trải qua quá trình phân tích nghiêm ngặt trong bộ não rồi chúng ta quyết định hành động. Và còn cách thứ hai hoàn toàn khác, nhanh hơn nhưng kém chính xác. Thường thì ta dùng cách thứ nhất và nhận thức được điều đó. Nhưng đôi khi, trong những tình huống khẩn cấp, bộ não lựa chọn con đường tắt. Cứ gọi đó là cách nghĩ-chớp-nhoáng.”

Chúng tôi gật đầu, bác sĩ Multani nói tiếp:

“Trong hành động phản xạ, bộ não làm tắt quá trình tư duy mà hành động luôn. Cậu ta có thể chỉ cúi xuống, không cần nghĩ đến việc cố đỡ bóng mà cứ thế đỡ. Thời gian phản ứng rất nhanh. Thể thao có những khoảnh khắc đòi hỏi ta phải nghĩ theo mọi phương cách khả dĩ – phân tích, nghĩ chớp nhoáng hoặc phản xạ.”

“Còn Ali?” Ish hỏi.

Bác sĩ Multani cầm hình chụp cộng hưởng từ lên. “Bộ não Ali thật tuyệt vời. Cách thứ nhất, thứ hai và thứ ba lẫn lộn vào nhau. Thời gian phản ứng của cậu bé nhanh bằng hành động phản xạ, nhưng quá trình ra quyết định lại chính xác như phương pháp phân tích. Có thể cháu sẽ nghĩ cậu bé đánh trả pha giao bóng rất nhanh của cháu là do may mắn, nhưng bộ não của cậu bé thấy đường bóng rất dễ dàng. Như một cú ném nhẹ.”

“Nhưng cháu đá ném nhanh lắm mà.”

“Đúng vậy, nhưng bộ não cậu bé có thể ghi lại và hành động tương ứng. Nếu khó hình dung quá… cứ tưởng tượng này nhé, Ali thấy quả bóng như trong phim quay chậm. Một cầu thủ bình thường sẽ dùng phương pháp thứ hai hoặc thứ ba để đánh trả một pha bóng nhanh. Ali dùng phương pháp thứ nhất. Một cầu thủ bình thường mất nhiều năm tập luyện mới đảm bảo thực hiện cách thứ hai chính xác, mới chơi giỏi được. Ali thì không cần. Đó là tài năng của cậu bé.”

Mất một hồi chúng tôi mới tiêu hóa nổi lời của bác sĩ Multani. Chúng tôi hoàn toàn phải dùng đến phương pháp thứ nhất là suy nghĩ phân tích mới hiểu nổi.

“Với thằng bé, một cú giao bóng nhanh lại giống như trong phim quay chậm?” Ish cố lần nữa.

“Với bộ não thôi, vì não phân tích nhanh. Dĩ nhiên, nếu cháu ném bóng nhanh vào người cậu bé, thì cậu bé sẽ bị đau.”

“Nhưng làm sao nó có thể đánh bóng đi xa thế?” Ish nói.

“Cậu bé không dùng nhiều lực đâu. Nó chỉ đổi hướng quả bóng vốn đã bay rất nhanh rồi. Năng lượng trong quả bóng đó gần như là của cháu.”

“Bác đă thấy người nào khác tài năng như nó chưa?” tôi muốn biết.

“Ở cấp độ này thì chưa, não của cậu bé này hoạt động theo một cách khác. Có người gọi đó là khuyết tật, nên bác khuyên cháu đừng làm ầm ĩ chuyện này.”

“Nó là hạt giống cho đội tuyển Ấn Độ đấy,” Ish nói. “Bác sĩ Multani, bác biết vậy mà.”

Bác sĩ Multani thở dài. “À, không phải lúc này. Ví dụ như cơn đau đầu là một vấn đề. Đúng là bộ não của cậu bé có thể phân tích rất nhanh, nhưng nó cũng nhanh chóng mệt mỏi. Cậu bé cần chơi lâu dài. Cậu bé phải trụ vững cho đến khi não hồi phục lại để dùng tiếp năng lực đó.”

“Chuyện đó có thể xảy ra không?” Ish nói.

“Có, nếu theo một chế độ tập luyện. Và cậu bé cần học các khía cạnh khác của cricket. Bác không nghĩ cậu bé đã từng chạy giữa hai đầu cọc gôn. Cậu bé không đủ sức. Cậu bé này yếu lắm, gần như suy dinh dưỡng,” vị bác sĩ nói.

“Cháu sẽ tập cho nó,” Ish thề thốt. “Và Omi sẽ giúp. Omi sẽ bắt nó ăn và làm nó khỏe lên.”

“Không, không được đâu,” Omi từ chối khi mọi người nhìn nó. “Bác sĩ Verma, hãy bảo họ tại sao cháu không thể đi.”

“Vì cậu bé là người Hồi giáo. Multani, ông nhớ Nasser ở Đại học Hồi giáo không? Ali là con trai ông ta.”

“Ô, Nasser ấy à? Có, ông ta từng tranh cử trong các cuộc bầu cử ở đại học. Từng là người hay gây rắc rối, nhưng tôi nghe nói ông ta đã dịu bớt.”

“Đúng, nhưng giờ ông ta dành toàn thời gian cho chính trị. Chuyển từ một người thuần Hồi giáo sang một đảng thế tục,” bác sĩ Verma nói.

Ish nhìn bác sĩ Verma, tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Bác đã tìm hiểu sau khi các cháu ra về. Đôi khi ta cảm thấy mình như điều hành một trung tâm đưa chuyện, không phải một phòng khám.” Bác sĩ cười khùng khục. “Dù sao, vấn đề là ở đây. Con trai của một thầy tế Hindu lại đi dạy một cậu bé đạo Hồi.”

“Cháu không muốn dạy cho nó,” Omi nói ngay.

“Im đi, Omi. Mày hiểu tại sao chúng ta đến đây không?” Ish nói.

Omi đứng lên, phật ý nhìn Ish, rồi bỏ ra khỏi phòng.

“Còn học viện bang thì sao?” bác sĩ Verma nói.

“Họ sẽ hủy hoại nó,” Ish nói.

“Tôi đồng ý,” bác sĩ Multani ngừng lại. “Cậu bé còn quá trẻ, theo đạo Hồi và nghèo. Và trước đó chưa từng được đào tạo bài bản. Tôi đề nghị lúc này hãy giữ thằng bé này lại và giữ kín tài năng của nó. Khi thời điểm đến, chúng ta sẽ thấy.”

Chúng tôi rời phòng khám. Tôi lấy ra bốn viên bi trong túi và gọi Ali.

“Ali, đến giờ về rồi. Này, bắt lấy.”

Tôi tung bốn viên bi bay thật cao hướng về phía nó. Tôi ném như vậy một phần là có chủ ý.

Ali bỏ trò chơi và nhìn những viên bi bay trên không. Nó vẫn ngồi xổm, rồi giơ cao tay trái. Một, hai, ba, bốn – như một cây đũa thần, tay trái của nó di chuyển. Nó bắt được từng viên một.

Ba sai lầm của đời tôi

Ba sai lầm của đời tôi

Status: Completed Author:

Tên tiếng Anh: The 3 mistakes of my life

Govind, một chàng trai trẻ tại một thành phố nhỏ của Ấn Độ mơ giấc mơ làm giàu. Ish, gã bạn thân, lại có một giấc mơ khác về sự nghiệp thể thao. Và họ cùng nhau mở một cửa hàng bán đồ cricket trên đất của Omi, cậu bạn thứ ba. Nhưng chẳng có gì dễ dàng tại một thành phố hỗn loạn đang phát triển. Lọt thỏm giữa những mâu thuẫn tôn giáo, những xung đột chính trị, những thảm họa tự nhiên, những tình yêu sai thời điểm, những va chạm trong lý tưởng của chính họ liệu những giấc mơ cá nhân có thể chiến thắng cơn ác mộng của thực tế? Và những sai lầm của đời họ có cản bước họ đi?

Ra đời sau thành công vang dội của Ba chàng ngốc, Ba sai lầm của đời tôi lại là một bestseller nữa của Chetan Bhagat, người hùng trong văn chương dành cho người trẻ Ấn Độ. Một câu chuyện nữa vừa hài hước vừa xúc động về tuổi trẻ khinh suất nhưng đầy khát khao, bồng bột nhưng kiên định.

“Nhiều nhà văn đã thành công trong việc diễn đạt những gì trong trái tim họ hoặc nói, lưu loát một quan điểm nào đó của họ. Những cuốn sách của Chetan Bhagat làm được cả hai, và hơn thế.”
• Tạp chí Time

Review:
https://i.imgur.com/L2QTqN6.jpg

"Nếu Ba chàng ngốc là một câu chuyện đầy xúc cảm về ba người bạn thân thì Ba sai lầm của đời tôi cũng lấy mô típ về một bộ ba có những quan niệm sống, đam mê và mục tiêu khác nhau. Qua khả năng ngôn ngữ biến hóa, giọng văn đầy hóm hỉnh đậm chất Ấn của mình, Chetan xây dựng nên các nhân vật vô cùng chân thực, sống động. Một Govind (nhân vật xưng tôi trong truyện) mê toán và nuôi mộng làm doanh nhân, bất kỳ điều gì cũng được quy thành… thuật toán, tiền và cơ hội bán buôn. Một Ishaan yêu thể thao hơn tính mạng, bất chấp tất cả để trốn lính về nhà, có thể làm bất kỳ điều gì vì sự phát triển của đội tuyển cricket Ấn Độ và ra sức đào tạo, bảo vệ, tìm cơ hội cho những tài năng mới. Một Omi được thừa hưởng một ngồi đền Hindu của cha mẹ nhưng không muốn làm thầy tế, vốn khù khờ về đầu óc, nhưng lại rất nhiệt thành và thủy chung với bạn bè. Cả ba trở thành bạn nối khố từ cái thuở là những đứa bé cùng chơi chung một khoảng sân, trở thành bộ tam không thể tách rời, và rồi thành đối tác làm ăn, mở ra một tiệm bán hàng thể thao, vừa giúp Govind kiếm được tiền, giúp Ishaan được gắn bó với thể thao và giúp Omi làm vừa lòng cha mẹ khi quanh quẩn gần… ngôi đền gia truyền. Truyện còn thêm vào hương vị ngọt ngào của tình yêu nổi loạn từ một cô gái thừa thông minh và tự tin dám gạt bỏ mọi rào cản giữa cô trò nhỏ và thầy gia sư, khiến một chàng trai nguyên tắc dám bất chấp cả nguyên tắc không yêu em gái của bạn thân.

https://i.imgur.com/YwfaudL.jpg

Không những vậy, qua ngòi bút tự nhiên và đầy chuyện nghiệp của Chetan, một đất nước Ấn Độ sống động như dựng lên trước mắt. Mỗi một câu chữ như có mùi vị của Alamabad, của những người Ấn Độ đột những mẹt bánh rao hàng ngoài đường phố, những đứa bé hăng say luyện cricket, những cô gái sặc sỡ váy áo, những tiếng rì rầm cúng tế… Tất cả hệt như một bộ phim đầy ắp sắc màu, tươi vui, nhộn nhịp, rất Á Đông, rất Ấn Độ.

https://i.imgur.com/4MO9d48.jpg

Mọi thứ có vẻ rất hoàn hảo, rất tươi đẹp song với một chữ NẾU to đùng rằng, NẾU câu chuyện này không đặt trong một không gian đặc biệt mà chỉ trong tác phẩm của Chetan mới tạo ra được: ẤN ĐỘ.

Ấn Độ quả thật là một đất nước kỳ lạ. Mình vốn có nhiều hứng thú với đất nước này, từ nhỏ đã mê say truyện cổ Ấn Độ, thích đọc về nền văn hóa sâu sắc, bề dày lịch sử của nó. Shameer – một trong những người bạn thân nhất của mình cũng là một người Ấn, nên phần nào mình hiểu tính cách của họ. Cần cù, chịu khó, thông minh nhưng cũng quá tin vào tôn giáo đến mù quáng, sự phân chia cấp bậc rõ rệt trong xã hội. Và điều này lại được minh chứng rất rõ ràng trong cuốn sách. Đôi lúc, tôn giáo không làm con người ta tốt hơn mà lại làm chúng ta xâu xé lẫn nhau, để nợ máu phải được trả bằng máu dẫu là anh em, bạn bè, người thân. Nơi đây còn là đất nước của những cuộc đua tranh khốc liệt, không chỉ trong môi trường học tập, công danh sự nghiệp (như trong Ba chàng ngốc) mà còn phơi bày mặt trái kinh khủng hơn của Ấn Độ: mẫu thuẫn tôn giáo, chính trị. Xã hội mạnh được yếu thua không bát cần phép tắc, luật pháp.

Và chính vì thế, xuyên suốt câu chuyện, cùng với những nỗ lực và cố gắng của cả bọn là những sai lầm phải trả giá bằng nước mắt, bằng nỗi đau, bằng máu. Những tình bạn, tình yêu bị thử thách trong những cuộc thăng trầm của đất nước đầy rẫy xung đột về chính trị, mâu thuẫn sâu sắc về tôn giáo, thảm họa tự nhiên và hơn hết là những sai lầm của tuổi trẻ có thể sẽ chẳng bao giờ sửa sai được và thậm chí phải trả giá bằng chính tính mạng.

'Ấn Độ không phải là nơi cho những giấc mơ. Nhất là khi bạn đã một lần thất bại. Cuối cùng tôi thấy cảm giác cố hữu trong triết lý của đạo Hindu là thỏa mãn với những gì ta có, hơn là kiếm nhiều thêm.. Cái triết lý ấy, do các bậc hiền triết xa xưa nghĩa ra, không phải là thứ hay ho, nhưng là câu thần chú giúp sinh tồn ở một đất nước nơi mà những khát khao thường bị đè nát…'. Nhân vật chính trong truyện đã cay đắng nghĩ như thế bằng tất cả những trải nghiệm tuổi trẻ đau đớn của bản thân anh.

Thế nhưng, những trải nghiệm của các nhân vật trong truyện không hề vô nghĩa. Ba sai lầm nối tiếp nhau, sai lầm của những sự đặt cược sai chỗ, của tình yêu không đúng lúc và của sự tính toán ích kỷ- tất thảy đều là những sai lầm mà tuổi trẻ ai cũng có, đã không thể hạ gục những người trẻ như Godvin, Ishaan, Omi, Ali… chúng giúp họ đứng lên và đi tiếp theo cách của mình. Từ đó, họ học được nhiều bài học quý giá để thỏa hiệp với chính cuộc đời mình như:

'Trên đời này không có doanh nhân nào mà không bị mất tiền cả. Chẳng ai tập xe đạp mà không vài lần ngã. Không có ai yêu mà không bị tổn thương. Cuộc đời là vậy đấy.'

Hay: ' Giải bài toán cuộc đời còn quan trọng hơn… Em là ai, lựa chọn giữa điều em muốn làm và điều mọi người trông chờ ở em. Và làm sao giữ được điều em muốn mà không để người khác quá bực mình. Cuộc đời là một bài toán tối ưu hóa, có hàng ngàn biến số và những ràng buộc….Chúng ta chỉ có thể tối ưu hóa cuộc đời, không bao giờ giải quyết được,…'

Ba sai lầm của đời tôi là một cuốn sách ý nghĩa về tình bạn, hơn thế nữa, nó ca ngợi những người trẻ nông nổi, bồng bột nhưng kiên định, đầy đam mê. Hài hước vừa xúc động về tuổi trẻ khinh suất nhưng đầy khát khao.

Ấy thế nhưng, gấp sách lại, mà mắt vẫn con ướt. Cuốn sách không đơn thuần mang lại cảm giác thanh thản vui tươi về ý nghĩa của tình yêu, tình bạn như Ba chàng ngốc mà còn chứa nhiều tầng nghĩa xâu sa hơn, khiến mình cảm thấy buồn lắm.

Ngoài tình bạn, cuốn sách còn nêu lên một tư tưởng lớn của Chetan Bhagat đó là cơ chế hòa giải cho những bất đồng của xã hội không riêng gì ở Ấn Độ. Từ mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc, chính trị, đến dân tộc, chủ quyền… thì cái con người thiếu nhất chính là một cơ chế hòa giải. Như loài tinh tinh, dù chúng có đánh nhau dữ dội để giành bạn tình thì sau đó chúng lại hôn nhau như một cách hòa giải, hòa hợp. Tại sao chúng ta không thể chỉ sống với nhau một cách hòa bình, và làm làm như cách những con tinh tinh hôn nhau? Một câu hỏi lớn thật khó và quá khó.

Không cứ gì những xung đột ngàn năm nay của Ấn Độ, ngay cả khi nhìn lại đất nước mình, mang tiếng là hòa bình rồi, nhưng những sự phân biệt Bắc- Trung- Nam, vùng miền, chế độ mới- cũ vẫn còn dai dẳng chẳng dễ gì hóa giải nổi. Đó cũng là điều con người chúng ta cần học ngược lại thiên nhiên, sau những cuộc bạo động quá khích để đừng thành ra những cuộc chiến tranh nướng người vô nghĩa.

Đặc biệt, ngay trong cuốn sách, Chetan đã đưa ra một cơ chế hoài giải ý nghĩa nhất đó chính là thể thao. Như cricket, như bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào đề cao tinh thần thượng võ và đó cũng là một cơ chế hòa giải tuyệt vời khiến cuốn sách thấm đẫm tinh thần nhân văn...

Ba sai lầm của đời tôi là một cuốn sách, một bộ phim dành cho những người trẻ, vẫn còn mắc những sai lầm thay đổi tiến trình cuộc đời mình nhưng vẫn kiên định theo đuổi những đam mê. Liệu rằng những giấc mơ cá nhân có thể chiến thắng cơn ác mộng của thực tế? Và những sai lầm của đời họ có cản bước họ đi?

Tự mình bước qua tuổi trẻ đầy sứt sẹo rồi thì chính chúng ta sẽ có câu trả lời cho những sai lầm của đời mình!"

https://i.imgur.com/4dRyrjh.jpg
Hãy cứ sống với tình bạn, tình yêu nồng nhiệt và điên rồ của tuổi trẻ!^^

SG, 7/2014
- Yun -

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset