Sáu mươi phút sau, Rufus Sixsmith ngồi tựa vào một góc, dùng khăn tay chậm mồ hôi trên trán. “Tôi đăng ký tờ Illustrated Planet từ năm 1967 để đọc các bài viết của bố cô từ Việt Nam. Hàng nghìn người khác cũng làm vậy. Lester Rey là một trong khoảng chừng bốn, năm nhà báo hiếm hoi viết về cuộc chiến từ góc nhìn châu Á, vì thế tôi rất thích nghe xem một cảnh sát đã trở thành một trong những thông tín viên xuất sắc nhất của thế hệ anh ta như thế nào.”
“Là bác đề nghị đấy nhé.” Câu chuyện được đánh bóng mỗi khi kể lại. “Bố cháu gia nhập Sở cảnh sát Buenas Yerbas chỉ vài tuần trước khi nổ ra trận Trân Châu Cảng, vì thế ông đã trải qua cuộc chiến ở đây thay vì ở Thái Bình Dương như anh trai của ông, bác Howie. Bác ấy đã giẫm phải mìn của Nhật trong lúc chơi bóng chày trên quần đảo Solomon. Chẳng bao lâu sau, bố hay tin trường hợp của mình thuộc diện bị điều đến Phân khu 10. Ở mỗi thành phố trong cả nước đều có một phân khu như vậy – một kiểu trại cải tạo nơi những cảnh sát ngay thẳng không chịu nhận hối lộ và không chịu nhắm mắt làm ngơ bị chuyển đến. Dù sao thì vào đêm ăn mừng chiến thắng Nhật Bản, Buenas Yerbas tổ chức đại tiệc toàn thành phố và, bác biết đấy, lực lượng cảnh sát phải làm việc hết công suất. Bố nhận được một cuộc gọi báo tin có vụ hôi của ở Bến tàu Silvaplana, một chốn không người nằm giữa Phân khu 10, Cảng vụ và Phân khu Spinoza. Ai là người báo tin cho đồn cảnh sát và lý do tại sao – đó là tin báo chân thật, bội phản nội bộ, nhầm lẫn, trò đùa vô ý hóa thành tai hại – mãi là một câu hỏi, nhưng bố và cộng sự của ông, một người tên Nat Wakefield, đã lái xe đến đó để xem xét tình hình. Họ đỗ xe giữa hai công-ten-nơ hàng hóa, tắt máy, đi tuần và phát hiện khoảng hai chục người đang chất những kiện hàng từ một nhà kho lên một chiếc xe tải. Ánh đèn rất mờ nhưng những người này trông không giống công nhân bốc xếp và cũng không mặc quân phục. Wakefield bảo bố đi gọi điện về tổng đài để tăng yểm trợ. Ngay khi bố vừa đến chỗ để bộ đàm thì một cuộc gọi đến nói rằng lệnh ban đầu yêu cầu điều tra vụ hôi của đã bị huỷ bỏ. Bố báo cáo điều ông vừa trông thấy, nhưng mệnh lệnh được lặp lại, vì thế bố chạy trở lại nhà kho, vừa kịp lúc chứng kiến cộng sự của ông bị ánh đèn của một tên soi trúng và bị bắn sáu phát vào lưng. Bố bằng cách nào đó vẫn giữ được bình tĩnh, chạy về xe cảnh sát và tìm cách gửi đi cuộc gọi Mã 8 – một cuộc gọi kêu cứu – trước khi chiếc xe rung lên bần bật vì đạn bắn. Ông bị bủa vây tất cả các phía, chỉ trừ phía bến tàu, thế là ông nhảy xuống, rơi vào một hỗn hợp dầu diesel, rác, nước cống và nước biển. Ông bơi phía dưới bờ kè – thời đó Bến tàu Silvaplana là một công trình bằng thép giống như một đường lát ván khổng lồ, chứ chưa trở thành bán đảo bê tông như ngày nay – rồi leo lên một chiếc thang của bến tàu, ướt như chuột lột, mất một chiếc giày, khẩu súng không dùng được nữa. Ông chỉ còn cách quan sát bọn người này, khi chúng vừa chất hàng xong thì vài chiếc xe tuần tra cảnh sát của phân khu Spinoza trờ đến. Trước khi bố kịp chạy vòng qua sân để cảnh báo những cảnh sát đó, thì một vụ đấu súng vô vọng nổ ra – những tay súng nã đạn vào hai chiếc xe cảnh sát bằng súng máy, chiếc đầu tiên đã bị hạ. Chiếc xe tải nổ máy, các tay súng nhảy lên, chúng chạy ra khỏi sân và ném lại vài quả lựu đạn. Không ai biết chúng cố tình gây thương tích hay chỉ để cắt đường cảnh sát, nhưng một quả lựu đạn rơi trúng bố và biến ông thành một chiếc gối cắm kim. Ông tỉnh dậy hai ngày sau trong bệnh viện, mất một mắt trái. Báo chí mô tả sự cố này là một vụ đột kích ăn may của một băng nhóm trộm cắp. Người ở Phân khu 10 suy đoán rằng một băng đảng tội phạm từng rút ruột vũ khí trong chiến tranh hôm ấy dọn kho, vì giờ đây chiến tranh đã kết thúc và việc thanh toán sẽ bị siết chặt hơn. Đã có sức ép đòi mở rộng điều tra vụ đấu súng Silvaplana – ba cảnh sát thiệt mạng là một chuyện rất nghiêm trọng vào năm 1945 – nhưng văn phòng Thị trưởng đã ngăn cản chuyện này. Hãy tự rút ra kết luận. Bố đã làm thế, và những kết luận ông có được đã làm suy giảm niềm tin của ông vào lực lượng hành pháp. Khi ông xuất viện tám tháng sau đó, ông cũng kịp học xong một khóa hàm thụ về báo chí.”
“Thật đáng buồn,” Sixsmith nói.
“Phần còn lại thì có thể bác đã biết. Đưa tin về Triều Tiên cho tờ Illustrated Planet, sau đó trở thành thông tín viên khu vực Mỹ Latin của tờ West Coast Herald. Ông đến Việt Nam để đưa tin về trận Ấp Bắc và thường trú tại Sài Gòn cho đến khi ngã bệnh hồi tháng Ba vừa rồi. Thật kì diệu khi cuộc hôn nhân của bố mẹ cháu có thể kéo dài ngần ấy năm – bác biết đấy, khoảng thời gian dài nhất cháu được ở bên bố là từ tháng Tư đến tháng Bảy, năm nay, trong bệnh viện.” Luisa im lặng. “Cháu nhớ bố, bác Rufus ạ, nhớ triền miên. Cháu cứ quên là bố đã mất. Cháu cứ nghĩ bố đang đi công tác, ở đâu đó, và sẽ sớm bay về một ngày nào đó.”
“Ông ấy hẳn là rất tự hào về cô, vì đã nối nghiệp ông.”
“Tiếc thay, Luisa Rey không phải là Lester Rey. Cháu đã lãng phí nhiều năm chỉ để nổi loạn và tự giải phóng, ôm mộng thi sĩ và làm việc trong một hiệu sách trên phố Engels. Mấy trò làm bộ làm tịch của cháu chẳng thuyết phục được ai, còn thơ thẩn thì ‘ngớ ngẩn đến nỗi gọi là dở còn chưa đúng’ – như nhận xét của Lawrence Ferlinghetti – rồi hiệu sách thì đóng cửa dẹp tiệm. Vì vậy cháu vẫn chỉ là một cây bút bình luận quèn mà thôi.” Luisa dụi đôi mắt mệt mỏi, nghĩ đến câu nói của Richard Ganga lúc chia tay. “Không có bài báo đoạt giải nào từ vùng chiến sự. Cháu đã ấp ủ nhiều kì vọng khi đầu quân cho Spyglass, nhưng tin lá cải ba xu về những buổi tiệc tùng đình đám xem ra là thứ gần nhất với nghiệp xưa của bố mà cháu đạt được.”
“À, nhưng mà tin lá cải ba xu được viết một cách bài bản chứ?”
“Phải nói là tin lá cải ba xu viết một cách xuất sắc đấy ạ.”
“Vậy thì chớ vội than vãn về cuộc sống đặt nhầm chỗ của mình. Xin thứ lỗi vì tôi khoe khoang kinh nghiệm bản thân, nhưng cô không hình dung được một cuộc sống đặt nhầm chỗ là như thế nào đâu.”