Megan Sixsmith ngồi trên một băng ghế thấp trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Buenas Yerbas, nhìn chăm chú vào một bức họa chân dung khổng lồ vẽ gương mặt một bà già trông như gấu, ngẫm nghĩ về những đường nét xám và đen trên nền vải trắng. Là bức tranh vẽ người duy nhất trong một căn phòng đầy tranh của Pollocks, de Koonings và Miros, bức chân dung gây sửng sốt một cách lặng lẽ. “Hãy nhìn,” bà ta nói, “vào tương lai cô. Khuôn mặt cô một ngày nào đó cũng sẽ giống ta,” Megan nghĩ ngợi. Thời gian đã đan lớp da của bà ta thành những mạng nhện nhăn nheo. Cơ thịt chỗ thì chùng xuống, chỗ lại căng ra, mi mắt sụp xuống. Sợi chuỗi ngọc trai của bà ta hẳn thuộc loại thứ phẩm, còn mái tóc thì rối bù, hậu quả của một buổi chiều đi gom lũ cháu về. Nhưng bà ta thấy những điều mà mình không thấy.
Một cô gái trạc tuổi ngồi xuống cạnh cô. Cô ta cần được tắm rửa, thay quần áo. “Megan Sixsmith?”
Megan liếc nhìn sang bên. “Luisa Rey?”
Cô gật đầu về phía bức tranh chân dung. “Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn thích bà ấy. Bố tôi đã gặp bà, ý tôi là ngoài đời thực ấy. Bà là một người sống sót sau thảm họa diệt chủng, đã đến định cư ở BY. Mở một nhà trọ ở Little Lisbon. Bà là chủ nhà của họa sĩ, trước khi ông ta nổi tiếng.”
Lòng can đảm mọc lên ở bất kỳ đâu, Megan Sixsmith nghĩ ngợi, như cỏ dại.
“Joe Napier nói cô mới bay đến đây hôm nay từ Honolulu.”
“Ông ấy có ở đây không?”
“Người ở sau lưng tôi, mặc áo jean, đang giả vờ xem tranh của Warhol đấy. Ông ấy đang canh chừng cho chúng ta. Tôi e rằng nỗi lo sợ của ông ta là rất có căn cứ.”
“Vâng. Tôi cần biết cô chính là người mà cô đang tự nhận.”
“Tôi rất vui khi nghe điều đó. Cô có ý tưởng gì không?” Bí ẩn đầu tiên về Luisa Rey
“Chú tôi thích nhất bộ phim nào của Hitchcock?” Cô gái tự xưng là Luisa nghĩ ngợi một lúc, rồi mỉm cười. “Chúng tôi có nói về Hitchcock trong thang máy – tôi đoán là ông ấy đã viết thư kể cho cô chuyện này – nhưng tôi không nhớ ông có nói tên bộ phim yêu thích hay không. Ông thích đoạn không lời trong Vertigo, khi Cary Grant theo gót người phụ nữ bí ẩn đến bến tàu với cảnh nền là San Francisco. Ông cũng thích xem Charade – tôi biết đấy không phải là phim của Hitchcock, nhưng nó làm ông thấy buồn cười, vì cô gọi Audrey Hepburn là đầu bong bóng.”
Megan ngả người ra ghế. “Phải, bác tôi nhắc đến cô trong một tấm thiệp do ông gửi từ khách sạn sân bay. Nó rất căng thẳng, và đáng lo, đầy những đoạn như ‘Nếu có chuyện gì xảy ra với chú’ – nhưng đó không phải là thư tuyệt mệnh. Không gì có thể khiến bác Rufus làm điều mà cảnh sát nói. Tôi biết chắc như vậy.” Hãy hỏi cô ấy, và cố đừng run rẩy nữa, vì Chúa. “Cô Rey – cô có nghĩ rằng bác tôi đã bị ám sát không?”
Luisa Rey đáp, “Tôi được biết ông đã bị hại. Tôi rất tiếc.”
Sự quả quyết của cô nhà báo xóa tan ngờ vực. Vậy là không phải mình đang bị điên. “Tôi biết về công việc bác ấy làm cho Seaboard và Bộ Quốc phòng. Tình hình là tôi chưa từng xem toàn bộ bản báo cáo, nhưng tôi đã kiểm tra số liệu của nó khi tôi thăm bác Rusfus hồi tháng Sáu. Chúng tôi hiệu đính tài liệu cho nhau.”
“Bộ Quốc phòng à? Ý cô không phải là Bộ Năng lượng sao?”
“Quốc phòng. Một sản phẩm phụ của lò phản ứng HYDRA-Zero chính là uranium dùng để sản xuất vũ khí. Chất lượng tối ưu, nhiều vô kể.” Megan để cho Luisa Rey tiếp thu những ẩn ý mới này. “Cô cần gì?”
“Công trình của ông cô. Bản báo cáo, chỉ có bản báo cáo, mới có thể đánh bại Seaboard trước công chúng và pháp luật. Và, nhân tiện, cứu mạng tôi.”
Tin người lạ này hay đứng dậy bỏ đi?
Một hàng rồng rắn học sinh xúm lại quanh bức chân dung người đàn bà. Megan thì thầm, nhỏ hơn giọng thuyết trình của người phụ trách bảo tàng, “Bác Rufus cất toàn bộ tài liệu học thuật, dữ liệu, ghi chú, bản nháp, vân vân trên Starfish – chiếc du thuyền của bác ấy– để tham khảo về sau. Đến tuần sau chúng tôi mới cử hành tang lễ, việc chứng thực di chúc sẽ chưa bắt đầu cho đến lúc đó, vì vậy nơi cất giấu này chắc là vẫn chưa bị sờ đến. Tôi dám cá là bác cất một bản báo cáo trên thuyền. Người của Seaboard hẳn đã lục soát chiếc thuyền, nhưng bác ấy có nguyên tắc là không nhắc đến Starfish ở nơi làm việc…”
“Bây giờ chiếc Starfish đang neo ở đâu?”