Lão Boerhaave ngồi giữa đám vô lại thân tín như con rắn chúa & bầy rắn sọc. Buổi “lễ mừng” Sabbath của họ diễn ra dưới lầu trước khi tôi thức giấc. Tôi đi tìm nước cạo râu & thấy quán rượu đang lô nhô đám thủy thủ chờ đến lượt vui vẻ với những cô gái thổ dân đáng thương mà Walker đem về và biến nhà trọ thành một nhà chứa tự phát. (Rafael không nằm trong số những kẻ trác táng này.)
Tôi không dùng bữa sáng Chúa nhật của mình trong nhà chứa. Henry cũng có cùng cảm giác ghê tởm như tôi, vì thế chúng tôi bỏ bữa sáng (cô hầu gái chắc cũng đang bị ép làm một công việc khác) & đi đến nhà thờ để cầu nguyện với cái bụng lép kẹp.
Đi được chưa đến hai trăm mét, tôi hốt hoảng nhớ ra quyển nhật kí đang nằm trên bàn trong phòng tôi ở Musket, tên thủy thủ say xỉn nào cũng có thể nhìn thấy nếu lẻn vào phòng. Lo sợ cho sự an toàn của nó (& của chính tôi, nếu lão Boerhaave sờ tới nó), tôi quay lại để tìm cách giấu nó đi. Những nụ cười nhếch mép chào đón sự trở về của tôi & tôi cứ ngỡ rằng mình là “kẻ xấu đang bị nói đến,” nhưng tôi biết được lý do thực sự khi mở cửa phòng: Bàn tọa bệ vệ của Boerhaave đang cưỡi lên con gấu cái đen trũi trên giường của tôi, ngay giữa lúc đang hành lạc! Lão già người Hà Lan khốn nạn ấy có xin lỗi tôi không? Không hề! Lão cho mình là bên bị hại & gầm lên, “Xéo đi, Gà Chọi! không ta đấm vỡ cái mũi Mỹ quốc của mi bây giờ, đ. mẹ!”
Tôi chộp lấy quyển nhật ký & chạy lập cập xuống cầu thang trong sự đắc chí & giễu cợt của những kẻ mọi rợ da trắng đang tụ tập ở dưới. Tôi phản đối với Walker rằng tôi trả tiền để thuê một phòng riêng & nghĩ rằng nó vẫn thuộc riêng tôi ngay cả khi tôi vắng mặt, nhưng tên khốn ấy chỉ đề nghị sẽ giảm giá một phần ba cho “mười lăm phút vui vẻ với em ngựa non đẹp nhất trong chuồng của tôi!” Kinh tởm, tôi nhắc lại rằng tôi đã có vợ & con! & rằng tôi thà chết cũng không đánh mất nhân phẩm & đức độ của mình với bất kì ả gái điếm mắc bệnh giang mai nào của hắn! Walker thề sẽ “trang điểm cho mắt tôi” nếu tôi còn gọi những cô con gái cưng của hắn là “gái điếm” lần nữa. Một con rắn sọc rụng hết răng chế giễu rằng nếu có vợ & con là một đạo đức thì, “Ô hay, ông Ewing này, tôi đạo đức hơn ông gấp mười lần đấy!” & một kẻ nào đó trút cả một vại rượu lên người tôi. Tôi bỏ đi trước khi họ thay rượu bằng một vật cứng hơn.
Chuông nhà thờ đang triệu hồi những kẻ kính sợ Chúa ở Vịnh Đại Dương & tôi vội vàng đến nơi Henry đang đợi, cố gắng quên đi cảnh bẩn thỉu vừa chứng kiến ở nhà trọ. Nhà thờ ọp ẹp như một thùng gỗ cũ & người đi lễ thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng ngay cả kẻ lữ hành được thỏa mãn cơn khát trên một ốc đảo sa mạc cũng không thể biết ơn hơn Henry & tôi khi cầu nguyện sáng hôm đó. Người sáng lập nhà thờ theo phái Luther đã yên nghỉ mười mùa đông qua trong nghĩa trang nhà thờ & chưa có người kế vị nào dám nhận lãnh vai trò của người chủ trì bệ thờ. Vì thế, giáo phái ở đây toàn xủng xoảng những tín điều Cơ đốc giáo. Chỉ một nửa số con chiên đi lễ biết chữ, họ đọc những đoạn Kinh thánh & chúng tôi tham gia hát một, hai bài thánh ca khi đến lượt. Người “phụng sự” đàn con chiên, một người tên là D’Arnoq, đứng dưới cây thập giá giản dị & nài nỉ Henry & tôi cũng hòa theo cách thức như họ. Nhớ lại mình đã thoát chết trong cơn bão tuần trước, tôi đề nghị đọc Phúc âm Luca chương 8: Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” Người thức dậy, ngăn đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay.
Henry đọc Thi thiên số Tám, bằng giọng âm vang như một kịch sĩ thực thụ, Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, Khiến muôn vật phục dưới chơn người: Cả loài chiên, loài bò, đến đỗi các thú rừng, chim trời & cá biển & phàm vật gì lội đi trên các lối biển. Chẳng có nhạc công dương cầm nào đánh bài Hồn tôi tôn dương Chúa ngoài tiếng gió rít trong ống khói, chẳng có dàn đồng ca nào hát Muôn lạy Chúa ngoài tiếng chim hải âu kêu gào, nhưng tôi nghĩ Đấng sáng tạo sẽ không phật ý. Chúng tôi gần với những tín đồ Cơ đốc giáo thời kì sơ khai của La Mã hơn bất kì Giáo hội nào sau này được bao phủ bằng bí mật & đá quý. Tiếp theo đó là cầu nguyện chung. Các giáo dân cầu cho vụ khoai tây khỏi dịch bệnh, lòng từ cho linh hồn một trẻ sơ sinh mới chết, ban phúc cho một chiếc tàu đánh cá mới, v.v. Henry tạ ơn vì lòng hiếu khách của những người Cơ đốc giáo trên đảo Chatham dành cho những kẻ mới đến như chúng tôi. Tôi lặp lại những cảm nghĩ này & gửi lời cầu nguyện đến Tilda, Jackson & nhạc phụ của tôi trong thời gian tôi vắng mặt kéo dài.
Sau buổi lễ, “trụ cột” chính của nhà thờ, một người xưng là Evans, lịch thiệp tiếp cận bác sĩ & tôi. Ông Evans giới thiệu Henry & tôi với phu nhân của ông ta (cả hai vợ chồng đều làm bộ lãng tai bằng cách chỉ trả lời những câu hỏi mà họ tin là được hỏi & chỉ chấp nhận những câu trả lời họ tin là được đưa ra – một mưu mà nhiều thầy cãi Mỹ quốc ưa dùng) & hai người con trai song sinh của họ, Keegan & Dyfedd. Ông Evans cho hay tuần nào cũng mời ông D’Arnoq, nhà truyền đạo của chúng tôi, đến ăn tối ở nhà mình gần đó, bởi ông D’Arnoq trú tận Port Hutt, một mũi đất xa nơi này đến vài dặm. Liệu chúng tôi có muốn cùng họ dùng bữa ăn tối Chúa nhật không? Đã báo với Henry về cảnh ô uế ở Musket & nghe tiếng “Nổi dậy!” réo trong dạ dày, chúng tôi nhận lời nhà Evans với lòng biết ơn.
Trang trại của chủ nhà nằm cách Vịnh Đại Dương nửa dặm trong một thung lũng quanh co lộng gió, là một tòa nhà đơn sơ nhưng chống chọi tốt trước bão tố phong ba từng đánh tan tành không biết bao nhiêu chiếc tàu vắn số ở những bãi đá ngầm gần đó. Phòng khách được trang trí bằng một cái thủ lợn khổng lồ (buồn thảm với cái miệng mở há & cặp mắt lờ đờ), do cặp song sinh săn được vào sinh nhật thứ mười sáu, & một chiếc đồng hồ quả lắc miên hành (lệch vài giờ so với đồng hồ bỏ túi của tôi. Kì thực, một trong những món nhập khẩu quý giá từ New Zealand chính là giờ giấc chính xác). Một thổ dân làm công ở trang trại nhìn trộm mấy vị khách của ông chủ từ sau khung cửa sổ. Không còn cảnh những kẻ nổi loạn ăn mặc rách rưới, nhưng ông Evans quả quyết rằng Barnabas, anh chàng có một phần tư máu da đen này, là “chú chó chăn cừu hai chân chạy nhanh nhất.” Keegan & Dyfedd là hai chàng trai thật thà như đếm, nói năng ngây ngô như cừu (gia đình này chăn hai trăm con), vì chưa bao giờ lên “Phố” (cách gọi của dân đảo về New Zealand) và cũng chẳng học qua trường lớp nào, ngoài những bài học Kinh thánh do cha dạy, nhờ đó mới biết đọc biết viết.
Bà Evans đọc lời cầu nguyện tạ ơn & tôi đã có một buổi ăn dễ chịu nhất (không đẫm muối, sâu bọ & tiếng chửi thề) kể từ buổi tiệc chia tay với Lãnh sự Bax & gia đình Partridge ở Beaumont. Ông D’Arnoq kể cho chúng tôi nghe chuyện về những con tàu mà ông ta đã cung ứng trong suốt mười năm cư ngụ trên đảo Chatham, còn Henry thì mua vui với những chuyện kể về bệnh nhân, cả sang lẫn hèn, mà ông đã chữa trị ở London và Polynesia. Về phần mình, tôi tả lại những gian truân của một công chứng viên Mỹ quốc để tìm ra người thừa kế ở Úc cho một bản di chúc lập ở California. Chúng tôi chén sạch món cừu hầm & bánh nhân táo với chút rượu do ông Evans nấu để mua bán với những tàu săn cá voi. Dùng bữa xong, Keegan & Dyfedd đi chăn bầy gia súc & bà Evans lui vào bếp. Henry hỏi bây giờ các hội truyền giáo còn hoạt động tích cực trên Chatham không, ông Evans & D’Arnoq nhìn nhau & ông Evans đáp, “Không, người Maori không thích Pakeha* chúng ta làm Moriori của họ hư hỏng vì lạm dụng văn minh.”
Tôi hỏi có căn bệnh gọi là “lạm dụng văn minh” hay sao? Ông D’Arnoq đáp, “Nếu phía tây của Mũi Sừng mà không có Thượng đế thì cũng chẳng có Mọi người sinh ra đều bình đẳng như hiến pháp của ông quy định đâu, ông Ewing ạ.” Những tên gọi như Maori & Pakeha thì tôi đã biết đến từ những ngày Prophetess neo đậu ở Vịnh Đa Đảo, nhưng tôi thắc mắc Moriori có nghĩa là gì. Câu hỏi của tôi đã mở ra chiếc hộp Pandora lịch sử, với đầy đủ chi tiết về sự suy tồn & diệt vong của bộ tộc thổ dân trên Chatham. Chúng tôi châm tẩu thuốc. Ba giờ sau đó, ông D’Arnoq vẫn đang kể chuyện say sưa không dứt dù đã đến lúc phải lên đường về Port Hutt trước khi không còn thấy đường về vì trời tối. Lịch sử qua lời kể của ông, theo tôi, có thể ngang tầm với văn phong của Defoe hoặc Melville** & tôi sẽ chép lại đây trên những trang giấy này, sau khi đánh một giấc theo ý Thần Ngủ.
===== =====
* Ngôn ngữ Maori, chỉ người phương Tây
** Daniel Defoe (1660-1731): tác giả tiểu thuyết Robinson Crusoe
Herman Melville (1819-1891): tác giả tiểu thuyết Moby-Dick