– Những lá thư từ Zedelghem –

- Những lá thư từ Zedelghem -

Lâu đài Zedelghem,
Buổi tối,
16 – viii – 1931.

Sixsmith,

Lá thư tẻ nhạt từ “cố vấn pháp luật” của bố tôi do anh gửi là một lá bài Át Rô. Chúc mừng. Đọc to thư lên trong giờ ăn sáng – chỉ gây ra sự quan tâm thoáng qua. Dấu bưu điện Saffron Walden cũng là một điểm nhấn siêu đẳng. Có thật là anh đã lôi bản thân ra khỏi phòng thí nghiệm để bước vào buổi chiều Essex nắng đẹp và đích thân gửi thư không? Ayrs mời “Ngài Cummings” của chúng ta đến gặp tôi ở Zedelghem, nhưng anh đã viết thời gian r. có hạn, nên phu nhân Crommelynck bảo Hendrick lái xe chở tôi vào thị trấn để ký giấy tờ. Ayrs làu bàu về chuyện mất một ngày làm việc, nhưng lão thì cứ phải làu bàu mới thấy vui.

Hendrick và tôi lên đường sáng nay khi trời còn mờ hơi sương, chạy qua những con đường mà tôi từng đạp xe từ Bruges cách đây nửa mùa hè. Mặc một chiếc áo khoác của Ayrs – phần lớn tủ quần áo của lão đang chuyển dần sang tủ quần áo của tôi, khi giờ đây vài món đồ của tôi, được giải cứu từ cuộc giành giật ở khách sạn Imperial, đã sờn. Chiếc Enfield được buộc vào thanh cản phía sau để tôi có thể giữ lời hứa trả lại cho người cảnh sát tốt bụng. Quyển sách bọc da bê được tôi ngụy trang dưới lớp giấy viết nhạc mà ai ở Zedelghem cũng biết tôi luôn đem theo người, và giấu trong một chiếc túi xách bẩn thỉu để tránh nhòm ngó. Hendrick hạ mui chiếc Cowley xuống, vì thế chẳng nói chuyện được mấy vì gió quá nhiều. Làm kẻ lầm lì, cho hợp với hắn. Khá kì cục khi phải thừa nhận, nhưng kể từ khi bắt đầu phục vụ cho phu nhân Crommelynck, tôi cảm thấy hồi hộp trước mặt người hầu của lão chồng hơn là khi đối mặt với lão. (Jocasta tiếp tục ban tặng ưu ái cho tôi, cách ba, bốn đêm một lần, dù không bao giờ léng phéng khi Eva ở nhà, một quyết định r. sáng suốt. Mà nói gì thì nói, cũng không nên chén hết chocolate sinh nhật của mình một lần.) Cảm giác bất an của tôi xuất phát từ khả năng Hendrick đã biết. Ôi, những kẻ ở trên lầu thích tán tụng nhau vì sự thông minh của mình, nhưng chẳng có bí mật nào mà những người thay ga trải giường lại không biết. Không cần quá lo. Đừng đưa ra những đòi hỏi phi lý với người hầu, và Hendrick đủ thận trọng để đặt cược vào một bà chủ quyền uy còn nhiều năm trước mắt, chứ không phải vào ông chủ bất lực như Ayrs. Hendrick là một gã kỳ lạ, thật đấy. Khó mà đoán được sở thích của hắn. Có tiềm năng trở thành một tay hồ lì xuất sắc ở sòng bạc.

Hắn thả tôi xuống bên ngoài Guild Hall, tháo chiếc xe đạp Enfield và bỏ tôi ở đó để đi làm vài chuyện vặt và ghé thăm một bà cô bị ốm, theo như hắn nói. Đạp xe băng qua những đám đông du khách, học sinh và người dân, chỉ bị lạc vài lần. Ở đồn cảnh sát, thanh tra viên mê âm nhạc rất hồ hởi khi gặp tôi và sai người đi mua cà phê, bánh ngọt. Ông ta rất vui khi công việc của tôi với Ayrs diễn tiến thuận lợi. Đến lúc tôi rời đó thì đã mười giờ, vừa đến giờ hẹn. Không vội vã. Tốt hơn cứ để đối tác giao dịch đợi một chút.

Jansch tựa vào quầy rượu trong quán Le Royal và chào tôi “À ha, trong lúc tôi sống và hít thở, thì Người Tàng Hình đã trở lại thể theo yêu cầu của công chúng!” Tôi thề, Sixsmith ạ, mỗi lần gặp tên cáo già Shylock đầy mụn cơm này là tôi lại thấy hắn ghê tởm hơn một chút. Có phải trong kho hắn có một bức chân dung thần kỳ càng ngày càng đẹp ra, ngược với hắn không? Không hình dung ra nổi tại sao hắn lại tỏ vẻ vui mừng như thế khi gặp tôi. Nhìn khắp quán để xem có chủ nợ nào nhận được tin báo không – chỉ cần nhác thấy bóng ai là tôi sẽ lao thẳng ra cửa. Jansch đọc được suy nghĩ của tôi. “Cảnh giác quá vậy, Roberto? Tôi chẳng đời nào đem lại phiền phức cho con ngỗng hư hỏng biết đẻ trứng vàng, đúng không nào? Đến đây đi,” hắn chỉ vào quầy rượu, “cậu uống thứ độc dược gì?”

Trả lời rằng ở chung một tòa nhà với Jansch, dù rằng là một tòa nhà lớn, cũng đã đủ độc rồi, nên tôi thà bắt tay ngay vào việc. Hắn cười khùng khục, vỗ lên vai tôi rồi dẫn tôi vào căn phòng đã đặt chỗ riêng cho giao dịch của chúng tôi. Không có ai đi theo, nhưng điều đó cũng chẳng đảm bảo được gì. Lúc này lại ước gì đã nhờ anh sắp xếp cho một điểm hẹn công cộng hơn, để đám thuộc hạ của Tam Brewer không trùm bao bố lên đầu tôi, ném tôi vào thùng xe rồi lôi tôi về London. Lấy mấy quyển sách ra khỏi túi xách còn hắn lôi cặp kính kẹp mũi ra từ túi áo khoác. Jansch xem xét các quyển sách tại một chiếc bàn đặt bên cửa sổ. Hắn tìm cách hạ giá, chê tình trạng mấy quyển sách chỉ “được” thôi chứ không “tốt”. Hết sức bình tĩnh, tôi gói những quyển sách lại, đặt vào túi xách, và làm cho tên Do Thái keo kiệt đuổi theo tôi đến ngoài lối đi cho đến khi hắn thừa nhận với tôi rằng những quyển sách thật sự rất “tốt”. Để hắn dẫn trở lại phòng, ở đó chúng tôi đếm tiền, chậm rãi, cho đến khi số tiền thỏa thuận được trả đủ. Giao dịch kết thúc, hắn than vắn thở dài rằng tôi đã làm hắn khánh kiệt, nở điệu cười đó rồi đặt bàn tay lông lá lên đầu gối tôi. Nói tôi đến đây chỉ để bán sách. Hắn hỏi sao lại để chuyện làm ăn gạt bỏ thú vui? Chắc chắn một anh chàng trẻ tuổi ở xứ người phải biết cách để kiếm chút tiền tiêu vặt chứ?

Một giờ sau đó, rời khỏi Jansch trong lúc hắn còn say ngủ cùng chiếc ví lép kẹp. Tiến thẳng đến ngân hàng ở đối diện quảng trường và được thư ký riêng của giám đốc tiếp đón. Trả được nợ mới khỏe làm sao. Như ông bô thường nói, “Mồ hôi của chính mình là phần thưởng tuyệt vời nhất!” (cứ như ông bô đổ nhiều mồ hôi trên bục giảng kinh sang cả ấy lắm). Điểm dừng kế tiếp là cửa hàng âm nhạc của thành phố, Flagstad, nơi tôi mua một chồng giấy viết nhạc để thay thế gói hàng bị mất từ túi xách, nhỡ chẳng may có ai nhận ra. Bước ra ngoài, trông thấy một đôi ghệt phủ màu nâu xỉn bày sau cửa sổ hiệu giày. Đi vào, mua luôn. Thấy một hộp đựng thuốc lá da cá nhám trong một hiệu thuốc lá. Cũng đã mua.

Còn hai giờ để tiêu. Làm một ly bia lạnh trong một tiệm cà phê, rồi một ly nữa, một ly nữa, rồi hút hết cả gói thuốc lá Pháp ngon lành. Tiền của Jansch chẳng phải là của báu gì cho cam, nhưng Chúa biết nó đem lại cảm giác như thế. Tiếp đó tôi tìm thấy một nhà thờ trong một con phố hẹp (tránh những chốn đông đúc du khách để tránh những tay buôn sách mặt mũi cau có), bên trong lung linh nến, bóng người, những người tử vì đạo thiểu não, nhang khói. Chưa đi nhà thờ lần nào kể từ khi bị ông bô đuổi cổ. Cánh cửa nhìn ra đường liên tục bị đóng sầm lại. Những con chiên già lẻo khoẻo đến, thắp nến, rồi đi. Ổ khóa trên thùng tiền cúng thuộc vào loại tốt nhất. Người ta quỳ gối cầu nguyện, vài người mấp máy môi. Ganh tị với họ, thực lòng. Tôi cũng ganh tị với Chúa, được biết riêng các bí mật của họ. Tín ngưỡng, câu lạc bộ ít kén chọn nhất trên trái đất, có người gác cửa xảo quyệt nhất. Mỗi lần tôi bước qua khung cửa rộng mở của nó, tôi thấy mình lại bước ra phố thị. Cố hết sức để suy nghĩ tích cực, nhưng tâm trí tôi không ngừng vuốt ve Jocasta. Ngay cả những hình thánh và người tử vì đạo trên kính màu cũng gây kích thích nhẹ. Đừng cho rằng những mộng mơ ấy sẽ đem tôi đến gần hơn với Thiên đường. Cuối cùng, bản motet[24] của Bach mới là thứ xua đuổi tôi – dàn hợp xướng không đến nỗi tệ, nhưng niềm hi vọng cứu rỗi duy nhất từ nhạc công organ là viên đạn xuyên qua đầu. Cũng bảo với ông ta như thế – nói chuyện phiếm thì khéo léo và kiềm chế rất tốt, nhưng cứ hễ nhận xét về âm nhạc thì không vòng vo nổi.

Ở một công viên đoan trang đức hạnh tên là Vườn Minnewater, những đôi tình nhân tay trong tay bước thong dong giữa những hàng liễu, hoa hồng Banksia và bà vú nuôi đi kèm. Người nghệ sĩ vĩ cầm mù héo hon chơi nhạc để xin vài đồng bạc cắc. Đây mới gọi là biết chơi nhạc. Yêu cầu bản “Bonsoir, Paris!”, và ông ta biểu diễn đầy hứng khởi đến nỗi tôi nhét một tờ năm franc mới cáu vào tay ông ta luôn. Ông ta tháo cặp kính đen, sờ tờ bạc, gọi tên vị thánh sủng ái, thu nhặt mớ tiền xu rồi chạy băng qua những thảm hoa, cười như điên. Ai nghĩ ra câu, “Tiền không mua được hạnh phúc,” rõ ràng là bị dư tiền trầm trọng rồi.

Ngồi xuống một băng ghế sắt. Chuông đồng hồ điểm một giờ, rải rác gần xa. Những thầy ký lê bước ra khỏi các văn phòng luật và thương mại để vào công viên gặm bánh mì kẹp và hít thở làn gió xanh. Đang tự hỏi không biết đã muộn giờ hẹn với Hendrick chưa, thì đoán xem ai bước vào công viên, không có vú nuôi đi kèm, cùng với một người đàn ông chải chuốt có bộ dạng gầy gò như con bọ que, tuổi đời gấp đôi, một chiếc nhẫn cưới bằng vàng thô kệch nổi bật đầy tự tin trên ngón tay. Đúng ngay lần đầu. Eva. Che mặt bằng tờ báo của một thầy ký để lại trên băng ghế. Eva không đụng chạm với người đi cùng, nhưng họ tản bộ ngang qua tôi với vẻ thân mật thoải mái mà nàng không bao giờ thể hiện ở Zedelghem. Tôi đi ngay đến kết luận hiển nhiên.

Eva đang đặt cược vào một con bài không chắc thắng. Ông ta quàng quạc, để cho người lạ cũng nghe thấy và gây ấn tượng với họ. “Eva ạ, mỗi người có một thời, khi ta và bạn bè cùng mặc nhiên coi trọng một điều gì đó mà không nghĩ gì sâu xa. Tương tự, con người bị tàn phá khi thời thế thay đổi, mà anh ta thì không chịu thay đổi. Xin nói thêm rằng các đế chế sụp đổ cũng vì lý do tương tự đấy.” Lão triết gia như con quạ già này khiến tôi ớ ra. Một cô gái có ngoại hình như E. có thể kiếm được mối tốt hơn nhiều chứ, đúng không? Thái độ cư xử của E. cũng khiến tôi ớ ra. Giữa ban ngày ban mặt, ở ngay trong thành phố của cô nàng! Nàng có muốn hủy hoại bản thân không? Nàng có phải tuýp người đòi bình đẳng bầu cử cho nữ giới không? Tôi đi theo cặp đôi này, giữ khoảng cách an toàn, đến một ngôi nhà trên con phố sầm uất. Người đàn ông quét mắt xung quanh một lượt rồi tra chìa khóa vào chốt cửa. Tôi nấp trong một chuồng ngựa.

Hãy hình dung cảnh Frobisher xoa tay đầy sung sướng!

Eva trở về muộn như thường lệ vào chiều thứ Sáu. Có một chiếc ghế bành bằng gỗ sồi đặt trên hành lang giữa phòng của nàng và cửa ra chuồng ngựa. Tôi đã ngồi trên chiếc ghế này để tính toán. Thật không may tôi bắt đầu lạc vào những hợp âm sắc màu của thủy tinh cũ, và không hề nhận thấy E., tay cầm roi cưỡi ngựa, thậm chí chẳng biết là nàng đang bị mai phục. “S’agit-il d’un guet-apens? Si vous voulez discuter avec moi d’un problème personnel, vous pourriez me prévenir?” (Định đặt bẫy tôi à? Nếu muốn nói chuyện riêng với tôi thì làm ơn báo trước một tiếng có được không?)

Bị bắt quả tang như thế khiến tôi nói huỵch toẹt luôn suy nghĩ của mình. Eva nghe thấy. “Anh bảo tôi là ‘đứa vụng trộm’ á? ‘Une moucharde’? Ce n’est pas un mot aimable, Mr Frobisher. Si vous dites que je suis une moucharde, vous allez nuire à ma réputation. Et si vous nuisez à ma reéputation, eh bien, il faudra que je ruine la vôtre!” (Đây không phải là một từ đàng hoàng đâu, anh Frobisher. Nói tôi là đứa vụng trộm là xúc phạm danh dự của tôi đấy. Anh mà động đến danh dự của tôi thì tôi sẽ hủy hoại danh dự của anh!)

Tôi phản pháo, một cách muộn màng. Đúng, danh dự của nàng chính xác là điều mà tôi đang muốn cảnh báo. Nếu ngay cả một người ngoại quốc đến thăm Bruges mà còn bắt gặp nàng giao du ở Công viên Minnewater trong giờ học với một con cóc ghẻ như thế, thì sớm muộn gì những kẻ ưa ngồi lê đôi mách ở thành phố cũng sẽ bôi tro trát trấu tên tuổi nhà Crommelynck-Ayrs mà thôi!

Tôi đã chuẩn bị tinh thần nhận một cái bạt tai, nhưng tiếp đó, nàng đỏ bừng và cụp mặt xuống. Với giọng điệu nhu mì, nàng hỏi, “Avez-vous dit à ma mère ce que vous avez vu?” (Anh có nói với mẹ tôi những gì anh thấy chưa?) Tôi đáp chưa, tôi chưa nói với ai cả, song E. vẫn thận trọng: “Anh ngốc lắm, Monsieur Frobisher ạ, vì mẹ tôi đã có thể cho anh biết ‘nhân tình’ bí ẩn đó là Quý ông van de Velde, gia đình ông ấy cho tôi ở nhờ trong tuần để đi học. Bố ông ấy sở hữu nhà xưởng đạn dược lớn nhất tại Bỉ, và ông ấy là một người đàn ông khả kính của gia đình. Thứ Tư là ngày lễ nên trường học cho nghỉ nửa ngày, vì vậy Quý ông van de Velde đã rất tử tế tháp tùng tôi từ văn phòng của ông ấy về nhà. Các con gái của ông ấy phải dự một buổi luyện thanh. Trường học không thích nữ sinh đi ra ngoài một mình, ngay cả giữa ban ngày. Trong công viên hay có đám rình mò vụng trộm mà, anh biết đấy, những kẻ vụng trộm đầu óc bẩn thỉu, chầu chực để hủy hoại danh dự của một cô gái, hoặc rình rập cơ hội để dọa dẫm cô ta.”

Ngậm bồ hòn hay phản pháo? Tôi đặt món cược của mình. “Dọa dẫm gì cơ chứ? Tôi cũng có ba cô em gái, nên tôi thấy lo lắng cho danh dự của cô. Thế thôi.” Nàng được nước làm tới. “Ah oui? Comme c’est délicat de votre part! (Thế à? Anh tử tế quá nhỉ!) Nói cho tôi nghe xem nào, anh Frobisher, chính xác thì anh nghĩ Quý ông van de Velve định làm gì tôi nào? Có phải anh đã ghen tuông mù quángkhông?”

Sự thẳng thắn đáng sợ của nàng – ở một cô gái – khiến tôi chới với. “Tôi thấy nhẹ lòng vì sự hiểu lầm đơn giản này đã được giải quyết,” tôi chọn nụ cười gượng gạo nhất, “và ngỏ lời xin lỗi chân thành nhất.”

“Tôi chấp nhận những lời xin lỗi chân thành nhất với cùng một thái độ mà chúng được đưa ra.” E. đi ra chuồng ngựa, chiếc roi đung đưa như đuôi sư tử. Đi vào phòng âm nhạc để tìm quên cho biểu hiện kém cỏi của mình trong thứ nhạc ma quỷ của Liszt. Bình thường có thể đánh loạn xạ một bản “La Prédication aux Oiseaux” nhưng thứ Sáu tuần trước thì không. Tạ ơn Chúa ngày mai E. sẽ đi Thụy Sĩ. Nếu nàng phát hiện ra những chuyến viếng thăm buổi tối của mẹ mình – chà, không dám nghĩ đến nữa. Tại sao cứ hễ con trai là tôi dễ dàng xỏ mũi (và không chỉ mũi) trong khi đàn bà con gái ở Zedelghem cứ thắng tôi hết lần này đến lần khác?

Thân mến,
R. F.

===== =====

[24] Motet là bản nhạc có nhiều phần lấy cảm hứng từ Kinh thánh.

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset