– Những lá thư từ Zedelghem –

- Những lá thư từ Zedelghem -

Zedelghem.
21 – x – 1931.

Sixsmith,

Ngày mai Ayrs có thể đứng dậy được sau hai tuần liền nằm một chỗ. Không muốn trù cho những kẻ thù lớn nhất của mình bị bệnh giang mai. Dù sao cũng chỉ có một, hai kẻ thù như thế. Bệnh giang mai ăn dần ăn mòn rất nhanh, như hoa quả thối rữa trong vườn cây trái. Bác sĩ Egret đến khám hai ngày một lần, nhưng chẳng còn gì nhiều để kê toa ngoài những liều morphine ngày càng lớn. V.A. căm ghét nó vì nó che mờ âm nhạc của lão.

J. hay mắc phải những cơn chán chường. Có đêm, bà ta bám riết lấy tôi như thể tôi là cái phao cứu sinh còn bà ấy thì đang chìm vậy. Cảm thấy tội nghiệp cho người đàn bà này, nhưng tôi chỉ quan tâm đến thân thể bà ta, chứ không phải những vấn đề của bà ta. Đã từng quan tâm. Dành ra hai tuần lễ trong phòng nhạc, chỉnh sửa lại những đoạn nhỏ trong năm nay của tôi thành một “bản lục tấu cho những nhạc công độc diễn chồng lấn”: piano, clarinet, cello, sáo, kèn oboe và violin, mỗi nhạc cụ dùng một ngôn ngữ âm điệu, thang âm và màu sắc riêng. Trong phần thứ nhất, mỗi bản đơn tấu bị gián đoạn bởi bản tiếp theo: trong phần thứ hai, mỗi phần bị gián đoạn sẽ được tiếp tục, theo thứ tự. Lối ấy có tính cách mạng hay làm bộ màu mè? Sẽ không biết được cho đến khi nào nó hoàn tất, mà đến lúc đó thì đã quá muộn rồi, nhưng bản nhạc là điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi tỉnh giấc, và là điều cuối cùng tôi nghĩ đến trước khi ngủ, ngay cả khi có J. cạnh bên. Chắc bà ta hiểu, nghệ sĩ sống trong hai thế giới mà.

Ngày hôm sau.

Tranh cãi kịch liệt với V.A. Lão xướng lên một khúc étude trong buổi soạn nhạc sáng nay, nghe nó quen thuộc quá đỗi, sau đó tôi nhận ra đoạn điệp khúc từ chính bản “Thiên thần xứ Mons” của mình! Nếu Ayrs hi vọng là tôi không nhận ra thì lão đã lầm to. Tôi nói thẳng với lão – đây là âm nhạc của tôi. Lão đổi giọng: “Ý cậu là sao, âm nhạc của cậu ư? Frobisher, khi cậu trưởng thành, cậu sẽ nhận ra rằng tất cả những nhà soạn nhạc đều lấy cảm hứng từ môi trường quanh họ. Cậu là một trong rất nhiều yếu tố trong tác phẩm của tôi, có một mức lương tương xứng, tôi phải nói thêm, được dự những lớp sáng tạc nhạc cao cấp mỗi ngày, và trò chuyện với những đầu óc âm nhạc vĩ đại nhất của thời đại.” Ái chà, một người rất khác so với người mà tôi đã đẩy xe đi xuống khu nhà khách vài tuần trước khi lão van nài tôi ở lại đến mùa xuân năm sau. Tôi hỏi lão có ai thay thế được tôi. Bà Willems? Thợ làm vườn? Eva? Nefertiti? “Ồ, tôi tin chắc Ngài Trevor Mackerras có thể ra tay giúp tìm một thằng bé thích hợp cho tôi. Phải, tôi sẽ đăng quảng cáo. Cậu không đặc biệt như cậu tưởng đâu. Bây giờ. Cậu có muốn công việc này hay không?”

Không tìm được cách nào để lấy lại thế trận đã mất nên tôi bỏ đi, than thở là bị đau ngón chân cái. V.A. bắn ra câu cảnh báo này bên hông tôi: “Nếu ngón chân cậu không khỏe hơn vào sáng mai thì đi mà chữa ở London và khỏi quay về đây nữa, Frobisher ạ.” Đôi khi tôi muốn nhóm một đống lửa thật to rồi ném lão già khốn nạn ấy vào tâm lửa ngùn ngụt.

Một tuần sau đó, hoặc gần như thế.

Vẫn ở đây, J. đến phòng tôi sau đó, tỉ tê về thói tự cao tự đại của Ayrs, rằng lão trân trọng tác phẩm của tôi lắm, về tính nghệ sĩ nóng nảy, v.v., nhưng làm ơn hãy ở lại, nếu không phải vì lão thì cũng vì bà ta. Chấp nhận lá sung kiêm nhành ô liu đại diện này, ái ân đêm hôm ấy của chúng tôi khá nồng nhiệt. Mùa đông sắp đến, tôi chẳng có hứng thú tham quan châu Âu với số tiền dành dụm khiêm tốn của mình. Sẽ cần gặp một cô nàng thừa kế ngu ngốc, giàu có chứ không phải một cô thông minh nếu tôi bỏ đi lúc này. Có nghĩ ra được ai không? Sẽ gửi một gói hàng khác cho Jansch, để tăng quỹ dự phòng của tôi. Nếu Ayrs không chịu chia phần cho những ý tưởng của tôi được đưa vào “Todtenvogel” – đang công diễn suất thứ hai mươi kể từ sau lễ hội Cracow – thì tôi sẽ phải tự bồi hoàn cho mình thôi. Quyết tâm sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều trước khi cho V.A. xem những sáng tác của tôi lần nữa. Anh biết đấy, để một mái nhà che chắn trên đầu phụ thuộc vào sự giúp đỡ của ông chủ là một cách sống đáng ghét. Chỉ có Chúa mới biết giai cấp phục dịch chịu đựng điều đó thế nào. Người hầu kẻ hạ nhà Frobisher có phải suốt đời ngậm đắng nuốt cay như tôi không nhỉ?

Eva trở về sau kỳ nghỉ hè ở Thụy Sĩ. Ái chà, cô gái trẻ này nói mình là Eva, và sự giống nhau phải nói là thật kinh ngạc, nhưng con vịt con thò lò nước mũi từng rời khỏi Zedelghem ba tháng trước đã trở về hóa thành con thiên nga duyên dáng tuyệt trần. Nàng giúp đỡ mẹ, lau mi mắt cho bố bằng vải len bông ngâm nước lạnh và đọc truyện của Flaubert cho lão nghe nhiều giờ liền, nàng lịch thiệp với người hầu, thậm chí nàng còn hỏi thăm tôi về tiến triển của bản lục tấu. Đoan chắc đó là một chiến thuật mới để tống cổ tôi, nhưng sau bảy ngày, tôi bắt đầu nghi ngờ E. đáng ghét có lẽ đã chết và được đem chôn rồi.

V. ổn, chuyện giữa tôi và E. không dừng lại ở đó, nhưng trước tiên phải đưa ra một số thông tin nền đã. Kể từ khi tôi đến Neerbeke, “chủ nhà” của Eva ở Bruges, phu nhân van de Velde, đã thường xuyên nhắc cả E. & J. cho tôi đến thăm nhà họ, để năm cô con gái của bà – bạn cùng trường với E. – có thể thực hành tiếng Anh với một quý ông người Anh chính hiệu. Bà van de Velde, chắc anh còn nhớ, được cho là chủ nhân của Minnewater Gardens nhưng hóa ra là chủ một cơ sở sản xuất đạn dược và người có vai vế trong xã hội v.v. Bà van de Velde là loại đàn bà dai như đỉa, tham vọng của bà ta không thể bị dập tắt bằng câu “Lúc này anh ấy r. bận.” Thật ra, tôi nghi ngờ J. dàn xếp chuyện đã rồi nọ vì ghen ăn tức ở – khi cô con gái hóa thành thiên nga, và người mẹ trở thành con quạ già khó tính.

Hôm nay là ngày được chỉ định để tôi ăn tối ở nhà van d. V. – năm đứa con gái cách đều nhau cộng thêm Mẹ và Bố. Cần một bộ dây mới cho đàn cello, và sẽ chẳng phương hại gì cho Ayrs để thấy lão vô dụng ra sao khi không có tôi, nên tôi đã làm vẻ mặt can đảm và hi vọng nhà v.d.V. tuyển một đầu bếp tương xứng với thu nhập của một chủ nhà máy. Thế là đúng mười một giờ, xe của van de Velde – một chiếc Mercedes-Benz màu bạc, cảm ơn rất nhiều – trờ đến Zedelghem và tài xế, một người tuyết đổ mồ hôi như tắm, không có cổ và không nói tiếng Pháp, chở E. và tôi quay trở lại Bruges. Trước đây, chúng tôi sẽ ngồi xe im thin thít, nhưng lần này tôi nhận ra mình đang kể với E. đôi chút về những ngày ở Cambridge. E. cảnh báo tôi rằng tiểu thư lớn nhất nhà van de Velde, Marie-Louise, đã quyết tâm lấy một người Anh bằng mọi giá, vì thế tôi phải hết sức lưu ý bảo vệ sự trong trắng của mình.

Anh có thích lời dặn dò ấy không nào?

Ở ngôi nhà phố của van de Velde, các cô gái được sắp xếp đứng trên cầu thang để đón tôi theo thứ tự tuổi tăng dần – có phần mong chờ họ sẽ cất tiếng hát, và y như rằng, Sixsmith à, họ làm thế thật. “Greensleeves”, bằng tiếng Anh. Ngọt lừ như kẹo bạc hà vậy. Sau đó phu nhân v.d.V. véo má tôi như thể tôi là một đứa bỏ nhà đi nay trở về, rồi nói, vẻ nghiêm nghị, “Cậu khỏe khôngggg?” Được dẫn vào “phòng tiếp khách” – một cái nhà trẻ – và đặt ngồi xuống “ghế thẩm vấn”, một hộp đồ chơi. Các cô con gái v.d.V., một con rắn với những cái đầu mang tên Marie-Louise, Stephanie, Zenobe, Alphonsine và tôi quên tên đứa cuối cùng rồi, có tuổi từ chín đến Marie-Louise, lớn hơn E. một tuổi. Tất cả các cô gái đều sở hữu một sự tự tin tuyệt đối khó lý giải. Một cái sofa r. dài thụng xuống dưới sức nặng của gia đình béo tốt này. Người phục vụ bê nước chanh vào khi phu nhân bắt đầu các câu hỏi. “Eva kể với chúng tôi rằng gia đình anh có giềng mối mật thiết với xứ Cambridge, phải không anh Frobisher?” Liếc về phía Eva; nàng làm ra vẻ rất chăm chú. Che giấu nụ cười rồi thú nhận rằng gia đình tôi có tên trong Sổ Điền Thổ còn ông bô là một giáo sĩ nhà thờ. Mọi nỗ lực chuyển chủ đề ra khỏi tình trạng tư cách của tôi đều bị chặn đứng, và sau mười lăm phút Marie-Louise mắt bọ đã cảm nhận được sự chấp thuận của mẹ và yên chí tôi sẽ là Hoàng tử trong mơ của cô ta. Cô ta hỏi: “Anh Frobisher, anh có quen Sherlock Holmes ở Phố Baker không?” Tôi thầm nghĩ, ô hay, ngày hôm đó cũng không hẳn là một sự thất bại nhỉ. Một cô gái có khiếu hài hước hẳn phải ẩn chứa một chút sâu sắc chứ. Nhưng Marie-Louise rất nghiêm túc! Một bình hoa di động.

Không, tôi đáp, tôi không quen biết ông Holmes với tư cách cá nhân nhưng người ta vẫn bắt gặp ông ta và David Copperfield chơi billiards ở câu lạc bộ của tôi vào thứ Tư hằng tuần.

Bữa trưa được dọn trên đồ sành Dresden tinh tế trong phòng ăn với một bản tranh chépBữa ăn cuối cùng rất to treo trên nền giấy hoa dán tường. Thức ăn là một sự thất vọng. Cá hồi khô đét, rau hấp đến nhão nhoét, bánh gatô quá tầm thường; ngỡ như tôi đang quay về ăn tối ở London vậy. Bọn con gái cười khúc khích mỗi khi tôi nói sai tiếng Pháp – trong khi đó tiếng Anh của họ thì làm lùng bùng lỗ tai tôi. Phu nhân v.d.V., cũng đi nghỉ hè ở Thụy Sĩ, luyên thuyên kể chuyện Marie-Louise được nữ bá tước xứ Slack-Jawsky hoặc nữ công tước xứ Sumdumpstadt tán dương ở Berne là “Bông hoa của dãy Alps”. Thậm chí không nói nổi một câu tử tế “Comme c’est charmant!” (Thật là duyên dáng!”)

Ông v.d.V. trở về từ công sở. Hỏi cả trăm câu về môn cricket để mua vui cho những cô con gái với luật chơi kỳ lạ của người Anh “Ở trong thì bị loại ra” còn “Bên ngoài thì lại chạy vào”. Một lão mắc bệnh thích khoe chữ nặng, quá bận rộn chuẩn bị cho lần ngắt lời thô lỗ tiếp theo đến nỗi lão không bao giờ lắng nghe cho tử tế. Tự dành cho mình những lời khen không che đậy, bắt đầu bằng “Cứ gọi tôi là người cổ điển đi, nhưng…” hoặc “Một vài người cho tôi là kẻ hợm hĩnh nhưng…” Eva nhăn nhó nhìn tôi. Ánh mắt nàng nói, “Cứ nghĩ đến chuyện anh đã thật lòng nghĩ rằng lão ngốc này là mối đe dọa cho thanh danh của tôi!”

Sau bữa trưa, mặt trời ló dạng và phu nhân v.d.V. tuyên bố chúng tôi sẽ cùng nhau đi dạo để đưa vị khách danh dự đi thăm thú Bruges. Cố nói tôi đã làm phiền đến sự hiếu khách của họ đủ rồi, nhưng không thoát dễ như vậy được. Đại Trưởng Tộc xin thứ lỗi – phải ký một đống giấy tờ cao bằng núi Matterhorn. Cầu cho lão bị tuyết lở đè chết. Sau khi người hầu đã đội mũ, đeo găng tay cho các cô con gái, xe ngựa được gọi đến và tôi được đưa đi vòng quanh hết nhà thờ này đến nhà thờ khác. Như già Kilvert kính yêu đã nói, không gì mệt mỏi hơn bị người khác bảo phải ngưỡng mộ cái gì, và bị người khác dùng gậy chỉ trỏ nơi này nơi kia. Chả nhớ nổi tên của địa danh nào cả. Đến điểm cuối lịch trình, tháp đồng hồ lớn, hàm tôi đã quá đau vì bao nhiêu cái ngáp phải kiềm nén. Phu nhân van de Velde nheo mắt nhìn ngọn tháp rồi tuyên bố bà ta sẽ để cho bọn trẻ chúng tôi tự leo lên đấy, bà sẽ đợi ở hiệu bánh đối diện quảng trường. Marie-Louise, có trọng lượng vượt cả mẹ, nhận xét rằng phận nhi nữ không nên để cho mẹ đợi một mình. Người Thông Minh không đi vì bị hen suyễn, và nếu Người Thông Minh không đi v.v. & v.v., cho đến cuối cùng chỉ còn lại Eva và tôi mua vé đi lên. Tôi trả tiền, để chứng tỏ tôi không trách nàng vì đã gây lãng phí khủng khiếp một ngày của tôi. Đi lên trước. Cầu thang hình xoắn ốc càng lên cao càng hẹp dần. Một sợi dây thừng luồn qua những vòng sắt gắn vào tường ở chiều cao tay vịn. Chân khó tìm được điểm tựa. Nguồn ánh sáng duy nhất là lác đác vài khung cửa sổ hẹp. Tiếng động duy nhất là tiếng bước chân của chúng tôi và hơi thở nữ tính của E., khiến tôi nhớ đến những dạ khúc với mẹ nàng. Nhà van de Velde là năm khúc allegretti bằng đàn clavico lạc nhịp và tai tôi reo ca biết ơn vì được thoát khỏi bọn họ. Quên đếm số bậc thang, tôi nói thành lời suy nghĩ của mình. Giọng tôi nghe như bị nhốt trong một tủ đựng chăn. Eva ban cho tôi một tiếng “Oui…” (Vâng… ) lười nhác.

Bước lên một căn phòng thoáng đãng chứa những bánh răng to bằng xe thồ của cỗ máy đồng hồ. Dây thừng và dây cáp biến mất trên trần nhà. Một người đang ngủ ngon lành trên chiếc ghế xếp. Gã có nhiệm vụ kiểm tra vé của chúng tôi – ở xứ Âu lục địa lúc nào người ta cũng phải xuất trình vé – nhưng chúng tôi đã lẻn băng qua lão để đi lên cầu thang gỗ cuối cùng đến vọng lâu.

Bruges tam sắc trải ra, xa tít phía dưới: màu cam mái ngói; màu xám tường đá; màu nâu kênh đào. Ngựa, xe, người đạp xe, một đoàn rồng rắn lễ sinh, những mái nhà như mũ phù thủy, quần áo treo trên dây dọc đường. Tìm Ostende, đã thấy nó. Dải Biển Bắc dưới ánh nắng biến thành màu xanh biếc Polynesian. Bọn mòng biển bay lượn trên sóng, tôi hoa hết cả mắt vì dõi theo chúng và nghĩ đến những con mòng biển của Ewing. Eva kêu lên rằng nàng đã nhìn thấy nhà van de Velde. Cho rằng đây là nhận xét của nàng về sự phì nhiêu của họ, nhưng nhìn theo tay nàng chỉ và quả thật, sáu quả bóng nhỏ màu phấn quanh một chiếc bàn cà phê. E. xếp vé thành máy bay giấy rồi ném qua lan can. Gió đưa nó bay lên cao cho đến khi mặt trời thiêu rụi. Nàng sẽ làm gì nếu gã soát vé tỉnh dậy và đòi xem vé? “Tôi sẽ khóc và nói tên người Anh đáng ghét đã ăn cắp vé của tôi.” Vì vậy tôi cũng xếp vé thành máy bay giấy, nói với E. rằng nàng không còn bằng chứng nữa rồi ném đi. Thay vì bay vút lên cao, máy bay của tôi rơi xuống mất hút trong tích tắc. Tính cách của E. tùy thuộc vào góc độ người nhìn, một màu trắng đục khó phân biệt. “Anh biết không, tôi chưa từng thấy bố mãn nguyện và yêu đời như lúc này,” nàng nói.

Gia đình v.d.V. đáng sợ đã tạo ra sự thân thiết này. Hỏi thẳng nàng chuyện gì đã xảy ra ở Thụy Sĩ. Có phải nàng đã yêu, đã làm việc trong một nhà tế bần, đã có một cuộc gặp gỡ bí ẩn trong một hang đá phủ tuyết?

Nàng bắt đầu nói gì đó vài lần. Cuối cùng, nàng nói (đỏ mặt!), “Tôi đã đem lòng nhớ nhung một người con trai mà tôi gặp hồi tháng Sáu.”

Anh ngạc nhiên chứ? Hãy tưởng tượng cảm giác của tôi! Song tôi vẫn là bậc chính nhân quân tử như anh đã biết. Thay vì tán tỉnh lại, tôi nói, “Thế ấn tượng đầu tiên của cô về người con trai này là gì? Không hoàn toàn tiêu cực chứ?”

“Tiêu cực một phần.” Tôi quan sát những giọt mồ hôi của nàng sau khi leo cầu thang, làn môi nàng và những sợi tóc mềm mại trên môi.

“Anh ấy là một người ngoại quốc cao ráo, bí ẩn, điển trai, biết chơi nhạc?”

Nàng khịt mũi. “Anh ấy… cao, đúng; bí ẩn, một chút; điển trai, không hẳn như anh ấy nghĩ, nhưng cứ cho là cũng dễ nhìn; âm nhạc, phi thường; một người ngoại quốc, chính hiệu luôn. Thật kinh ngạc khi anh biết quá nhiều về anh ấy! Anh cũng rình mò anh ấy khi anh ấy đi qua Công viên Minnewater à?” Tôi phải bật cười. Nàng cũng thế. “Robert, tôi cảm thấy…” Nàng liếc nhìn tôi e lệ. “Anh từng trải lắm. À mà, tôi có thể gọi anh là Robert không?”

Tôi nói đã đến lúc nàng gọi như thế.

“Lời lẽ của tôi không… hoàn toàn phù hợp. Anh có giận không?”

Không, tôi đáp, không. Ngạc nhiên, thích chí, nhưng giận, không hề.

“Tôi đã đối xử đầy ác ý với anh. Nhưng hi vọng chúng ta có thể bắt đầu lại lần nữa.” Trả lời, tất nhiên, tôi cũng muốn như thế. “Từ khi còn bé,” E. nói, nhìn lảng đi, “tôi đã nghĩ ban công này là vọng lâu của riêng tôi, như trong truyện Nghìn lẻ một đêm ấy. Tôi thường lên đây vào giờ này, sau khi tan học. Tôi là hoàng hậu của Bruges, anh thấy đấy. Dân chúng ở đây là thần dân của tôi. Nhà van de Veldes là những chú hề của tôi. Tôi sẽ chém đầu họ.” Một sinh vật hấp dẫn, nàng thực sự là thế. Máu tôi nóng bừng và nổi lòng thôi thúc dành cho hoàng hậu xứ Bruges một nụ hôn dài.

Chẳng tiến xa hơn, một đám du khách Mỹ trời đánh tràn lên qua khung cửa hẹp. Thật ngốc làm sao, tôi giả vờ như mình không đi cùng Eva. Ngắm cảnh từ phía bên kia, cố gắng thâu tóm những sợi rối bời của bản thân. Khi gã soát vé tuyên bố ban công sắp đóng cửa, Eva đã đi tự lúc nào. Thật đúng là nàng. Một lần nữa lại quên đếm số bậc thang khi đi xuống.

Ở hiệu bánh, Eva đang giúp v.d.V. bé nhất chơi với một con mèo trong nôi. Phu nhân van de Velde dùng quyển thực đơn để quạt mát và ăn món boule de l’Yser với Marie-Louise trong khi hai mẹ con bình luận trang phục của khách bộ hành. Eva tránh nhìn vào mắt tôi. Lời nguyền đã bị phá vỡ. Marie- Louise tìm kiếm ánh mắt tôi, con bê tơ với đôi mắt đắm đuối. Tản bộ về nhà v.d.V., tạ Chúa trên trời, Hendrick đã đợi ở đó với chiếc Cowley. Eva chào tạm biệt tôi ở cửa – ngoái lại để nhìn nụ cười của nàng. Hạnh phúc! Buổi tối thật ấm áp. Suốt đường về Neerbeke, nhìn thấy khuôn mặt Eva, một hai sợi tóc trên mặt nàng, bị gió để quên ở đó. Đừng ghen nhé, Sixsmith. Anh biết cảm giác đó như thế nào mà.

J. đánh hơi được sự thân thiết giữa Eva và tôi và không hề thích điều này chút nào. Tối hôm qua, tôi đã tưởng tượng E. đang ở dưới mình chứ không phải mẹ nàng. Lên đỉnh chỉ vài nhịp sau đó, sớm hơn J. Phụ nữ có phát giác được sự phản bội tưởng tượng không? Tôi hỏi bởi vì, với trực giác kỳ lạ, bà dành cho tôi lời cảnh báo này. “Tôi muốn anh biết điều này, Robert ạ. Nếu anh mà động đến Eva, tôi sẽ phát hiện ra, và tôi sẽ hủy diệt anh.”

“Tôi không nên nghĩ đến chuyện đó,” tôi nói dối.

“Tôi thậm chí không nên tơ tưởng đến nó, nếu tôi là anh,” bà ta cảnh báo.

Không thể cứ để như thế. “Thế quái nào mà bà nghĩ tôi bị thu hút trước cô con gái ngang ngạnh, khó ưa của bà chứ?” Bà ta cũng khịt mũi hệt như Eva lúc ở trên vọng lâu.

Thân ái,
R.F.

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset