Phần II – Những lá thư từ Zedelghem

Phần II - Những lá thư từ Zedelghem

Lâu đài Zedelghem,
Neerbeke,
Tây Vlaanderen.
29 – vi – 1931.

Sixsmith,

Mơ thấy mình đứng trong một cửa hàng sành sứ đầy chật những chiếc kệ bày đồ sứ cổ v.v từ sàn đến trần nhà tít trên cao, đến nỗi cử động một thớ thịt thôi cũng sẽ khiến vài món rơi xuống vỡ tan tành. Đó chính xác là điều đã xảy ra, nhưng thay vì tạo ra tiếng vỡ loảng xoảng thì lại ngân lên một hợp âm hào hùng, nửa như tiếng cello, nửa như tiếng celeste, cung Rê trưởng (?), ngân bốn nhịp. Cổ tay va phải một lọ hoa đời nhà Minh, khiến nó rơi khỏi bệ – cung Mi giáng, toàn bộ đàn dây vang lên nguy nga tráng lệ, thiên sứ thổn thức. Lúc này là cố ý, đánh vỡ tượng một con bò cho nốt tiếp theo, kế đến là cô gái vắt sữa, kết đến là Đứa Con Của Ngày Thứ Bảy – hoan ca mảnh vỡ ngập không gian, hòa âm thánh thần tràn não bộ. A, thế mới là âm nhạc chứ! Nhác thấy ông bô tính toán giá trị các món bị vỡ, ngoáy bút liên tục, nhưng phải để cho âm nhạc tiếp diễn. Biết mình sẽ trở thành nhà soạn nhạc lừng lẫy nhất của thế kỷ nếu tôi có thể biến thứ âm nhạc này thành của mình. Một bức Kỵ Sĩ Cười[10]khổng lồ bị ném lên tường gây ra một chuỗi tiếng động đinh tai nhức óc.

Tỉnh giấc trong phòng suite kiểu Phương Tây ở khách sạn Imperial, bọn đòi nợ của Tam Brewer suýt nện sập cửa phòng và gây náo loạn ngoài hành lang. Còn chẳng đợi đến lúc tôi cạo râu – thật là một hành vi vô liêm sỉ không thể chấp nhận của quân lưu manh vô lại. Không có lựa chọn nào khác, đành tẩu thoát qua cửa sổ phòng tắm trước khi tiếng huyên náo vời người quản lý đến để phát hiện quý ông trẻ tuổi ở phòng 237 không có cách nào thanh toán món nợ tiền phòng khổng lồ. Cú đào thoát không lành lặn lắm, rất tiếc phải báo tin này. Ống nước bung khỏi nẹp, phát ra tiếng của một chiếc vĩ cầm bị bạo hành, rồi cứ thế rơi, rơi, rơi dúi dụi xuống đất. Mông phải bầm nặng. May phước tôi không bị gãy xương sống hay xỏ xiên qua hàng rào chắn. Hãy rút kinh nghiệm từ chuyện này nhé, Sixsmith. Khi nợ nần ngập đầu, hãy đem hành lý gọn nhẹ, đựng trong một chiếc vali thật cứng để có thể ném xuống vỉa hè London từ cửa sổ tầng một hoặc tầng hai. Hãy đòi ở phòng từ tầm cao đó trở xuống mà thôi.

Nấp trong một phòng trà lọt thỏm trong một cái hốc bụi bặm ở ga Victoria, cố gắng chép lại âm nhạc từ cửa hàng sành sứ trong mơ – mà chỉ nhớ được hai nhịp, chẳng tích sự gì. Tính đến chuyện lao đầu vào đám tay chân chực sẵn của Tam Brewer chỉ để lấy lại thứ âm nhạc đó. Những linh hồn khốn khổ. Người lao động đủ mọi thành phần vây xung quanh tôi với hàm răng xấu xí, nói năng như vẹt và lạc quan vô cớ. Tỉnh táo để suy nghĩ làm sao một đêm chơi bài baccarat xui xẻo lại có thể đảo ngược vị thế xã hội của một con người đến vậy. Những tay bán hàng, tên đánh xe ngựa và con buôn với nửa đồng curon và vài ba xu lẻ giấu dưới tấm nệm Stepney chua loét còn có nhiều hơn tôi, Con trai một Thầy Tu Nào Đó. Nhìn vào một con hẻm: những thầy ký bất đắc chí lao qua như những nốt móc ba trong một khúc allegro của Beethoven. Có sợ họ không? Không, tôi sợ trở thành họ. Giáo dục, xuất thân và tài năng có giá trị gì nếu người ta không có nổi một cái bô để tiểu?

Vẫn không thể tin nổi. Tôi, đường đường là dân Caius, mà nay lao đao bên bờ vực bần cùng. Các khách sạn tử tế bây giờ không cho tôi làm bẩn sảnh chờ của họ. Các khách sạn không tử tế thì đòi tiền trao cháo múc. Bị chặn lại bên ngoài mọi bàn chơi bài có tiếng ở sườn bên này của dãy Pyrennes. Dù sao, tôi cũng tóm gọn các phương án của mình:

(i) Dùng những món tiền nhỏ để thuê một căn phòng bẩn thỉu trong một nhà trọ nào đó, xin vài đồng từ ông chú bà cô đây đó, dạy âm giai cho các tiểu thư đỏng đảnh và kỹ thuật biểu diễn cho những bà cô không chồng. Không đời nào. Nếu tôi có thể giả bộ khách sáo với những học trò ngu dốt thì giờ này tôi vẫn còn đang lau mông cho Giáo sư Mackerras cùng đám bạn đại học cũ. Không, trước khi anh nhắc đến, tôi không thể quay lại ông bô để mà khóc lóc xin xỏ lần nữa. Sẽ càng chứng tỏ từng lời thâm độc ông ta nói về tôi là đúng. Thà nhảy từ cầu Waterloo xuống rồi để cho Bố Già Thames vùi dập. Thật đấy.

(ii) Truy tìm các sinh viên Caius, nịnh nọt họ và tự mời mình ở lại hết mùa hè. Không ổn, vì lý do tương tự như (i). Tôi có thể giấu giếm túi tiền lép kẹp của mình được bao lâu? Tôi có thể tránh né lòng thương hại của họ đến bao giờ?

(iii) Ghé trường đua ngựa – nhưng nếu thua cá cược thì sao?

Anh sẽ nhắc rằng chính tôi tự chuốc họa vào thân, phải không Sixsmith, nhưng hãy phủi mảnh vụn trung lưu trên vai đi và nán lại với tôi thêm chút nữa. Phía bên kia sân ga đông đúc, một người trưởng tàu thông báo chuyến tàu hỏa đến Dover để đón tàu đi Ostend bị hoãn ba mươi phút. Người trưởng tàu đó là người chia bài của tôi, đang mời tôi cược gấp đôi hoặc rút. Nếu chịu đứng yên, im lặng và lắng nghe – trời ơi, thế giới sẽ sàng lọc qua tâm trí của ta ngay lập tức, đặc biệt tại một ga tàu hỏa ảm đạm ở London. Nốc hết tách trà có mùi xà phòng rồi băng qua đám đông đến quầy vé. Một vé khứ hồi đến Ostend thì quá đắt – địa vị tôi đã trở nên thấp hèn đến thế đấy – thì đành một chiều thôi. Lên toa vừa đúng lúc còi tàu cất lên một bản sáo kim Nữ thần báo thù. Đoàn tàu lăn bánh lên đường.

Giờ là lúc tiết lộ kế hoạch của tôi, lấy cảm hứng từ một bài báo trên tờ Thời đại và một cơn mơ mộng ngấm dai dẳng trong căn phòng ở khách sạn Savoy. Ở vùng điền viên nước Bỉ, phía nam Bruges, có một nhà soạn nhạc người Anh sống biệt lập, tên là Vyvyan Ayrs. Anh chưa nghe nói đến ông ta vì anh chỉ là đứa trẻ con trong lĩnh vực này, chứ đó là một trong những cây đại thụ của làng âm nhạc. Người Anh duy nhất thuộc thế hệ ông ta phản đối thói xa hoa, lễ nghĩa, quê mùa và kiểu cách. Chưa có tác phẩm nào mới kể từ đầu thập niên hai mươi do đau ốm – ông ta bị lòa mắt một nửa và không cầm nổi bút – nhưng bài bình luận trên tờ Thời đại về bản Secular Magnificat của ông ta (trình diễn tuần trước ở St Martin) có nhắc đến một ngăn kéo đầy ắp những tác phẩm dang dở. Giấc mộng ngày đưa tôi đến Bỉ, thuyết phục Vyvyan Ayrs rằng ông ta cần tuyển tôi làm thư ký, chấp nhận dạy nhạc cho tôi, để tôi tung cánh trong bầu trời âm nhạc, công thành danh toại xứng tầm tài năng, khiến cho ông bô phải thừa nhận rằng, đúng, thằng con trai ông ta từ bỏ chính là Robert Frobisher đó, là nhà soạn nhạc người Anh lừng lẫy nhất của thời đại.

Tại sao không? Chẳng có kế hoạch nào hay hơn. Anh kêu lên và lắc đầu, tôi biết mà, Sixsmith, nhưng anh cũng mỉm cười, đó là lý do mà tôi yêu anh. Hành trình yên ả đến biển Măng sơ… những vùng ngoại ô tiêu điều, đất đai héo hắt, Sussex ô nhiễm. Dover lan tràn một cơn hoảng sợ tột độ trước những gã Bôn-sê-vich, những vách đá nên thơ có sắc màu Lãng mạn như cái mông của tôi. Đổi những đồng silinh cuối cùng thành đồng franc ở cảng rồi lên tàu Kentish Queen, một con tàu gỉ sét trông già cỗi như từng được sử dụng ở Crimea. Gã phục vụ trẻ có khuôn mặt như củ khoai tây và tôi bất đồng với nhau về chuyện bộ đồng phục màu vang đỏ và bộ râu quai nón khó ưa của hắn đáng được boa. Liếc nhìn vali và tập bản thảo của tôi – “Thật thông minh khi đem đồ gọn nhẹ, thưa ông” – rồi bỏ mặc tôi tự khiêng đồ một mình. Chả sao.

Bữa ăn tối có món gà cứng như gỗ, khoai tây nghiền và một ly rượu vang đỏ chẳng ra gì. Người ngồi cùng bàn ăn với tôi là Victor Bryant, đại gia dao nĩa ở Sheffield. Chẳng có một mẩu xương âm nhạc nào trong cơ thể ông ta. Ông ta trình bày chi tiết về chủ đề những chiếc thìa suốt bữa ăn, hiểu nhầm phép lịch sự xã giao của tôi thành thái độ quan tâm và mời tôi vào một vị trí trong bộ phận kinh doanh ngay lập tức! Anh có tin nổi không? Cám ơn ông ta (giữ vẻ nghiêm trang) và thừa nhận tôi thà nuốt dao nĩa còn hơn phải đi bán thứ ấy. Còi báo hiệu trong sương mù vang rền ba hồi đinh tai, động cơ khởi động, cảm nhận được con tàu lao đi, lên boong để ngắm nhìn Albion[11] lui dần vào bùn lầy lất phất mưa. Một đi không trở lại; nhận ra hậu quả của những việc mình đã làm. R.V.W. chỉ huy bản Giao hưởng biển từ dàn nhạc giao hưởng trong đầu tôi, Giong buồm tiến lên, Vùng nước sâu ta tìm đến, Hồn hỡi, Ngang tàng khám phá, Ta với người, người với ta. (Không quan tâm lắm đến tác phẩm này nhưng nó được soạn rất hoàn hảo.) Gió biển Bắc khiến tôi rùng mình, sóng biển liếm láp từ chân đến đầu. Mặt nước đen sóng sánh mời gọi tôi nhảy xuống. Phớt lờ nó. Về buồng sớm, lật xem quyển Đối âm của Noyes, nghe tiếng đồng thau từ xa của phòng máy và phác họa một đoạn có tiết tấu lặp lại cho kèn trombone dựa theo nhịp điệu của con tàu, nhưng khá rác rưởi, rồi đoán xem ai đến gõ cửa? Gã phục vụ mặt khoai tây, ca làm của hắn đã kết thúc. Cho hắn không chỉ tiền boa. Gầy gò, không bảnh bao, dù giai cấp không cao nhưng khá sáng tạo. Sau đó tống cổ hắn ra rồi nằm xuống ngủ như chết. Một phần trong tôi mong muốn hành trình ấy đừng bao giờ kết thúc.

Nhưng nó đã kết thúc. Kentish Queen tiến trên dòng nước sình lầy vào lòng người chị em sinh đôi răng sứt của Dover là Ostend, Nữ hoàng Tiết hạnh Khả nghi. Còn sớm, rất sớm, tiếng ngáy của châu Âu rền vang ở tông thấp hơn tiếng kèn tuba trầm. Nhìn thấy những người Bỉ bản xứ đầu tiên, kéo lê các thùng hàng, cãi cọ, và suy nghĩ bằng tiếng Flemish, Hà Lan, đại loại thế. Nhanh tay dọn đồ vào vali, sợ con tàu sẽ quay lại Anh trong khi tôi vẫn còn ở trên đó; hoặc, nói cho đúng hơn, sợ tôi để chuyện này xảy ra. Nhón một miếng trong bát trái cây trong nhà ăn hạng nhất rồi lao xuống tấm ván tàu trước khi bị nhân viên mặc đồng phục thắt nơ tóm cổ. Đặt chân lên con đường đá dăm Đại lục và hỏi một nhân viên hải quan đường đến nhà ga. Ông ta chỉ về phía một chiếc xe điện đang rền rĩ, trên xe chen chúc những người thợ ốm đói và những kẻ bần cùng. Thích cuốc bộ hơn, dù có mưa hay không. Đi theo đường ray xe điện trên những con đường như áo quan. Cái gì ở Ostend cũng mang màu xám xịt và nâu gỉ. Phải thừa nhận, tôi đã nghĩ chọn Bỉ làm nơi lưu vong thật sự là một sai lầm rất lớn. Mua một vé đến Bruges rồi lết lên chuyến tàu kế tiếp – không sân ga, anh có tin nổi không? – một chuyến tàu hom hem, trống hoác. Chuyển sang toa khác vì toa của tôi bốc mùi khó chịu, nhưng hóa ra toa nào cũng hôi hám như nhau. Hút thuốc lá xin được từ Victor Bryant để thanh lọc không khí. Còi của trưởng ga cất lên đúng giờ, đầu tàu căng thẳng như tay luật sư bị gút ngồi bô rồi lừ đừ lăn bánh. Chẳng bao lâu sau, đoàn tàu vừa nhả khói vừa băng qua phong cảnh mịt mù sương, những hào nước bẩn thỉu, những bụi cây héo úa đã lâu không cắt tỉa.

Nếu kế hoạch của tôi đạt kết quả thì Sixsmith à, anh có thể đến Bruges sớm thôi. Khi đến, nhớ có mặt đúng sáu giờ sáng, giờ kiểu gnossiennesque nhé. Hãy lang thang lạc lối trên những con đường còi cọc, những kênh đào mù lòa, những cánh cổng bằng sắt uốn, những vuông sân vắng của thành phố – cho phép tôi kể tiếp chứ? Được ư, cám ơn nhé, những cái mai rùa Gothic ranh mãnh, những mái nhà Ararat, những tòa nhà bằng gạch hình tháp tô điểm bằng những bụi cây nhỏ, những mái hiên trung cổ, quần áo phơi trên cửa sổ, những vòng xoáy bằng sỏi lát trên đường thu hút ánh nhìn, những hoàng tử đồng hồ và những công chúa sứt mẻ cặm cụi điểm giờ, những con chim bồ câu đen như bồ hóng và những tiếng chuông cao độ ba hoặc bốn quãng tám, một số nghiêm trang, một số tươi lanh lảnh.

Mùi bánh mì tươi đưa tôi đến một hiệu bánh, ở đó một người đàn bà dị dạng không có mũi bán cho tôi một chục chiếc bánh sừng trâu. Chỉ muốn ăn một chiếc, nhưng nghĩ đời bà ấy khổ lắm rồi. Một chiếc xe ngựa buôn đồng nát lóc cóc leng keng xuất hiện từ trong sương mù và lão nài ngựa rụng hết răng thân thiện bắt chuyện với tôi, nhưng tôi chỉ có thể đáp, “Excusez-moi, je ne parle pas le Flamand,” (Xin lỗi, tôi không nói tiếng Flemish) khiến lão cười hềnh hệch như Vua Goblin. Tặng lão một chiếc bánh. Bàn tay bẩn thỉu của lão như móng vuốt có vảy. Trong một khu nghèo (những con ngõ bốc mùi nước tiểu rất khắm), trẻ con giúp mẹ bơm nước, hứng đầy thứ nước ngả nâu vào những chiếc bình sứt mẻ. Cuối cùng, mọi hưng phấn cũng khiến tôi thấm mệt, ngồi lên bậc thang của một cối xay gió im lìm để thở, khoác thêm áo để chống mưa gió, ngủ gà gật.

Tiếp theo đó, một mụ phù thủy thúc tôi dậy bằng cán chổi, the thé một câu gì đó nghe giống như “Zie gie doad misschien?” (Này, bộ chết rồi hả?) nhưng không chắc. Trời xanh, nắng ấm, chẳng có một gợn sương mù. Tôi sống lại và chớp mắt, biếu bà ta một chiếc bánh. Bà ta nhận lấy với vẻ dè chừng, nhét vào tạp dề để dành, rồi quay lại công việc quét dọn, hát ư ử một bài ca cổ. Thầm nghĩ cũng may là tôi không bị cướp. Chia sẻ một chiếc bánh nữa với năm nghìn con chim bồ câu, trước sự ganh tị của một gã ăn mày, nên tôi cũng phải cho gã một chiếc. Đi về theo hướng mà tôi có lẽ đã đến. Trong một khung cửa sổ ngũ giác kì quặc, một cô hầu gái mềm mịn như kem đang cắm hoa St Paulia trong một chiếc bát thủy tinh. Gái hấp dẫn theo những cách khác nhau. Một ngày nào đó hãy thử cặp kè với họ. Gõ lên khung kính, hỏi bằng tiếng Pháp rằng liệu cô ấy có muốn cứu vớt cuộc đời tôi bằng cách yêu tôi không. Cô ấy lắc đầu nhưng nở một nụ cười thích thú. Hỏi đồn cảnh sát ở đâu. Cô ấy chỉ về phía bên kia ngã tư.

Người ta có thể nhận ra một bằng hữu nhạc sĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả giữa những cảnh sát. Người có đôi mắt điên loạn nhất, mái tóc bất trị nhất, hoặc gầy đói giơ xương hoặc béo tốt đẫy đà. Thanh tra viên nói tiếng Pháp, chơi kèn Anh, thuộc về xã hội dân vận này từng nghe nói đến Vyvyan Ayrs và nhiệt tình vẽ cho tôi một bản đồ đến Neerbeke. Trả công ông ta hai chiếc bánh cho thông tin này. Ông ta hỏi tôi có gửi xe ô tô từ Anh sang chưa – con trai ông ta chết mê chết mệt xe Austin. Nói tôi chẳng có chiếc xe nào cả. Điều này khiến ông ta lo lắng. Làm sao tôi đến Neerbeke được? Không xe buýt, không tàu hỏa, và cuốc bộ hai mươi lăm dặm thì có mà chết. Hỏi liệu tôi có thể mượn một chiếc xe đạp cảnh sát trong một khoảng thời gian không xác định không. Nói với tôi làm vậy là sai quy tắc. Trấn an ông ta rằng tôi mới là kẻ đi ngược quy tắc, và kể lại sứ mệnh của tôi đến nhà Ayrs, người con nuôi nổi tiếng nhất nước Bỉ (có quá ít người đến nỗi thậm chí điều này có thể là sự thật), để phục vụ cho âm nhạc châu Âu. Lặp lại lời đề nghị. Sự thật hoang đường có khi dễ thuyết phục hơn hư cấu đáng tin, và giờ là lúc đó. Viên hạ sĩ trung thực đưa tôi đến một khu lưu giữ những món đồ thất lạc đang nằm đợi chủ nhân vài tháng qua (trước khi được tuồn ra chợ trời) – nhưng trước tiên, ông ta muốn tôi nhận xét về giọng nam trung của mình. Ông ta gào lên “Recitar!… Vesti la giubba!” từ I Pagliacci.(Giọng thấp, tương đối dễ nghe, nhưng cần luyện thở thêm, còn tiếng ngân thì run rẩy như tấm kim loại tạo âm sau cánh gà vậy.) Đưa ra vài nhận xét mang tính âm nhạc; được cho mượn chiếc xe đạp Enfield từ thời Victoria kèm dây để chằng vali và hồ sơ lên yên và thanh chắn bùn phía sau. Ông ta chúc tôi thuận buồm xuôi gió và trời đẹp.

Adrian sẽ không bao giờ đi trên con đường tôi đã đạp xe ra khỏi Bruges (nằm quá sâu trong lãnh thổ Hung) nhưng vẫn cảm thấy mối thâm tình với anh trai tôi khi hít thở cùng loại không khí trên cùng mảnh đất. Bình Nguyên bằng phẳng như Đầm Lầy cạn[12] nhưng hình thù thì thật xấu xí. Dọc đường, tôi nạp năng lượng với những chiếc bánh cuối cùng, và dừng lại ở những túp lều tranh tồi tàn để xin vài cốc nước. Chẳng ai nói gì nhiều, nhưng cũng chẳng ai nói “Không”. Nhờ gió ngược chiều và sợi sên cứ tuột liên tục, tôi đến làng Neerbeke của Ayrs khi trời đã nhá nhem tối. Một bác thợ rèn kiệm lời chỉ tôi đến Lâu đài Zedelghem bằng cách dùng một mẩu bút chì để vạch đường đi trên bản đồ. Một con đường làng với những cụm hoa chuông và liễu ngư mọc giữa đường dẫn tôi băng qua một ngôi nhà gỗ bỏ hoang đến một con đường có hai hàng bạch dương Ý đã qua thời vàng son.

Zedelghem to hơn cả nhà cho các mục sư xứ ta, cánh phía tây được tô điểm bằng vài ngọn tháp nhỏ mong manh chực đổ, nhưng chẳng thấm vào đâu so với dinh thự Audley End hoặc Capon-Tench. Trộm thấy một cô gái cưỡi ngựa trên sườn đồi thấp, đỉnh đồi có độc nhất một cây sồi. Đi ngang qua một thợ làm vườn đang trét bồ hóng chống ốc sên trong vườn rau. Ở sân trước, một gã người hầu cuồn cuộn cơ bắp đang vệ sinh máy cho chiếc Cowley Flatnose. Thấy tôi tiến đến, hắn đứng dậy chờ đợi. Ở góc sân, một người đàn ông ngồi trên xe lăn dưới dàn hoa tử đằng bồng bềnh, nghe đài phát thanh. Vyvyan Ayrs, tôi thầm đoán. Phần dễ dàng trong giấc mơ ngày của tôi đã kết thúc.

Dựa xe đạp vào tường, nói với người hầu rằng tôi có công việc với ông chủ của hắn. Hắn khá lễ độ, dẫn tôi đến mái hiên nơi Ayrs đang ngồi, và báo tin tôi đến bằng tiếng Đức. Ayrs trông già sọm, trông như bệnh tật đã hút cạn dưỡng chất trong cơ thể lão, nhưng tôi đã ngăn mình không quỳ xuống lối đi trải than như Ngài Percival đã quỳ trước Vua Arthur. Phần mở đầu của chúng tôi đã diễn ra đại khái như sau.

“Xin chào ông Ayrs.”

Cậu là ai?”

“Thật vinh dự được…”

“Tôi hỏi, “Cậu thằng quái nào?””

“Robert Frobisher, thưa ông, từ Saffron Walden. Tôi là… Tôi từng là… sinh viên của Ngài Trevor Mackerras ở trường đại học Caius, và tôi đã lặn lội đến đây từ London để…”

“Từ tận London đến đây bằng xe đạp?”

“Không ạ. Tôi mượn xe của một cảnh sát ở Bruges.”

“Thế hử?” Dừng lại để suy nghĩ. “Chắc là mất nhiều giờ lắm nhỉ.”

“Vì đam mê thôi, thưa ông. Như những người hành hương lết lên đồi bằng đầu gối.”

“Bốc phét gì đấy?”

“Tôi chỉ muốn chứng tỏ tôi là một ứng viên nghiêm túc.”

“Ứng viên nghiêm túc cho cái gì?”

“Vị trí thư ký của ông ạ.”

“Cậu có điên không đấy?”

Luôn là một câu hỏi lắt léo. “Tôi không nghĩ thế.”

“Nghe đây, tôi chẳng hề đăng quảng cáo tìm thư ký gì cả!”

“Tôi biết chứ, thưa ông, nhưng ông cần một người, ngay cả khi lúc này ông chưa biết chuyện đó. Bài báo trên tờ Thời đại nói rằng ông không thể sáng tác tác phẩm mới nữa vì đau ốm. Tôi không thể để cho âm nhạc của ông bị mai một. Nó vô cùng, vô cùng quý giá. Vì vậy tôi đến đây để đề nghị phụng sự ông.” Hay lắm, lão không vội khước từ tôi. “Cậu nói cậu tên gì ấy nhỉ?” Tôi trả lời. “Cậu trong đám ngôi sao của lão Mackerras à?”

“Thưa ông, thành thật mà nói, ông ta căm ghét tôi.”

Như anh đã từng trả giá để học được điều này, tôi có thể khiến kẻ khác tò mò nếu dụng công làm thế.

“Thế hử? Tại sao nào?”

“Tôi gọi bản Concerto số 6 dành cho Sáo của ông ta,” tôi hắng giọng, ‘là nô lệ của Saint-Saens thời tiền dậy thì vào giai đoạn màu mè nhất’ trong tạp chí của trường đại học. Ông ta đã phật ý.”

“Cậu viết như thế về Mackerras ư?” Ayrs thở khò khè như thể xương sườn của lão đang bị cưa. “Chắc mười mươi ông ta sẽ phật ý.” Phần tiếp theo rất ngắn. Gã người hầu đưa tôi vào một phòng hội họa trang trí bằng màu xanh vỏ trứng, một bức tranh vẽ cừu và bó rơm nhạt nhẽo của Farquharson và một bức phong cảnh Hà Lan không đẹp lắm. Ayrs gọi vợ, bà van Outryve de Crommelynck. Bà ta giữ tên riêng, mà với một cái tên như thế thì ai có thể trách bà ta cơ chứ? Bà chủ ngôi nhà có phong cách ung dung lịch thiệp, bà hỏi thăm thân thế của tôi. Trả lời thành khẩn, dù tôi che đậy chuyện bị đuổi học ở Caius, viện cớ là bị ốm. Tôi không hé môi nửa lời về tình hình eo hẹp tài chính hiện nay của mình – gia cảnh càng tuyệt vọng thì nhà tài trợ càng đắn đo. Lấy lòng họ vừa đủ. Đồng ý với việc ít nhất tôi có thể ở lại Zedelghem đêm hôm đó. Ayrs sẽ cho tôi trình diễn thử vào sáng hôm sau, dọn đường cho một quyết định về lời đề nghị của tôi.

Tuy nhiên, Ayrs không xuất hiện vào giờ ăn tối. Sự có mặt của tôi xảy ra trùng với khởi đầu của cơn đau nửa đầu cứ hai tuần lại tái phát, buộc lão phải ở trong phòng từ một đến hai ngày. Buổi diễn thử của tôi bị hoãn đến khi lão khỏe hơn, vì vậy vận mệnh tôi vẫn còn cân bằng lắm. Ở mặt tích cực, rượu Piesporter và tôm hùm kiểu Mỹ chẳng thua kém bất kỳ món nào ở khách sạn Imperial. Khích lệ bà chủ nhà nói chuyện – nghĩ bà ấy thích thú trước việc tôi biết rất nhiều về ông chồng nổi tiếng của bà ấy, và cảm nhận được tình yêu thật sự của tôi dành cho âm nhạc của lão. À, chúng tôi cũng ăn tối với con gái của Ayrs, cô gái trẻ cưỡi ngựa mà tôi thoáng thấy hôm trước. Tiểu thư Arys là một sinh vật giống như ngựa, mười bảy tuổi, có chiếc mũi hếch của mẹ. Không có nổi một ngôn từ tử tế phát ra từ cô nàng suốt buổi tối. Hay là nàng nhìn thấy ở tôi một gã người Anh ăn bám gặp vận đen, đến đây để dụ dỗ ông bố bệnh tật của nàng đến một mùa hè Ấn Độ rực rỡ nơi nàng không thể đi theo và không được chào đón?

Con người thật phức tạp.

Đã quá nửa đêm rồi. Lâu đài đang yên giấc, tôi cũng phải đi nằm thôi.

Thân ái,
R.F.

===== =====

[10] Laughing Cavalier: tên một bức tranh chân dung của họa sĩ người Hà Lan Frans Hals, được mệnh danh là “một trong những tranh chân dung đặc sắc nhất theo phong cách Baroque”.

[11] Albion: tên gọi cũ của Anh quốc

[12] Đầm Lầy (Fens, hoặc Fenland), là một vùng đầm lầy tự nhiên ở miền đông nước Anh. Đa số đầm lầy đã cạn cách đây nhiều thế kỷ, để lại một vùng đất nông nghiệp thấp, ẩm ướt và bằng phẳng.

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset