Phần IV – Khổ nạn của Timothy Cavendish

Phần IV - Khổ nạn của Timothy Cavendish

Vào một buổi hoàng hôn rực rỡ, cách nay bốn, năm, không, Chúa ơi, sáu mùa hè trước rồi, tôi đang tản bộ trong tâm trạng thư thái trên một đại lộ ở Greenwich rợp bóng hai hàng cây dẻ và nguyệt quế. Những khu dinh thự Regency đó nằm trong số các tài sản đắt đỏ nhất London, nhưng nếu thừa hưởng một căn như vậy, thì thưa độc giả yêu quý, hãy bán đi, đừng sống ở đấy mà làm chi. Những ngôi nhà kiểu này tiết ra một phép thuật kì bí làm cho chủ nhân bị biến thành những ổ bánh nhân mứt hoa quả. Nạn nhân điển hình là một cựu cảnh sát trưởng Rhodesia, vào một đêm bí ẩn, đã viết cho tôi một tờ séc béo bở như chính ông ta vậy, để biên tập và in tiểu sử của ông ta. Tâm trạng thư thái của tôi có được một phần nhờ vào tấm séc ấy, một phần nhờ vào chai Chablis 1983 từ vườn nho Duruzoi, một liều thuốc tiên làm cho những bi kịch khổng lồ của chúng ta teo tóp thành những hiểu lầm nhỏ nhặt.

Ba đứa con gái tuổi teen ăn mặc như Barbie Mãi Dâm tiến đến, giăng lưới hết chiều ngang của vỉa hè. Tôi bước xuống lòng đường để tránh đụng độ. Nhưng khi tiến đến gần, chúng lột vỏ những cây kẹo mút gớm ghiếc rồi ném xuống đất. Cảm giác về trách nhiệm xã hội của tôi tăng vọt như tên lửa. Đang đi ngang thùng rác mà! Tim Cavendish, Công dân Phẫn nộ, thốt lên với những kẻ vi phạm: “Này các cô, các cô nên nhặt rác lên.”

Một tiếng khịt mũi, “Đây không nhặt thì làm gì nhau nào?” liếc xéo sau lưng tôi.

Lũ khỉ cái trời đánh thánh đâm. “Tôi không có ý định làm gì cả,” tôi ngoái lại sửa lời, “tôi chỉ nói mỗi một điều là các cô…”

Đầu gối tôi khụy xuống, sau đó là vỉa hè đập nứt gò má tôi, làm long ra một kí ức thuở niên thiếu về một tai nạn xe ba bánh trước khi đau đớn xóa hết mọi thứ, chỉ để lại mỗi cơn đau. Một cái đầu gối bén ngót đè mặt tôi xuống đất bùn. Tôi nếm thấy vị máu. Cổ tay hơn sáu mươi tuổi đời của tôi bị kéo giật ra sau một góc chín mươi độ đầy thô bạo, chiếc đồng hồ Ingersoll Solar bị tháo móc khóa. Tôi nhớ đã tuôn ra một mớ hổ lốn những câu tục tĩu từ cổ chí kim, nhưng những kẻ cướp cạn chưa kịp móc ví tôi thì tiếng chuông của một chiếc xe bán kem mở bài “Cô gái đến từ Ipanema” vang lên khiến chúng nháo nhào bỏ chạy, như ma cà rồng vào thời khắc hừng đông.

“Thế mà ông không báo cảnh sát à? Sao ngốc thế!” Bà X rắc đường tổng hợp lên món yến mạch vào buổi sáng hôm sau. “Vì Chúa, hãy gọi điện cho cảnh sát đi. Ông còn đợi gì nữa? Mất hết manh mối rồi.” Trời ơi, tôi đã phóng đại sự thật và kể với bà ta rằng bọn cướp gồm có năm tên vô lại cạo đầu hình chữ thập ngoặc. Bây giờ làm sao tôi có thể báo cảnh sát rằng ba đứa con gái chưa dậy thì ngậm kẹo mút đã thắng tôi mà chẳng cần tốn chút công sức nào? Những cậu trai mặc sắc phục xanh sẽ mắc nghẹn trong lúc ăn bánh quy Penguin mất. Không, vụ tấn công của tôi đã không được bổ sung vào dữ liệu tội phạm do bị hại chủ động trình báo của quốc gia này. Nếu chiếc đồng hồ Ingersoll bị đánh cắp không phải là kỷ vật tình yêu từ thuở huy hoàng của cuộc hôn nhân nay đã lạnh lẽo như Bắc cực của chúng tôi thì tôi đã ngậm bồ hòn làm ngọt về sự cố này cho rồi.

Tôi đang nói đến đâu nhỉ? Thật quái lạ những câu chuyện không đâu lại cứ xen vào đầu ở tuổi này. Không phải quái lạ, mà là vô cùng đáng sợ. Tôi đã định bắt đầu phần kể chuyện này với Dermot Hoggins. Đó là rắc rối khi viết hồi ký bằng bút đấy. Bạn không thể quay lại để thay đổi những gì đã viết mà không làm mọi chuyện rối tung thêm.

Là thế này, tôi là biên tập viên của Dermot “Duster” Hoggins, chứ chẳng phải bác sĩ tâm lý hay thầy coi quẻ quái quỷ gì của hắn cả, vì vậy làm sao tôi được chuyện gì đang chờ đợi Ngài Felix Finch trong đêm định mệnh ấy? Ngài Felix Finch, Bộ trưởng Văn hóa và Lãnh tụ tối cao của tạp chí Điểm sách Trafalgar, ông ta vẫn chói lòa trên bầu trời truyền thông, tên tuổi ông ta đến nay vẫn hiển hiện trong mắt mọi người, dù mười hai tháng đã trôi qua. Các tờ báo lá cải đăng đầy tin tức về vụ đó trên trang nhất; những tờ báo khổ rộng in tràn trang khi đài Phát thanh số 4 đưa tin về cú ngã. Cái chuồng nhốt đầy lũ diều hâu se sẻ, “những cây bút bình luận”, tán tụng Ông hoàng Nghệ thuật đã mất trong những bài tưởng niệm liên tu bất tận.

Ngược lại, từ đầu chí cuối tôi vẫn giữ vị thế của một cố vấn danh dự. Tuy nhiên, tôi cần cảnh báo độc giả bận rộn rằng dư vị sau vụ Felix Finch chỉ thuần túy là món rượu khai vị cho cơn khốn khổ thần sầu của tôi. Khổ nạn của Timothy Cavendish, nếu bạn thích gọi như thế. Mà đấy có vẻ như là một tiêu đề hấp dẫn nhỉ.

Đó là Đêm trao giải Trái chanh, tổ chức ở quán bar Jake’s Starlight, vừa khai trương lại hoành tráng trên đỉnh một tòa nhà ở Bayswater, có vườn trên sân thượng phủ mái che. Toàn bộ chuỗi thức ăn trong ngành xuất bản chết tiệt đã bay lên không trung rồi đậu lại ở Jake’s. Những văn sĩ cuồng, đầu bếp nổi tiếng, những bộ comple, khách hàng có râu dê, cánh lái sách suy dinh dưỡng, bọn thợ viết thuê và thợ chụp ảnh hiểu ẩn ý “Cút đi!” thành “Tại sao không, tôi rất sẵn lòng!” Để tôi chặn đứng ngay lời xì xầm đồn thổi rằng việc mời Dermot đến là chủ trương của tôi, rằng, phải rồi, Timothy Cavendish biết tác giả của mình đang thèm khát một vụ trả thù đình đám, thế cho nên, toàn bộ tấn bi kịch này là một vụ xì căng đan để đánh bóng tên tuổi. Chuyện phi lý được những đối thủ ghen ăn tức ở tưởng tượng ra! Không một ai thừa nhận đã gửi thư mời đến Dermot Hoggins, và lúc này càng khó có chuyện ai đó bước ra thừa nhận.

Tóm lại, người chiến thắng đã được xướng tên và tới lúc này chúng ta đều đã biết ai đoạt giải thưởng trị giá năm mươi nghìn bảng cả rồi. Hôm đấy tôi say bí tỉ. Guy the Guy giới thiệu tôi dùng món cocktail có tên gọi “Ground Control to Major Tom” (Mặt đất gọi thiếu tá Tom)[32]. Mũi tên Thời gian trở thành chiếc Boomerang Thời gian và tôi không đếm xuể mình đã uống bao nhiêu ly. Một ban nhạc jazz sáu người bắt đầu chơi điệu rumba. Tôi tiến ra ban công để thở chút không khí trong lành, và xem đám đông huyên náo từ bên ngoài. Chứng kiến văn đàn London khiến tôi nghĩ đến nhận định của Gibbon về Thời đại của những Antonine[33]. Một đám bòng bong những nhà phê bình, nhà biên soạn, nhà bình luận, làm tăm tối thêm bộ mặt học hành, và sự suy giảm thiên tài được tiếp nối bằng sự dễ dãi trong thị hiếu.

Dermot tìm ra tôi; tin xấu luôn nhất định tìm ra ta. Để tôi lặp lại, tình cờ gặp Giáo hoàng Pius XIII còn không làm tôi ngạc nhiên bằng. Kỳ thực, Đức Toàn Bích còn có thể hòa nhập tốt hơn – tay tác giả khó tính của tôi mặc một bộ đồ vest màu vàng, bên trong mặc áo sơ mi màu sô cô la và thắt cà vạt Ribena. Tôi cũng chẳng cần nhắc độc giả tò mò rằng lúc bấy giờ cuốn Đấm Vỡ Mồm vẫn chưa làm mưa làm gió trên thị trường sách. Kỳ thực, nó vẫn chưa có mặt ở nhà sách nào, trừ hiệu sách John Sandoe ở Chelsea, và những đại lý phát hành kém may mắn, một của dân Do Thái, sau đến của người Sikh, nay là người Eritrea, nằm ở xứ đạo khu Đông[34] của anh em nhà Hoggins. Kỳ thực, điều mà Dermot muốn bàn bạc ở khu vườn sân thượng ấy chính là chuyện quảng bá và phân phối sách. Tôi giải thích với hắn lần thứ một trăm rằng cơ chế đối tác – tác giả ở nhà xuất bản Cavendish không thể nào cho phép rải tiền in các catalogue giới thiệu sách xa hoa và tổ chức những chuyến dã ngoại tập thể cuối tuần tăng tình đoàn kết cho nhân viên chào hàng sách.

Tôi giải thích, một lần nữa, rằng các tác giả của tôi tìm thấy cảm giác mãn nguyện từ việc khoe những quyển sách đóng bìa đẹp đẽ của mình với bạn bè, gia đình, con cháu. Tôi giải thích, một lần nữa, rằng thị trường sách viết về xã hội đen đã bão hòa rồi; và rằng ngay cả Moby Dick cũng xịt ngóm vào thời đại của Melville[35], dù tôi không giải thích động từ đó nghĩa là gì. “Đó thực sự là một quyển hồi ký tuyệt hảo,” tôi trấn an hắn. “Hãy cho nó thời gian.”

Dermot, say khướt, lè nhè và điếc đặc, nhìn qua thanh chắn ban công. “Toàn là ống khói. Ở tít dưới đấy.”

Tôi tin rằng mối đe dọa chỉ là tưởng tượng. “Ừ.”

“Mẹ tôi từng đưa tôi đi xem Mary Poppins lúc tôi còn bé. Những người quét ống khói nhảy nhót trên mái nhà. Bà cũng xem lại băng ghi hình phim ấy nữa. Hết lần này đến lần khác. Trong trại dưỡng lão.”

“Tôi còn nhớ lúc phim mới phát hành. Nó in đậm trong tâm trí tôi.”

“Này.” Dermot nhíu mày rồi chỉ vào quầy bar nằm ở bên kia khung cửa sổ kiểu Pháp. “Ai kia?”

“Ai cơ?”

“Người đeo nơ đang nói chuyện với cô nàng mặc túi rác đấy.”

“Là người công bố giải thưởng, Felix… ồ, Felix gì ấy nhỉ?”

“Felix Finch chó chết! Thằng chó ỉa lên sách của tôi trên tờ tạp chí đắt như c** ấy hả?”

“Đó quả không phải là bài điểm sách tốt nhất dành cho anh, nhưng…”

“Đ.m., đó là bài điểm sách duy nhất về sách của tôi!”

“Bài đó đọc cũng không đến nỗi nào…”

“Thế hả? ‘ Những nhân tố mới không có nổi một tác phẩm hiện tượng nào như ông Hoggins chính là những cái chết do tai nạn giao thông của văn học hiện đại.’ Có để ý thấy người ta hay gọi kèm danh xưng ‘ông’ trước khi cắm mũi dao vào không? “Ông Hoggins nên xin lỗi những cây xanh đã bị chặt để in quyển ‘tiểu thuyết tự truyện’ tào lao của ông ta. Bốn trăm trang ba hoa vô nghĩa kết thúc bằng một cái kết dễ dãi và ngớ ngẩn đến mức không thể tin nổi.”

“Bình tĩnh đi, Dermot, thực tình chẳng có ai đọc tờ Trafalgar đâu.”

“Xin lỗi!” Tác giả của tôi túm cổ áo một người phục vụ. “Có nghe nói đến mục Điểm sách Trafalgar bao giờ chưa?

“Vâng, dĩ nhiên rồi ạ,” anh chàng phục vụ người Đông Âu đáp.

“Toàn bộ khoa của tôi đều dẫn nguồn từ đấy, nơi quy tụ những cây bút điểm sách thông minh nhất hiện nay.” Dermot ném ly rượu của hắn qua thanh chắn.

“Thôi mà, thế nào là một người điểm sách?” tôi lý luận. “Một kẻ đọc rất nhanh, rất qua loa, nhưng chẳng hề chiêm nghiệm…”

Ban nhạc jazz đã biểu diễn xong tiết mục của họ và Dermot bỏ dở câu nói của tôi. Tôi đã say đến nỗi nghĩ đến chuyện về nhà bằng taxi, và đang chuẩn bị về thật thì một tiếng gào toáng lên như người loan tin ở Cockney khiến toàn thể quan khách nín bặt: “Thưa quý ông và quý bà giám khảo! Xin mọi người chú ý!”

Xin thánh thần hộ mạng, Dermot đang đập hai cái khay vào nhau loảng xoảng. “Tối nay chúng ta có thêm một giải thưởng nữa, thưa các ông tiên bà tiên sách!” hắn gào lên. Mặc kệ những tiếng cười khẩy và những tiếng “Oooooo!”, hắn lôi từ túi áo khoác ra một phong bì, xé ra rồi giả vờ đọc: “Giải thưởng dành cho Nhà phê bình văn học nổi bật nhất.” Khán giả nhìn theo, cười nhạo, phản đối, hoặc quay mặt đi chỗ khác vì ngượng. “Cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng ban giám khảo đã nhất trí cao trong việc chọn Hoàng Đế của Vương triều Điểm sách Trafalgar, ông – xin thứ lỗi, ngài – Hiệp sĩ Felix Finch, lên đây nào, ông bạn!”

Đám đông reo hò. “Chúc mừng, Felix! Chúc mừng!” Finch đã không trở thành nhà phê bình nếu không thích sự chú ý tự nhiên mà có. Khỏi phải nói ông ta đã chuẩn bị sẵn trong đầu một bài báo cho chuyên mục trên tờ Thời đại Chủ nhật với tựa “Finch được yêu mến.” Về phần Dermot, hắn cười sái cả quai hàm và làm ra vẻ hết sức thành thật. “Giải thưởng của tôi có thể là gì nhỉ?” Finch cười điệu đàng, trong lúc tiếng vỗ tay tắt dần. “Một bản có chữ ký của quyển ĐấmVỡ Mồm nguyên gốc chăng? Chắc chẳng còn nhiều bản đâu nhỉ!” Bạn bè của Finch cười vang chế giễu, khoái chí trước viên chính ủy của họ.“Hay là tôi giành được một chuyến bay miễn phí đến một đất nước Nam Mỹ với những hiệp ước dẫn độ đầy kẽ hở?”

“Phải rồi, bạn hiền,” Dermot nháy mắt, “một chuyến bay miễn phí chính xác là giải thưởng mà mày nhận được.”

Tác giả của tôi túm lấy ve áo của Finch, ngửa ra phía sau, đạp vào bụng Finch, rồi nhấc bổng nhân vật nổi tiếng có chiều cao thấp hơn số đông lên cao! Cao hơn cả những bồn hoa păng-xê dọc lan can.

Tiếng kêu thét của Finch – lẫn cuộc đời của ông ta – kết thúc trong đống kim loại rúm ró, ở mặt đất cách đó mười hai tầng.

Ai đó làm đổ nước uống xuống thảm.

Dermot “Duster” Hoggins phủi ve áo, rướn người qua ban công, hét lên: “VẬY BÂY GIỜ AI MỚI LÀ KẺ KẾT THÚC BẰNG MỘT CÁI KẾT DỄ DÃI VÀ NGỚ NGẨN ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ TIN NỔI NÀO?”

Đám đông nín lặng vì sửng sốt tách ra khi kẻ giết người tiến đến bàn đặt thức ăn nhẹ. Một số nhân chứng sau đó thuật lại họ nhìn thấy một vòng hào quang tối sẫm. Hắn chọn một chiếc bánh quy Bỉ trên có miếng cá trổng Biscay và rau mùi tây rưới dầu mè.

Đám đông nhận thức trở lại. Những tiếng nôn khan, lạy Chúa tôi và một cuộc giẫm đạp tháo thân ở cầu thang. Cơn chấn động kinh hoàng nhất! Suy nghĩ của tôi? Nói thật ư? Kinh hoảng. Chắc chắn. Sốc? Còn phải hỏi. Không thể tin được? Dĩ nhiên. Sợ hãi? Không hẳn.

Tôi sẽ không phủ nhận rằng mình đã cảm thấy một niềm an ủi trong bước ngoặt bi kịch này. Phòng làm việc của tôi ở Haymarket đang chứa chín mươi lăm quyển Đấm Vỡ Mồm bọc màng co chưa bán được của Dermot Hoggins, quyển hồi ký đình đám của kẻ sắp trở thành tên sát nhân nổi tiếng nhất Anh quốc. Frank Sprat – giám đốc nhà in Sevenoaks, người mà tôi còn nợ rất nhiều tiền đến nỗi anh chàng tội nghiệp ấy đã bị đẩy vào cảnh khó xử – vẫn còn giữ bản kẽm và sẵn sàng in khi có thông báo.

Sách bìa cứng, thưa quý vị.

Mười bốn bảng chín mươi chín xu một quyển.

Ngọt tựa mật ong!

Là một biên tập viên từng trải, tôi không tán thành lối viết hồi tưởng quá khứ, gợi ý chuyện sắp xảy ra, và giăng bẫy, chúng thuộc về thập niên 1980 với những Thạc sĩ Nghệ thuật trong chủ nghĩa Hậu hiện đại và Thuyết hỗn mang. Tuy nhiên, tôi không xin lỗi vì đã (lại) bắt đầu đoạn kể chuyện từ vai của tôi về sự kiện chấn động đó. Bạn thấy đấy, nó đặt nền tảng cho ý định tốt đẹp đầu tiên của tôi trên đường đến Hull, hay nói chính xác hơn là vùng nội địa của Hull, nơi mà nỗi thống khổ của tôi sẽ diễn ra như định mệnh đã an bài. Vận may của tôi đổi chiều đúng như tôi đã tiên đoán sau Cú ngã cuối cùng của Felix Finch. Trên đôi cánh của hoạt động tiếp thị miễn phí tuyệt vời, con gà tây Đấm Vỡ Mồm của tôi bay vút lên cao trên bảng xếp hạng sách bán chạy và đậu ở đó cho đến khi Dermot bị kết án mười lăm năm trong khám Wormwood Scrubs. Phiên tòa được đưa tin trong tất cả những bản tin Thời sự chín giờ ở khắp nơi trong thành phố. Sau khi ra người thiên cổ, Ngài Felix biến từ một kẻ khó chịu hợm hĩnh, với bàn tay Stalin siết chặt tiền của Hội Mỹ thuật thành chuyên gia mỹ thuật được yêu mến nhất nước Anh từ sau người được yêu mến gần nhất trước đó, ôi chao!

Trên bậc tam cấp tại tòa Old Bailey, bà vợ góa của Finch nói với báo chí rằng mười lăm năm là bản án “nhẹ đến mức kinh tởm”, và ngay ngày hôm sau một chiến dịch ‘Duster Hoggins, Chết mục ở địa ngục đi!’ được phát động. Gia đình của Dermot công kích trên các show đối thoại, quan điểm xúc phạm của Finch bị lôi ra mổ xẻ, BBC2 thực hiện một phim tài liệu đặc biệt trong đó cô nàng đồng tính phỏng vấn tôi đã cắt xén hoàn toàn lời nhận xét tế nhị của tôi ra khỏi ngữ cảnh. Ai quan tâm cơ chứ? Nồi tiền sôi đang cạn dần – không, nó đã cạn nước và khiến toàn bộ căn bếp đáng nguyền rủa bốc cháy theo. Nhà xuất bản Cavendish – nghĩa là bà Latham và tôi – không biết thời vận gì rơi trúng. Chúng tôi phải nhận thêm hai cô cháu gái của bà ta (tất nhiên là làm việc bán thời gian mà thôi, tôi không để cho Bảo hiểm quốc gia sờ gáy đâu). Những quyển Đấm Vỡ Mồm bọc màng co đầu tiên đã bốc hơi trong vòng ba mươi sáu giờ, và Frank Sprat phải in tái bản gần như mỗi tháng. Bốn thập niên làm trong ngành xuất bản, chưa bao giờ có điều gì đẩy chúng tôi đến thành công được như thế. Chi phí vận hành toàn được bù đắp bằng đóng góp của tác giả – chứ không phải từ tiền bán sách bèo bọt! Nghe có vẻ thật vô đạo đức. Vậy mà bây giờ tôi đang có trong tay quyển sách bán chạy có tỉ lệ mười- năm-có-một trong đời. Mọi người hỏi tôi, “Tim, làm thế nào ông đạt được sự thành công chóng mặt đó?”

Đấm Vỡ Mồm thực sự là một hồi ký hư cấu đầy giông bão được viết khá hay. Đám diều hâu văn hóa thảo luận về bối cảnh chính trị – xã hội của nó trước tiên trên những show buổi tối, sau đó trong chương trình tivi buổi sáng. Bọn tân phát xít mua sách vì nó viết mạnh tay về bạo lực. Các bà nội trợ Worcestershire mua vì thấy đọc cũng hay phết. Đám đồng tính mua vì ưu ái tác giả cùng hội cùng thuyền. Nó nhảy lên con số chín mươi nghìn, đúng, chín mươi nghìn bản trong bốn tháng, và đúng, toàn là bản bìa cứng đấy. Trong lúc tôi viết những dòng này, bộ phim chuyển thể từ sách hẳn đang được sản xuất rồi. Ở buổi chia sẻ cảm tưởng tại Hội chợ sách Frankfurt, tôi được tán tụng bởi những người mà trước đó còn không thèm dừng lại để phủi tôi khỏi mũi giày. Cái nhãn mác ghê tởm “Nhà xuất bản hư danh” trở thành “Nhà tài chính sáng tạo”. Bản quyền dịch thuật rơi ào ào như những lãnh thổ chiếm được trong vòng cuối trò chơi Risk[36]. Các nhà xuất bản Mỹ, ơn Chúa lòng lành, họ yêu thích cái tiếng tăm Quý-tộc-Anh-bị-trừng-phạt-bởi-đứa-con-xứ-sở-bị-áp-bức, và một cuộc đấu giá xuyên đại dương đã đẩy số tiền tác quyền trả trước lên con số cao chóng mặt. Tôi, vâng, chính tôi, sở hữu độc quyền con ngỗng bĩnh phân bạch kim bị tiêu chảy nặng này! Tiền đổ vào tài khoản ngân hàng vốn rỗng hun hút của tôi như nước Biển Bắc qua kênh đào Hà Lan. “Chuyên gia tư vấn ngân hàng” riêng của tôi, một tay áp phe tên là Elliot McCluskie, gửi cho tôi một tấm thiệp Giáng sinh là hình chụp hậu duệ Midwich Cuckoo của hắn. Những động vật linh trưởng ở cửa Câu lạc bộ Groucho đón tôi với lời chào “Chúc buổi tối tốt lành, thưa ông Cavendish,” thay vì nói “Này, ông phải được một thành viên bảo lãnh mới được!” Khi tôi tuyên bố sắp phát hành sách bìa mềm, các trang điểm sách của những báo ra ngày Chủ nhật đăng bài mô tả Nhà xuất bản Cavendish như một tay chơi có số má giữa đám người khổng lồ già yếu hom hem. Thậm chí tôi còn được lên Thời báo Tài chính nữa.

Thế có lạ gì chăng khi bà Latham và tôi bận bịu – chỉ một chút thôi – trên mặt trận sổ sách kế toán?

Sự thành công đầu độc tay chơi mới nổi chỉ trong nháy mắt. Tôi in hẳn danh thiếp: Cavendish-Redux[37], Nhà xuất bản Tiểu thuyết Tiên phong. E hèm, tôi nghĩ, tại sao không bán nhiều ấn phẩm thay vì chỉ một ấn phẩm? Tại sao không trở thành một nhà xuất bản nghiêm túc như thế giới đã tung hô? Than ôi! Những tấm danh thiếp bé nhỏ xinh xắn ấy chính là lá cờ đỏ vẫy trước mũi con bò tót mang tên Định mệnh. Ngay khi tin đồn lan xa rằng Tim Cavendish đang rủng rỉnh, thì bọn chủ nợ hổ báo cáo chồn đã dồn dập tấn công văn phòng của tôi. Như thường lệ, tôi để việc tính toán tài tình về chuyện trả gì cho ai và khi nào cho bà Latham vô giá của tôi. Cứ thế, tôi hoàn toàn không phòng bị gì về mặt tinh thần lẫn tài chính khi những người khách nửa đêm viếng thăm, gần một năm sau Đêm Felix Finch. Tôi thú nhận rằng kể từ ngày Bà X bỏ tôi (kẻ cắm sừng tôi là một nha sĩ, tôi sẽ tiết lộ sự thật cho dù nó đau đớn ra sao) Tình trạng Vô chủ đã thống trị tư dinh Putney của tôi (ôi, thôi được rồi, tên khốn ấy là người Đức), vì vậy bồn cầu bằng sứ từ lâu đã là ghế ngồi làm việc thực sự của tôi. Một chai Cognac tử tế đặt dưới tấm che giấy cuộn, tôi để cửa mở để nghe được radio trong nhà bếp.

Vào đêm ấy, tôi gác quyển sách đọc trong nhà vệ sinh sang một bên, Sự suy tàn và diệt vong của đế chế La Mã, để xử lý chồng bản thảo (những quả cà chua xanh chưa ăn được) gửi đến Cavendish-Redux, niềm tự hào mới của tôi. Ước chừng lúc ấy tầm mười một giờ, tôi nghe có tiếng can thiệp vào cửa trước. Đám quái lùn nào gõ cửa chơi trò “cho kẹo hay bị ghẹo” ư?

Hay bọn phá đám? Tiếng gió?

Tôi chưa kịp định thần thì cánh cửa đã văng ra khỏi cái bản lề khốn khổ! Tôi tưởng là Al-Qaeda, tôi tưởng là sét hòn dội xuống, nhưng không. Từ hành lang rầm rập tiến vào là một toán người trông như cả một đội bóng bầu dục, dù thực ra chúng chỉ có ba tên. (Quý vị thấy đấy, tôi toàn bị những bộ ba tấn công.) “Timothy,” gã có đầu giống đầu thú gắn trên miệng máng xối dõng dạc gọi, “Cavendish, tôi nói đúng chứ. Quả tang lúc ngồi bô nhé.”

“Giờ làm việc của tôi là mười một giờ đến hai giờ, thưa các quý ông,” Bogart hẳn sẽ nói như thế, “với khoảng giải lao ba giờ để ăn trưa. Làm ơn đi cho.” Còn tôi thì chỉ biết lúng búng, “Ôi! Cửa của tôi! Cái cửa khốn khổ khốn nạn của tôi!”

Tên du đãng thứ hai châm một điếu thuốc. “Bọn này đã đến thăm Dermot hôm nay. Lão ấy hơi cáu rồi đấy. Thử hỏi ai mà không cáu?”

Những mảnh ghép dần khớp lại. Tôi thì vỡ thành trăm mảnh. “Anh em của Dermot!” (Tôi đã đọc về tất cả bọn chúng trong sách của Dermot. Eddie, Mozza, Jarvis.)

Tàn thuốc nóng khiến đùi tôi bỏng ran, và tôi không còn nhớ khuôn mặt nào nói cái gì nữa. Giống như bức tranh bộ ba của Francis Bacon biến thành người thật. “Đấm Vỡ Mồm bán tốt đấy chứ, nhìn tình hình thì biết.”

“Sách vẫn chất chồng trong các hiệu sách ở sân bay.”

“Ông ít ra cũng phải nghi là bọn này sẽ đến chứ.”

“Người nhạy bén làm ăn như ông cơ mà.”

Người Ireland ở London luôn khiến tôi bấn loạn vào những thời điểm trọng đại nhất. “Các anh, các anh. Dermot đã ký hợp đồng chuyển nhượng tác quyền. Nghe này, nghe này, đó là chuẩn mực trong ngành, tôi có một bản trong cặp đây này…” Quả thực tôi có giữ tài liệu đó trong tay. “Điều mười tám, về tác quyền… có nghĩa là Đấm Vỡ Mồm, về mặt pháp lý, đã… à ừ…” Thật chẳng dễ để nói với bọn chúng chuyện này khi mà quần đùi tôi đang nằm trên mắt cá chân. “À ừ, về mặt pháp lý là tài sản của Nhà xuất bản Cavendish.”

Jarvis Hoggins đọc lướt qua bản hợp đồng một lúc nhưng rồi xé toạc khi nhận ra nó dài hơn khả năng tập trung của hắn. “Dermot ký cái quần què này khi sách của lão chỉ để đọc cho vui thôi.”

“Một món quà tặng bà mẹ già đang lâm bệnh của bọn tao, Chúa phù hộ linh hồn bà.”

“Một kỉ niệm về thời vàng son của Bố.”

“Dermot chẳng ký hợp đồng chó chết nào cho sự kiện đặc biệt chó chết nào cả.”

“Bọn tao đã ghé thăm người in sách của ông, Sprat đấy. Hắn đã giải thích chuyện tiền nong cho bọn tao rồi.”

Bông giấy hợp đồng bay lả tả. Mozza đứng gần đến nỗi tôi có thể ngửi thấy mùi bữa ăn tối của hắn. “Xem ra ông đang bỏ túi cả một gia tài chứ chẳng chơi.”

“Tôi tin chắc rằng chúng ta có thể nhất trí về một, ờ, ừm, ừm, biểu đồ ngân sách, từ đó sẽ…”

Eddie ngắt lời: “Thỏa thuận là ba nhé.”

Tôi giả vờ nheo mắt. “Ba nghìn bảng ư? Các anh à, tôi không nghĩ là…”

“Đừng vờ vịt nữa.” Mozza véo má tôi. “Ba giờ. Chiều mai. Ở văn phòng của ông.”

Tôi không còn lựa chọn nào khác. “Hay là chúng ta có thể… ờ… bàn bạc một số tiền để kết thúc cuộc gặp này, làm cơ sở cho… những thỏa thuận tiếp theo.”

“Được thôi. Mình bàn bạc con số bao nhiêu nhỉ, Mozza?”

“Năm mươi nghìn nghe cũng hợp lý đấy.”

Tiếng rên đau đớn của tôi không phải là vờ vịt. “Năm mươi nghìn bảng ư?”

“Là khởi điểm.”

Ruột tôi sôi ùng ục, lặc lè và khó chịu. “Các anh thật sự nghĩ rằng tôi cất chỗ tiền lớn thế trong mấy hộp đựng giày quanh nhà?” Tôi lên giọng cứng cỏi cho giống Dirty Harry[38] nhưng lại nghe giống như Baggins Nói Đớt[39] hơn.

“Tôi hi vọng ông cất tiền ở đâu đó, ông ngoại à.”

“Tiền mặt.”

“Không lộn xộn. Không séc siếc gì hết.”

“Không hứa hẹn. Không trì hoãn.”

“Tiền theo cách cổ điển đó giờ. Trong hộp đựng giày cũng được.”

“Thưa các anh, tôi rất sẵn lòng trả số tiền mà các anh cân nhắc thương lượng, nhưng mà luật…”

Jarvis huýt sáo qua kẽ răng. “Luật có giúp một lão già như ông đứng dậy khi có nhiều vết nứt trên cột sống không hở Timothy?”

Eddie: “Những người ở tuổi ông không đứng dậy đâu. Họ ngủm luôn.”

Tôi cố hết sức bình sinh để nín lại, nhưng cơn co thắt đã không còn chịu sự kiểm soát của tôi nữa và một loạt súng đại bác bắn ra. Sự cười nhạo hay lịch sự tôi còn có thể chịu đựng nổi, nhưng sự thương hại từ những kẻ tra tấn tôi cho thấy tôi đã bị đánh bại hoàn toàn. Dây xả nước được giật.

“Ba giờ.” Cavendish-Redux tiêu tùng. Đám du đãng bỏ đi, bước lên cánh cửa sõng soài của tôi. Eddie quay lại để nói lời cuối. “Dermot có viết một đoạn khá hay trong sách. Về những kẻ quỵt nợ đấy.”

Tôi đề nghị độc giả tò mò hãy đọc trang 244 của quyển Đấm Vỡ Mồm, hiện có bán tại quầy sách ở khu vực của quý vị. Không nên đọc lúc ăn no.

Bên ngoài văn phòng Haymarket của tôi, những chiếc taxi đang nối đuôi nhau lao đi. Bên trong phòng riêng của tôi, đôi hoa tai Nefertiti của bà Latham (một món quà do tôi tặng để đánh dấu mười năm bà ấy làm việc ở Nhà xuất bản Cavendish, tôi tìm thấy chúng trong sọt hàng giảm giá ở một Cửa hàng quà lưu niệm trong Bảo tàng Anh quốc) kêu leng keng khi bà lắc đầu, không, không, không. “Và tôi nói cho ông biết này, ông Cavendish, tôi không thể tìm được cho ông năm mươi nghìn bảng trước ba giờ chiều nay. Tôi không thể tìm cho ông ngay cả năm nghìn bảng. Từng đồng kiếm được từ Đấm Vỡ Mồm đã bị hút sạch bởi những khoản nợ dài hạn rồi.”

“Không có ai nợ tiền chúng ta hết à?”

“Tôi luôn nhấn mạnh với ông về chuyện hóa đơn chứng từ mà, có đúng không nào, ông Cavendish?”

Tuyệt vọng khiến tôi xuống nước. “Bây giờ là thời đại của tín dụng linh hoạt mà!”

“Bây giờ là thời đại của hạn mức tín dụng, ông Cavendish à.”

Tôi lui về phòng làm việc, rót một ly whisky rồi nuốt trôi những viên thuốc trợ tim, sau đó lần theo chuyến hải hành cuối cùng của Thuyền trưởng Cook trên quả địa cầu cổ lỗ. Bà Latham đem thư từ vào rồi lẳng lặng đi ra. Hóa đơn, thư rác, giả nhân giả nghĩa từ những quỹ từ thiện và một gói đề “Kính gửi Biên tập viên nhìn xa trông rộng của Đấm Vỡ Mồm chứa một bản thảo nhan đề Những chu kỳ bán rã – thật là một tựa đề nhảm nhí cho tiểu thuyết – và phụ đề Bí ẩn đầu tiên về Luisa Rey. Từ nhảm đến nhảm. Nữ tác giả của nó, một người có cái tên rất mơ hồ Hilary V. Hush, mở đầu thư ngỏ như sau: “Năm lên chín tuổi, tôi được mẹ đưa đến Lourdes để cầu nguyện cho tôi đừng đái dầm nữa. Hãy tưởng tượng xem tôi đã ngạc nhiên thế nào khi hiện ra trong giấc mơ của tôi tối hôm đó không phải là Thánh Bernadette mà là Alain-Fournier.”

Tâm thần nặng rồi. Tôi ném lá thư vào khay “Việc khẩn” rồi mở chiếc máy tính bộ nhớ mới toanh đầy ắp gigabyte lên để chơi trò Gỡ mìn. Sau khi bị nổ tung hai lần, tôi gọi điện đến Sotheby’s để đăng ký đấu giá chiếc bàn viết chính hiệu của Charles Dicken với mức khởi điểm sáu mươi nghìn. Một thẩm định viên rất lịch sự tên là Kirpal Singh ái ngại cho hay chiếc bàn của tiểu thuyết gia này đã được bảo tàng Nhà Dicken kiểm kê rồi, và hi vọng tôi đã không bị lừa một vố quá đau. Phải thú nhận, tôi dựng chuyện cũng chẳng có đầu đuôi thuyết phục cho lắm. Kế đến tôi gọi Elliot McCluskie rồi hỏi thăm những đứa con hay ho của ông ta. “Khỏe, cám ơn ông.” Ông ta hỏi thăm việc làm ăn hay ho của tôi. Tôi hỏi vay tám mươi nghìn bảng. Ông ta đáp bằng cụm từ đầy nghĩ ngợi “Phải rồi…” Tôi hạ mức trần xuống sáu mươi. Elliot nhắc lại đợt vay nợ trước của tôi vẫn còn hạn mười hai tháng nữa mới được xem xét khả năng điều chỉnh quy mô. Ôi, sao mà tôi nhớ cái thời người ta cười như con linh cẩu, bảo ta đi chết đi rồi cúp máy. Tôi lần theo hành trình của Magellan trên quả địa cầu và thèm một thế kỷ nơi mà một sự khởi đầu mới chẳng xa hơn chuyến tàu kế tiếp rời Deptford. Lòng tự trọng của tôi đã nát nhàu, tôi gọi cho Bà X. Bà đang ngâm mình tắm sáng. Tôi giải thích tình hình nghiêm trọng của mình. Bà ta cười như một con linh cẩu, bảo tôi đi chết đi rồi cúp máy. Tôi xoay quả địa cầu. Tôi xoay quả địa cầu.

Bà Latham nhìn tôi dò xét như con diều hâu quan sát con thỏ khi tôi bước ra. “Không, không vay tiền xã hội đen, ông Cavendish ạ. Thật chẳng đáng làm thế chút nào.”

“Đừng sợ, bà Latham, tôi chỉ định đi thăm người duy nhất trên thế gian này tin tưởng ở tôi, bất kể thịnh suy.” Trong thang máy tôi nhắc hình ảnh phản chiếu của mình, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, trước khi xòe tay nắm lấy cán ô.

“Ôi, thật là oan gia trái chủ, không phải chú mày chứ. Nghe đây, làm ơn biến giùm đi và để bọn ta yên.” Anh trai tôi trừng mắt nhìn từ phía bên kia hồ bơi trong lúc tôi bước vào sân. Denholme không bao giờ bơi trong chiếc hồ này, theo như tôi biết, nhưng anh ấy làm đủ mọi việc tẩy rửa xả nước hàng tuần, ngay cả khi mưa gió. Anh ấy dùng cái vợt to gắn vào cây sào để vớt lá khô. “Tôi sẽ không cho chú mượn một xu teng nào cho đến khi chú trả lại số tiền lần trước. Tại sao tôi cứ phải bố thí cho chú hoài vậy? Thôi. khỏi trả lời.” Denholme nhặt nắm lá ướt sũng trong cái vợt. “Làm ơn quay lại xe taxi rồi biến đi cho. Tôi sẽ chỉ lịch sự yêu cầu chú một lần duy nhất thôi.”

“Georgette khỏe không?” Tôi phủi mấy con rệp ra khỏi những cánh hoa hồng run rẩy trong vườn.

“Georgette đang phát điên, chắc chắn và từ từ, những lúc không cần tiền chả bao giờ thấy chú tỏ ra ân cần quan tâm gì cả.”

Tôi nhìn một con sâu trở về cát bụi và ước chi mình là nó. “Denny này, em đang gặp chút rắc rối với hạng người không đàng hoàng cho lắm. Nếu không có sáu mươi nghìn bảng trong tay thì em sẽ bị đánh nhừ tử.”

“Bảo bọn chúng quay phim cho tôi xem với nhé.”

“Em không đùa đâu, Denholme à.”

“Tôi cũng thế! Vậy ra chú không chịu nổi khi bị lừa à. Cảm giác thế nào? Tại sao chuyện này lại là vấn đề của tôi?”

“Chúng ta là anh em mà! Anh không có lương tâm hay sao?”

“Tôi đã ngồi trong ban quản trị của một ngân hàng thương mại ba mươi năm rồi.”

Một cây tiêu huyền bị mé nhánh thả rơi những chiếc lá đỏ một thời xanh tươi như những con người tuyệt vọng thả rơi những quyết định một thời không nao núng. “Giúp em đi mà, Denny, làm ơn đi. Ba mươi nghìn cũng được.”

Tôi đã đi quá giới hạn. “Đi chết đi cho rồi, Tim, ngân hàng của tôi sụp đổ rồi! Tôi khô kiệt bởi những kẻ hút máu ở Lloyds rồi! Những ngày tôi búng ngón tay là có tiền đã qua rồi, qua thật rồi! Nhà cửa bị đem thế chấp, hai lần rồi đấy! Tôi tổn thất nặng nề, còn mất mát của chú chỉ như ruồi muỗi mà thôi. Dù sao chú còn có quyển sách chết toi gì đấy bay lượn khắp các nhà sách trên thế giới cơ mà!”

Nét mặt tôi nói lên điều mà không từ nào diễn tả được.

“Ôi Chúa ơi, đồ ngốc. Hạn thanh toán là khi nào?”

Tôi nhìn đồng hồ. “Ba giờ chiều này.”

“Quên đi.” Denholme thả vợt xuống hồ. “Đệ đơn phá sản đi. Reynard sẽ lo giấy tờ cho chú, anh ta làm ăn được lắm. Vụ này khó nhằn lắm, tôi biết, nhưng dù sao nó cũng sẽ giúp đẩy lùi các chủ nợ. Luật quy định rõ…”

“Luật ư? Kinh nghiệm duy nhất mà các chủ nợ của em có về luật là ngồi xổm trên một cái lon khi phòng giam quá tải.”

“Vậy thì bỏ trốn đi.”

“Bọn này rành rẽ địa bàn lắm.”

“Cũng không quá khỏi vành đai đường cao tốc M25 đâu, tôi dám cá đấy. Đến ở nhà bạn của chú đi.”

Bạn ư? Tôi gạch bỏ những cái tên mà tôi mắc nợ, những người đã lìa trần, những người biến mất không tăm tích, và tôi chỉ còn lại có…

Denholme đưa ra đề nghị cuối cùng. “Tôi không thể cho chú mượn tiền. Tôi chẳng còn đồng nào cả. Nhưng có một nơi rất tiện nghi còn nợ tôi và chú có thể đến đó để tạm lánh.”

===== =====

[32] Câu mở đầu bài hát Space oddity.

[33] Thời đại của những Antonine: thời đại của hai hoàng đế La Mã — Antoninus Pius và Marcus Aurelius —trị vì từ năm 138 đến 180 sau CN.

[34] East End của London là khu vực tập trung nhiều người nhập cư, được xem là một trong những khu nghèo ở nước Anh.

[35] Tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville kể câu chuyện của một thợ săn cá voi tên là Ishmael và hành trình tìm diệt một con cá voi được tin là đại diện cho mọi loài ác quỷ. Tác phẩm nhận được nhiều phản ứng khen chê khác nhau khi phát hành năm 1851. Chỉ sau khi ông qua đời, quyển tiểu thuyết mới được nhiều người công nhận là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Mỹ.

[36] Trò chơi này dành cho từ hai đến sáu người, trên một bàn cờ giống như bản đồ Trái đất, được chia thành 42 lãnh thổ nằm trên 6 châu lục. Người thắng là người chiếm được nhiều lãnh thổ trên bàn cờ nhất.

[37] Cavendish trở lại

[38] Dirty Harry: tên một bộ phim Mỹ sản xuất năm 1971 do tài tử Clint Eastwood thủ vai chính, Thanh tra Harry Callahan.

[39] Baggins: tên của gia đình người lùn trong tiểu thuyết Chúa Nhẫn của nhà văn J.R.R. Tolkien

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset