“Ông Cavendish ơi? Tỉnh lại chưa?” Một con rắn cam thảo trên cánh đồng kem ngọ nguậy hiện ra dần rõ nét. Con số năm. Ngày 5 tháng 11. Tại sao cậu nhỏ già nua của tôi lại đau thế nhỉ? Một vụ chơi khăm chăng? Chúa ơi, tôi bị nhét một cái ống vào chim của mình! Tôi cố gắng giải thoát, nhưng cơ bắp không phục tùng. Một cái lọ trên cao truyền thức ăn vào một ống dây. Ống dây truyền thức ăn cho tôi. Một khuôn mặt đàn bà đanh thép đóng khung trong mái tóc bum bê. “Tút tút. May mắn là ông bị ngã khi ở đây đấy, ông Cavendish à. Thật sự phải nói là rất may đấy. Nếu chúng tôi để cho ông đi lang thang ngoài đường thì giờ này ông đã bỏ mạng trong cống rãnh rồi!”
Cavendish, tên này nghe quen quen, Cavendish, ai là “Cavendish” này nhỉ? Tôi đang ở đâu? Tôi cố gắng hỏi bà ta, nhưng chỉ có thể kêu eng éc, như Thỏ Peter bị ném xuống cầu thang xoắn của Nhà thờ Salisbury vậy. Bóng tối bủa vây tôi. Tạ ơn Chúa.
Một con số sáu. Ngày 6 tháng 11. Tôi đã tỉnh lại ở đây lúc trước rồi. Một bức ảnh túp lều tranh. Chữ viết của người Cornwall hoặc Druid. Cái ống nối chim đã mất rồi. Có mùi hôi. Mùi gì nhỉ? Hai bắp chân tôi được nhấc lên, mông thì đang được lau bằng một mảnh vải ướt lạnh cóng. Phân, cứt, ngập ngụa, tắc, trây trét… ị. Chẳng lẽ tôi đã ngồi lên một ống dẫn chứa những thứ này? Ôi. Không. Làm sao mà tôi ra nông nỗi này? Tôi cố gắng đẩy miếng vải ra, nhưng toàn thân chỉ run rẩy. Một người máy mặt mũi hầm hầm nhìn vào mắt tôi. Một người tình bị bỏ rơi? Tôi sợ bà ta sẽ hôn mình. Bà ta bị mắc chứng thiếu vitamin. Bà ta nên ăn thêm nhiều hoa quả, hơi thở bà ta hôi quá. Nhưng ít nhất bà ta cũng kiểm soát được hành động của mình. Ít ra bà ta còn có thể dùng nhà vệ sinh. Ngủ, ngủ, ngủ, hãy đến giải thoát cho ta.
Lên tiếng đi, Ký ức. Không, không một lời. Cổ tôi chuyển động. Hallelujah. Timothy Langland Cavendish có thể điều khiển được cổ và tên của ông ta cuối cùng đã quay về. Ngày 7 tháng 11. Tôi nhớ lại một ngày hôm qua và nhìn thấy một ngày mai. Thời gian, không phải mũi tên, không phải chiếc boomerang, mà là một chiếc đàn concertina. Lở loét vì nằm trên giường. Tôi đã nằm đây bao nhiêu ngày rồi? Bỏ qua. Tim Cavendish bao nhiêu tuổi rồi? Năm mươi? Bảy mươi? Một trăm? Sao có thể quên tuổi của mình được?
“Ông Cavendish?” Một khuôn mặt trồi lên trên bề mặt âm u.
“Ursula?”
Người đàn bà nhìn vào. “Ursula có phải là vợ của ông không, ông Cavendish?” Đừng tin bà ta. “Không phải đâu, tôi là bà Judd. Ông bị đột quỵ đấy, ông Cavendish ạ. Ông có hiểu không? Một cơn đột quỵ nhỏ xíu xiu.”
Tôi bị hồi nào? Tôi cố gắng lên tiếng. Mấy chữ “Ôi ị ồi ào” phát ra.
Bà ta tỉ tê. “Vì thế mà mọi thứ đảo lộn hết cả đấy. Nhưng đừng lo, bác sĩ Upward nói chúng ta có tiến triển vượt bậc rồi. Chúng ta không cần ở trong bệnh viện đáng sợ đâu!” Một cú đột quỵ? Hai kẻ đột quỵ? Ập lên tôi? Margo Roker bị đột quỵ. Margo Roker?
Tất cả các người là ai vậy? Ký ức, lão già đáng ghét.
Tôi dành tặng bộ ba truyện ngắn ở trên cho những độc giả may mắn có tinh thần chưa bị nghiền vụn thành xà bần bởi tình trạng đứt mạch máu mão. Phục dựng Timothy Cavendish là một công trình biên tập tầm cỡ Tolstoy, ngay cả với một người từng rút ngắn bộ sách chín tập Câu chuyện về vệ sinh răng miệng trên đảo Wight thành một quyển sách gói gọn trong bảy trăm trang. Trí nhớ không chịu khớp lại, hoặc có khớp thì cũng bị lỏng keo. Cho dù sau đó nhiều tháng đi nữa, làm sao tôi biết liệu có còn một phần lớn nào của bản thân mình vẫn thất lạc hay không?
Cơn đột quỵ của tôi khá nhẹ, đúng vậy, nhưng tháng tiếp theo sau đó là tháng cực hình nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nói năng như người bị liệt xơ cứng. Hai cánh tay như chết rồi. Tôi không thể tự chùi mông cho mình. Tâm trí lơ ngơ giữa làn sương mù, nhưng vẫn nhận thức được sự trì trệ của bản thân, và cảm thấy xấu hổ. Tôi không thể mở lời hỏi bác sĩ hay Sơ Noakes hoặc bà Judd, “Bà là ai?”, “Chúng ta từng gặp nhau chưa?”, ‘Tôi đi đâu khi rời khỏi đây?” Tôi cứ đòi gặp bà Latham.
Đồ tồi! Một người dòng họ Cavendish có thể sa cơ nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Khi Khổ nạn của Timothy Cavendish được chuyển thể thành phim, tôi khuyên thế này, hỡi Đạo diễn yêu dấu, tôi nghĩ đạo diễn này là một người Thụy Điển tên là Lars mặc áo cổ lọ, vẻ căng thẳng, hãy xử lý tháng 11 đó thành thước phim kiểu “tay đấm quyền anh luyện tập cho trận đấu lớn”. Cavendish Quả Cảm nhận những mũi tiêm không mảy may run sợ. Cavendish Tò Mò tìm lại được ngôn ngữ. Cavendish Hoang Dã bị bác sĩ Upward và Y tá Noakes thuần hóa. Cavendish John Wayne chống ghế tập đi (tôi đã nâng cấp thứ đó lên một cây gậy, đến giờ vẫn dùng. Veronica nói nó khiến tôi trông giống như Lloyd-George). Cavendish phiên bản Carl Sagan, bị nhốt trong một chiếc Đồng hồ Bồ công anh[57]. Chừng nào Cavendish vẫn còn bị gây mê bởi hội chứng quên, bạn có thể nói ông ta đã hài lòng rồi.
Chính lúc đó, Lars à, hãy gióng lên một hợp âm báo chuyện chẳng lành.
Bản tin Sáu giờ vào ngày đầu tiên của tháng 12 (lịch Giáng sinh đang hiện diện khắp nơi) vừa mới bắt đầu. Tôi đã ăn xong món chuối nghiền với sữa đặc không đường mà không hề làm đổ xuống yếm. Y tá Noakes đi ngang qua và các bạn của tôi im thin thít, như những chú chim dưới bóng diều hâu.
Bất thình lình, cái khóa trinh tiết trói chặt ký ức tôi bỗng mở bung ra.
Tôi chỉ ước gì nó đừng xảy ra như thế. Các “bạn” của tôi ở Aurora House là những ông già bà cả quê mùa yếu đuối chơi gian lận trong trò xếp chữ với sự vô lý khó tin và đối xử tốt với tôi chỉ vì trong Vương Quốc Hấp Hối thì những kẻ Yếu ớt nhất chính là Tuyến phòng thủ Maginot[58] chống lại Fuhrer Bất Bại. Tôi đã bị người anh trai thù hằn cầm tù suốt một tháng, vì thế rõ ràng là chẳng có cuộc tìm kiếm toàn quốc nào đang diễn ra cả. Tôi sẽ phải tự tìm đường trốn thoát, nhưng làm sao để chạy nhanh hơn tên thợ làm vườn đột biến gene đó, gã Withers ấy, khi mà tôi chạy năm mươi mét mất đến mười lăm phút? Làm sao để lừa được mụ Noakes từ Phá Nước Đen[59] trong khi tôi không thể nhớ nổi cả mã bưu điện của mình?
Ôi, kinh hoàng, kinh hoàng. Món chuối nghiền chặn nghẹn họng tôi rồi.
* * *
Các giác quan của tôi lên ngôi trở lại, tôi quan sát những nghi lễ tháng 12 của con người, thiên nhiên và động vật. Ao nước đóng băng trong tuần đầu tiên của tháng 12 và những con vịt ghê tởm chơi trượt băng. Aurora House đóng băng vào buổi sáng và sôi sùng sục vào buổi tối. Nhân viên chăm sóc phi giới tính, người có tên là Deirdre, chẳng bất ngờ lắm, treo kim tuyến thòng xuống từ các bóng đèn không rò điện. Một cây thông nhựa xuất hiện trong một cái xô được bọc lại bằng giấy kếp. Gwendolin Bendincks tổ chức những buổi treo chuỗi giấy và những Kẻ Chưa Chết đổ xô chạy đến, cả hai đều không nhận ra sự mỉa mai trong hình ảnh này. Kẻ Chưa Chết tranh giành nhau để mở các ô cửa sổ trên lịch Mùa vọng[60], một đặc quyền do Bendincks ban tặng như Nữ hoàng lì xì tiền lệnh trong thứ Năm Tuần Thánh vậy: “Bà Birkin đã tìm được một người tuyết mũm mĩm, mọi người ơi, có hay không nào?” Làm con chó chăn cừu của Y tá Noakes là nỗ lực để tồn tại của bà ta và Warlock-Williams. Tôi nhớ đến tác phẩm Kẻ chết đuối và Người được cứu của Primo Levi[61].
Bác sĩ Upward là kiểu Tên khốn Nóng tính đoạt giải thưởng Viện Hàn Lâm mà bạn hay thấy trong ban giám hiệu giáo dục, ngành luật hoặc y. Anh ta đến Aurora House hai lần mỗi tuần và nếu, ở độ tuổi năm mươi lăm, sự nghiệp của anh ta không tồn tại nổi theo chiều hướng đi lên như cái tên của anh ta đã dự báo, thì đó là do chúng tôi, những kẻ bệnh hoạn, đám của nợ cản đường tiến của các Lương y từ mẫu . Tôi loại anh ta khỏi danh sách đồng minh tiềm năng ngay khi vừa để mắt đến. Những người chùi mông, chà bồn tắm và đầu bếp dính đầy dầu mỡ làm việc bán thời gian cũng chẳng dám lên tiếng chỉ trích để tránh hủy hoại địa vị to lớn của họ trong xã hội.
Không, tôi đã yên ổn mắc kẹt trong Aurora House. Một chiếc đồng hồ không có kim. “Tự do!” là một tiếng chuông ngu xuẩn của nền văn minh, nhưng chỉ những kẻ không có nó mới hiểu rõ hơn ai hết nó thực sự là gì.
Vài ngày trước Sinh nhật Đấng Cứu thế, một chiếc xe nhỏ chở theo một lũ học sinh trường tư đến để hát những bài hát mừng Giáng sinh. Những Kẻ Chưa Chết hát theo sai lời lạc nhịp và sự ồn ào đó khiến tôi chịu hết nổi, chẳng có gì vui cả. Tôi lê bước đi khắp Aurora House, tìm lại sự cường tráng đã mất, cứ ba mươi phút lại phải dùng phòng vệ sinh một lần. (Các cơ quan của thần Vệ Nữ thì ai cũng biết cả nhưng, Hỡi anh em, Cơ quan của thần Saturn chính là Bàng quang đấy.) Những nỗi hoài nghi trùm kín mũ theo tôi bén gót. Tại sao Denholme trả cho bọn bắt giữ tôi những đồng copeck quý giá cuối cùng của mình để biến tôi thành trẻ nít? Liệu Georgette, do không nén lòng được trước tuổi cao sức yếu, có kể với anh tôi về chuyến rẽ hướng ngắn ngủi của chúng tôi ra khỏi đại lộ thủy chung, rất nhiều năm về trước? Cái bẫy này có phải là một vụ trả thù của ông chồng bị cắm sừng không?
* * *
Mẹ thường nói sự trốn chạy không bao giờ xa hơn quyển sách gần nhất. Ôi, mẹ ơi, không phải đâu, không hẳn là vậy. Những bản trường ca in chữ to yêu dấu của mẹ về kẻ giàu, người nghèo và những chuyện tình buồn đâu phải là tấm vải ngụy trang cho những nỗi khốn khổ mà chiếc máy bắn bóng tennis của cuộc đời tôi luyện cho mẹ, phải không nào? Nhưng đúng vậy, thưa mẹ, lại lần nữa, mẹ có lý. Sách không đem đến sự trốn thoát thực sự nhưng chúng có thể ngăn cho đầu óc không tự cào cấu đến trầy da tróc vẩy. Chúa biết, tôi chẳng dính vào việc gì ở Aurora House trừ việc đọc sách. Ngay sau ngày diễn ra sự phục hồi kỳ diệu, tôi đã cầm lên quyển Những chu kỳ bán rã và, thánh thần thiên địa ơi, tôi tự nhủ đây chẳng phải là một tiểu thuyết trinh thám hoàn toàn có thể xuất bản được của Hilary V. Hush hay sao. Tôi hình dung Bí ẩn đầu tiên về Luisa Rey đóng bìa thời thượng màu đen và đồng, bán tại quầy tính tiền của Tesco; sau đó là Bí ẩn thứ hai, rồi Thứ ba. Nữ hoàng Gwen (dolin Bendincks) đổi một cây bút chì 2B vừa gọt sắc cho một lời nịnh đầm cùn (những nhà truyền đạo thật dễ sai khiến nếu bạn nói đùa với họ rằng có khi bạn cải đạo cũng nên) và tôi quyết tâm biên tập lại tác phẩm này từ đầu chí cuối. Một hai chỗ sẽ phải bỏ đi: chẳng hạn như đoạn ám chỉ Luisa Rey là anh chàng Robert Frobisher tái sinh. Quá tân thời-kiểu-hippy-nghiện ngập. (Tôi cũng có một vết chàm nằm dưới nách bên trái nhưng chưa có người tình nào so sánh nó với sao chổi cả. Georgette đặt biệt danh cho nó là Cục phân Timbo.) Nhưng, về tổng thể, tôi kết luận câu chuyện trinh thám về một cô gái trẻ chống lại sự lũng đoạn của tập đoàn này có tiềm năng. (Hồn ma của Ngài Felix Finch rên rỉ, “Nhưng nó đã được thể hiện hàng trăm lần rồi!” – cứ như còn có thứ gì chưađược thể hiện hàng trăm nghìn lần từ thời Aristophanes đến thời Andrew Void-Webber vậy! Cứ như Nghệ thuật là về Cái gì, chứ không phải là Như thế nào vậy!)
Công việc biên tập Những chu kỳ bán rã gặp phải một trở ngại khách quan khi đến đoạn Luisa Rey bị hất văng từ trên cầu xuống thì tập bản thảo khỉ gió này lại không có trang tiếp theo. Tôi vò đầu bứt tóc, đấm ngực kêu trời. Liệu phần hai có tồn tại hay không? Nó có bị nhét vào hộp đựng giày trong căn hộ ở Manhattan của Hilary V. hay không? Vẫn còn ngủ yên trong tử cung sáng tạo của cô ta? Tôi tìm đi tìm lại đến hai mươi lần lá thư ngỏ giữa những món đồ bí mật giấu trong vali của mình, nhưng tôi đã để nó lại trong phòng làm việc ở Haymarket mất rồi.
Việc lựa chọn những tác phẩm văn học khác diễn ra khá suôn sẻ. Warlock-Williams cho tôi hay Aurora House từng tự hào là có hẳn một thư viện nhỏ, nhưng giờ đây đã bị bỏ xó. (“Chương trình của Jellyvision quá Thật đối với những người bình thường, bởi vậy nó mới ra nông nỗi ngày nay.”) Mãi tôi mới đào ra được cái thư viện này. Nó nằm cuối một dãy nhà, bị phong tỏa bởi những bảng tưởng niệm Đại Chiến chất chồng với dòng chữ Để Chúng Ta Không Quên. Bụi đóng thành lớp dày, khô và phẳng lì. Một kệ chứa những ấn bản tạp chí cũ có tên Nước Anh này, một chục tác phẩm về cao bồi Viễn Tây của Zane Grey (chữ lớn), một quyển sách dạy nấu ăn nhan đề Xin cảm phiền, Tôi không ăn thịt!. Còn lại là Mặt trận phía Tây yên tĩnh (ở góc trang sách một cậu học sinh sáng tạo từng vẽ những hình người que thủ dâm với cái mũi của mình – chúng giờ đâu rồi ấy nhỉ?), rồi Những con báo đốm của bầu trời, câu chuyện đời thường của những phi công trực thăng, viết bởi “Tác giả truyện trinh thám quân đội hàng đầu nước Mỹ” (nhưng, tôi tình cờ được biết, thực ra được người khác viết hộ tại “Trung tâm Điều khiển” của ông ta – tôi sẽ không nêu ra cái tên nào do sợ bị kiện tụng trả đũa) và, thực lòng mà nói, những quyển còn lại đều đáng vứt đi.
Tôi đọc tất tần tật. Với thằng đói thì vỏ khoai tây cũng là sơn hào hải vị.
Ernie Blacksmith và Veronica Costello, vào đi, đến giờ của quý vị rồi. Ernie và tôi từng có lúc bất hòa, nhưng nếu không nhờ những người cùng cảnh này, thì Y tá Noakes hẳn vẫn kệ tôi nằm yên đờ đẫn cho đến ngày hôm nay. Vào một buổi chiều u ám khi những Kẻ Chưa Chết đang tổng duyệt cho Giấc Ngủ Lớn, nhân viên đi họp cả và âm thanh duy nhất quấy rầy những ông già bà cả ở Aurora House là một cuộc thi WWF giữa Thằng Béo Fauntleroy và Gã Giao Hàng, tôi nhận ra, thật bất thường làm sao, một bàn tay vô ý đã để cánh cửa trước mở hé. Tôi lẻn ra ngoài để thăm dò, chuẩn bị sẵn cái cớ bị hoa mắt chóng mặt cần không khí trong lành. Trời lạnh khiến môi tôi giật giật còn toàn thân thì run lẩy bẩy! Thời gian dưỡng bệnh đã lấy đi của tôi lớp mỡ dưới da; thân thể đã teo nhỏ lại, từ béo tốt như Falstaff thành John xứ Gaunt gầy gò. Đó là chuyến phiêu lưu ra ngoài đầu tiên của tôi kể từ ngày bị đột quỵ, sáu hoặc bảy tuần trước đó. Tôi đi một vòng khuôn viên nội bộ, thấy đống đổ nát của một tòa nhà cũ, sau đó chiến đấu băng qua những bụi cây um tùm đến bức tường gạch bao quanh để tìm xem có lỗ hổng hay khe nứt nào không. Một công binh SAS có thể leo ra ngoài chỉ bằng một sợi dây nylon nhưng một bệnh nhân đột quỵ chống gậy thì không thể. Những lớp lá nâu khô bị gió xói mòn rồi dồn đống khi tôi đi qua. Tôi tiến đến cánh cổng sắt to hoành tráng, mở và đóng bằng một hộp điều khiển điện tử. Trời đánh thánh đâm, bọn họ còn có cả một camera giám sát và điện thoại hai chiều nữa! Tôi tưởng tượng Y tá Noakes oang oang với đám con cái (suýt tí nữa viết nhầm thành “phụ huynh”) của những cư dân tiềm năng rằng họ ngủ ngon và yên ổn nhờ hệ thống kiểm soát hiện đại này, đồng nghĩa với việc, tất nhiên, “Hãy thanh toán cho chúng tôi đúng hạn thì quý vị sẽ chẳng phải nghe thấy một tiếng kêu ca nào.”) Tình cảnh không thuận lợi cho lắm. Hull nằm ở phía nam, xuôi theo những con đường phụ với hai hàng cột dây điện báo, thanh niên khỏe mạnh đi cũng mất nửa ngày. Chỉ những người đi nghỉ lễ bị lạc đường mới họa chăng đi ngang chỗ này. Đi bộ trở về theo con đường mòn dành cho xe ô tô, tôi nghe tiếng bánh xe ken két và một tiếng bấm còi chát chúa từ một chiếc Range Rover màu đỏ sao Mộc. Tôi tránh đường. Tài xế là một gã đầu gấu mặc áo khoác màu bạc có mũ trùm thường được những nhân viên gây quỹ xuyên địa cực đặc biệt yêu thích. Chiếc Range Rover phanh lại với một tiếng nghiến bánh xe chói tai ở bậc thềm phía trước và tay tài xế khệnh khạng tiến lại chỗ tiếp tân như nhân vật phi công xuất chúng trong quyển Những con báo đốm của bầu trời. Lúc quay về cửa chính, tôi đi ngang qua phòng nồi hơi. Ernie Blacksmith thò đầu ra: “Làm một cốc rượu không, ông Cavendish?”
Tôi chẳng cần đợi mời đến lần thứ hai. Phòng nồi hơi có mùi phân bón nhưng được giữ ấm nhờ chiếc lò than của nồi hơi. Người ngồi trên một đống than và phát ra những tiếng ậm ự hài lòng như em bé là một cư dân lâu đời có địa vị như biểu tượng viện dưỡng lão, ông Meeks. Ernie Blacksmith là mẫu người trầm lặng phải để tâm quan sát mới thấu. Lão người Scotland tinh tường này bầu bạn với một bà tên là Veronica Costello, người từng sở hữu tiệm bán mũ tốt nhất, như người ta kháo nhau, trong lịch sử Edinburgh. Phong thái của cặp đôi này gợi nhớ đến những khách trọ trong khách sạn tồi tàn trong tác phẩm Chekhov. Ernie và Veronica tôn trọng ước nguyện của tôi được làm một lão già khó chịu đáng thương và tôi tôn trọng điều đó. Bấy giờ ông ta lấy ra một chai rượu lúa mạch Ireland từ một xô than. “Nếu ông đang tính đến chuyện thoát khỏi đây mà không có trực thăng thì ông cũng chẳng vừa đâu.”
Chẳng dại gì để lộ thông tin. “Tôi ấy à?”
Sự vờ vịt của tôi đã vỡ tan thành trăm mảnh trên Tảng đá Ernie. “Ông ngồi đi,” ông ta bảo tôi, vẻ lạnh lùng và hiểu biết.
Thì tôi ngồi. “Trong này ấm cúng quá.”
“Ngày xưa tôi từng là thợ đốt lò hơi có chứng chỉ hẳn hoi đấy. Tôi làm việc miễn phí ở đây nên ban quản lý nhắm mắt làm ngơ cho tôi được phép một hai điều tự do.” Ernie rót đầy vào cốc nhựa. “Nào, cạn ly.”
Mưa trên Serengeti! Xương rồng nở hoa, báo hoa nhảy cẫng! “Ông lấy cái này từ đâu thế?”
“Tay bán than tính cũng được lắm. Nói thật chứ, ông phải cẩn thận. Withers đi ra cổng để lấy bưu kiện lần thứ hai vào bốn giờ kém mười lăm mỗi ngày. Ông không muốn bị gã phát hiện ra âm mưu bỏ trốn của mình đâu.”
“Ông nói cứ như ông biết tất ấy.”
“Tôi cũng là thợ sửa khóa mà, đó là sau khi giải ngũ. Công việc đưa đẩy tôi gặp những tay tội phạm nghiệp dư, trong trò chơi an ninh. Từ kiểm lâm đến săn trộm, đủ cả. Mà tôi chưa từng làm việc gì phạm pháp nhé, tôi thẳng như mũi tên ấy. Nhưng tôi đã học được rằng đến ba phần tư vụ vượt ngục thất bại, do chất xám mà ra cả,” ông ta gõ gõ vào thái dương, “dùng hết để suy nghĩ cho vụ đào tẩu rồi. Kẻ nghiệp dư thì nói đến chiến thuật, còn người chuyên nghiệp thì nói về hậu cần. Cái khóa điện thời thượng ở cổng đấy chẳng hạn, tôi có thể vừa bịt mắt vừa mở nó ra như không nếu thực sự muốn, nhưng ra đến ngoài thì đi xe gì? Tiền nong? Nơi trú ẩn? Ông thấy đấy, không chuẩn bị trước hậu cần, ông đi đâu được? Chỉ có ngã lộn cổ mà thôi, và năm phút sau đó là nằm gọn trong xe của Withers.”
Ông Meeks dúm dó khuôn mặt như tượng người lùn, rồi rặn ra hai từ mạch lạc duy nhất mà ông thường nói: “Tôi biết! Tôi biết! ” Trước khi tôi phân biệt được liệu Ernie Blacksmith đang cảnh báo hay tố cáo tôi, Veronica bước vào qua cánh cửa trong nhà, đội một chiếc mũ màu đỏ rực tan cả băng. Tôi chỉ kịp ngăn mình không cúi gập người. “Xin chào, bà Costello.”
“Ông Cavendish, thật vinh dự. Đi lang thang ra ngoài trong tiết trời lạnh cắt da thế này à?”
“Đi dọ thám đấy,” Ernie đáp, “cho ủy ban đào tẩu một thành viên của ông ấy.”
“Ô, một khi ông đã bước sang hàng Cao niên thì thế giới bên ngoài chẳng còn muốn ông quay lại đâu.” Veronica ngồi xuống một chiếc ghế mây rồi chỉnh lại chiếc mũ. “Chúng ta – ý tôi là bất kỳ ai hơn sáu mươi tuổi – phạm phải hai tội khi còn tồn tại trên cõi đời này. Thứ nhất là Thiếu Tốc độ. Chúng ta lái xe quá chậm, đi bộ quá chậm, nói quá chậm. Thế giới sẽ xoay xở được với những kẻ độc tài, những tên biến thái và ông trùm ma túy thuộc mọi thành phần, nhưng bị kéo trì lại là không thể chấp nhận. Tôi thứ hai là chúng ta trở thành memento mori[62] cho tất cả mọi người. Thiên hạ chỉ cảm thấy thoải mái lãng quên khi chúng ta khuất tầm mắt họ.”
“Bố mẹ của Veronica chịu án tù chung thân trong giới trí thức đấy,” Ernie tiếp lời, thoáng hãnh diện.
Bà ta mỉm cười thích thú. “Chỉ cần nhìn những người đến đây trong giờ thăm viếng thì biết! Họ cần được điều trị chống sốc. Còn lý do nào khác để họ thốt ra câu ‘Ông bà chỉ già khi trong lòng thực sự cảm thấy mình già!’? Hỏi thật chứ, bọn họ định lừa phỉnh ai vậy? Chẳng phải chúng ta đâu – là chính họ thì có!”
Ernie kết luận, “Người cao tuổi chúng ta là những bệnh nhân phong thời hiện đại. Sự thật vấn đề là thế đấy.”
Tôi phản đối: “Tôi không phải là kẻ ngoài lề xã hội! Tôi có một nhà xuất bản của riêng mình, và tôi cần quay lại làm việc, tôi chẳng cần các người tin tôi, nhưng tôi đang bị giam giữ ở đây trái với mong muốn của mình.”
“Ông đang làm ở nhà xuất bản à? Hay ông từng làm, hở ông Cavendish?”
“Đang làm. Văn phòng của tôi ở Haymarket mà.”
“Thế thì,” Ernie hỏi vẻ hợp lý, “ông đang làm gì ở đây?”
Đấy, đấy mới là vấn đề. Tôi kể lại câu chuyện khó tin của mình cho đến lúc này. Ernie và Veronica lắng nghe theo cách mà những con người trưởng thành, biết chú ý, tỉnh táo, sẽ lắng nghe. Ông Meeks thì gật gù. Tôi kể đến đoạn tôi bị đột quỵ, thì một tiếng thét bên ngoài ngắt lời tôi. Tôi cứ tưởng một người trong đám những Kẻ Chưa Chết đang gây chuyện, nhưng nhìn qua kẽ hở, tôi thấy tài xế của chiếc Range Rover đỏ Sao Mộc đang hét ầm lên trong điện thoại cầm tay. “Vậy thì còn bận tâm làm gì?” Nỗi bức xúc làm khuôn mặt anh ta biến dạng. “Bà ấy như người trên cung trăng ấy! Bà nghĩ bây giờ là năm 1966!… Không, bà không giả vờ đâu. Anh có tè ướt quần cho vui không?… Không, không phải đâu. Bà tưởng tôi là chồng đầu của bà. Bà bảo bà chẳng có thằng con trai nào cả… Anh bảo đấy là mặc cảm Oedip à… Phải, tôi đã mô tả lại. Ba lần… đúng, rất chi tiết. Có giỏi thì anh tự đến mà làm đi… Thì bà cũng có chăm sóc cho tôi đâu. Nhưng cứ đem theo nước hoa đi… Không, cho anh đấy. Bà hôi lắm… Không thì còn hôi mùi gì nữa chứ?… Tất nhiên họ có người, nhưng khó mà làm cho kịp, nó cứ… chảy ra không ngừng mà.” Anh ta leo lên chiếc Range Rover, rồi lái chiếc xe gầm rú ra khỏi khu nhà. Tôi thoáng định lao theo sau nó rồi lách qua cánh cổng trước khi chúng đóng lại, nhưng rồi tôi kịp nhắc mình nhớ đến tuổi tác của mình. Dù sao đi nữa, máy quay an ninh vẫn sẽ phát hiện ra tôi và Withers sẽ túm tôi về trước khi tôi kịp vẫy được chiếc xe nào xin đi nhờ.
“Con trai bà Hotchkiss đấy,” Veronica nói. “Bà cụ dễ thương lắm, nhưng con trai của bà ta thì, ôi thôi. Đâu có ai sở hữu được một nửa chuỗi cửa hàng nhượng quyền hamburger ở Leeds và Sheffield bằng cách làm người tử tế đâu. Một gia đình giàu có thì lại càng không.”
Một tiểu Denholme. “Chà, ít ra thì cậu ta cũng đến thăm bà ấy.”
“Và lý do là thế này đây.” Một tia sáng hấp dẫn, tinh nghịch lóe lên trong mắt Veronica. “Khi bà Hotchkiss hay tin cậu ta sẽ tống mình vào Aurora House, bà ta đã nhét hết tất cả những của gia bảo vào trong một chiếc hộp đựng giày rồi đem chôn. Bây giờ bà ta không thể nhớ nó nằm ở đâu, hay có thể nhớ nhưng không chịu nói ra.”
Ernie chia những giọt rượu cuối cùng. “Điều khiến tôi để ý về cậu ta là cậu ta luôn cắm chìa khóa trong ổ. Mười lần như chục. Ở ngoài cậu ta sẽ không bao giờ làm thế đâu. Nhưng chúng ta quá già yếu hom hem, quá vô hại, đến nỗi cậu ta thậm chí chẳng buồn cẩn thận mỗi lần đến thăm.”
Tôi cho rằng sẽ không hay nếu hỏi Ernie tại sao ông ta lại để ý đến một việc như thế. Ông ta chưa bao giờ nói ra từ nào thừa thãi trong cuộc đời mình. Tôi đến thăm phòng nồi hơi mỗi ngày. Nguồn rượu whisky khi có khi chăng, nhưng bầu bạn lúc nào cũng sẵn. Ông Meeks đóng vai trò như con chó Labrador đen trong một cuộc hôn nhân lâu năm, sau khi bọn trẻ đã ra riêng hết. Ernie hay chia sẻ những quan sát hài hước về cuộc đời, thời cuộc và những câu chuyện về Aurora House, còn bà vợ chính thức của ông ta thì có thể trò chuyện về bất kỳ chủ đề trên trời dưới biển nào. Veronica lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ những bức ảnh có chữ ký của các ngôi sao không-nổi-lắm. Bà đọc đủ nhiều để hiểu văn trí của tôi, nhưng vẫn chưa đủ nhiều đến mức biết tôi dẫn nguồn nào. Tôi thích điều đó ở phụ nữ. Tôi có thể nói với bà ta những điều như, “Điểm khác biệt duy nhất giữa hạnh phúc và niềm vui là hạnh phúc là chất rắn, còn niềm vui là chất lỏng,” và bởi bà ta chẳng biết J. D. Salinger là ai, tôi cảm thấy mình thật dí dỏm, duyên dáng và, đúng vậy, thậm chí cả trẻ trung nữa. Tôi cảm thấy Ernie quan sát tôi khi tôi khoe mẽ, nhưng thế thì đã sao? tôi nghĩ. Đàn ông ai chẳng thích tán gái.
Veronica và Ernie là những kẻ sống sót. Họ cảnh báo tôi về những nguy hiểm của Aurora House: mùi nước tiểu và thuốc tẩy hôi rình, Những Kẻ Chưa Chết Lề Mề, cơn thịnh nộ của Noakes, chế độ ăn uống định nghĩa lại khái niệm “bình thường”. Theo Veronica, một khi chế độ chuyên quyền được chấp nhận là bình thường thì chiến thắng của nó là không thể tránh khỏi.
Nhờ bà ta, tôi mới suy nghĩ ngọn ngành đâu ra đó. Tôi tỉa lông mũi và mượn đồ đánh bóng giày từ Ernie. Nhớ đánh bóng giày của mình mỗi đêm, bố tôi từng dặn như thế, và con sẽ đàng hoàng chẳng kém bất kỳ ai. Ngẫm lại, Ernie chịu đựng thói hợm hĩnh của tôi vì ông ta biết Veronica chỉ đang trêu tôi mà thôi. Ernie chưa hề đọc một tác phẩm hư cấu nào trong đời, “Tôi ấy mà, suốt đời chỉ trung thành với chiếc radio thôi,” nhưng quan sát cách ông ta điều khiển hệ thống nồi hơi thời Victoria để làm cho nó sống lại lần nữa, tôi luôn cảm thấy mình thật nông cạn. Đúng thật, đọc nhiều tiểu thuyết quá khiến ta mù quáng đấy.
Tôi lên kế hoạch trốn thoát đầu tiên một mình, một ý tưởng quá đơn giản đến nỗi nó khó được gọi là kế hoạch. Nó cần ý chí và một chút can đảm, nhưng chẳng cần chất xám gì sất. Một cuộc gọi nửa đêm từ điện thoại của văn phòng Y tá Noakes đến máy trả lời tự động của Nhà xuất bản Cavendish. Gửi tín hiệu SOS cho bà Latham, thằng cháu trai bặm trợn của bà ta có một chiếc Ford Capri hầm hố. Họ đến Aurora House; sau những lời đe dọa và khuyên can phản đối, tôi lên xe; đứa cháu họ lái đi. Chỉ vậy thôi. Vào đêm 15 tháng 12 (tôi nghĩ vậy) tôi thức dậy thật sớm, mặc đồ ngủ vào rồi đi đến hành lang lờ mờ tối. (Tôi không khóa cửa phòng kể từ khi bắt đầu chơi trò giả vờ an phận.) Không một tiếng động nào trừ tiếng ngáy và máy bơm nước. Tôi nhớ đến cảnh Luisa Rey trong bản thảo của Hilary V. Hush đi thăm dò quanh Swannekke B. (Giữ chặt cặp kính quan sát.) Bàn tiếp tân trông thật vắng vẻ, nhưng tôi vẫn bò thấp hơn chiều cao mặt bàn theo kiểu đặc công rồi từ từ thẳng người lên – thành công vượt bậc. Phòng làm việc của Noakes đã tắt đèn. Tôi thử vặn nắm đấm cửa và, may quá, nó mở được. Tôi lẻn vào trong. Chỉ vừa đủ ánh sáng lọt vào qua khe cửa. Tôi nhấc ống nghe lên rồi bấm số của Nhà xuất bản Cavendish. Tôi không gọi được đến máy trả lời tự động của mình.
“Số máy quý khách vừa gọi không thể liên lạc được. Hãy gác máy, kiểm tra số điện thoại, và gọi lại sau.”
Thật bi kịch. Tôi hình dung đến điều tồi tệ nhất, rằng bọn Hoggins đã châm lửa đốt sạch nơi ấy đến cả điện thoại cũng chảy luôn. Tôi thử gọi lần nữa, vẫn không được. Số điện thoại khác duy nhất mà tôi còn nhớ được kể từ sau cơn đột quỵ là phương án tiếp theo, và là phương án cuối cùng của tôi. Sau năm, sáu hồi chuông căng thẳng, Georgette, chị dâu của tôi, trả lời bằng một giọng mèo con hờn dỗi mà tôi quen thuộc, Chúa ơi, quá quá quen. “Đến giờ đi ngủ rồi, Aston.”
“Georgette, là anh đây, Timbo đây. Em đưa điện thoại cho Denny, nhé?”
“Aston? Có chuyện gì vậy?”
“Không phải Aston, Georgette à! Là Timbo!”
“Vậy thì đưa điện thoại lại cho Aston đi!”
“Anh không biết Aston! Nghe đây, em phải bảo Denny nghe điện thoại.”
“Bây giờ Denny không nghe điện thoại được.”
Georgette thường ít khi nói chuyện gì cho ra hồn, nhưng lần này nghe giọng chừng như đang ở trên cung trăng. “Em đang say phải không?”
“Chỉ say trong quán bar rượu vang có hầm rượu hảo hạng. Tôi không chịu nổi quán rượu thường.”
“Không, nghe đây, là Timbo đây, em chồng của chị! Tôi phải nói chuyện với Denholme.”
“Sao anh nói chuyện giống Timbo quá vậy. Timbo? Là chú ư?”
“Đúng rồi, Georgette, là tôi đây, và nếu đây là một…”
“Chú thật là tệ khi không đến dự tang lễ của anh trai mình. Cả gia đình đều nghĩ như thế.”
Mặt đất quay cuồng. “Cái gì?”
“Chúng tôi biết về những bất hòa của hai người, nhưng mà…”
Tôi sụp đổ. “Georgette, chị mới nói Denny chết rồi. Ý chị là vậy phải không?”
“Tất nhiên là vậy chứ còn gì nữa! chú tưởng tôi dở hơi à?”
“Nói lại cho tôi nghe một lần nữa đi.” Tôi lạc giọng. “Có-phải- Denny-đã-chết?”
“Chú nghĩ tôi có thể bịa ra chuyện thế này ư?” Ghế của Y tá Noakes kêu kẽo kẹt đầy phản bội và hành hạ thần kinh. “Tại sao, Georgette, Thánh thần ơi, tại sao?”
“Anh là ai? Đêm hôm khuya khoắt thế này! Mà đây là ai mới được chứ? Aston, có phải anh không?”
Tôi bị chuột rút trong cổ họng. “Timbo.”
“Thế hử, chú đã trốn ở cái xó xỉnh nào đấy?”
“Nghe này, Georgette. Làm sao mà Denny,” nói ra câu này khiến nó cảm thấy thật hơn, “qua đời?”
“Cho lũ cá chép vô giá của lão ăn. Tôi đang phết pate ngỗng lên bánh quy để ăn bữa tối. Khi tôi đi tìm Denny thì lão đã nổi lềnh bềnh trong ao, mặt úp xuống. Có thể lão đã ở đó một ngày rồi, tôi đâu phải là cô trông trẻ đâu, anh biết đấy. Dixie đã bảo lão ăn bớt muối lại, dòng họ nhà lão nhiều người bị đột quỵ rồi. Mà này, đừng có cắt ngang đường dây nữa, bảo Aston nghe điện thoại đi.”
“Nghe này, bây giờ ở đấy có ai? Với chị?”
“Chỉ có Denny thôi.”
“Nhưng Denny chết rồi mà!”
“Tôi biết rồi! Lão đã nằm trong cái ao cá suốt… mấy tuần rồi đấy. Làm sao tôi lôi lão lên nổi? Nghe đây, Timbo, ngoan nhé, làm ơn đem cho tôi một giỏ thức ăn hay gì đó từ Fortnum và Mason’s, được không? Tôi ăn hết bánh quy còn lũ chim ăn hết vụn bánh rồi, nên bây giờ tôi chẳng còn gì để ăn ngoài thức ăn cho cá và xốt Cumberland. Aston đã không gọi lại kể từ khi anh ta mượn bộ sưu tập nghệ thuật của Denny để đưa cho ông bạn thẩm định xem, và đó là… nhiều ngày trước rồi, nhiều tuần thì đúng hơn. Mấy người ở công ty khí đốt đã cắt ga còn…”
Mắt tôi đau buốt vì ánh sáng.
Withers lù lù xuất hiện choán hết khung cửa. “Lại là ông.”
Tôi luống cuống. “Anh tôi chết rồi! Chết, cậu có hiểu không? Chết mục thây rồi! Chị dâu tôi đã điên loạn và không biết phải làm gì! Đây là việc gia đình khẩn! Nếu cậu còn có một mảnh xương Cơ đốc giáo trong người thì cậu phải giúp tôi giải quyết mớ bòng bong khốn kiếp này!”
Độc giả thân mến, Withers chỉ nhìn thấy một tên tù nhân kích động đang gọi những cuộc điện phá rối vào giữa đêm. Hắn dùng chân đá một chiếc ghế từ chỗ đang đứng. Tôi hét vào điện thoại: “Georgette, nghe đây, tôi bị mắc kẹt trong một nhà thương điên chó chết tên là Aurora House ở Hull, chị nhớ chưa? Aurora House ở Hull, và vì Chúa, làm ơn cho ai đó đến đây để giải cứu…”
Một ngón tay khổng lồ cắt đứt cuộc gọi. Móng tay to và bầm tím.
Y tá Noakes nện mạnh lên chiếc kẻng báo giờ ăn sáng để bố cáo vụ vi phạm. “Hỡi các bạn, chúng ta vừa tóm được một tên trộm.” Một sự im lặng bao trùm lên toàn thể những Kẻ Chưa Chết.
Một quả óc chó khô đét nện thìa cốc cốc. “Người Ả Rập biết phải làm gì với bọn chúng, thưa Y tá! Ở Saudi chẳng có anh chàng Freddies táy máy tay chân nào hết nhẩy? Chiều thứ Sáu hàng tuần ở các bãi đỗ xe của đền thờ, chặt! Nhẩy? Nhẩy?”
“Một con sâu đang làm rầu nồi canh của chúng ta.” Tôi thề, hệt như cảnh ở trường nam sinh Gresham đang được tái hiện sau sáu mươi năm vậy. Cũng món ngũ cốc đó trút vào bát sữa đó. “Cavendish!” Giọng y tá Noakes rung lên như một chiếc ống tiêu. “Đứng dậy!” Những cái đầu tử thi bán động mặc vải tuýt ẩm mốc và áo choàng không màu quay về phía tôi. Nếu tôi đáp lại như một nạn nhân thì tôi sẽ cầm chắc bản án cho mình.
Thật khó mà tập trung. Tôi đã không hề chợp mắt suốt đêm hôm đó. Denny đã mất. Làm mồi cho cá chép, khả năng cao nhất là thế. “Ôi, vì Chúa, thưa bà, làm ơn nói chuyện lý lẽ giùm tôi một chút. Trang sức hoàng cung vẫn đang an toàn trong Bảo tháp đấy thôi! Tôi chỉ làm mỗi việc là gọi một cuộc điện thoại tối quan trọng thôi mà. Nếu Aurora House có một quán cà phê internet thì tôi đã sẵn sàng gửi email rồi! Tôi chả muốn làm ai thức giấc cả, vì thế tôi đã nảy ra sáng kiến và mượn điện thoại một tí. Tôi thành thật xin lỗi đấy. Tôi sẽ trả tiền cho cuộc gọi ấy.”
“Ô, thì tất nhiên là phải trả rồi. Các trú nhân này, chúng ta làm gì với mấy con sâu ấy nhỉ?”
Gwendolin Bendincks đứng dậy rồi chĩa ngón tay. “Thật đáng hổ thẹn!”
Warlock-Williams ủng hộ cử chỉ đó. “Thật đáng hổ thẹn!” Lần lượt từng người một những Kẻ Chưa Chết còn đủ tỉnh táo để theo dõi cốt truyện tham gia. “Thật đáng hổ thẹn! Thật đáng hổ thẹn! Thật đáng hổ thẹn!” Ông Meeks chỉ huy bản hợp xướng cứ như Herbert von Karajan vậy.
Tôi rót trà, nhưng một chiếc thước gỗ hất văng tách trà khỏi tay tôi.
Y tá Noakes khạc ra những tia lửa điện: “Đừng hòng lẩn tránh khi ông đang bị phê phán!”
Bản hợp xướng nhỏ dần rồi nín bặt, trừ một hai nốt lạc nhịp.
Các khớp đốt tay của tôi thổn thức. Căm phẫn và đau đớn xoáy vào tâm can tôi như một cây roi Zazen. “Tôi ngờ rằng ông Withers tử tế chưa kể với bà, nhưng sự tình là anh trai Denholme của tôi đã qua đời. Phải, ngủm củ tỏi rồi. Bà cứ việc gọi cho anh ấy, nếu không tin tôi. Kỳ thực, tôi van nài bà hãy gọi cho anh ấy. Chị dâu của tôi không được khỏe, bà ấy cần giúp đỡ để lo liệu tang lễ.”
“Làm sao ông biết anh mình đã mất trước khi ông đột nhập vào phòng làm việc của tôi?”
Một đòn vật ngược được tính toán cẩn thận. Trò mèo vờn chuột của mụ ta khiến tôi có thêm cảm hứng. “Thánh Peter.”
Chau mày hoài nghi. “Ngài thì làm sao?”
“Trong giấc mơ, ngài báo mộng với tôi rằng Denholme vừa mới đi qua thế giới bên kia. “Hãy gọi điện cho chị dâu con,” ngài bảo. “Chị ấy cần sự giúp đỡ của con.” Tôi nói với ngài rằng dùng điện thoại là trái với quy định của Aurora House, nhưng Thánh Peter trấn an tôi rằng Y tá Noakes là một tín đồ Cơ đốc kính Chúa, sẽ không chế giễu lời giải thích ấy.”
La Duca kỳ thực đã dừng lại giữa màn đấu tố bởi lời giải thích tào lao này. ( Biết kẻ thù mình hơn là Biết mình.)Noakes tính toán những phương án thay thế: tôi có phải là một kẻ lầm lạc nguy hiểm hay không; một kẻ ảo tưởng vô hại; một kẻ thực dụng; một tiên tri Petrine? “Quy định ở Aurora House là vì lợi ích của tất cả mọi người.”
Đến giờ củng cố thắng lợi của tôi rồi. “Điều đó rất đúng.”
“Tôi sẽ hỏi chuyện Đức Chúa. Trong lúc đó,” mụ nói với những người ngồi ở bàn ăn, “ông Cavendish đang nhận án treo. Chuyện này chưa kết thúc và không bị lãng quên đâu.”
Sau chiến thắng khiêm tốn của mình, tôi tập diễn tính kiên nhẫn (cho ván cờ, chứ không phải vì đạo đức, không bao giờ có chuyện đó) trong phòng thư giãn, một việc mà tôi đã không làm kể từ sau tuần trăng mật đen đủi ở Tintagel với Bà X. (Địa điểm đó chẳng có gì đáng nói. Toàn là những căn nhà xã hội đổ nát và những cửa hàng bán đồ nhang khói.) Lỗi thiết kế của tính kiên nhẫn lần đầu tiên trở nên rõ rệt hơn trong đời tôi: kết quả được quyết định không phải trong quá trình chơi bài mà là khi các lá bài được xáo lên trước khi ván bài bắt đầu. Hỏi có vô nghĩa hay không?
Vấn đề là nó để cho tâm trí bạn lang thang ở nơi khác. Mà nơi khác đó lại không có màu hồng. Denholme đã chết một thời gian rồi, nhưng tôi vẫn còn ở trong Aurora House. Tôi đưa ra một kịch bản tồi tệ mới, một kịch bản trong đó Denholme đã thực hiện một lệnh chuyển tiền định kỳ tự động từ một tài khoản bí mật nào đó của anh ta để nuôi tôi ở Aurora House, xuất phát từ lòng tử tế hoặc thủ đoạn hiểm độc. Denholme chết. Chuyến bỏ trốn của tôi khỏi anh em nhà Hoggins là thông tin mật, vì vậy không một ai biết tôi ở đây. Lệnh chuyển tiền vẫn sống trong khi người ra lệnh đã chết. Bà Latham nói với cảnh sát lần cuối cùng thấy tôi là khi tôi đi vay nặng lãi. Thanh tra Plod phỏng đoán tôi đã cùng đường bọn cho vay khước từ, và đã lên một chuyến tàu Eurostar. Vì thế, năm tuần sau, không ai tìm tôi nữa, kể cả bọn Hoggins.
Ernie và Veronica tiến đến bàn tôi. “Trước tôi vẫn dùng chiếc điện thoại đó để kiểm tra tỉ số cricket.” Ernie tỏ vẻ cáu kỉnh. “Bây giờ thì nó sẽ bị khóa lại vào buổi tối.”
“Mười đen trên Bồi đỏ,” Veronica tư vấn. “Đừng lo, Ernie.”
Ernie chẳng bận tâm đến bà ta. “Noakes sẽ tìm cách hành hình ông.”
“Mụ ta có thể làm gì? Không cho tôi ăn ngũ cốc nữa ư?”
“Bà ta sẽ cho thuốc vào thức ăn của ông! Như lần trước ấy.”
“Ông đang nói cái khỉ gì vậy?”
“Có nhớ lần ông chọc giận bà ta không?”
“Khi nào?”
“Buổi sáng khi ông bị đột quỵ rất chi là đúng lúc ấy chứ khi nào.”
“Ý của ông là tôi bị… làm cho đột quỵ ư?”
Ernie làm nét mặt “không thế thì thế nào!” cực kỳ khó chịu.
“Ô, quỷ tha ma bắt! Bố tôi chết vì đột quỵ, anh tôi có lẽ đã chết vì đột quỵ. Cứ tự sáng tác thực tế của ông nếu cần, Ernest ạ, nhưng đừng lôi Veronica và tôi vào chuyện này.”
Ernie trừng mắt. (Lars, đoạn này giảm ánh sáng đèn nhé). “Phải rồi, ông cứ cho rằng mình thông minh lắm, nhưng ông cũng chỉ là một thằng ngốc miền nam khó ưa kiêu căng hợm hĩnh mà thôi!”
“Thà làm một thằng ngốc khó ưa, mặc kệ đó là gì đi nữa, còn hơn làm một kẻ bỏ cuộc.” Tôi biết tôi sẽ hối tiếc về điều này.
“Một kẻ bỏ cuộc ư? Tôi ư? Thử gọi tôi như thế một lần nữa xem. Nói đi.”
“Kẻ bỏ cuộc.” (Ôi, con yêu tinh Ương bướng! Tại sao ta lại để mi nói thay ta?) “Tôi thì nghĩ thế này nhé. Ông đã từ bỏ thế giới thực bên ngoài nhà tù này vì nó làm ông khiếp sợ. Thấy người khác bỏ trốn thì ông cảm thấy không thoải mái với cảm giác mình nằm trên giường bệnh. Vì thế mà bây giờ ông đang làm mình làm mẩy đây.”
Vòng xăng của Ernie phụt cháy. “Tôi dừng lại ở đâu không phải là chuyện để ông phán xét, Timothy Cavendish!” (Một người Scotland có thể biến một cái tên tử tế đến hoàn hảo thành một thứ nghe như cặn bã.) “Nhốt ông vào nhà vườn ông còn không ra được nữa kia!”
“Nếu ông có một kế hoạch rõ đến độ thằng ngu cũng hiểu thì nói cho chúng tôi nghe thử xem.”
Veronica cố gắng giảng hòa. “Các chàng trai à!”
Máu Ernie đang dồn đến đỉnh đầu. “‘Rõ đến độ thằng ngu cũng hiểu’ còn tùy thuộc vào thằng ngu ấy ngu cỡ nào.”
“Thật là thông minh tột đỉnh đấy.” Lời mỉa mai của tôi khiến chính tôi ghê tởm. “Ông hẳn phải là thiên tài ở Scotland nhỉ.”
“Không, ở Scotland thiên tài là một người Anh bỗng dưng bị cầm tù trong một trại dưỡng lão.”
Veronica thu nhặt những lá bài rơi vãi của tôi. “Thế trong hai ông có ông nào biết chơi bài đồng hồ không? Phải thêm bài đến khi đủ mười lăm lá ấy?”
“Chúng tôi nghỉ đây, Veronica,” Ernie gầm gừ.
“Không,” tôi đáp cộc lốc, rồi đứng dậy, ý muốn tránh để Veronica phải chọn một trong hai chúng tôi, vì tôi. “Tôi nghỉ đây.”
Tôi thề sẽ không đến phòng nồi hơi cho đến khi nhận được lời xin lỗi.
Vì thế tôi đã không đến vào chiều hôm đó, hay hôm sau, hay hôm sau nữa.
Ernie tránh tôi suốt tuần lễ Giáng sinh. Veronica dành cho tôi những nụ cười thương cảm khi chạm trán, nhưng lòng trung thành của bà ngả về đâu đã rõ. Giờ đây nghĩ lại, lúc đó tôi thật là mê muội. Tôi đã nghĩ gì thế trời? Phá hỏng tình bạn duy nhất của mình bằng những cơn hờn giận! Tôi vốn dĩ là một kẻ ưa hờn mát bẩm sinh, điều đó giải thích cho rất nhiều chuyện. Những kẻ hờn mát say sưa về những ảo tưởng cô đơn. Những ảo tưởng về Khách sạn Chelsea ở Quảng trường Washington, về chuyện gõ lên một cánh cửa nào đó. Nó mở ra, và cô Hilary V. Hush rất chi là vui sướng khi được gặp tôi, chiếc áo ngủ buông hờ hững, cô ngây thơ như Kylie Minogue nhưng cũng cáo già tựa bà Robinson. “Tôi đã bay vòng quanh thế giới để tìm em,” tôi nói. Cô rót cho tôi một ly whiskey từ quầy bar mini. “Chín muồi. Êm dịu. Đậm đà.” Nàng chó tuyết hư hỏng sau đó kéo tôi lên chiếc giường bừa bộn và trên đó tôi kiếm tìm suối nguồn tươi trẻ.
Những chu kỳ bán rã, Phần II nằm trên một cái kệ phía trên giường. Tôi đọc bản thảo, nổi lơ lửng trong Biển Chết sau màn mây mưa, trong khi Hilary đi tắm. Nửa còn lại thậm chí còn hay hơn cả phần đầu, nhưng Sư phụ sẽ dạy cho Đệ tử làm sao để biến nó thành tuyệt tác. Hilary đề tặng quyển tiểu thuyết cho tôi, đoạt giải Pulitzer và thú nhận trong bài diễn văn nhận giải rằng cô có được tất cả là nhờ người đại diện, người bạn và, xét theo nhiều mặt, người cha của cô.
Ảo tưởng ngọt ngào. Bệnh ung thư cho thuốc giải.
Đêm Giáng Sinh ở Aurora House là một món ăn nhạt nhẽo. Tôi tản bộ (một đặc quyền ngã giá được thông qua văn phòng của Gwendolin Bendincks) đến cánh cổng để nhìn một chút ra thế giới bên ngoài. Tôi nắm cánh cổng sắt và nhìn qua những chấn song. (Sự trớ trêu mang tính hình tượng, Lars ạ.Casablanca.) Tôi phóng tầm mắt về cánh đồng hoang, dừng lại trên một gò mộ, một chuồng cừu bỏ hoang, vơ vẩn nhìn ngôi nhà thờ Norman mang hơi hướm Druid, bỏ qua đến trạm phát điện, nhìn lướt biển Danes vấy mực đến cầu Humber, dõi theo một chiếc chiến đấu cơ băng qua những cánh đồng gợn sóng. Nước Anh đáng thương. Quá nhiều lịch sử cho chừng ấy diện tích. Năm tháng mọc ngược vào trong ở đây, như móng chân tôi vậy. Máy quay an ninh trông chừng tôi. Muốn bao lâu cứ việc. Tôi cân nhắc chuyện giảng hòa với Ernie Blacksmith, chỉ để nghe một tiếng Chúc mừng Giáng Sinh văn minh từ Veronica.
Không. Để cho hai người bọn họ đi chết hết đi.
“Đức cha Rooney!” Ông ta đang một tay cầm rượu sherry, tôi nhét nốt vào tay kia chiếc bánh thịt băm. Phía sau cây thông Giáng Sinh, ánh đèn thần tiên làm da chúng tôi chuyển sang màu hồng. “Con có một thỉnh cầu nhỏ xíu xiu.”
“Là gì nào, ông Cavendish?” Không hề có một chút hài hước nào. Đức cha Rooney là một tu sĩ nhà nghề, gợi nhớ tới hình ảnh tay thợ đóng khung tranh xứ Wales trốn thuế mà tôi từng đụng độ ở Hereford, nhưng đó là một câu chuyện khác.
“Con muốn nhờ Cha gửi một tấm thiệp Giáng Sinh ở bưu điện giùm con, thưa Đức cha.”
“Chỉ thế thôi sao? Chắc chắn nếu ông nhờ Y tá Noakes thì bà ấy sẽ lo liệu việc đấy cho ông mà?” Vậy là chuyện lùm xùm cũng đã đến tai ông ta rồi.
“Y tá Noakes và con không phải lúc nào cũng hiểu giống nhau về việc giao tiếp với thế giới bên ngoài.”
“Giáng Sinh là thời điểm tuyệt vời để rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta.”
“Giáng Sinh là thời điểm tuyệt vời để cho những chú chó mê ngủ được ngủ, thưa Cha. Nhưng con thực tâm muốn chị của mình biết con đang nghĩ đến chị ấy trong ngày sinh của Đức Chúa. Y tá Noakes chắc đã nhắc đến sự ra đi của anh rể thân yêu của con với Cha rồi chứ?”
“Thật buồn.” Ông ta biết về vụ Thánh Peter rồi. “Ta rất lấy làm tiếc.”
Tôi lấy ra tấm thiệp từ túi áo khoác. “Con đã viết là gửi cho ‘Người chăm sóc’, chỉ để đảm bảo lời chúc Noel của con đến được đúng người. Chị ấy không được tỉnh táo cho lắm,” tôi gõ lên đầu, “ở chỗ này, con rất tiếc phải nói thế. Đây, để con nhét thiệp vào chiếc túi áo giúp Cha…” Ông ta vùng vẫy nhưng tôi đã dồn ông ta vào góc. “Con thật may mắn, thưa Cha, khi có những người bạn mà con có thể tin cậy. Cám ơn Cha, cám ơn, từ tận đáy lòng con.”
Đơn giản, hiệu quả, tinh tế, mi đúng là con cáo già ranh mãnh đấy, TC ạ. Đến ngày đầu năm mới, Aurora House sẽ thức giấc và phát hiện tôi đã biến mất, như Zorro.
Ursula mời tôi vào tủ quần áo. “Anh chẳng già đi chút nào cả, Timbo ạ, và cậu nhỏ này cũng thế!” Bé nai con lông lá của nàng cọ xát lên chiếc cột điện kích cỡ Narnia và hai hòn băng phiến của tôi… nhưng rồi, như mọi lần, tôi thức giấc, thứ của đính kèm lủng lẳng ấy căng cứng mời gọi như một khúc ruột thừa sưng tấy, và vẫn xài được như mọi khi. Sáu giờ. Hệ thống sưởi sì sụt như nhạc John Cage. Cước giá làm các đốt ngón chân tôi bỏng rát. Tôi nghĩ về những Giáng Sinh đã qua, quá nhiều so với số Giáng Sinh đợi chờ phía trước.
Tôi còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu buổi sáng nữa đây?
“Can đảm lên, TC. Một chiếc tàu bưu tá màu đỏ lao vun vút đang đem thư của mi về miền nam đến Mẹ London. Những quả bom chùm của nó sẽ được khai hỏa với sức công phá lớn, lên cảnh sát, lên những người làm phúc lợi xã hội, lên bà Latham ở địa chỉ Haymarket cũ. Mi sẽ nhanh chóng rời khỏi đây thôi.” Trí tưởng tượng của tôi miêu tả những món quà Giáng Sinh muộn sẽ cùng tôi ăn mừng sự tự do của mình. Xì gà, whiskey cổ điển, một buổi ve vãn với Cô nàng Muffet bé nhỏ trên đường dây điện thoại chín mươi xu một phút. Tại sao lại dừng lại ở đó? Một chuyến quay lại Thái Lan với Guy the Guy và Cơ trưởng Viagra?
Tôi nhận thấy một chiếc tất len méo mó treo trên lò sưởi. Nó không có ở đó khi tôi tắt đèn. Ai có thể lẻn vào mà không làm tôi thức giấc nhỉ? Ernie đang muốn kêu gọi đình chiến Giáng Sinh? Ai nữa nhỉ? Chắc chắn là Ernie rồi! Luống cuống đầy phấn khích trong bộ pyjama kẻ, tôi tháo chiếc tất xuống rồi đem về giường. Nó rất nhẹ. Tôi lật mặt trong ra, và một cơn bão tuyết giấy vụn đổ ra. Chữ viết tay của tôi, từ ngữ của tôi, câu chữ của tôi!
Lá thư của tôi!
Sự cứu vãn của tôi, bị xé nát. Tôi đấm ngực, giật tóc, bẻ răng, tôi làm cổ tay bị thương khi nện thình thịch lên nệm. Đức cha Rooney khốn kiếp chết giẫm ở địa ngục! Y tá Noakes, mụ chó già mù quáng! Mụ ta đã đứng nhìn xuống tôi như Thiên sứ Tử thần, trong lúc tôi ngủ! Chúc mừng Giáng sinh chết tiệt, ông Cavendish! Tôi chịu thua. Động từ sinh ra từ cuối thế kỷ mười lăm, từ Pháp cổ succomber hoặc từ Latin succumbere, nhưng là một nhu cầu thiết yếu của con người, đặc biệt là của tôi. Tôi chịu thua trước những trợ lý chăm sóc ngu như bò. Tôi chịu thua trước lời chúc trên món quà: “Tặng ông Cavendish từ những người bạn mới – Chúc ông vui thêm nhiều mùa Giáng Sinh tại Aurora House!” Tôi chịu thua trước món quà của tôi: Lịch Kỳ quan thiên nhiên hai tháng một trang. (Không ghi Ngày chết.) Tôi chịu thua trước con gà tây bằng cao su, lớp nhân nhồi nhân tạo, món cải Brussels đắng nghét; trước tràng pháo không tiếng nổ (không được kích thích những cơn đau tim, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh), chiếc vương miện giấy tí hon, cái miệng nhễu nhão của nó, câu nói đùa nhạt như nước ốc của nó (Người ở quầy bar: “Uống gì?” Bộ Xương: “Cho một ly bia và một giẻ lau sàn.”) Tôi chịu thua trước những bộ phim truyền hình nhiều tập số đặc biệt, thêm thắt gia vị Giáng Sinh đậm đặc; trước bài diễn văn của Nữ Hoàng từ đáy mồ. Trở về sau khi đi tè, tôi gặp Y tá Noakes, và chịu thua trước lời chào thắng lợi của mụ “Chúc nghỉ lễ vui vẻ nhé, ông Cavendish!”
Một chương trình lịch sử trên kênh BBC2 buổi chiều hôm đó chiếu những đoạn phim cũ quay ở Ypres năm 1919. Sự trêu ngươi ác ôn về một thị trấn từng một thời vàng son ấy chính là linh hồn tôi vậy.
Thời trai trẻ tôi chỉ mới có ba hay bốn lần nhìn thấy Quần đảo Hoan Hỉ, trước khi chúng chìm trong sương mù, trầm cảm, những mặt trận lạnh giá, những cơn gió bệnh tật và những ngọn thủy triều đối lập… Tôi đã nhầm tưởng chúng là sự trưởng thành. Tưởng đâu chúng là một đặc tính cố định trong hành trình cuộc đời mình, tôi đã lơ đễnh không nhận ra vĩ độ, kinh độ, sự tiếp cận của chúng. Thằng ngốc trẻ người non dạ. Giờ đây có gì mà tôi sẽ không từ bỏ để đổi lấy một tấm bản đồ không hề thay đổi của điều vĩnh viễn không thể diễn tả? Để sở hữu, như chính nó ngày xưa, một bản đồ mây.
Tôi sống sót đến Lễ tặng quà vì tôi đã quá thê thảm đến nỗi không thể tự treo cổ nổi. Tôi nói dối đấy. Tôi sống sót đến Lễ tặng quà vì tôi quá hèn nhát không dám treo cổ. Bữa trưa là nước hầm gà tây (với đậu lăng sần sật), chỉ trở nên sống động khi có cuộc tìm kiếm chiếc điện thoại di động bị thất lạc của Deirde (người máy lưỡng tính). Những cương thi thích thú khi nghĩ đến khả năng nó có thể ở đâu (bên dưới ghế sofa), những nơi có thể không có nó (cây thông Giáng Sinh), và những nơi nó không thể nào có ở đó được (gầm giường của bà Birkin). Tôi nhận thấy mình đang gõ cửa phòng nồi hơi, như một chú chó con biết lỗi.
Ernie đứng nhìn xuống linh kiện một chiếc máy giặt bị tháo rời bày trên giấy báo. “Không dám, quý hóa quá.”
“Chúc mừng ngày lễ tặng quà, ông Cavendish,” Veronica cười tươi, đội một chiếc mũ lông Romanov. Bà ta đang đặt một quyển thơ dày trên đùi. “Vào nhà đi nào.”
“Cũng một, hai ngày rồi nhỉ,” tôi nói giảm, một cách ngượng ngập.
“Tôi biết!” ông Meeks làu bàu. “Tôi biết!”
Ernie vẫn tỏ thái độ khinh khỉnh. “Er… tôi vào được không, Ernie?”
Ông ta đứng thẳng dậy, sau đó hạ cằm xuống vài độ để tỏ ý thế nào cũng được. Ông ta đang tháo hết cái nồi hơi ra, những con ốc bạc bé xíu nằm trên những ngón tay thô kệch đầy dầu mỡ. Ông ta không hề dễ dãi với tôi. “Ernie này,” cuối cùng tôi lên tiếng, “tôi xin lỗi về chuyện hôm nọ nhé.”
“Ờ.”
“Nếu ông không giúp tôi ra khỏi đây… tôi sẽ phát rồ mất.”
Ông ta tháo một bộ phận mà tôi còn không biết gọi tên là gì. “Ờ.”
Ông Meeks đung đưa tới lui.
“Vậy… ý ông thế nào?”
Ông ta cúi người xuống một chiếc túi phân bón. “Ôi, đừng có ủy mị thế.”
Tôi không tin rằng mình đã từng mỉm cười kể từ sau Hội chợ sách Frankfurt. Khuôn mặt tôi phát đau.
Veronica chỉnh lại chiếc mũ lả lơi mời mọc. “Cho ông ta biết mức phí đi, Ernie.”
“Bất cứ giá nào, bất cứ giá nào.” Tôi chưa bao giờ thật tình hơn thế. “Giá là bao nhiêu?”
Ernie để cho tôi đợi đến khi chiếc tuốc nơ vít cuối cùng đã nằm gọn trong túi đồ nghề. “Veronica và tôi đã quyết định sẽ phiêu lưu đến những đồng cỏ mới.” Ông ta gật đầu về phía cánh cổng. “Ở phía bắc ấy. Tôi có một ông bạn già sẽ lo liệu cho chúng tôi ổn thỏa. Vì thế, ông phải đưa chúng tôi đi cùng.”
Tôi không lường trước chuyện này, nhưng ai quan tâm chứ? “Được, được. Rất sẵn lòng.”
“Thỏa thuận vậy đi. Khởi hành sau ba ngày nữa.”
“Sớm vậy ư? Ông đã có kế hoạch cả rồi?”
Lão người Scotland khịt mũi, vặn mở phích nước, rồi rót trà đen đặc quánh vào nắp phích. “Ừ, có thể nói vậy.”
Kế hoạch của Ernie là một chuỗi domino nghiêng ngả đầy rủi ro.“Bất cứ chiến thuật trốn thoát nào,” ông ta giảng giải, “đều phải mưu trí hơn lính canh của ông.” Nó thật sự rất mưu trí, nếu không muốn nói là táo bạo, nhưng nếu quân domino nào không làm đổ cái tiếp theo thì sự bại lộ lập tức sẽ đem lại kết quả khủng khiếp, nhất là nếu câu chuyện về cách cưỡng ép gây mê đáng sợ của Ernie hóa ra là thật. Nghĩ lại, tôi cảm thấy kinh ngạc về bản thân mình vì đã đồng ý làm theo. Niềm cảm kích rằng bạn bè đã chịu nói chuyện lại với mình, và nỗi tuyệt vọng phải thoát khỏi Aurora House – còn sống – đã bịt miệng thói thận trọng của tôi, tôi chỉ có thể cho là như thế.
Ngày 28 tháng 12 được chọn vì Ernie biết được từ Deidre rằng bà Judd sẽ ở lại Hull với các cháu và xem các vở diễn kịch câm. “Thực địa tình báo mà,” Ernie gõ gõ lên mũi. Tôi ước gì Withers hay mụ Noakes mới là người đi vắng, nhưng Withers chỉ đi thăm mẹ ở Vịnh Robin Hood vào tháng Tám, và Ernie cho rằng bà Judd là người quan trọng nhất và vì thế là người nguy hiểm nhất.
Ngày trọng đại. Tôi có mặt ở phòng Ernie ba mươi phút sau khi những Kẻ Chưa Chết được đưa về giường lúc mười giờ. “Cơ hội cuối cùng để rút lui nếu ông nghĩ mình không thể làm được đấy,” lão người Scotland nghệ sĩ bảo tôi.
“Tôi chưa bao giờ rút lui khỏi bất cứ điều gì trong đời,” tôi đáp, nói dối qua hàm răng đã hỏng. Ernie tháo ốc bộ thông gió rồi lấy chiếc điện thoại của Deirdre giấu trong đó ra. “Ông có giọng sang nhất,” ông ta thông báo với tôi, khi phân công nhiệm vụ, “vả lại, nói vớ vẩn trên điện thoại là cách ông kiếm tiền mà.” Tôi bấm số của Johns Hotchkiss, được Ernie lấy từ sổ điện thoại của bà Hotchkiss nhiều tháng trước.
Đầu dây bên kia có tiếng trả lời ngái ngủ “Có chuyện gì?”
“À, vâng, có phải anh Hotchkiss không ạ?”
“Tôi đây. Ông là ai?”
Thưa độc giả, các bạn hẳn sẽ phải tự hào về tôi. “Bác sĩ Conway, ở Aurora House. Tôi đang thay thế bác sĩ Upward.”
“Chúa ơi, có chuyện gì xảy ra với mẹ tôi à?”
“Tôi e là thế, thưa anh Hotchkiss. Anh phải mạnh mẽ lên. Tôi nghĩ bà sẽ không cầm cự được đến sáng.”
“Ôi! Ô?” Một phụ nữ ở phía sau đầu dây bên kia hỏi, “Ai đấy, Johns?”
“Chúa ơi! Thật không?”
“Thật.”
“Nhưng bà bị làm sao?”
“Viêm màng phổi cấp.”
“Viêm màng phổi?”
Có lẽ sự đồng cảm của tôi với vai diễn đã vượt quá chuyên môn của mình, một chút. “Bệng viêm màng phổi luôn có thể xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi mẹ của anh, thưa anh Hotchkiss. Nghe này, tôi sẽ trình bày chi tiết chẩn đoán của mình khi anh đến đây. Mẹ của anh đòi gặp anh. Tôi đã tiêm cho bà hai mươi miligram thuốc, ờ, morphadin-50, nên bà không hề đau đớn gì đâu. Điều kỳ lạ là, bà không ngừng nói về mấy món nữ trang. Bà cứ lặp đi lặp lại, ‘Tôi phải nói với Johns, tôi phải nói với Johns…’ Việc này có ý nghĩa gì với anh không?”
Khoảnh khắc sự thật.
Anh ta cắn câu! “Chúa ơi. Ông chắc thế chứ? Mẹ tôi có nhớ bà để nó ở đâu không?”
Người phụ nữ ở phía sau hỏi, “Thế nào? Thế nào? ”
“Bà có vẻ cực kỳ không vui vì số nữ trang này ở lại trong gia đình.”
“Tất nhiên, tất nhiên, nhưng chúng ở đâu, thưa bác sĩ? Bà nói bà giấu chúng ở đâu?”
“Nghe này, tôi phải quay lại phòng bà ấy, anh Hotchkiss ạ. Tôi sẽ gặp anh ở quầy tiếp tân tại Aurora House… Khi nào nhỉ?”
“Hỏi bà ở đâu – không, hãy nói với bà – nói với mẹ tôi hãy – nghe này, bác sĩ – ờ…”
“Ơ… Conway! Conway.”
“Bác sĩ Conway, ông có thể đưa ống nghe lại gần miệng mẹ tôi không?”
“Tôi là bác sĩ, không phải là tổng đài điện thoại. Anh hãy tự đến đây. Khi đó bà sẽ tự nói với anh.”
“Hãy nói với bà – cố gắng chờ đến khi chúng tôi đến đấy, vì Chúa. Hãy nói với bà – Pipkins yêu bà rất nhiều. Tôi sẽ đến… nửa tiếng nữa.”
Kết cục của một khởi đầu. Ernie kéo dây khóa chiếc túi xách. “Làm tốt lắm. Ông giữ điện thoại đi, nhỡ mà anh ta gọi lại.”
Quân domino thứ hai là tôi phải đứng canh gác cẩn mật trong phòng của ông Meeks để nhìn qua kẽ hở cánh cửa. Do tình trạng xuống cấp sức khỏe nghiêm trọng nên linh vật của phòng nồi hơi chúng tôi không tham gia vào cuộc đào tẩu vĩ đại này, nhưng phòng ông ta nằm đối diện phòng tôi, và ông ta hiểu “Suỵt!” nghĩa là gì. Vào lúc mười giờ mười lăm, Ernie đi đến khu vực tiếp tân để báo tin tôi đã chết với Y tá Noakes. Quân domino này có thể ngã theo những hướng không mong đợi. (Những cuộc thảo luận của chúng tôi về việc ai làm cái xác còn ai làm người đi báo tin kéo dài lê thê: Cái chết của Veronica đòi hỏi phải đóng kịch vượt quá khả năng của Ernie để không khiến mụ đàn bà dữ dằn của chúng tôi nghi ngờ; cái chết của Ernie, do Veronica báo tin, đã bị loại vì bà ta có khuynh hướng diễn xuất cường điệu; cả phòng của Ernie và Veronica đều bị bao bọc bởi những Kẻ Chưa Chết, bọn họ có thể làm kỳ đà cản mũi kế hoạch của chúng tôi. Ngược lại, phòng của tôi ở dãy phòng cũ, và hàng xóm duy nhất của tôi là ông Meeks. Vì vậy tôi được chọn đóng vai người chết.) Điều khó xác định lớn nhất là sự căm ghét rõ rệt của Y tá Noakes dành cho tôi. Liệu mụ ta có vội vàng chạy đến để xem kẻ thù của mình thất thủ, để cắm một đinh ghim vào cổ tôi nhằm kiểm tra xem tôi có chết thật hay chưa không? Hay là sẽ ăn mừng hoành tráng trước đã?
Tiếng bước chân. Một tiếng gõ cửa. Y tá Noakes, đánh hơi miếng mồi. Quân domino thứ ba đang lắc lư, nhưng sự lệch hướng đã len lỏi vào trong. Ernie theo kế hoạch phải đi cùng mụ ta đến tận cửa phòng tôi. Mụ ta phải lao vào trước. Từ chỗ ẩn nấp của mình, tôi thấy kẻ săn mồi nhìn vào. Mụ mở đèn lên. Đống gối ngụy tạo dưới lớp chăn theo kịch bản cổ điển, trông thật hơn bạn nghĩ, dụ mụ ta vào. Tôi phóng ra hành lang và đóng sầm cửa lại. Từ thời khắc này trở đi, quân domino thứ ba phụ thuộc vào cơ chế ổ khóa – chốt khóa phụ rất cứng, xoay được, và trước khi tôi vặn được nó, Noakes đã kéo mở cánh cửa ra – chân mụ chặn ngang khung cửa – sức mạnh ma quỷ của mụ nhấc bổng cơ bắp tay và xé toạc cổ tay tôi. Chiến thắng, tôi biết, sẽ không thuộc về tôi.
Vì thế tôi đánh một canh bạc lớn, bất thình lình thả tay nắm cửa ra. Cánh cửa mở tung và mụ phù thủy văng vào trong phòng. Trước khi mụ kịp chạy đến cửa, tôi đóng rồi khóa nó lại. Một catalogue những lời đe dọa Titus Andronicus nện vào cánh cửa. Đến giờ này chúng vẫn ám ảnh những cơn ác mộng của tôi. Ernie đến đem theo một cây búa và vài cây đinh bảy phân. Ông ta đóng đinh cánh cửa vào khung rồi để cho mụ thợ săn gào thét trong phòng giam do chính mụ tạo ra.
Ở ngoài bàn tiếp tân, quân domino thứ tư đang chớp tắt ánh đèn xanh chết người trên chiếc máy điện đàm ở cổng chính. Veronica biết phải bấm nút nào. “Tôi đã bấm cái nút khỉ gió này cả mười phút trong khi mẹ tôi đang hấp hối!” Johns Hotchkiss rất giận dữ. “Các người đang chơi cái trò đ** gì thế?”
“Tôi phải giúp bác sĩ Conway chế ngự mẹ của anh, thưa anh Hotchkiss.”
“Chế ngự mẹ tôi? Vì bệnh viêm màng phổi ư?”
Veronica bấm công tắc “mở” và ở phía bên kia sân, cánh cổng mở ra, chúng tôi hi vọng thế. (Tôi xin trả lời luôn cho độc giả viết thư sẽ hỏi tôi tại sao chúng tôi không dùng công tắc này để thoát thân, vì rằng cánh cổng tự động đóng lại sau bốn mươi giây; rằng khu vực tiếp tân thường có người túc trực; và rằng còn biết bao nhiêu dặm đồng không mông quạnh chờ đón.) Qua làn sương lạnh cóng, tiếng bánh xe rít vang lên ngày một lớn. Ernie nấp ở phòng phía sau trong khi tôi đón chiếc Range Rover ở bậc thềm bên ngoài. Vợ của Johns Hotchkiss ngồi ở ghế tài xế.
“Bà ấy sao rồi?” Hotchkiss hỏi trong lúc bước đến.
“Vẫn ở lại với chúng ta, anh Hotchkiss ạ, vẫn đòi gặp anh.”
“Tạ ơn Chúa. Ông là ông Conway đó à?” Tôi muốn tránh thêm nhiều câu hỏi y khoa nữa. “Không, bác sĩ đang ở chỗ mẹ anh, tôi chỉ làm việc ở đây thôi.”
“Tôi chưa bao giờ gặp ông.”
“Thực ra con gái tôi là hộ lý ở đây, nhưng vì thiếu người và tình hình nguy cấp của mẹ anh nên tôi tạm thời dừng nghỉ hưu để giúp trực tiếp tân. Vì vậy mà việc mở cổng có phần chậm trễ.”
Vợ anh ta đóng sầm cửa xe. “Johns? Này? Ngoài này lạnh muốn chết còn mẹ anh thì sắp đi rồi đấy. Chúng ta có thể để phần chào hỏi lại sau không?”
Veronica đã xuất hiện với chiếc mũ trùm đầu buổi tối đính trang kim. “Anh Hotchkiss à? Chúng ta gặp nhau vài lần rồi nhỉ. Mẹ anh là bạn thân nhất của tôi ở đây đấy. Mau đến gặp bà đi. Bà đang ở trong phòng. Bác sĩ nghĩ rằng đưa bà ra ngoài là quá nguy hiểm.”
Johns Hotchkiss có vẻ như ngửi thấy mùi lắt léo ở đây, nhưng làm sao anh ta có thể buộc tội bà già dễ mến này lừa đảo và âm mưu? Vợ anh ta quày quả bước vào, kéo anh ta theo.
Tôi lại ngồi ở ghế tài xế. Ernie bế cục cưng bị viêm khớp của ông ta và đặt một cơ số hộp đựng mũ nhiều đến không tưởng lên băng sau, rồi nhảy lên ghế phía trước. Tôi chưa đổi chiếc xe nào từ dạo bà X ra đi, và những năm xen giữa đó đã không trôi xa như tôi hi vọng. Quỷ tha ma bắt, bàn đạp nào dùng vào việc nào nhỉ? Tăng tốc, phanh, bộ tiếp hợp, kính, đèn tín hiệu, diễn tập. Tôi với tay tìm chìa khóa trong ổ cắm.
“Ông còn đợi gì nữa vậy?” Ernie hỏi. Các ngón tay của tôi quả quyết rằng chẳng có chiếc chìa khóa nào hết.
“Nhanh nào, Tim, nhanh nào!”
“Không có chìa khóa. Không có cái chìa khóa của nợ đó.”
“Anh ta luôn luôn cắm chìa trong ổ mà!”
Các ngón tay của tôi quả quyết rằng chẳng có chiếc chìa khóa nào hết. “Vợ anh ta lái xe! Nên cô ta đã cầm chìa khóa! Con ả đó cầm chìa khóa theo rồi! Trời đất thánh thần thiên địa ơi, chúng ta phải làm gì bây giờ?”
Ernie nhìn lên hộp đồng hồ, trong ngăn đựng găng, trên sàn xe.
“Ông nối dây điện khởi động được không?” Giọng tôi đầy tuyệt vọng.
“Đừng yếu đuối thế!” ông ta quát lại, mò mẫm trong khay đựng tàn thuốc.
Quân domino thứ năm được dán keo thẳng đứng cứng đơ không thèm ngã. “Cho tôi hỏi…” Veronica lên tiếng.
“Tìm dưới miếng che nắng ấy!”
“Chẳng có cái quái gì ngoài…”
“Cho tôi hỏi,” Veronica nói. “Đây có phải là chìa khóa xe ô tô không?” Ernie và tôi quay lại, gào lên, “Khôngggggggg” như dàn âm thanh nổi trước chiếc chìa khóa cửa hiệu Yale. Chúng tôi gào lên lần nữa khi thấy Withers chạy ra hành lang thắp đèn mờ từ khu nhà ăn, với hai người nhà Hotchkiss phía sau.
“Ô,” Veronica nói. “Cái to này cũng rơi ra nữa…”
Chúng tôi nhìn Withers tiến đến bàn tiếp tân. Hắn nhìn qua lớp cửa kính thẳng vào mặt tôi, truyền đi hình ảnh tưởng tượng về một con Rottweiler cắn nát một con búp bê may thành hình Timothy Langland Cavendish, tuổi 65 và 3⁄4. Ernie khóa hết các cửa xe, nhưng làm thế thì có ích gì?
“Còn cái này thì sao?” Có phải Veronica đang cầm một chiếc chìa khóa xe lủng lẳng trước mũi tôi không? Với một logo “Range Rover” trên đó.
Ernie và tôi gào lên, “Đúnggggggggg!”
Withers đẩy mở cửa trước rồi nhảy xuống bậc tam cấp.
Các ngón tay tôi run rẩy đánh rơi chìa khóa.
Withers ngã phịch xuống một vũng nước đóng băng.
Tôi đập đầu vào vô lăng khiến kèn vang lên.
Withers đang giật mấy cánh cửa đã khóa. Các ngón tay tôi run lẩy bẩy khi những đợt pháo hoa đau đớn phát nổ trong đầu tôi. Johns Hotchkiss đang gào thét, “Vác mấy cái mạng già xương xẩu của các người ra khỏi xe tôi nếu không tôi sẽ kiện – MẸ KIẾP TRƯỚC SAU GÌ TÔI CŨNG SẼ KIỆN ĐẤY!” Withers dùng một cái dùi cui đập vào cửa kính, không, đó là nắm đấm của hắn; chiếc nhẫn gắn đá quý của ả vợ cào lên lớp kính; chiếc chìa khóa bằng cách nào đó đã trượt vào ổ cắm; động cơ gầm lên; hộp đồng hồ sáng lên với ánh đèn huyền ảo; Chet Baker đang hát “Let’s Get Lost”; Withers đang bám vào cửa và đập ầm ầm; vợ chồng Hotchkiss quờ quạng trước đèn pha như những tội đồ trong tranh El Greco; tôi cài chiếc Range Rover sang số một nhưng nó chuyển hướng chứ không di chuyển vì thắng tay đang bật; Aurora House bừng sáng như UFO trong phim Close Encounters; tôi xua đi cảm giác sống qua khoảnh khắc này nhiều lần trước rồi; tôi thả thắng tay, đâm thẳng vào Withers; chuyển lên số hai; nhà Hotchkiss không chết mà ra sức vẫy gào, rồi họ khuất tầm mắt và chúng tôi đã cất cánh!
Tôi lái xe vòng quanh ao nước, xa khỏi cánh cổng vì Hotchkiss đậu chiếc Range Rover hướng về phía đó. Tôi nhìn kính chiếu hậu – Withers và nhà Hotchkiss đang lao theo chúng tôi như những tay lính biệt kích chết tiệt. “Tôi sẽ dụ họ ra khỏi cánh cổng,” tôi lúng búng nói với Ernie, “để ông có thời gian mở khóa. Ông cần bao lâu? Tôi ước chừng ông sẽ có khoảng bốn mươi lăm giây đấy.”
Ernie không nghe thấy tôi.
“Ông cần bao lâu để mở khóa?”
“Ông sẽ phải lao xe vào cổng.”
“Cái gì?”
“Xe Range Rover tốt loại lớn chạy ở vận tốc tám mươi cây số giờ có thể làm được đấy.”
“Cái gì? Ông đã nói là có thể mở khóa ngay cả khi ngủ cơ mà!”
“Mở một cái khóa điện tử hiện đại ư? Không đời nào!”
“Tôi sẽ không nhốt Noakes lại và ăn cắp xe nếu tôi biết ông không thể mở khóa!”
“Ừ, đúng rồi, ông yếu đuối quá mà, nên ông cần sự khích lệ.”
“Khích lệ?” Tôi hét lên, sợ hãi, tuyệt vọng, giận dữ, ba phần bằng nhau. Chiếc xe xé toạc bụi cây và bụi cây cũng xé toạc nó.
“Thật là hết ý!” Veronica thốt lên.
Ernie nói chuyện tựa như đang thảo luận về một bài toán khó tự giải. “Miễn cái cột ở giữa không được chôn sâu xuống đất thì cánh cổng sẽ bung ra khi chịu lực tác động.”
“Thế còn nếu nó được chôn sâu thì sao?”
Veronica bộc lộ tính điên loạn. “Thì chúng ta sẽ bay tứ phía khi đâm vào đó! Vì thế, hãy đạp hết cỡ đi, ông Cavendish!”
Cánh cổng bay về phía chúng tôi, cách chín, tám, sáu chiều dài xe. Bố nói vọng lên từ đáy xương chậu của tôi, “Con có băn khoăn gì về rắc rối mà con đang gặp phải không, con trai?” Nên tôi vâng lời bố, phải, tôi vâng lời ông và tôi đạp phanh. Mẹ rít lên bên tai tôi: “Tới luôn đi, Timbo của chúng ta, con có gì để mất đâu?” Tôi đã đạp không phải phanh mà là cần tăng tốc – đó là ý nghĩ cuối cùng – chiều dài hai chiếc xe, một chiếc xe, rầm!
Những song chấn thẳng đứng trở thành đường chéo. Cánh cổng bung ra khỏi bản lề. Tim tôi nhảy bungee từ cổ họng xuống ruột, lộn lên, rơi xuống và chiếc Range Rover trượt khắp con đường, tôi dùng hết sức bình sinh gồng lại, phanh xe rít lên nhưng tôi giữ cho chiếc xe không lao xuống hào nước, động cơ vẫn nổ, kính chắn gió vẫn nguyên vẹn.
Chết lặng.
Sương mù dày đặc, chỉ tan thành lớp mỏng trước ánh đèn pha.
“Chúng tôi rất tự hào về ông,” Veronica nói, “phải không, Ernest?”
“Phải rồi, cưng à, chúng ta rất tự hào!” Ernie vỗ lưng tôi. Tôi nghe tiếng Withers sủa ông ổng chối tai, sát phía sau. Ernie hạ cửa kính xuống rồi hét to về phía Aurora House: “Đồ nguuuuuu!” Tôi đạp cần số lần nữa. Lốp xe kéo lê nặng nề, động cơ nở hoa, và Aurora House biến mất vào màn đêm. Bố khỉ, khi bố mẹ quý vị qua đời, họ sẽ dọn đến ở chung với quý vị đấy.
* * *
“Bản đồ?” Ernie đang lục lọi trong ngăn đựng găng. Những món ông ta tìm được đến giờ là kính mát và kẹo Werner.
“Không cần. Tôi nhớ lộ trình rồi. Tôi biết rõ nó như lòng bàn tay đây này. Bất kỳ cuộc đào tẩu nào cũng phải được chuẩn bị kỹ càng chín phần mười chứ.”
“Tốt nhất là tránh đường cao tốc nhé. Thời nay họ có máy quay và hầm bà lằng thứ khác.”
Tôi suy tư về sự thay đổi nghề nghiệp từ một nhà xuất bản thành một kẻ trộm xe. “Tôi biết rồi.”
Veronica nhái giọng ông Meeks – xuất sắc. “Tôi biết! Tôi biết!”
Tôi bảo bà ta nhại giọng chính xác đến kinh ngạc.
Một khoảng dừng. “Tôi có nói gì đâu.” Ernie quay lại và hét lên thất thanh vì bất ngờ. Khi tôi nhìn vào kính chiếu hậu và thấy ông Meeks ngọ nguậy ở khoang phía sau cùng của xe, tôi suýt nữa lạc tay lái. “Làm sao…” tôi bắt đầu. “Khi nào… ai…”
“Ông Meeks!” Veronica thốt lên. “Thật là một sự bất ngờ đáng yêu.”
“Một sự bất ngờ?” tôi hỏi. “Ông ta đã vi phạm các quy luật vật lý rồi!”
“Chúng ta không thể quay đầu xe lại Hull,” Ernie nói, “mà bây giờ lạnh lắm, không thể bỏ ông ta xuống được. Đến sáng là ông ta đóng băng luôn đấy.”
“Chúng ta đã bỏ trốn khỏi Aurora House rồi, ông Meeks ạ,” Veronica giải thích.
“Tôi biết,” lão già say bí tỉ kêu be be, “Tôi biết.”
“Mọi người vì một người, một người vì mọi người, phải không?” Ông Meeks cất tiếng cười khúc khích, mút kẹo và ngân nga bài “The British Grenadiers” trong lúc chiếc Range Rover lao về phía bắc.
Một bảng hiệu – XIN VUI LÒNG LÁI XE CẨN THẬN Ở NGÃ TƯ THAWICKE – sáng lên trước ánh đèn pha. Ernie đã đánh dấu kết thúc lộ trình dự tính của chúng tôi ở đây với một chữ X đỏ to tướng và bấy giờ tôi mới hiểu tại sao. Một trạm xăng mở cửa suốt đêm đang phục vụ trên một tuyến đường cao tốc – cạnh một quán rượu có tên Hanged Greyhound. Đã quá nửa đêm nhưng đèn vẫn sáng. “Đỗ xe tại quán rượu đi. Tôi sẽ đi mua một can xăng để không ai phát hiện ra chúng ta. Sau đó ta hãy làm một ly để ăn mừng công việc hoàn thành tốt đẹp. Johns ngốc để quên áo khoác trong xe, và trong túi áo là – tèn ten.” Ernie chìa ra một chiếc ví có kích cỡ bằng chiếc va li của tôi. “Tôi chắc chắn bằng này đủ để chúng ta uống một chầu.”
“Tôi biết!” ông Meeks hí hửng.“Tôi biết!”
“Một ly Drambuie pha soda là được,” Veronica quyết định.
Ernie quay lại sau năm phút với can xăng. “Dễ ợt.” Ông ta đổ xăng vào bình, rồi sau đó bốn người chúng tôi đi bộ băng qua bãi đỗ xe đến quán Hanged Greyhound. “Đêm nay lạnh thật,” Ernie cảm thán, rồi đưa cánh tay ra cho Veronica. Trời lạnh kinh hồn khiến tôi không ngừng run bần bật. “Trăng đẹp quá, Ernest à,” Veronica tiếp lời, luồn tay qua cánh tay ông ta. “Thật là một đêm tuyệt vời để theo trai!” Bà cười khúc khích như một cô em mười sáu tuổi. Tôi siết chặt nắp nhốt con quỷ già nua trong mình, Ghen tuông. Ông Meeks đi cà nhắc, nên tôi đỡ ông ta đến tận cửa, trên có gắn tấm bảng đen với dòng quảng cáo “Trận cầu vĩ đại!”. Ở cái hang ấm áp bên trong, một đám đông đang xem bóng đá trên truyền hình trong vùng thời gian nhuốm ánh huỳnh quang xa xôi. Trong tám mươi mốt phút đầu, đội Anh đang bị đội Scotland dẫn trước một bàn. Chẳng ai buồn chú ý đến chúng tôi. Anh đấu với Scotland, ở nước ngoài, giữa mùa đông lạnh giá – chẳng lẽ Wolrd Cup đã trở lại rồi sao? Sẵn nhắc đến gã Nếp Nhăn Trời Đánh ấy.
Tôi chẳng ưa gì các quán rượu có mở tivi, nhưng ít ra thì ở đấy cũng chẳng có tiếng nhạc chát chúa giật đùng đùng, và sự tự do tối hôm đó là món tài sản ngọt ngào nhất. Một gã chăn cừu nhường chỗ cho chúng tôi trên một băng ghế cạnh lò sưởi. Ernie gọi đồ uống vì ông ta bảo rằng giọng tôi nghe miền nam quá, thể nào cũng bị họ nhổ nước bọt vào cốc. Tôi gọi một Kilmagoon đúp và điếu xì gà đắt nhất quán có, Veronica gọi Drambuie pha soda, ông Meeks gọi bia gừng, còn Ernie thì gọi một ly bia đắng Angry Bastard. Nhân viên quầy bar không rời mắt khỏi tivi – ông ta lấy đồ uống cho chúng tôi chỉ bằng xúc giác mà thôi. Ngay khi chúng tôi vừa yên vị trong một góc, thì một cơn cuồng phong tuyệt vọng quét qua quầy bar. Anh được hưởng một quả phạt đền. Chủ nghĩa bộ lạc giật điện khán giả.
“Tôi muốn kiểm tra lộ trình của mình. Ernie, làm ơn đưa cho tôi bản đồ.”
“Ông là người cuối cùng giữ nó mà.”
“Ồ. Chắc là nó ở trong…” Phòng tôi. Nhớ zoom cận cảnh nhé, Đạo diễn Lars, vào khuôn mặt Cavendish khi lão nhận ra sai lầm định mệnh của mình. Tôi đã để quên bản đồ trên giường. Cho Y tá Noakes. Với lộ trình được đánh dấu bằng bút dạ. “… xe… ôi, Chúa ơi. Tôi nghĩ chúng ta nên uống nhanh rồi lên đường thôi.”
“Nhưng chúng ta mới nhấp môi thôi mà.”
Tôi nuốt nước bọt khó nhọc. “Về cái, ờ, tấm bản đồ ấy mà…” Tôi xem đồng hồ rồi tính toán quãng đường và vận tốc.
Ernie bắt đầu nhận ra. “Tấm bản đồ có vấn đề gì?”
Câu trả lời của tôi bị nhấn chìm trong một tiếng hú thê lương. Anh đã cân bằng tỉ số. Và vào đúng khoảnh khắc đó, tôi không nói ngoa, Withers nhìn vào trong. Đôi mắt Gestapo của hắn định vị chúng tôi. Không vui vẻ. Johns Hotchkiss hiện ra bên cạnh hắn, nhìn thấy chúng tôi, và anh ta trông thực sự rất vui. Anh ta lấy điện thoại di động để gọi cho các thiên thần báo thù. Một gã bặm trợn thứ ba mặc áo choàng lấm lem dầu mỡ hoàn chỉnh đội hình đuổi bắt, nhưng có vẻ như Y tá Noakes đến giờ phút này đã thắng Johns Hotchkiss khi không lôi cảnh sát vào vụ này. Danh tính của kẻ bặm trợn dầu mỡ tôi sẽ không bao giờ biết được, nhưng tôi biết một điều ngay lúc đó: trò chơi đã kết thúc.
Veronica thở dài một hơi yếu ớt. “Tôi đã hi vọng xiết bao được nhìn thấy,” bà ta nói như hát, “cỏ xạ hương núi dại, mọc xen khắp nơi giữa những cây thạch nam rộ hoa, và nó đã mất, hỡi em yêu, đã mất…”
Một cuộc đời bị kiểm soát, bị thuốc làm cho mụ mị và những chương trình ban ngày đang chờ đợi phía trước. Ông Meeks ngoan ngoãn đứng dậy để lên đường với tên cai ngục của chúng tôi.
Ông ta thốt lên một tiếng gầm Kinh thánh. (Lars: zoom ống kính vào từ bãi đỗ xe bên ngoài, qua quầy bar náo nhiệt, xuống cái amiđan thối rữa của ông Meeks.) Những khán giả xem đài dừng cuộc nói chuyện, làm đổ thức uống và nhìn lên. Thậm chí Withers cũng đứng sững lại trên đường. Lão già tám mươi tuổi nhảy lên quầy bar, như Astaire ở thời kỳ sung mãn, rồi rống lên tiếng cầu cứu đến những người anh em đồng hương, “Có ai là người Scort chân chính trong này khônggggg?”
Hẳn một câu! Ernie, Veronica và tôi sững sờ không thốt nên lời.
Kịch tính tột độ. Không một ai nhúc nhích.
Ông Meeks chỉ về phía Withers bằng ngón trỏ xương xẩu rồi cất lên lời nguyền rủa cổ đại này: “Bè lũ người Anh đó đang giẫm đạp lên những quyền lợi Chúa ban của tôi! Bọn chúng đã lợi dụng tôi và bạn bè tôi một cách trắng trợn và chúng tôi đang cần trợ giúp khẩn cấp!”
Withers gầm lên với chúng tôi: “Câm miệng đi và hãy đối diện với hình phạt dành cho các người.”
Tiếng Anh giọng miền nam của kẻ bắt bớ chúng tôi đã lọt ra! Một quả tên lửa đứng bật dậy như Poseidon và siết chặt các đốt tay. Một thợ điều khiển cần cẩu đứng gần anh ta. Một người đàn ông có cái cằm cá mập mặc bộ đồ vest giá một nghìn bảng. Một nữ tiều phu chi chít sẹo.
Tivi tắt ngóm.
Một người ở miền cao nguyên nhẹ nhàng nói: “Vâng, ông bạn à. Chúng tôi sẽ không làm ông thất vọng đâu.”
Withers đánh giá tình hình rồi nở một nụ cười khinh khỉnh . “Mấy ông này ăn cắp xe ô tô.”
“Anh là cảnh sát hả?” Nữ tiều phu tiến đến.
“Cho chúng tôi xem thẻ nào,” thợ cần cẩu tiến đến.
“Ôi, mày nói chuyện nghe như cứt ấy,” Poseidon nhổ nước bọt. Sự bình tĩnh hẳn đã có thể đánh mất vận hội ngày hôm đó của chúng tôi, nhưng Johns Hotchkiss đã ghi một bàn chí tử. Len lỏi giữa đám người dày đặc, anh ta mở đầu nỗi bất hạnh của mình bằng câu “Bây giờ nhìn cho kỹ đây, lũ dở hơi, có ngon thì ra đòn đi nếu các người nghĩ…” Một cái răng của anh ta văng vào ly Kilmagoon của tôi, cách đó bốn mét rưỡi. (Tôi đã vớt chiếc răng ra để giữ làm bằng chứng, bằng không sẽ chẳng ai tin.) Withers chụp kịp và bẻ một nắm tay sấn tới, hất một tay bặm trợn lên bàn bida, nhưng con quái vật chỉ một thân một mình trong khi những kẻ thù bị chọc tức thì đông như nước lũ. Ôi, cảnh tượng tiếp theo thật hoành tráng chẳng kém trận Trafalgar. Tôi phải thú nhận, cảnh tên ác ôn đó bị tra tấn thật chẳng dễ chịu chút nào, nhưng khi Withers ngã xuống và những cú đấm méo mó bắt đầu trút xối xả, tôi đã đề nghị trốn đi một cách khéo léo ra phía trái chiếc xe mượn tạm của chúng tôi. Chúng tôi đi ra ở cửa sau rồi ba chân bốn cẳng chạy băng qua bãi đỗ xe lộng gió, dốc hết sức bình sinh trên những đôi chân có tuổi đời cộng lại cũng đã hơn ba thế kỷ. Tôi cầm lái. Về phía bắc. Tất cả những chuyện này sẽ kết thúc ở đâu, tôi không biết.
HẾT
* * *
Được rồi, thưa Độc giả, các bạn xứng đáng được đọc đoạn kết nếu vẫn còn theo tôi đến lúc này. Khổ nạn của tôi đã hạ màn ở căn nhà có phòng cho thuê sạch không tì vết ở Edinburgh này, do một góa phụ đoan trang từ Đảo Man trông nom. Sau vụ ẩu đả ở quán Hanged Greyhound, bốn con chuột mù chúng tôi lái xe đến Glasgow, ở đó Ernie biết một tay cớm biến chất có thể giải quyết chiếc xe của Hotchkiss. Tại đây chúng tôi đường ai nấy đi. Ernie, Veronica và ông Meeks tiễn tôi ở nhà ga. Ernie hứa sẽ nhận hết tội nếu bị pháp luật sờ gáy, vì ông ta đã quá già rồi cũng chẳng ai bắt ra tòa nổi, thật là một ông già biết điều. Ông ta và Veronica sẽ đến một nơi trên quần đảo Hebrides, ở đó ông ta có người em họ làm nghề thợ thủ công kiêm giảng đạo đang trông nom những mảnh đất bị mất giá cho mafia Nga và những người Đức nhiệt thành nói giọng Gaelic. Tôi cầu nguyện cho họ được mạnh khỏe. Ông Meeks định là sẽ được ký gửi ở một thư viện công cộng kèm theo tấm biển “Làm Ơn Chăm Nom Giúp Con Gấu Này”, nhưng tôi nghĩ Ernie và Veronica sẽ đưa ông ta theo. Sau khi đến nhà trọ Widow Manx, tôi ngủ li bì dưới lớp chăn chần lông ngỗng, ngon lành như Vua Arthur trên Đảo Blessed. Tại sao tôi không lên chuyến tàu đầu tiên về phía nam đến London, ở đó và vào lúc đó? Tôi vẫn chưa rõ. Có lẽ tôi đã nhớ lại lời nói của Denholme về cuộc đời ở bên kia cao tốc M25. Tôi sẽ không bao giờ biết anh ấy đóng vai trò gì trong việc giam tôi vào viện dưỡng lão, nhưng anh ấy đã đúng – London làm tối bản đồ như một khối u ở ruột của nước Anh vậy. Ở trên này có hẳn một vùng đồng quê.
Tôi tìm số nhà bà Latham ở thư viện. Cuộc đoàn tụ qua điện thoại của chúng tôi thật là cảm động. Tất nhiên, bà Latham che giấu cảm xúc bằng cách rủa xả tôi, trước khi kể cho tôi nghe những gì xảy ra trong các tuần tôi vắng mặt. Cơn bão Hoggins đã xé toang văn phòng của tôi khi tôi không có mặt ở buổi tùng xẻo lúc ba giờ chiều, nhưng nhiều năm sống theo chính sách “bên miệng hố vỡ nợ” đã giúp ích cho tôi. Bà ta đã ghi hình được cảnh phá hoại trên một máy quay của đứa cháu trai. Nhờ đó bọn Hoggins bị nắm thóp: bà Latham cảnh báo chúng, hãy tránh xa Timothy Cavendish, nếu không đoạn phim này sẽ được tung lên mạng và những án treo của chúng mày sẽ biến thành án tù. Vì vậy chúng đã bị thuyết phục phải chấp thuận một đề nghị hợp tình hợp lý về việc chia tiền nhuận bút trong tương lai. (Tôi nghĩ chúng cũng phải thầm ngưỡng mộ thần kinh thép của bà quản gia tôi.) Ban quản lý tòa nhà dùng sự biến mất của tôi – và tình trạng thảm hại của căn hộ tôi – làm cái cớ để đuổi chúng tôi đi. Ngay khi tôi viết những dòng này, căn nhà cũ của tôi đang bị biến thành tiệm Hard Rock Cafe cho những người Mỹ nhớ nhà. Nhà xuất bản Cavendish đang được điều hành từ một căn nhà thuộc sở hữu của cháu trai cả của bà thư ký, cậu ta đang định cư ở Tangiers. Bây giờ đến tin tốt nhất đây: một xưởng phim Hollywood đã đề nghị mua tác quyền Đấm Vỡ Mồm – với một con số lớn đến vô lý tương đương con số trên mã vạch vậy. Phần lớn tiền sẽ vào tay nhà Hoggins, nhưng lần đầu tiên kể từ năm hai mươi hai tuổi, tôi được dư dả tiền nong.
Bà Latham đã giải quyết xong các thẻ ngân hàng của tôi, vân vân, còn tôi đang thiết kế tương lai mình trên những quầy bia, như Churchill và Stalin ở Yalta vậy, và tôi phải nói rằng tương lai cũng không đến nỗi quá ảm đạm. Tôi sẽ tìm một người viết thuê đói kém để biến những ghi chép mà các bạn đang đọc đây thành một kịch bản phim của riêng tôi. Nói gì đi nữa, nếu Dermot “Duster” Hoggins có thể viết một quyển sách bán chạy được dựng thành phim, thì thế quái nào mà Timothy “Lazarus” Cavendish lại không thể cơ chứ? Cho Y tá Noakes vào sách, đặt vào ghế bị cáo rồi bán đấu giá. Mụ đàn bà này rất thực tâm – những kẻ sâu bọ hầu hết đều thực tâm – nhưng không vì thế mà ít nguy hiểm đi, và mụ ta sẽ bị nêu tên, bị bêu xấu. Vụ việc nhỏ nhặt mượn xe của Johns Hotchkiss cần được xử lý tinh tế, nhưng những con cá ngốc hơn đã lên chảo cả rồi. Bà Latham liên lạc với Hilary V. Hush qua email để bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi dành cho Những chu kỳ bán rã, và nhân viên bưu tá vừa giao phần hai đến cách đây chưa đầy một tiếng. Một tấm hình được đính kèm, hóa ra “V” là viết tắt của “Vincent”! Thật là một thân hình đồ sộ! Tôi không phải là Chippendale, nhưng Hilary có chu vi chiếm hết không phải hai mà là ba ghế ngồi máy bay khoang phổ thông. Tôi sẽ biết liệu Luisa Rey có còn sống hay không trong một góc của Whistling Thistle, văn phòng tạm thời của tôi, vốn là một quán rượu tàn trong con hẻm nhỏ nơi Mary, Nữ vương xứ Scotland, triệu tập kẻ ác để thực hiện mưu đồ. Chủ quán – ly đúp do ông ta pha sẽ được xem là ly gấp bốn nếu tính theo kiểu quản lý ở London – thề là ông ta thấy Nữ hoàng bạc mệnh, thường xuyên. In vino veritas[63].
Câu chuyện đại khái là như thế. Tuổi trung niên đã trôi đi, nhưng chính thái độ, chứ không phải tuổi tác, mới kết án một con người nhập vào hàng ngũ những Kẻ Sắp Chết, nếu không thì đã đem đến sự cứu rỗi. Trong địa hạt của người trẻ tuổi vẫn chất chứa nhiều linh hồn Sắp Chết. Họ vội vã sống, sự thối rữa bị che giấu trong vài thập kỷ, chỉ vậy thôi. Bên ngoài, những bông tuyết dày đang rơi trên mái nhà và tường đá hoa cương. Như Solzhenitsyn lao động ở New York, tôi sẽ hoạt động hết công suất trong lúc tị nạn, tránh xa thành phố nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Như Solzhenitsyn, tôi sẽ trở lại, vào một buổi hoàng hôn bừng sáng.
===== =====
[57] Carl Sagan (1934 – 1996) là một du hành gia và nhà văn khoa học người Mỹ, trở nên nổi tiếng sau phim tài liệuCosmos: A Personal Voyage (Vũ trụ: Một hành trình cá nhân). Trong đoạn đầu phim, ông hái một bông hoa bồ công anh từ khe đá rồi thổi nó lên trời, mời người xem “khám phá vũ trụ trong một chiếc tàu tưởng tượng,… hoàn hảo tựa một bông tuyết, nguyên sơ tựa một hạt bồ công anh.”
[58] Tuyến phòng thủ Maginot lấy tên của bộ trưởng quốc phòng Pháp André Maginot, là một công trình xây dựng quân sự dọc biên giới Pháp-Đức và Pháp-Ý với mục đích bảo vệ lãnh thổ Pháp sau kinh nghiệm của Thế chiến thứ nhất.
[59] Liên tưởng đến bộ phim “Sinh vật từ Phá Nước Đen”, một phim quái vật kinh dị của Mỹ sản xuất năm 1954
[60] Lịch Mùa vọng: một loại lịch đặc biệt được sử dụng để đếm hoặc kỷ niệm những ngày chờ đợi đến lễ Giáng sinh. Lịch thường mang hình thức của một thẻ hay tấm bảng hình chữ nhật lớn có các cửa sổ, mỗi cửa sổ cho một ngày của tháng 12 dẫn đến ngày Giáng sinh. Khi mở ra, trong mỗi cửa sổ có một hình ảnh, bài thơ, hoặc một món quà nhỏ.
[61] Nguyên văn: The Drowned and the Saved.
[62] Memento mori: thành ngữ tiếng Latin, “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết” Ernie và Veronica trao nhau ánh nhìn bằng ngôn ngữ kín đáo của họ.
[63] Thành ngữ tiếng Latin: “Trong rượu là sự thật”