Zedelghem.
10 – x – 1931.
Sixsmith,
Ayrs nằm liệt giường ba ngày liền, mụ mị vì morphine, kêu gào đau đớn. V. mất tập trung và trầm cảm. Bác sĩ Egret cảnh báo J. và tôi không nên nhầm lẫn sự yêu đời mới tìm lại của Ayrs trong âm nhạc với tình hình sức khỏe thực tế, và cấm V.A làm việc trên giường bệnh. Bác sĩ Egret khiến tôi thấy lạnh sống lưng. Chưa gặp thầy lang nào mà không khiến tôi bán tín bán nghi đang âm mưu tính tiền cắt cổ tôi.
Chìm đắm trong âm nhạc của riêng mình. Nói ra thật tàn nhẫn, nhưng khi Hendrick đến vào giờ điểm tâm và bảo, “Không phải hôm nay, Robert à,” tôi thấy nhẹ cả người. Dành cả buổi tối hôm qua viết một đoạn Allegro dồn dập cho đàn cello, thắp sáng bằng những đoạn tam tấu bùng nổ. Sự im lặng bị ngắt quãng bằng những tiếng bẫy chuột tanh tách. Nhớ đồng hồ nhà thờ gõ chuông ba giờ sáng. Tôi nghe một tiếng chim đớp muỗi, Huckleberry Finn nói, và con chó than khóc cho một người sắp lìa trần. Luôn ám ảnh tôi, câu văn đó. Điều tiếp theo mà tôi biết, Lucille đang giũ phồng những tấm ga trải giường màu sáng tươi bên cửa sổ. Cô ấy bảo với tôi rằng Morty Dhondt đang ở dưới lầu, sẵn sàng cho chuyến đi. Tưởng đang nằm mơ nhưng hóa ra không phải. Mặt dính đầy vụn bánh và trong một giây tôi không nhớ nổi mình tên gì. Càu nhàu tôi không muốn đi đâu với Morty Dhondt, tôi muốn ngủ, tôi có việc phải làm. “Nhưng tuần trước ông đã hẹn đi xe hôm nay mà!” Lucille phản đối.
Tôi nhớ ra. Tôi rửa mặt, ăn mặc chỉnh tề rồi cạo râu. Bảo Lucille đi tìm thằng bé lúc trước đã đánh giày cho tôi, v.v. Dưới phòng ăn sáng, tay buôn nữ trang thân thiện đang hút xì gà và đọc báo The Times. “Đừng vội,” ông ta bảo tôi, khi tôi xin lỗi vì đến muộn. “Nơi chúng ta sắp đến, sẽ chẳng có ai bận tâm ta đến sớm hay muộn đâu.” Bà Willems dọn lên cho tôi một ít ketri[70], rồi J. nhẹ nhàng bước vào phòng. Bà ta chưa quên hôm đấy là ngày gì, đưa cho tôi một bó hồng trắng, buộc bằng một sợi ruy băng đen, rồi mỉm cười, như bà của những ngày xưa cũ.
Dhondt lái một chiếc Bugatti Royale 1927 loại 41 màu vang đỏ, hàng ngon thứ thiệt đấy, Sixsmith. Lướt như con quỷ được bôi trơn – gần tám mươi cây số giờ trên đường cao tốc rải đá dăm! – cùng chiếc còi điện được Dhondt bấm vì những duyên cớ nhỏ nhặt nhất.
Một ngày đẹp cho một chuyến đi rầu. Càng đến gần biên giới, tự nhiên vùng đồng quê càng tan nát. Ra khỏi Roeselare, đất đai chằng chịt hố bom, cắt ngang cắt dọc với những hào nước bị sập và những mảng đồi cháy không một ngọn cỏ nào mọc nổi như mụn đậu mùa. Vài cái cây lơ thơ còn sót lại, khi chạm vào hóa ra đều là than đá vô hồn. Màu xanh của đất trông giống như bị mốc hơn là tràn nhựa sống. Dhondt nói to cố át tiếng máy xe rằng nông dân vẫn không dám cày xới vùng đất này vì sợ đào trúng đạn pháo chưa nổ. Không thể đi ngang khu này mà không nghĩ đến mật độ người mai phục dưới đất. Vào bất cứ lúc nào, lệnh tấn công cũng có thể được đưa ra, và lính bộ binh sẽ trồi lên từ mặt đất, càn quét mảnh đất bụi bặm này. Mười ba năm kể từ Ngày đình chiến tưởng chừng như chỉ mới mười ba giờ.
Zonnebeke là một ngôi làng đìu hiu với những tàn tích đang được phục chế dở dang và một nghĩa trang của tiểu đoàn 11 Essex thuộc Lữ đoàn 53. Ủy ban Nghĩa trang Chiến tranh cho tôi biết nghĩa trang này là nơi có khả năng anh tôi an nghỉ cao nhất. Adrian tử trận trong cuộc tấn công ngày 13 tháng 7 trên dãy Messines, vào thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Dhondt thả tôi xuống cổng rồi chúc tôi may mắn. Ông ta tế nhị nói rằng có công việc ở gần đó – hiệu kim hoàn gần nhất cũng cách chỗ chúng tôi đến tám mươi cây số – và để tôi ở lại thực hiện cuộc chinh phục Đông-ki-sốt của mình. Một cựu binh mắc bệnh lao phổi làm nhiệm vụ gác cổng những khi không phải chăm sóc luống rau tội nghiệp của ông ta. Ông ta cũng kiêm luôn công việc của người thu tiền – tự chỉ định, tôi nghi ngờ thế – cứ giơ thùng quyên góp trước mặt tôi, cho “phí tu sửa”. Chia tay một franc, rồi ông bạn hỏi bằng thứ tiếng Anh dễ nghe rằng tôi có tìm một người nào cụ thể không, vì ông ta đã thuộc nằm lòng toàn bộ nghĩa trang này rồi. Viết tên anh tôi ra, nhưng ông ta làm điệu bộ há hốc mồm của người Gallic ngụ ý, “Vấn đề của tôi là của tôi, vấn đề của cậu là của cậu, đây là vấn đề của cậu rồi.”
Luôn cảm thấy tôi sẽ đoán được ngôi mộ vô danh nào là của Adrian. Dòng chữ đề mộ phát sáng, một con chim ác là gật gù, hay chỉ cần một niềm tin âm nhạc cũng sẽ dẫn tôi đến địa điểm chính xác. Chuyện tào lao, tất nhiên. Bia mộ nhiều vô kể, giống hệt nhau và ngay hàng thẳng lối như đang diễu binh. Những bụi gai đã xâm lấn chu vi này. Không khí ngột ngạt như thể bầu trời đang niêm kín chúng tôi trong đó.
Tôi đi dọc theo những hàng và dãy để tìm các bia mộ có họ bắt đầu bằng chữ F. Xác suất quá thấp, nhưng biết đâu được. Văn phòng Chiến tranh cũng có sai sót mà – nếu nạn nhân thứ nhất của chiến tranh là sự thật, thì nạn nhân thứ hai chính là tính hiệu quả của công việc bàn giấy. Trong trường hợp này, không có “Frobisher” nào yên nghỉ ở dãy của những người họ Flander. Người gần giống nhất là “Froames, B.W., Binh nhì 2389 Sư đoàn 18 (Sư đoàn miền Đông)” vì vậy tôi đặt những bông hồng trắng của J. lên mộ anh ta. Ai mà biết được? Nhỡ đâu Froames đã hỏi mượn bật lửa của Adrian, vào một đêm kiệt sức, hoặc đã run sợ cùng anh khi mưa bom trút xuống, hoặc đã chia nhau một lọ Bovril.
Tôi là một thằng ngốc đa cảm và tôi biết điều đó. Người ta hay chạm trán những anh hề như Orford ở Balliol, họ toát ra sự mất mát như thể chiến tranh đã kết thúc trước khi họ có cơ hội thể hiện lòng can đảm của mình vậy. Những người khác, Figgis hiện lên trong đầu tôi, thú nhận sự nhẹ nhõm của họ vì chưa đủ tuổi nhập ngũ trước năm 1918, nhưng họ cảm thấy sự nhẹ nhõm này với một nỗi hổ thẹn chừng mực. Tôi thường kêu ca với anh về việc lớn lên dưới cái bóng của người anh huyền thoại – mỗi lời trách móc đều bắt đầu với một “Adiran không bao giờ làm…” hoặc “Nếu anh mày còn ở đây thì nó sẽ…” Tôi đã ngày càng ghét cái tên của anh ấy. Trong suốt thời gian tích tụ dẫn đến vụ trục xuất cưỡng chế của tôi khỏi dòng họ Frobisher, luôn luôn là “Mày làm hổ thẹn ký ức về Adrian!” Không bao giờ tha thứ cho ông bà bô vì điều đó. Vào lần tiễn đưa cuối cùng của chúng tôi vào một buổi chiều thu mưa phùn lất phất ở Audley End, Adrian mặc quân phục, ông bô ôm chặt anh ấy. Những ngày vẫy cờ reo hò đã qua lâu rồi – sau đó có tin lực lượng quân cảnh sẽ hộ tống các tân binh đến Dunkirk để ngăn ngừa đào ngũ hàng loạt. Tất cả những anh chàng Adrian đó đã bị nhồi nhét như cá mòi trong các nghĩa trang khắp miền đông Pháp, tây Bỉ, và nhiều nữa. Chúng ta đã rút bài từ một bộ bài gọi là bối cảnh lịch sử – thế hệ chúng ta rút được những quân mười, Bồi và Đầm, Sixsmith ạ. Adrian rút nhằm những quân ba, bốn và năm. Thế thôi.
Tất nhiên, “Thế thôi” không bao giờ chỉ có thế. Những lá thư của Adrian chứa đựng âm thanh đầy ám ảnh. Người ta có thể bịt mắt nhưng không thể bịt tai. Tiếng rệp lách tách trong kẽ hở; tiếng chuột chút chít; tiếng xương gãy răng rắc vì trúng đạn; tiếng tạch tạch của súng máy; tiếng rền vang của những vụ nổ từ xa, ánh chớp của những vụ nổ gần hơn; tiếng đá rơi trúng mũ nồi; tiếng ruồi vo ve trên những vùng đất không người vào mùa hè. Những lá thư về sau có thêm tiếng thét của ngựa; tiếng nứt nẻ của bùn lầy đóng băng; tiếng vo ve của máy bay; xe tăng ngọ nguậy trong đống bùn; những người bị đoạn chi khi thuốc mê đã tan; tiếng bùng lên của súng bắn lửa; tiếng lép nhép của lưỡi lê đâm vào cổ. Âm nhạc châu Âu hoang dã đê mê, bị ngắt quãng bởi những khoảng lặng dài.
Tự hỏi anh tôi có thích cả nam lẫn nữ không, hay chỉ mình tôi có cái thói này. Không biết khi chết anh ấy có vẫn còn là trai tân hay không. Nghĩ đến những binh sĩ này, nằm với nhau, sợ sệt, sống động; lạnh lẽo, đã chết. Dọn dẹp bia mộ của B. W. Froames rồi đi ra cổng. Thế đấy, nhiệm vụ của tôi vốn đã lường trước là công cốc mà. Người thu tiền đang ngồi vờn ngón tay, chẳng nói gì. Morty Dhondt đến đón tôi đúng boong giờ và chúng tôi lại lăn bánh trở về với văn minh nhân loại, ha.
Băng qua một nơi gọi là Poelkapelle hay đại loại thế, xuôi một đại lộ giữa hai hàng cây du kéo dài bất tận. Dhondt chọn đường thẳng này để đẩy chiếc Bugatti đi nhanh hết tốc lực. Những cây du riêng lẻ nhòe nhoẹt hòa vào nhau thành một cây duy nhất lặp đi lặp lại đến vô tận, như con vụ. Đầu nhọn của con vụ đang quay ở tốc độ tối đa thì một hình thù trông như một mụ điên chạy ra trước mặt chúng tôi – bà ta đập vào kính chắn gió rồi lăn lông lốc qua phía trên đầu chúng tôi. Tim đập như súng nổ, tôi thề! Dhondt phanh xe, con đường nghiêng bên này ngả bên kia, lốp xe gào thét và đốt cháy không khí bằng cao su nóng. Chúng tôi đã cạn hết vô tận rồi. Răng tôi cắn ngập lưỡi. Nếu phanh xong chiếc Bugatti không tiếp tục trôi dọc theo con đường, thì chúng tôi đã chấm dứt chuyến đi – nếu không muốn nói là mạng sống của mình – trong tư thế ôm cây du rồi. Chiếc xe cày nát mặt đường trước khi dừng lại. Dhondt và tôi nhảy ra rồi chạy ngược lại – và thấy một con gà lôi khổng lồ, đang đập loạn xạ đôi cánh gãy. Dhondt buông một lời nguyền rủa phức tạp bằng tiếng Sanskrit hay gì đấy, rồi chốt bằng một tiếng ha! nhẹ nhõm vì đã không gây thiệt mạng cho người nào đó, nhưng tiếng ha! cũng thể hiện sự mất tinh thần vì đã giết một cái gì đó. Mất hết khả năng nói chuyện, tôi dùng khăn mùi soa thấm máu trên lưỡi. Đề nghị giúp con vật tội nghiệp chấm dứt khổ đau. Dhondt trả lời bằng một câu thành ngữ có vẻ cố ý làm cho ngu ngốc: “Với những món đã định sẽ lên mâm, nước xốt không phải là mối bận tâm.” Ông ta quay về cố gắng vỗ về chiếc Bugatti sống lại. Không hiểu được ý nghĩa câu nói, nhưng vẫn tiến đến con gà lôi, khiến nó càng đập cánh tuyệt vọng hơn. Những chiếc lông ức trước ngực nó đã thấm máu trộn lẫn với phân. Nó khóc, Sixsmith ạ, hệt như một đứa bé hai ngày tuổi. Ước gì tôi có một khẩu súng. Bên vệ đường có một hòn đá to bằng nắm tay. Tôi nện nó xuống đầu con gà lôi. Không dễ chịu – không hề giống việc bắn một con chim, không giống chút nào.
Lau sạch máu, dùng lá cây chút chít hái từ vệ đường. Dhondt đã làm cho chiếc xe chạy lại, tôi nhảy lên và chúng tôi lái xe đến ngôi làng gần nhất. Một nơi, theo như tôi hiểu, không có tên, nhưng có một quán cà phê kiêm garage kiêm công ty mai táng thảm hại được chia sẻ bởi một nhóm người địa phương kiệm lời và bầy ruồi muỗi bay lượn trong không khí như những thiên sứ thần chết phê thuốc. Cú phanh mạnh đã làm lệch trục bánh xe trước chiếc Bugatti, vì thế M.D. nghỉ lại đây để sửa chữa. Chúng tôi ngồi ngoài trời ở rìa một “quảng trường”, trong thực tế là một cái ao đầy bùn sỏi với một bệ tượng mọc lên ngay giữa rốn, người được dựng tượng từ lâu đã bị đun chảy để làm đạn. Vài đứa trẻ cáu bẩn đuổi bắt một con gà mái béo duy nhất ở vùng đồng quê này qua quảng trường – nó bay lên bệ tượng. Bọn trẻ bắt đầu ném đá vào con vật. Thắc mắc ai là chủ của con gà. Tôi hỏi ông chủ quầy bar trước đây ai đã đứng trên bệ tượng ấy. Ông ta không biết, ông ta ra đời ở miền nam. Ly của tôi rất bẩn, vì thế tôi bảo ông ta thay ly khác. Ông ta phật ý và thế là ít nói hẳn từ lúc đấy trở đi.
M.D. hỏi thăm tôi về chuyến đi viếng nghĩa trang Zonnebeke. Không trả lời hẳn hoi. Con gà lôi nham nhở máu me cứ hiện ra trước mắt tôi. Hỏi M.D. đã trải qua chiến tranh ở đâu. “Ồ, cậu biết đấy, đi làm ăn mà.” Ở Bruges ư? tôi hỏi, ngạc nhiên, khó mà hình dung một thương gia kim cương người Bỉ lại có thể ăn nên làm ra dưới sự chiếm đóng của Hoàng đế Đức. “Chúa ơi, không phải,” M.D. đáp, “Johannesburg. Bà nhà và tôi rời khỏi đây trong thời gian đó.” Tôi khen cho tầm nhìn xa của ông ta. Ông ta giải thích, một cách khiêm tốn, “Các cuộc chiến tranh không bao giờ đột ngột nổ ra mà không có một cảnh báo nào. Chúng bắt đầu từ những đám cháy nhỏ ở đường chân trời. Chiến tranh đến gần. Một người thông thái nhìn thấy khói và chuẩn bị sơ tán khu mình ở, giống như Ayrs và Jocasta vậy. Cái tôi lo là cuộc chiến tiếp theo sẽ rất lớn, sẽ chẳng còn sót lại nơi nào có một nhà hàng tử tế nữa cả.”
Ông ta chắc chắn một cuộc chiến khác sẽ đến?
“Luôn luôn có một cuộc chiến khác sắp đến, Robert ạ. Chúng không bao giờ bị dập tắt hẳn. Cái gì làm chiến tranh bùng phát? Ý chí cầm quyền, cốt lõi của bản chất con người. Mối đe dọa bạo lực, nỗi lo sợ bạo lực, hay chính bạo lực, là công cụ của ý chí đáng sợ này. Cậu có thể thấy ý chí cầm quyền trong phòng ngủ, nhà bếp, xí nghiệp, liên đoàn và biên giới của các quốc gia. Hãy lắng nghe điều này và ghi nhớ. Nhà nước toàn quyền chỉ thuần túy là bản chất con người bị thổi phồng lên ở cấp độ khổng lồ. Do đó, nhà nước là những chủ thể mà luật pháp được viết ra bởi bạo lực. Nó đã là như thế, và sẽ mãi là như thế. Robert ạ, chiến tranh là một trong hai bạn đồng hành vĩnh cửu của nhân loại.”
Vậy người bạn còn lại là gì, tôi hỏi.
“Kim cương.” Một người hàng thịt khoác chiếc tạp dề dính máu chạy băng qua quảng trường, và bọn trẻ tản hết ra. Giờ đây ông ta phải dụ con gà xuống khỏi bệ tượng.
Còn Hội Quốc Liên? Tất nhiên ngoài chiến tranh các quốc gia đều biết đến luật pháp chứ? Còn ngoại giao thì sao?
“À, ngoại giao,” M.D. đáp, bằng khẩu khí quen thuộc, “nó lau dọn những đổ nát của chiến tranh, hợp thức hóa các kết quả; cho nước mạnh phương tiện để áp đặt ý chí lên nước yếu hơn, trong khi vẫn giữ lại những đội tàu và tiểu đoàn của mình để đối phó với các đối thủ nặng ký hơn. Chỉ những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những kẻ ngu lâu khó chữa và đàn bà mới xem ngoại giao là sự thay thế dài hạn cho chiến tranh.”
Tôi tranh luận rằng theo quan điểm phản chứng của M.D. thì khoa học tạo ra các phương tiện chiến tranh ngày càng đẫm máu cho đến khi quyền lực hủy diệt lấn át quyền lực sáng tạo và nền văn minh của chúng ta tự đẩy nó đến diệt vong. M.D. tiếp nhận sự phản đối của tôi với một thái độ vui vẻ châm biếm. “Chính xác. Ý chí cầm quyền của chúng ta, khoa học của chúng ta, và chính những khả năng đã nâng chúng ta từ khỉ lên người hoang dã, lên người hiện đại, là những khả năng sẽ bóp chết người hiện đại trước khi thiên niên kỷ này kết thúc! Cậu có thể sẽ còn sống để chứng kiến nó xảy ra, con trai may mắn ạ. Đó sẽ là một đoạn dẫn đến cao trào đầy tính giao hưởng, phải không nào?”
Người hàng thịt đi đến hỏi mượn ông chủ quầy bar một cái thang. Phải dừng bút ở đây. Không mở mắt nổi nữa rồi.
Thân ái,
R.F.
===== =====
[70] Món cơm trộn với cá, trứng, hành, bơ.