Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11

Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11

Định mệnh đã giáng lên tôi bi kịch tồi tệ nhất trong hành trình từ trước đến nay! Một bóng ma Cựu Rēkohu đã ném tôi, kẻ chỉ có một mong mỏi duy nhất là được yên tĩnh & tự do làm theo ý mình, vào gông cùm của sự ngờ vực & thị phi! Nhưng tôi chẳng phạm phải tội lỗi nào, ngoài đức tin Cơ đốc giáo & vận đen không dứt! Một tháng đã trôi qua kể từ khi chúng tôi khởi hành từ New South Wales khi tôi viết dòng nhật ký đầy lạc quan này, “Tôi mong đợi một hành trình yên bình & tẻ nhạt.” Thật là một câu phũ phàng! Tôi mãi không bao giờ quên mười tám giờ vừa qua, nhưng vì tôi không tài nào chợp mắt hoặc suy nghĩ (& Henry thì đã đi ngủ rồi) nên cách duy nhất để trốn cơn mất ngủ lúc này là nguyền rủa Vận may của mình trên những trang giấy thân thương này.

Tối qua tôi về lại cái hộp quan tài của mình với tâm trạng mệt rã rời. Sau khi cầu nguyện, tôi thổi tắt đèn & đang từ từ chìm vào giấc ngủ trong vô vàn âm thanh của con tàu. Chợt một giọng khàn khàn, ở trong buồng của tôi!, khiến tôi choàng tỉnh, mở trừng trừng hai mắt & kinh hãi tột độ! “Ông Ewing,” giọng nói thì thầm cầu khẩn, “Xin đừng sợ – ông Ewing – không hại, không la, làm ơn, thưa ông.”

Tôi ngồi bật dậy & va đầu vào vách ngăn. Trong tia sáng từ ánh đèn vàng tù mù xuyên qua khung cửa tạm bợ & ánh sao qua lỗ cửa sổ, tôi thấy một cuộn dây cáp dài như con rắn mở ra & một hình hài màu đen chui ra như cương thi ở nghĩa trang! Một bàn tay chắc nịch lướt qua bóng đêm & bịt chặt miệng tôi trước khi tôi kịp thét lên! Kẻ tấn công rít lên, “Ông Ewing, không hại, ông an toàn, tôi bạn của ông D’Arnoq – ông biết ông ấy đạo Thiên Chúa – làm ơn, im lặng!”

Cuối cùng, lý lẽ đã chống lại nỗi sợ hãi của tôi. Một con người, không phải hồn ma, đã ẩn nấp trong phòng tôi. Nếu hắn muốn cắt cổ tôi để cướp mũ, giày & thùng hồ sơ giấy tờ của tôi, thì tôi đã toi mạng từ lâu. Nếu hắn định đi tàu lậu, thì hắn chứ không phải tôi, sắp tàn đời rồi. Từ ngôn ngữ thô lậu của hắn, thân hình mảnh dẻ & mùi cơ thể hắn, tôi đoán kẻ đi tàu lậu là một thổ dân, một mình trên một chiếc tàu với năm mươi người da trắng. Tốt lắm. Tôi gật đầu, chậm rãi, để ra hiệu tôi sẽ không hét lên.

Bàn tay thận trọng rời khỏi miệng tôi. “Tên tôi là Autua,” hắn nói. “Ông biết tôi, ông đã thấy tôi, vâng – ông thương hại tôi.” Tôi hỏi hắn đang nói gì. “Người Maori đánh tôi – ông thấy.” Trí nhớ tôi vượt qua sự kì lạ của tình huống hiện thời & tôi nhớ đến người Moriori bị “Vua Thằn Lằn” đánh bằng roi. Điều này làm hắn vui lên. “Ông người tốt – ông D’Arnoq nói ông người tốt – ông ấy giấu tôi trong buồng ông tối hôm qua – tôi trốn – ông giúp, ông Ewing.” Lúc này một tiếng rên phát ra từ miệng tôi! & bàn tay hắn lại bịt chặt miệng tôi. “Nếu ông không giúp – tôi gặp nguy chết.”

Đúng là vậy đấy, tôi nghĩ, không những vậy mi sẽ lôi ta chết theo, nếu ta không thuyết phục được thuyền trưởng Molyneux về sự vô tội của ta! (Tôi giận sôi người trước hành động của D’Arnoq & lúc này đây vẫn còn sôi sục. Có giỏi thì ông ta đi mà cứu những “người tốt” & để cho những người qua đường vô tội được yên thân!) Tôi nói với kẻ đi tàu lậu rằng hắn đã “gặp nguy chết” rồi. Tàu Prophetess là một chiếc tàu chở hàng, không phải là một “đường sắt ngầm” cho những tên nô lệ được giải cứu.

“Tôi làm được thủy thủ!” gã da đen khẳng định. “Tôi từng đi biển!” Rất tốt, tôi bảo hắn (nghi ngờ trước việc hắn tự nhận là thủy thủ nhà nòi), & nói hắn nên trình báo với thuyền trưởng ngay để hưởng khoan hồng. “Không! Họ không nghe tôi!Bơi về nhà đi, thằng mọi! , họ nói, & ném tôi xuống nước! Ông luật sư phải không? Ông đi, ông nói, tôi ở lại, tôi nấp! Làm ơn. Thuyền trưởng nghe ông, ông Ewing. Làm ơn.”

Tôi tìm cách thuyết phục hắn trong tuyệt vọng, không có kẻ trung gian nào bị ghẻ lạnh trong triều đình của thuyền trưởng Molyneux hơn gã người Mỹ Adam Ewing này. Chuyến mạo hiểm của gã người Moriori là của riêng hắn & tôi chẳng muốn dự phần vào chút nào. Bàn tay hắn tìm thấy bàn tay tôi & trong sự khiếp đảm của tôi, khép các ngón tay tôi quanh cán một con dao găm. Mệnh lệnh của hắn dứt khoát & rõ ràng. “Vậy thì giết tôi đi.” Với một sự bình tĩnh & quả quyết đáng sợ, hắn ấn mũi dao vào cổ họng mình. Tôi nói với gã thổ dân rằng hắn điên rồi. “Tôi không điên, ông không giúp tôi, ông giết tôi, cũng vậy. Đúng thế, ông biết mà.” (Tôi nài nỉ hắn kiềm chế & nói nhỏ giọng). “Vậy hãy giết tôi. Nói với người khác là tôi tấn công ông, nên ông giết tôi. Tôi không làm mồi cho cá đâu, ông Ewing. Chết ở đây tốt hơn.”

Nguyền rủa lương tâm của mình một, số mệnh của mình hai & ông D’Arnoq ba, tôi bảo hắn hãy bỏ dao xuống & vì Chúa hãy trốn đi nếu không ai đó trong thủy thủ đoàn sẽ nghe thấy và đến gõ cửa. Tôi hứa sẽ gặp thuyền trưởng vào buổi ăn sáng ngày mai, vì giờ này mà quấy rầy giấc ngủ của ông ta thì tôi chắc chắn sẽ toi mạng. Điều này vừa ý kẻ đi tàu lậu & hắn cám ơn tôi. Hắn trườn vào trong cuộn dây cáp, để lại tôi với một nhiệm vụ gần như bất khả thi, đó là dựng lên một câu chuyện cho một tên thổ dân đi lậu tàu, trên một chiếc tàu Anh, mà không làm cho người phát hiện & bạn cùng buồng với hắn bị buộc tội đồng lõa. Hơi thở của gã thổ dân cho tôi biết hắn đã ngủ. Tôi trỗi lên ý định lao ra cửa & kêu cứu, nhưng trong mắt Chúa tôi là người giữ chữ tín, ngay cả với một thổ dân.

Tiếng động chối tai của những thanh gỗ bị gãy, cột buồm nghiêng ngả, dây thừng căng ra, vải buồm phần phật, tiếng bước chân trên boong, dê kêu be be, chuột chạy táo tác, tiếng máy bơm lạch cạch, tiếng chuông đồng hồ, tiếng hò hét & cười đùa từ buồng thủy thủ, tiếng ra lệnh, bài hò kéo trục quay & những âm thanh từ vương quốc bất tận của Nữ thần biển cả; tất cả ru tôi vào giấc ngủ trong lúc tôi đang tính toán cách nào tốt nhất để thuyết phục thuyền trưởng Molyneux về sự vô tội của tôi trong âm mưu của ông D’Arnoq (bây giờ tôi phải thận trọng hơn bao giờ hết để quyển nhật ký này không bị những cặp mắt thiếu thân thiện đọc được) thì bất thình lình một giọng the thé hét lên, bắt đầu từ xa xa nhưng nhanh chóng tiến lại gần với tốc lực của đầu đạn, rồi tắt hẳn chỗ boong tàu, ở phía trên cách nơi tôi nằm chỉ vài phân.

Thật là một kết cục khủng khiếp! Tôi nằm sấp, hốt hoảng & cứng đờ, quên cả thở. Tiếng la hét vang lên khắp xa gần, tiếng chân chạy & một tiếng gào “Gọi bác sĩ Goose!”.

“Kẻ đáng thương rơi từ khoang buộc tàu, chết rồi.” Gã thổ dân thì thầm khi tôi vội vã đi ra ngoài xem chuyện lộn xộn gì ngoài đó.“Ông không thể gì hết, ông Ewing.” Tôi ra lệnh cho hắn trốn kĩ & nhanh chân đi ra. Tôi tưởng tượng kẻ đi tàu lậu cảm thấy tôi muốn dùng tai nạn này để phản bội hắn.

Thủy thủ đoàn đứng xung quanh một người đàn ông nằm sấp ở chân cột buồm. Trong ánh đèn măng sông lắc lư, tôi nhận ra đó là một người Castile. (Tôi thừa nhận tâm trạng đầu tiên của mình là nhẹ nhõm, vì không phải Rafael mà một người khác đã ngã chết.) Tôi nghe người Iceland nói người chết đã thắng khẩu phần rượu của những đồng hương trong một ván bài & uống hết trước khi đi tuần. Henry đến, vẫn đang mặc đồ ngủ và đem theo chiếc túi bác sĩ. Ông ta quỳ xuống cạnh hình hài méo mó & bắt mạch, nhưng rồi lắc đầu. “Anh bạn này không cần bác sĩ.” Roderick lấy lại đôi ủng & quần áo của người Castile để bán đấu giá & Mankin tìm được một ít vải bao tải loại ba để quấn tử thi. (Lão Boerhaave sẽ trừ tiền vải bao tải vào lợi nhuận thu được từ việc đấu giá.) Các thủy thủ trở về buồng hoặc vị trí của họ trong im lặng, ai cũng buồn bã trước lời nhắc về cuộc sống mong manh này. Henry, Roderick & tôi ở lại để xem những người Castile tiến hành nghi lễ mai táng Cơ đốc giáo của họ dành cho người đồng hương trước khi buộc bao tải lại & thả xác anh ta xuống biển trong nước mắt & những lời tiễn biệt đau thương! “Những người Mỹ Latinh trắc ẩn,” Henry nhận xét, chúc tôi ngủ ngon lần thứ hai. Tôi nóng lòng muốn tiết lộ bí mật về gã thổ dân với ông bạn, nhưng đã ngậm miệng lại để ông ta không bị liên lụy với tội đồng lõa.

Quay về từ cảnh tượng đáng buồn, tôi thấy ánh đèn măng sông le lói trong nhà bếp. Finbar ngủ ở đó “để canh những kẻ ăn cắp vặt”, nhưng ông ấy cũng bị đánh thức bởi sự huyên náo tối hôm đó. Tôi sực nghĩ rằng kẻ đi lậu tàu có thể chưa ăn gì trong một ngày rưỡi rồi, thật đáng sợ quá, vì ai mà biết cái bụng đói có thể xui khiến một tên mọi rợ gây ra hành động ác độc gì chứ? Việc tôi làm có thể sẽ chống lại tôi vào ngày mai, nhưng tôi nói với đầu bếp rằng tôi đang đói đến không ngủ được & (ăn gấp đôi bình thường “vì vào đêm hôm khuya khoắt thế này”) tôi nhận được một đĩa dưa bắp cải, xúc xích & bánh mì cứng như đạn đại bác.

Trở lại bốn bức tường trong buồng, gã mọi rợ cám ơn lòng tốt của tôi & ăn bữa tối khiêm tốn đó như thể đó là Yến tiệc của tổng thống. Tôi không thú nhận động cơ thực sự của mình, đó là, bụng hắn no bao nhiêu thì nguy cơ hắn muốn ăn thịt tôi sẽ giảm đi bấy nhiêu, thay vào đó, tôi hỏi hắn tại sao, trong buổi hành hình bằng roi, hắn lại mỉm cười với tôi. “Nỗi đau rất mạnh, đúng – nhưng đôi mắt của bạn, còn mạnh hơn.” Tôi nói với hắn rằng hắn chẳng biết gì về tôi & tôi cũng chẳng biết gì về hắn. Hắn chĩa hai ngón tay vào mắt mình & vào mắt tôi, như thể cử chỉ đó đã giải thích tất cả.

Gió thổi mạnh hơn khi phiên trực giữa đêm tiếp tục, khiến cho những cột gỗ kêu kẽo kẹt & nước biển dâng cao & tràn vào boong tàu. Không lâu sau nước biển nhỏ vào buồng của tôi, chảy xuống dọc các bức tường & thấm vào lớp chăn. “Lẽ ra ngươi nên chọn một nơi ẩn náu khô ráo hơn chỗ của ta,” tôi thì thầm, để đo độ yếu đuối của kẻ đi tàu lậu. “An toàn tốt hơn khô, ông Ewing,” hắn thì thầm, thận trọng giống tôi. Tôi hỏi tại sao hắn lại bị đánh dã man như vậy lúc ở làng thổ dân? Một sự im lặng kéo dài. “Tôi nhìn thấy quá nhiều trên thế giới rồi, tôi không phải nô lệ tốt.” Để chống cơn buồn nôn trong những giờ phút thê thảm đó, tôi gặng hỏi chuyện đời của kẻ đi tàu lậu. (Hơn nữa, tôi không thể khước từ óc tò mò của mình.) Tiếng Anh “bồi” của hắn chỉ kể lại rời rạc những điểm chính của câu chuyện nên tôi sẽ cố gắng viết lại như sau.

Tàu thuyền của người da trắng đem theo những thăng trầm đến Cựu Rēkohu, như ông D’Arnoq đã kể, nhưng cũng đem đến những tinh hoa. Trong suốt thời niên thiếu đi tàu lậu của mình, Autua khao khát được tìm hiểu thêm về những con người có nước da trắng tái đến từ những nơi mà sự tồn tại của chúng, trong thời ông bà hắn, là cả một vương quốc bí ẩn. Autua nói bố của hắn từng có mặt trong số những người bản địa chạm trán với binh đoàn đổ bộ của thuyền trưởng Broughton ở Vịnh Giao Tranh, & ở tuổi thành niên hắn đã nghe những câu chuyện kể đi kể lại: – về những con “Đại Hải Âu”, bơi qua làn sương mờ buổi sáng; những người hầu có bộ lông sặc sỡ, nối với nhau một cách kì lạ, chèo xuồng vào đất liền, quay lưng lại; về thứ tiếng lắp bắp (một ngôn ngữ loài chim?) của những người hầu – Hải âu này; về hơi thở ra khói của họ; về sự vi phạm nghiêm trọng điều cấm kị không cho người lạ chạm vào xuồng (làm thế sẽ khiến chiếc xuồng bị ám & xem như không dùng để đi biển được, giống như nó đã bị phá hỏng rồi); về những cuộc đấu khẩu; về những “cây gậy quát tháo” mà cơn thịnh nộ của nó có thể giết chết một người ở đầu kia bãi biển; & về tấm vải rực rỡ màu xanh biển, trắng mây & đỏ máu mà những người hầu kéo lên phía trên một chiếc cột trước khi chèo trở lại Đại Hải Âu. (Lá cờ này đã bị tháo xuống & dâng lên tù trưởng. Ông ta quấn nó trên người đầy tự hào cho đến khi bệnh tràng nhạc lấy mạng ông.)

Autua có một người chú, tên là Koche, từng đi trên một chiếc tàu săn hải cẩu Boston, vào khoảng năm 1825. (Kẻ đi tàu lậu không nhớ chính xác ông ta bao nhiêu tuổi.) Người Moriori là những thủy thủ đắt giá trên các chuyến tàu đó, vì ngoài tài võ nghệ, người Rēkohu nổi danh nhờ tài săn hải cẩu & bơi lội cừ khôi. (Thêm một ví dụ nữa, để lấy được vợ, một thanh niên phải lặn xuống đáy biển & nổi lên với mỗi tay một con tôm & con thứ ba ngậm trong miệng.) Cũng cần nói thêm là, những người Polynesia mới được phát hiện trở thành miếng mồi dễ dàng cho những tay thuyền trưởng vô lương tâm. Chú Koche của Autua quay về sau năm năm, mặc quần áo của pakeha, đeo khuyên tai, một túi nhỏ Mỹ kim & đồng réal, có những thói quen kì lạ (“thở ra khói” nằm trong số đó), những câu văng tục & những chuyện kể về các thành phố & cảnh trí quá đỗi kỳ dị không bao giờ phát ra từ miệng một người Moriori.

Autua thề sẽ lên con tàu kế tiếp rời khỏi Vịnh Đại Dương & tận mắt nhìn ngắm những nơi kì lạ xa xôi. Chú hắn thuyết phục một thuyền phó hai trên một chiếc tàu săn cá voi Pháp để đưa cậu bé mười tuổi (?) Autua đi cùng học việc. Trong sự nghiệp đi biển sau đó của người Moriori, hắn đã nhìn thấy dãy băng hà ở Nam Cực, những con cá voi biến thành những tiểu đảo đầy máu, rồi thành những thùng dầu cá voi; ở vùng biển Encantadas xám xịt lặng gió, hắn săn những con rùa khổng lồ; ở Sydney, hắn nhìn thấy những tòa nhà sừng sững, công viên, xe ngựa & quý bà đội mũ bê-rê & những phép màu của văn minh; hắn vận chuyển thuốc phiện từ Calcutta đến Quảng Châu; sống sót qua bệnh lị ở Batavia; mất nửa cái tai trong một trận ẩu đả với người Mễ trước đền thờ ở Santa Cruz, sống sót sau một vụ đắm tàu ở Mũi Sừng & nhìn thấy Rio de Janeiro, dù không bước chân lên bờ; & ở bất kỳ đâu hắn đều quan sát thấy sự tàn nhẫn thường nhật mà những chủng tộc có màu da sáng hơn dành cho màu da đậm hơn.

Autua trở về vào mùa hè năm 1835, một thanh niên biết nhiều hiểu rộng ở độ tuổi chừng hai mươi. Hắn định cưới một cô gái bản địa & xây một ngôi nhà & khai khẩn ít đất đai nhưng, như ông D’Arnoq đã kể, vào đông chí năm đó, toàn bộ những người Moriori nào không bị sát hại đều bị biến thành nô lệ của người Maori. Những năm tháng giữa các thủy thủ đoàn thuộc đủ mọi quốc tịch của kẻ mới trở về cũng chẳng giúp Autua được nâng giá trong con mắt những kẻ xâm lược. (Tôi nhận thấy sự trở về của con người dày dạn phong sương này thật là không đúng lúc. “Không, ông Ewing, Rēkohu gọi tôi về nhà, để tôi nhìn thấy cái chết của nó để tôi biết,” hắn gõ vào đầu, “sự thật.”)

Ông chủ của Autua là người Maori xăm hình thằn lằn, Kupaka, kẻ đã nói với những nô lệ khiếp sợ & suy sụp rằng y đến để tẩy uế họ khỏi những thánh thần giả mạo (“Thánh thần các ngươi có cứu các ngươi không?” Kupaka chế giễu); ngôn ngữ vẩn đục của họ (“Cán roi của ta sẽ dạy các ngươi tiếng Maori nguyên gốc!”); dòng máu nhiễm tạp của họ (“Quan hệ đồng huyết đã làm loãng mana nguyên gốc của các ngươi!”). Từ đó trở đi hôn nhân giữa người Moriori với nhau bị cấm đoán & bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra từ đàn ông Maori với phụ nữ Moriori đều được tuyên bố là người Maori. Những người vi phạm buổi ban đầu bị hành quyết rất dã man & những người sống sót thì sống trong cảnh nín lặng dưới sự nô dịch tàn nhẫn. Autua khai hoang đất đai, trồng lúa mì & nuôi lợn cho Kupaka đến khi giành được đủ sự tin cậy để bỏ trốn. (“Những nơi bí mật trên Rēkohu thưa ông Ewing, thung lũng nhỏ, hầm bẫy, hang sâu trong Rừng Motoporoporo, rất rậm rạp, không con chó nào đánh hơi ra.” Tôi tưởng tượng mình rơi xuống một nơi bí mật như thế.)

Một năm sau hắn bị bắt lại, nhưng số nô lệ người Moriori lúc bấy giờ còn lại quá ít nên không thể tùy tiện sát hại. Những người Maori giai cấp thấp cũng phải lao động cùng các nông nô dù đây là điều họ ghét cay ghét đắng. “Chúng tôi rời bỏ đất đai tổ tiên ở Aotearoa để nhận lại cái nơi sỏi đá thảm hại này hay sao?” họ than vãn.) Autua bỏ trốn một lần nữa & trong nỗ lực tìm tự do lần thứ hai, hắn được ông D’Arnoq cho lánh nạn vài tháng mà không gây rủi ro về sau. Trong thời gian lẩn trốn này Autua đã được rửa tội & trở thành con chiên của Chúa.

Người của Kupaka lùng ra kẻ đào tẩu sau một năm & sáu tháng, nhưng lần này gã tộc trưởng khôn ngoan đã tỏ thái độ tôn trọng đối với tín ngưỡng của Autua. Sau trận roi phạt thừa sống thiếu chết, Kupaka giao cho tên nô lệ nhiệm vụ đánh cá để phục vụ bữa ăn của y. Autua trải qua một năm làm việc cho Kupaka cho đến một buổi chiều, khi hắn thấy một con cá moeeka hiếm gặp giãy giụa trong lưới. Hắn nói với vợ của Kupaka rằng vua của các loài cá này chỉ dành riêng cho vua của loài người & chỉ cho bà ta cách nấu ăn cho chồng. (“Con cá moeeka này độc lắm lắm, ông Ewing ạ, cắn một miếng, ông ngủ, ông không dậy nữa.”) Trong bữa ăn tối hôm đó, Autua lẻn ra khỏi khu trại, trộm chiếc xuồng của chủ & chèo qua vùng biển động tối om đến đảo hoang Pitt, cách đảo Chatham hai hải lý về phía nam (tiếng Moriori gọi là “Rangiauria” & được tôn thờ như cái nôi sinh ra loài người.)

Vận may đã mỉm cười với kẻ đi tàu lậu, vì hắn đã cập bến an toàn lúc bình minh khi một cơn gió mạnh thổi qua & không có chiếc xuồng nào đuổi theo. Autua sống được trên Vườn địa đàng này của Polynesia nhờ ăn cần tây dại, cải xoong, trứng, dâu dại, một con lợn rừng con tình cờ bắt được (hắn chỉ dám liều nhóm lửa khi đêm tối hoặc có sương mù) & ý nghĩ rằng ít nhất Kupaka đã bị trừng trị đích đáng. Sự cô độc có quá sức chịu đựng của hắn không? “Buổi tối, tổ tiên đến thăm. Ban ngày, tôi kể chuyện của Maui với chim chóc, & chim chóc kể chuyện biển cả với tôi.”

Kẻ đào tẩu sống như thế qua nhiều con trăng, cho đến tháng Chín năm ngoái, khi một cơn gió mùa đông đánh vỡ tàu săn cá voi Eliza từ Nantucket trên Bãi đá ngầm đảo Pitt. Mọi người đều chết đuối, ngoại trừ Walker, hăm hở trước ý nghĩ kiếm tiền dễ dàng, đã bơi qua eo biển để đi tìm thổ dân trên đảo. Khi thấy dấu hiệu có người sinh sống & thấy chiếc xuồng cũ của Kupaka (mỗi chiếc xuồng đều được trang trí bằng những hình chạm trổ riêng) gã biết đã tìm thấy kho báu mà những người hàng xóm Maori của gã sẽ quan tâm. Hai ngày sau, một nhóm tìm kiếm lớn chèo thuyền đến đảo Pitt từ đất liền. Autua ngồi trên bãi biển & nhìn thấy họ đến, chỉ ngạc nhiên khi thấy kẻ thù cũ của hắn, Kupaka, đã già nhưng vẫn còn sống & hô hào lệnh chiến.

Người bạn cùng buồng không mong đợi của tôi kết thúc chuyện kể. “Con chó háu đói của tên khốn ấy đã ăn vụng moeeka trong nhà bếp của y & chết tốt, còn gã người Maori thì không. Đúng, Kupaka đã đánh roi tôi, nhưng y đã già & ở xa nhà & manacủa y trống rỗng & bị bỏ đói. Người Maori sống bằng chiến tranh & báo thù & thù hận, nhưng hòa bình giết chết họ. Nhiều người đã quay lại Tân Tây Lan. Kupaka không thể đi, đất của y không còn nữa. Rồi tuần trước, ông Ewing ạ, tôi thấy ông & tôi biết, ông cứu tôi, tôi biết.”

Người trực ca sáng gõ bốn tiếng chuông & lỗ cửa sổ trong buồng hé lộ một buổi bình minh mưa tầm tã. Tôi chợp mắt một chút, nhưng những lời cầu nguyện của tôi rằng bình minh sẽ làm gã người Moriori biến mất đã không được đoái hoài. Tôi dặn hắn giả vờ rằng hắn chỉ mới tiết lộ về mình & không đề cập gì đến cuộc nói chuyện tối qua. Hắn tỏ dấu hiệu hiểu, nhưng tôi lo sợ điều tồi tệ nhất: trí khôn của một thổ dân không thể nào sánh với trí khôn của Boerhaave.

Tôi bước lên cầu tàu đến phòng ăn của các chỉ huy tàu ( Prophetessđang lắc lư như một con ngựa non chưa thuần hóa), gõ cửa & bước vào. Roderick & Boerhaave đang lắng nghe thuyền trưởng Molyneux. Tôi hắng giọng & cất lời chào buổi sáng tốt lành đến mọi người, để nhận lại câu văng tục từ vị thuyền trưởng khả kính, “Ông có thể làm cho buổi sáng của tôi tốt lành hơn bằng cách cút mẹ đi, ngay lập tức!”

Tôi bình tĩnh hỏi khi nào thì thuyền trưởng có thời gian nghe tin về một gã thổ dân đi tàu lậu vừa chui ra từ đống dây cáp và hiện đang chiếm giữ “cái gọi là buồng của tôi.” Trong khoảng im lặng tiếp theo đó, làn da trắng tái như da cóc của thuyền trưởng Molyneux chuyển sang đỏ ửng như thịt bò nướng. Trước khi ông ta nổi cơn thịnh nộ, tôi nói thêm rằng kẻ đi tàu lậu tự nhận giỏi đi biển & xin được làm việc trên tàu.

Boerhaave chặn trước lời thuyền trưởng với cáo buộc như tôi dự đoán & đe dọa, “Trên tàu hàng của Hà Lan kẻ nào chứa chấp người đi lậu sẽ chịu chung số phận!” Tôi nhắc lão người Hà Lan nhớ rằng chúng tôi đang đi trên một chiếc tàu cắm cờ Anh & giải thích với lão, nếu tôi giấu kẻ đi tàu lậu trong đống dây cáp, thì việc gì tôi phải nói đi nói lại kể từ tối thứ Năm để họ dời đống dây cáp đi nơi khác, làm vậy chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”? Mũi tên trúng đích này khiến tôi phấn chấn hơn & tôi cam đoan với thuyền trưởng Molyneux rằng kẻ đi tàu lậu từng được rửa tội đã tìm đến giải pháp cực đoan này để ông chủ người Maori, kẻ từng thề sẽ ăn gan uống máu gã nô lệ (tôi rắc thêm một chút “gia vị” trong lời kể của mình), không trả thù người đã cứu mạng hắn.

Lão Boerhaave văng tục, “Vậy thằng mọi chết giẫm này muốn bọn ta biết ơn nó hay sao?” Không, tôi đáp, gã người Moriori chỉ xin một cơ hội để chứng tỏ giá trị của hắn với tàu Prophetess. Lão Boerhaave phọt ra, “Đi lậu là đi lậu, ngay cả khi nó ỉa ra bạc đi nữa! Nó tên gì?” Tôi không biết, tôi đáp, vì tôi chưa kịp hỏi hắn mà đến thẳng đây để gặp thuyền trưởng. Cuối cùng thuyền trưởng Molyneux cũng lên tiếng. “Ông nói nó là thủy thủ hạng nhất hả?” Cơn thịnh nộ của ông ta đã lắng dịu trước viễn cảnh có thêm một tay được việc mà không tốn một xu. “Thổ dân à? Nó từng đi biển ở đâu?” Tôi nhắc lại, hai phút là không đủ để biết về thân thế hắn, nhưng bản năng tôi mách bảo hắn là người thành thật.

Thuyền trưởng vuốt râu. “Ông Roderick, hãy đi cùng hành khách chúng ta & bản năng ông ta & đưa kẻ mọi rợ ấy đến cột buồm phía lái.” Ông ta ném một chiếc chìa khóa cho thuyền phó. “Ông Boerhaave, làm ơn đưa tôi cây súng bắn chim.”

Thuyền phó hai & tôi làm theo. “Việc này liều lĩnh đây,” Roderick cảnh báo tôi. “Pháp lệnh duy nhất trên Prophetess là Chiếc roi của thuyền trưởng.” Một pháp lệnh khác có tên gọi là “Lương tâm” được tuân theo bất cứ nơi nào Chúa nhìn thấy, tôi đáp. Autua đang đợi phiên xử của hắn, mặc chiếc quần vải bông mà tôi mua ở Cảng Jackson (khi trèo lên từ thuyền của ông D’Arnoq, hắn quấn mỗi mảnh xà rông & đeo một sợi dây chuyền xỏ nanh cá mập). Lưng hắn để trần. Tôi hi vọng những vết rách chằng chịt trên lưng hắn sẽ làm chứng cho sự kiên cường của hắn & làm người đối diện cảm thấy xót xa.

Lũ “chuột” nấp sau rèm nhanh chóng lan truyền tin tức của vụ việc & hầu hết thủy thủ đoàn đã tề tựu đông đủ trên boong. (Đồng minh Henry vẫn đang ngủ, không hay biết gì về cảnh ngộ của tôi.) Thuyền trưởng Molyneux nhìn gã người Moriori đầy dò xét như đang kiểm tra một con la & nói với hắn: “Ông Ewing đây, người không hề biết mày lên tàu của tao như thế nào, nói rằng mày tự nhận là dân đi biển.”

Autua trả lời với thái độ đĩnh đạc & tự trọng. “Vâng, thưa thuyền trưởng, hai năm trên tàu săn cá voi Mississippi của Le Havre dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Maspero, & bốn năm trên tàu Cornucopia của Philadelphia dưới quyền thuyền trưởng Caton, ba năm trên tàu Ấn Độ…”

Thuyền trưởng Molyneux ngắt lời & chỉ vào chiếc quần của Autua. “Mày trộm chiếc quần này ở dưới boong hả?” Autua ý thức được rằng bản thân tôi cũng đang bị xét hỏi. “Quý ông Thiên chúa giáo đó cho tôi, thưa ông.” Thủy thủ đoàn nhìn theo ngón tay của kẻ đi lậu chỉ về phía tôi, & lão Boerhaave chĩa tay hỏi. “Ông ta cho à? Món quà này được tặng khi nào?” (Tôi nhớ đến câu cách ngôn của bố vợ, “Để lừa một quan tòa, hãy bịa chuyện, nhưng để bịp cả một phiên tòa, hãy làm ra vẻ phớt đời,” & tôi giả vờ dụi mắt vì bụi.) Autua trả lời với ý thức tuyệt vời. “Mười phút trước, thưa ông, tôi, không quần áo, ông ấy nói, trần truồng không tốt, mặc cái này.”

“Nếu mày là dân đi biển,” thuyền trưởng của chúng tôi chĩa ngón cái lên, “thì hãy cho chúng tao xem mày hạ buồm ở cột buồm giữa này xuống.” Khi đó, kẻ đi lậu lộ vẻ lưỡng lự & lúng túng & tôi cảm thấy món cược điên rồ mà mình đã đặt trên lời nói của gã thổ dân này đang đập lại tôi, nhưng Autua đã nhận ra cái bẫy. “Thưa ông, đây đâu phải là cột buồm giữa, đây là cột buồm lái mà, đúng không?” Thuyền trưởng Molyneux điềm tĩnh gật đầu. “Vậy thì hãy hạ buồm của cột buồm lái.”

Autua leo lên cột buồm & tôi bắt đầu hi vọng mọi việc mình làm không bỏ sông bỏ biển. Mặt trời mới nhú chiếu xuống nước & khiến chúng tôi nheo mắt. “Hãy sẵn sàng & nhắm,” thuyền trưởng ra lệnh cho Boerhaave, khi kẻ đi lậu đã trèo qua khỏi mép buồm áp lái, “bắn theo lệnh của ta!”

Lúc này tôi dùng hết sức bình sinh để phản đối, gã thổ dân đã nhận lễ ban phước thánh, nhưng thuyền trưởng ra lệnh cho tôi câm miệng, nếu không thì tự mà bơi về quần đảo Chatham. Không một thuyền trưởng người Mỹ nào lại giết người, ngay cả người da đen, một cách ghê tởm đến thế! Autua lên đến trục căng buồm cao nhất & đi trên đó khéo léo như khỉ mặc dù biển đang động mạnh. Nhìn cánh buồm mở ra, một trong những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm trên tàu, một người Iceland nghiêm nghị & chăm chỉ, tỉnh táo & sốt sắng, thốt lên đầy nể phục. “Thằng đen này kì cựu không kém tôi đâu, hắn có ngón chân móc câu đấy!” Tôi biết ơn ông ta đến nỗi muốn quỳ xuống hôn lên ủng của ông ta. Không lâu sau Autua đã hạ được buồm xuống – một thao tác khó khăn ngay cả cho một nhóm bốn người. Thuyền trưởng Molyneux gằn giọng đồng ý & ra lệnh cho lão Boerhaave hạ súng xuống, “Nhưng tôi sẽ đ. trả cho thằng đi lậu một xu nào đâu. Nó sẽ làm việc đến Hạ Uy Di. Nếu nó không trốn việc thì đến đó có thể kí hợp đồng như bình thường. Ông Roderick, cho nó ở phòng của thằng Tây Ban Nha mới chết.”

Tôi đã làm mòn cả một ngòi bút lông ngỗng để thuật lại niềm phấn khích ngày hôm nay. Trời tối quá rồi không còn thấy gì nữa.

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset