Thứ Tư, ngày 13 tháng 11

Thứ Tư, ngày 13 tháng 11

Tôi tìm đến nhật ký của mình như một tín đồ Thiên Chúa giáo tìm đến lễ xưng tội. Các vết bầm trên người chứng tỏ năm giờ kì lạ vừa qua không phải là một ảo ảnh trên giường bệnh do bệnh tình của tôi đem lại, mà là những sự kiện có thật. Tôi sẽ mô tả chuyện gì xảy ra với mình hôm nay, càng sát sự thực càng tốt.

Sáng nay, Henry đến nhà của bà góa Bryden một lần nữa để điều chỉnh thanh nẹp & bôi thêm thuốc đắp. Thay vì ngồi không rảnh rỗi, tôi quyết tâm leo lên một ngọn đồi cao nằm ở phía bắc Vịnh Đại Dương, tên là Mỏm Chóp Nón. Độ cao chót vót của nó hứa hẹn đem lại tầm nhìn tốt nhất về “vùng thôn quê” của đảo Chatham. (Henry, với tuổi đời nhiều hơn tôi, rất thận trọng trước việc lang thang trên những hòn đảo có bộ lạc ăn thịt người sinh sống.) Nhánh sông uể oải đổ nước vào Vịnh Đại Dương dẫn tôi ngược dòng qua nhiều cánh đồng cỏ lầy lội, những con dốc lổn nhổn, vào khu rừng nguyên sinh mục rữa, chằng chịt & đan xen đầy rối rắm, đến nỗi tôi phải leo trèo như đười ươi! Một trận mưa đá bất chợt trút xuống, điên cuồng nện thình thịch xuống khu rừng & đột ngột chấm dứt. Tôi rình một chú “chim oanh cổ đen” có bộ lông đen óng như màu đêm & vẻ dạn dĩ như chốn không người. Một con chim tui giấu mặt cất tiếng hót, nhưng ảo giác bất chợt của tôi khiến nó có sức mạnh ngôn từ con người: – “Ăn miếng trả miếng!” nó kêu phía trước, di chuyển nhẹ nhàng qua ma trận những chồi xanh, cành khô & gai nhọn. “Ăn miếng trả miếng!” Sau một chuyến leo bở hơi tai, tôi đã chinh phục được đỉnh cao trong tình trạng quần áo tả tơi & khắp người trầy xước vào lúc mấy giờ tôi cũng chẳng biết nữa, vì tôi đã lơ đãng quên lên dây cót đồng hồ bỏ túi tối hôm qua. Làn sương mờ ảo vây ám những hòn đảo nhỏ này (theo lời ông D’Arnoq, tên gọi “Rēkohu” trong thổ ngữ có nghĩa là “Mặt trời trong sương”) đã hạ thấp trong lúc tôi leo lên, vì vậy toàn cảnh từ đỉnh đồi mà tôi nhìn thấy chẳng có gì ngoài những ngọn cây tan biến trong làn mưa bụi. Thật là một phần thưởng keo kiệt cho nỗ lực của tôi.

“Đỉnh” của Mỏm Chóp Nón là một miệng núi lửa có đường kính rất hẹp, bao quanh một hố trũng có thành là vách đá, đáy hố nằm sâu tít bên dưới hàng trăm cây kopi. Không có dây thừng & cuốc chim, tôi chẳng mấy bận tâm tìm hiểu độ sâu của nó. Tôi đi vòng quanh miệng hố, tìm một lối dễ đi dễ hơn để quay về Vịnh Đại Dương, thì bất thình lình một tiếng vút! khiến tôi ngồi thụp xuống đất: – đầu óc con người vốn không thích có chỗ trống trong nó & có thói quen tự lấp đầy với những ảo ảnh, vì thế thoạt tiên tôi trông thấy một con lợn rừng có nanh vụt qua, sau đó là một chiến binh Maori đang giơ ngọn giáo, khuôn mặt hằn dấu hận thù của chủng tộc từ ngàn đời.

Hóa ra chỉ là một con chim hải âu, cánh vỗ phần phật trong không trung như một chiếc thuyền buồm. Tôi dõi theo đến khi nó biến mất vào làn sương mờ ảo. Tôi đứng cách miệng vực cả nửa mét, nhưng phát hoảng khi nhận ra lớp đất dưới chân rời ra như vỏ bánh – nơi tôi đứng không phải nền đất rắn mà là phần đất nhô ra! Tôi ngồi thụp xuống, tuyệt vọng túm lấy vài nhúm cỏ, nhưng chúng đứt đoạn trong tay tôi & cứ thế tôi rơi xuống, một hình nộm bị ném xuống giếng! Tôi nhớ mình đã xoay vòng vòng trong không trung, la hét & cành cây khô cào vào mắt, lộn nhào & áo khoác bị vướng, bị rách toạc; đất cát rơi lả tả; nghĩ đến đau đớn sắp tới; một lời cầu nguyện khẩn thiết không đầu không đuôi; một bụi rậm làm chậm lại, nhưng không làm dừng cú rơi của tôi & một nỗ lực vô vọng nhằm lấy lại thăng bằng – trượt dốc – cuối cùng mặt đất dâng nhanh lên trên để đón tôi. Cú va chạm làm tôi bất tỉnh nhân sự.

Tôi nằm giữa chăn nệm bùng nhùng & những chiếc gối mùa hè, trong một phòng ngủ ở San Francisco giống như phòng ngủ của tôi. Một gia nhân lùn nói, “Cậu là một đứa trẻ rất ngu ngốc, Adam ạ.” Tilda & Jackson bước vào phòng, nhưng khi tôi bày tỏ niềm vui sướng của mình thì thứ tiếng phát ra từ miệng tôi lại không phải tiếng Anh mà là những tiếng ông ổng của chủng tộc thổ dân! Vợ & con tôi quá xấu hổ về tôi & lên xe ngựa đi mất. Tôi đuổi theo, cố gắng giải thích về sự hiểu lầm này, nhưng chiếc xe ngựa cứ lao đi xa dần cho đến khi tôi tỉnh dậy trong ánh chạng vạng, xung quanh là cây cối rậm rạp & một sự im lặng, choáng ngợp & thiên thu. Những vết bầm, trầy xước, cơ bắp & đầu cổ tôi rên rỉ như phòng xử án đầy những kẻ bất bình với bản án dành cho mình.

Một tấm đệm bằng rêu & lá cây, nằm ở đáy vực tối tăm đó chắc từ ngày thứ hai Thượng đế tạo ra muôn loài, đã cứu mạng tôi. Các thiên sứ đã bảo vệ tay chân tôi, vì chỉ cần một cánh tay hay cẳng chân bị gãy thôi, thì tôi sẽ phải nằm bất động ở đó, không thể tự giải thoát cho mình, chờ đợi cái chết đến tự nhiên hoặc từ móng vuốt các loài thú. Khi đã đứng dậy được & thấy mình trượt & ngã xa đến đâu (bằng chiều cao của một cột buồm) mà không bị thương tổn gì nặng nề, tôi tạ ơn Chúa đã cứu nguy, vì quả thực, Trong cơn gian truân nơi kêu cầu, ta bèn giải cứu ngươi, đáp lại ngươi từ nơi kín đáo của sấm sét.

Mắt tôi điều chỉnh để thích nghi với ánh chiều nhập nhoạng & nhận ra một hình ảnh hằn sâu, đáng sợ & phi thực. Thoạt tiên là một, sau đó là mười, rồi hàng trăm gương mặt hiện ra từ ánh sáng lờ mờ, được những người thờ cúng đẽo vào vỏ cây, như những linh hồn rừng thẳm bị đóng băng bất động bởi một lời nguyền hiểm độc. Không tính từ nào có thể mô tả bộ lạc tử xà đó! Chỉ những gì phi sự sống mới sống động nhường đó. Tôi lần ngón tay trên những khuôn mặt đáng sợ của họ. Tôi chắc chắn mình là người da trắng đầu tiên có mặt trong lăng mộ ấy kể từ khi nó xuất hiện từ thuở hồng hoang. Tôi đoán hình chạm khắc nhỏ nhất khoảng mười năm tuổi, nhưng những hình cũ hơn, trương phồng lên theo thời gian theo thân cây trưởng thành, hẳn được rạch khắc bởi những thổ dân mà giờ đây hồn ma của họ cũng đã thăng thiên từ lâu rồi. Sự lâu đời này rõ ràng là minh chứng cho lời kể của ông D’Arnoq về người Moriori.

Thời gian dần trôi trong chốn bùa mê đó & tôi tìm cách thoát ra, được tiếp thêm sức mạnh bởi biết rằng những nghệ nhân “điêu khắc cây” hẳn đã thường xuyên tới lui cái hố này. Một vách đá trông có vẻ ít dốc đứng hơn những vách khác & những sợi dây leo có thể được dùng làm “thang dây”. Tôi đang sửa soạn leo lên thì chợt nghe một tiếng “hum” kì lạ. “Ai đó?” tôi hỏi (hành động bất cẩn của một kẻ da trắng tay không xâm nhập vào thánh đường của người bản xứ.) “Lộ diện đi!” Im lặng nuốt chửng lời tôi & tiếng vọng & trêu ngươi tôi. Cơn đau quặn lên trong lá lách. Tôi lần theo tiếng “hum” tìm đến một đàn ruồi đang bay quanh một cục lồi lên vắt xuyên qua một cành cây gãy. Tôi dùng một cành thông khô khều khối u & suýt nôn ọe, vì đó là một phần thịt thú vật đã thối rữa bốc mùi nồng nặc. Tôi quay lưng định bỏ chạy nhưng bụng bảo dạ phải xua tan nỗi ngờ vực rằng vật treo trên cây đó là tim người. Tôi lấy khăn mùi soa bịt mũi & miệng & dùng gậy chạm vào một bên tâm thất đã bị thương tổn. Cơ quan nội tạng ấy đập như còn sống! & một cơn bỏng rát chạy dọc sống lưng! Như trong mơ (nhưng thực tế thì không phải!) một con kỳ nhông trong suốt trồi lên từ nơi ẩn náu bên trong cái món thối rữa & phóng theo cây gậy lên thẳng tay tôi! Tôi ném cây gậy đi & không kịp thấy con kỳ nhông đã biến đi đâu mất. Máu tôi lạnh toát vì sợ & tôi vội vã tìm cách chạy thoát thân. Viết dễ hơn làm, vì nếu tôi trượt chân & rơi xuống một lần nữa từ những bức vách cao đến chóng mặt ấy, có thể vận may sẽ không làm giảm nhẹ cú rơi thứ hai của tôi nữa, nhưng nhờ những hốc đặt chân khoét vào đá & hồng ân của Chúa mà tôi đã lên đến miệng vực lành lặn.

Sau khi leo lên đến đám sương mù u ám, tôi thèm có sự hiện diện của con người xung quanh, đúng thế, ngay cả đám thủy thủ thô lậu ở Musket, & bắt đầu xuống đồi theo hướng mà tôi hi vọng là phía nam.

Ý định ban đầu của tôi, kể lại hết tất cả những gì đã thấy (chắc chắn là Walker, người nắm quyền hành thực tế nếu không muốn nói là tối cao nên được thông báo về một vụ cướp tim người chứ?) ngày càng giảm dần khi tôi tiến đến Vịnh Đại Dương. Tôi vẫn còn do dự nên kể gì & với ai. Quả tim đó nhiều khả năng là của lợn, hoặc cừu, chắc chắn là vậy. Viễn cảnh Walker & đồng bọn đốn hạ những cây đó & bán những hình khắc trên cây cho các nhà sưu tập khiến lương tâm tôi bồn chồn. Có thể tôi quá nhạy cảm, nhưng tôi không muốn trở thành tác nhân cho sự xâm hại cuối cùng đến người Moriori.*

===== =====

* Bố tôi không bao giờ kể với tôi về những hình khắc trên cây & tôi chỉ biết đến chúng như mô tả trong sách Nhập môn. Nay người Moriori trên đảo Chatham đang ở bên bờ vực tuyệt chủng, tôi sẽ giữ kín điều đó để không phản bội ông. – J.E.

===== =====

Buổi tối

Chòm sao Thập Tự Nam đã lấp lánh trên bầu trời trước khi Henry trở về Musket, sau khi bị thêm nhiều người dân đảo giữ lại để hỏi “Thầy thuốc trị bệnh cho bà góa Bryden” về bệnh thấp khớp, mụn ghẻ & bệnh phù. “Nếu khoai tây mà là Mỹ kim,” ông bạn tôi tiếc rẻ, “thì tôi đã giàu hơn cả Nebuchadnezzar rồi!” Ông lo lắng khi nghe kể về chuyến phiêu lưu (đã được tôi chỉnh sửa nhiều) trên Mỏm Chóp Nón & nhất định đòi khám vết thương cho tôi. Trước đó tôi đã thuyết phục được cô hầu gái thổ dân đổ nước vào bồn tắm & đã khỏe khoắn hơn nhiều sau khi ngâm mình. Henry tặng tôi một lọ dầu xoa để bôi lên những chỗ viêm & không chịu nhận lại đồng nào. Lo sợ đây có thể là cơ hội cuối cùng được một bác sĩ giỏi khám (Henry định khước từ lời đề nghị của thuyền trưởng Molyneux), tôi đã trải nỗi lòng lo âu về bệnh tình của mình. Ông ta chăm chú lắng nghe & hỏi cơn đau của tôi có thường xuyên không & kéo dài bao lâu. Henry lấy làm tiếc ông không có đủ thời gian & thiết bị để chẩn đoán toàn diện, nhưng khuyến cáo rằng khi về đến San Francisco, tôi phải tìm ngay một chuyên gia về kí sinh trùng nhiệt đới ngay lập tức. (Tôi không đủ can đảm nói với ông ta rằng ở đấy chẳng có bác sĩ nào như thế cả).

Tôi đã không chợp được mắt.

Bản Đồ Mây

Bản Đồ Mây

Score 8
Status: Completed Author:

Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước.

Bản đồ mây còn đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học.

...

Tác phẩm đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

_Nguồn giới thiệu: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset