Chương 16: Giết Người Hủy Xác

Giết Người Hủy Xác

Diệp Khai hỏi:

– Trong số ba mươi thích khách, có bao nhiêu người còn sống sót trở về ?

Trầm Tam Nương đáp:

– Bảy người.

Diệp Khai cau mày.

– Không ai biết tên họ những người đó ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Không !

Diệp Khai thở dài:

– Tự họ, họ không tự thú là cái chắc rồi. Mã Không Quần khi nào tưởng là sự bí mật đó lại tiết lộ !

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Nằm mộng, lão ta cũng không tưởng nổi !

Diệp Khai cười khổ:

– Thật ra chính tại hạ cũng không tưởng nổi ! Có trời mới hiểu tại sao sự bí mật bị tiết lộ như vậy !

Trầm Tam Nương suy tư một lúc:

– Trong bảy người còn sống sót, có một, bỗng nhiên thiện lương bừng dậy, đem điều bí mật cáo tố với Bạch Phụng phu nhân !

Diệp Khai trố mắt:

– Hạng người đó mà cũng có thiện lương ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Y vốn phải chết dưới thanh đao của Bạch đại ca, nhưng Bạch đại ca do vũ công của y mà nhận ra y, nghĩ vì dù sao thì y cũng có làm mấy điều tốt, cho nên Bạch đại ca lưu tình, tha chết cho y !

Diệp Khai hỏi:

– Người đó là ai ?

Trầm Tam Nương thở ra:

– Bạch Phụng phu nhân có đáp ứng với y, là không tiết lộ tên họ của y.

Diệp Khai hỏi:

– Những việc tốt của y, là những việc gì ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Nếu biết được thành tích, là phải biết người tạo nên thành tích rồi ! Điểm khó khăn là vậy đó !

Diệp Khai lại hỏi:

– Suy theo võ công mà biết người, thì người đó phải là bằng hữu của Bạch đại hiệp !

Trầm Tam Nương căm hận:

– Chứ Mã Không Quần không là bằng hữu của Bạch đại ca sao ? Có thể tất cả ba mươi thích khách đều là bằng hữu của Bạch đại ca !

Diệp Khai thở ra.

– Điều đó cho thấy, bằng hữu đáng sợ hơn cừu địch !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Cũng may là y còn có chút thiện lương, chứ nếu không thì oan cừu của Bạch đại ca cầm như kim chìm đáy biển !

Diệp Khai trầm ngâm một phút:

– Y không cho biết tên họ sáu người kia ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Không !

Diệp Khai chớp mắt:

– Tại sao ?

Trầm Tam Nương đáp:

– Tại vì y không biết !

Rồi bà tiếp:

– Mã Không Quần là con người cẩn thận, tinh tế, lão chọn ba mươi người thực hiện cuộc ám toán Bạch đại ca, đương nhiên là có nghiên cứu kỹ từng người một, biết mỗi người có một niềm hận riêng đối với Bạch đại ca !

Diệp Khai gật đầu:

– Chắc là vậy !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Nhưng trong ba mươi người đó, mỗi người đều có một mối liên hệ trực tiếp với Mã Không Quần, mỗi cá nhân không biết hai mươi chín người kia là những ai.

Diệp Khai thốt:

– Cao thủ nhất lưu trên giang hồ, đại đa số đề có võ công và vũ khí độc môn, ít nhất họ cũng nhìn qua võ công và vũ khí của nhau mà suy đoán ra phần nào chứ.

Trầm Tam Nương đáp:

– Lý thì thế. Song ba mươi người đó, ngoài việc bao mặt vận toàn y phục đen như nhau, lại còn thay đổi vũ khí, thì làm sao nhìn nhau ra. Gia dĩ ai ai cũng biết vũ công của Bạch đại ca như thế nào rồi, họ chú trọng tinh thần vào cuộc đấu, họ khẩn trương cực độ trong sự hành thích, còn ai như thế mà nhận xét lẫn nhau !

Diệp Khai cúi đầu, suy tư.

Bỗng, chàng hỏi:

– Bạch Phụng phu nhân là người như thế nào ?

Trầm Tam Nương thở dài:

– Bà … Bà là con người siêu việt nhất trogn giới nữ nhân, nhưng cũng là người đáng thương nhất. Bà thông minh cực độ, diễm lệ tuyệt trần, song mạng của bà thì bi thảm vô tưởng !

Diệp Khai chú ý:

– Tại sao ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Người bà yêu là người có vợ, và là một tử đối đầu của bà !

Diệp Khai kêu lên:

– Ạ ? Tử đối đầu ?

Trầm Tam Nương cười khổ:

– Bà là đại công chúa, con gái duy nhất của giáo chủ Ma giáo.

Diệp Khai lại kêu lên:

– Ma giáo ?

Trầm Tam Nương lộ vẻ ảm đạm:

– Từ ba trăm năm qua, vô luận là người trong võ lâm thuộc môn nào, phái nào, nghe nói đến Ma Giáo, là có nhức đầu không nhiều thì ít. Thực ra, giáo đồ Ma giáo cũng chỉ là người, như mọi người thường có xương có thịt, có máu có mủ, nếu ai đừng sanh sự với họ thì không bao giờ tự họ để sự sanh !

Diệp Khai cười nhẹ:

– Tại hạ cứ cho rằng, Ma giáo là một cái gì hoang đường thuộc về chuyện huyền thoại, truyền thuyết qua bao thời đại tiếp nối, không ngờ lại có thật trên đời !

Diệp Khai vẫn chưa tin lắm, dù kẻ đối thoại đáng được chàng tin.

Trầm Tam Nương tiếp:

– Hai mươi năm gần đây trong Ma giáo đích xác toàn thể vắng bóng trên giang hồ.

Diệp Khai hỏi:

– Tại sao ?

Trầm Tam Nương giải thích:

– Chỉ vì giáo chủ Ma giáo và Bạch đại ca có thỏa ước với nhau tại Thiên Sơn, nếu tỷ thí mà Giáo chủ bại nơi tay Bạch đại ca, thì vĩnh viễn không vượt quan ải vào Trung Nguyên xuôi ngược Bắc Nam như thuở nào.

Diệp Khai thở dài:

– Bạch đại hiệp quả là một nhân vật siêu nhiên ! Một con rồng thiên trong nhân

loại !

Trầm Tam Nương tiếp nối với u hoài nặng trĩu:

– Rất tiếc, công tử sanh sau hai mươi năm, nên không thể thấy con người đó !

Diệp Khai cao giọng:

– Không thấy người, tại hạ vẫn tưởng tượng được hùng phong oai khí của người !

Trầm Tam Nương nhìn chàng với ánh mắt hòa dịu, mường tượng muốn nói gì song lại thôi.

Bà nâng chén rượu, uống một ngụm, đoạn tiếp:

– Cũng vì một cuộc chiến tại Thiên Sơn đó, mà toàn thể giáo đồ Ma giáo xem Bạch đại ca là kẻ bất cộng đái thiên, một vị đối đầu.

Diệp Khai thở ra:

– Đáng trách người trong Ma giáo có khí độ quá hẹp hòi !

Trầm Tam Nương trở lại câu chuyện bỏ dở:

– Bạch Phụng phu nhân là con gái duy nhất của giáo chủ Ma giáo !

Diệp Khai gật đầu:

– Và bà yêu Bạch đại hiệp.

Trầm Tam Nương cũng gật đầu:

– Vì Bạch đại ca đó, bà không ngần ngại phản bội giáo phái, phải ly khai !

Diệp Khai chớp mắt:

– Bà biết Bạch đại hiệp đã có vợ chứ ?

Trầm Tam Nương đáp:

– Biết, Bạch đại ca không hề khi phụ bà, bà dành cho Bạch đại ca trọn vẹn chân tình !

Diệp Khai gật đầu:

– Muốn cho người ta đối xử bằng chân tình thì mình trước hết phải dành chân tình cho người ta.

Ánh mắt của Trầm Tam Nương ấm dịu hơn:

– Bà biết Bạch đại ca không thể thường đến với bà nhưng bà cam tâm với sự ít oi đó. Có hồi suốt một năm dài, hai người chỉ gặp nhau một lần thôi ! Vậy mà Bạch Phụng phu nhân vẫn thấy mãn nguyện lắm !

Diệp Khai phảng phất nhìn ra phương trời xa, nhìn qua mơ màng, chứ trong địa thất làm gì tầm mắt vô giới hạn ?

Một lúc lâu, chàng hỏi:

– Chắc phu nhân của Bạch đại hiệp không hay biết đoạn tình cảm kín đáo đó ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Đến chết phu nhân cũng không hay biết. Chỉ vì, tuy là bậc anh hùng nhất thế, Bạch đại ca kinh sợ phu nhân mấy phần. Đó cũng là một nổi khổ cho Bạch Phụng phu nhân !

Diệp Khai thở ra:

– Tại hạ hiểu !

Chàng hiểu thực sự !

Có gì khổ cho một nữ nhân khi yêu một người đáng lẽ họ không nên yêu ?

Trầm Tam Nương tiếp nối với giọng thảm:

– Điều bi thương nhất là Bạch Phụng phu nhân đã có một bé trai với Bạch đại ca !

Diệp Khai do dự một chút.

Cuối cùng, chàng không dằn lòng được, buột miệng hỏi:

– Đứa bé trai đó, sau này là … là …

Trầm Tam Nương buông gọn:

– Phó Hồng Tuyết !

Diệp Khai thoáng giật mình:

– Quả nhiên hắn tìm đến Vạn Mã Đường để phục thù !

Trầm Tam Nương gật đầu.

Vài hạt lệ long lanh trong mắt, bà tiếp:

– Mẹ con Bạch Phụng phu nhân đau khổ biết bao, trong ngày đó, từ ngày đó !

Diệp Khai cau mày:

– Chẳng lẽ Bạch Phụng phu nhân không thể yêu cầu phụ thân bà giúp đỡ ?

Trầm Tam Nương đáp:

– Bà vốn tính quật cường, không bao giờ bà chấp nhận cho ai thương hại bà. Hà huống, người trong Ma giáo lại thống hận Bạch đại ca thấu xương. Dù bà có mở miệng, vị tất người ta đáp ứng !

Diệp Khai lại thở dài:

– Vốn là công chúa trong một giáo phái tà ngụy, hẳn bà không có bằng hữu ! Ngoài người trong giáo phái ra ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Sở dĩ bà dốc toàn tâm, toàn lực để giáo huấn Phó Hồng Tuyết, hắn là người duy nhất bà sở cậy trong việc báo thù.

Diệp Khai gật gù:

– Xem ra hắn không đến đổi để cho bà thất vọng !

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Đích xác hiện tại hắn là một cao thủ tuyệt đỉnh, tôi dám nói trên giang hồ ngày nay không có ai thắng nổi hắn ! Nhưng nào có ai biết được hắn chịu bao nhiêu khổ sở trong việc luyện võ !

Diệp Khai thốt:

– Vô luận làm việc gì, muốn thành tay kiệt xuất tất phải chịu gian khổ phi thường !

Trầm Tam Nương ngưng ánh mắt nhìn chàng hỏi:

– Còn công tử ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ à ? …

Bên trong nụ cười, ẩn ước có niềm bi thương.

Chàng lặng thinh một lúc, rồi từ từ tiếp:

– Tại hạ ít khổ hơn hắn ! Bởi từ lâu, không ai màng tới tại hạ !

Nghĩa là, chàng chẳng cần lo, không việc gì đáng lo, phải lo ! Như vậy, đâu có việc hành xác !

Trầm Tam Nương thốt:

– Không ai màng đến là một hạnh vận !

Diệp Khai lại cười.

Chàng cười chứ khong nói gì về việc đó !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Tuy nhiên, thản nhiên quá, cũng tịch mịch, mà tịch mịch là có thống khổ ít nhiều !

Diệp Khai muốn chận đứng vấn đề đó, thốt:

– Sự tình đại khái tại hạ minh bạch rồi.

Trầm Tam Nương cười nhẹ:

– Tôi tưởng thiệt cũng được rõ ràng lắm !

Diệp Khai tiếp:

– Tuy nhiên bà còn quên một việc !

Trầm Tam Nương hỏi:

– Việc gì ?

Diệp Khai đáp:

– Việc của bà !

Chàng nhìn bà một phút, đoạn từ từ hỏi:

– Thực sự, bà là ai ? Có quan hệ gì đến gia đình họ Bạch ?

Trầm Tam Nương nín lặng một lúc lâu.

Rồi bà thốt:

– Vạn Mã Đường chủ cho rằng tôi là em gái của Bạch Phụng phu nhân. Lão ấy lầm !

Diệp Khai bâng quơ:

– Ạ ?

Trầm Tam Nương điểm nụ cười thảm:

– Tôi là người trong Ma giáo, một tiểu liễu đầu bên cạnh Bạch Phụng phu nhân, không hơn không kém !

Diệp Khai hỏi:

– Phó Hồng Tuyết nhận được bà ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Hắn không biết tôi là ai ! Lúc hắn còn nhỏ, rất nhỏ, tôi đã ly khai Bạch Phụng phu nhân rồi !

Diệp Khai chớp mắt:

– Tại sao ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Tại vì tôi muốn tìm cơ hội xâm nhập Vạn Mã Đường, dò la tin tức.

Diệp Khai hỏi:

– Bà muốn tìm lai lịch sáu người kia ?

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Đó là việc tối yếu, song không phải, duy nhất.

Diệp Khai cau mày:

– Nhưng rồi bà cũng chẳng thành công ?

Trầm Tam Nương thở dài:

– Không thu hoạch được mảy may chi hết !

Bà lộ vẻ buồn, tiếp:

– Hơn mười năm nay, tôi phí bỏ bao nhiêu tâm trí …

Diệp Khai hỏi:

– Bà bất quá là một liễu đầu của Bạch Phụng phu nhân, nhưng bà vì một đoạn cừu hận của chủ nhân mà cam tâm phí bỏ thời xuân sắc, thế nghĩa là sao ?

Trầm Tam Nương đáp:

– Cái nghĩa, là cái quý nhất trong đời người. Phu nhân đối với tôi quá tốt, phu nhân xem tôi như thân muội ! Tôi phải làm một việc gì cho phu nhân chứ.

Diệp Khai nhìn bà:

– Không còn nguyên nhân nào khác ?

Trầm Tam Nương cúi đầu.

Rồi bà tiếp:

– Bạch đại ca là người mà tôi sùng bái nhất trên đời.

Bà ngẩng đầu lên như trách, nhưng không trách:

– Mường tượng là vì bất cứ chuyện gì, công tử cũng quyết hỏi cặn kẽ, hỏi tột cùng. Có vậy mới cam tâm !

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ là kẻ thích đào gốc moi rể mà !

Ánh mắt của Trầm Tam Nương biến kỳ quái. Bà nhìn Diệp Khai với ánh mắt đó,

tiếp:

– Cho nên công tử thường thường thích nấp trên mái nhà nghe trộm người ta nói chuyện !

Diệp Khai mỉm cười:

– Xem ra, mường tượng vì bất cứ việc gì, bà cũng quyết hỏi cặn kẽ, hỏi tột cùng. Có vậy mới cam tâm !

Trầm Tam Nương cắn môi, thốt:

– Đêm hôm đó, nữ nhân trong phòng, không phải là tôi.

Diệp Khai chớp mắt:

– Không phải bà ?

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Không !

Diệp Khai nhìn bà, ánh mắt của chàng cũng biến đổi kỳ quái.

Lâu lắm, chàng lại hỏi:

– Không phải bà, thì là ai ?

Trầm Tam Nương buông gọn:

– Thúy Bình.

Diệp Khai sáng mắt lên.

Chàng trách, lúc chàng lôi Thúy Bình đi, Phó Hồng Tuyết lộ vẻ giận dữ.

Trầm Tam Nương rót cho chàng một chén rượu, rồi thốt:

– Bởi thế, đêm đó, nữ nhân bên cạnh công tử chẳng phải là Thúy Bình.

Diệp Khai cau mày:

– Không là Thúy Bình, thì là ai ?

Trầm Tam Nương tự rót cho mình một chén rượu, uống cạn. Đôi mắt mông lung, bà tiếp:

– Tùy tiện công tử, muốn cho là ai cũng được. Chỉ biết người đó không phải là Thúy Bình. Sự thật là vậy !

Diệp Khai thở dài:

– Tại hạ hiểu rồi !

Trầm Tam Nương dịu giọng:

– Đa tạ công tử !

Diệp Khai hỏi:

– Tại sao bà làm thế ?

Trầm Tam Nương cúi đầu, cúi rất thấp, như không muốn cho Diệp Khai thấy thần sắc bà lúc đó.

Sau cùng bà thốt:

– Vì phục cừu, vì báo hận, tôi phải làm những việc chẳng thích làm !

Diệp Khai gật đầu:

– Hầu như nhiều người bị bắt buộc phải làm những việc trái ngược ý muốn, chứ chẳng riêng bà !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Nhưng, sau lần đó, tôi sẽ không tái diễn nữa đâu !

Diệp Khai tỏ vẻ đồng tình:

– Bởi bà đâu có vì mình, cho mình, mà làm như vậy !

Trầm Tam Nương thốt:

– Tôi thực sự sợ có hại cho hắn ! Bởi mẫu người như tôi, không nên cấu kết một quan hệ nào với hắn … Bất quá, tôi vì tôi …

Hắn đây là Phó Hồng Tuyết ? Hay bà ám chỉ ai đó qua tiếng hắn rất mơ hồ ?

Hoặc giả là Diệp Khai ?

Khó hiểu !

Diệp Khai kêu lên bâng quơ:

– Ạ ?

Trầm Tam Nương cắn môi tiếp:

– Dù sao tôi cũng đã dùng tận lực tôi rồi, tôi không thể tái diễn cái trò đó với nam nhân mà tôi không ưa thích nổi !

Diệp Khai uống cạn chén rượu, chàng nghe rượu vừa đắng vừa chua !

Còn gì khổ hơn cho một nữ nhân bằng bắt ép nữ nhân đó ăn nằm với một nam nhân mà họ chán ghét ?

Trầm Tam Nương chợt ngẩng đầu lên, vén gọn mấy sợi tóc rối loạn, rồi tiếp:

– Bình sanh, tôi chưa hề chân chánh ưa thích một nam nhân nào.

Bà hỏi: – Công tử có tin không ?

Mắt bà mơ màng. Rượu bắt đầu ngấm.

Diệp Khai thở dài, không đáp.

Chàng không thể đáp !

Trầm Tam Nương tiếp luôn:

– Thực ra, Vạn Mã Đường chủ đối với tôi không tệ bạc. Đáng lý, lão phải giết tôi !

Diệp Khai hỏi:

– Tại sao ?

Trầm Tam Nương giải thích:

– Bởi lão đã khám phá ra tôi là ai !

Diệp Khai thốt:

– Nhưng lão không giết bà !

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Bằng cớ, là tôi còn sống đây ! Cho nên đáng lý tôi phải cảm kích lão. Nhưng tôi lại hận lão nhiều hơn !

Bà bóp mạnh chén rượu, cho rằng chén rượu là yết hầu của Vạn Mã Đường chủ.

Chén của bà cạn.

Diệp Khai sớt rượu trong chén của chàng sang chén của bà, nửa phần.

Bà uống luôn nửa phần đó, uống từ từ mường tượng uống thứ rượu quý nhất đời, sợ uống hết gấp.

Diệp Khai thốt:

– Tại hạ nghĩ, nhất định là vĩnh viễn bà không muốn gặp lại Vạn Mã Đường chủ.

Trầm Tam Nương đáp:

– Không thể giết lão, thì chỉ còn có cách là không gặp lại lão ! Gặp lại mà làm gì !

Diệp Khai an ủi một câu:

– Dù sao thì bà cũng đủ tận dụng sức mình !

Trầm Tam Nương nhìn xuống chén rượu trong tay, bất chợt hỏi:

– Công tử có biết tại sao tôi tố cáo mọi sự cho công tử chăng ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Có lẽ vì tại hạ là một nam nhân hiểu biết sự đời hơn người.

Trầm Tam Nương tiếp:

– Công tử là một nam nhân khả ái. Nếu tôi còn trẻ, hẳn là tôi phải cầu dẫn công

tử !

Diệp Khai nhìn đối tượng: – Nhưng hiện tại, bà cũng chưa phải là già !

Bà cười, đó là nụ cười khổ nhất đời.

Bà đứng lên, quay mình, lấy một vò rượu, lại cười, thốt: – Tôi muốn công tử uống say với tôi một lần.

Diệp Khai thở ra:

– Lâu lắm rồi, chưa lần nào tại hạ say thật sự !

Trầm Tam Nương thốt:

– Tuy nhiên trước khi uống say, tôi muốn công tử đáp ứng tôi một việc.

Diệp Khai gật đầu:

– Bà cứ nói !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Công tử thừa hiểu Phó Hồng Tuyết là con người như thế nào rồi …

Diệp Khai đáp:

– Tại hạ rất thích mẫu người như hắn !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Hắn rất thông minh, học gì cũng giỏi, có điều hắn yếu tánh quá, lắm lúc hắn có vẻ kiên cường, thực ra thì hắn miễn cưỡng làm ra vẻ cứng rắn, cái tánh đó rất có hại khi xảy ra việc đánh nhau quan trọng !

Diệp Khai chờ, nghe, chưa vội đáp.

Trầm Tam Nương tiếp:

– Tánh đó là hậu quả của một chứng bệnh y học gọi là than giản hay Dương than phong cũng thế. Khi chứng đó phát tác, hắn không còn tự khống chế nổi. Mà không tự chống chế nổi, là hắn mất bình tỉnh, thành ra lúc nào hắn cũng khẩn trương sợ chứng đó phát tác. Bởi nó có thể phát tác trong bất cứ mỗi phút giây nào. Rồi vì sợ bệnh hứng phát tác, hắn sợ luôn việc giết người. Một khi theo đòi kẻ để báo thù, mà lại sợ giết người, thì còn làm gì được nữa. Tôi lo ngại, hắn khẩn trương mãi, có lúc phải điên. Thế là hỏng !

Diệp Khai cười khổ:

– Quả thật trời cao không ưu đãi con người trần tục nên bày ra những chướng ngại như thế, ngăn chận họ thực hành mọi ý nguyện !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Tôi có chứng kiến cảnh hắn giết Công Tôn Đoạn. Lúc đó thấy máu hắn mửa đến mật xanh !

Diệp Khai thở dài.

Trầm Tam Nương lại tiếp:

– Cũng may, chưa có ai biết hắn mang chứng bệnh đó.

Đương nhiên Vạn Mã Đường chủ cũng chưa biết.

Diệp Khai hỏi:

– Bà chắc không ai biết à ?

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Tôi dám xác định như vậy !

Bà vững tin bởi bà chưa biết là gần đây bệnh chứng của Phó Hồng Tuyết có phát tác một lần và phát tác trước mặt Mã Phương Linh !

Diệp Khai trầm ngâm một lúc lâu, chợt hỏi:

– Bà lo ngại, chứng bệnh đó càng chóng phát tác nếu gặp đại địch ?

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Hắn khẩn trương thường xuyên, đó là điều đáng ngại rồi. Gặp đại địch, hắn càng khẩn trương, tự nhiên chứng bệnh dễ phát tác ! Công tử thấy đó, chưa giết người, hắn khẩn trương, giết người rồi, hắn cũng khẩn trương ! Mang cái tai ương đó hắn làm sao báo thù ?

Diệp Khai thốt:

– Cho nên, bà hy vọng tại hạ thời thường kèm bên cạnh hắn, chiếu cố đến hắn !

Trầm Tam Nương cười nhỏ:

– Nào chỉ hy vọng mà thôi ! Tôi lại van cầu nữa đấy !

Diệp Khai gật gù:

– Tại hạ hiểu !

Trầm Tam Nương nhìn chàng:

– Công tử đáp ứng ?

Diệp Khai mơ màng, sau một lúc lâu, chàng thốt:

– Tại hạ có thể đáp ứng, bất quá, điều đáng lo nghĩ hiện tại, chẳng phải như vậy.

Trầm Tam Nương hỏi gấp:

– Công tử lo ngại việc gì ?

Diệp Khai đáp:

– Bà có biết không ? Sau khi hắn giết Công Tôn Đoạn, trở về nhà trọ, có hai người muốn giết hắn.

Trầm Tam Nương chớp mắt:

– Những ai ?

Diệp Khai tiếp:

– Chắc bà có nghe nói đến Đoạn Trường châm Đỗ Bà Bà, và Vô Cốt Xà Tây Môn Xuân ?

Tự nhiên Trầm Tam Nương có nghe nói đến hai người ấy ! Bà biến sắc, lẩm nhẩm:

– Kỳ quái ! Sao hai người đó lại muốn giết hắn …

Diệp Khai lắc đầu:

– Tại hạ cũng kỳ quái, song không đồng quan điểm với bà !

Trầm Tam Nương cau mày:

– Công tử kỳ quái về điểm nào ?

Diệp Khai thốt:

– Tại hạ vừa ngỡ rằng cả hai rất có thể có mặt quanh vùng này thì lập tức họ xuất hiện !

Trầm Tam Nương lại hỏi:

– Nghĩa là, công tử cho rằng họ xuất hiện quá gấp, quá trùng hợp ?

Diệp Khai gật đầu:

– Gập không còn có thể gấp hơn được ! Mường tượng họ sợ người ta tra tấn họ về một bí mật nào đó cho nên họ hành động chớp nhoáng !

Trầm Tam Nương nhìn chàng:

– Có phải công tử đã giết họ chăng ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Ít nhất tại hạ đâu có muốn cho họ phải chết sớm như vậy !

Trầm Tam Nương suy tư một chút:

– Thế là có người giết họ để diệt khẩu ?

Diệp Khai thở dài:

– Chưa chắc là giản đơn như vậy !

Trầm Tam Nương lắc đầu:

– Tôi không hiểu ý tứ của công tử !

Diệp Khai giải thích từ từ:

– Có thể hai kẻ bị giết, không phải là chân chánh Tây Môn Xuân và Đỗ Bà Bà !

Trầm Tam Nương chú ý:

– Công tử cứ nói tiếp.

Diệp Khai trầm ngâm một chút:

– Họ có một lý do gì đó rất đặc biệt, mới có thể ẩn nhẩn sống âm thầm tại địa phương này !

Trầm Tam Nương đáp:

– Có lý !

Diệp Khai tiếp:

– Nhưng hôm nay, bỗng dưng tại hạ lại nói với người ta, là rất có thể họ ở quanh quẩn đâu đây trong vùng này.

Trầm Tam Nương hỏi:

– Làm sao công tử biết được mà nói như vậy ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Tại hạ biết nhiều việc lắm !

Trầm Tam Nương thở ra:

– Cái đó thì kể như chai rồi !

Diệp Khai tiếp:

– Bởi thế phải có người truy tung họ nát vùng này, mà chính họ cũng sợ bị phát hiện !

Trầm Tam Nương thốt:

– Người mà họ sợ nhất, chính là công tử, bởi công tử có nghi vấn về hành tung của họ, công tử đã gieo mối nghi ngờ, trong khi họ cần trốn tránh.

Diệp Khai tiếp:

– Họ sợ hành tung bại lộ, cho nên có ý an bày cho hai người xuất hiện. Họ làm mọi cách, cốt gieo tin tưởng nơi chúng ta, đinh ninh hai người bị giết là Tây Môn Xuân và Đỗ Bà Bà. Phương cách của họ, là cho xuất hiện Đoạn Trường châm, ám khí độc môn của họ !

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Thấy Đoạn Trường châm, là biết có Đỗ Bà Bà !

Diệp Khai cười nhẹ:

– Thì như vậy đó !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Chúng muốn giết người, thì đối tượng hẳn là Phó Hồng Tuyết.

Diệp Khai thở ra:

– Kế hoạch của họ xảo diệu quá ! Hai người được họ an bày đó, nếu giết được Phó Hồng Tuyết thì kế hoạch của họ thành tựu. Hai người đó không giết được, lại bị hạ ngược lại, là kế hoạch của họ vẫn còn tròn trịa, không hề bị hư hại !

Trầm Tam Nương thốt:

– Cho nên, khi hai người được họ an bày đó thất bại rồi, thì Tây Môn Xuân và Đỗ Bà Bà chân chánh giết chúng ngay, để diệt khẩu, mà cũng để chấm dứt nghi vấn do công tử nêu ra !

Diệp Khai mỉm cười:

– Ai ai cũng cho rằng Tây Môn Xuân và Đỗ Bà Bà đã chết, thì còn ai truy tung tích của họ làm gì nữa ! Chẳng lẽ người lại chui xuống âm phủ mà tìm ?

Trầm Tam Nương cũng cười:

– Vậy mà vẫn có người chui xuống âm phủ, tìm họ !

Diệp Khai gật đầu:

– Đích xác trên đời có mẫu người đó !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Cho nên họ giết người để diệt khẩu, chưa đủ ! Họ phải tiêu hủy luôn xác chết mới đủ ! Họ cần diệt tàng tích luôn, sau khi diệt khẩu !

Diệp Khai thở dài:

– Tại hạ thường nghe thiên hạ khao nhau, là người đẹp không có tư tưởng, xem ra câu đó không đúng lắm !

Trầm Tam Nương cười duyên:

– Người ta thường nói kẻ vận dụng trí óc thường không thích vận dụng miệng lưỡi. Câu nói đó không đúng luôn, đối với công tử !

Diệp Khai cười.

Một tung, một hứng, cả hai cùng lên mây xanh !

Nhưng, trường hợp hiện tại không cho phép cả hai ở luôn trên mây xanh. Họ phải trở về thực tế trần gian.

Trầm Tam Nương thốt:

– Còn có mấy điều tôi chưa hiểu rõ.

Diệp Khai điềm nhiên:

– Bà cứ nói.

Trầm Tam Nương hỏi:

– Kẻ chết không là Đỗ Bà Bà, Tây Môn Xuân, thì là ai ?

Diệp Khai thốt:

– Tại hạ biết trong hai người đó, có một tay rất khá, võ công có hạng lắm, nhất định không chỉ là kẻ vô danh !

Trầm Tam Nương thở ra:

– Nhưng công tử vẫn không biết được là ai !

Diệp Khai tiếp:

– Có thể tại hạ biết, sau này !

Trầm Tam Nương nhìn chàng:

– Việc gì công tử muốn biết là cuối cùng rồi cũng biết !

Diệp Khai cười nhẹ:

– Bởi, tại hạ là người có phương pháp.

Trầm Tam Nương trầm giọng:

– Thế công tử cũng biết luôn tại sao Đỗ Bà Bà và Tây Môn Xuân ẩn náu tại địa phương này ?

Diệp Khai chớp mắt:

– Bà nói thử xem !

Trầm Tam Nương chỉnh nghiêm sắc mặt:

– Trong ba mươi thích khách, còn sống sót bảy người. Hiện tại, chúng ta biết được

hai !

Diệp Khai cũng lấy thái độ trang nghiêm:

– Sự tình trọng đại lắm. Bà đừng vội phán đoán !

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Bất quá, tôi nêu ra một giả định về họ !

Diệp Khai thở dài.

Có những lúc, tiếng thở dài thay thế cho lời đáp.

Trầm Tam Nương tiếp:

– Họ chưa chết, có kẻ chết dưới tên họ của họ, là họ còn ở đây ! Họ đã chết trước mắt mọi người, họ còn trốn đi nơi khác làm chi !

Diệp Khai gật đầu:

– Chắc vậy !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Địa phương này người không đông lắm !

Diệp Khai mỉm cười:

– Nhưng cũng không ít lắm !

Trầm Tam Nương hỏi:

– Theo công tử, người nào đáng được nghi ngờ nhất là Tây Môn Xuân, Đỗ Bà Bà trá hình ?

Diệp Khai đáp:

– Tại hạ đã nói, về loại sự việc này, vô luận là ai cũng không thể có một phán đoán kỷ lục !

Trầm Tam Nương thốt:

– Chỉ cần họ chưa chết thôi ! Họ còn sống là nhất did.nh còn ở lại địa phương

này !

Diệp Khai gật đầu:

– Cái đó đúng !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Họ có thể tùy thời, tùy lúc, tìm hai kẻ chết thay họ, như vậy là thủ hạ của họ cũng có ở đây luôn !

Diệp Khai gật đầu:

– Đúng nốt !

Trầm Tam Nương tiếp:

– Họ có thể tùy thời, tùy lúc, xuất hiện, ám toán Phó Hồng Tuyết.

Diệp Khai lại gật đầu.

Trầm Tam Nương hỏi:

– Có phải đó là điểm làm cho công tử lo ngại không ?

Diệp Khai trầm ngâm một chút:

– Luận về võ công, bọn đó không là đối thủ của hắn !

Đến lượt Trầm Tam Nương gật đầu.

Diệp Khai không nghe Trầm Tam Nương nói gì, lại tiếp:

– Hắn đã là con trai duy nhất của vị công chức duy nhất trong Ma giáo thì chắc hắn biết nhiều tạp học bàng môn !

Trầm Tam Nương đáp:

– Quả có như vậy !

Diệp Khai tiếp luôn:

– Tuy nhiên hắn còn thiếu một việc !

Trầm Tam Nương hỏi:

– Việc gì ?

Diệp Khai đáp:

– Kinh nghiệm !

Rồi chàng từ từ tiếp luôn:

– Trong tính thường hiện tại của hắn, có một điều tối trọng yếu và khó khăn nhất là hắn cần được chỉ điểm, mà không ai có thể giáo huấn hắn được !

Trầm Tam Nương cau mày:

– Cho nên …

Diệp Khai chận lại:

– Cho nên, bà phải làm sao cho hắn biết địa phương nguy hiểm chân chánh, không là Vạn Mã Đường, mà là ở tại cái tiểu thị trấn này. Hắn nhìn không thấy, tưởng không ra !

Trầm Tam Nương trầm giọng:

– Công tử cho rằng, Vạn Mã Đường có bố trí mai phục tại đây ?

Diệp Khai không đáp thẳng:

– Bà đã nói, lão ta là con người cẩn thận, tinh tế mà !

Trầm Tam Nương gật đầu:

– Cái đó tôi dám bảo đảm.

Diệp Khai mỉm cười:

– Nhưng bên cạnh lão hiện tại không còn ai dám chết, chịu chết vì lão, cho lão !

Trầm Tam Nương thốt:

– Công Tôn Đoạn chết, lão cảm như gãy mất một cánh tay !

Diệp Khai lắc đầu:

– Không phải hoàn toàn đúng ! Công Tôn Đoạn đành là một bằng hữu trung thành của lão, lão vẫn không tựa vào y mà tìm một sự bảo hộ cho lão. Con người cẩn thận, tinh tế đó, không hề tin ai hơn tin chính mình và chỉ có mình tự bảo vệ an toàn cho

mình thôi, tuyệt đối không bằng vào một tiếp trợ ngoại lai. Sự tiếp trợ ngoại lai chỉ được dùng vào việc chủ yếu, việc tạo dựng cơ nghiệp. Sự tiếp trợ ngoại lại đối với lão ta là những viên gạch lót đường tiến đến thành công, là những nấc thang lên đài danh vọng. Có điều lão cũng là tay khá, không quá phũ phàng đối với thuộc hạ !

Trầm Tam Nương thở dài:

– Thực ra, Công Tôn Đoạn chưa phải là con người đáng cho lão tựa vào !

Diệp Khai tiếp:

– Lão hiểu Công Tôn Đoạn hơn bà nhiều !

Trầm Tam Nương thốt:

– Bằng vào nhận xét đó, công tử lập luận rằng lão có bố trí mai phục tại thị trấn ?

Diệp Khai mỉm cười:

– Nếu lão không tin tưởng là thừa sức đối phó với Phó Hồng Tuyết, thì khi nào lão lưu lại địa phương này mãi đến nay ?

Trầm Tam Nương trầm giọng:

– Thế công tử nghĩ Phó Hồng Tuyết không có một cơ hội phục thù ?

Diệp Khai đáp:

– Giả như nếu chỉ có việc giết một mình Vạn Mã Đường chủ, thì có thể có cơ hội !

Trầm Tam Nương hỏi:

– Nếu hắn còn tưởng rằng cần tìm tung tích sáu người kia ?

Diệp Khai lắc đầu:

– Bởi vậy, tại hạ mới nói là khó, là không có cơ hội.

Trầm Tam Nương thở dài:

– Tôi hỏi thật nhé, công tử lo ngại cho bọn tôi, hay vì Vạn Mã Đường mà cảnh cáo bọn tôi ? Càng phút tôi càng khó hiểu !

Diệp Khai điềm nhiên:

– Bà không hiểu ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Quả thật, công tử có nói ra rất nhiều bí mật, song những tiết lộ đó, không giúp ích bọn tôi !

Diệp Khai vẫn điềm nhiên:

– Ạ ?

Trầm Tam Nương tiếp:

– Nếu tôi đem những bí mật đó, cáo tố với Phó Hồng Tuyết thì hắn sẽ khẩn trương hơn, lo lắng hơn. Hắn còn dễ bị ám toán !

Diệp Khai bảo:

– Bà cứ cáo tố cho hắn biết.

Trầm Tam Nương nhìn chàng, như xoáy ánh mắt trong mắt chàng, xuống sâu tận đáy lòng chàng.

Bà muốn hiểu tâm tưởng chân chánh của chàng khi chàng bảo bà như vậy !

Làm gì bà tìm thấy.

Bà thở dài, thốt:

– Hiện tại tôi muốn biết thực sự công tử là ai ?

Diệp Khai cười.

Nụ cười nhạt gần như lạnh.

Chàng đáp:

– Hỏi tại hạ câu đó, chẳng phải là chỉ có mỗi mình bà.

Trầm Tam Nương chớp mắt:

– Và cho đến nay, chưa ai biết được lai lịch công tử ?

Diệp Khai mơ màng:

– Đến cả tại hạ, cũng quên mất lai lịch của chính mình !

Chàng cầm chén rượu lên, cười nhẹ nụ, đoạn tiếp:

– Hiện tại, tại hạ chỉ còn nhớ có mỗi một việc, là tại hạ có đáp ứng với bà, sẽ cùng bà uống say một lần !

Trầm Tam Nương nhìn chàng:

– Thật tình công tử muốn say ?

Nụ cười của chàng khoác vẻ bi thảm.

Chàng đáp:

– Không say cũng chẳng có gì hay hơn !

Lúc Diệp Khai chưa say, Trầm Tam Nương đã say rồi.

Lúc chàng tỉnh rượu, thì trong gian địa thất chỉ còn một mình chàng với mảnh giấy con, dằn dưới chiếc chén không.

Chữ viết bằng son môi:

– Nữ nhân uống rượu với công tử đêm rồi tại đây chẳng phải là tôi.

Thỏi son còn đó.

Chàng viết thêm mấy chữ vào giấy:

– Đêm qua tại hạ không hề có mặt tại đây !

Biên Thành Lãng Tử

Biên Thành Lãng Tử

Score 8
Status: Completed Author:

Vạn Mã Ðường nổi tiếng là nơi long tàng hổ phục bỗng nhiên xẩy ra hàng loạt tai biến. Các khách mời phó hội đột nhiên mất tích, gia súc chết hàng loạt...

Chuyện này có liên hệ gì đến vụ thảm sát Thần Ðao Ðường hơn hai mươi năm về trước chăng? Ðọc Phong Vân Ðệ Nhất Ðao, quý vị sẽ có dịp gặp lại truyền nhân của Lý Tầm Hoan, Kinh Vô Mạng và tái ngộ cùng Tiểu Phi trong Biên thành lãng tử.

Lưu ý: Truyện được đưa lên với mục đích chia sẻ phi lợi nhuận trong cộng đồng yêu thích tiểu thuyết, đồng thời giúp đỡ các bạn không có điều kiện đọc truyện do giới hạn về ngôn ngữ, địa phương, hay điều kiện tìm mua sách.... có thể tiếp cận tác phẩm.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset