Chương 133

Chương 133

Tít trên trần Nhà tròn Điện Capitol, Robert Langdon lo lắng nhích từng bước quanh lối đi vòng cung nhô ra ngay bên dưới vòm trần. Anh ngập ngừng nhìn qua lan can và cảm thấy chóng mặt vì độ cao. Thật không sao tin nổi rằng mới mười tiếng trôi đi kể từ lúc bàn tay Peter xuất hiện ở chính giữa nền nhà bên dưới. Cũng tại nền nhà đó lúc này là Kiến trúc sư Điện Capitol, trông chỉ như một đốm nhỏ xíu khi nhìn từ độ cao 54 mét. Bellamy khoan thai băng ngang qua Nhà tròn và biến mất. Ông vừa hộ tống Langdon và Katherine lên đến ban công này, để họ lại đây với những chỉ dẫn rất cụ thể.

Chỉ dẫn của Peter.

Langdon xem xét chiếc chìa khoá sắt cũ kỹ mà Bellamy vừa đưa, đoạn liếc cái giếng cầu thang tù túng từ đây chạy lên cao, và cao hơn nữa. Xin Chúa giúp con! Theo lời Kiến trúc sư, những bậc thang chật hẹp này dẫn tới một cánh cửa thép nhỏ, chiếc chìa khoá sắt sẽ mở được cánh cửa đó. Đằng sau cửa có một thứ mà Peter nhấn mạnh rằng Langdon và Katherine nên xem. Ông không giải thích cụ thể, chỉ để lại lời hướng dẫn tỉ mỉ liên quan đến thời điểm chính xác mở khoá cánh cửa ấy. Phải đợi mới được mở cửa cơ à? Tại sao thế nhỉ?

Langdon lại xem đồng hồ và lầm bầm.

Thả chiếc chìa khoá vào túi, anh nhìn qua khoảng không trước mặt sang bên kia ban công. Katherine đi trước, chẳng hề lộ vẻ sợ sệt và rõ ràng là không ngại độ cao. Giờ cô đã băng qua một nửa quãng đường, đang ngắm nghía từng li từng tí bức tranh Sự phong thánh của Washington ngay phía trên đầu họ. Từ vị trí thuận lợi này, có thể quan sát rõ ràng các nhân vật cao tới 4,5 mét trên diện tích vòm trần rộng gần 465 mét vuông.

Langdon xoay lưng lại Katherine, quay mặt ra bức tường mé ngoài và thì thầm rất khẽ:

– Katherine, lương tâm của em đang lên tiếng đây. Tại sao em lại bỏ mặc Robert chứ?

Rõ ràng là Katherine rất quen thuộc với đặc điểm âm thanh kỳ lạ của mái vòm, bởi vì bức tường lập tức dội âm trở lại.

– Bởi vì Robert nhát như cáy. Anh ấy nên tiến lên đây với em. Từ bây giờ đến lúc được phép mở cánh cửa đó, thời gian còn rất rộng dài.

Biết rằng Katherine nói đúng, Langdon miễn cưỡng đi vòng theo ban công, vừa đi vừa bám lấy bức tường.

– Trần nhà thật kỳ lạ – Katherine nhận xét, cố dưới lên để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ lộng lẫy của bức Sự phong thánh – Thần linh trong truyền thuyết xen lẫn với các nhà phát minh khoa học cùng những sáng tạo của họ… Mà nó lại là hình ảnh ở trung tâm Điện Capitol nữa chứ…

Langdon đưa mắt nhìn Franklin, Fulton, và Morse đang đứng bên các sáng chế công nghệ. Một chiếc cầu vồng sáng rực vươn ra từ nhóm này, dẫn ánh mắt anh tới chỗ George Washington đang cười mây bay lên thiên đường. Hình ảnh hứa hẹn rằng con người sẽ trớ thành Thần thánh.

Katherine tiếp:

– Cứ như thể bản chất của những Bí ẩn cổ xưa đều đang lơ lửng ngay trên trần Nhà tròn vậy.

Langdon cũng phải thừa nhận, trên thế giới chẳng có mấy bức bích hoạ kết hợp giữa sáng chế khoa học với thần linh trong truyền thuyết hay quá trình trở thành thần thánh của con người. Thực ra, toàn cảnh đầy ấn tượng trên trần nhà này là một thông điệp về những Bí ẩn cổ xưa, và nó hiện diện tại đây là có lý do của nó. Các bậc tiền bối lập quốc nhìn nhận nước Mỹ như một tấm toan còn nguyên vẹn, một cánh đồng màu mỡ có thể gieo nhiều hạt mầm bí mật. Ngày nay, hình tượng cao vời mô tả cảnh cha đẻ của đất nước đang bay lên thiên đường vẫn âm thầm bao trùm lên các nhà làm luật, các nhà lãnh đạo và các vị tổng thống… như lời nhắc nhở mạnh mẽ, như tấm bản đồ hướng tới tương lai, như lời hứa hẹn về một thời đại mà con người sẽ tiến hoá để hoàn thiện quá trình trưởng thành về mặt tinh thần.

– Robert, – Katherine thì thầm, mắt vẫn dán chặt vào hình ảnh các nhà phát minh vĩ đại của nước Mỹ đang đứng bên cạnh thần Minerva. – Bức tranh này thật có tính tiên tri: Ngày nay, các sáng chế tiên tiến nhất của con người vẫn đang được dùng để nghiên cứu những ý tưởng cổ xưa nhất của chính họ. Lý trí học có lẽ còn mới mẻ, nhưng thực tế nó lại là môn khoa học lâu đời nhất trên trái đất, chuyên nghiên cứu suy nghĩ của con người.

Cô quay lại phía Langdon, mắt ánh lên kinh ngạc.

– Cổ nhân hiểu về tư duy còn sâu sắc hơn chúng ta hiện nay nhiều.

– Đúng đấy – Langdon đáp – Trí tuệ con người là công nghệ duy nhất mà cổ nhân có trong tay. Các triết gia cố đại đã nghiên cứu nó không mệt mỏi.

– Phải! Các tài liệu xa xưa đều trăn trở về sức mạnh của tư duy con người. Kinh Vệ Đà miêu tả dòng năng lượng tư duy. Cuốn Phúc âm đối thoại Pistis Sophia 1 đề cập đến ý thức vũ trụ. Zohar khám phá bản chất của tinh thần trí tuệ. Các văn bản của trường phái. Shaman thì tiên tri được cả thuyết “ảnh hưởng từ xa” của Einstein khi ghi chép về cách chữa bệnh không tiếp xúc. Cái gì cũng có! Đấy là em còn chưa nói đến Kinh thánh.

– Lại cả em nữa sao? – Langdon bật cười – Peter đã cố thuyết phục anh rằng Kinh thánh chứa những thông tin khoa học được mã hoá.

– Chắc chắn là thế – Katherine khẳng định – Nếu anh không tin Peter, hãy đọc một số tài liệu riêng của Newton về Kinh thánh. Khi bắt đầu lĩnh ngộ nội dung bí ẩn trong đó, anh sẽ nhận ra nó đúng là một công trình nghiên cứu về tư duy con người.

Langdon nhún vai.

– Thế thì tốt hơn là anh nên quay ngay về và đọc lại.

– Để em hỏi anh một chuyện – Katherine nói, rõ ràng là không hài lòng với thái độ hoài nghi của Langdon – Khi Kinh thánh dạy “hãy xây đền thờ của các con”… hãy “xây dựng mà không dùng công cụ và không gây ra tiếng ồn”, anh nghĩ nó đang nói về ngôi đền nào vậy?

– Chà, theo sách thì ngôi đền đó là cơ thể chúng ta.

– Phải, Corin 3:16. Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Thánh linh – Katherine mỉm cười – Phúc âm John cũng nói đúng những điều ấy. Robert ạ, Kinh thánh hiểu rất rõ sức mạnh tiềm ẩn trong con người, và nó giục giã chúng ta phát huy sức mạnh ấy, thôi thúc chúng ta xây dựng những ngôi đền của tư duy.

– Tiếc thật, anh lại nghĩ nhiều đến việc thế giới tôn giáo cần xây dựng một đền thờ thực sự. Đó là một phần Lời Tiên tri Cứu thế.

– Phải, nhưng Lời Tiên tri bỏ sót một điểm quan trọng. Ngày Thiên Chúa tái lâm chính là lúc con người xuất hiện, là thời điểm nhân loại xây nên đền thờ tư duy của mình.

– Anh không biết – Langdon xoa cằm – Anh không phải là một học giả chuyên về Kinh thánh, nhưng anh dám chắc rằng ngôi đền cần xây được mô tả chi tiết trong Kinh thánh là một đền thờ vật chất. Kết cấu của nó gồm hai phần: đền thờ bên ngoài gọi là Thánh địa và điện thờ bên trong gọi là Vương cung thánh đường. Hai phần tách biệt với nhau bởi một tấm rèm mỏng.

Katherine cười tươi.

– Luôn hoài nghi Kinh thánh mà nhớ được như thế thì quả là tài. Nhân tiện, anh đã bao giờ trông thấy một bộ não người thực sự chưa? Nó cũng gồm hai phần: phần bên ngoài gọi là màng cứng và phần bên trong gọi là màng mềm. Hai phần tách biệt với nhau nhờ màng nhện, đây là một tấm rèm giống như cái lưới.

Langdon nghiêng đầu ngạc nhiên.

Rất nhẹ nhàng, Katherine tiến lại gần và khẽ chạm vào thái dương anh.

– Người ta có lý do riêng để gọi đây là thánh đường 2, Robert ạ.

Trong lúc cố gắng phân tích những điều Katherine vừa nói, Langdon bất ngờ nhớ lại Phúc âm Mary Magdalene về sự ngộ đạo:

Trí tuệ của các ngươi ở đâu, thì kho tàng nằm ở đó.

Katherine nhẹ nhàng nói:

– Có lẽ anh chàng từng nghe đến chuyện chụp cắt lớp não của các nhà Du già khi họ ngồi thiền nhỉ? Khi bộ não con người ở trong trạng thái tập trung cao độ, về mặt vật lý, tuyến yên sẽ sản sinh ra một chất giống như sáp. Quá trình tiết não này không giống bất kỳ quá trình nào khác trong cơ thể. Nó có tác dụng chữa bệnh phi thường, có thể tái tạo tế bào, và có lẽ là một trong những nguyên nhân giúp các nhà Du già sống lâu đến vậy. Đây là khoa học thực sự, Robert ạ. Chất này có những thuộc tính kỳ lạ và chỉ sinh ra khi tư duy ở trạng thái tập trung cực sâu.

– Hình như anh đọc tin ấy cách đây vài năm.

– Ừ, nhân nói về chủ đề này. anh có nhớ phần “lộc trời” trong Kinh thánh không?

Langdon ngơ ngác, chưa hiểu sự liên hệ nằm ở đâu.

– Ý em là cái chất diệu kỳ từ trên trời rơi xuống để cứu giúp những người chết đói ấy hả?

– Chính xác. Chất đó chữa lành bệnh cho người ốm, đem lại sự sống vĩnh hằng, và kỳ lạ hơn nữa là vào trong cơ thể rồi thì không đào thải ra qua đường bài tiết nữa – Katherine ngừng lời, như muốn cho Langdon thời gian lĩnh hội. Rồi cô thúc anh – Robert! Một loại thực phẩm từ trên trời rơi xuống – Cô gõ vào thái dương mình – Có phép lạ chữa lành bệnh tật, lại không chuyển hoá thành chất bã. Anh không hiểu sao? Đây là những ngôn từ mã hoá. Robert ạ! Đền thờ là mã hoá của “cơ thể”. Thiên đường là mã hoá của “tư duy”. Chiếc thang của Jacob là cột sống. Còn lộc trời là quá trình tiết não rất hiếm hoi kể trên. Khi gặp các ngôn từ mã hoá này trong Kinh thánh, hãy chú ý. Chúng thường là vỏ ngoài của nhiều lớp nghĩa thâm thuý hơn.

Katherine hào hứng tuôn một tràng liên tu bất tận, kể rằng chất kỳ diệu này đã xuất hiện trong tất cả các Bí ẩn cổ xưa như Quỳnh tương, Tiên đan, Suối nguồn tươi trẻ, Hòn đá triết học, thức ăn của thần thánh, cam lồ, khí lực, phần sinh dưỡng. Sau đó, cô chuyển sang giải thích tuyến yên của não người đại diện cho Thấu nhãn của Chúa.

Theo Phúc âm Matthew 6:22, “Nếu mắt ngươi sáng sủa thì thân thể ngươi sẽ sáng láng theo”. Khái niệm này được biểu hiện bằng chakra Ajnai 3 và nốt ruồi trên trán tín đồ Hindu giáo, qua đó…

Đang sôi nổi nói, Katherine chợt ngừng một thoáng, vẻ bẽn lẽn.

– Xin lỗi… em biết mình hơi huyên thiên, song em vừa nhận thấy vấn đề này rất thú vị. Đã nhiều năm qua, em nghiên cứu nhận định của cổ nhân về sức mạnh tinh thần vĩ đại của con người, và giờ đây khoa học đang chứng tỏ rằng tiếp cận sức mạnh đó là một quá trình vật chất thật sự. Nếu được sử dụng đúng đắn, não chúng ta có thể phát huy tiềm lực siêu nhân theo đúng nghĩa đen. Kinh thánh, cũng như nhiều văn bản cổ, đã phân tích chi tiết về một cỗ máy phức tạp nhất trên đời, ấy là tư duy con người – Cô thở dài – Không thể tưởng được là khoa học chỉ mới chạm tới bề mặt của trí tuệ nhân loại mà thôi.

– Nghe chừng nghiên cứu về Lý trí học của em sẽ đạt được bước nhảy vọt đấy.

– Cũng có thể phải thụt lùi, – Katherine nói – Cổ nhân đã nắm vững rất nhiều chân lý khoa học mà giờ đây chúng ta đang tái khám phá. Chỉ vài năm nữa thôi, con người hiện đại sẽ buộc phải chấp nhận những điều mà hiện nay họ còn chưa có khả năng nghĩ tới, đó là: tư duy của chúng ta có thể tạo ra năng lượng để biến cải vật chất – Cô ngập ngừng – Các phân tử phản ứng lại với những suy nghĩ của chúng ta, điều đó đồng nghĩa với việc suy nghĩ của chúng ta đủ sức mạnh làm thay đổi thế giới.

Langdon chỉ cười.

– Nghiên cứu khiến em phải tin vào điều này Chúa có thật, Chúa là nguồn năng lượng tinh thần lan toả lên mọi thứ, và chúng ta, những con người, được tạo ra theo hình ảnh đó…

– Xin lỗi! – Langdon xen vào – Được tạo ra theo hình ảnh của… nguồn năng lượng tinh thần ư?

– Chính xác. Cơ thể vật chất của chúng ta biến đổi theo năm tháng, nhưng tư duy lại mô phỏng đúng như hình ảnh của Chúa. Loài người toàn đọc Kinh thánh theo nghĩa đen. Chúa tạo ra chúng ta theo hình ảnh của ngài thật, nhưng không phải hình ảnh vật chất mà là hình ảnh tư duy kia.

Langdon im lặng, chú ý lắng nghe.

– Đây là món quà rất lớn, Robert ạ, và Chúa đang đợi chúng ta hiểu điều đó. Trên khắp thế giới, loài người cứ ngước lên nhìn trời, chờ đợi Chúa, mà chẳng bao giờ nhận ra rằng Chúa đang đợi chúng ta – Katherine dừng lại, để lời nói của mình thấm vào người nghe – Chúng ta là đấng sáng tạo, nhưng chúng ta cứ ngây thơ đóng vai trò “sản phẩm”. Chúng ta tự coi mình là bầy chiên vô dụng do vị Chúa sáng tạo chăn dắt. Chúng ta quỳ rạp như đám con cái sợ hãi, cầu xin giúp đỡ, xin tha thứ, xin ban phước lành. Nhưng một khi nhận ra rằng mình thực sự được hình thành theo khuôn mẫu của Đấng Sáng tạo chúng ta sẽ hiểu ra bản thân cũng phải là những Đấng Sáng tạo. Khi con người thấu hiểu chân lý đó, những cánh cửa sẽ mở toang cho tiềm năng của họ.

Langdon nhớ lại một đoạn văn cứ đeo đẳng anh, trích từ tác phẩm của triết gia Manly P. Hall: Giá như Thương đế đừng kỳ vọng con người thông minh thì Ngài đã không phải ban cho họ khả năng hiểu biết. Langdon lại ngước nhìn bức tranh Sự phong thánh của Washington, một điển hình về sự vươn lên thành thần. Kẻ bị sáng tạo, trở thành Đấng Sáng tạo.

– Phần đáng ngạc nhiên nhất – Katherine nói – là ở chỗ chừng nào con người bắt đầu khai thác được sức mạnh đích thực của bản thân thì họ sẽ kiểm soát được thế giới, sẽ hoạch định được thực tại chứ không chỉ phản ứng lại nó.

Langdon nhìn xuống.

– Chuyện đó nghe… nguy hiểm quá.

Katherine hơi giật mình, và tỏ ra thán phục.

– Ừ, rất đúng! Nếu tư duy tác động lên thế giới thì chúng ta phải rất cẩn thận với luồng suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ có hại sẽ gây ảnh hưởng xấu. Ai nấy đều biết phá huỷ dễ dàng hơn xây dựng nhiều.

Langdon nghĩ đến ý thức về sự cần thiết phải bảo vệ tri thức cổ trước những kẻ không xứng đáng và chỉ đem nó chia sẻ với những người được khai sáng, nghĩ đến Hiệp hội Hoàng gia, nhớ lại lời Isaac Newton đề nghị Robert Boyle phải “hết sức giữ im lặng, về nghiên cứu bí mật của họ, đừng truyền bá nó”, Newton viết vào năm 1676, kẻo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thế giới.

– Có một chi tiết pha trộn thú vị ở đây, – Katherine nói – Điều hài hước là nhiều thế kỷ nay, mọi tôn giáo trên thế giới đều thúc giục tín đồ của mình nắm bắt các khái niệm về tín điều và niềm tin. Khoa học vốn chế giễu tôn giáo là mê tín, nay lại phải thừa nhận rằng mặt trận lớn tiếp theo của mình chính là khoa học tín điều và niềm tin… sức mạnh của sự hội tụ giữa tin tưởng và ý định. Khoa học vốn làm xói mòn niềm tin của chúng ta vào những điều kỳ diệu, nay lại bắc cây cầu ngang qua vực thẳm mà nó tạo ra.

Langdon nghe và cân nhắc những lời ấy một lúc lâu. Anh chậm rãi đưa mắt lên bức Sự phong thánh lần nữa, rồi quay lại Katherine:

– Anh có một câu hỏi. Cứ cho rằng anh chấp nhận, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng anh có sức mạnh thay đổi được vật chất bằng tư duy của mình, và bộc lộ mọi ao ước… Nhưng mà chẳng điều gì trong đời khiến anh tin mình gom đủ sức mạnh như thế.

Katherine nhún vai.

– Vậy là do anh nhìn nhận chưa nghiêm túc.

– Thôi nào, đó là câu trả lời của một thầy tu. Anh muốn có một câu trả lời thực sự, một câu trả lời của nhà khoa học kia.

– Anh muốn có một câu trả lời thật sự à? Thì nó đây thôi. Giả sử em đưa cho anh một cây vĩ cầm và bảo anh có khả năng sử dụng nó để tạo ra âm nhạc tuyệt vời, thì tức là em đang nói sự thật. Anh thật sự có khả năng ấy, nhưng anh sẽ phải tập luyện rất nhiều mới thể hiện được. Điều này tương tự với học cách sử dụng tư duy, Robert ạ. Phải rèn luyện thì mới hình thành được kỹ năng suy nghĩ có định hướng. Để thể hiện một ý định thì cần phải tập trung cao độ cảm nhận hoàn toàn bằng hình ảnh, và tin tưởng sâu sắc. Chúng ta đã chứng minh được điều này trong phòng thí nghiệm. Tương tự chơi vĩ cầm, có những người thể hiện khả năng thiên bẩm xuất sắc hơn hẳn những người khác. Hãy nhìn lại lịch sử. Hãy nhìn lại câu chuyện về những trí tuệ khai sáng đã làm nên nhiều điều kỳ diệu.

– Katherine, đừng nói với anh rằng em thật sự tin vào những phép màu nhé. Chẳng hạn, nói một cách nghiêm túc, có thể biến nước thành rượu vang hay chữa bệnh bằng cách chạm tay ư?

Katherine hít một hơi dài và từ từ thở ra.

– Em đã chứng kiến người ta biến tế bào ung thư thành tế bào khỏe mạnh chỉ đơn giản bằng cách nghĩ về chúng. Em đã chứng kiến tư duy con người ảnh hưởng đến thế giới vật chất bằng vô số cách, và một khi anh nhìn thấy điều đó xảy ra, Robert ạ, khi nàơ điều này trở thành một phần thực tế của anh, thì những phép màu mà anh từng nghe nói đến sẽ chỉ đơn giản là vấn đề mức độ mà thôi.

Langdon trầm ngâm.

– Đó là một cách nhìn nhận thế giới đầy cảm hứng. Katherine ạ, nhưng với anh, nó chỉ như một bước nhảy không thể thực hiện của tín điều. Và em biết đấy, anh không quen chấp nhận tín điều một cách dễ dàng đâu.

– Vậy đừng coi nó như tín điều. Hãy nghĩ đơn giản là nó đang làm thay đổi tầm nhìn của anh, hãy chấp nhận rằng thế giới không hoàn toàn như anh nghĩ. Về mặt lịch sử, mọi đột phá khoa học chủ yếu đều bắt đầu từ một ý tưởng giản dị luôn đe doạ lật nhào toàn bộ niềm tin của chúng ta. Người ta từng chỉ trích luận điểm giản dị trái đất hình tròn, bởi tin rằng điều đó không thể là sự thật, vì các đại dương sẽ chảy tuột khỏi hành tình ngay. Thuyết nhật tâm từng bị xem là dị giáo. Những tư duy hèn kém luôn tìm cách bôi nhọ mọi điều họ không hiểu. Có người sáng tạo… lại có những người phá hoại. Hiện thực đó thời nào cũng diễn ra. Nhưng cuối cùng phe sáng tạo sẽ tìm được tín đồ của mình, số lượng tín đồ sẽ tăng lên mạnh mẽ, và đột nhiên thế giới trở thành hình tròn, hoặc hệ mặt trời trở thành trung tâm. Quan niệm biến cải, và một thực tế mới ra đời.

Langdon gật đầu, dòng suy tư bỗng trở nên lan man.

– Mặt anh ngộ lắm – Katherine nói.

– Ồ anh không biết nữa. Chẳng hiểu vì cơn cớ gì, tự dưng anh nhớ lại lần mình đi ca nô ra giữa hồ nước vào lúc đêm muộn, nằm dưới trời sao và nghĩ về những việc như thế này.

Katherine gật đầu vẻ thấu hiểu.

– Mọi người đều có ký ức liên tưởng. Giữa việc nằm ngửa ngắm bầu trời và… mở mang trí tuệ – Cô ngẩng nhìn trần nhà rồi bảo Langdon – Cho em mượn áo khoác của anh.

– Sao cơ? – Anh cởi áo đưa cho cô.

Katherine gấp áo làm bốn và đặt xuống hành lang như một chiếc gối dài.

– Hãy nằm xuống đây.

Langdon nằm ngửa ra. Katherine chỉnh đầu anh dịch sang một nửa cái áo khoác gấp. Sau đó cô nằm xuống bên cạnh. Hai con người, vai kề vai trên hành lang hẹp, đăm đăm nhìn lên bức bích hoạ khổng lồ của Brumidi.

– Được rồi – Katherine thì thầm – Hãy đặt mình vào những bối cảnh – tư duy tương tự… một đứa trẻ nằm dài trên ca nô… nhìn lên các vì sao… tâm trí rộng mở và chan chứa nhiều điều kỳ diệu.

Langdon cố gắng tuân theo, mặc dù vừa duỗi người ra, anh đột nhiên cảm thấy kiệt sức. Mắt bỗng nhoà đi, rồi anh sực tỉnh vì nhận ra một hình dạng câm lặng trên trần. Có lẽ đâu thế? Không hiểu sao trước đây anh chẳng mảy may chú ý đến sự thực là các nhân vật trong bức Sự phong thánh của Washington rõ ràng được bố trí thành hai vòng tròn đồng tâm – một vòng tròn bên tròng một vòng tròn. Bức Sự phong thánh cũng là một bàn huyền điểm ư? Langdon tự hỏi không biết tối nay anh còn bỏ sót những gì.

– Có một chuyện quan trọng em muốn nói với anh, Robert. Còn một chi tiết nữa về tất cả sự việc… một chi tiết thuộc loại kỳ diệu nhất trong các nghiên cứu của em.

Vẫn còn nữa ư?

Katherine chống khuỷu tay nhổm dậy.

– Và em đảm bảo… nếu con người biết nắm bắt chân lý đơn giản này… thì thế giới sẽ thay đổi chỉ sau một đêm.

Langdon tập trung chú ý.

– Có lẽ em nên bắt đầu bằng cách nhắc anh câu thần chú của Hội Tam điểm, đó là “thu thập những thứ tản mát”… để lập lại “trật tự từ trong hỗn loạn”… để tìm ra “nhất thể”.

– Em nói tiếp đi – Langdon hào hứng giục.

Katherine mỉm cười nhìn xuống anh.

– Về khoa học, chúng ta đã chứng minh được rằng sức mạnh của tư duy con người tăng lên theo đường cong hàm mũ với các tư duy cùng luồng.

Langdon vẫn im lặng, tự hỏi Katherine định đi đến đâu với ý tưởng này.

– Ý em là, hai bộ óc sẽ tốt hơn một, và không chỉ tốt gấp đôi mà gấp nhiều, nhiều lần. Càng nhiều tư duy cộng hưởng thì hiệu ứng của một suy nghĩ càng tăng mạnh theo đường cong hàm mũ. Đây là sức mạnh vốn có của các nhóm cầu nguyện, các vòng tròn chữa bệnh, của việc hát đồng thanh, và của việc thờ cúng tập thể. Ý tưởng về ý thức vũ trụ không phải là một khái niệm của Kỷ nguyên Mới. Nó là một thực tế khoa học cốt lõi, và việc nắm bắt nó kéo theo tiềm năng biến cải thế giới chúng ta. Đây là phát hiện cơ bản của Lý trí học. Thêm nữa, nó đang xảy ra ngay lúc này. Anh có thể cảm nhận được nó ở quanh anh. Công nghệ đang liên kết chúng ta bằng những phương thức chưa bao giờ chúng ta hình dung được: Twitter 4, Google, Wikipedia, và nhiều thứ khác, tất cả hoà trộn để tạo ra một mạng lưới những bộ óc kết nối với nhau – Cô cười vang – Và em bảo đảm với anh, ngay khi em công bố công trình của mình, cư dân Twitter sẽ tới tấp tweet “học Lý trí học” và môn khoa học này sẽ gây nên một trào lưu quan tâm mạnh mẽ.

Langdon thấy mí mắt nặng trĩu.

– Em biết đấy anh vẫn chưa học được cách gửi một twitter.

– Một tweet 5- Katherine đính chính và bật cười.

– Anh không hiểu?

– Không sao. Hãy nhắm mắt lại. Em sẽ đánh thức anh khi đến giờ.

Langdon nhận ra anh đã có tất cả nhưng lại quên mất chiếc chìa khoá cũ mà Kiến trúc sư đưa cho, và quên mất tại sao họ lại mò lên tận đây. Một cơn mệt mỏi mới xâm chiếm lấy anh, Langdon nhắm mắt lại. Trong bóng tối tư duy. anh thấy mình đang nghĩ về ý thức vũ trụ, về những bài viết của Plato xoay quanh “tư duy thế giới” và “tập hợp Chúa trời”… về “vô thức tập thể” của Jung. Khái niệm ấy đơn giản đến kinh ngạc.

Người ta tìm thấy Chúa ở tập hợp Nhiều người, chứ không phải chỉ trong Một người.

– Elohim – Langdon bật thốt, anh mở bừng mắt vì nhớ đến một mối liên hệ bất ngờ.

– Sao cơ? – Katherine vẫn chăm chú nhìn xuống anh.

– Elohim – Langdon nhắc lại – Từ ngữ trong tiếng Do Thái cổ để chỉ Chúa trời trong Kinh Cựu ước! Anh đã luôn băn khoăn về nó.

Katherine mỉm cười.

– Đúng. Từ ấy là số nhiều.

Chính xác! Langdon chưa bao giờ hiểu tại sao những đoạn đầu tiên của Kinh thánh lại nói đến Chúa như một thực thể số nhiều. Elohim. Đấng Toàn năng trong Sáng thế ký được mô tả không phải như Một… mà là Nhiều.

– Chúa là số nhiều – Katherine thì thầm – bởi vì những bộ óc của con người là số nhiều.

Dòng suy tưởng của Langdon bắt đầu quay tròn… những giấc mơ, những ký ức, những hy vọng, những sợ hãi, những phát hiện… tất cả cuộn xoáy phía trên anh trong vòm Nhà tròn. Khi nhắm mắt lại, anh thấy mình đang nhìn ba chữ cái tiếng Latin vẽ trên bức Sự phong thánh.

E PLURIBUS UNUM.

– Một, trong rất nhiều – anh nghĩ thầm, và chìm vào giấc ngủ.

— —— —— —— ——-

1 Pistis Sophia (Đức tin trí huệ) là quyển Phúc âm lớn nhất từng được tìm thấy được mang từ Ai Cập tới London và được A. Askew, một bác sĩ kiêm chuyên gia sưu tầm tài liệu cổ mua vào năm 1772.

Nhiều cuộc đàm thoại hấp dẫn giữa Chúa và những đồng tư được ghi lại trong tài liệu này, dài khoảng 11 năm! Quyển Pistis Sophia cũng gồm nhiều bản thánh ca hay và lời cầu nguyện. Đặc biệt, Pistis Sophia đề cập đến thuyết luân hồi, với mục đích giải thoát linh hồn ra khỏi những trói buộc của vật chất, khỏi bánh xe luân hồi. Sự vô minh về thế giới tâm linh được thay thế bằng sự tự do về tâm linh và linh hồn được ban cho khả năng du hành từ trái đất lên thiên đàng, bằng Dòng ánh sáng Thánh thần. “Tất cả các con, hãy đi tìm ánh sáng, để lực lượng linh hồn trong các con sống dậy. Ngày đêm tìm kiếm chớ ngừng nghỉ, kiếm cho tới khi các con thấy những bí ẩn của Thế giới Hào quang, nó sẽ làm các con trong sạch, làm các con thành ánh sáng tinh khiết, và đưa các con vào Thế giới Hào quang”. Thể nghiệm này xảy ra trong lúc ngồi thiền một mình và suy tưởng – ND.

2 Nguyên tác là “temple”, vừa có nghĩa là “thánh đường, đền thờ”, vừa có nghĩa là “thái dương” – ND.

3 Trong Ấn Độ giáo và một số nền văn hoá châu Á, một chakra được cho là một nexus của năng lượng tâm linh hay (và) sinh lý ẩn trong cơ thể con người. Trong tiếng Phạn, chakra nghĩa là “bánh xe” hay “vòng tròn”, và đôi khi được dùng để chỉ đến “bánh xe của luân hồi”, đôi khi còn được gọi là luân xa. Các tín ngưỡng khác nhau miêu tả có từ 5 đến 8 chakra. Các chakra xếp thành một cột thẳng từ gốc của cột sống lên đến đỉnh đầu. Mỗi chakra liên quan tới một số chức năng tâm sinh lý, một khía cạnh của nhận thức, một phần tủ cổ điển (nước, lửa, khí, đất), một màu sắc nào đó và nhiều đặc điểm khác. Chúng thường được hình tượng hoá bằng các hoa sen với số cánh khác nhau. Các chakra được cho là đem lại năng lượng cho cơ thể và có liên quan đến các phản ứng cửa cơ thể, tình cảm hay tâm lý của một người: Chúng được xem là các điểm chứa năng lượng sống, hay prana (hay khí), lưu chuyển giữa các điểm đó dọc theo các đường chảy gọi là nadis. Chức năng của các chakra là xoay tròn để thu hút vào Năng lượng sống từ vũ trụ để giữ cân bằng cho sức khỏe về tâm linh, tâm lý, tình cảm và sinh lý của cơ thể.

Ajna hay là con mắt thứ ba được nối với tuyến tùng. Ajna là chakra của thời gian và nhận thức về ánh sáng, được hình tượng hoá bởi một bông sen hai cánh. Màu sắc: chàm (xanh đậm) – ND.

4 Twitter là dịch vụ mạng xã hội miễn phí cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là tweet, một dạng tiểu blog. Những mẩu tweet được giới hạn tối đa 140 ký tự, có thể chỉ là dòng tin vặt cá nhân hoặc những cập nhật thời sự tại chỗ kịp thời và nhanh chóng hơn cả truyền thông chính thống. Giới hạn về độ dài của tin nhắn có tính tương thích với tin SMS (Short Message Service), mang đến cho cộng đồng mạng một hình thức tốc ký đáng chú ý, đã được sử dụng rộng rãi đối với SMS. Giới hạn về ký tự cũng giúp thúc đẩy các dịch vụ thu gọn địa chỉ wchsite như tinyurl, bit.ly và tr.im, hoặc các dịch vụ nội dung tên miền như là Twitpic và NotePub nhằm thu thập các thông tin đa phương tiện và những đoạn dài hơn – ND.

5 Twitter là dịch vụ mạng xã hội miễn phí cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là tweet, một dạng tiểu blog. Những mẩu tweet được giới hạn tối đa 140 ký tự, có thể chỉ là dòng tin vặt cá nhân hoặc những cập nhật thời sự tại chỗ kịp thời và nhanh chóng hơn cả truyền thông chính thống. Giới hạn về độ dài của tin nhắn có tính tương thích với tin SMS (Short Message Service), mang đến cho cộng đồng mạng một hình thức tốc ký đáng chú ý, đã được sử dụng rộng rãi đối với SMS. Giới hạn về ký tự cũng giúp thúc đẩy các dịch vụ thu gọn địa chỉ wchsite như tinyurl, bit.ly và tr.im, hoặc các dịch vụ nội dung tên miền như là Twitpic và NotePub nhằm thu thập các thông tin đa phương tiện và những đoạn dài hơn – ND.

Đoạn Kết

Robert Langdon gần thức giấc.

Nhiều khuôn mặt đang chăm chú nhìn xuống anh. Mình ở đâu đây?

Nhìn bức tranh trần một lát mới nhớ ra, anh từ từ ngồi dậy, lưng tê dại vì nằm trên hành lang cứng.

Katherine đâu nhỉ?

Langdon giơ chiếc đồng hồ Chuột Mickey của mình lên xem. Gần đến giờ rồi. Anh tự đứng dậy, thận trọng nhìn qua lan can xuống khoảng không phía dưới.

– Katherine? – Langdon gọi to.

Nhà tròn vắng ngắt. Tiếng anh gọi vang vọng trong không gian im ắng.

Langdon nhặt chiếc áo khoác dưới sàn lên, rũ sạch bụi, khoác vào người rồi sờ túi. Chiếc chìa khoá Kiến trúc sư đưa cho đã biến mất.

Anh lần bước trở lại đường đi, tiến ra phía lối thoát mà Kiến trúc sư đã chỉ. Những bậc thang dốc đứng dẫn lên khoảng tối chật chội.

Langdon bắt đầu trèo, càng lúc càng cao. Dần dần, cầu thang trở nên hẹp và dốc hơn. Langdon vẫn nhích lên.

° ° °

Chỉ thêm một chút nữa thôi.

Các bậc thang gần như trở thành một cái thang, lối đi hẹp kinh khủng. Cuối cùng, cầu thang kết thúc, và Langdon bước lên một Chiếu nghỉ nhỏ. Trước mắt anh là cánh cửa sắt nặng nề. Chìa đã nằm trong ổ khoá, và cánh cửa hơi hé ra. Langdon đẩy mạnh, cửa ken két mở rộng. Không khí bên trong khá lạnh. Langdon bước qua ngưỡng cửa và tiến vào khoảng tối mịt mùng, tới đây anh mới nhận ra mình đang ở ngoài trời.

– Em vừa định quay lại đón anh, – Katherine mỉm cười đánh tiếng – Gần đến giờ rồi.

Khi nhận ra không gian xung quanh, Langdon hít một hơi sững sờ. Anh đang đứng trên lối đi lộ thiên nhỏ xíu bao quanh đỉnh mái vòm Điện Capitol. Trên đầu anh, tượng đồng Thần tự do chăm chắm nhìn qua thành phố đang say ngủ, dõi mắt về hưởng đông, nơi những vệt màu tía đầu tiên của buổi bình mình bắt đầu hửng lên ở đường chân trời.

Katherine dẫn Langdon đi vòng quanh ban công cho tới khi nhìn ra phía tây, thẳng hướng Công viên Quốc gia. Đằng xa, bóng Đài tưởng niệm Washington hiện rõ trong ánh sáng ban mai: Từ góc độ này, cột tháp cao vút trông càng ấn tượng hơn.

– Hồi thi công – Katherine thì thầm – đó là công trình cao nhất hành tinh.

Langdon nhớ tới những bức ảnh ngả vàng chụp thợ nề trên giàn giáo cao hơn 150 mét so với mặt đất, đang lần lượt đặt từng viên gạch.

Chúng ta là những người xây dựng, anh nghĩ. Chúng ta là những đấng sáng tạo.

Từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã cảm thấy bản thân mình có điều đặc biệt… hoặc hơn thế. Họ thèm khát những sức mạnh ngoài tầm tay. Họ mơ ước biết bay, biết chữa bệnh, và mơ đủ khả năng biến cải thế giới theo bất kỳ cách nào nghĩ ra được.

Và con người đã làm như vậy.

Ngày nay, những thánh điện dành để tôn vinh chiến công của con người đang tô điểm cho Công viên Quốc gia. Các bảo tàng Smithsonian vươn lên với bao sáng chế, nghệ thuật, khoa học và cả những tư tưởng vĩ đại. Chúng kể về lịch sử của loài người với tư cách là đấng sáng tạo, từ những công cụ bằng đá trong Bảo tàng Lịch sử Mỹ quốc Bản địa tới những chiếc máy bay phản lực và tên lửa trong Bảo tàng Không quân và Vũ trụ Quốc gia.

Nếu tổ tiên mà nhìn thấy chúng ta ngày nay, chắc chắn họ sẽ nghĩ chúng ta là thần thánh.

Langdon nhìn xuyên qua màn sương buổi sớm, sang phía dãy bảo tàng và đài tưởng niệm trước mặt, ánh mắt anh tự động hướng vào Đài tưởng niệm Washington. Anh hình dung ra cuốn Kinh thánh nằm trong hòn đá móng và ngẫm nghĩ về việc Từ ngữ của Chúa chính là từ ngữ của con người.

Langdon nghĩ về bàn huyền điểm vĩ đại, về cách người ta bố trí nó trên quảng trường hình tròn dưới chân Đài tưởng niệm, ngay giao lộ của nước Mỹ. Anh đột nhiên nghĩ đến cái hộp đá nhỏ nhắn mà Peter gửi gắm ngày xưa. Bây giờ cái hộp lập phương đó đã bung bản lề và mở toang để tạo ra chính xác hình một cây thập tự với bàn huyền điểm ở chính giữa. Langdon bật cười. Đến cái hộp bé xíu ấy cũng gợi ý về giao lộ.

– Robert, trông kìa! – Katherine trỏ lên chóp đài tưởng niệm.

Langdon ngước mắt trông nhưng không thấy gì. Sau đó, nhìn kỹ hơn, anh loáng thoáng nhận ra.

Bên kia Công viên, một đốm mặt trời vàng rực nhỏ xíu đang toả rạng từ đỉnh cao nhất của cột tháp vĩ đại. Điểm sáng mỗi lúc một rực rỡ, toả rộng hơn, lấp lánh trên phần đỉnh bằng nhôm của cái chóp. Langdon sững sờ theo dõi, ánh sáng dần dần biến đôi thành một cột đèn hiệu vươn cao bên trên thành phố vẫn chìm trong bóng tối. Langdon nhớ đến dòng chữ khắc nhỏ xíu trên mặt phía đông của cái chóp nhôm và kinh ngạc nhận ra rằng hằng ngày, những tia nắng đầu tiên chạm tới thủ đô của cả nước là chạm lên hai từ đang toả sáng kia:

Laus Deo.

– Robert – Katherine thì thầm – Chưa ai leo lên tận đây vào lúc bình mình. Đây là cảnh anh Peter muốn chúng ta chứng kiến.

Ánh sáng trên đỉnh đài tưởng niệm chói chang dần. Langdon cảm thấy mạch đập của mình rộn ràng theo.

– Peter tin rằng đây là lý do khiến các bậc tiền nhân xây dựng đài tưởng niệm cao đến vậy. Chẳng rõ có đúng không, nhưng có một đạo luật rất cổ quy định rằng ở thủ đô, không được phép xây công trình nào cao hơn đài tưởng niệm nữa. Mãi mãi.

Khi mặt trời từ từ nhô cao ở phía chân trời đằng sau lưng họ, vùng sáng cũng nhích dần xuống cái chóp. Trong lúc đứng ngắm, Langdon gần như cảm nhận được các thiên quyển đang luân chuyển theo quỹ đạo vĩnh hằng của chúng qua vũ trụ mênh mông xung quanh anh.

Anh nghĩ đến vị Kiến trúc sư vĩ đại của Vũ trụ và việc Peter đã nói rất cụ thể rằng kho báu mà ông muốn cho Langdon xem chỉ có thể do Kiến trúc sư tiết lộ mà thôi. Langdon đã tưởng rằng đó là Warren Bellamy. Hoá ra không phải.

Khi những tia nắng kéo dài ra, vầng sáng vàng lan xuống toàn bộ cái chóp nặng đúng 3.300 pound. Trí tuệ con người… đang nhận lấy sự khai sáng. Sau đó, ánh sáng bắt đầu toả rộng khắp Đài tưởng niệm, hệt như mọi buổi sáng khác. Thiên đàng giáng thế… Chúa gắn kết với con người. Langdon nhận ra rằng quá trình này sẽ đảo ngược vào buổi chiều. Mặt trời chìm xuống phía tây, và ánh sáng lại đi từ trái đất ngược lên bầu trời… chuẩn bị cho một ngày mới.

Bên cạnh anh, Katherine rùng mình và nhích tới gần hơn. Langdon vòng tay ôm lấy cô. Hai người im lặng đứng bên nhau, Langdon hồi tưởng mọi điều anh tiếp nhận được từ tối đến giờ. Anh nghĩ đến niềm tin của Katherine rằng mọi thứ sẽ thay đổi. Anh nghĩ đến niềm tin của Peter rằng một kỷ nguyên khai sáng sắp đến, và anh nghĩ đến những lời của một nhà tiên tri vĩ đại từng mạnh dạn tuyên bố: “Chẳng có gì giấu giếm được mãi, và cũng chẳng có bí mật nào lại không lộ ra ánh sáng”.

Khi mặt trời lên cao trên Washington, Langdon ngước nhìn bầu trời, nơi những vì sao đêm cuối cùng đang nhạt dần. Anh nghĩ về khoa học, về tín điều, về con người. Anh nghĩ về thực tế là mọi nền văn hoá ở mọi quốc gia và mọi thời đại đều luôn cùng chia sẻ một điều. Tất cả chúng ta đều có Đấng sáng tạo. Chúng ta dùng những tên gọi khác nhau, gương mặt khác nhau, và những lời cầu nguyện khác nhau, nhưng Chúa vẫn là bất biến với con người. Chúa là biểu tượng chung của toàn nhân loại… biểu tượng của tất cả những bí ẩn trong cuộc sống mà chúng ta chưa thể hiểu được. Cổ nhân ca ngợi Chúa như một biểu tượng của tiềm năng con người vô hạn trong chúng ta, nhưng chính biểu tượng cổ xưa đó lại bị thất truyền theo thời gian. Cho tới bây giờ.

Lúc này, đứng trên nóc Điện Capitol, với hơi ấm của mặt trời toả xuống xung quanh, Robert Langdon nhận ra một cảm giác mạnh mẽ trào lên trong mình. Một cảm giác thấm thía chưa từng thấy trong suốt cuộc đời anh.

Đó là Niềm hy vọng.

Biểu Tượng Thất Truyền

Biểu Tượng Thất Truyền

Score 9
Status: Completed Author:

Bán hết một triệu bản ngay trong buổi phát hành đầu tiên và được xuất bản tại bốn mươi sáu quốc gia, Biểu tượng thất truyền đã tạo nên cơn sốt cho các độc giả trên khắp thế giới. Cuốn sách đưa người đọc song hành cùng nhà biểu tượng học lừng danh Robert Langdon trong cuộc hành trình tới thủ đô nước Mỹ và khám phá bức màn bí ẩn về Hội Tam Điểm - một hội kín có lịch sử lâu đời, cuốn quanh mình vô vàn biểu tượng và truyền thuyết kỳ bí. Trên thực tế, toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong vỏn vẹn mười hai tiếng, địa điểm chỉ khoanh vùng ở thủ đô Washington, nhưng không gian và thời gian xây dựng trên ký ức nhân vật lại bao trùm suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo, triết học, lý luận, giả kim và nghệ thuật của cả đất nước.

Báo chí ca ngợi tác phẩm là cuộc khám phá những bí mật cổ kim đầy lý thú, là cuốn Bách khoa toàn thư về kiến thức và là văn phẩm hấp dẫn vì tính gay cấn điện ảnh. Nhưng trên tất cả, Biểu tượng thất truyền chính là một hành trình hồi tưởng và truy nguyên, là lời nhắc nhở thế nhân về những điều họ đã bỏ quên trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, đồng hành với những phát minh tương lai, con người cũng cần chấn hưng hiểu biết và tiếp bước thành tựu của tiền nhân trước khi chúng thất truyền mãi mãi.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset