Chương 39

Chương 39

Robert Langdon đăm đăm nhìn chỗ hổng ở bức tường hậu gian buồng. Ẩn sau tấm toan là một lỗ hổng vuông vức được trổ lõm vào tường. Chỗ hổng đó, mỗi chiều khoảng gần 1 mét, có vẻ như được tạo ra bằng cách gỡ bỏ một vài hàng gạch. Trong bóng tối. Langdon thoáng nghĩ cái lỗ đó là ô cửa sổ mở sang một gian buồng khác.

Còn giờ thì anh thấy không phải như vậy.

Chỗ hổng chỉ ăn sâu vào tường tầm 1 mét thì hết. Nhìn cái hốc khoét vội vàng. Langdon nhớ tới hốc tường được thiết kế để đặt một pho tượng trong viện bảo tàng, và ô tường này cũng bày một vật nhỏ nhắn vừa in.

Vật ấy cao khoảng 23 centimet, đẽo từ đá hoa cương đặc. Bề mặt nó láng bóng với bốn mặt được mài nhẵn, sáng rõ trong ánh nến.

Langdon không hiểu nổi nó có tác dụng gì ở đây. Một kim tự tháp bằng đá?

– Trông vẻ ngạc nhiên của ông, tôi đoán thứ này không hề phổ biến trong một Gian buồng Suy niệm – Sato lên tiếng, vẻ rất hả hê.

Langdon lắc đầu.

– Có lẽ ông nên xem xét lại những lời kể trước đây về truyền thuyết Kim tự tháp Tam điểm được cất giấu ở Washington chăng? – Giọng bà ta đầy tự mãn.

– Bà Giám đốc, – Langdon đáp trả tức thì – cái kim tự tháp nhỏ bé này không phải là Kim tự tháp Tam điểm.

– Nhưng trùng hợp làm sao khi chúng ta tìm thấy một kim tự tháp cất giấu tại trung tâm Điện Capitol, trong một gian phòng bí mật thuộc về một thủ lĩnh Hội Tam điểm?

Langdon dụi mắt và cố gắng suy nghĩ.

– Thưa bà, kim tự tháp này không giống truyền thuyết tí nào cả. Kim tự tháp Tam điểm được mô tả là rất lớn, với phần chóp đúc bằng vàng đặc.

Hơn nữa, Langdon biết rằng cái kim tự tháp nhỏ bé này – với đỉnh bằng phẳng – thậm chí còn không phải là một kim tự tháp đích thực. Không có chóp, nó chỉ là một biểu tượng khác mà thôi. Vẫn được biết đến bằng tên gọi Kim tự tháp Dang dở, nó là một biểu tượng nhắc nhở rằng hành trình tiến tới tiềm năng đầy đủ của con người luôn là một công việc đang phải thực hiện. Mặc dù ít người nhận ra, nhưng biểu tượng này là biểu tượng phổ biến nhất trên Trái đất. Hơn hai mươi tỉ bản in. Xuất hiện trên tất cả các tờ tiền 1 đô la đang lưu hành, Kim tự tháp Dang dở kiên nhẫn chờ đợi cái chóp sáng ngời của nó, nằm lơ lửng phía bên trên như lời nhắc nhở về định mệnh vẫn chưa hoàn thành của nước Mỹ, về công việc còn phải tiến hành, vừa với tư cách một quốc gia vừa với tư cách của những cá nhân.

– Nhấc nó xuống đi. – Sato bảo Anderson, mắt dán chặt vào cái kim tự tháp – Tôi muốn nhìn kỹ hơn – Bà ta bắt đầu dọn chỗ trên bàn bằng cách thô bạo gạt hết cái sọ và những khúc xương sang một bên.

Langdon bắt đầu cảm thấy họ như những kẻ cướp lăng mộ, mạo phạm linh đường của một con người.

Anderson thận trọng bước qua Langdon, chui vào trong hốc tường và bấu chặt hai bàn tay hộ pháp vào hai mặt kim tự tháp. Sau đó, cảm thấy khó nhấc lên được ở góc đứng bất tiện này, anh ta kéo cái kim tự tháp về phía mình và nặng nề hạ nó xuống mặt bàn gỗ, rồi lùi lại để nhường chỗ cho Sato.

Vị Giám đốc OS nhấc cây nến lại gần kim tự tháp và săm soi bề ngoài nhẵn bóng của nó. Bà ta chậm rãi rê những ngón tay nhỏ thó trên bề mặt, kiểm tra kỹ từng phân phần chóp bằng, và sau đó là các mặt. Bà ta vòng tay xung quanh để sờ phía sau, rồi cau mày vẻ thất vọng thấy rõ.

– Giáo sư, lúc trước ông nói người ta xây Kim tự tháp Tam điểm để bảo vệ các thông tin bí mật nhỉ!

– Truyền thuyết nói thế.

Vậy thì, giả sử kẻ bắt cóc Peter tưởng đây là Kim tự tháp Tam điểm, chắc chắn gã sẽ tin rằng nó chứa đựng những thông tin rất ghê gớm.

Langdon cau có gật đầu.

– Phải, cứ cho là hắn tìm thấy thông tin ấy thì nội dung cũng đã được mã hoá, và rất khó giải… trừ phi gặp được người thích hợp nhất.

– Nghĩa là sao?

Mặc dù càng lúc càng thấy sốt ruột nhưng Langdon vẫn trả lời bằng giọng từ tốn.

– Các kho báu trong truyền thuyết luôn được bảo vệ bằng các cuộc kiểm tra mức độ thích hợp. Như các vị còn nhớ, theo truyền thuyết Thanh gươm cắm trong đá, tảng đá không chịu nhả thanh gươm ra cho đến khi gặp Arthur, người được thiên định là sẽ đủ sức điều khiển sức mạnh ghê gớm của nó. Kim tự tháp Tam điểm dựa trên ý tưởng tương tự. Trong trường hợp này, thông tin là kho báu, và người ta nói rằng nó được viết bằng một ngôn ngữ mã hoá, một ngôn ngữ bí ẩn với những từ ngữ thất truyền, chỉ người thích hợp mới đọc được.

Môi Sato thoáng một nụ cười.

– Điều đó lý giải vì sao ông bị triệu tới đây tối nay.

– Xin lỗi tôi không hiểu?

Rất thản nhiên, Sato xoay tròn cái kim tự tháp tại chỗ, rồi xoay ngược nó lại đúng 180 độ. Mặt thứ tư của kim tự tháp được ánh nến chiếu rõ.

Robert Langdon tròn mắt nhìn với vẻ kinh ngạc.

– Xem ra, có kẻ tin rằng ông là người thích hợp – Sato nhận xét.

Biểu Tượng Thất Truyền

Biểu Tượng Thất Truyền

Score 9
Status: Completed Author:

Bán hết một triệu bản ngay trong buổi phát hành đầu tiên và được xuất bản tại bốn mươi sáu quốc gia, Biểu tượng thất truyền đã tạo nên cơn sốt cho các độc giả trên khắp thế giới. Cuốn sách đưa người đọc song hành cùng nhà biểu tượng học lừng danh Robert Langdon trong cuộc hành trình tới thủ đô nước Mỹ và khám phá bức màn bí ẩn về Hội Tam Điểm - một hội kín có lịch sử lâu đời, cuốn quanh mình vô vàn biểu tượng và truyền thuyết kỳ bí. Trên thực tế, toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong vỏn vẹn mười hai tiếng, địa điểm chỉ khoanh vùng ở thủ đô Washington, nhưng không gian và thời gian xây dựng trên ký ức nhân vật lại bao trùm suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo, triết học, lý luận, giả kim và nghệ thuật của cả đất nước.

Báo chí ca ngợi tác phẩm là cuộc khám phá những bí mật cổ kim đầy lý thú, là cuốn Bách khoa toàn thư về kiến thức và là văn phẩm hấp dẫn vì tính gay cấn điện ảnh. Nhưng trên tất cả, Biểu tượng thất truyền chính là một hành trình hồi tưởng và truy nguyên, là lời nhắc nhở thế nhân về những điều họ đã bỏ quên trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, đồng hành với những phát minh tương lai, con người cũng cần chấn hưng hiểu biết và tiếp bước thành tựu của tiền nhân trước khi chúng thất truyền mãi mãi.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset