Chương 49

Chương 49

Robert Langdon tắt điện thoại di động, càng lúc càng cảm thấy lo lắng.

Vì sao Katherine không bắt máy. Cô hứa sẽ gọi lại ngay sau khi thoát khỏi phòng thí nghiệm và sẽ tới đây gặp anh, nhưng mãi mà cô chưa đến, cũng không gọi điện.

Bellamy ngồi cạnh Langdon bên bàn đọc. Ông cũng vừa gọi cho một người mà theo lời ông, có thể thu xếp cho họ một nơi trú ẩn, một chỗ an toàn để náu mình. Rủi thay, người này cũng không trả lời, nên Bellamy phải để lại một tin nhắn khẩn cấp, dặn người đó gọi vào số điện thoại của Langdon ngay.

– Tôi sẽ tiếp tục thử – Bellamy bảo Langdon – nhưng tạm thời phải tự xoay xở thôi. Chúng ta cần thảo luận một kế hoạch về cái kim tự tháp.

Kim tự tháp. Với Langdon, khung cảnh đầy ấn tượng của phòng đọc gần như không còn tồn tại, thế giới của anh đã co hẹp lại phạm vi những đồ vật đang hiện hữu trước mặt – ngọn kim tự tháp bằng đá, cái gói rù êm phong bên trong chứa phần chóp – và một quý ông da đen nhảy ra từ trong bóng tối, cứu anh thoát khỏi cuộc thẩm vấn cầm chắc với CIA.

Langdon trông đợi nhận được chút thông tin hữu ích từ viên Kiến trúc sư Điện Capitol, nhưng xem ra Warren Bellamy cũng không lý trí gì hơn cái gã điên từng nói Peter đang trong giai đoạn chuộc tội. Bellamy khăng khăng bảo ngọn kim tự tháp đá này trên thực tế chính là Kim tự tháp Tam điểm trong truyền thuyết. Một tấm bản đồ cổ? Nó sẽ dẫn chúng ta đến với vốn tri thức hùng mạnh?

– Ông Bellamy – Langdon nhã nhặn lên tiếng – tôi không chấp nhận nổi cái ý tưởng về sự tồn tại của một loại tri thức cổ xưa biết mang lại sức mạnh lớn lao cho con người.

Ánh mắt Bellamy vừa thất vọng vừa tha thiết, khiến Langdon đâm lúng túng với luận thuyết của mình.

– Vâng, thưa Giáo sư, tôi cũng biết là anh sẽ cảm thấy như vậy, nhưng tôi không lấy làm ngạc nhiên. Anh nhìn nhận từ bên ngoài. Có những thực tế của Hội Tam điểm mà chắc chắn anh sẽ cho là huyền hoặc, bởi vì anh chưa được khai tâm đầy đủ và chưa sẵn sàng để hiểu chúng.

Langdon cảm thấy như bị thương hại. Tôi đâu phải thành viên trong thuỷ thủ đoàn Odyesseus, nhưng tôi tin chắc bọn khổng lồ một mắt chỉ là truyền thuyết.

– Thưa ông Bellamy, cho dù huyền thoại có là sự thật… thì cái kim tự tháp này cũng không thể là Kim tự tháp Tam điểm được.

– Không ư? – Bellamy rê một ngón tay qua dòng ký hiệu của Hội Tam điểm khắc trên đá – Tôi thấy nó hoàn toàn khớp với mô tả. Một kim tự tháp đá với chóp kim loại sáng ngời, mà, theo bản chụp X quang của Sato, chắc chắn chính là thứ Peter tin tưởng gửi gắm anh.

Bellamy nhấc cái gói hình hộp xinh xắn lên, ướm ướm sức nặng của nó trên tay.

– Kim tự tháp đá này cao chưa tới 0,3 mét – Langdon nói tiếp – trong khi mọi khảo dị đều khẳng định Kim tự tháp Tam điểm rất lớn.

Rõ ràng Bellamy đã lường trước chi tiết này.

– Anh biết đấy, truyền thuyết kể về một cái kim tự tháp vươn cao tới tận tầm với của Chúa.

– Chính xác.

– Tôi có thể hiểu sự băn khoăn của anh, thưa Giáo sư. Tuy nhiên, cả những Bí ẩn cổ xưa và triết lý Tam điểm đều ca ngợi tiềm năng của Chúa ngay trong mỗi chúng ta. Về mặt hình tượng, người ta có thể nói rằng bất kỳ thứ gì trong tầm với của một người đã được khai sáng… thì cũng trong tầm với của Chúa.

Langdon không hề dao động trước cách chơi chứ đó.

– Thậm chí Kinh thánh cũng có cùng quan điểm. – Bellamy nói – Sáng Thế ký kể “Chúa tạo ra loài người theo trí tưởng tượng của Người”, từ đó chúng ta nên chấp nhận hàm ý của câu này, rằng loài người không hề thấp kém hơn Chúa. Kinh Phúc âm Luca 20:17 còn khẳng định “Vương quốc của Chúa nằm ngay trong chính các ngươi”.

– Xin lỗi, theo chỗ tôi biết, bất kỳ tín đồ Thiên Chúa giáo nào cũng không dám coi mình ngang hàng với Chúa.

– Dĩ nhiên là không rồi, – Bellamy nói, giọng đanh lại – Bởi vì hầu hết các tín đồ Thiên Chúa giáo muốn tiếp nhận quan điểm đó theo cả hai cách. Họ muốn được tự hào tuyên bố rằng bản thân tin vào Kinh thánh, nhưng cũng lại bỏ qua những phần họ thấy là quá khó hoặc quá bất tiện để tin theo.

Langdon chẳng nói chẳng rằng.

– Nhưng dù sao, – Bellamy nói tiếp – bấy nay những mô tả cho rằng Kim tự tháp Tam điểm đủ cao để chạm tới Chúa trời đã dẫn tới nhiều cách hiểu sai lầm về kích thước của nó. Cũng khá tiện, vì nó làm cho những học giả như anh tin chắc rằng kim tự tháp chỉ là huyền thoại và chẳng ai tìm kiếm nó nữa.

Langdon nhìn ngọn tháp đá.

– Tôi xin lỗi vì làm ông thất vọng, – anh nói – Tôi thường nghĩ rằng Kim tự tháp Tam điểm chỉ là một huyền tích.

– Lẽ nào anh không thấy thật phi lý khi người ta khắc bản đồ của những người thợ đá lên đá ư? Xưa nay, người ta chỉ khắc đá những thứ quan trọng mà thôi, chẳng hạn các cột chỉ đường, hay những tấm thẻ Mười điều giới răn chỉ dẫn cách hành xử của loài người mà Chúa trao cho Moses…

– Tôi hiểu, nhưng người ta luôn cho rằng luận thuyết về Kim tự tháp Tam điểm là Truyền thuyết. Truyền thuyết ấy ngụ ý nó chỉ là một huyền tích.

– Phải, truyền thuyết – Bellamy cười khan – Tôi sợ rằng anh cũng đang gặp phải cùng vấn đề của Moses.

– Tôi không hiểu?

Bellamy lộ vẻ thích thú, ông xoay người trên ghế, phóng mắt nhìn lên bao lơn tầng hai, nơi có mười sáu bức tượng đồng đang ngó xuống họ.

– Anh thấy Moses không?

Langdon ngước nhìn bức tượng được nói đến.

– Có chứ.

– Ông ấy có cặp sừng.

– Tôi đã chú ý thấy điều đó.

– Nhưng anh có biết tại sao Moses lại có sừng không?

Cũng như hầu hết các giáo viên. Langdon không thích bị người khác lên lớp. Ngài Moses ở phía trên họ kia có cặp sừng vì chính cái lý do khiến hàng nghìn tấm hình Thiên Chúa giáo mô tả Moses có sừng – một cách hiểu sai về cuốn Xuất Ai Cập ký. Văn bản Do Thái nguyên gốc mô tả Moses có “karan ‘ohrpanav” (lớp da mặt toả ra những tia sáng) – nhưng khi Nhà thờ Công giáo La Mã sáng tạo bản dịch chữ La tin chính thức của Kinh thánh, dịch giả đã dịch sai phần mô tả về Moses, diễn đạt thành “comuta esset facies sua”, nghĩa là “mặt ông ấy có sừng”. Từ đó trở đi, các hoạ sĩ và nghệ sĩ điêu khắc, do e ngại bị trả thù nếu không theo đúng Sách Phúc âm, bắt đầu mô tả Moses với cặp sừng.

– Đó là một lầm lẫn thuần tuý, – Langdon đáp – Saint Jerome đã dịch sai, vào khoảng 400 năm sau Công nguyên.

Bellamy có vẻ rất ấn tượng.

– Chính xác. Một trường hợp dịch sai, và kết quả là… Moses tội nghiệp giờ dị dạng mãi mãi.

“Dị dạng” là một cách nói rất hay. Khi còn bé, Langdon đã vô cùng khiếp hãi khi nhìn thấy pho tượng “Moses có sừng” của Michelangelo, pho tượng trông như quỷ dữ, đặt ở trung tâm Đại Thánh đường St. Peter thành Rome.

– Tôi nhắc chuyện Moses có sừng để chứng minh rằng một từ duy nhất, khi bị hiểu sai, có thể viết lại lịch sử như thế nào. – Bellamy nói.

Lập luận rất thuyết phục, Langdon nghĩ bụng, vì anh đã từng trực tiếp trải nghiệm tình huống này ở Paris vài năm về trước. SanGreal: Chén Thánh. SanReal: Hoàng gia.

– Trong trường hợp Kim tự tháp Tam điểm, – Bellamy quay lại câu chuyện của họ – người ta nghe đồn về một “truyền thuyết”, và ý tưởng nảy sinh. Truyền thuyết 1 về Kim tự tháp Tam điểm, nghe giống một huyền tích. Nhưng từ truyền thuyết thực ra ám chỉ thứ khác. Nó đã bị dịch sai. Giống từ bùa chú – ông ta mỉm cười – Ngôn ngữ có thể rất hữu dụng trong việc che giấu sự thật.

– Đúng như vậy, nhưng tôi chưa hiểu ý ông.

– Robert, Kim tự tháp Tam điểm là một bản đồ, và như tất cả các loại bản đồ, nó có mục chú giải- một chìa khoá cho anh biết cách đọc nó – Bellamy cầm cái gói hình hộp và giơ nó lên – Anh không thấy sao? Cái chóp này là lời chú giải cho kim tự tháp. Nó chính là chìa khoá cho anh biết cách đọc thứ hiện vật uy thế nhất trên Trái đất… một tấm bản đồ chỉ nơi cất giấu kho báu vĩ đại nhất của nhân loại, đó là vốn tri thức bị thất truyền của mọi thời đại.

Langdon im lặng.

– Tôi khiêm tốn gợi ý rằng, – Bellamy nói – Kim tự tháp Tam điểm đồ sộ trong suy nghĩ của anh thực ra chỉ là thứ này… một khối đá khiêm nhường với phần chóp bằng vàng vươn cao đủ để Chúa chạm tới. Đủ cao để một người được khai sáng có thể cúi xuống và chạm tới nó.

Sự im lặng bao trùm hai người đàn ông trong vài giây.

Langdon ngó cái kim tự tháp, quan sát nó bằng một nhãn quan mới và cảm nhận một niềm phấn khích bất ngờ. Ánh mắt anh lại di chuyển tới phần mật mã Tam điểm.

– Nhưng đoạn mật mã này… dường như…

– Đơn giản phải không?

Langdon gật đầu.

– Gần như bất kỳ ai cũng có thể giải mã nó.

Bellamy mỉm cười, rút ra một cây bút chì và giấy cho Langdon.

– Vậy thì có lẽ anh nên khai sáng cho chúng tôi?

Langdon lưỡng lự trước việc đọc đoạn mật mã, và nếu cân nhắc các tình huống thì dường như đây là hành vi phản bội lại niềm tin của Peter. Hơn nữa, cho dù dòng chữ khắc nói gì thì anh cũng không tin rằng nó sẽ tiết lộ nơi cất giấu một thứ nào… càng không thể cất giấu một trong những kho báu kỳ vĩ nhất lịch sử.

Langdon nhận lấy bút chì từ Bellamy và gõ gõ nó vào cằm mình trong khi nghiên cứu đoạn mã. Mật mã đơn giản đến mức anh gần như chẳng cần bút chì và giấy. Tuy vậy, anh vẫn muốn bảo đảm không gây ra sai sót nên cẩn thận đặt bút lên giấy và viết ra chìa khoá giải mã phổ biến nhất cho một đoạn mật mã của Hội Tam điểm. Chìa khoá gồm 4 hệ chia ô – hai để trơn và hai có dấu chấm – và cho bảng chữ cái lần lượt xuất hiện theo trình tự. Mỗi chữ cái trong bảng chữ giờ được bố trí vào bên trong một “ô” hoặc “quầy”. Hình dạng của mỗi ô chữ cái trở thành biểu tượng cho chữ cái đó.

Ý đồ đơn giản như vậy nên gần như rất dễ dàng.

Langdon kiểm tra kỹ lại bản viết tay của mình. Cảm thấy tự tin rằng chìa khoá giải mã hoàn toàn đúng, giờ anh mới chuyển trọng tâm chú ý đoạn mật mã được khắc trên kim tự tháp. Để giải mã nó, tất cả những gì anh phải làm là tìm cho ra hình dạng ăn khớp trên chìa khoá giải mã của mình và viết ra chữ cái bên trong.

Ký tự đầu ăn trên kim tự tháp trông như một mũi tên hướng xuống dưới hoặc một đài hoa. Langdon nhanh chóng tìm ra cái ô có hình dạng đài hoa trên chìa khoá giải mã. Nó nằm ở góc bên trái phía dưới và có chứa chữ cái S.

Langdon viết ra chữ S.

Biểu tượng tiếp theo trên kim tự tháp là một ô vuông có dấu chấm nhưng khuyết cạnh bên phải. Hình dạng đó trên hệ ô giải mã có chứa chữ cái ô.

Anh lại viết ra chữ O.

Biểu tượng thứ ba là một ô vuông giản dị, có chứa chữ cái E

Langdon viết chữ E

Anh cứ tiếp tục, tốc độ càng lúc càng nhanh cho tới khi hoàn tất toàn bộ, Bấy giờ, nhìn xuống bản dịch vừa kết thúc của mình, Langdon thở phào bối rối. Có thể ví như khoảnh khắc tìm ra rồi!

Gương mặt Bellamy thoáng một nụ cười.

– Như anh biết đấy. Giáo sư, Bí mật cổ xưa chỉ được giữ gìn cho những người thật sự được khai sáng.

– Phải – Langdon nói và cau mày. Rõ ràng, mình không đủ tư cách!

— —— —— —— ——-

1 Ở đây có sự chơi chữ rất khó dịch. Nguyên bản từ “legend” vừa có nghĩa là truyền thuyết” nhưng đồng thời cũng có nghĩa là “mục chú giải, chú thích” trên những tấm bản đồ, tranh ảnh – ND.

Biểu Tượng Thất Truyền

Biểu Tượng Thất Truyền

Score 9
Status: Completed Author:

Bán hết một triệu bản ngay trong buổi phát hành đầu tiên và được xuất bản tại bốn mươi sáu quốc gia, Biểu tượng thất truyền đã tạo nên cơn sốt cho các độc giả trên khắp thế giới. Cuốn sách đưa người đọc song hành cùng nhà biểu tượng học lừng danh Robert Langdon trong cuộc hành trình tới thủ đô nước Mỹ và khám phá bức màn bí ẩn về Hội Tam Điểm - một hội kín có lịch sử lâu đời, cuốn quanh mình vô vàn biểu tượng và truyền thuyết kỳ bí. Trên thực tế, toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong vỏn vẹn mười hai tiếng, địa điểm chỉ khoanh vùng ở thủ đô Washington, nhưng không gian và thời gian xây dựng trên ký ức nhân vật lại bao trùm suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo, triết học, lý luận, giả kim và nghệ thuật của cả đất nước.

Báo chí ca ngợi tác phẩm là cuộc khám phá những bí mật cổ kim đầy lý thú, là cuốn Bách khoa toàn thư về kiến thức và là văn phẩm hấp dẫn vì tính gay cấn điện ảnh. Nhưng trên tất cả, Biểu tượng thất truyền chính là một hành trình hồi tưởng và truy nguyên, là lời nhắc nhở thế nhân về những điều họ đã bỏ quên trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, đồng hành với những phát minh tương lai, con người cũng cần chấn hưng hiểu biết và tiếp bước thành tựu của tiền nhân trước khi chúng thất truyền mãi mãi.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset