Chương 75

Chương 75

Robert Langdon ngó mông lung ra khoảng không, mỏi mệt đến nỗi xe đang chạy rề rề mà anh cũng chẳng buồn giục tài xế lái nhanh hơn. Bên cạnh anh, Katherine rơi vào trạng thái trầm tư, xem chừng chán nản bởi sự thiếu hụt thông tin về tầm quan trọng của kim tự tháp.

Cô và Langdon vừa dượt lại tất cả các chi tiết quanh ngọn tháp, cái chóp và những sự việc kỳ lạ tối nay, song vẫn chẳng hiểu tại sao kim tự tháp này lại được coi là bản đồ chỉ dẫn.

Jeova Sanctus Unus? Bí mật giấu trong Tổ Chức?

Người liên lạc bí mật đã hứa sẽ cho họ biết câu trả lời nếu họ đến gặp ông. Ở một chỗ trú trong thành Rome, phía bắc sông Tiber.

Langdon biết “thành Rome mới” của tiền nhân đã được đặt tên là Washington ngay từ buổi đầu lịch sử, nhưng những dấu tích về giấc mơ nguyên thuỷ của họ thì vẫn còn: nước sông Tiber vẫn chảy vào sông Potomac, các thượng nghị sĩ vẫn họp bên dưới bản sao mái vòm giáo đường St. Peter, các vị thần Vulcan và Minerva vẫn nhìn xuống ngọn lửa đã tắt từ lâu của Nhà tròn.

Những câu trả lời mà Langdon và Katherine tìm kiếm rõ ràng đang đợi họ ở phía trước, cách đây vài dặm. Hướng Tây bắc, trên Đại lộ Massachusetts. Đích đến của họ trên thực tế là nơi lánh nạn nằm mé bắc nhánh sông Tiber của Washington. Langdon mong sao người lái xe tăng tốc.

Đột nhiên, Katherine bật dậy trên ghế cứ như thể vừa đột ngột nhận ra điều gì.

– Chúa ơi, Robert! – Cô quay sang anh, mặt trắng bệch, do dự một lát rồi nhấn mạnh – Chúng ta đang đi sai đường!

– Không, đường này đúng mà, – Langdon gạt đi – Hướng tây bắc, trên Đại lộ Massachu…

– Không! Ý tôi là chúng ta sẽ tới nhầm chỗ!

Langdon bối rối. Anh đã cho Katherine biết người đàn ông nọ ám chỉ địa điểm nào. Nó có mười tảng đá lấy từ núi Sinai, một hòn từ thiên đường, và một hòn mang nét mặt người cha bí ẩn của Luke. Chỉ có duy nhất một toà nhà phù hợp với mô tả trên, và chính là điểm đích của chiếc taxi này.

– Katherine, tôi tin chắc đúng là nơi đó.

– Không! – Katherine kêu lên – Chúng ta không cần tới chỗ ông ấy nữa. Tôi đã đoán ra kim tự tháp và cái chóp! Tôi biết chúng chỉ điều gì rồi!

Langdon tỏ ra ngạc nhiên.

– Chị biết rồi!

– Đúng! Chúng ta phải tới Quảng trường Tự Do! 1

Langdon không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Quảng trường Tự Do, mặc dù gần đây thôi, nhưng nghe chừng chẳng liên quan chút nào.

Jeova Sanctus Unus! – Katherine giải thích – Một đức Chúa đích thực của người Do Thái. Biểu tượng thiêng liêng của người Do Thái là ngôi sao Do Thái, dấu ấn của Solomon, một biểu tượng quan trọng đối với Hội Tam điểm! – Cô moi tờ một đô la trong túi ra – Cho tôi mượn cây bút.

Langdon rút bút khỏi túi áo.

– Xem này – Katherine trải tờ tiền lên đùi, đón cây bút và trỏ vào dấu Quốc ấn ở mặt sau tờ tiền – Nếu áp dấu ấn Solomon lên dấu Quốc ấn của Hoa Kỳ… – Cô vẽ biểu tượng ngôi sao Do Thái lên đúng hình kim tự tháp – Hãy xem anh thấy gì nào!

Langdon ngó xuống tờ tiền rồi ngơ ngác nhìn lại Katherine.

– Robert, hãy nhìn kỹ hơn xem Anh không nhận thấy tôi đang chỉ ra thứ gì ư?

Langdon quan sát lại hình vẽ.

Ý cô ấy là sao?

Langdon đã từng nhìn thấy hình ảnh này. Nó rất quen thuộc với giới lý luận, như một “bằng chứng” cho thấy Hội Tam điểm nắm giữ ảnh hưởng bí mật đối với nước Mỹ thời kỳ đầu. Khi ngôi sao sáu cánh được đặt trùng khít lên dấu Quốc ấn của Hoa Kỳ, đỉnh ngôi sao sẽ trùng với con mắt thông huyền… và, rất kỳ lạ, năm cánh còn lại trỏ đúng các chữ cái M-A-S-O-N (Hội Tam điểm).

– Katherine, đây chỉ là một sự trùng hợp, tôi không thấy nó có liên hệ gì với Quảng trường Tự Do.

– Xem lại đi! – Katherine yêu cầu, giọng gần như giận dữ – Anh không thấy chỗ tôi đang chỉ sao? Ngay đây này. Anh không nhận ra à?

Chỉ trong tích tắc. Langdon nhìn ra.

° ° °

Đội trưởng nhóm tác chiến CIA Turner Simkins đang đứng bên ngoài Toà nhà Adams, tai áp chặt điện thoại di động, gắng sức lắng nghe cuộc trao đổi diễn ra ở băng sau chiếc taxi. Có chuyện gì đó vừa xảy ra. Nhóm của anh ta định leo lên một chiếc trực thăng Sikorsky UH-60 cải tiến để bay lên phía tây bắc và lập chốt chặn, nhưng tình hình đột ngột thay đổi.

Vài giây trước, Katherine Solomon cho rằng họ đang đi sai địa điểm. Lời giải thích của cô về đồng đô la và ngôi sao Do Thái nghe thật rối rắm đối với anh chàng đội trưởng, và rõ ràng cũng chẳng mấy minh bạch với Robert Langdon. Chí ít là lúc đầu. Nhưng bây giờ xem chừng Langdon đã hiểu ý cô.

– Chúa ơi, chị nói đúng! – Langdon buột miệng – Thế mà tôi không nhận ra sớm hơn!

Tiếng đó Simkins nghe tiếng đập mạnh vào vách ngăn, rồi tiếng vách ngăn mở ra.

– Thay đổi kế hoạch – Katherine nói như quát với người lái taxi – Đưa chúng tôi tới Quảng trường Tự Do.

– Quảng trường Tự Do ạ? – Omar bồn chồn hỏi lại – Không lên phía tây bắc Massachusetts nữa à?

– Khỏi cần! – Katherine dằn giọng – Quảng trường Tự Do! Rẽ trái từ đây! Đây! Từ đây?

Đặc vụ Simkins nghe thấy tiếng taxi ngoặt gấp. Katherine tiếp tục thảo luận một cách phấn khích, lần này là về bản mẫu Quốc ấn bằng đồng đặt tại Quảng trường Tự Do.

– Thưa bà, xin xác nhận lại – giọng người lái taxi xen vào, nghe rất căng thẳng – Chúng ta sẽ tới Quảng trường Tự Do ở góc Đại lộ Pennsylvania và Phố 13?

– Phải! – Katherine đáp – Mau lên!

– Rất gần thôi. Hai phút nữa.

Simkins mỉm cười. Làm tốt lắm, Omar. Anh ta lao nhanh tới chiếc trực thăng, thét gọi cả đội.

– Chúng ta tóm được họ rồi! Quảng trường Tự Do! Đi!

— —— —— —— ——-

1 Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza), thoạt tiên có tên Westem Plaza, là một quảng trường ở Tây Bắc Washington D.C., nằm tại góc giao của Phố 14 và Đại lộ Pennsylvania, ngay sát Công viên Pershing. Thiết kế năm 1880, quảng trường này chủ yếu bằng đá, được lát theo bản mô tả một phần quy hoạch Thành phố Washington của Pierre (Peter) Charles L’Enfant. Phần lớn quảng trường được nâng cao hơn so với cốt nền đường phố. Đầu phía tây của quảng trường có một đài phun nước lớn, còn đầu phía đông có bức tượng Kazimierz Pulaski cưỡi ngựa. Quảng trường được đặt lại tên theo Martin Luther King. Jr., người viết bài diễn thuyết “Tôi có một giấc mơ” tại Khách sạn Willard gần đó. Năm 1988, một hộp thời gian chứa cuốn Kinh thánh, chiếc áo choàng, và vài di vật khác của King được đặt tại đây. Nó sẽ được mở lại vào năm 2088. Vị trí của quảng trường chính là nơi giao nhau của các tuyến tàu điện ngầm. Nhà ga Federal Triangle Metro, đối diện với quảng trường qua Đại lộ Pennsylvania, dành cho tuyến Xanh lam và tuyến Da cam. Còn Ga Metro Center với các tuyến Đỏ, Xanh lam, Da cam thì nằm trên Phố 13, cách đó hai dãy nhà – ND.

Biểu Tượng Thất Truyền

Biểu Tượng Thất Truyền

Score 9
Status: Completed Author:

Bán hết một triệu bản ngay trong buổi phát hành đầu tiên và được xuất bản tại bốn mươi sáu quốc gia, Biểu tượng thất truyền đã tạo nên cơn sốt cho các độc giả trên khắp thế giới. Cuốn sách đưa người đọc song hành cùng nhà biểu tượng học lừng danh Robert Langdon trong cuộc hành trình tới thủ đô nước Mỹ và khám phá bức màn bí ẩn về Hội Tam Điểm - một hội kín có lịch sử lâu đời, cuốn quanh mình vô vàn biểu tượng và truyền thuyết kỳ bí. Trên thực tế, toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong vỏn vẹn mười hai tiếng, địa điểm chỉ khoanh vùng ở thủ đô Washington, nhưng không gian và thời gian xây dựng trên ký ức nhân vật lại bao trùm suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo, triết học, lý luận, giả kim và nghệ thuật của cả đất nước.

Báo chí ca ngợi tác phẩm là cuộc khám phá những bí mật cổ kim đầy lý thú, là cuốn Bách khoa toàn thư về kiến thức và là văn phẩm hấp dẫn vì tính gay cấn điện ảnh. Nhưng trên tất cả, Biểu tượng thất truyền chính là một hành trình hồi tưởng và truy nguyên, là lời nhắc nhở thế nhân về những điều họ đã bỏ quên trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, đồng hành với những phát minh tương lai, con người cũng cần chấn hưng hiểu biết và tiếp bước thành tựu của tiền nhân trước khi chúng thất truyền mãi mãi.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset