Phàm nhân Tu Tiên – Vong Ngữ
Phàm Nhân Tu Tiên là một câu chuyện Tiên Hiệp kể về Hàn Lập – Một người bình thường nhưng lại gặp vô vàn cơ duyên để bước đi trên con đường tu tiên, không phải anh hùng – cũng chẳng phải tiểu nhân, Hàn Lập từng bước khẳng định mình… Hàn Lập và người yêu có thể cùng bước trên con đường tu tiên và có một cái kết hoàn mỹ? Những thử thách nào đang chờ đợi bọn họ?
Phàm Nhân Tu Tiên có hay không?
Vong Ngữ, một cây viết già dặn và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiểu thuyết hư cấu. Ông nổi lên trong giới tác giả mạng qua tác phẩm: Phàm nhân tu tiên, một tác phẩm với mạch truyện lôi cuốn, nhiều bất ngờ và logic, dù truyện rất dài, nhiều tuyến nhân vật và cũng nhiều tình tiết.
Điểm đáng quý ở Vong Ngữ là ông không bao giờ thẩm du tinh thần, lồng ghép những yếu tố văn hoá và lịch sử dân tộc (Trung Quốc) vào cốt truyện cũng như các tình tiết của truyện, nhằm kêu kéo những độc giả mạng bản địa, những người thích đề cao tinh thần dân tộc, một xu hướng tinh thần được cổ suý bởi nền giáo dục và truyền thông quốc gia, dưới cái tên rất mĩ miều – giấc mộng trung hoa. Đọc phàm nhân tu tiên truyện, ta sẽ thấy rất rõ những bản sắc văn phong độc đáo đó của Vong Ngữ.
Nhân vật chính của câu chuyện chưa có hồi kết này là Hàn Lập, một nhân vật hết sức phổ thông, cũng hết sức đại chúng, một người có thể là bất kì ai trong chúng ta – ngoại hình bình thường, năng lực bình thường, xuất thân bình thường, nói chung là một nhân vật đại diện cho số đông – vô cùng gần gũi với độc giả.
Điều phi thường của Hàn Lập chính là tận dụng hết tất thảy ưu thế của bản thân, thứ ưu thế mà không phải một người bình thường nào cũng nhận ra, và cho rằng chúng quan trọng, đó chính là sự cẩn thận và sự tỉnh táo đối với thế giới nguy hiểm hoặc tiềm tàng nguy hiểm xung quanh. Chính những điều này đã khiến Hàn Lập, một người có khởi điểm thấp, thông qua ngòi bút xây dựng nhân vật tài tình của Vong Ngữ, dần dần trở thành một nhân vật phi thường, một cách từ tốn và hợp lí.
Điều tôi thích nhất ở “phàm nhân tu tiên” chính là các tình tiết – đan xen với nhau, lại kết nối với nhau, dù cách xa nhau, thậm chí tưởng chừng là không liên quan đến nhau, nhưng thỉnh thoảng đọc đến một đoạn truyện nào đó, người đọc mới chợt à một tiếng: “thì ra là thế!”. Đó chính là sự lôi cuốn và logic của bộ truyện.
Rất nhiều tác phẩm văn học mạng hiện thời, và cả quá khứ, đều coi trọng các cuộc đối thoại giữa các tuyến nhân vật, thông qua đó, tác giả muốn dẫn dắt người đọc nắm bắt các tình tiết nội dung của câu truyện. Trong khi Vong Ngữ lại khác, ông thích dựa vào các tình tiết để dẫn dắt người đọc ngộ ra nội dung câu chuyện hơn, đó là sự tài tình và cũng là nét đặc sắc riêng của Vong Ngữ, là yếu tố quan trọng khiến bộ truyện, dù sự đối thoại giữa các tuyến nhân vật không nhiều, nhưng người đọc vẫn nắm bắt được nội dung, đặc biệt là tính cách và các mối quan hệ của các nhân vật.
Lấy thí dụ, chữ “tình” trong “Phàm nhân tu tiên”, yếu tố hầu như không được nói đến trong các mẫu đối thoại giữa các nhân vật, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tình cảm sâu đậm trong các mối quan hệ chính. Như tình cảm huynh đệ giữa Hàn Lập với Lệ Phi Vũ, dù ngắn ngủi vài năm, nhưng đến hàng vạn năm sau, Hàn Lập vẫn nhớ mãi không quên cái tên của người huynh đệ gắn bó với mình thủa cơ hàn, cũng đã không biết bao nhiêu lần, Lập dùng tên Vũ thay tên mình hành tẩu thiên hạ, như một sự tưởng niệm, dù không bao giờ nói ra.
Hay mối quan hệ vợ chồng giữa Hàn Lập và Nam Cung Uyển. Chuyện Hàn Lập, một người nói thẳng ra là khá ích kỉ, không ác nhưng cũng chẳng phải là thiện nhân, sẳn sàng quay lại cứu người tình trong mộng (khi cả hai vẫn chưa có quan hệ rõ ràng) giữa cuộc đại chiến căng thẳng chính – tà, để rồi mất hết tu vị nhưng cũng ko hối tiếc, hay chuyện Hàn Lập bỏ ra mấy trăm năm để truy lùng tin tức vợ mình, trong khi lại tiếc từng giờ từng phút cho bản thân, chỉ chuyên tâm cầu đạo. Nói chủ nghĩa tình cảm trong “Phàm nhân tu tiên” chính là chủ nghĩa hành động cũng không sai, nhìn như vô tình nhưng lại hữu tình, chứa đầy sự tinh tế và sâu lắng, và cái hay của truyện cũng như của Vong Ngữ chính là thông qua hành động của các nhân vật để xây dựng nên các mối quan hệ, là yêu là ghét là thân hay là sơ, mọi cảm xúc đều được thể hiện qua hành động, khác hẳn với mối quan hệ được thể hiện qua “những chót lưỡi đầu môi”, hoặc những hành động hoặc khiên cưỡng, hoặc thái quá, thứ vẫn hay bắt gặp trong các tác phẩm mì ăn liền đầy rẫy trên mạng khác.
Review Phàm Nhân Tu Tiên tác giả Vong Ngữ cảu người qua đường số 2:
Tôi thấy mọi người nói về PHÀM NHÂN TU TIÊN quá nhiều. Bao nhiêu năm vẫn vậy. Tôi mang 1 chút cảm nhận cá nhân ra chia sẻ như sau:
Tôi xin phép giải thích chút, tôi là 1 ng làm ăn kinh doanh chứ ko còn là 1 cậu bé mơ mộng, với tôi đọc truyện hay sách nó nhiều ý nghĩa, thứ nhất là giải trí, tất nhiên rồi. Thứ 2 là học hỏi những điều trong sách vì mỗi 1 cuốn sách hay 1 bộ truyện đều là cảm ngộ nhân sinh hay trí tưởng tượng của mỗi vị tác giả mà họ biến nó thành những dòng văn. Tất nhiên có văn hay văn dở, cảm ngộ đúng sai. Nhưng vẫn là bạn được học hỏi nó 1 cách miễn phí. Giống như bạn sống 1 cuộc đời nhưng lại được hưởng cảm ngộ của nhiều cuộc đời khác nhau giúp bạn hoàn thiện tư duy và nhận thức. Thôi không lan man nữa, vào vấn đề chính thôi…
T0. Siêu phẩm? Tại sao tôi gọi nó là siêu phẩm? Vì qua vô vàn truyện tôi đã đọc thì phàm nhân tu tiên là truyện duy nhất mà k khiến tôi có cảm giác đang đọc truyện hay tiểu thuyết. Thậm chí hoài nghi về thế giới tiên hiệp có thật hay không? Vì nó quá thật, quá logic, từ sự việc đến tư duy của từng nhân vật từ chính cho tới phụ. Tác giả quá chăm chút cho 1 tác phẩm, tạo tính cách cho từng nhân vật 1 cách cẩn thận dù là phụ của phụ của phụ. Điều này tôi chưa thấy ai làm tới mức như thế. Đại đa số chỉ chăm sóc nhân vậy chính. Từ điểm này đã nói lên cái tâm của tác giả, mà cái gì cũng vậy thôi, có tâm thì có tầm.
Nếu ai bảo khô khan? Tôi sẽ hỏi họ lại:
Bạn thích nó thực tế, thích nó logic mà lại muốn sướt mướt ảo mộng? Cuộc đời bạn dg sống chẳng phải cũng vô cùng khô khan và thực tế sao? Bạn sẽ hầu như không tìm dc 1 hạt sạn nào trong cả bộ tiểu thuyết to đùng hàng triệu chữ.
T1. Ấn tượng đầu tiên của tôi về pntt là…. phần bình luận, tôi nghĩ rất nhiều người sẽ theo kiểu vào đọc bình luận để xem có hay k thì ms đọc nên có lẽ các bạn cũng sẽ nhận ra 1 điều là pntt là truyện bị mang ra so sánh nhiều nhất trong các bình luận của các truyện khác (ng ta thường mang những thứ số 1 ra so sánh, mà chính bản thân họ nhiều khi còn k nhận ra) và trong bình luận của pntt thì 99,99% là bàn luận về tình tiết, còn những thứ như chê bai khen khủng gần như là k có, vì đơn giản nó vốn k phải vấn đề cần phải nói.
T2. Có 1 điểm tôi thấy rất hay ở VONG NGỮ đó là “không bao giờ” phí văn câu chữ vào những thứ giải thích vì sợ đọc giả ko hiểu như những tác giả khác. Dù thứ rất phức tạp, nhưng kì lạ là ai cũng sẽ hiểu. Hay do cách giải thích của lão Vong hay quá khiến tôi còn k nhận ra lão đã giải thích nhỉ? Nói theo cách nói của tôi thì chẳng phải là CẢNH GIỚI TỐI CAO GỌI LÀ TỐI GIẢN à? Làm một việc trong vô hình mà khiến ng khác có đủ không gian để hình dung trong vô thức? Ai nói văn của lão vong k hay? Tôi thì cho rằng đấy là đỉnh cao của hành văn, của dẫn truyện. Tả về từng chi tiết nhỏ, cụ thể, nhưng k một ai bỏ chữ, đọc lướt, hay nói 1 câu ” câu chữ”. Tác giả nào làm được việc này? Tôi cả gan nói 1 câu: không có!
T3. Tôi thích nhất ở pntt là cốt truyện, rất rất rất mạch lạc, các hố được đào và được lấp một cách rất ” thuận lý thành chương” giống như lão Vong đã viết nên một bản thảo từ chục măm về trước và mỗi một tình tiết được sắp xếp có quy trình khoa học vậy, k một chút lố, cũng không 1 chút thiếu.
T4. Nhân vật chính: Hàn Lập.
– các bạn hay nói về các loại nhân vật tính cách: lạnh lùng, hài hước, háo sắc, hám tài, chó điên hoặc trượng nghĩa vân vân và mây mây
– Tôi xin phép hỏi mng 1 câu: cái gì quá quá thì có phải là lố k? Mà đã lố thì có nghĩa ai cũng nhận ra là ” ng kiểu này làm…. gì có” tính cách của Hàn Lập được xây dựng 1 cách rất thực tế. Tại sao?
Vì nó có ích kỉ, có sợ hãi, có tình cảm, có được mất, hơn thua toan tính nhưng cũng có sự QUÂN TỬ và sự TỬ TẾ được cân bằng 1 cách theo tôi gọi là cân bằng hoàn mỹ. Không lố kiểu quá tốt, quá điên hay quá gì đó để ng ta cảm giác là k thực tế. Mọi thứ vừa phải đủ để tạo nên 1 nhân vật chính diện và những cái tính xấu để tạo nên 1 ” người” mà không phải 1 ” nhân vật hư cấu”. Tôi k thích làm so sánh nhưng để mng dễ hình dung tôi xin phép làm 1 lần. K phải để nói về cái nào hay hơn mà chỉ đơn giản để các bạn dễ hình dung nhé:
Ví dụ: Lý Thất Dạ. Các bạn cho là trên đời có ng có loại tính cách thế không? Sẽ nói ra những câu thoại thế k? Sẽ làm những việc như thế trong tình huống như vậy sao? KHÔNG
Bạch Tiểu Thuần? Có ai nhây vậy hay hài tới vô lý như vậy không?
Kết tôi xin nói là. PNTT là 1 siêu phẩm nhưng k có nghĩa là truyện tôi thích nhất. Nó chỉ đơn giản là 1 siêu phẩm trong các siêu phẩm.
Còn tôi thích nhất à? Như các bạn thôi, đế bá, tiên nghịch, nhất niệm vĩnh hằng. Vì nó giải trí tốt hơn. Giống như các thể loại khác tôi gọi chung là tác phẩm giải trí tuyệt vời. Còn phàm nhân tu tiên thì tôi gọi nó là TÁC PHẨM VĂN HỌC.
Tác phẩm văn học giống như những bộ phim đoạt giải Oscar hoặc thể loại nhạc giao hưởng, mà không phải ai cũng thích
Tác phảm đại chúng dễ nhai dễ nuốt và rất nhiều ng thích giống như phim Châu Tinh Trì hoặc phim thần tượng.
Nên tôi chỉ nói là mong các bạn đừng so sánh vì k ai mang Titanic ra so với phim của Hoài Linh đóng, vì nó không cùng phong cách và mục đích, à mà tôi thích xem phim của Hoài Linh hơn :)))