Trúc Thư Dao – Văn Giản Tử

Trúc Thư Dao - Avatar

Trúc Thư Dao – Văn Giản Tử

Trúc Thư Dao - Avatar

“Tộc Hồ sinh cháu người thưởng khác xa, trai tròng kép vượng quốc gia, gái thời mắt biếc Tấn đà diệt vong.” Mới bốn tuổi, Thập đã phải lê la ngoài phố ăn xin, đôi mắt cô ánh xanh dưới trăng nên bị gọi là “quỷ núi . Sau cái chết của mẹ, tướng quân nước Tần là Ngũ Phong cứu mạng và cưu mang cô. Mười năm sống bình yên trong phủ tướng quân, cô thể hiện tài trí xuất chúng, lại luôn cố gắng học tập chỉ để có thể kề vai sát cảnh với người ấy, bày mưu tinh kể cho y. Nhưng rồi dòng xoáy của thời cuộc và những âm mưu chính trị, cùng thân thế bị ẩn của bản thân đã đưa đẩy cô vào một hành trình mới…

Sách gồm 4 tập, đã phát hành tập 1, sách có bán trên toàn quốc.

– Tập 1: Nước Tần: Có nàng tên Thập.

– Tập 2: Nước Tấn: Gió nổi cung đình.

– Tập 3: Tề Lỗ: Rồng xanh giấu sáng.

– Tập 4: Thiên hạ: Các nước phân tranh.

1. Tóm tắt nội dung Trúc Thư Dao

Trúc Thư Dao – Văn Giản Tử có bối cảnh Xuân Thu Chiến Quốc, dựa trên lịch sử, nam cường nữ cường, quá trình gian nan kết thúc viên mãn.

Cuối thời Xuân Thu, thiên hạ chao đảo, quần hùng tranh bá

Hồng nhan cài ngọc, mưu hoa ly gián, ám động bàn cờ.

Hai nghìn năm, loang lổ thẻ tre, chẳng lưu lại một con chữ.

Hai mươi năm, chẳng cầu hiển danh, mà sách kia đã nồng mực đậm.

Một quyển thanh trúc, một nét bút đao, tay trắng vẩy sơn, phổ một khúc Trúc Thư Dao, xướng một đoạn chiến hỏa năm xưa, nghe một đời yêu hận ly sầu.

 Vào một đêm tuyết lấp đất trời, có tên đạo chích lừng danh thiên hạ đột nhập vào mật thất bí ẩn nhất phủ họ Trí, hòng cướp đi kho báu mà hắn thèm muốn bấy lâu. Thế nhưng, nào có bảo kiếm, nào có gương thần, chỉ có một đôi mẹ con thoi thóp gần chết. Đêm đó hắn không cứu đi đứa bé trai 4 tuổi bị lấy làm dược nhân mà bị xẻo thịt, lại cứu đi người mẹ mang thai 9 tháng còn chút hơi tàn. Đêm đó có một người phụ nữ tuyệt vọng, từ bỏ cốt nhục của mình để đổi lấy sinh mệnh cho một cốt nhục khác. Đêm đó, có vị Thái Sử uyên bác mà lòng dạ khôn lường chứng kiến đứa trẻ của số phận sinh ra có đôi mắt biếc dưới trăng rồi lại quyết định bỏ mặc nó. Đêm đó có chàng thiếu niên, nhường manh áo ấm cứu sống đứa bé gái mới sinh. Đêm đó, vận mệnh của nước Tấn bắt đầu đi chệch quỹ đạo.

 A Thập sống 4 năm lang thang bờ bụi ăn xin đói rét với mẹ. Giành miếng ăn với chó, ăn thứ cơm thiu ròi bọ kinh tởm nhất, nàng chưa bao giờ là đứa bé ngoan ngoãn yếu mềm. Ngày mẹ chết, tự tay nàng châm mồi lửa thiêu xác mẹ để bà không phải phải chịu cảnh thây xác bị quăng đi, bị chó gặm. Cũng chính ngày ấy nàng được người ấy cứu về, được chở che, nuôi nấng, được bao bọc, yêu thương.

Đó là Ngũ Phong, là vị tướng quân trẻ tuổi nước Tần, là ngưởi đã cho nàng 10 năm ấm áp, thay nàng che nắng che mưa, nhổ đi gai nhọn, đã nuôi nàng thành người thiếu nữ thông tuệ tuyệt đỉnh, tư dung rực rỡ như nắng mai, cho nàng một giấc mộng thiếu nữ. Nàng “sùng bái hắn, kính ngưỡng hắn như một đệ tử, yêu hắn say đắm như một thiếu nữ, đọc ngẫm binh thư vì muốn làm hắn vui vẻ, tính toán bài bố là vì giữ hắn bình an, dâng một lòng đặt dưới chân hắn là vì đổi lấy một lần hắn ngoái đầu lại.”

Lưng đeo thù nhà, vai trĩu gánh gia tộc, nỗi tự ti mặc cảm chênh lệch thân phận, hoặc có lẽ chỉ là thiếu dũng khí để đeo tuổi tình yêu, tất cả đã làm A Thập và Ngũ Phong lỡ mất nhau trong đời này. Người, chung quy cho rằng cả đời rất dài, dài đến độ có thể cho chính mình cơ hội phạm sai lầm, lỡ một lần thẳng thắn, lỡ một lần yêu nhau, lỡ một người.

“Thời gian thay đổi dung nhan chúng ta, làm tiêu tán lời thề của chúng ta, cáo biệt hắn, bèn tựa như cáo biệt những giấc mộng một thuở thiếu nữ mỹ lệ mà tốt đẹp của ta. Khi ta lớn lên từng ngày, khi ta càng đi càng xa, ta chỉ có thể giữ lại trong lòng một mảnh đất trời, đóng băng một giấc mộng xưa cũ. Trong mộng có nam tử ôm cô bé bước đi trên nền tuyết trắng xóa, con đường trước mặt họ lúc này đây chẳng thấy điểm dừng…”

 A Thập lần đầu bước ra khỏi nước Tần, ra khỏi lồng son bảo hộ, cũng là khi nàng giương đôi cánh chim vỗ bước trên con đường thành thục. Từ bé gái mồ côi phủ tướng quân, đến vu sĩ nổi tiếng nhất nhì nước Tấn, từ ca kĩ bất đắc dỉ trong phủ Tần thái tử cho đến thần tử đầy quyền lực nước Tấn, từ đây A Thập chính thức bước vào loạn thế, tung cánh chim xoay vần vận mệnh.

Học bói quẻ, bái Thải Sử làm thầy, bày mưu hiến kế cho Triệu khanh đứng đầu nước Tấn Triệu Ưởng, lại kết giao với Triệu thế tử Bá Lỗ và Triệu thử tử Vô Tuất, vào Thiên Xu học nghệ, bái làm đệ tử Khổng phu tử , A Thập dần trở nên một thiếu nữ xuất sắc khiến bao kẻ ngưỡng mộ ghen ghét. A Thập không phải thánh nữ, nàng thiện lương, lòng nàng mang thiên hạ nhưng nàng cũng không nương tay với kẻ thù, cũng sử dụng thủ đoạn, cũng mang tư tâm ích kỉ. Người đọc quý mến nàng, có khi giận nàng, nhưng cũng xót thương, cũng khâm phục nàng.

Nàng luôn tự nhủ: “Mỗi ngày ta đều hy vọng có người tới cứu ta và mẹ, cứu chúng ta khỏi đói khát, khỏi cực khổ, nhưng cho tới tận khi mẹ chết, người ấy cũng chẳng xuất hiện. Bây giờ, thay vì nói là ta cứu người khác chi bằng nói ta đang một lần nữa cứu chính mình.” Đó là vì sao nàng luôn có lòng muốn cứu kẻ khác.

Nàng chán ghét cừu hận, không dám để cừu hận tới gần nửa bước, bởi vì nàng biết, cừu hận là độc dược đáng sợ nhất thế gian, nó cắm rễ trong lòng người, chỉ cần sơ sẩy là đâm chồi nảy lộc, trước khi chuốc chết địch nhân lại thường giết chết chính mình.

Nàng muốn bình yên, trời cho nàng chiến hỏa. Nàng muốn thân nhân, trời cho nàng kẻ thù. Năm đó nàng đã gần chết, trời lại cho nàng sống! Khiến nàng gặp được từng người, rồi lại cướp từng người đi từ bên cạnh nàng.

Thiên hạ này loạn, có kẻ mạnh, có người tài, thế nhưng người có tâm cứu thế lại ít ỏi chẳng mấy. Khổng tử là một người, nàng có lẽ cũng là một người như thế. Ngài thua, nàng có lẽ cũng thua, nhưng trong bóng tối luôn phải có người từng giờ từng khắc hướng tới ánh sáng, cho dù cả đời này người ấy cũng chẳng thấy được ánh sáng.

 Ngũ Phong không thể đi với nàng đến cuối đường, nhưng nàng vẫn còn có Vô Tuất bên mình. Từ bao giờ, chàng nhẹ nhàng đi vào lòng nàng, từ chút từng chút một sưởi ấm con tim nàng, cho nàng vòng tay ấm áp, thương nàng hiểu nàng, yêu nàng hộ nàng một đời.

“Người này đã vì ta mà thắp một ngọn đèn sáng đêm mưa, ta đào măng nhú ở bụi tre ngoài nhà chàng. Chàng thu lấy khăn lụa ta cài nơi khe cửa. Rồi sau đó, ở phủ Thái Tử, chàng lại thay ta giải vây, ở phủ Công Tử cứu lấy ta trong đau đớn tưởng chết, nửa đêm vì ta trồng hoa, sát cánh bên ta chân trần đuổi theo thích khách ở trên đường thành Ung. Ta chợt phát hiện, hóa ra con đường này, chàng vẫn luôn ở đây, vẫn luôn…”

Chàng nói: “Dẫu là nơi nguy hiểm, chỉ cần có ta, nàng sẽ an toàn”

Chàng còn nói: “A Thập, cả đời nàng này nàng không con không cái, Triệu Vô Tuất ta đời này cũng như vậy sẽ không con không cái. Ngoại trừ nàng, trên đời này chẳng có gì làm ta luyến tiếc, ngoại trừ tồn vong của họ Triệu, chẳng có gì là ta không buông bỏ được.

Chúng ta sẽ sống lâu trăm tuổi, chúng ta còn có vô số sớm sớm chiều chiều.

Sau mỗi lần chúng ta tương ngộ, lại là một lần định mệnh sắp đặt gặp lại. Chỉ cần chúng ta còn sống, cuối cùng sẽ còn gặp lại.”

 Triệu Vô Tuất là đứa con vợ lẽ thấp kém trong phủ họ Triệu nhưng lại là đứa con tài hoa xuất sắc nhất của Triệu Ưởng. Từ một đứa nô lệ nuôi ngựa suýt bỏ mạng trong loạn lạc leo lên được vị trí thế tử họ Triệu, tay chàng đã nhuốm máu, tâm chàng đã nhúng chàm nhưng chàng luôn muốn làm người tốt trong lòng nàng, luôn muốn một ánh trăng chiếu rọi tâm hồn mình. Vô Tuất yêu A Thập, có thể nói long trởi lở đất, sông cạn đá mòn mà A Thập yêu Vô Tuất, có thể nói dứt lòng dứt dạ chẳng màng thân, dù đầm đìa máu chảy cũng chẳng từ.

Chàng bắt nàng hứa để mình cài trâm trong lễ trưởng thành. Giữa khốn cảnh nguy nan, giữa núi rừng gào thét, giữa nghìn trùng vây đọa tính mạng, chẳng có trâm cài minh ngọc, cũng chẳng có lễ long trọng rình rang, nàng nói “người như ta rất xứng với mũi tên gãy này”. Và thế là tiếng sấm làm tiếng mừng, tia chớp thay ngon đuốc, mũi tên gãy làm trâm cài, có người nàng thương vì nàng vấn tóc. Nàng đã trưởng thành, nàng đã đợi một ngày này lâu thật lâu…

Họ thành thân trong một hoàn cảnh tréo nghoe, bên bờ Lạc Tinh hồ ngàn sao lấp lánh. Có chàng trai thấp thỏm sung sướng, có cô gái ấp ủ một lần hạnh phúc để rồi rời bỏ mãi mãi vì tiền đồ của người yêu, vì bản năng lảng tránh nỗi đau. Dẫu vậy, lễ cưới ấy cũng thật đẹp, thật cảm động, không có môi sính, không có chứng nhân, chỉ có trời sao, có nến gãy, có bát vỡ, có gian nhà cỏ sơ sài. Ấy thế mà chàng vẫn luôn đem bên mình bộ áo cưới mà chàng đặt làm cho nàng, bộ áo cưới thêu phượng kết trăm hạt châu, cho nàng làm cô dâu lộng lẫy nhất.

“Bóng trúc vắt ngang, vị thuốc nồng nàn, chiếu thấm hơi lạnh, mồ hôi mướt hồng y.

Một đêm này, có cánh môi mềm tựa cánh bướm bịn rịn trong lòng ta.

Một đêm này, có tín đồ thành kính cúng bái nơi thánh địa thần bí nhất.

Một đêm này, chàng là lửa lan cánh đồng, là cuồng phong không có tận cùng.

Một đêm này, ta là chiếc lá run rẩy, rơi xuống chẳng phương nào buông.

Mồ hôi li ti, kìm chẳng đặng đậu xuống thắt lưng.

Môi hôn ngọt ngào, giam kín lại dấu vết đau đớn.

Chàng cướp lấy, trao tặng, thỏa thê, càn rỡ, đêm dài đằng đẵng yêu ta mấy độ chìm nổi. 

Ta thở dốc, hoảng hốt, quấn quýt, trầm luân, trong tấm thân đang bị ngấu nghiên này, hoàn thành lần lột xác đẹp đẽ nhất đời.”

 Thế gian này, cùng chết chẳng khó, thế mà cùng sống lại khó đến vậy. Vô Tuất và A Thập, con đường họ nắm tay nhau đi thật chông gai khó nhọc, có lúc tưởng như xa lìa, đứt gãy nhưng thật may mắn họ lại tìm về được với nhau. Có những hiểu lầm, có những nỗi bất đắc dĩ, nhưng mỗi lần tương ngộ rồi sẽ lại tương phùng, thật may mắn khi họ vẫn luôn kiên trì, vẫn luôn dùng hết sức lực để cố nắm lấy tay nhau, để không lạc nhau trong cuộc đời này. Dù là 5 năm, 10 năm, họ cùng nhau nhìn kẻ thù chết đi, cùng nhau về mái ấm gọi là nhà, bên những người thân yêu còn lại, bên con cái sum vầy.

2. Trúc Thư Dao có hay không?

 Trúc Thư Dao là một bản anh hùng ca lãng mạn thời Xuân Thu, tựa như chúng ta lật một quyển sách sử phủ bụi mở rồi bỗng thấy cuồng phong gió rít đưa ta về một miền chiến hỏa sôi nổi, nơi có những nhân vật lịch sử sống động, có máu có thịt, được hòa mình vào không khí thời đại để rồi khi gấp sách lại, mọi thứ chợt bình yên, gió ngừng, mưa tạnh, tất cả biến thành hoài niệm.

 Mình đã ngỡ ngàng khi biết được tác giả dựa trên một khúc sử thật để viết nên câu chuyện này, dựa vào một đoạn sử tứ khanh phân Tấn, hầu hết các nhân vật trong truyện đều là nhân vật lịch sử, kể cả nam chính Triệu Vô Tuất, thậm chí tính cách của ông cũng được tác giả phục dựng lại. Khéo léo biên nửa sau của bài ca dao ca ngợi Tấn văn công thành lời sấm truyền về vận mệnh của nhân vật A Thập do tác giả hư cấu.

 Một bức tranh về các quốc gia Xuân Thu được phác họa chân thực rực rỡ. Nơi đó có hoa nở khắp miền đất Trịnh, có cô gái nước vệ đa tình mắt lung liếc uống rượu, khách giục ngựa dọc bờ Trường Giang tới thành Lâm Tri, ngắm tòa thành hấp dẫn người ở tứ phương, tòa thành khiến người ta say mê hưởng lạc trần thế, lưu luyến phú quý, ở lâu rồi chẳng còn muốn về. Từ Ung đô nước Tần cho đến thành Tân Giáng nước Tấn, từ thành Lâm Tri nước tề đến Khúc Phụ nước Lỗ, trải dài nước non, ngắm hết phong tục.

Đó là một thời đại hỗn loạn khi Chu vương bị các nước chư hầu đoạt quyền, chư hầu bị khanh tộc trong nước đoạt quyền, khanh tộc lại bị gia thần đoạt quyền, giống như là gấu bị sói thịt, sói bị chó thịt, chó rồi cũng sẽ có một ngày bị con kiến làm thịt. Những nước lớn như Tần, Tấn, Tề, Ngô vừa chật vật chống lại nội loạn, lại vừa hăm he dã tâm bành trướng lãnh thổ thôn tính nhau. Những nước nhỏ rục rịch chao đảo, lúc làm đồng minh lúc thọc một gậy, cũng chật vật giữa bất ổn chính trị và nỗi đắn đo mỗi khi chọn phe cánh. Nước hưng, bá tánh khổ mà nước vong, bá tánh vẫn khổ.

Đó cũng là một thời đại mà chư tử nở rộ, loạn thế lầm than lại là cái nôi phát triển triết học. Khổng phu tử miệt mài một đời mà chẳng được bậc quân vương trọng dụng, nhưng gia sản của ngài là 3000 đệ tử, là Nho học truyền mãi về sau. Có thể nhiều tư tưởng cho tới nay là lỗi thời nhưng hãy nhìn vào thời nguyên thủy sơ khai để thấy được sức ảnh hưởng của nó.

“Phu tử đời này nếu như lấy phụ tá quân chủ dân giàu nước mạnh làm lý tưởng, tất nhiên không thể so với Quản Trọng, Yến Anh. Nhưng trong mắt A Thập, đời này của Phu Tử có thành tựu mà Quản Trọng, Yến Anh cũng chẳng địch nổi. Ngài có chúng ta, ngài có ba ngàn đệ tử trải khắp thiên hạ, ngài có tràn ngập phủ đệ là sách vở có thể nhóm lên ngọn tân hỏa truyền giáo cho đời sau.”

Đạo quân tử của người không dùng được trong loạn thế, nhưng lại lợi ở thiên thu vạn đại mai này. Trăm ngàn năm sau, khi loạn thế chấm dứt, khi tất cả đà hóa cát bụi, khi dân cày lần tiều phu, khi mỗi người trên đời có thể thông qua học tập để hiểu biết lễ nghĩa đạo đức, khi ấy ngài sẽ thành Thánh Nhân. Khi ấy ở trên trời cao ngài có lẽ mới có thể thấy được thành tựu của mình.

Đây cũng là thời đại rực rỡ nhất, nhưng cũng là tồi tệ nhất!

Và thật sơ suất nếu thiếu bóng Kinh Thi, những bài ca dao ngọt ngào dân dã, lại có lúc cay đắng ê chề, có lúc ánh rạng cảnh lao động hồ hởi, lại có lúc xót xa nỗi đánh giặc gian nan. Không những trích dẫn Kinh Thi, tác giả còn khéo léo họa lại bức tranh sinh hoạt người Trung Hoa cổ đại với những ngày mùa rộn ràng, hái dâu nuôi tằm, những lễ tế nô nức thiêng liêng, những vật dụng thô sơ giản dị. Miền xa xăm ấy có vạt cỏ lau thấp thoáng chiều tà, có tiếng chim sẻ ríu rít bờ ngô, có rặng dâm bụt hoa đỏ sắc thắm, có thành quách đổ bóng hoàng hôn, có thiếu nữ áo gai giặt đồ bên suối…

 Trong câu chuyện này, ta cảm nhận được dòng chảy thời đại, đủ để khiến mỗi nhân vật lấp lánh như sao. Không chỉ vai chính mà cả những vai phụ cũng tìm được ánh sáng của mình. Sẽ chẳng thể quan Dao nữ hát bài “Áo ai xanh xanh”, yêu như con thiêu thân dẫu chết không hối. Không quên cô công chúa Mật tào từ trên cao ngã xuống bụi rậm, biến thành người phụ nữ đáng ghét nhưng cũng đáng thương, muốn trách cũng chẳng thể trách nổi và mối tình oan trái day dứt lời thất hứa năm xưa của Chúc Độc khiến kẻ quân tử từ nãy du đãng chơi vơi. Cũng chẳng thể quên một Trần Nghịch trung quân trượng nghĩa, hay một Trần Bàn xảo trá đáng yêu lại mưu mô quỷ quyệt, một A Tố thông minh bản lĩnh. Lại càng day dứt khôn nguôi với tấm lòng son chẳng cần hồi báo của Tứ Nhi, nỗi dằn vặt bị hận thù che lấp, cầu mà chẳng được của Đổng Thư, cũng càng trân trọng hơn tấm lòng thiên chân của Vô Tà.

 Dùng ngôi thứ nhất thủ thỉ như tự sự, người đọc bất tri bất giác hòa vào nhân vật, cùng cảm nhận nhân sinh với nàng, cùng trải nghiệm nhân tình nóng lạnh với nàng. Tầm nhìn hạn chế, người đọc như được cộng hưởng cùng nhân vật, được ngỡ nàng, được vỡ òa cùng nàng. Từng câu chữ, từng lời thoại có khi như làn gió phất tim, có lúc lại như đao xẻo thịt, khiến tâm trạng phập phồng khôn nguôi.

Truyện có 4 quyển, trải dài lãnh thổ từ Tấn đến Tấn, tới Tề tới Lỗ rồi ra cả thiên hạ. Quyển 1 man mác buồn, quyển 2 quyển 3 ngọt ngào mạo hiểm, quyển 4 dày nặng cảm xúc, gánh nặng quốc gia, gánh nặng thù nhà, quyền mưu, lừa lọc, tranh đấu, tình yêu, tình thân, tình bạn,… tất cả hòa quyện đánh vào cảm xúc khiến người ta có lúc khổng thở nổi nhưng vẫn cứ nín thở dõi theo diễn biến. Đây là một truyện hiếm hoi mà mình đánh giá là đầu rồng đuôi phượng, xuất sắc đến dòng chữ cuối cùng, gấp lại sách vẫn cứ vương vấn.

Recommendations

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset