Chương 2.

Chương 2.

Hai tay em ôm quả tú cầu, quan sát kỹ càng, rồi hơi nhíu mày lại.

“Tại sao người thời xưa lại chọn phương thức ném tú cầu để kén rể nhỉ?” em hỏi.

“Vì cánh hoa tú cầu nhìn như thêu, tụ lại thành hình quả cầu, vừa đẹp vừa tròn, tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn.”

“Vì thế?”

“Vì thế mới đem lụa màu kết thành hoa tú cầu, ném tú cầu để tìm nhân duyên tốt.”

“Kỳ cục thật.” Em lắc lắc đầu.

“Hả?”

“Nếu tú cầu tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn, thế thì ném tú cầu đi không phải là ném cả hạnh phúc viên mãn đi à?”

“Ờ…”

“Hay là nói thế này.” Em nghiêng nghiêng đầu, nghĩ ngợi giây lát: “Em ném hạnh phúc của mình lên không trung, sau đó anh bắt được hạnh phúc của em.”

“Nói hay lắm.”

“Vì vậy anh phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc của em đấy nhé.”

“Anh sẽ cố gắng.”

Em bật cười, hai tay khẽ lúc lắc quả tú cầu, tiếng chuông vang lên đinh đang trong trẻo.

———–

Đó là chuyện xảy ra từ cuối thế kỷ trước… năm 1998, khi tôi học năm thứ ba đại học.

Câu chuyện bắt đầu từ Lại Đức Nhân, hồi đó tôi còn ở ký túc xá, mà cậu ta chính là bạn cùng phòng của tôi.

Hồi năm thứ hai, trong lớp có bốn mươi đứa ở ký túc, lên năm thứ ba thì chỉ còn lại mười mống.

Nguyên nhân chủ yếu của việc dọn khỏi ký túc là, đồ đạc của mỗi người đều nhiều lên, không gian trong phòng lại không đủ; đương nhiên cũng có những tên vì có bạn gái hoặc muốn sở hữu không gian riêng mà dọn đi.

Tôi và Lại Đức Nhân chọn ở lại ký túc, một là vì đồ đạc của hai thằng chúng tôi đều không nhiều; hai là vì sau khi nhiều đứa khác dọn đi, không gian cho những kẻ ở lại cũng tăng lên tương đối.

Căn phòng vốn dành cho bốn người, giờ chỉ có tôi với Lại Đức Nhân.

Mỗi thằng chiếm một cái giường tẮg, tôi ngủ tầng trên, tầng dưới để đồ; cậu ta thì ngược lại.

Tuy hồi năm nhất và năm hai, cậu ta không ở chung phòng với tôi, nhưng bọn tôi học cùng lớp, đã quen nhau từ trước, nên ở cùng chỗ hay thậm chí sống chung cũng không có vấn đề gì.

Thực ra tôi lấy làm thắc mắc, theo lý cậu ta đã có bạn gái, nên dọn ra ngoài ở mới đúng, như thế thời gian hai người ở bên nhau sẽ nhiều hơn, vả lại cũng không có ai phá đám.

Tôi từng hỏi cậu ta, tại sao không dọn ra ngoài?

“Người bình thường đúng là cho rằng có bạn gái thì nên dọn ra trọ bên ngoài,” cậu ta nói.

“Cũng như người bình thường hay cho rằng ai đẹp trai, học giỏi lại tài hoa nhất định sẽ rất tinh tướng vậy.”

“Liên can gì đến việc dọn ra ngoài trọ hay không?”

“Nhưng tớ đây lại rất khiêm tốn biết điều,” cậu ta trả lời. “Vì vậy không thể đánh giá tớ bằng con mắt của người bình thường được.”

Đúng là Lại Đức Nhân học rất giỏi, nhưng tướng mạo cũng chỉ bình bình.

Còn về hai chữ “tài hoa”, e rằng khó mà gắn với sinh viên trường công nghệ.

Bạn có bao giờ khen một người rất giỏi toán cao cấp, cơ học, thiết kế máy tính là tài hoa không?

Người nào bảy bước làm một bài thơ, bạn mới khen là tài hoa; còn kẻ nào bảy phút lắp ráp xong một bộ máy tính, thì bạn chỉ gọi hắn đến lắp máy tính hộ mà thôi.

Trong mắt tôi, điểm đặc biệt nhất của Lại Đức Nhân là thân hình rất cao lớn, y như tiền đạo bóng rổ.

Nếu tôi nhớ không lầm, ngày hôm đó chắc là ngày cuối cùng của tháng Chín, về lý thuyết thì là mùa thu.

Nhưng hai mùa xuân, thu ở miền Nam Đài Loan không rõ ràng cho lắm, vì vậy thời tiết vẫn rất oi bức, chỉ là không nóng thiêu đốt như hồi nghỉ hè mà thôi.

Khoảng bốn rưỡi chiều hôm ấy, trên đường về ký túc, tôi và Lại Đức Nhân đi qua Trung tâm Hoạt động Sinh viên, thấy khoảng sân rộng phía trước trung tâm khá náo nhiệt tưng bừng, hình như đang có trò vui gì đấy.

Lại gần xem kỹ, thì ra là hoạt động bầu chọn “Thập đại mỹ nữ” do Hội Sinh viên tổ chức.

Hội Sinh viên hợp tác với các khoa, mỗi khoa giới thiệu hai người đẹp được công nhận của khoa mình tham gia dự tuyển.

Có một số khoa rất ít con gái, thậm chí chỉ đếm được trên đầu ngón tay (ví dụ như khoa bọn tôi chẳng hạn), thì không cần miễn cưỡng đề cử ra hai cô, tránh để bung bét cả cuộc thi ra.

Tính tổng cộng có 30 cô dự tuyển, đến từ 20 khoa khác nhau.

Mỗi thí sinh đều có hòm phiếu riêng, bên trên có các thông tin như: họ tên, học khoa gì, năm mấy, còn dán cả ảnh nữa.

Người bình chọn có thể bỏ mười phiếu, nhưng mỗi hòm chỉ được bỏ một phiếu.

Hoạt động bình chọn kéo dài năm ngày, hôm nay là ngày thứ hai.

Thực ra mấy cái trò này rất vô vị, vả lại thông thường chẳng bao giờ chọn ra được “mỹ nữ” thực sự.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là mặt mũi các cô “mỹ nữ” được chọn như thế nào, mà là sau khi chọn được họ rồi thì làm gì.

Đáp án không ngờ lại là ném tú cầu.

Đương nhiên, thời buổi này người ta không ngu đến mức cho rằng con gái nhất định phải lấy người nào bắt được quả tú cầu, đây chỉ là hoạt động chính để mừng tết Trung thu mà đám ở Hội Sinh viên nghĩ ra.

Cậu nào bắt được tú cầu, ngoài một phần quà ra, còn có thể cùng ăn tối với người đẹp ném tú cầu.

Thời gian ném tú cầu vào lúc bốn rưỡi chiều ngày thứ ba sau tết Trung thu, địa điểm ở sân vận động.

Tôi và Lại Đức Nhân đều thấy trò ném tú cầu này khá hay ho, vả lại cũng muốn xem ảnh mấy cô nàng được gọi là người đẹp, bèn chen vào tham gia cho vui, mỗi thằng lĩnh mười lá phiếu, chuẩn bị bầu chọn.

Vốn định bầu cho cô nàng học khoa mình trước, nhưng phát hiện ra khoa chúng tôi không có người tham dự.

Tuy đây là chuyện nằm trong dự đoán, nhưng cũng vẫn làm người ta thổn thức, một cảm giác bi thương trào dâng.

Tôi cẩn thận xem từng tấm ảnh dán trên hòm phiếu, có lẽ tiêu chuẩn của tôi không cao lắm, hoặc người chụp ảnh quá siêu, tôi phát hiện hoá ra cũng có khá nhiều người đẹp, thật khó mà chọn lựa.

Đi đi lại lại ba vòng giữa đám hòm phiếu, mới bỏ hết được nắm phiếu cầm trên tay.

Bỏ phiếu xong, dựa theo số phiếu bầu nhiều ít để chọn ra mười người đứng đầu, vậy là “Thập đại mỹ nữ” của trường tôi đã ra đời.

Hội Sinh viên công bố kết quả bình chọn trên bảng thông báo, tôi còn chạy ra tận nơi đối chiếu lại.

Trong mười người đẹp, tôi chỉ bầu cho có hai cô, xem chừng, quan điểm thẩm mỹ của tôi không giống với đa số mọi người cho lắm.

Có điều, cái đẹp vốn là sự nhận định chủ quan của mỗi người, không phân biệt đúng hay sai, giống như có người nói Lâm Thanh Hà đẹp, cũng có người bảo Bạch Băng Băng [2] đẹp vậy.

Chỉ có điều, số người nói Lâm Thanh Hà đẹp có lẽ nhiều hơn mà thôi.

Từ hôm bỏ phiếu đến trước hôm ném tú cầu, ngày nào tôi cũng kéo Lại Đức Nhân đi đánh bóng rổ.

Không phải đột nhiên thấy thích thú gì với bóng rổ, mà là muốn luyện tập tranh bóng giữa một đống vai u thịt bắp.

Tôi cần phải tăng cường độ đàn hồi của cơ thể, ngoài ra còn phải kéo cho cơ bắp dài ra.

Lại Đức Nhân chế giễu tôi, nhưng tôi vẫn nhẫn nhục tập nhảy.

Trong khoảng thời gian đó, có ba ngày nghỉ tết Trung thu, tôi về nhà nướng thịt cũng tranh thủ tập nhảy cao tại chỗ.

Bố nhìn thấy ngứa mắt, liền quát: “Nướng thịt thì không nướng đi, nhảy nhót cái gì!”

Những người đó làm sao hiểu được nỗi đau trong lòng của một kẻ học đến đại học năm thứ ba rồi mà vẫn chưa có bạn gái chứ?

Vì vậy, tôi đành nuốt lệ vào tim mà tập nhảy.

Hôm ném tú cầu, 4 giờ tôi đã ra sân vận động chiếm chỗ.

Về điểm này, thì suy nghĩ của tôi ở phía đa số, vì sân vận động đã chật ních người từ lâu rồi.

Ngọn lửa trong tim tôi nguội mất một nửa.

Bốn rưỡi chiều, người lại càng đông hơn, nếu tính cả những người đến xem cho vui, trên sân vận động phải đến hơn nghìn mạng.

Ngọn lửa yếu ớt tự ti cháy lập loè trong tim tôi, dường như sắp tắt lịm đến nơi.

“Sinh viên bây giờ hết việc làm rồi hay sao ấy nhỉ? Mấy trò nhạt thếch này vậy mà cũng đông thế không biết!”

“Hở, không phải cậu cũng thế à?”

“Chen chúc ở đây tranh giành tú cầu thật chán chết đi được, mọi người tự tôn một chút có được không?”

“Hở, không phải cậu cũng thế à?”

“Sao có nhiều người rỗi việc tụ tập thế?”

“Hở, không phải cậu cũng thế à?”

“Chỉ có đứa nào chán phèo mới được ở đây thôi.”

“Hở, không phải cậu cũng thế à?”

Hoạt động bắt đầu trong tiếng ầm ĩ của đám người chen chúc.

Thập đại mỹ nữ xếp thành hàng ngang đứng trên sân khấu, trước ngực mỗi người đều đeo biển số, từ 1 đến 10.

Đây là thứ tự xếp theo số phiếu từ cao xuống thấp, Người đẹp số 10 sẽ ném quả tú cầu đầu tiên, Người đẹp số 1 ném sau cùng.

Khi Người đẹp số 10 ôm quả tú cầu lên, tiếng vỗ tay bên dưới vang lên như sấm, ba giây sau, bầu không khí đột ngột lặng ngắt như tờ.

Tôi đảo mắt nhìn quanh, người nào người nấy ánh mắt đều cực kỳ dữ tợn, chân đã xuống tấn lấy đà.

Lúc quả tú cầu bay ra, vì hiện trường quá yên tĩnh, tôi tưởng chừng như còn nghe thấy tiếng chuông nhỏ leng keng.

Vào khoảnh khắc quả tú cầu bay lên đến đỉnh đường parabol và bắt đầu rơi xuống, tiếng động khủng khiếp ầm vang, xung quanh náo loạn.

Cuối cùng, quả tú cầu bị hai sinh viên nam giành giật.

Nếu hai con hổ đực hung tợn cùng lúc giằng xé một con gà thì sẽ ra sao?

Quả đúng như dự đoán, mỗi người nắm chặt một nửa quả tú cầu, ngoác miệng ra chửi nhau.

MC trên sân khấu vội nhắc nhở, tú cầu làm bằng giấy bồi, cấm không được giằng giật, rồi thì xin hãy thể hiện phong độ của một quý ông, đây là cuộc tranh đoạt của các vị quân tử, phải thể hiện được khí chất của sinh viên đại học… vân vân và vân vân.

Cường điệu đức tính khiêm nhường và ôn hoà với một bầy ác thú đói khát, rõ ràng là một hành vi ngu xuẩn.

Vẻ mặt mọi người xem ra đều có vẻ phản đối.

“Nếu tú cầu còn bị giằng giật làm hỏng, hoạt động sẽ chấm dứt ở đây,” cuối cùng, tay MC tuyên bố.

Câu này đã đánh trúng vào điểm yếu hại nhất, sắc mặt mọi người lập tức trở nên nghiêm túc và bình tĩnh lạ thường, hơn nữa còn có người bắt đầu so sánh hai nửa quả tú cầu kia to nhỏ thế nào, lại còn so cả diện tích và thể tích.

Cuối cùng cũng quyết định được bên giành phần thắng sát sao, cậu chàng hưng phấn kêu lên một tiếng, rồi xuyên qua đám người chạy tót lên sân khấu.

Trong ánh mắt ghen tỵ thậm chí là oán hận của đám người bên dưới, cậu ta lĩnh phần thưởng và còn nắm tay người đẹp số 10.

Bên thua cuộc thì nét mặt đờ đần, đứng ngơ ngẩn tại chỗ, khoé mắt như đã ngân ngấn lệ.

Quá trình ném tú cầu của các Người đẹp số 9, số 8 và số 7 đều rất thuận lợi, tú cầu không bị giằng rách.

Tôi thầm nhủ mấy cô người đẹp này có phải từ nhỏ gia cảnh đã không được khấm khá, toàn phải đói ăn hay sao mà yếu thế, ném quả tú cầu cũng chẳng bay được xa.

Đến giờ trong bốn quả tú cầu đã được ném ra, quả gần tôi nhất, cũng rơi ở phía trước mười mét trở lên.

Xem ra tỷ lệ giành được tú cầu gần như bằng không rồi.

Vai bên phải đột nhiên bị vỗ một cái, ngoảnh đầu lại, Lại Đức Nhân đang cười hì hì nhìn tôi.

“Này.” Tôi trừng mắt lên với cậu ta. “Cậu có bạn gái rồi, đừng có đến phá thối.”

“Quy định là có bạn gái rồi thì không được tham gia chắc.”

“Bạn gái cậu mà biết, là cậu toi đời.”

“Chắc là cô ấy sẽ không biết đâu.”

“Chắc chắn cô ấy sẽ biết,” tôi nói. “Vì tớ sẽ nói cho cô ấy.”

“Này.” Cậu ta bắt đầu hoảng hốt. “Đừng nói lung tung, tớ chỉ đến xem cho vui thôi mà, không có…”

Tôi không nghe cậu ta nói hết, lập tức quay đầu lại, hướng lên sân khấu.

Vì bên trên đang vang lên hiệu lệnh “đến lượt người đẹp số 6”.

Tôi tập trung toàn bộ tinh thần, điều hoà hơi thở, xuống tấn đứng vững, hai mắt nhìn chằm chằm vào quả tú cầu trong tay Người đẹp số 6.

Trước khi quăng tú cầu, Người đẹp số 6 còn chạy đà mấy bước, thật đúng là một cô gái tốt, cảm động quá đi mất.

Quả tú cầu được ném lên cao, lúc rơi xuống, cái búi màu đỏ ấy mỗi lúc một lớn hơn, mỗi lúc một rõ ràng hơn trong mắt tôi, cơ hồ có thể nhìn thấy cả những sợi dây và kết cấu bên trong.

Tôi không kịp nghĩ ngợi nhiều, phản ứng bản năng là hơn rùn chân, rồi bật người lên cao, vươn hai tay ra.

Màu đỏ trước mắt đột nhiên biến mất, chỉ thấy trời xanh mây trắng.

Chân vừa chạm đất, liền thấy gã Lại Đức Nhân cao hơn tôi nửa cái đầu hai tay ôm quả tú cầu, toét miệng cười đắc ý.

“Cậu…” Tôi chỉ tay vào cậu ta, nói không nên lời.

Như thể bất chợt sực nhớ ra gì đó, nụ cười của cậu ta cứng đờ trong nháy mắt, miệng cũng “A” lên một tiếng.

Cậu ta nhanh như chớp lao vào người tôi, tôi cảm thấy hai tay mình bị một luồng lực kéo lại, giữ chặt thứ gì đó.

Sau khi Lại Đức Nhân lùi ra, hai tay tôi đã ôm chặt quả tú cầu.

“Mau lên trên đi.” Cậu ta đẩy tôi.

“Hả?” Tôi hơi hoang mang.

“Cậu bắt được tú cầu rồi, mau lên sân khấu lĩnh thưởng!” Cậu ta lại đẩy một cái nữa.

Cú đẩy này hơi mạnh, trọng tâm tôi không vững, liền lùi lại hai bước.

“Nhưng mà…” Tôi nhíu mày.

Cậu ta bèn kéo xốc tôi đi xuyên qua đám người lúc nhúc, hai tay tôi ôm chặt quả tú cầu, bước chân hơi loạng choạng.

Cậu ta kéo tôi tới bên sân khấu, lúc đó tôi vẫn đang chẳng hiểu chuyện gì với chuyện gì, thì đã bị dẫn lên cầu thang, hai tay ôm tú cầu đứng trên sân khấu.

MC và Người đẹp số 6 bước tới, anh ta nói vài câu chúc mừng, rồi hỏi tôi họ tên, khoa gì, năm mấy, sau đó trao phần thưởng đựng trong một cái túi nhỏ cho tôi, tôi vội đưa tay phải ra đón lấy.

Người đẹp số 6 nãy giờ vẫn mỉm cười, nhưng không hề mở miệng.

“Bên trong còn có một tờ phiếu ăn ở nhà hàng, nhớ phải mời Người đẹp số 6 dùng cơm đúng thời gian trên đó đấy nhé.”

MC nói xong liền vỗ vỗ tay, nhưng đám bên dưới chẳng ai vỗ theo.

“Chúc hai người hẹn hò thuận lợi.” Cuối cùng, tay MC nói: “Hai bên bắt tay đi nào.”

Người đẹp số 6 đưa tay phải ra, nhưng hai tay tôi đang ôm tú cầu, ngón trỏ bàn tay phải còn đang móc cái túi quà; tôi đành vội vội vàng vàng chuyển túi quà sang tay trái, dùng cằm và tay trái kẹp quả tú cầu lại, rồi mới chìa tay phải ra.

Bộ dạng tôi lúc ấy có lẽ trông khá lôi thôi, nàng bật cười một tiếng, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy giọng nàng.

Khoảnh khắc tôi nắm lấy bàn tay phải của nàng, chỉ thấy một cảm giác mềm mại, và hơi choáng váng.

Trong ấn tượng của tôi, ngoài hồi nhỏ nắm tay mẹ ra, hình như chưa bao giờ nắm tay con gái.

Có điều ấn tượng cũng không được chuẩn lắm, có lẽ hồi nhỏ đến bệnh viện khám bệnh, cô y tá thấy tôi đáng yêu, đã nắm bàn tay nhỏ nhắn của tôi, không khéo còn thơm rồi cũng nên.

Cho dù thế nào, mẹ, cuối cùng con cũng đã lớn, mẹ có thể yên tâm được rồi.

“Bạn có thể xuống được rồi,” tay MC nói.

Tôi bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị, mặt đỏ bừng bừng đi xuống, hai tay vẫn ôm chặt quả tú cầu.

“Lởm quá đi mất, cứ như cả đời chưa gặp con gái bao giờ vậy.”

Lại Đức Nhân đứng dưới sân khấu đợi, tôi vừa đi xuống cậu ta lập tức bước tới gõ mạnh vào đầu tôi một cái.

“Tớ…”

“Té mau.” Cậu ta lại đẩy tôi. “Thật là mất mặt.”

Lại Đức Nhân kéo tôi rời khỏi sân vận động, đi thẳng một mạch về ký túc.

Hai tay tôi vẫn ôm quả tú cầu, bước đi mà không thể vung vẩy đôi tay, cảm giác dưới chân cứ lâng lâng.

Sau lưng chốc chốc lại ầm ầm lên một trận, hoạt động ném tú cầu vẫn đang tiếp diễn.

Đầu óc tôi hơi lùng bùng, có cảm giác mình đang ở trong một giấc mơ quái dị, cực kỳ không chân thực.

Nhưng dọc đường, quả tú cầu cứ vang lên những âm thanh tuy nhỏ nhưng trong vắt, âm thanh ấy lại rất chân thực.

“Có thể bỏ quả tú cầu xuống được không,” Lại Đức Nhân nói.

Tôi định thần lại, phát hiện đã về đến phòng, liền đặt quả tú cầu lên bàn, sau đó ngồi xuống giường dưới.

“Cái đó của tớ.” Lại Đức Nhân chỉ cái túi móc ở ngón trỏ tay trái của tôi.

“Ờ.” Tôi đưa cái túi ấy cho cậu ta.
Cậu ta lấy trong túi ra một gói quà hình hộp chữ nhật, đại khái cao khoảng 30 xăng ti mét.

“Nặng ra phết.” Lại Đức Nhân dùng tay phải áng chừng trọng lượng.

“Còn một tấm phiếu ăn ở nhà hàng nữa,” tôi nói.

“Vậy à?” Cậu ta ngó đầu nhìn vào bên trong túi quà. “Làm gì có.”

“Sao lại thế được?” Tôi giật bắn mình, vội đứng bật dậy.

“Ở đây này!” Tay trái cậu ta cầm cái phiếu ăn vung vẩy trước mặt tôi, rồi phá lên cười hô hố: “Sợ chưa!”

“Nhạt toẹt.” Tôi thở phào nhẹ nhõm, cướp lấy cái phiếu ăn.

“Quán bít tết Thiếu Uý?” Tôi nhìn cái phiếu ăn. “Cậu nghe nói bao giờ chưa?”

“Chưa hề.” Lại Đức Nhân lắc lắc đầu. “Chắc là quán mới.”

“7 giờ tối thứ Sáu tuần sau…” tôi lẩm bẩm.

“Có vấn đề gì à?”

“Dĩ nhiên là không, có chết cũng phải bò đến đấy,” tôi nói. “Tớ chỉ muốn ghi nhớ thời gian cho kỹ thôi.”

“Hí hí.”

“Hí cái gì?”

“Cậu cũng nên mời tớ ăn một bữa xôm trò chứ nhỉ,” cậu ta nói. “Nếu không nhờ thân thủ cao cường cộng với ưu thế về hình thể của tớ, trong tình huống hỗn loạn khốc liệt ấy, đời nào cậu giành được tú cầu chứ.”

“Cậu còn dám nói?” Tôi lườm cậu ta một cái. “Tớ sẽ mách bạn gái cậu là cậu đi giành tú cầu.”

“Đừng đùa chứ.” Cậu ta cuống lên. “Tớ chỉ đến chơi cho vui thôi mà, không may quả tú cầu bay đến, phản ứng bản năng đương nhiên là nhảy lên đón lấy rồi.”

“Tớ vẫn cứ mách, để cô ấy tự quyết định xem cái thứ phản ứng bản năng ấy có đáng tha thứ không.”

“Xin cậu đấy, đừng có nói mà.”

“Vậy thì mời tớ ăn một bữa xôm trò vào.”

“Hả?”

“Qua thứ Sáu tuần sau đã nhé. Từ giờ đến lúc đó tớ phải chay tịnh, để đảm bảo hẹn hò được thuận lợi.”

“Cậu giỏi lắm, mời thì mời.” Cậu ta cầm quả tú cầu lên nghịch nghịch, tú cầu phát ra những tiếng đinh đinh đang đang.

“Thì ra bên trong có mấy cái chuông nhỏ. Ồ? Còn buộc một tấm thẻ nhỏ nữa.”

Tôi sấn lại nhìn kỹ, trên tấm thẻ viết: Người đẹp số 6 Ông Huệ Đình.

“Tớ có bầu cho Ông Huệ Đình một phiếu,” cậu ta nói. “Trong danh sách Thập đại mỹ nữ của tớ, cô này xếp hàng thứ 3.”

“Nhưng tớ không bầu cô ấy.”

“Nếu cậu không bầu cô ấy thì tuyệt đối cấm được nói thật. Nhất định phải nói cậu có bầu cho cô ấy.”

“Không nói thật không tốt đâu.”

“Chẳng cô gái nào thích nghe sự thật ấy đâu, huống hồ lại còn là một cô gái đẹp.”

“Nhưng mà…”

“Còn chuyện quả tú cầu thực ra là do tớ bắt được, cũng nhất thiết không được nói ra.”

“Làm vậy hình như là lừa gạt.”

“Đây chỉ là trò vui thôi mà. Đừng nghĩ nghiêm trọng quá chứ.”

Tôi không phải thằng đần, đương nhiên cũng biết những sự thật này tốt nhất đừng có nói ra.

Tôi cũng không phải loại người có đạo đức siêu nhiên đến nỗi dù chết cũng phải nói thật.

Chỉ là cảm thấy không nói sự thật, thì thật bất công với nàng.

Đặc biệt là trong hoạt động nếu tổ chức khoảng hai trăm năm về trước nàng sẽ phải lấy tôi làm chồng này.

Có lẽ tôi có thể chỉ coi đây là một trò thú vị, nhưng còn nàng thì sao?

Lương tâm tôi thấy hơi bứt rứt không yên, tuy rằng “tâm” tôi cũng không được “lương” cho lắm.

Dù gì thì gì, có thể ăn tối miễn phí với một cô gái lạ cũng là một sự kiện đáng để mong chờ.

Huống hồ, cô gái ấy còn là người đẹp đã được công nhận, ngoài mong chờ ra, tôi căng thẳng nhiều hơn.

Tuy lúc ở trên sân khấu tôi và nàng rất gần nhau, nhưng tôi vừa căng thẳng lại vừa hoảng hốt, chẳng nhìn rõ được.

Chỉ có tiếng cười của nàng là còn nghe rõ.

Giờ nhớ lại gương mặt nàng, vẫn cảm thấy mơ hồ mờ mịt, ấn tượng sâu sắc nhất, có lẽ là đôi mắt.

Nàng không đeo kính, ánh mắt trong veo, tính tình chắc phải hay ho lắm?

Trong khoảng thời gian chờ đợi sự kiện ăn cơm tối cùng Người đẹp số 6, tôi thường hay nằm mơ.

Tính cả những giấc mơ sau khi nằm trên giường buổi tối, và cả những giấc mơ xuất hiện trên giảng đường ban ngày.

Tôi thường mơ thấy bị cho leo cây, sau đó đứng đợi thẫn thờ ngơ ngẩn.

Bầu bạn cùng tôi chỉ có cơn gió lạnh lùng, ánh đèn mù mịt cùng con chó nhỏ bị bỏ rơi bên vệ đường.

Tôi thậm chí còn mơ thấy cô gái ăn cơm với mình xấu như quỷ Dạ xoa, sợ đến hồn xiêu phách lạc.

“Cô… cô không phải cô gái ném tú cầu,” giọng tôi cơ hồ vỡ vụn.

“Anh cũng có phải anh chàng bắt được tú cầu đâu!”

Sau đó tôi giật mình sực tỉnh trong tiếng cười chỉ xuất hiện trong mấy phim kinh dị.

Khoảng thời gian này, tôi chỉ có duy nhất một giấc mơ hoàn toàn không liên quan đến Người đẹp số 6.

Trong giấc mơ ấy, một mình tôi nằm trên bãi cát yên tĩnh, nghe tiếng sóng biển rì rào.

Gió biển nhè nhẹ thổi tới, tôi phảng phất còn ngửi thấy cả mùi mằn mặn đặc trưng của gió biển, hết sức chân thực.

Tỉnh lại lấy làm lạ, bèn đi hỏi ý kiến Lại Đức Nhân.

“Tối qua lúc chuẩn bị đi tắm, tớ phát hiện đã hết quần lót sạch rồi, vì vậy vội đi giặt quần lót,” cậu ta nói.

“Ê, tớ hỏi chuyện giấc mơ mà.”

“Tổng cộng tớ giặt năm cái quần lót, giặt xong treo vào năm cái mắc áo.”

Nói tới đây, cậu ta ngẩng đầu lên nhìn cái quạt treo trên trần nhà.

Đó là một cái quạt cũ rích, có thể chuyển hướng 360 độ.

“Rốt cuộc cậu có trả lời câu hỏi của tớ không?”

“Tớ trả lời rồi còn gì.”

“Hả?”

“Tớ móc năm cái mắc áo vào lồng quạt, trước khi đi ngủ thì bật quạt lên,” cậu ta nói. “Quạt thổi suốt một đêm, sáng sớm nay cả năm cái quần lót đều khô rồi.”

“Cậu…”

“Chắc chắn cậu còn ngửi thấy cả mùi mằn mặn của gió biển đúng không?” Cậu ta cười khả ố.

“Đồ tởm lợm!”

“Đừng giận mà.” Cậu ta vội cười xoà lấy lòng. “Cậu không phát hiện ra điều gì ẩn chứa đằng sau câu chuyện tớ vừa kể à?”

“Điều gì chứ?”

“Đêm qua tớ ngủ không mặc quần lót.” Cậu ta đột nhiên hạ giọng xuống.

Tôi chẳng thèm để ý cậu ta nữa, cắm đầu thu dọn sách vở, chuẩn bị lên lớp.

“Êu,” cậu ta gọi tôi.

“Gì hả?” Tôi ngoảng đầu lại.

“Mấy hôm nay trông cậu như có tâm sự nặng nề, đầu óc để đi đâu đâu ấy.” Cậu ta vỗ vỗ lên vai tôi. “Chẳng qua chỉ là một cuộc hẹn hò, ăn bữa cơm thôi mà, cứ thả lỏng, đừng nghĩ ngợi nhiều quá.”

“Tớ sẽ cố.” Tôi thấy cậu ta lại ngồi lên giường. “Cậu bùng học à? Sao giờ vẫn chưa đi?”

“Hôm nay thứ Năm, buổi sáng tớ không có tiết,” Lại Đức Nhân cười khì khì, “cậu cũng thế.”

“Hả?”

“Tối mai cậu phải đi hẹn hò đấy, đừng có mà quên.”

Tôi lại còn quên mất hôm nay thứ mấy, chẳng trách Lại Đức Nhân bảo tôi tâm sự nặng nề, đầu óc để đâu đâu.

Tôi cố thả lỏng tâm trạng, kiếm mấy quyển truyện tranh đọc, nhưng chỉ cần nghĩ đến tối mai là giờ phút quyết định sinh tử, truyện tranh có tức cười mấy, tôi cũng chẳng thể nào cười nổi.

Lúc ăn cơm tối trong căng tin ký túc xá, tin tức trên ti vi nói đã xác định chắc chắn cơn bão Zebs sẽ tấn công vào Đài Loan, người dẫn chương trình nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị đề phòng chống bão, giọng điệu như thể đang loan tin về một vụ án giết người tàn khốc.

Dòng tin tức chạy bên trái màn hình đồng thời cũng xuất hiện tên những tỉnh thành đã tuyên bố ngày mai nghỉ học nghỉ làm.

“Thành phố Đài Nam nghỉ học nghỉ làm.”

Tiếng hoan hô vang dậy như sấm động khắp căng tin, đối với sinh viên, tự dưng có một ngày nghỉ bão hiển nhiên là một niềm vui bất ngờ.

Nhưng tôi lại chẳng muốn cười chút nào, thậm chí còn muốn khóc.

Ngày mai là cuộc hẹn hò quan trọng nhất trong hai mươi năm cuộc đời tôi cơ mà, tại sao lại có cơn bão phá thối thế này?

Mặt mày ủ ê bước ra khỏi căng tin, có lẽ do ảnh hưởng tâm lý, tôi cảm thấy không khí cũng không còn như trước nữa.

Về phòng ngủ lại cố giở truyện tranh ra xem, nhưng tâm trạng vẫn không sao lắng xuống được.

12 giờ đêm, ngoài cửa sổ có tiếng mưa vọng vào, mưa rả rích đập vào tai, cảm giác như kim châm.

Tôi gấp quyển truyện lại, hít sâu một hơi, leo lên giường nằm, nhìn đăm đăm lên trần nhà.

Đêm hôm ấy tôi gần như không ngủ được, đến lúc trời tờ mờ sáng, mới mơ mơ màng màng thiếp đi một lúc.

Không ngủ còn đỡ, vừa thiếp đi liền gặp ác mộng, vẫn là giấc mơ bị cho leo cây ấy.

Nhưng lần này, bầu bạn cùng tôi là gió mưa tơi bời, bên tai chỉ nghe tiếng gió vù vù, trước mắt chỉ toàn một màu trắng mờ mịt.

Đột nhiên, một trận lũ ập đến, vừa nhanh vừa mạnh, tôi vừa guồng chân chạy như điên dại, vừa hét lớn: “Tôi không làm Vĩ Sinh [3] đâu! Cứu… tôi… với!”

Tôi bừng tỉnh, lau mồ hôi, đeo kính lên nhìn đồng hồ, đã sắp 12 giờ trưa.

Bên ngoài vẫn mưa, loáng thoáng có cả tiếng gió.

Lại Đức Nhân không ở trong phòng, chắc là nhân ngày nghỉ bão hiếm có, đã dẫn bạn gái đi xem phim rồi.

Tôi đánh răng súc miệng qua loa, rồi một mình xuống căng tin ăn cơm.

Tin tức trên ti vi toàn về tình hình bão tố, tôi chẳng muốn nghe nữa, chỉ ăn nửa bữa rồi đứng dậy bỏ đi.

Giọng nói trong ti vi vẳng lại từ phía sau lưng: “Đề nghị người dân nếu không có việc cần kíp thì không nên ra ngoài, xin đừng đùa với mạng sống của mình.”

“Việc của mày à!”

Tôi quay ngoắt lại, chỉ tay vào cái ti vi quát lớn.

Lần này đúng là ê mặt. Tôi vừa tức vừa thẹn, vội vàng chuồn ngay khỏi căng tin.

Cả buổi chiều tôi rúc trong phòng ký túc, lòng dạ rối như tơ vò trong tiếng gió mưa ngoài cửa sổ.

Khoảng bốn rưỡi, trời đột nhiên nổi gió lớn, cửa sổ như đang run lên, không ngừng phát ra những tiếng bập bập.

Thi thoảng lại vang lên tiếng va đập, chắc là xe đạp hoặc bồn hoa gì đó bị thổi ngã.

Còn cả tiếng chuông báo động của một cái xe hơi cứ kêu inh ỏi, điếc hết cả tai.

6 giờ rồi, tim tôi thoắt cái đập nhanh hẳn lên, gần như nghe thấy được cả nhịp tim thình thịch.

Cứ đợi trong phòng thế này sợ rằng sẽ chết vì vỡ tim mất, tôi quyết định ra ngoài ngay lập tức.

Cẩn thận cất kỹ cái phiếu ăn, mặc áo mưa vào, thầm xin bồ tát phù hộ, rồi đóng cửa đi luôn.

Trên đường ra nhà xe lấy xe máy, gió lớn thổi không ngừng, làm tôi nghiêng ngả.

Tôi càng nghĩ càng thấy tức, càng tức càng kích động, càng kích động càng tức, không nén được ngửa đầu hét lớn: “Trả lại tuổi xuân cho tôi!”

Quán bít tết Thiếu Uý rất gần trường, chưa đến 6 giờ 20 phút tôi đã tới nơi.

Tôi không muốn vào sớm quá, đành lượn lờ thêm mấy vòng quanh khu đó.

Lượn đến vòng thứ tư, đã khoảng 6 giờ 40 phút, cũng xấp xỉ rồi.

Tôi đậu xe cách đó chừng năm chục mét, cởi áo mưa treo lên tay lái, rồi men theo hàng hiên chầm chậm đi bộ đến quán bít tết Thiếu Uý.

Nhìn lại đồng hồ, 6 giờ 50 phút, thời gian này chắc là rất hoàn mỹ rồi.

Nhưng chờ đợi trong gió mưa thế này, dù chỉ 10 phút cũng vô cùng dai dẳng.

7 giờ rồi, Người đẹp số 6 vẫn chưa xuất hiện, tôi tự an ủi rằng con gái cứ hẹn là sẽ đến trễ.

7 giờ 5 phút, tôi tự an ủi rằng có lẽ chỗ này hơi khó tìm, con gái muốn tìm được đến đây phải mất thời gian.

7 giờ 10 phút, tôi tự an ủi rằng giữa thời tiết này mà ra đường, ai chẳng đến muộn mấy phút.

7 giờ 15 phút, tôi tự an ủi rằng…

Thôi xong, tôi chẳng nghĩ ra lý do nào nữa, hơn nữa, còn bắt đầu lo lắng giấc mơ kia sẽ thành sự thực.

Tôi chỉ lo lắng khoảng hai phút, liền thấy một cô gái xuất hiện ở phía cuối hàng hiên.

Tôi không thấy rõ cô ấy mặc gì, chỉ thấy cô thu ô lại, vẩy những giọt nước đọng trên đó, rồi vuốt vuốt mái tóc, rảo chân bước về phía mình.

Giữa trời mưa gió thế này, cả dãy hàng hiên chẳng ai đi lại, vì vậy chắc chắn là nàng rồi.

Tôi thấy hơi khó thở, cả người căng thẳng đến độ run lên khe khẽ.

Quả nhiên nàng bước tới trước cửa nhà hàng liền dừng lại, đưa mắt nhìn tôi, rồi lại ngước lên nhìn biển hiệu.

“Xin hỏi…” tôi lấy hết dũng khí dấn tới, “bạn có phải Người đẹp số 6 không?”

“Ớ?” Ánh mắt nàng hơi có vẻ hoang mang, “Người đẹp số 6?”

“Xin lỗi.” Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, quả tim tôi như rơi tự do từ trên cao xuống. “Tôi nhận lầm người.”

“Bạn không nhầm đâu,” nàng bật cười. “Chỉ tại mình nhất thời không nhớ ra Người đẹp số 6 là cái gì thôi.”

“Hả?” Tôi nghe thấy tiếng kêu khe khẽ của chính mình.

“Xin lỗi, mình đến trễ.” Nàng vuốt vuốt vạt tóc mái hình như bị nước mưa hắt ướt. “Mình đi được nửa đường thì ô bị gió thổi hỏng mất, đành phải quành trở về đổi cái khác.”

“Xin lỗi bạn nhé.” Tôi lấy làm ngượng ngùng. “Thời tiết thế này còn bắt bạn phải ra ngoài.”

“Tại sao bạn phải xin lỗi chứ?” Nàng có vẻ hơi nghi hoặc. “Ngày giờ không phải bạn chọn, mà mưa bão cũng có phải do bạn gọi đến đâu.”

“Nhưng mà…” Tôi chẳng nghĩ ra lý do gì để xin lỗi. “Tóm lại là mình rất xin lỗi.”

“Bạn khách sáo quá, người đến muộn là mình cơ mà.”

Nàng bật cười, đôi mắt sáng rỡ trong veo, tiếng cười khe khẽ, tôi cảm thấy như đã quen nàng từ thuở trước.

Tôi ngại không dám nhìn thẳng vào mắt nàng, hơi cúi đầu xuống, liền trông thấy nàng mặc váy bò dài màu xanh lam.

Gấu váy viền hoa trắng, còn cả một số hoạ tiết xanh thẫm rối beng chẳng theo quy tắc gì.

Đó là những vệt loang màu xanh thẫm do chất vải bò bị thấm nước.

Tôi lại hơi ngẩng đầu lên, nhận ra tóc nàng cũng bị ngấm nước dính bết vào vai.

Nàng nhẹ nhàng gỡ những sợi tóc bết ấy ra, trên áo sơ mi trắng liền xuất hiện mấy vệt nước li ti.

Tôi đột nhiên thấy trào dâng một niềm xúc động, bất giác nhìn thẳng vào đôi mắt nàng.

Lúc ánh mắt giao nhau, nàng chỉ khẽ mỉm cười.

“Mình tự giới thiệu trước nhé.” Nàng lại nhoẻn miệng cười. “Chào bạn, mình là Ông Huệ Đình, như bạn vừa nói đấy, Người đẹp số 6.”

Trời đã tối mịt, mưa vẫn to như trút, gió bão vẫn tiếp tục thét gào.

Ánh đèn đường lưa thưa lác đác, trên phố cơ hồ không thấy bóng người bóng xe nào.

Cả thế giới dường như chỉ còn lại tôi và nàng.

Trong nhà hàng hắt ra thứ ánh sáng vàng nhạt yếu ớt, có lẽ có thể đem đến một chút ấm áp; nhưng thứ khiến thế giới này trở nên ấm áp và tươi sáng, chính là đôi mắt nàng.

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về nàng khi gặp nhau lần đầu trên sân khấu; cũng là ấn tượng sâu sắc nhất từ lúc bắt đầu đến giờ.

Cá Voi Và Hồ Nước

Cá Voi Và Hồ Nước

Status: Completed Author:

“Nếu em là cá voi, anh nhất định phải là biển lớn” tôi nói.

“Nếu em là cá voi, em sẽ ở lại hồ nước, chứ chẳng bơi ra biển lớn làm gì” em cười. “Bơi ra biển lớn sẽ có tự do, nhưng rời khỏi hồ nước thì rất cô đơn. Với em, tự do tuy cũng tốt đấy, nhưng cô đơn lại càng tệ hơn.”

Chuyện kể rằng Cá voi và Hồ nước dù yêu nhau nhưng chẳng thể ở bên nhau, bởi sống trong Hồ nước, Cá voi rồi sẽ chết vì không đủ nước, còn Hồ nước cũng cạn đi vì nước tràn ra nhiều quá…

Quen nhau qua cuộc bình chọn “Thập đại mỹ nữ” của trường đại học, ngay trong cuộc hẹn đầu tiên, Tú Cầu đã có cảm tình với Người đẹp số 6 thông minh, cởi mở lại hay có dự cảm bất ngờ. Một thời đại học qua đi, cho tới khi bước vào đời, giữa hai người luôn là sự thấu hiểu kỳ lạ cùng một cảm giác ngọt ngào mơ hồ ấm áp… Song câu chuyện về Cá voi và Hồ nước kia lại là lý do khiến Tú Cầu mãi không đủ can đảm bày tỏ lòng mình…

Tình yêu chẳng nói thành lời đó, từ lãng mạn ban đầu tới đợi chờ nhớ mong hiện tại, được kể lại qua giọng văn hóm hỉnh nhẹ nhàng đặc trưng của Thái Trí Hằng, khiến ta thật sự mong rằng hạnh phúc sẽ là câu trả lời sau tất cả.

***

Đôi nét về tác giả Thái Trí Hằng

Thái Trí Hằng, còn được biết đến với biệt danh “Đầu gấu Thái”; sinh năm 1969, là nhà văn tiểu thuyết mạng nổi tiếng của Đài Loan dù tốt nghiệp tiến sỹ chuyên ngành Công trình thủy lợi.

Năm 1998 với tiểu thuyết đầu tay “Lần đầu thân mật”, Thái Trí Hằng đã làm nên cơn sốt trong cộng đồng văn học Hoa ngữ. Hai tiểu thuyết “Lần đầu thân mật” và “Hoa hồng đêm” của ông đều đã được dựng thành phim.

Tác phẩm của Thái Trí Hằng được Nhã Nam xuất bản:

- Cá voi và hồ nước

- Chỉ gọi tên em

***

Đây là cuốn sách thứ 10 của tôi, con số 10 này quả rất nhạy cảm, khó tránh khiến người ta liên tưởng tới “thập toàn thập mỹ”.

Lúc viết tuy tôi cũng có ý thức đến điều này, nhưng tâm trạng viết vẫn giống như mọi khi, hoàn toàn không mang ý đồ gì, chỉ muốn kể câu chuyện cho thật hay.

Song nếu như cuốn sách thứ 10 của một tác giả bắt buộc phải đóng một vai trò đặc biệt nào đó, ví như sâu sắc hơn hay tốt đẹp hơn, vậy thì cuốn sách này đã làm tròn vai trò của nó.

- Thái Trí Hằng
Dịch giả: Lục Hương
Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Thời Đại

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset