Chương 32: Không kích

Không kích

Đúng là như vậy, tôi hoàn toàn tin những gì đội phó đã nói, đây chính là tiếng còi báo động có máy bay, có nghĩa là nhất định lúc đó trên trời sẽ có không kích hoặc diễn tập máy bay. Công việc của tôi quanh năm phải lặn lội nơi rừng rú, cho nên không hiểu rõ những điều này. Hồi trẻ, lúc học ở trường, chúng tôi cũng được luyện qua, một năm hai lượt, thế nhưng hồi đó chỉ biết học cho xong, lại có thầy giáo bên cạnh hỗ trợ, chỉ nghe thế cho vui tai, chứ không hề nghe kĩ tần suất khác biệt của từng loại báo động.

Nhưng tôi chắc ở nơi này không thể xảy ra chuyện có không kích hay diễn tập máy bay, điều này khồng cần nghi ngờ gì cả, tôi càng tin rằng tiếng báo động đó có một chức năng cảnh báo khác, ví như báo động có người chạy trốn hoặc là một tình huống khác nào đó mà tôi chưa rõ.

Đội phó bảo với tôi đây rõ ràng là báo động không kích, một hồi còi kéo dài ba sáu giây, nghỉ hai bốn giây, đây là loại báo động trước khi xảy ra máy bay không kích hoặc tập trận máy bay, còn trước khi diễn tập, người ta còn có loại báo động rú còi sáu giây, nghỉ sáu giây nữa.

Ở trong cái đập nước mà tự nhiên nghe thấy tiếng còi báo động máy bay khiến tôi hồn xiêu phách lạc, chúng tôi vội ra khỏi cửa tiếp tục leo lên trên và đi theo hướng có ánh đèn chiếu hắt ra. Chúng tôi phát hiện ra ánh đèn có sự thay đổi, dường như ánh sáng đang phát ra xa hơn trong lòng động.

Xét trên lý thuyết, độ cao của đỉnh vực không thể vượt quá một ngàn hai trăm mét, bởi vậy lần này có thể lờ mờ nhìn thấy những mỏ đá nhô lên ở điểm tận cùng chùm sáng đèn chiếu chuyên dụng, có điều diện tích của khoảng sáng quá nhỏ nên không cách nào thấy được hình thù cụ thể của những khối nham thạch đó. Nhưng bất luận thế nào chúng tôi vẫn khẳng định được nơi đây chắc chắn là phần chân của một ngọn núi nham thạch lớn.

Không hề có dấu hiệu của cuộc không kích, hồi còi báo động giục giã khi nãy giống như một trò đùa, ánh đèn chiếu quét qua quét lại lại, nhưng chẳng nhìn thấy gì ngoài những mỏm đá.

Quét qua quét lại một lúc, chắc là thấy có soi nữa cũng vô ích, chúng tôi nhìn thấy luồng sáng đó di chuyển đến chỗ đo mực nước, sau đó quét xuống bên dưới, bắt đầu chiếu tiếp xuống dưới vực sâu.

Độ sâu của vực thẳm thật khó tưởng tượng nổi, đến cả âm thanh tiếp mặt nước của dòng thác đổ xuống cũng không thể nghe được, lúc đó tôi nghĩ bụng làm sao có thể soi xuống phía dưới đáy được, thế nhưng lúc nằm rạp xuống thành đập để quan sát thì thấy sự việc lại khác với những gì tôi đã tưởng.

Luồng ánh sáng chiếu xuống phía dưới tuy có phần mơ ảo, nhưng tôi lại phát hiện ánh đèn có thể chiếu tới cảnh vật dưới đáy vực, điều đó có nghĩa là đáy vực có vẻ không hề sâu.

Tôi chăm chú nhìn hồi lâu, rồi bỗng nhiên hiểu ra vấn đề: luồng sáng không phải chiếu đến được đáy vực mà nó đang chiếu qua một đám sương mù dày đặc, đám mù ấy đang cuồn cuộn dâng lên.

Điều này giống như ánh sáng chiếu vào một đám mây vắt ngang giữa bầu trời vậy, tia sáng không thể lọt qua, quét qua quét lại cũng chỉ nhìn thấy mặt trên của lớp mây. Hồi nhỏ khi nhìn thấy bầu trời như vậy, tôi không hiểu, lại tưởng trời bị úp bởi một cái vung khổng lồ.

Lớp người chúng tôi thời đó đã khá quen thuộc với hiện tượng này, thế nhưng điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên là đám sương mù đó không hề đứng yên, mà có thể lờ mờ cảm nhận được nó đang dần dần đùn lên, tuy rằng sự vận động diễn ra rất chậm nhưng lại có chu kỳ và tiết tấu rõ ràng.

Đây quả thực là một cảnh tượng quái lạ, đặc biệt khi nó được đặt trong một khung cảnh bao la, kì vĩ, thì lại càng khiến cho người ta cảm giác rợn tóc gáy. Tôi nghĩ thầm: “Không hiểu đám mây kia sinh ra từ đâu? Diện mạo địa chất bên dưới nó như thế nào?”

Một điều tệ hại là tôi cứ ngắm nhìn khung cảnh này trong tiếng báo động rền rĩ mà không hề liên tưởng hai vấn đề này lại với nhau. Tôi cứ mải dõi mắt nhìn, trong lòng vừa kinh ngạc lại vừa chần động. Mãi cho đến khi đám mây mù kia dâng đến gần, khi ánh đèn chiếu xuống ngày càng ngắn lại, tiếng còi báo động đột nhiên ngừng bặt và thay vào đó là tiếng còi báo động không kích dồn dập, lúc đó tôi mới choáng váng nhận ra rằng, âm thanh vừa rồi là để báo động đám mây này! Nhưng lúc đó đám mây gần như đã dâng lên ngay sát chân đập, từ chỗ đó tới bờ đập ước chừng không đầy hai trăm mét.

Lúc đó tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, lẽ nào trong đám mây dày đặc kia lại tồn tại vật gì nguy hiểm sao? Tôi bỗng nhớ đến cái xác có hàm răng chuyển sang màu đen mà mình phát hiện thấy lúc ở hố sụt, cha mẹ ơi, tôi bún rủn toàn thân, chân mềm nhũn như thể vừa lãnh trọn một cú trời giáng, tôi tự trách mình sao không sớm nghĩ ra!

Tôi đoán mười phần chắc chín, thì đám mây mù này là mây chứa khí độc!

Ngay lập tức, tôi hiểu mình không thể lừng khừng được nữa, người tôi run lên từng chập, tôi vội vàng kéo đội phó chạy ngược lại phía sau, định chạy về phía xác chiếc máy bay, phải cách đám mây này càng xa càng tốt. Nhưng đội phó còn thộn hơn cả tôi, anh thậm chí còn không thể nhận biết được tình cảnh mà mình đang phải đối mặt, đợi tôi giải thích xong, mặt anh mới biến sắc.

Tôi kéo đội phó chạy đi, nhưng anh giữ tôi lại, bảo không thể bỏ đi được! Vương Tứ Xuyên hãy còn ở bên dưới, chúng ta phải đi cứu cậu ấy trước đã, không thể thấy người sắp chết mà bỏ mặc không cứu, nếu vậy sau này biết ăn nói thế nào, mà cũng làm sao tha thứ được cho bản thân?

Lúc này, tôi mới nhớ ra vụ Vương Tứ Xuyên, lòng vừa cảm thấy xấu hổ vừa lo lắng, mà bây giờ cũng đâu còn thời gian để tìm được đường tới chỗ cậu ấy. Tôi lại thò đầu xuống xem, nhưng chẳng thấy động tĩnh gì của Vương Tứ Xuyên. Ánh đèn vẫn quét đi quét lại trên mặt đám mây, nó không ngừng lay động, chẳng rõ cậu ta đang tìm thứ gì.

Ngay lúc đó tôi nhìn thấy một cái thang dây bằng thép treo ngay bên cạnh đập, tôi đưa mắt nhìn đội phó, đội phó cũng liếc tôi, rồi ngay lập tức thò chân vào thang, vừa giẫm xuống vừa nói với tôi: “Cậu mau chạy đi! Để tôi đi thông báo…”

Nói chưa dứt lời, thì thanh thép dưới chân anh bỗng nhiên bị đứt, anh đạp hụt vào khoảng không phía dưới, cả người nặng nề rơi tuột xuống.

Đại Mạc Thương Lang

Đại Mạc Thương Lang

Score 7
Status: Completed Author:

Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nhân vật “tôi” cùng các thành viên ưu tú trong ngành thăm dò địa chất của khắp Trung Quốc bất ngờ bị điều vào đại đội công trình địa chất bí mật.

Với tờ mật lệnh trong tay, họ không hề biết đích đến, không hề biết địa điểm cũng như nguyên nhân, họ bắt đầu bước chân vào cánh rừng rậm nguyên sinh ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ, nơi ngay cả những kĩ sư địa chất dày dạn kinh nghiệm nhất cũng chưa từng biết đến.

Cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình quái dị và rùng rợn vào chiếc hộp thời gian nơi đáy vực sâu. Và chiếc máy bay mà họ phát hiện, sau đó dùng để bay xuống vực sâu cũng chính là chiếc máy bay mà mấy chục năm trước quân Nhật đã từng dùng để bay xuống đó… Chiếc máy bay không ngừng lặp đi lặp lại nhiệm vụ đưa những con người tham vọng và tò mò đi gặp tử thần…

Vậy “tôi” có thể tác động được diễn tiến của quá trình và kết thúc tấn bi kịch này không hay anh càng gỡ càng rối, càng sa chân vào mớ bòng bong vô cùng vô tận của thời gian?

Sau bao nỗi lo lắng khi ngồi trong thùng xe tải kín mít đến nơi tập kết, họ được xem “thước phim số 0” tuyệt mật do lãnh đạo trung ương cung cấp. Cảnh tượng diễn ra trên màn hình khiến tất cả các thành viên đều không thể tin vào mắt mình: một chiếc máy bay ném bom hạng nặng của không quân Nhật xuất hiện trong lớp vỏ đá cách mặt đất 1.200 mét!

Đây là một âm mưu hay hiện tượng siêu tự nhiên? Nếu không phải không gian bị bóp méo thì sức mạnh điên rồ nào đã đưa chiếc máy bay xuống nơi đó?! Hay trước khi chiến bại, quân Nhật đã tiến hanh những hành động với mục đích vô cùng đen tối?

Trong thế giới con chữ đầy cạm bẫy nhưng rất mực mê hoặc, mỗi độc giả chạm tay vào tiểu thuyết của Nam Phái Tam Thúc đều sa chân vào những ngờ vực và ẩn số được bố trí khắp tiểu thuyết mà không thể tự thoát ra nổi!

Bộ tiểu thuyết Đại Mạc Thương Lang của tác giả Nam Phái Tham Thúc gồm hai tập là Thám hiểm cực địa và Chuyến bay tuyệt mệnh. Nam Phái Tam Thúc đã miệt mài suốt 3 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Nội dung của bộ truyện nói về chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm dưới hang động cách mặt đất 1.200 mét của các thành viên đội thám trắc địa chất đầu tiên Trung Quốc từ những năm 60 thuộc thế kỷ 20. Cả câu chuyện được diễn ra trong không gian đóng kín, tối tăm, đầy lo lắng, nghi hoặc, sợ hãi và cả ngộp thở. Đó là cuộc hành trình mà nhân vật chính suốt đời không thể nào quên, từng tầng bí mật nơi lòng đất sâu thẳm được hé lộ khiến người ta ngộp thở, nó thử thách lý trí của độc giả đến cực hạn.

Điều hấp dẫn nhất trong Đại Mạc Thương Lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí.

Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Tam giác quỷ” (Triangle). Trong đó, chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim là đống thi thể của nữ vật chính được chất đầy trên một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”...

Nam Phái Tam Thúc là cao thủ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Mất tích” (Lost). Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có trí ý tưởng và tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng...

Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà nó trở nên thu hút hơn.

Hơn nữa, Nam Phái Tam Thúc lại sử dụng ngôi thứ nhất để kể truyện, khiến tôi có cảm giác như mình phải mò mẫm tư duy của một bệnh nhân tâm thần...

Tác giả

Nam Phái Tam Thúc

Nam Phái Tam Thúc có tên thật là Từ Lỗi, hiện sống ở Hàng Châu. Anh là người sáng lập ra trường phái tiểu thuyết Nam Phái và được mệnh danh là tiểu thuyết gia viết truyện giàu kịch tính, giàu trí tưởng tượng nhất Trung Quốc.

Nam Phái không chỉ là biệt danh của tác giả mà còn là tên của một trường phái tiểu thuyết đang thịnh hành ở Trung Quốc. Đó là trường phái mở ra một quan niệm hoàn toàn mới: "Hãy để trí tưởng tượng đạt tới cực hạn!", trường phái này sáng tạo nên một mô thức viết truyện theo lối tự do, với mô thức ấy các tác giả có thể thỏa sức viết ra những điều mình khát vọng nhất, viết ra những chuyện kỳ bí, phi thực tế nhất...

Anh đến với văn học mạng một cách tình cờ vào năm 2006 nhưng không ngờ đây lại là một duyên may, bởi nó đưa anh lên ngôi vị “Nhà văn giàu nhất Trung Quốc” vào năm 2011 với số thuế nộp cho nhà nước là 1580 vạn Nhân dân tệ (tương đương 55 tỷ 300 triệu VND). Từ đó trong con mắt của rất nhiều người, tiểu thuyết Trung Quốc chỉ còn tồn tại hai trường phái đó là Nam Phái và phi Nam Phái.

Đại Mạc Thương Lang là tác phẩm của cá nhân Nam Phái Tam Thúc nhưng thuộc quyền sở hữu của Nam Phái tiểu thuyết đường hội. Bộ tiểu thuyết hai tập này được xuất bản vào tháng 3 năm 2010 và trở thành màn chào hỏi thuyết phục nhất của Nam Phái đường hội. Tiểu thuyết của Nam Phái khiến độc giả hiểu thế nào là một tiểu thuyết dũng mãnh và thế nào là một tác giả cá tính!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset