Phỏng đoán của Vương Tứ Xuyên khiến tôi thấy dựng tóc gáy, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn cảm thấy khả năng đó không thể xảy ra. Lính phòng không thuộc lực lượng không quân, trong khái niệm của chúng tôi, họ là đơn vị vô cùng thần bí. Năm 1949, tại buổi lễ thành lập đất nước, Trung Quốc cũng chỉ có mấy chiếc máy bay, mà mấy chiếc máy bay đó lại là máy bay giành giật được từ tay Quốc dân đảng, từ đó nền công nghiệp máy bay của Trung Quốc hoàn toàn thuộc vào phạm trù bí mật.
Bây giờ nhìn lại thì Trung Quốc thời đó vẫn chưa hề có cơ sở công nghiệp, nên không thể chế tạo ra máy bay. Đến thời kì kháng chiến “chống Mỹ viện Triều”, phần lớn bộ đội của chúng tôi đều thương vong do bị tập kích từ trên không. Máy bay luôn là nỗi đau của quân đội nước nhà. Sau này, khi tìm đọc các tài liệu năm xưa, tôi nhìn thấy dòng chữ đồng chí Bành Đức Hoài từng chất vấn chủ tịch Mao Trạch Đông ở Triều Tiên rằng: “Thế máy bay của chúng ta đâu?” mà lòng dâng đầy nỗi bùi ngùi.
Những năm ấy, con đường duy nhất để Trung Quốc có được kĩ thuật máy bay chính là từ Liên Xô, nhưng dẫu nhận được sự trợ giúp của Liên Xô thì tôi vẫn tin rằng Trung Quốc cũng chưa đủ năng lực để lắp ghép máy bay, thậm chí nhiều lính công binh thời đó còn chưa nhìn thấy loại cần cẩu hiện đại.
Nhưng chẳng mất bao lâu thời gian, tôi đã ngộ ra mình lạc hậu đến độ nào.
Ngày thứ tư sau khi Vương Tứ Xuyên nói ra suy nghĩ của mình, chúng tôi được triệu tập tham dự một hội nghị đặc biệt. Nhận được thông báo, tim tôi đập như trống trận vì biết rằng hội nghi lần này có thể sẽ quyết định việc đi hay ở của chúng tôi.
Đây là một hội nghị quy mô nhỏ, nhỏ hơn bất kì cuộc hội nghị nào mà chúng tôi từng tham gia từ khi đến Jiamusi. Chúng tôi ngồi họp trong một lều trại chật chội, tất cả tầm mười người, không có máy chiếu, nhưng mấy vị ngồi hàng ghế đầu toàn là những người mà trong hộp cơm của họ bữa nào cũng có đùi gà, một người là sư trưởng Trình – chúng tôi từng có dịp gặp mặt, nhưng ông ta không ngồi ở vị trí chính giữa, người ngồi ở vị trí chính giữa mặc áo Tôn Trung Sơn sẫm màu, ước chừng sáu mươi tuổi, đôi mắt tinh anh có thần và đầy uy lực, thoáng trông đã thấy phi phàm.
Sau khi sư trưởng Trình giới thiệu lần lượt từng người một và chúng tôi đều đứng dậy vỗ tay thì đến tận lúc ấy tôi mới ý thức được địa vị của những người này, tuy vậy tôi không tiện liệt kê hết tên tuổi của họ. Nói về nhân vật ngồi giữa thì năm đó tuy không có nhiều người ở Viện khoa học Trung Quốc tham dự, nhưng những người trong hệ thống có lẽ đã đoán được ông ta là thần thánh phương nào, người này có một biệt danh còn được nhiều người biết đến hơn cả tên thật. Tôi không bất ngờ về sự xuất hiện của ông ta ở đây, một công trình quy mô lớn dường này, cộng thêm cả độ cơ mật của nó thì chẳng có gì quá đáng khi để một viên chức cấp cao nắm giữ.
Sau khi mọi người đều an tọa, ông già mặc áo Tôn Trung Sơn đứng dậy cầm trịch chúng tôi lần nữa tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật.
Trong câu chuyện này, tôi phải tuyên thệ tất thảy ba lần và đây chính là lần cuối cùng. Nếu bạn cho rằng những tình tiết tôi kể trước đây đã khó tin lắm rồi thì những tình tiết về sau có lẽ càng khiến bạn thấy không thể chấp nhận được hơn.
Từ khi chấp bút viết cuốn tự truyện này đến nay, tôi luôn lựa chọn phương thức trần thuật với nhịp điệu đều đều, nội dung ngắn gọn dễ hiểu, đó là vì muốn mọi người có thể dễ dàng chấp nhận phần sau của câu chuyện hơn.
Khi ấy có tất cả mười một người tham dự hội nghị, trừ sáu vị lãnh đạo ra, thì năm người chúng tôi đều là những thành viên được lựa chọn tham gia nhiệm vụ. Đến giờ phút này, tôi vẫn giữ bí mật danh sách thành viên năm đó. Trên thực tế, chẳng cần nhìn, tôi cũng có thể đọc làu làu tên tuổi của họ.
Năm thành viên được chọn gồm tôi, Vương Tứ Xuyên, Điền Tiểu Hội, Chu Cường và Abdul Memeti. Tôi và Vương Tứ Xuyên thuộc thành viên thám trắc địa chất cơ sở, Điền Tiểu Hội và Chu Cường là người của viện, trong đó Điền Tiểu Hội chính là anh Điền, sau đó tôi mới biết anh ấy chính là học trò của Lý Tứ Quang, thời ấy đã lên tới chức chủ nhiệm, tuy tên là Tiểu Hội, nhưng thực tế anh ấy hơn chúng tôi khá nhiều tuổi.
Tôi không biết lai lịch của Abdul Memeti, nghe tên thì đoán là người dân tộc Ngô Duy Nhĩ, tôi cũng chỉ biết anh ta làm công tác chỉ huy ở hậu phương.
Chu Cường là nhà quay phim, trước đây tôi chưa từng gặp anh ta, nhưng sau khi được cứu thoát và tham gia cuộc họp “lùa vịt” lần thứ nhất, anh ta chính là người lắp đặt máy quay.
Cả quá trình buổi họp diễn ra rất ngắn. Tuy ngắn gọn nhưng thực ra buổi họp đó đã giao phó cho chúng tôi một nhiệm vụ không được phép chối từ.
Họ nói với chúng tôi rằng, chúng tôi phải thâm nhập vực sâu. Lần này không dùng cáp thép mà sẽ bay thẳng xuống đó.
Họ vừa nói xong, Vương Tứ Xuyên liền đưa mắt nhìn tôi ra ý quẻ bói của cậu ta đã trúng phóc, nhưng cậu ta không hề tỏ ra đắc ý mà ẩn trong vẻ mặt trông rất hình sự là nỗi buồn đau, lo lắng.
Sư trưởng Trình báo cáo, đây vốn là kế hoạch đã được vạch ra từ trước, ngay từ lần đầu anh Miêu may mắn sống sót trở về và báo lại tình hình trong hang động, họ đã bắt đầu hình thành kế hoạch này. Kế hoạch có hai phương án, phương án thứ nhất là chuẩn bị nhập khẩu một chiếc máy bay cỡ lớn từ Liên Xô, nhưng sau khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô xấu đi, thì rất khó tiến hành hoạt động nhập khẩu. Phương án thứ hai là sử dụng loại máy bay hiện có của Trung Quốc, nhưng phương án này cần rất nhiều thời gian, bây giờ nếu vận chuyển các linh kiện như thiết bị lắp ráp đến đây sẽ tốn một thời gian khá dài.
Cuối cùng, Bùi Thanh phát hiện trong kho lắp ráp có linh kiện máy bay ném bom của quân Nhật, vì đường ray cất cánh ở đây đều được thiết kế theo quy cách của Nhật, nên họ quyết định sẽ sử dụng những linh kiện này và lắp ráp thành chiếc máy bay ném bom Shinzan.
Sau khi các kĩ sư chẳng quản ngày đêm làm việc miệt mài, thì cuối cùng chiếc máy bay cũng được lắp đặt hoàn tất, vì Trung Quốc vẫn chưa có phi hành gia có thể lái loại máy bay ném bom hạng nặng này nên họ phải tìm một phi hành gia Liên Xô lưu trú tại Trung Quốc để làm cơ trưởng và một phi công của Quốc dân đảng đã đầu hàng làm cơ phó.
Trong thoáng chốc, tôi ý thức được người mà họ vừa nói đến chính là Ivan, nhưng Ivan vẫn chưa xuất hiện, rõ ràng tổ bay không cần biết chuyện của chúng tôi.
Cảm giác của tôi lúc đó rất khó diễn tả bằng lời, về nội dung sau này của cuộc họp, tôi hoàn toàn không thể cho vào đầu. Có điều vào thời khắc ấy, tôi đã hoàn toàn chấp nhận số phận.
Sau cuộc họp, chúng tôi được sắp xếp tiến hành kiểm tra sức khỏe, còn công việc sau đó là tiếp tục chờ đợi.
Thông qua Chu Cường, tôi biết về thân thế thực sự của Ivan. Anh ta là phi hành gia công huân của Liên Xô, lúc thường thì làm huấn luyện viên huấn luyện bay, vì kĩ thuật bay vô cùng xuất sắc, nên anh ta được mệnh danh là “Ivan điên”. Nghe nói trước đây để cầu hôn Viên Hỷ Lạc, anh ta đã lái máy bay ném bom nhào lộn nhiều vòng trên không với kĩ thuật cực khó. Những động tác ấy lẽ ra tuyệt đối không thể thực hiện được, thế mà anh ta đã may mắn thành công.
Bởi hành động đó nên Viên Hỷ Lạc mới nhận lời cầu hôn của anh ta, có điều cũng vì chuyện này nên anh ta bị đưa ra tòa án binh, để tránh án phạt, anh ta tình nguyện trở thành một trong những thành viên trong loạt chuyên gia cuối cùng đi viện trợ Trung Quốc, nhưng chẳng bao lâu sau thì mối quan hệ Trung – Xô bị đóng băng, vì Viên Hỷ Lạc anh ta quyết định ở lại Trung Quốc, không về nước nữa.
Có thể nói vào thời điểm đó, anh ta là người duy nhất ở Trung Quốc có thể điều khiển máy bay ném bom tiến hành chuyến bay không tưởng ấy.
Tôi nghe mà chẳng biết phải làm gì, chỉ cảm thấy mình càng hết đất diễn, so sánh giữa tôi và anh ta thì tôi chỉ là một anh kĩ sư địa chất hạng quèn, còn anh ta là phi hành gia công huân, hơn nữa anh ta lại từng có một tình yêu mãnh liệt với Viên Hỷ Lạc.
Có điều dù sao cô ấy cũng rời đi rồi, sau này chắc chẳng còn cơ hội gặp lại nhau, bất luận Viên Hỷ Lạc nghĩ thế nào thì giữa tôi và cô ấy hoàn toàn không tồn tại bất kì mối quan hệ nào nữa.
Trong thời gian chờ đợi, tôi cứ suy nghĩ lung tung, còn Vương Tứ Xuyên thì vô cùng lo lắng, nhưng chúng tôi không hề thảo luận về chuyện này, thứ nhất là vì không được phép, thứ hai là vì chúng tôi đều chẳng còn tâm trạng mà nói, thử hỏi ai trên đời có tâm trạng thảo luận xem mình sẽ chết như thế nào?
Vì phải lắp đặt máy quay nên Chu Cường chui vào trong tấm màn trước, nhưng anh ta không nói gì với chúng tôi, chỉ bảo sẽ chụp một vài tư liệu để gửi về mặt đất. Để sau này khi công khai cảnh quay không bị mọi người phát hiện ra là máy bay Nhật, anh ta phải lấy băng dính dán trùm lên cờ Nhật.
Anh ta đã bỏ công ra làm chuyện này thì có nghĩa là về cơ bản máy bay đã thành hình, nghĩ vậy lòng tôi bất giác càng thêm thấp thỏm lo âu.
Tình bạn sâu nặng giữa tôi và Vương Tứ Xuyên có lẽ cũng được hình thành trong thời gian này. Khi ấy chúng tôi còn ôm nỗi hoài nghi, lo sợ về mọi thứ xung quanh và cả sự nhận thức chung về rất nhiều sự vật, bởi vậy nên mới dễ tin nhau, đương nhiên còn một điểm quan trọng nhất, đó là thời đó chưa có nhiều lợi ích để cho chúng tôi tranh giành.
Nếu là bây giờ, thì chưa chắc tôi và Vương Tứ Xuyên đã trở thành bạn tốt, bởi tính cách giữa hai chúng tôi quá ư khác biệt.
Chúng tôi đã tâm sự rất nhiều trong quãng thời gian này, tâm sự về lý tưởng, hiện thực và tương lai. Vương Tứ Xuyên nghi ngờ nhiều suy nghĩ của tôi, thậm chí là cả vài quan điểm khác nữa. Tôi phát hiện một số tư tưởng cậu ta phóng khoáng hơn hẳn mình, thực chẳng khác nào tổ tiên của cậu ta.
Bất kể nói gì thì trong đội ngũ mười một người, tôi và Vương Tứ Xuyên trở thành đồng minh là một sự thật, sở dĩ giờ phút này tôi có thể ngồi đây và viết về những năm tháng hào hùng ấy cũng là nhờ phước may đến từ tình bạn của mình.
Đã đến lúc vào trong màn.
Tuy trước đó chúng tôi đã biết bên trong là gì, nhưng khi nhìn thấy thực tế lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Vén tấm màn bước vào trong, cả không gian bỗng sáng bừng nhờ đèn khí, một chiếc máy bay to kềnh càng đang nằm trên đường ray, lừng lững như một khẩu pháo, nó hướng mũi vào khoảng không thăm thẳm phía sau con đập.
Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy chiếc máy bay chiến đấu vĩ đại như vậy, thân máy bay màu xanh đen với những đường cong thuôn dài khiến lòng tôi chợt trào dâng một cảm giác lạ thường. Đầu tiên, tôi không ngờ nó to như thế, tàn tích của nó dưới sông ngầm đã khiến tôi kinh ngạc, giờ đây tận mắt nhìn thấy nguyên bản của nó, tôi lại càng chấn động hơn, mà điều lạ kì hơn là chẳng ngờ trông nó lại yêu dị như thế.
Tôi nghĩ có lẽ từ cổ chí kim chỉ mình tôi dùng từ “yêu dị” để hình dung về máy bay chiến đấu, nhưng đúng là tôi có cảm giác như vậy, khối máy móc bằng sắt thép khổng lồ này trông chẳng khác gì một con quái vật.
Chúng tôi được dẫn đi tham quan khoang máy bay, bên trong toàn mùi hàn xì và mùi sơn chưa khô. Giá thép tròn tròn trên trục chính trông giống như bộ xương sườn của con người. Kĩ thuật viên giải thích cho chúng tôi hiểu rất nhiều kiến thức cơ bản, như chúng tôi đang đứng ở vị trí nào trong máy bay; sau khi máy bay cất cánh sẽ cảm nhận thấy hiện tượng gì khác so với lúc ở trên mặt đất v.v…
Tôi chẳng lọt tai được câu nào, người cứ bồng bềnh như trong mơ, tôi mơ thấy mình ngồi trong máy bay chiến đấu Shinzan, trước mặt là màn đêm mênh mang không bờ bến, nhưng lòng tôi lại vô cùng bình lặng.