Chương 5: Hang động

Hang động

Khoảng thời gian sau đó có thể coi như là thời kì quá độ giữa chờ đợi, trông ngóng và hồi hộp, lo âu. Tất cả những kĩ sư, công nhân liên quan đều được huy động bắt đầu công việc tìm kiếm. Chúng tôi cũng đề nghị được tham gia giúp đỡ tìm kiếm, nhưng đồng chí đại tá kiên quyết từ chối mà không đưa ra lý do cụ thể nào. Hồi đó, chúng tôi không hiểu được ẩn ý đằng sau lời từ chối đó, chỉ ngây thơ tin rằng đó là cách người ta bảo mật thông tin. Dân kĩ thuật cơ sở như chúng tôi mà hưởng được đãi ngộ như thế này quả thật đã là một sự ưu ái rồi, vậy nên chúng tôi đành chấp nhận hoàn cảnh, giết thời gian bằng việc bàn tán thảo luận, rồi ngóng đợi những tin tức từ rừng sâu chuyển về.

Sự thắng lợi của chủ nghĩa duy vật cuối cùng đã xuất hiện sau mười hai ngày chờ đợi. Đội kĩ sư khảo sát được phân công đi tìm kiếm ở khu vực cách chỗ chúng tôi đang dựng trại khoảng năm cây số đã phát hiện ra dấu vết của một con đường lớn. Họ lần theo con đường này đi thêm ba cây số nữa thì phát hiện ra một hõm núi, ở đó họ tìm được một hang động ngầm quy mô lớn, có kiến tạo của một khe nứt, rộng khoảng ba mươi mét. Miệng hang được một tấm bạt lớn che phủ, phía trên phủ toàn lá mục. Ban đầu cả đội không phát hiện ra nó, chỉ khi có một đồng chí trong đội vô ý bị thụt xuống đó thì cả đội mới biết.

Miệng hang tương đối lớn, đi sâu vào trong tầm hai ba mươi mét, đội kĩ sư phát hiện ra đây là một đường hầm thẳng. Vì không mang đủ trang thiết bị cần thiết, nên họ không dám đi sâu vào bên trong. Có lẽ, đây chính là lối vào đường hầm dẫn xuống lòng đất.

Buổi trưa, đại tá thông báo kết quả thăm dò của đội khảo sát được phái đi gần như đã chắc chắn, hôm sau cả đoàn sẽ đi vào hang. Đại tá còn nhắc mọi người phải chuẩn bị kĩ càng trang thiết bị đem theo.

Đa số mọi người đều lập tức trở nên phấn chấn khác thường, có vài người lại bắt đầu thấy căng thẳng. Hang động được xem là tầng thứ năm của Trái đất, nghề thăm dò khai thác địa chất thường xuyên phải ra vào hang động, chúng tôi đều hiểu công việc này nguy hiểm thế nào, nên nhận được mệnh lệnh của cấp trên là lập tức triển khai công việc, ai vào việc nấy, không có bất cứ lời phàn nàn nào. Không khí trong doanh trại bỗng chốc đầy vẻ căng thẳng, nhưng vẫn hết sức trật tự.

Nhìn vẻ điềm nhiên của anh Miêu mấy ngày vừa rồi, tôi thực sự thấy nể phục anh. Việc gấp gáp nhường này mà trên mặt anh ấy vẫn chẳng hề có chút biến đổi nào. Anh vẫn giữ vẻ mặt bình thản như trước, cứ như thể chẳng quan tâm gì đến những chuyện xung quanh. Người khác thì hăng hái, sốt sắng chuẩn bị như sắp ra trận, nhưng anh Miêu thì tuyệt nhiên không chuẩn bị gì, chỉ đứng ở bậc thềm quan sát chúng tôi.

Tôi cảm thấy thật khó hiểu trước thái độ của anh Miêu. Dường như anh ấy biết điều gì mà chúng tôi không biết, ánh mắt anh nhìn chúng tôi lúc này, rõ ràng không giống thường ngày chút nào.

Kì thực, mỗi thời kì đều có mẫu người điển hình của thời đại đó, mà anh Miêu chính là mẫu người điển hình của thời kì này. Anh là người rất thông minh, trong thời kì đầu của cuộc đấu tranh, anh đã từng chứng kiến rất nhiều sự việc mà lẽ ra không nên chứng kiến, nên anh biết rõ đằng sau mỗi sự việc, ắt hẳn sẽ có một sự thật bị che giấu, và anh cũng hiểu rằng cho dù mình có muốn cũng không thể nào thay đổi được tình hình. Tuýp người này vừa nhanh nhạy lại rất khá khôn lanh, rất hứng thú với kiểu “mọi người mê muội hết, chỉ mình tôi tỉnh” và luôn hãnh diện vì nghĩ mình giỏi hơn người khác.

Những điều này đương nhiên là sự tổng kết sau rất nhiều năm của tôi. Sự thực thì hồi đó, tôi luôn tò mò muốn tìm hiểu hơn về những người như anh Miêu giống như cảm giác hâm mộ, thích làm quen của giới trẻ bây giờ dành cho những thần tượng tuổi trẻ tài cao vậy. Chúng ta thường thích gần những người tài giỏi đó, để được lĩnh hội chút gì đó từ họ.

Cho nên, sau bữa tối hôm đó, tôi liền viện cớ để đi dò hỏi anh ấy, xem phải chăng là có chuyện gì.

Ban đầu anh Miêu cứ cười cười, tôi hỏi gì anh cũng không nói, lúc sau tôi mời đến mấy điếu thuốc, anh ấy mới mở lời. Anh hút một hơi thuốc, thở ra một cuộn khói dài rồi nhìn tôi và bảo: “Tôi thấy trong chuyện gì có gì đó giả dối, bất thường lắm!”

Anh Miêu nói rằng hang động ấy nhất định đã được tìm thấy trước khi chúng tôi đến, nếu không, cấp trên không thể tự nhiên điều động từng này người đến đây được. Họ đã đóng quân ở đây trước khi chúng tôi tới khá lâu rồi, tại sao trong phạm vi chỉ có năm cây số, mà tới tận bây giờ họ mới tìm ra cửa hang?

Bên dưới cái hang động đó chắc chắn phải có nhiều nhánh hang động phức tạp, nếu không thì đâu cần điều nhiều người đi như vậy.

Anh Miêu còn nói, anh không hiểu đội quân của Công trình 723 đến đây ôm súng ngồi chơi làm gì. Anh nghĩ, những sự việc như thế này đáng ra lãnh đạo phải nói thẳng với chúng tôi, chắc chắn họ đã nhận được công văn chỉ thị hay văn kiện gì đó. Tóm lại, rất nhiều chuyện xảy ra ở nơi này rất kì quái, đặc biệt là chuyện về chiếc máy bay, chắc chắn là có điều gì mà họ cố tình giấu giếm, nhưng giấu kiểu đó thì chẳng khéo chút nào.

Nói xong anh Miêu vỗ vai tôi, bảo khi đi nhất định phải cẩn thận.

Tôi không tranh luận gì với anh Miêu, nhưng ấn tượng tốt đẹp ban đầu về anh có giảm đi đôi chút, vì tôi cho rằng anh ấy quan trọng hóa vấn đề quá. Trong suy nghĩ của tôi, việc xảy ra ở đây hiển nhiên là không đơn giản rồi, nếu không thì lãnh đạo đâu cần điều đến nhiều người như vậy, còn nếu như sự thực là có vấn đề gì đó phía sau cần che giấu, thì chắc họ cũng có lí do sâu xa nào đó.

Lúc đó, tôi cũng không nghĩ nhiều, những lời anh Miêu nói sau đó cũng tôi cũng chẳng nhập tâm nghe. Hôm đó, chúng tôi đã chuẩn bị xong những vật dụng cần thiết. Mọi người được nghỉ ngơi trọn một ngày, rồi xem xét lại súng ống. Đến ngày thứ ba, đội tôi cùng với một đội quân nữa nhằm hướng cửa hang xuất phát.

Vì không có la hay ngựa chuyên dụng, nên chúng tôi đều đi bộ, mỗi người vác theo không ít đồ dùng, lại dắt cả chó nghiệp vụ theo, dự tính chắc phải đi bộ mất một ngày.

Có điều tôi cũng hơi băn khoăn là trong chặng đường hành quân hôm đó tôi không hề nhìn thấy anh Miêu đâu, hỏi ra mới biết sáng ra không biết anh ấy phải ăn gì mà bị đau bụng quằn quại nên không đi được.

Khi đó tôi bất giác ý thức rằng, những gì anh Miêu đã nói với tôi không phải là chuyện đùa, rõ ràng anh ấy có ý muốn trốn chuyến đi này, nhớ đến lời anh, tôi lại cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Lần này được hành quân nên cảm nhận của chúng tôi về khung cảnh xung quanh có phần rõ ràng, cụ thể hơn khi đến bằng ô tô trước đó. Mọi người đều đeo súng sau lưng. Vương Tứ Xuyên thì thầm với tôi rằng, việc chúng tôi được mang theo súng thế này thì nhiều khả năng là đang ở khu vực biên giới Trung Quốc – Mông Cổ rồi. Nếu là ở biên giới Trung Quốc – Liên Xô thì việc mang theo súng sẽ phiền phức to, vì người Liên Xô thấy vậy sẽ cho người bắn tỉa chúng ta, nên thông thường khi đi tới đó quân ta không vũ trang gì. Còn ở biên giới giáp ranh Mông Cổ thì thường xuyên có cướp hoặc thổ phỉ, nên luôn cần phải mang súng phòng thân.

Vì đường đi ngoằn ngoèo, lại nhiều khúc quanh, ngã rẽ nên chúng tôi cũng không hình dung được diện mạo của khu vực đó. Ban đầu, tôi định bụng vừa đi vừa đoán xem mình đang ở đâu, nhưng quả thực rất khó. Hơn nữa việc đi bộ tốn rất nhiều sức, nên chúng tôi cũng không nói chuyện nhiều. Vì hành quân thành đoàn dài nối tiếp, nên tôi cũng chỉ nhìn thấy mỗi lưng của người đi trước, chẳng còn mấy sức mà nghĩ đến việc ngẩng đầu lên nhìn ra xung quanh.

Cứ như vậy, nhẫn nại bước từng bước, chúng tôi đã đi bộ được một ngày rưỡi, đến trưa ngày hôm sau, cả đoàn mới đến được cửa hang mà người ta đã phát hiện, muộn nửa ngày so với kế hoạch.

Nguyên nhân không phải do chúng tôi đi chậm mà vì thực tế đường đi vô cùng hiểm trở, những con đường trước đây chúng tôi từng đi qua chưa đường nào dẫn vào nơi thâm sâu cùng cốc như thế này. Dưới đế giày chúng tôi, từng lớp lá mục dày bết quánh lại, chỉ nhấc chân lên thôi cũng vô cùng khó khăn, bên dưới lẹp nhẹp thứ nước màu nâu đen bẩn thỉu, cảm giác như đang đi giữa vũng bùn lầy, đoàn đi nhiều người, lại liên tục có người bị ngã, nên tốc độ di chuyển rất chậm.

Đến được cửa động, tôi mới giật mình khi nghĩ tới lời anh Miêu đã nói trước đó. Quả thật chắc chắn cái động này đã được tìm thấy từ trước, vì gần đó có mấy chiếc lều bằng bạt, và hàng đống cuộn dây thừng ở xung quanh, mà rõ ràng mười mấy ngày trước những vật dụng này chưa được chuyển tới.

Thế nhưng hầu hết mọi người đều không phát hiện ra điều này, chúng tôi vốn đã quen với cảnh dựng trại trên núi cao rừng rậm, nên không hề để ý những việc như vậy. Nếu tôi không được anh Miêu dặn trước thì chắc chắn cũng không để ý.

Cây cối nơi đây mọc rất rậm rạp, những tán cây rộng lớn, vươn cao che hết ánh sáng mặt trời, bên dưới có một lớp cây dại mọc lúp xúp, miệng hang nằm ngay bên dưới một gốc cây cây cổ thụ rất to và đã khô mục, vô số rễ cây ngoằn ngoèo vươn ra từ gốc cây đó, bao phủ lấy miệng hang.

Đây là một kiểu cấu tạo hang động khá điển hình, nó là loại hang động được hình thành do sự vận động địa chất trong những trận động đất, nó không giống như những loại hang đá vôi thông thường trên vách núi mà là khe nứt cực lớn được hình thành trên bề mặt vách đá cứng, chỗ rộng nhất khoảng hơn ba mươi mét, đứng từ trên nhìn xuống thấy vách đá dựng đứng, phía dưới là một cái hồ tối om, đen ngòm, gió thổi bên dưới lồng lộng, ầm ào, hun hút, không biết phía dưới sâu chừng nào.

Những chỗ ánh sáng có thể chiếu tới ở trên vách hang mọc rất nhiều rêu và cây dương xỉ. Xem ra, đây đúng là kiểu cấu tạo của loại hang động dạng ống dung nham, phía dưới chắc sẽ rộng hơn miệng hang rất nhiều. Trên miệng hang, những kĩ sư đang bắt đầu giăng dây thừng. Họ kéo những ròng rọc máy đến và tra dầu vào các mô tơ, rồi lần lượt bọc các vật dụng lại bằng những tấm vải bạt màu xanh và thả xuống, rõ ràng là đã có sẵn người chờ ở phía dưới.

Đại tá nói với chúng tôi rằng những người thăm dò đã hoàn thành xong công tác thăm dò ban đầu. Hang động này sâu hai trăm mười bốn mét, dưới đáy động có nước, đó là một dòng suối ngầm, chúng tôi sẽ đi xuống vào đó. Khi đi theo dòng nước vào trong chừng sáu mươi mét, chúng tôi tới một đoạn có bốn đường hang động rẽ nhánh, nên cả đoàn đành phải tách nhóm để đi.

Tôi nghe đến đây thì toát mồ hôi hột, những gì anh Miêu đã nói với tôi lại dồn dập hiện về, trời ạ, ông này đúng là liệu sự như thần!

Đại Mạc Thương Lang

Đại Mạc Thương Lang

Score 7
Status: Completed Author:

Những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nhân vật “tôi” cùng các thành viên ưu tú trong ngành thăm dò địa chất của khắp Trung Quốc bất ngờ bị điều vào đại đội công trình địa chất bí mật.

Với tờ mật lệnh trong tay, họ không hề biết đích đến, không hề biết địa điểm cũng như nguyên nhân, họ bắt đầu bước chân vào cánh rừng rậm nguyên sinh ở biên giới Trung Quốc - Mông Cổ, nơi ngay cả những kĩ sư địa chất dày dạn kinh nghiệm nhất cũng chưa từng biết đến.

Cuốn tiểu thuyết là cuộc hành trình quái dị và rùng rợn vào chiếc hộp thời gian nơi đáy vực sâu. Và chiếc máy bay mà họ phát hiện, sau đó dùng để bay xuống vực sâu cũng chính là chiếc máy bay mà mấy chục năm trước quân Nhật đã từng dùng để bay xuống đó… Chiếc máy bay không ngừng lặp đi lặp lại nhiệm vụ đưa những con người tham vọng và tò mò đi gặp tử thần…

Vậy “tôi” có thể tác động được diễn tiến của quá trình và kết thúc tấn bi kịch này không hay anh càng gỡ càng rối, càng sa chân vào mớ bòng bong vô cùng vô tận của thời gian?

Sau bao nỗi lo lắng khi ngồi trong thùng xe tải kín mít đến nơi tập kết, họ được xem “thước phim số 0” tuyệt mật do lãnh đạo trung ương cung cấp. Cảnh tượng diễn ra trên màn hình khiến tất cả các thành viên đều không thể tin vào mắt mình: một chiếc máy bay ném bom hạng nặng của không quân Nhật xuất hiện trong lớp vỏ đá cách mặt đất 1.200 mét!

Đây là một âm mưu hay hiện tượng siêu tự nhiên? Nếu không phải không gian bị bóp méo thì sức mạnh điên rồ nào đã đưa chiếc máy bay xuống nơi đó?! Hay trước khi chiến bại, quân Nhật đã tiến hanh những hành động với mục đích vô cùng đen tối?

Trong thế giới con chữ đầy cạm bẫy nhưng rất mực mê hoặc, mỗi độc giả chạm tay vào tiểu thuyết của Nam Phái Tam Thúc đều sa chân vào những ngờ vực và ẩn số được bố trí khắp tiểu thuyết mà không thể tự thoát ra nổi!

Bộ tiểu thuyết Đại Mạc Thương Lang của tác giả Nam Phái Tham Thúc gồm hai tập là Thám hiểm cực địa và Chuyến bay tuyệt mệnh. Nam Phái Tam Thúc đã miệt mài suốt 3 năm mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này. Nội dung của bộ truyện nói về chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm dưới hang động cách mặt đất 1.200 mét của các thành viên đội thám trắc địa chất đầu tiên Trung Quốc từ những năm 60 thuộc thế kỷ 20. Cả câu chuyện được diễn ra trong không gian đóng kín, tối tăm, đầy lo lắng, nghi hoặc, sợ hãi và cả ngộp thở. Đó là cuộc hành trình mà nhân vật chính suốt đời không thể nào quên, từng tầng bí mật nơi lòng đất sâu thẳm được hé lộ khiến người ta ngộp thở, nó thử thách lý trí của độc giả đến cực hạn.

Điều hấp dẫn nhất trong Đại Mạc Thương Lang chính là trí tưởng tượng tiệm cận đến điên cuồng và những cuộc thám hiểm tưởng chừng vô cùng điên rồ của các nhân vật trong tác phẩm, hai yếu tố đó liên tục kích thích hệ thần kinh độc giả, đặc biệt là những độc giả thích tìm hiểu những sự vật mới lạ và thần bí.

Vòng tuần hoàn chết trong bộ tiểu thuyết này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim “Tam giác quỷ” (Triangle). Trong đó, chi tiết khiến tôi thấy rùng rợn nhất trong phim là đống thi thể của nữ vật chính được chất đầy trên một góc con tàu, còn trong Đại mạc thương lang là một đống “tôi” sống sót trong “trạm lánh nạn”...

Nam Phái Tam Thúc là cao thủ viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Cảm giác khi đọc Đại mạc thương lang gần giống với cảm giác khi xem phim “Mất tích” (Lost). Cũng chỉ hai tác phẩm này khiến tôi nảy sinh cảm giác như vậy, bởi cả hai đều có trí ý tưởng và tưởng tượng đạt đến độ điên cuồng...

Đọc câu chuyện của Nam Phái Tam Thúc thực sự thấy mất sức hơn tưởng tượng ban đầu. Bởi tư duy logic của tác giả vô cùng đặc biệt, nhìn thì có vẻ rất chặt chẽ và có đầu có cuối, nhưng thực tế lại vô cùng hỗn loạn. Kiểu truyện nhìn thì có vẻ rõ ràng nhưng thực chất lại rối rắm bao giờ cũng kinh dị hơn loại truyện vừa nhìn đã thấy rối rắm. Cũng nhờ thế mà nó trở nên thu hút hơn.

Hơn nữa, Nam Phái Tam Thúc lại sử dụng ngôi thứ nhất để kể truyện, khiến tôi có cảm giác như mình phải mò mẫm tư duy của một bệnh nhân tâm thần...

Tác giả

Nam Phái Tam Thúc

Nam Phái Tam Thúc có tên thật là Từ Lỗi, hiện sống ở Hàng Châu. Anh là người sáng lập ra trường phái tiểu thuyết Nam Phái và được mệnh danh là tiểu thuyết gia viết truyện giàu kịch tính, giàu trí tưởng tượng nhất Trung Quốc.

Nam Phái không chỉ là biệt danh của tác giả mà còn là tên của một trường phái tiểu thuyết đang thịnh hành ở Trung Quốc. Đó là trường phái mở ra một quan niệm hoàn toàn mới: "Hãy để trí tưởng tượng đạt tới cực hạn!", trường phái này sáng tạo nên một mô thức viết truyện theo lối tự do, với mô thức ấy các tác giả có thể thỏa sức viết ra những điều mình khát vọng nhất, viết ra những chuyện kỳ bí, phi thực tế nhất...

Anh đến với văn học mạng một cách tình cờ vào năm 2006 nhưng không ngờ đây lại là một duyên may, bởi nó đưa anh lên ngôi vị “Nhà văn giàu nhất Trung Quốc” vào năm 2011 với số thuế nộp cho nhà nước là 1580 vạn Nhân dân tệ (tương đương 55 tỷ 300 triệu VND). Từ đó trong con mắt của rất nhiều người, tiểu thuyết Trung Quốc chỉ còn tồn tại hai trường phái đó là Nam Phái và phi Nam Phái.

Đại Mạc Thương Lang là tác phẩm của cá nhân Nam Phái Tam Thúc nhưng thuộc quyền sở hữu của Nam Phái tiểu thuyết đường hội. Bộ tiểu thuyết hai tập này được xuất bản vào tháng 3 năm 2010 và trở thành màn chào hỏi thuyết phục nhất của Nam Phái đường hội. Tiểu thuyết của Nam Phái khiến độc giả hiểu thế nào là một tiểu thuyết dũng mãnh và thế nào là một tác giả cá tính!

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset