Ngày ấy cha tôi còn đứng chủ quán cơm “Đô đốc Bin-bâu”. Quán cơm dựng ở một nơi hẻo lánh trên cửa biển. Hàng ế ẩm, khách thưa thớt, cảnh nhà túng quẫn. Cha tôi phần lo buồn, phần ốm yếu khật khừ. Cha tôi có thể còn sống lâu nữa nếu không gặp phải cái tên thủy thủ già ấy đến trọ. Tôi còn nhớ rõ như mới gặp hắn hôm qua. Hắn nặng nề đi đến cửa, chiếc hòm đặt trên xe theo sau. Người hắn to lớn, vạm vỡ, nước da lưng sạm như gạch nung, cái đuôi tóc trên đầu bết lại như keo lòng thòng trên cổ áo xanh đã hoen nhiều vết; tay hắn sần sùi; trên má có một vết sẹo chém dọc xuống, trắng bệch trông đến bẩn. Tôi còn nhớ, hắn đứng đưa mắt nhìn quanh cửa biển, miệng huýt sáo rồi cất tiếng hát bài hát cổ của bọn thủy thủ, bài hát ấy về sau hắn hát luôn. Mười lăm thằng trên hòm người chết ỳ a, ỳ a… Be rượu “rum” say bét say be! Hắn hát to, giọng ồ ồ cũ kỹ. Hát xong hắn cầm gậy gõ cửa. Cha tôi ra, hắn bảo đem một cốc rượu “rum”, giọng rất cộc cằn. Hắn nhấm nháp rượu ra vẻ một tay sành. Hắn chăm chú nhìn ra bờ biển dốc ngược, nhìn vào cái biển cửa hàng rồi nói:
-Cái quán này thật là nơi thuận lợi. Đông khách không bác? Cha tôi trả lời:
-Thưa khách lắm.
-Cũng chỉ cần thế. Nói xong hắn gọi người phu khuân hòm vào nhà. Lát sau, hắn lại nói:
-Tôi nghỉ đây ít lâu. Tính tôi rất dễ dãi. Chỉ cần một ít rượu “rum”, ít trứng và mỡ là đủ; với lại thỉnh thoảng ra đứng ngoài kia xem tàu chạy. Mà bác sẽ gọi tôi như thế nào nhỉ? Thôi cứ gọi là ông chúa tàu vậy. à thôi! Tôi biết cái điều bác đang lưỡng lự rồi! Này đây! Nói thế, hắn quẳng ngay ba bốn đồng tiền vàng ra:
-Khi nào hết, bác cứ bảo tôi!
-Hắn nói một cách thô lỗ và rất hách dịch. Tuy ăn vận lôi thôi, nói năng cục cằn, nhưng coi bộ hắn không phải một thủy thủ thường. Hắn ra dáng một viên thuyền trưởng hay phó thuyền trưởng quen lối tác oai tác quái với kẻ dưới. Bình thường, tính hắn rất trầm mặc. Suốt ngày hắn thơ thẩn ven bờ biển cao, tay cầm cái ống nhòm bằng đồng. Chiều tối, hắn về ngồi thu lu ở xó buồng bên cạnh đống lửa, uống rất nhiều rượu “rum” pha nước. Mỗi lần đi chơi về, hắn lại hỏi: có người thủy thủ nào đi qua đây không?
Mới đầu, chúng tôi tưởng hắn muốn tìm người thân thuộc, nhưng sau mới biết hắn muốn tránh mặt bọn thủy thủ. Một hôm, hắn gọi tôi ra một nơi và dặn hễ nhìn thấy tên thủy thủ cụt một chân thì nhớ bảo ngay cho hắn biết; rồi hắn hẹn cứ mồng một đầu tháng hắn sẽ cho bốn xu. Thường đầu tháng, tôi phải đến nhắc hắn cho tiền, và mỗi bận như thế hắn thở phì phì, giương mắt nhìn tôi làm tôi phải cúi mặt. Nhưng sau đấy, hắn lại đưa tiền cho tôi và nhắc lại phải để ý tìm người thủy thủ cụt chân. Không nói thì các bạn cũng biết cái hình ảnh anh lính thủy cụt chân này đến ám ảnh tôi luôn. Trong những đêm bão tố, gió lay bốn góc nhà, sóng gầm ven bến quanh bờ, tôi mơ thấy anh ta hiện ra thiên hình vạn trạng. Lúc thấy chân anh cụt tới gối, lúc cụt đến bẹn, lúc chỉ còn một chân mọc ở giữa ngực. Có đêm thấy anh ta nhảy qua rào qua hố đuổi tôi, làm tôi sợ toát mồ hôi. Chỉ vì bốn xu mà phải chịu những cơn sợ như vậy, kể ra bốn xu cũng to quá. Tên chúa tàu uống nhiều rượu “rum” đến nỗi nhiều đêm hắn như lên cơn loạn óc. Hắn ngồi hát những bài ca cổ man rợ. Có khi hắn gọi rượu, ép mọi người phải uống để nghe hắn kể chuyện hay hát theo cùng hắn. Mọi người run sợ phải cố hát theo. Nhiều lúc cả nhà ầm lên những câu hát: ỳ a, ỳ a… Be rượu “rum” say bét say be! Khi thì hắn đập bàn bắt mọi người ngồi im lặng. Lúc ấy hễ ai hỏi động đến hắn là hắn nổi cơn thịnh nộ. Chỉ đến khi say khướt, chân tay mềm rủn, hắn mới để khách ra về. Chuyện hắn kể rặt là những chuyện khủng khiếp: nào thắt cổ nhục hình, nào bão biển, đảo Rùa, nào những chuyện kỳ quặc trên đất hoang thuộc xứ Tây Ban Nha. Cha tôi lo buồn sợ mất khách vì hắn. Nhưng điều nguy hơn cả là hắn cứ ở lần lữa ngày này qua ngày nọ đến nỗi tiền hắn đưa trả đã hết từ lâu mà cha tôi cũng không có can đảm để hỏi hắn. Hễ đả động đến là mắt hắn long lên, mũi hắn gầm gừ thở phì phò làm cha tôi phải vội vã rút lui. Và mỗi bận như thế cha tôi lại vặn tay uất ức. Những lo phiền sợ hãi ấy đã làm bệnh tình cha tôi thêm trầm trọng. Trong khi hắn ở trọ quán chúng tôi, hắn vẫn đội cái mũ ba vành nhàu nát và cái áo xanh lem luốc vá víu trăm mảnh. Hắn chẳng bắt chuyện với ai sau lúc hắn tỉnh dậy. Cả đến cái hòm to của hắn cũng chẳng bao giờ thấy hắn mở. Có một lần hắn gặp tay đối thủ. Lúc ấy cha tôi đang ốm nặng. Buổi trưa ấy, bác sĩ Ly-vơ-xây đến thăm bệnh cha tôi. Bác sĩ là người nhân từ có tiếng. Gặp những người nghèo khổ, ông hay giúp đỡ và có lúc chữa bệnh cho họ không hề lấy một xu nhỏ. Riêng đối với gia đình tôi, ông là một vị ân nhân. Xem xong bệnh cho cha tôi, ông sang phòng bên hút thuốc. Anh chúa tàu đang ê a bài hát cũ: Mười lăm thằng trên hòm người chết, ỳ a, ỳ a… Be rượu “rum” say bét say be! Ngoài bác sĩ ra, bài hát này chẳng ai lạ tai hết. Hát xong, quen lệ hắn đập tay xuống bàn quát mọi người im.
Mọi người đều nín thít. Riêng bác sĩ vẫn hút thuốc và vẫn ôn tồn giảng cho một ông lão nghe cách trị bệnh tê thấp. Anh chúa tàu trừng trừng nhìn bác sĩ, lại vỗ bàn, rồi quát lên bằng giọng tục tĩu:
-Đằng ấy có câm mồm không? Bác sĩ nói:
-ông bảo tôi phải không? Khi anh chàng tục tằn kia bảo “phải”, bác sĩ nói:
-Tôi nói với anh điều này: nếu anh cứ uống rượu “rum” mãi, thì đến phải tống anh đi nơi khác. Cơn tức của tên giặc già thật đến ghê. Hắn đứng phắt dậy rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm bác sĩ. Tôi lo cho bác sĩ quá. Nhưng ông vẫn vững chãi, giọng vừa dõng dạc vừa bình tĩnh mà quả quyết:
-Nếu anh không cất dao vào, tôi quyết sẽ làm anh bị treo cổ trong phiên tòa đại hình sắp tới. Tôi còn nhớ trông bác sĩ lúc này với gã kia thật khác nhau một trời một vực. Một đằng thì đức độ khoan dung, hiền từ mà nghiêm nghị. Một đằng thì nanh ác, hung hăng như con thú dữ nhốt chuồng. Hai người đưa mắt gườm nhau. Rốt cục tên chúa tàu gằm mặt xuống, tra dao vào, ngồi xuống, làu bàu trong cổ họng. Bác sĩ nói:
-Bây giờ tôi mới biết trong quận này có một người như anh. Tôi không chỉ làm thầy thuốc, tôi còn xử án nữa. Nếu bận sau còn xảy ra việc gì, tôi sẽ ra lệnh bắt và đuổi anh ra khỏi đất này. Một lát sau, bác sĩ lên ngựa. Từ đêm ấy và những đêm sau, tên chúa tàu im như thóc.
Chương 1 – Tên giặc biển già đời
Đảo Giấu Vàng
Đảo giấu vàng (hay Đảo châu báu – nguyên bản tiếng Anh là Treasure Island) là một tiểu thuyết phiêu lưu viết cho thiếu niên của nhà văn người Scotland Robert Louis Stevenson mô tả một cuộc hành trình trên biển đi tìm kho báu của bọn cướp biển chôn giấu trên đảo của nhân vật chính là cậu bé Jim Hawkin. Tiểu thuyết này lần đầu được xuất hiện trên tạp chí dành cho lứa tuổi thiếu niên là Young Folks trong những năm 1881-1882 với các tiêu đề khác nhau như Gã đầu bếp trên biển (Sea Cook) hoặc Đảo châu báu (Treasure Island), trước khi được in thành sách vào năm 1883.
Đảo giấu vàng là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Stevenson với hơn 50 lần được chuyển thể thành các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình với các ngôn ngữ: Anh, Đức, Ý, và nhiều chuyển thể ở các thể loại kịch nói, âm nhạc và có ảnh hưởng sâu sắc tới những huyền thoại về cướp biển sau này như giấu chữ X đặc biệt trên bản đồ, mật hiệu tấm tròn đen, con vẹt đậu trên vai…
Đảo châu báu được Steveson sáng tác khi ông 30 tuổi vào mùa hè năm 1881 khi cùng gia đình nghỉ hè tại Braemar (cao nguyên Scotland) cùng với năm thành viên khác trong gia đình. Đó là thời điểm cuối mùa hè lạnh lẽo và mưa nhiều. Khi xem bức tranh vẽ một hòn đảo màu nước của Lloyd Osbourne (con riêng của vợ Stevenson) và tạo ra cho Stevenson ý tưởng về một hòn đảo chứa châu báu của cướp biển. Ông đã giành ba ngày liên tục viết ba chương đầu tiên của tiểu thuyết rồi đưa cho mọi người trong gia đình đọc, nhận xét và bổ sung các ý tưởng.
LLoyd khăng khăng đòi không có phụ nữ trong chuyện vốn chiếm phần lớn ban đầu, và ngoại trừ giữ lại nhân vật mẹ của Jim Hawkin ở chương đầu. Cha của Stevenson đặc biệt thích thú như một cậu bé và đã dành một ngày để kiểm tra lại về nhân vật Bill Bones, đồng thời bổ sung tình huống Jim Hawkin trốn trong thùng đựng táo để nghe lén câu chuyện của bọn phản loạn. Hai tuần sau, một người bạn của Stevenson là Alexander Japp đã mang những chương đầu tiên tới tổng biên tập của Tạp chí Young Folks, và ông ta đã đồng ý đăng mỗi tuần một chương định kỳ. Và trong vòng mười lăm ngày liên tục, Stevenson đã liên tục viết chuyện với tốc độ một chương một ngày và sau đó dần cạn từ. Lý do chính của việc này là sức khỏe của ông (Stevenson bị viêm phổi mãn tính). Ông đã gần như nản lòng vì lo lắng không kiếm được tiền nuôi thân ở tuổi 31, và lo sợ không thể hoàn thành cuốn sách. Stevenson đã xem lại các bản thảo, chỉnh sửa lại, đi bộ các buổi sáng và đọc các tiểu thuyết khác. Sau đó, họ chuyển tới Davos, Thụy Sĩ và Stevenson đã hoàn thành tiểu thuyết tại đây.
Trong thời gian từ năm 1881 đến 1882, khi được đăng trên tạp chí Yong Folks, Đảo châu báu ít được chú ý và không giúp cho Young Folks tăng doanh thu, nhưng nó thật sự trở nên phổ biến nhanh chóng sau khi được xuất bản trọn vẹn ở dạng sách vào năm 1883. Tiểu thuyết nhanh chóng được nhiều người yêu thích đến mức cả Thủ tướng Anh khi đó là William Gladstone đã thức tới hai giờ đêm để đọc hết cuốn sách. Các nhà phê bình văn học đều ca ngợi tiểu thuyết. Tiểu thuyết gia người Mỹ là Henry James đã nhận xét “Đảo châu báu hoàn hảo như một trò chơi thiếu nhi cực hay”. còn Gerard Manley Hopkins thì viết “Tôi nghĩ Stevenson viết trong một trang còn hay hơn cả Sir Walter Scott viết trong một tập”.
Với những tình tiết hồi hộp thót tim, những nhân vật lạ lùng độc đáo, Đảo Giấu Vàng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả Robert Louis Stevenson, được cả các nhà phê bình và bạn đọc đánh giá cao, với hơn 50 lần được đưa lên màn ảnh và sân khấu.