Có lẽ Samele không phải là một người, mà đó là tên gọi của một tổ chức. Có lẽ có vài người cùng lập nên tổ chức tên là “thiên thần Samele”. Tố Diệp thấy câu nói này rất quen. Ngẫm nghĩ kỹ lại cô mới nhớ ra. Cô đã từng đọc câu nói này. Nó chính là dòng chữ được khắc trên tường trong vụ án tên phạm nhân tự sát. Lúc đó cô chỉ mải chú ý tới hình vẽ, còn câu nói này chỉ đọc lướt qua.
Sao lại như vậy?
“Lẽ nào hai người này quen biết hoặc có mối liên hệ nào đó?” Tố Diệp cũng nhíu mày.
Lúc này pháp y mới đứng dậy, lắc đầu nói: “Đúng là bất thường! Nhìn kiểu gì cũng không giống là tự sát, nhưng tại hiện trường lại không tìm được dấu tích chứng tỏ anh ta bị sát hại.”
Tố Diệp đi tới, ngồi xuống, nhìn ngang gương mặt của nạn nhân.
Pháp y không biết cô định làm gì, cũng ngạc nhiên đứng sang một bên. Rõ ràng là anh ta cảm thấy những tình huống như thế này, rất nhiều phụ nữ sẽ tránh thật xa hoặc cảm thấy ghê rợn. Sao cô ấy lại có hứng thú tiến lên xem nhỉ?
Tố Khải ra hiệu cho pháp y đừng tới làm phiền cô.
Sắc mặt của nạn nhân trắng bệch, không còn hột máu nào, giống như người giấy được cắm trên linh cữu phục vụ tang lễ, mắt vẫn còn mở trừng trừng. Vị trí ở cổ, máu và thịt lẫn lộn, vết máu cũng đã khô lại, trên quần áo và dưới sàn nhà toàn là vệt máu đã khô cong.
Tố Diệp nhìn anh ta rất lâu, luôn có một cảm giác quái dị không thể nói thành lời. Ánh mắt anh ta có vẻ như đang nhìn chằm chằm về một hướng nào đó. Cô cũng đưa mắt nhìn theo, mới phát hiện anh ta đang nhìn hàng chữ kia.
Chẳng mấy chốc, các nhân viên cảnh sát khác đã điều tra ra được lai lịch của nạn nhân.
Lưu Bằng, 30 tuổi, người Sơn Tây, làm kỹ thuật cho một công ty mạng. Bố mẹ anh ta mất sớm. Một tháng trước, người bạn gái đã hẹn hò với anh ta được hai năm cũng đòi chia tay. Tính cách người này khá trầm. Hàng xóm xung quanh cho biết, thường ngày anh ta cũng không hay trò chuyện, cũng rất ít khi qua lại với hàng xóm láng giềng.
Các thông tin cơ bản đều rất trong sạch. Anh ta chỉ là một người làm công ăn lương rất bình thường, hoàn toàn không có một chút liên hệ nào với tên phạm nhân đã tự sát lúc trước. Nhưng, tại sao hai người này lại viết ra cùng một hàng chữ, lại vẽ cùng một hình ảnh?
Tố Diệp nghĩ không ra. Mà điều này Tố Khải cũng đang mù tịt.
Cô lại quay về gương mặt của nạn nhân. Trong đôi mắt đó không có một chút tà ác nào. Cô hơi nheo mắt lại, nhìn chằm chằm vào khóe miệng của anh ta, rồi bất ngờ nói một câu: “Anh ta đang cười!”
Tố Khải ngẩn người, vội vàng đi tới, ngồi xuống.
“Em xem! Khóe môi của anh ta hơi cong lên, có lẽ là đang cười.” Cuối cùng Tố Diệp cũng đã tìm ra điểm không bình thường.
Tố Khải nghe cô nói vậy mới phát hiện hóa ra đúng là thế thật.
“Trước khi chết còn cười được ư, cười chuyện gì chứ?”
Tố Diệp trầm mặc. Cô quan sát tỉ mỉ sợi dây thừng phía dưới cơ thể nạn nhân, còn cả cách thắt dây thừng, rồi nhìn bốn phía xung quanh, khẽ đáp: “Chị cảm thấy… anh ta tự sát!”
Tố Khải sững sờ: “Tại sao ạ?”
“Trong phòng không có dấu vết của sự giằng co, đánh lộn cũng không có dấu vết người ngoài xông vào để lại, chứng tỏ trước khi chết anh ta chỉ ở trong nhà một mình. Thông qua lời khai của hàng xóm cùng với nghề nghiệp và lai lịch của nạn nhân, không khó nhận ra phạm vi các mối quan hệ của anh ta rất hẹp, lại không phải là người giỏi ăn nói. Một người đàn ông sống độc thân, trong nhà lại không có những món đồ giải trí hay giết thời gian như máy chơi game, tivi, máy tính và giá sách…, chứng tỏ cuộc sống thường ngày của anh ta vô cùng khô khan. Vậy thì, mỗi lần về nhà anh ta sẽ làm gì đây?” Tố Diệp phân tích lần lượt rồi chỉ vào bức tường: “Chỉ có thể vẽ vời. Sở thích đó là tốt, không phải là không tốt. Chỉ có điều anh ta coi đó là một thú vui để tiêu khiển hằng ngày thì lại có vấn đề. Ánh đèn trong phòng vừa tối lại mang màu cam. Đây là một thứ màu ánh sáng khiến người ta có cảm giác rất khó chịu, người bình thường không bao giờ chọn thứ màu này để chiếu sáng. Còn có dây thừng trên người anh ta nữa. Đây là một cách thắt nút để có thể tự trói tay chân mình lại. Nút thắt nằm ngay trên cổ tay anh ta. Ánh mắt anh ta bình yên, khóe môi khẽ mỉm cười, chứng tỏ chết đối với anh ta là một sự giải thoát.”
Pháp y gật đầu nặng nề rồi chỉ vào cổ nạn nhân: “Điều tôi rất khó giải thích chính là vết thương của anh ta.”
“Tôi suy đoán là, anh ta dùng dao cứa vào động mạch chủ của mình, sau đó mới trói mình lại. Tố Diệp đưa ra một suy đoán bạo dạn.
Pháp y nhìn cô với vẻ kỳ lạ.
Tố Diệp bèn giải thích: “Anh ta đang hưởng thụ quá trình đến với cái chết.”
“Nhưng tại sao lại còn trói mình vào?”
Tố Diệp đưa mắt nhìn bức tường, thở dài rồi nói: “Từ hoàn cảnh sống và tâm lý của nạn nhân mà nói, anh ta đã sống trong hoàn cảnh tự kỷ ám thị tội ác một thời gian dài. Anh ta cảm thấy mình có tội, thế nên cuối cùng đã chọn cái chết. Còn trong quá trình hấp hối, có lẽ anh ta cảm thấy chỉ có một cơ thể đã chảy cạn máu khô mới có thể rửa sạch tội nghiệt, vì thế mới chọn cách thức này.”
Nói tới đây, trong đầu Tố Diệp lóe lên một tia sáng, nhưng cũng vụt tắt rất nhanh. Cô muốn nắm bắt nhưng không kịp.
Tố Khải chưa bao giờ nghi ngờ chuyên môn của cô. Cậu suy nghĩ rồi đứng dậy, gọi cấp dưới tới, lệnh cho họ điều tra về các mối quan hệ của nạn nhân, cố gắng liên hệ được với những người thân thích khác, từ đồng nghiệp trong công ty tới lãnh đạo đều phải lấy lời khai một cách tỉ mỉ. Quan trọng nhất chính là cô bạn gái.
Một vụ án bất ngờ xảy ra làm đảo lộn mọi kế hoạch ban đầu của Tố Diệp. Cô vốn dĩ định khuyên Tố Khải nhưng bây giờ nó lại vùi đầu vào vụ án, cô chỉ có thể đưa ra một số ý kiến mang tính xây dựng mà chẳng thể giúp được gì, vì thế cũng rời đi.
Trên đường về nhà, ngồi trên taxi, Tố Diệp cứ nghĩ mãi về câu nói đó. Thế nào gọi là hắn đã nhấn chìm tòa thành của Thượng đế? “Hắn” ở đây ám chỉ ai? Tòa thành của Thượng đế là tòa thành nào? Hắn lại còn có đôi cánh?
Tài xế cũng là một người nhiệt tình, thấy Tố Diệp trong gương nhíu mày bèn tò mò hỏi: “Cô gái! Gặp phải chuyện gì khó giải quyết sao? Trên đời không có chuyện gì không thể nghĩ thông suốt đâu.”
Người Bắc Kinh trước nay luôn lạc quan. Điểm này đã được thể hiện trọn vẹn qua người tài xế taxi này.
Tố Diệp điều chỉnh lại tư thế ngồi. Vốn dĩ cô không định nói nhưng suy nghĩ lại, cứ coi như tán gẫu, bèn hỏi: “Bác tài! Bác cảm thấy có thể hiểu tòa thành của Thượng đế như thế nào?”
“Tòa thành của Thượng đế? Thượng đế còn có thành sao? Thượng đế nào vậy? Là chỉ Chúa Giesu, Thánh mẫu Maria hay là nhân chứng Giê-hô-va? Hoặc cũng có thể là Thích Ca Mâu Ni của thế giới Tây Phương Cực Lạc? Hoặc là Ngọc Hoàng Đại đế của Đạo giáo chúng ta?” Người tài xế đưa ra một loạt các vấn đề.
Tố Diệp vừa nghe đã thấy rắc rối, lại hỏi: “Vậy bác cảm thấy người thế nào thì sẽ mọc cánh?”
Lần này bác tài nhìn cô với ánh lạ kỳ. Có lẽ vì mấy câu hỏi của cô có vẻ khác người. Bác ta ngừng một lát rồi nói: “Người mà mọc được cánh tức là người chim rồi.”
Tố Diệp á khẩu.
Khoang xe yên ắng một lúc, bỗng nhiên người tài xế đập vào đầu: “A… Tôi nghĩ ra rồi! Là thiên sứ!”
“Thiên sứ?”
“Đúng vậy! Vừa có cánh lại có ngoại hình giống người chẳng phải là thiên sứ sao?” Bác tài xế cười ha ha.
Thiên sứ…
Tố Diệp chìm vào miên man suy nghĩ.
Về tới nhà, việc đầu tiên Tố Diệp làm là bật mạng lên, bắt đầu tìm kiếm những thông tin có liên quan tới thiên thần. Bác tài đó nói không sai. Mọc cánh lại còn giống người thì chỉ có thiên thần. Mà thiên thần và Thượng đế lại có quan hệ mật thiết.
Nhưng tài liệu quá hỗn tạp, không thể tìm ra được thông tin gì có ý nghĩa.
Cô lại đánh câu nói đọc được trên tường đó vào, kết quả vẫn bằng không.
Nhưng lại nhảy ra một trang tin tức, có liên quan tới Cơ Đốc giáo.
Trong đó có một tin tức tìm kiếm viết thế này: Đại hồng thủy nhấn chìm nhân gian, diêm sinh thiêu đốt xương khô, sức mạnh phán xét sắp xuất hiện trở lại, tất cả tội ác đều sẽ diệt vong.
Tố Diệp nhìn câu nói này rất lâu, cảm thấy nó có gì đó đồng nhất ý tưởng với câu nói trên bức tường.
Đại hồng thủy?
Diêm sinh?
Tố Diệp nhìn chằm chằm vào riêng hai chữ ấy. Trong đầu cô bỗng có một tia sáng lóe lên, tia sáng mà lúc trước khi còn ở nhà nạn nhân cô chưa nắm bắt được. Cô gần như nhảy dựng lên, xuống dưới nhà, xông vào phòng khách, sau đó lật tung các tủ.
Cuối cùng, một bức tranh* đã được cô tìm ra.
*Đọc lại chương 179.
Bức tranh này cô mua tại Nam Phi. Gương mặt tươi cười của người chủ cửa hàng khi đó cô vẫn còn nhớ như in. Đồ đạc ở cửa hàng đó rất lặt vặt, thứ gì cũng có, nhưng cô chỉ mua độc bức tranh này.
Người chủ cửa hàng đã nói với cô: Đây là bức tranh Thượng đế hủy diệt loài người.
Lúc đó, cô chỉ cảm thấy rất thú vị. Cô mới từng nghe về truyền thuyết Thượng đế sáng tạo ra loài người trong “Sáng Thế Ký”, chứ chưa từng nghe nói tới truyền thuyết hủy diệt loài người.
Tố Diệp nhìn rất kỹ nội dung trên bức tranh.
Cảm giác về nó đầy bi lụy, nguyên do bắt nguồn từ chính màu sắc được dùng chủ yếu để vẽ nên bức tranh. Trong tranh là cơn đại hồng thủy trắng trời. Có một người đàn ông đứng trên mũi sóng, hơi giơ cao tay lên, ánh mắt nhìn về phía xa xăm, nét mặt nặng nề. Tố Diệp cảm thấy, người đàn ông này có lẽ chính là Thượng đế. Ông ấy đã sáng tạo ra loài người, rồi lại tự tay hủy hoại loại người, tâm trạng nhất định rất tệ.
Trên dòng nước lũ có một con thuyền, bên trên có người, có gia súc. Người đó quay đầu nhìn Thượng đế.
Tố Diệp giật mình, con thuyền Noah!
Phía đuôi bức tranh có một ngọn lửa lớn đang lan ra vô hạn. Nhân gian chết chóc vô số kể.
Ngọn lửa lớn và ngọn nước dữ hòa vào nhau, nhưng có thể nhận ra, chúng muốn biểu đạt hai ý nghĩa.
Tố Diệp không phải tín đồ của Cơ đốc giáo, nhưng cũng từng nghe kể về câu chuyện thuyền Noah.
Cô đặt bức tranh xuống, suy nghĩ rất lâu, trong đầu chỉ toàn hình ảnh Thượng đế hủy diệt. Nhưng trên bức tường lại viết là: Hắn ta nhấn chìm tòa thành của Thượng đế. Nếu tòa thành của Thượng đế là ám chỉ nhân gian, vậy thì người nhấn chìm nhân gian phải là Thượng đế mới phải chứ?
Không đúng, trong chuyện này nhất định còn điều gì cô chưa biết. Truyền thuyết về Thượng đế hủy diệt, có lẽ không phải như những gì con người vẫn nghĩ.
Tố Diệp đặt bức tranh sang một bên, trong đầu chợt nhảy vọt ra một cuốn Kinh thánh.
Cô có một cuốn Kinh thánh.
Chính là món quà Tiểu Đậu Tử tặng cô lúc ở trấn Thiên Đăng.
Một thời gian, cô đã từng để nó trong giá sách, vì cô cảm thấy có lẽ cả đời này mình cũng chẳng có thời gian rảnh rỗi để lật Kinh thánh ra xem.
Ôm bức tranh đi vào phòng sách, cuối cùng cô cũng tìm ra được cuốn Kinh thánh đó.
Nhỏ nhắn và rất đẹp.
Trong Kinh thánh, cuốn ghi chép lại truyền thuyết Thượng đế hủy diệt sớm nhất là Sáng Thế Ký, cũng chính là câu chuyện về con thuyền Noah huyền thoại. Đây là câu chuyện mọi người nghe nhiều thành quen, đến cả một người ngoại đạo như Tố Diệp cũng rõ.
Cô kết hợp với những giải nghĩa và hướng dẫn tra cứu trên mạng, không ngừng lật giở Kinh thánh, đọc đến nỗi mắt chua xót. Lúc này cô mới biết, thì ra Thượng đế không chỉ diệt thế một lần, mà tổng cộng là ba thời đại.
Thời đại đầu tiên là thời đại diệt thế bằng cơn đại hồng thủy, từ thời Enoch, là hậu duệ đời thứ bảy của Adam cho tới thời Noah, khi chiếc thuyền hoàn thành thì cơn đại hồng thủy đã tới. Thời đại thứ hai được coi là thời đại của Chúa Giesu, chỉ thời đại lần đầu tiên Chúa Giesu giáng trần, Paul đã làm chứng trước lá thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã thấy Chúa làm người giấy sống dậy, một lần nhiều nhất không quá 500 người. Và thứ ba chính là thời đại ngày nay.
Xem tới đây, Tố Diệp chợt nhíu mày. Lẽ nào chính là cái gọi là thời khắc phán xét? Cô ta đừng thấy nói như vậy trong sách Khải Huyền*.
*Khải Huyền (hoặc Khải Thị) là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, được viết theo thể văn Khải Huyền. Từ “Khải Huyền” do từ ghép Hy Lạp apokalupsis. “apo” nghĩa là lấy đi, cất đi; “kalupsis” nghĩa là tấm màn che. Vậy Khải Huyền có nghĩa là vén màn cho thấy điều bí mật che khuất bên trong.
Chương 24, 13 trong Kinh thánh, Giesu có nói với mọi người rằng: Các con phải cố gắng bước vào cánh cửa hẹp. Ta cho các con hay, tương lai có rất nhiều người muốn vào nhưng lại không thể.
Tố Diệp không hiểu cánh cửa hẹp cụ thể là gì, nhưng cũng hiểu đó là một trạm gác, có thể tránh được đại họa diệt thế.
Trong Kinh thánh, Tố Diệp còn nhìn thấy tên của một số thiên sứ, vừa khó phát âm vừa khó nhớ, nhưng có một câu khiến cô lập tức giác ngộ. Câu đó viết rằng: Hắn có được sức mạnh của Thượng đế, lấy danh nghĩa của Người để trừng phạt loài người.
Đây cũng là một điều sách Khải Huyền từng nhắc tới. Đương nhiên Tố Diệp không có nhiều sức lực để đọc hết cả cuốn Kinh thánh. Cô bèn lên mạng tìm kiếm sách Khải Huyền của Kinh thánh. Lúc này cô bàng hoàng nhận ra, thì ra lúc diệt thế, trước sau Thượng đế đều dùng nước lũ và diêm sinh. Dưới Thượng đế còn có thiên sứ, một trong số đó có khả năng vô cùng đặc biệt, đó là thiên sứ mà Thượng đế chuyên dùng để trừng phạt kẻ ác.
Thiên sứ này nắm giữ sự “tuyệt vọng”, ngoại hình rất giống bươm bướm, là kẻ nguy hiểm nhất trong số tất cả các thiên sứ phản bội. Khi Noah chế tạo con thuyền, hắn đã từng xuất hiện một lần, dùng đại hồng thủy cuốn trôi mọi thứ của nhân gian!
Tố Diệp trợn tròn hai mắt. Dưới tay cô là cuốn Kinh thánh dày cộp. Cô nhanh chóng lật tới chương tương ứng, hơi thở trở nên gấp gáp. Thiên sứ này đích thực được ghi chép lại trong Kinh thánh. Tên của hắn là Sariel, thiên sứ tuyệt vọng, là một thiên sứ Samele có ý nghĩa tiêu biểu nhất.
Thiên sứ Samele.
Tố Diệp từng nghe Tố Khải nhắc tới.
Tim cô chợt lạnh buốt. Cô lập tức gọi điện thoại cho Tố Khải. Câu đầu tiên chính là: Chị nghĩ chị biết em nên điều tra theo phương hướng nào rồi. Chuyện này có liên quan đến Samele. Quan trọng là, suy nghĩ trước đây của em là chính xác. Có lẽ Samele không phải là một người, mà đó là tên gọi của một tổ chức. Có lẽ có vài người cùng lập nên tổ chức tên là “thiên thần Samele”.
Tố Khải bàng hoàng, bảo cô nói kỹ hơn.
Tố Diệp tập hợp lại từ đầu tới cuối những thông tin cô thu thập được, nội dung của mấy trang trong Kinh thánh, bức tranh mua ở Nam Phi còn cả tài liệu liên quan tới Sariel, sau đó chuyển hết cho Tố Khải. Cô còn đặc biệt nhấn mạnh, hình vẽ mà họ nhìn thấy hai lần vừa qua không phải là đồ đằng, mà là biểu tượng của Sariel.
Tố Khải nhận được rất nhanh.
Cuối cùng, Tố Diệp hỏi Tố Khải: “Em suy nghĩ kỹ chưa? Một khi em tiếp tục điều tra vụ án này, tức là em sẽ phải trở lại hang ổ của bọn chúng.”
Tố Khải im lặng giây lát, một lúc sau cố gắng nói bằng giọng thoải mái: “Em cũng không thể để những người dân vô tội như chị nộp thuế vô ích chứ?”
Tố Diệp thở dài, không nói gì nữa.
Trời vừa tờ mờ sáng, ngoài cửa sổ bỗng đổ mưa. Cơn mưa lộp bộp đánh vào ổ cửa sổ thủy tinh, thể hiện sức sống của mẹ tự nhiên.
Tố Diệp không bị đánh thức bởi tiếng mưa, mà là tiếng chuông điện thoại.
Cô hẵng còn lơ mơ ngủ, nửa tỉnh nửa mê. Trong mơ màng, cô nghe thấy có tiếng chuông điện thoại, bèn giơ tay lên sờ soạng, một nửa khuôn mặt vẫn vùi vào trong chăn, áp di động lên tai.
“Mấy ngày này Giang Tô lạnh đi, em mang thêm hai bộ quần áo ấm nhé.”
Êm đềm như tiếng đàn vĩ cầm réo rắt bên tai, thân thuộc và dễ nghe.
“Ừm…” Cô đang say ngủ, kéo dài một âm từ trong mũi ra.
“Nghe thấy chưa đấy?” Đầu kia rất kiên nhẫn.
Tố Diệp bị làm phiền cảm thấy bực bội, cứ tưởng vẫn còn đang trong mơ. Cô lật người, ôm chiếc gối trong lòng, mơ hồ nói: “Aiya Bách Ngạn… Anh đừng làm phiền em ngủ nữa! Người ta buồn ngủ lắm, anh dọn đồ giúp em đi!”
Đầu kia lặng im.
Tố Diệp lẩm bẩm một câu: “Em còn muốn ăn bánh quẩy…”
Sau đó ngón tay cô thả lỏng. Chiếc điện thoại trượt từ trên tai xuống. Cô lại ngủ thiếp đi.
…
Năm giờ sáng, trong phòng nghỉ của Tinh Thạch.
Niên Bách Ngạn vừa cạo râu xong đang đứng đờ người ra trước gương. Anh vẫn còn cầm di động trong tay. Rất lâu sau, anh mới cúi đầu xuống, nhìn vào cái tên thân mật “Bảo bối” trên di động, cười khẽ một cách bất lực.
Ngắt máy xong, anh nhanh chóng rửa sạch kem cạo râu, lau mặt sạch sẽ rồi vận áo sơ mi vào. Ra khỏi phòng nghỉ, anh bèn ấn máy bàn: “Hứa Đồng! Lập tức sắp xếp tài xế tới công ty đón tôi!”
Hứa Đồng ngỡ ngàng: “Bây giờ ạ?”
“Đúng, bây giờ!”